TĐKT - Chiều 29/11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 11/2017. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội nghị.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội nghị.
10 tháng đầu năm 2017, BHXH Việt Nam đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Đồng thời, BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp; thực hiện cải cách hồ sơ, quy trình, giảm bớt thủ tục kê khai thu nộp, giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BHYT cho đơn vị, cá nhân có giao dịch với cơ quan BHXH; hạn chế tình trạng chậm, muộn, tồn đọng hồ sơ.
Tiếp tục đẩy mạnh các dự án về công nghệ thông tin, cung cấp môi trường vận hành hiện đại, an toàn, ổn định cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý, hiện đại hóa hoạt động của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
Tính đến 31/10/2017, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là gần 80 triệu người. Cả nước đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 85% dân số.
Lũy kế đến hết tháng 10, tổng thu ước đạt 227.119 tỷ đồng (BHXH bắt buộc là 155.435 tỷ đồng, BH thất nghiệp là 10.695 tỷ đồng, BHXH tự nguyện là 981 tỷ đồng, BHYT là 59.501 tỷ đồng), đạt 80,2% so với kế hoạch cả năm, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Toàn ngành đã giải quyết cho 111.731 người hưởng BHXH hàng tháng (tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016); 603.076 lượt người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần (tăng 18,5 % so với cùng kỳ năm 2016); giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 7.358.462 lượt người, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT 138.9 triệu lượt người.
Toàn ngành đã cấp sổ BHXH cho 13,4 triệu người, đạt 99,2% số người tham gia BHXH, trong đó, đã bàn giao 6,55 triệu sổ (theo mã số BHXH), đạt 50,3%, tăng 1,62 triệu sổ (bằng 23,8%) so với thời điểm 30/9/2017; đồng thời, đã cấp 79,5 triệu thẻ BHYT.
Về vấn đề khám, chữa bệnh BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề cập, theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 27/11 đã có 149.757.094 lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT, đã có 77.547 tỷ đồng được đề nghị Quỹ BHYT chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh BHYT. Trong đó, có đến hơn 41.000 người bệnh được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ 100 triệu đến 4,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong số này có 27 người bệnh được Quỹ BHYT thanh toán với mức từ 1 tỷ đến 4,5 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh. Những trường hợp Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với mức cao như vậy thường là bệnh nhân bị ung thư máu. Qua đây, có thể thấy thẻ BHYT giống như chiếc phao cứu sinh cho người bệnh, nhất là người bị bệnh trọng, nếu không quá trình khám, chữa bệnh sẽ dễ khiến họ bị rơi vào bẫy nghèo.
Cũng qua hệ thống theo dõi, giám định của BHXH Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.400 trường hợp đi khám, chữa bệnh BHYT 50 lần, cá biệt riêng trong tháng 11/2017 có hai trường hợp bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã đi khám trên dưới 200 lần tại nhiều cơ sở y tế khác nhau.
Nhận định, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT có nhiều nội dung cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Hồng Thiết