Họp báo Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017 - 2022
TĐKT - Chiều 13/11, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp báo về việc tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Ban tổ chức chia sẻ thông tin với báo chí Đại hội sẽ chính thức diễn ra từ ngày 21/11 - 22/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, với sự tham dự của 1250 đại biểu gồm Chư tôn đức Hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh, Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng ni, Cư sĩ thành viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); đại biểu các ban, viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại biểu tăng ni, phật tử Việt Nam ở hải ngoại. Với chủ đề "Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển", Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII là một sự kiện quan trọng nhằm thực hiện các nhiệm vụ: tổng kết công tác phật sự của GHPGVN nhiệm kỳ VII (2012 - 2017); thảo luận chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022); thông qua sửa đổi Hiến chương lần thứ VI; suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) và một số phật sự quan trọng khác. Đại hội diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, GHPGVN trải qua 36 năm trưởng thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu phật sự quan trọng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ VII (2012 - 2017). Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, hoàn thành việc thành lập tổ chức Giáo hội tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động phật sự, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác phật sự của các ban, viện trung ương. GHPGVN đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung hoằng pháp và hội thảo khoa học, nổi bật là Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (7/5 - 11/5/2014) tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Trong nhiệm kỳ qua, GHPGVN đã thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Angola, Mozambique...; củng cố Hội Phật tử Việt Nam tại Lào và Campuchia, kết nối và mời về thăm Việt Nam các chư tăng của hệ phái Phật giáo Việt tông đang trụ trì 2 ngôi chùa Việt Nam tại Thái Lan. Công tác từ thiện, xã hội, chăm lo an sinh cho cộng đồng đạt hơn 6000 tỷ đồng là những thành tựu phật sự nổi bật trong nhiệm kỳ qua. Nguyệt HàChính trị - Xã hội
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam
TĐKT – Sáng 10/11, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm hoạt động của Hội (2014 – 2017). Ngày 11/9/2014, Bộ Nội vụ ra quyết định số 949/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Mục đích hoạt động của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên, kết nối các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần đảm bảo an toàn và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn Sau 3 năm, Hội luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình và đã đạt được những kết quả tích cực, được lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các địa phương, đối tác trong và ngoài nước tin tưởng, đánh giá cao. Hội đã đẩy mạnh công tác vận động và phát triển tổ chức tại các địa phương ở vùng trọng điểm ô nhiễm bom mìn: Đà Nẵng, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Bình, TP Cần Thơ. Đến nay, Hội đã vận động và kết nạp được gần 1500 hội viên tham gia sinh hoạt tại Hội và 18 chi hội khác nhau trên cả nước. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung, hình thức phong phú: tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; tuyên truyền vận động các nhà tài trợ trong nước và quốc tế chung tay, góp sức hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam… Trong 3 năm qua, Hội đã tiến hành 16 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn trên địa bàn 16 lượt tỉnh, thành phố từ nguồn Quỹ Hội và tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Theo thống kê, tổng số nạn nhân bom mìn đã được hỗ trợ sinh kế là 462 người. Ngoài ra, Hội cũng kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đột xuất tới các gia đình nạn nhân bị tai nạn bom mìn đột xuất với số tiền hàng trăm triệu đồng, góp phần quan trọng động viên, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình họ vượt qua khó khăn. Bằng những việc làm hiệu quả và thiết thực, Hội đang dần khẳng định được uy tín, niềm tin và từng bước trở thành một địa chỉ tin cậy, là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với những nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống. Phương ThanhTriển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017
TĐKT – Sáng 9/11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 (từ ngày 10/11 - 10/12). Gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 Mục tiêu của tháng hành động trên nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và hướng tới các mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng. Trước đó, Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Cùng với đó, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Đặc biệt mở rộng xét nghiệm HIV sớm để phát hiện người nhiễm mới HIV nhằm đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 tập trung vào chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm – Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Trong các mục tiêu trên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong tháng hành động này, sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú: tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, các gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV… Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2017 sẽ được tổ chức tập trung tại cấp bộ, ngành và tỉnh/thành phố. Minh PhươngTĐKT - Chiều 8/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về văn bản, quy định mới liên quan đến Bảo hiểm y tế.
Đại diện Bộ Y tế cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí
Gói dịch vụ y tế cơ bản (DVYTCB) được xây dựng nhằm đảm bảo mọi người dân đều được sử dụng dịch vụ y tế (DVYT) khi có nhu cầu, không phân biệt giữa các nhóm đối tượng, không phụ thuộc vào khả năng chi trả, đáp ứng được khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách nhà nước; đảm bảo quyền lợi cho số đông để hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe (CSSK) toàn dân.
Gói DVYTCB này cũng sẽ là cơ sở để đầu tư, phân bổ nguồn lực một cách hợp lý nhằm đảm bảo mọi cơ sở y tế đều phải cung cấp được một cách đầy đủ các DVYT cơ bản, có chất lượng cho người dân cũng như đảm bảo tính minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình trong cung ứng dịch vụ và sử dụng quỹ BHYT.
Theo Bộ Y tế, gói DVYTCB được xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng và được đảm bảo để có thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản này một cách đầy đủ và có chất lượng.
Gói DVYTCB bao gồm: “Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ CSSK ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe”.
Trong đó, “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” gồm các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được cung ứng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y. “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ CSSK ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe” gồm các dịch vụ thiết yếu được cung ứng tại trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Gói DVYTCB cho các dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho các dịch vụ dự phòng và nâng cao sức khỏe cơ bản thông qua các chương trình y tế quốc gia, một số dịch vụ do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi sự nghiệp y tế, hoặc từ nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Theo số liệu thống kê, 70% người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh ở tuyến huyện và xã. Để gói DVYTCB được cung ứng một cách có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và thực hiện mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân, cần phải ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực cho y tế cơ sở nói chung, và đặc biệt là trạm y tế xã.
Việc đầu tư cho y tế cơ sở cần phải toàn diện, bao gồm: đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo đội ngũ nhân lực y tế; phân bổ kinh phí một cách tương xứng, đồng thời với việc áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ y tế phù hợp để khuyến khích trạm y tế xã cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách hiệu quả.
Cũng theo Bộ Y tế, việc xây dựng gói DVYTCB trên cơ sở hướng tới tiếp cận cộng đồng, chú trọng cung ứng dịch vụ CSSK ban đầu, trong đó mở rộng các dịch vụ cơ bản cho tuyến xã sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người dân do sẽ được sử dụng các dịch vụ y tế đa dạng hơn và có chất lượng hơn ngay tại cộng đồng. Gói DVYTCB cũng là cơ sở để xác định nhu cầu và thực hiện đầu tư nâng cao năng lực cho cơ sở y tế, đảm bảo tất cả các cơ sở y tế phải có đủ khả năng để cung ứng các DVYTCB một cách có chất lượng.
Mọi người dân khi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã. Việc xây dựng gói DVYTCB cũng sẽ có tác dụng làm tăng cường trách nhiệm của các bên trong đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Tăng cường năng lực trạm y tế xã sẽ đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh viện, giảm chi phí y tế cho hộ gia đình cũng như toàn xã hội và đảm bảo công bằng trong CSSK toàn dân.
Hồng Thiết
Đào tạo nghề chế biến rang, xay và pha chế cà phê sạch cho sinh viên
TĐKT – Sáng 8/11, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Công thương và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề chế biến rang, xay và pha chế cà phê sạch. Ông Trần Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm giới thiệu về chương trình đào tạo Theo đó, từ năm học 2018 – 2019, Trường Cao đẳng Công thương sẽ triển khai chương trình đào tạo nghề chế biến rang, xay và pha chế cà phê sạch cho sinh viên ngành du lịch và ngành quản trị khách sạn. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm sẽ cử chuyên gia sang phối hợp với nhà trường để đào tạo cho sinh viên. Khóa đào tạo sẽ gói gọn trong 8 buổi với các nội dung lý thuyết và thực hành. Ở phần lý thuyết, học viên sẽ được học tổng quan về cà phê, lịch sử ra đời cà phê trên thế giới và vị thế của cà phê Việt Nam, hiểu biết về cà phê tại Việt Nam, chuẩn chất lượng cà phê; công nghệ chế biến sau thu hoạch; cách phân biệt, lựa chọn hạt cà phê… Ở phần thực hành, học viên sẽ được học các phương pháp chế biến, rang, xay cà phê; phương pháp ủ cà phê; phương pháp phối trộn để phát huy tối đa hương vị của cà phê; phương pháp để tạo một ly cà phê ngon; phương pháp bảo quản, đóng gói cà phê. Phía doanh nghiệp sẽ trang bị thiết bị, máy móc hỗ trợ cho học viên thực hành. Đại diện Trường Cao đẳng Công thương và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm ký kết thỏa thuận hợp tác Ông Lê Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương cho biết: trường sẽ sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai chương trình đào tạo nghề. Hi vọng sau này có thể đưa nội dung này thành một học phần trong chương trình đào tạo chính quy của nhà trường. Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Trần Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Văn hóa Đồng Tâm nhận định: hiện nay, Việt Nam là nước đứng trong tốp đầu thế giới về sản lượng cà phê, nhưng chất lượng cà phê Việt Nam chỉ đứng thứ 6. Vì chạy theo lợi nhuận, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại “cà phê bẩn” lẫn tạp chất, gây tổn hại đến sức khỏe của con người. Việc chế biến ra một sản phẩm “sạch” là khẳng định tính chuyên nghiệp, đạo đức và trách nhiệm của nhà sản xuất. Chúng tôi mong muốn thông qua khóa đào tạo, có thể giúp cho học viên nắm vững kiến thức, hiểu biết về cách phân loại cà phê, công nghệ chế biến, rang xay, pha chế cà phê sạch, công nghệ, bí quyết bảo quản cà phê của phương Đông và của Việt Nam. Từ đó, học viên có đủ tự tin và nắm vững ngành nghề để có thể sản xuất, chế biến cà phê sạch, góp phần tôn vinh giá trị của hạt cà phê Việt Nam. Phương ThanhNgày An toàn thông tin Việt Nam 2017: "An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới"
TĐKT - Sáng 7/11, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Quốc phòng) tổ chức gặp mặt báo chí Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2017. Gặp mặt báo chí Ngày ATTT Việt Nam 2017 Hội thảo quốc tế Ngày ATTT Việt Nam 2017 là một trong những sự kiện quan trọng và nổi bật nhất trong lĩnh vực ATTT tại Việt Nam năm 2017, có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), ATTT Việt Nam và nhiều tập đoàn lớn về CNTT hàng đầu trên thế giới. Dự kiến sẽ có khoảng 500 khách mời là các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia về an ninh thông tin, ATTT tham dự Hội thảo. Năm nay, Ngày ATTT Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Nói cách khác, đó là sự bắt đầu của thời kỳ các sản phẩm thông minh, ứng dụng, dịch vụ thông minh và hệ sinh thái dịch vụ thông minh.... Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm ATTT sẽ phải đối mặt với thách thức lớn và phải có sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế phát triển trong lĩnh vực CNTT - truyền thông. ATTT cũng phải dựa trên “công nghệ thông minh” mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội. Đó cũng là chủ đề chính của Ngày ATTT Việt Nam 2017: “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới’’. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin quốc gia đòi hỏi sự phối hợp thống nhất và vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội. Bởi vậy, giai đoạn hiện nay, sự điều phối của Nhà nước ở tầm quốc gia về an toàn, an ninh, thông tin mạng là hết sức cần thiết. Vấn đề thời sự này sẽ được đề cập tại Hội thảo. Tại Hà Nội, Hội thảo được tổ chức vào ngày 1/12, với các phiên: khai mạc toàn thể; 2 phiên chuyên đề: "Đảm bảo ATTT theo cấp độ" và "ATTT cho thành phố thông minh". Đáng chú ý, tại phiên khai mạc, VNISA sẽ trình bày "Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng ATTT tại Việt Nam năm 2017" và công bố Chỉ số ATTT Việt Nam 2017. Bên cạnh đó, Cục ATTT của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo về những chính sách, quy định quản lý mới của Nhà nước trong lĩnh vực ATTT để tiếp tục đưa Luật ATTT mạng vào cuộc sống. Tại phiên khai mạc, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả đánh giá sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu "Sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2017" và "Dịch vụ ATTT tiêu biểu năm 2017". Song hành cùng Hội thảo là khu Triển lãm với hơn 20 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, trình diễn các sản phẩm, công nghệ an toàn thông tin tiên tiến nhất. Điểm đặc biệt, tại khu vực này, nhiều dịch vụ ATTT cũng được giới thiệu một cách trực quan. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động khác được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTT, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về ATTT và khuyến khích quảng bá việc ứng dụng, phát triển CNTT: Cuộc thi quốc gia Sinh viên với ATTT năm 2017; khóa đào tạo nâng cao về ATTT; điều tra về thực trạng ATTT trên phạm vi toàn quốc; bình chọn danh hiệu "Sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2017" và "Dịch vụ ATTT tiêu biểu năm 2017"... Tại TP Hồ Chí Minh, Hội thảo quốc tế Ngày ATTT Việt Nam 2017 sẽ được Chi hội ATTT phía Nam phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 23/11. Phiên buổi sáng diễn ra với Báo cáo thực trạng ATTT khu vực phía Nam do Chi hội VNISA phía Nam trình bày; Tọa đàm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia ATTT với chủ đề "ATTT và thách thức đối với phát triển đô thị thông minh". Phiên buổi chiều diễn ra với 2 chuyên đề: "Thách thức và bảo vệ an ninh mạng" và "ATTT và bảo vệ kết nối thông minh". Phương ThanhThêm một địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô
TĐKT - Showroom thứ 6 của thương hiệu thực phẩm hữu cơ ORFARM chính thức khai trương từ ngày 4/11 tại tầng 1, tòa nhà Syrena Tower, 51 Xuân Diệu, quận Tây Hồ, Hà Nội. Showroom ORFARM tại Xuân Diệu Hơn 4 năm qua, ORFARM đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của nhiều gia đình Việt với các sản phẩm hữu cơ EM GREEN đạt chứng nhận chất lượng Nhật Bản. Trong thực trạng thị trường ở nước ta còn tồn tại nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì việc có thêm những điểm kinh doanh thực phẩm chất lượng tốt như của ORFARM hay các thương hiệu uy tín khác sẽ giúp cho người tiêu dùng an tâm trong bữa ăn. Nhân dịp này, ORFARM triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt kéo dài từ 4/11 – 10/11 tại Showroom Xuân Diệu: tặng thẻ thành viên ORFARM member card với mức chiết khấu 3% cho tất cả khách mua hàng. Các hóa đơn trị giá trên 550.000 VNĐ sẽ được tặng 1 túi thịt heo xay hữu cơ EM GREEN từ 0,2 kg. Các hóa đơn trị giá trên 1.000.000VNĐ sẽ được tặng 1 túi thịt heo xay hữu cơ EM GREEN từ 0,35 kg. Ngoài ra, tặng thịt heo xay hữu cơ EM GREEN theo giá trị hóa đơn (như trên) cho tất cả khách mua hàng tại các cửa hàng khác thuộc hệ thống ORFARM từ 6/11 đến 8/11/2017. PTSơ khảo Cuộc thi quốc gia “Sinh viên với An toàn thông tin 2017”
TĐKT – Sáng 4/11, vòng sơ khảo Cuộc thi quốc gia “Sinh viên với An toàn thông tin (ATTT) 2017″ đã được tổ chức đồng thời tại 3 địa điểm: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của 58 đội đến từ 24 cơ sở đào tạo đại học trên cả nước. Cuộc thi được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT ở các cơ sở giáo dục và đào tạo; đồng thời đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ATTT, góp phần thực hiện đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” và đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ATTT đến năm 2020” . Bên cạnh đó, cuộc thi cũng hướng tới phát hiện những tài năng trong lĩnh vực ATTT và tạo sân chơi để tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi kiến thức của sinh viên các trường đại học, học viện kỹ thuật trong cả nước, góp phần thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về ATTT của đất nước. Ban tổ chức chụp ảnh cùng các đội thi tại khu vực phía bắc Vòng sơ khảo phía bắc diễn ra tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội) với sự tham gia của 27 đội đến từ 11 trường đại học. Tại hội trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), vòng thi sơ khảo phía nam có 21 đội của 9 trường đại học. Tại hội trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) diễn ra vòng thi sơ khảo của khu vực miền trung với sự tham gia của 10 đội dự thi từ 4 trường đại học. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong cả nước. Đề thi trong vòng sơ khảo năm nay vẫn là đề thi online thực hành về ATTT trong 8 tiếng đồng hồ liên tục (các đội ăn trưa tại chỗ) và được ra dưới dạng jeorpady (hình thức đố vui kiến thức) với 13 bài tập theo 5 chủ đề khác nhau. Nhiệm vụ của các đội phải tìm ra được cờ (flag) – đáp án ẩn chứa trong từng bài tập đó. Vòng thi sơ khảo đã xác định được danh sách 10 đội xuất sắc nhất ở 3 khu vực giành quyền tham gia vòng thi chung khảo cuộc thi “Sinh viên với ATTT 2017”. Đó là các đội: N/A – Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; UIT-r3s0L – Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh; BIGGEAR_BK – Đại học Bách khoa Hà Nội; Emgai’s rain – Học viện An ninh Nhân dân; Bl4ckH0l3 – Học viện Kỹ thuật Mật mã; zono@UIT – Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh; J0k3r – Học viện Kỹ thuật quân sự; PTIT Bobo – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; ISIT-DTU 1 – Đại học Duy Tân; buf-DTU 2 – Đại học Duy Tân. Ban tổ chức mong muốn cuộc thi sẽ trở thành một sân chơi bổ ích và lành mạnh cho sinh viên thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin, ATTT góp phần đổi mới phương pháp dạy và học trong các trường đại học và thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực về ATTT có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước. Phương ThanhTriển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân khu vực phía Bắc năm 2017 - 2018
TĐKT - Ngày 3/11, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân khu vực phía Bắc năm 2017 - 2018. Quang cảnh hội nghị PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: hiện nay trên thế giới bệnh sốt xuất huyết lưu hành cao và gia tăng tại nhiều nước khu vực Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á và châu Mỹ La tinh. Về bệnh tay chân miệng, trong khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, các quốc gia như Trung Quốc, Sing-ga-po và Ma cao ghi nhận số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2016 và tỷ lệ mắc/100.000 dân cao… Tại Việt Nam, có 156.716 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (132.505 nhập viện), 30 trường hợp tử vong. Mặc dù bệnh sốt xuất huyết tăng trong những tháng đầu năm và tăng cao tại Hà Nội nhưng đến đầu tháng 9 đã được kiểm soát và số mắc giảm liên tục… Từ tuần đầu tháng 9 đến nay, số mắc giảm liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành phố (từ 8.280 trường hợp mắc/tuần xuống còn 3.239 trường hợp mắc/tuần). Các dịch bệnh mới nổi, bệnh nguy hiểm không xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh như bại liệt, uốn ván sơ sinh được loại trừ. Tiếp tục đối phó với các dịch bệnh theo mùa, những tháng cuối năm, Cục Y tế dự phòng tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam: cúm A (H7N9), A (H5N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Song song với đó là thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh, hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan rộng và kéo dài. Thực hiện việc báo cáo, chia sẻ thông tin kịp thời, chính xác… Hồng ThiếtTập đoàn F&U (Đức) thành lập Văn phòng đại diện giáo dục tại Hà Nội
TĐKT - Lễ công bố giấy phép hoạt động Văn phòng đại diện giáo dục Tập đoàn F&U tại Hà Nội vừa diễn ra sáng 2/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội. Tập đoàn F&U trách nhiệm hữu hạn vì lợi ích cộng đồng (Tập đoàn F&U) là một tổ chức giáo dục tư thục được công nhận là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập năm 1980. Hiện tại, Tập đoàn F&U đang là một trong những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục lớn nhất tại Cộng hòa Liên bang Đức với hơn 500 chương trình giáo dục tại 18 cơ sở giáo dục và đào tạo trên khắp lãnh thổ nước này. Đại diện Tập đoàn F&U giải đáp thắc mắc của các thầy, cô giáo về các chương trình đào tạo tại Việt Nam Tập đoàn F&U đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp Quyết định thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam số 2688 ngày 8/8/2017 với tên gọi là "Văn phòng đại diện giáo dục Tập đoàn F&U TNHH vì lợi tích cộng đồng tại Việt Nam", có địa chỉ trụ sở chính tại tổ 6, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội, được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số 3807/GCN-SGD&ĐT ngày 30/10/2017. Văn phòng đại diện giáo dục Tập đoàn F&U TNHH vì lợi tích cộng đồng tại Việt Nam thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường giáo dục, dạy nghề, tìm kiếm và triển khai các hoạt động hợp tác của Tập đoàn F&U tại Việt nam. Đồng thời, đại diện cho Tập đoàn F&U trong việc xây dựng các dự án, chương trình hợp tác, tổ chức thực hiện trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, nghiên cứu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam. Từ hơn 30 năm qua, F&U đã hoạch định chiến lược đào tạo từ mầm non đến đại học, triển khai thành công các khóa đào tạo, hội thảo và các dự án giáo dục cùng với các đối tác trong và ngoài nước. Việt Nam cũng là một điểm đến mà F&U lựa chọn nhằm mang lại cho các bạn trẻ Việt Nam nhiều cơ hội trong học tập, nhất là lĩnh vực đào tạo kép. Ông Phillippe Bergeron, Trưởng văn phòng đại diện Tập đoàn F&U tại Việt Nam chia sẻ về các chương trình Tập đoàn F&U sẽ thực hiện trong thời gian tới tại Hà Nội cũng như các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Tại Việt Nam, F&U sẽ tập trung đào tạo ở 6 mảng: kinh doanh và công nghệ; công nghệ và kỹ thuật; chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội; khách sạn, du lịch và ẩm thực; công nghệ thông tin; ngôn ngữ. Các hình thức giáo dục: giáo dục nghề tại trường phổ thông; học từ xa qua internet; giáo dục, giáo dục liên tục và hội thảo; nghiên cứu kép. Đặc biệt, với hình thức nghiên cứu kép, các em học sinh, sinh viên sẽ được vừa học, vừa làm, với 40% thời gian được học từ thực tế tại các doanh nghiệp. Nhân dịp này, Tập đoàn F&U đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo với 8 trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam: Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Điều dưỡng Nam Định, Cao đẳng nghề Bách khoa, Đại học FPT, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Đại học Buôn Mê Thuột, Cao đẳng Việt Mỹ, Cao đẳng nghề quốc tế Hà Nội. Phương LinhTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 278
- 279
- 280
- 281
- 282
- …
- sau ›
- cuối cùng »