Chính trị - Xã hội

Tôn vinh chiến công thầm lặng của Tàu rà phá thủy lôi T5

TĐKT - Chiều 25/8, tại Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức Giao lưu - Tọa đàm "Nhân chứng lịch sử công trình Tàu rà phá thủy lôi T5 cùng thế hệ trẻ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam" với chủ đề "Một kỳ tích - Một chiến công thầm lặng". Đây là  hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 61 năm ngày thành lập Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, 72 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Buổi Giao lưu - Tạo đàm nhằm ôn lại những chiến công của thế hệ cha anh là những kỹ sư, công nhân đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và điều khiển công trình Tàu rà phá thủy lôi T5 điều khiển từ xa bằng vô tuyến điện, góp phần vào chiến công vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các nhân chứng lịch sử ôn lại những chiến công của Tàu rà phá thủy lôi T5 Trong suốt 61 năm qua, quá trình phát triển của ngành Đường thủy nội địa luôn gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc và truyền thống đi trước mở đường của ngành Giao thông vận tải Việt Nam, đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Vào 17h45 phút ngày 26/8/1972 cách đây  45 năm, công trình Tàu rà phá thủy lôi T5 đã phá nổ quả bom đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong việc phá tan âm mưu phong tỏa đường sông, đường biển bằng các loại bom, thủy lôi từ trường, nhằm ngăn chặn giao lưu của tàu biển nước ngoài vào nước ta và khống chế vận tải đường sông trong nước của đế quốc Mỹ. Thành công này không những là dấu son lịch sử oanh liệt, mà còn bổ sung vào kho tàng vũ khí của nhân dân ta một sản phẩm kết tinh trí tuệ Việt Nam. Năm 1998, công trình nghiên cứu này đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhiều cán bộ tham gia nghiên cứu, chế tạo và điều khiển Tàu rà phá thủy lôi T5 là các nhân chứng lịch sử trong buổi Giao lưu - Tọa đàm hôm nay đã được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Qua buổi Giao Lưu - Tạo đàm, những câu chuyện hết sức gần gũi nhưng có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc của các nhân chứng lịch sử đã khiến cho thế hệ trẻ ngành Đường thủy nội địa càng thêm khâm phục trước ý chí vượt khó, sự sáng tạo của thế hệ cha anh đi trước, tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Đường thủy nội địa Việt Nam qua các thời kỳ. Phát biểu tại chương trình, ông Hoàng Hồng Giang, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhấn mạnh: ngày nay, ngành Đường thủy nội địa đang quyết tâm, quyết liệt triển khai tái cơ cấu vận tải nhằm phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, điều chỉnh cơ cấu, thị phần vận tải; tăng cường kết nối các phương thức vận tải thủy với các phương thức vận tải khác, trong đó chú trọng đến kết nối về kết cấu hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải đường thủy nội địa; đẩy mạnh phát triển vận tải logictics, từng bước tiến tới hiện đại ngành Giao thông vận tải góp phần đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Cục trưởng Hoàng Hồng Giang hy vọng  buổi Giao lưu - Tọa đàm này sẽ góp phần thiết thực vào việc định hướng tư tưởng, từ đó hình thành “lý tưởng, lối sống” lành mạnh cho đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Để mỗi viên thanh niên, thế hệ trẻ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam không chỉ nhận thức mà là hành động, cống hiến cho ngành, cho đất nước; dám ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ; không ngừng trau dồi đạo đức và tri thức để đáp ứng những đòi hỏi trong thời kỳ đổi mới. Phương Thanh

Thúc đẩy sáng tạo khoa học, công nghệ tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 23/8, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) và Hiệp hội thúc đẩy sáng chế Hàn Quốc (KIPA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc thực hiện thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ tại Việt Nam. Theo thỏa thuận hợp tác, Quỹ VIFOTEC sẽ là đơn vị đầu mối của Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học công nghệ Seoul - Hàn Quốc (SIIF) diễn ra vào tháng 11 tới. Do đó, các thủ tục đăng ký tham gia Triển lãm quốc tế SIIF phải được thực hiện thông qua Vifotec.  KIPA sẽ hỗ trợ VIFOTEC trong việc quảng bá,  hỗ trợ các tác giả của phía Việt Nam.  VIFOTEC sẽ hướng dẫn các tác giả đăng ký tham gia triển lãm,  quảng bá các tài liệu về triển lãm như tờ rơi,  tập quảng cáo,  áp phích.  VIFOTEC nhận đơn đăng ký tham gia từ phía Việt Nam, thành lập đoàn đi tham quan tại Seoul Hàn Quốc.   TS Lê Xuân Thảo – Phó Chủ tịch thường trực Quỹ VIFOTEC và TS. Lee Joon Seok Chủ tịch KIPA ký thỏa thuận hợp tác Tại buổi ký kết, Tọa đàm “Quản lý và hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ” cũng diễn ra với nhiều nội dung trao đổi sôi nổi. Trong bài diễn thuyết “Quản lý và hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ”,  Chủ tịch Hiệp hội thúc đẩy sáng chế KIPA, TS. Lee Joon Seok cho rằng, quản lý sở hữu trí tuệ là thông qua đó để tăng năng lực cạnh tranh và đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp. Sở hữu trí tuệ là tài sản kinh doanh quan trọng nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát triển công nghệ dựa trên nền tảng sở hữu trí tuệ và tích cực sử dụng các tài sản sở hữu trí tuệ. Theo ông, trong thời gian tới, Việt Nam cần mở rộng quy mô giao dịch, trao đổi sáng chế ra thị trường quốc tế. TS Lê Văn Tri, Công ty BIFI,  là một trong những người có nhiều sáng chế đăng ký nhất ở Việt Nam hiện nay (21 sáng chế) chia sẻ: ở Việt Nam, có một sáng chế đã rất khó, nhưng việc đăng ký bản quyền cho sáng chế đó cũng không kém phần khó khăn. Đặc biệt, định giá sáng chế ở Việt Nam là điều cực kỳ khó. Để mọi người quan tâm đến sáng chế của mình chỉ bằng cách tập trung phát triển thương hiệu mà có sử dụng ứng dụng sáng chế đó. Chiều cùng ngày, đại diện VIFOTEC và KIPA đi tham quan Công ty BIFI của TS Lê Văn Tri tại 814 Láng Hạ và xưởng sản xuất ở khu công nghiệp Nam Từ Liêm, là những địa điểm đang áp dụng những sáng chế vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả tiêu biểu của Việt Nam. Mai Thảo

Khai mạc Hội nghị khoa học và triển lãm Răng Hàm Mặt Quốc tế lần thứ 10

TĐKT - Sáng 23/8, tại Cung Hữu nghị Hà Nội, Hội Răng Hàm Mặt (RHM) Việt Nam phối hợp Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội tổ chức khai mạc Hội nghị khoa học và triển lãm RHM Quốc tế lần thứ 10 (VIDEC 10), với sự hỗ trợ của Liên đoàn Nha khoa thế giới FDI. Đây sự kiện nha khoa thường niên lớn nhất ở Việt Nam và cũng là sự kiện có uy tín quốc tế lớn. Tới dự Lễ khai mạc, có: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên. Lễ khai mạc Hội nghị khoa học và triển lãm RHM Quốc tế lần thứ 10 Hội nghị lần này có 80 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, được trình bày tại 4 hội trường trong 3 ngày liên tiếp, chia sẻ và cập nhật các kiến thức mới, các kỹ thuật tiên tiến hiện đại thuộc nhiều lĩnh vực trong ngành RHM: cấy ghép nha khoa, nắn, chỉnh răng, phẫu thuật miệng - hàm - mặt, phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm, nha khoa phục hồi, nha khoa thẩm mỹ, nha khoa dự phòng… Cũng tại Hội nghị này, có “Diễn đàn VIDEC 2017” với sự tham dự của lãnh đạo ngành nha khoa các nước, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác vì sức khỏe cộng đồng khu vực Châu Á. Thầy thuốc nhân dân, GS. Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội RHM Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thầy thuốc nhân dân, GS. Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội RHM Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị nhấn mạnh:  với nhiều chuyên đề cập nhật và chọn lọc, Hội nghị sẽ giúp tăng cường chất lượng mạng lưới RHM để sao cho mỗi người dân trong cộng đồng có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, được điều trị các bệnh răng miệng thông thường với kỹ thuật tốt. Tăng cường điều kiện cho các cơ sở RHM để có thể giữ người bệnh điều trị trong nước với các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, thay vì phải để người bệnh ra nước ngoài điều trị rất tốn kém. Đồng thời, tăng cường công tác dự phòng, góp phần tăng cường sức khỏe răng miệng cho trẻ em và cộng đồng. Triển lãm Nha khoa Quốc tế thu hút sự quan tâm của nhiều người Bên cạnh chương trình khoa học là Triển lãm Nha khoa Quốc tế với trên 280 gian hàng của trên 110 công ty, giới thiệu các sản phẩm nha khoa tiên tiến và hiện đại của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Phương Thanh – Hồng Thiết

Tăng cường công tác phòng, chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC

TĐKT - Chiều ngày 22/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác phòng, chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC”. Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cầu với 10,4 triệu người mới mắc và 1,8 triệu người chết do lao năm 2015. Trong đó, 58% bệnh nhân lao thuộc khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia trong khu vực APEC thuộc top 3 quốc gia có số bệnh nhân lao cao nhất, chiếm 20% tổng số bệnh nhân lao toàn cầu. Vấn đề lao kháng thuốc được coi là vấn đề đe dọa an ninh y tế toàn cầu. Hiện nay có đến 3,9% số bệnh nhân lao mới phát hiện và 21% số bệnh nhân lao đã từng điều trị mắc lao đa kháng với số tuyệt đối được ước tính là 580.000 người, riêng Trung Quốc đã có 70.000 người. Hiện nay mới chỉ có 1/5 bệnh nhân lao kháng thuốc được tiếp cận với điều trị, còn lại hoặc tử vong hoặc tiếp tục là nguồn lây lan ra cộng đồng.     Hội nghị “Tăng cường công tác phòng, chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC” Tháng 5 năm 2014, Đại hội đồng Y tế Thế giới đã phê duyệt Chiến lược kết thúc bệnh lao trên toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã đặt ra chỉ tiêu kết thúc bệnh lao và không để ai bị bỏ lại phía sau được phê duyệt của Liên hiệp quốc năm 2015 cho thấy rõ chúng ta không chấp nhận tình hình bệnh lao như hiện nay. Vấn đề áp dụng các công cụ đang có vào kiểm soát bệnh lao ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào 4 yếu tố: cam kết chính trị, đổi mới công nghệ, tiếp cận hợp lý và đầu tư thỏa đáng. Trong đó cam kết chính trị là yếu tố quan trọng nhất. Diễn đàn APEC là một cơ hội tốt nhất để vận động các nhà hoạch định chính sách, những người đứng đầu Chính phủ, bộ, ngành Y tế quan tâm sâu sắc tới vấn đề hết sức nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, có nguy cơ tử vong cao và lây lan nguy hiểm.   Tổ chức hội nghị với tiêu đề "Thúc đẩy hành động phòng, chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC" sẽ mang lại lợi ích to lớn, gây được sự chú ý của các nhà lãnh đạo nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cho các quốc gia thành viên. Hội nghị nhằm đạt 3 mục tiêu: chia sẻ các bằng chứng khoa học và thực tiễn mang tính chiến lược làm tiền đề cho tiến trình kết thúc bệnh lao; thách thức và cơ hội của các giải pháp khoa học, công nghệ trong kiểm soát lao và lao kháng thuốc hiện nay; đồng thuận về cam kết chính trị, chính sách xã hội, khung hợp tác và trách nhiệm giải trình đa ngành của các nền kinh tế cho kết thúc bệnh lao trong khu vực APEC. Hồng Thiết  

Bộ Tài chính có quy chế phát ngôn mới

TĐKT- Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 1617/QĐ-BTC ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tài chính. Quy chế này nhằm thực hiện những quy định mới trong Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, thay thế cho Quy chế đã được Bộ Tài chính áp dụng từ cuối năm 2011. Theo Quy chế mới, người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tài chính gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính; 1 Thứ trưởng được Bộ trưởng giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Người được ủy quyền phát ngôn gồm các Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính hoặc người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề liên quan. Trong trường hợp các cơ quan báo chí đăng, phát không chính xác nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn đã phát ngôn, người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có quyền ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án. Bộ Tài chính cũng quy định rõ những trường hợp đột xuất, bất thường mà người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phải kịp thời cung cấp thông tin.  Cụ thể: trường hợp xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận. Khi có căn cứ xác định rõ báo chí đăng, phát thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do Bộ Tài chính quản lý, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó đăng, phát ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật. Cũng theo Quy chế này, người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn được nhân danh đại diện Bộ Tài chính hoặc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Tài chính về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí. Hồng Thiết

Hỗ trợ đoàn viên công đoàn trong tiêu dùng thực phẩm sạch

TĐKT - Sáng 18/8, tại Hà Nội, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để hỗ trợ giá cho đoàn viên công đoàn và khai trương Trung tâm phân phối nông sản, thực phẩm an toàn, nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn. Theo đó, tất cả đoàn viên công đoàn có thẻ đoàn viên đều được mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo với mức giảm giá từ 5-20% của  52 đơn vị công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, các đơn vị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã ký cam kết hỗ trợ giá, được bày bán tại Trung tâm xúc tiến Thương mại nông nghiệp 489 Hoàng Quốc Việt – Hà Nội hoặc ở các chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp trên toàn quốc. Hầu hết, đó là những mặt hàng thiết yếu, có mặt trong các bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình; có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe con người và sự phát triển giống nòi. Công đoàn viên mua hàng tại Trung tâm phân phối nông sản, thực phẩm an toàn Mô hình này sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn ngành nông nghiệp nói riêng, người tiêu dùng cả nước nói chung tiếp cận thêm một kênh phân phối, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm có địa chỉ rõ ràng, đảm bảo an toàn. Đồng thời, đây là hoạt động thiết thực nhằm tạo sự gắn bó, tin tưởng giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Qua đó, hiện thực hóa chủ trương “Năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm”  2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị quyết lần thứ 9 Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI về “Năm vì lợi ích đoàn viên” 2017. Tại buổi ký kết, Trung tâm phân phối nông sản, thực phẩm an toàn đã chính thức khai trương tại tầng 1 Khu Hội chợ triển lãm số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Mai Thảo

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các tỉnh Bắc Trung Bộ

TĐKT - Ngày 18/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đến dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Giám đốc Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ TS Hà Văn Thuý và đại diện Ngân hàng Thế giới (WB). Toàn cảnh Hội nghị Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hỗ trợ hệ thống y tế 6 tỉnh Bắc Trung Bộ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) và y tế dự phòng (YTDP), đặc biệt là ở tuyến huyện, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân có khó khăn về kinh tế, góp phần nâng cao sức khoẻ của nhân dân trong vùng. Với mục tiêu đó, Dự án đã tập trung hỗ trợ cho hệ thống cung ứng dịch vụ y tế để nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ đồng thời hỗ trợ để người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận đến các dịch vụ y tế. Cụ thể: hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và y tế dự phòng tuyến huyện thông qua cung cấp trang thiết bị y tế; hỗ trợ để phát triển và triển khai tốt các chính sách bảo hiểm y tế cho người cận nghèo... Hỗ trợ kinh phí cho người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, với mục tiêu đầu ra là đến cuối dự án sẽ có khoảng 40% người cận nghèo được Dự án hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Ngay từ năm đầu tiên triển khai, Dự án đã vượt mục tiêu đề ra, cụ thể: năm 2014, khoảng 70% người cận nghèo được Dự án hỗ trợ mua thẻ  BHYT; năm 2015 là 65%. Nhờ đó đã nâng tỷ lệ bao phủ BHYT cho người cận nghèo toàn vùng lên trên 90%. Mặt khác, để khuyến khích các cộng tác viên vận động người cận nghèo mua thẻ BHYT, năm đầu dự án hỗ trợ 2% mệnh giá thẻ BHYT cho các đối tượng này thông qua hệ thống BHXH địa phương. Nhờ có nhiều giải pháp tích cực nên người cận nghèo được hỗ trợ mua BHYT và độ bao phủ BHYT cho người cận nghèo rất cao mà chi phí truyền thông thấp. Tính từ khi thành lập đến cuối tháng 12/2016, dự án đã giải ngân được 62.592.056 USD, trong đó vốn WB đã giải ngân được 59.803.829 USD đạt 98,14% tổng số vốn WB. Theo Giám đốc Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ TS Hà Văn Thuý cho biết: Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ là một trong số các dự án với những hoạt động thiết thực, có chiến lược phù hợp, định hướng chính sách và can thiệp phù hợp với thực tế yêu cầu và năng lực triển khai của các địa phương. Trong suốt quá trình hơn 6 năm triển khai, Dự án không cần có những điều chỉnh lớn về thiết kế, chỉ có một số điều chỉnh nhỏ để phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế, đảm bảo Dự án triển khai hiệu quả hơn. Hơn hết, Dự án được triển khai đúng kế hoạch, kết thúc đúng thời gian quy định mà không cần gia hạn; đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra cho Dự án; tỷ lệ giải ngân gần 100%. Kết quả đạt được của Dự án hỗ trợ y tế cho các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ là nền tảng để thực hiện các dự án tiếp theo. Tại Hội nghị tổng kết, lãnh đạo Bộ Y tế đã khen thưởng 12 đơn vị đã có thành tích trong quá trình thực hiện Dự án. Hồng Thiết

Dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp

TĐKT - Chiều tối 17/8, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã tổ chức họp với Sở Y tế Hà Nội và chỉ đạo thực hiện các giải pháp khống chế dịch bệnh. Đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội trong gần 8 tháng qua đã ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.   Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp khẩn về dịch sốt xuất huyết Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô có dấu hiệu chững lại. Tuần qua, toàn thành phố phát hiện 3.440 bệnh nhân sốt xuất huyết, giảm 7 trường hợp so với tuần trước đó. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 17.400 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều nhất so với số ca mắc cả năm của 10 năm trở lại đây. 7 bệnh nhân trong số đó đã tử vong. Đến nay, Hà Nội đã huy động 25 máy phun công suất lớn trên ô tô, 10 máy phun mù nóng, 180 máy phun đeo vai để phun hóa chất diệt muỗi nhằm phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Các quận, huyện của thành phố đã thành lập 26.038 đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63.000 nghìn người tham gia, đã xử lý hơn 210.000 dụng cụ chứa nước có bọ gây. Tuy nhiên, 12 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội nhận định: hoạt động của các đội xung kích ở các địa phương chưa hiệu quả. Trưởng Khoa Côn trùng và Động vật y học, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Trần Vũ Phong cho biết, mật độ muỗi có dấu hiệu giảm sau khi phun hóa chất nhưng các ổ bọ gậy vẫn còn nhiều và rất khó tìm; có gần 97% dụng cụ chứa nước đọng ở các nghĩa trang có chứa ổ bọ gậy. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, các cơ sở y tế không để bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép, không truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân có chỉ định truyền dịch thì phải nằm viện không được cho về nhà. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu sâu hơn về sự gia tăng của vi rút truyền bệnh. TP Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi của người dân cũng như phổ biến các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt, Hà Nội cần quyết tâm hơn trong việc phun hóa chất trên diện rộng bằng máy công suất lớn trên xe ô tô, kết hợp máy đeo vai vào từng nhà dân. Cơ bản nhất vẫn là thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy, phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước. Về điều trị bệnh nhân, dứt khoát phải phân loại bệnh, không cần thiết thì không cho nhập viện để tránh lây chéo, tránh quá tải. Hồng Thiết

Tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ

TĐKT - Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017). Chủ trì Hội nghị, có: Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ của Bộ Quốc phòng. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, thông qua nhiều hình thức, biện pháp phong phú, thiết thực. Các cá nhân được tặng Bằng khen của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Bộ Quốc phòng đã chủ trì nghiên cứu, trình Ban Bí thư đề án về chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng... Các cơ quan, đơn vị chủ động, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương huy động được nhiều nguồn lực, nhất là sự đóng góp sức người, sức của của bộ đội trong các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Toàn quân đã xây dựng gần 1.500 căn nhà tình nghĩa, đạt gần 300% so với kế hoạch; hơn 1.000 căn “nhà đồng đội”, “ngôi nhà 100 đồng”, nhà “mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội”; phụng dưỡng hơn 1.900 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các đơn vị từ cấp sư đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt, tặng quà người có công trên địa bàn và thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội với số tiền gần 268 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, số tiền hơn 19 tỷ đồng. Các đơn vị tạo việc làm cho 31 con liệt sĩ, 121 con thương binh; thẩm định 218 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập 1.833 hài cốt liệt sĩ. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân đóng góp hơn 38.000 ngày công; hỗ trợ hơn 65 tỷ đồng xây dựng, tu sử, tôn tạo hơn 80 công trình ghi công liệt sĩ... Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ đã góp phần giáo dục, khẳng định công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước; ý chí bất khuất chống giặc ngoại xâm. Đồng thời, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tăng cường niềm tin của đối tượng chính sách và toàn dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội; củng cố, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Tại Hội nghị, 154 tập thể, 161 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; 1 tập thể, 13 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong đợt thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn, đáp nghĩa”, tham mưu chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ. Phương Thanh

Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư Hà Nội

TĐKT - Ngày 17/8, Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thành niên nhập cư Hà Nội”. Dự án do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ thông qua Tổ chức Plan International, triển khai tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư (độ tuổi 18 - 30) ở khu vực thành thị bằng cách cung cấp các kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, tăng cơ hội việc làm bền vững (theo định nghĩa của Tổ chức lao động quốc tế ILO). Theo cuộc điều tra tháng 5/2017 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện đang tồn tại một tình trạng khá phổ biến là công nhân lao động độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là nữ công nhân, phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Họp báo giới thiệu dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thành niên nhập cư Hà Nội” Theo kết quả một cuộc điều tra khác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% công nhân làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán hàng nước, 12,1% làm công việc tự do. Theo kết quả khảo sát với nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) do các đơn vị triển khai dự án tiến hành vào tháng 11/2016, hơn 80% số người tham gia khảo sát cho biết công việc hiện nay mang tính thủ công không giúp họ có một nghề ổn định sau khi nghỉ việc; 53,3% số được hỏi cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn; 75% trong tổng số tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn được bắt đầu công việc kinh doanh để ổn định thu nhập. Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” mang đến các cơ hội tham gia các khóa đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, kết nối việc làm và tự kinh doanh, giúp các nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư hiện đang sinh sống tại huyện Đông Anh có việc làm bền vững.  Bên cạnh đó, các điểm tư vấn sẽ được thành lập để cung cấp thông tin, tư vấn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư giảm thiểu nguy cơ bạo lực giới và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Đồng thời, dự án còn thúc đẩy việc thành lập mạng lưới doanh nghiệp cam kết việc làm bền vững và bình đẳng giới cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư. Dự án kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của toàn thể người dân, các chủ nhà trọ tại huyện Đông Anh, các doanh nghiệp sử dụng lao động chung tay xây dựng môi trường sống, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng, không kỳ thị với nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư, từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư trên địa bàn thành phố.   Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; 800 người được đào tạo tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc; 590 người được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo; 100 người được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện. Dự án sẽ do Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe, cộng đồng - Ánh sáng (LIGHT) và tổ chức Plan International Việt Nam triển khai tại huyện Đông Anh, Hà Nội từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2019. Mai Thảo

Trang