Chính trị - Xã hội

Cùng định hướng cho trẻ ăn uống đúng dinh dưỡng

Sự kiện vẽ tranh “Câu chuyện của mầm non” là sự kiện đồng hành Cuộc thi sáng tạo tác phẩm truyền thông “Câu chuyện của Mầm non” và hưởng ứng chiến dịch “Yêu thương từ nguồn dinh dưỡng” do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) phối hợp tổ chức. Chương trình vẽ tranh “Câu chuyện của mầm non” Tại Chương trình, hơn 100 bạn nhỏ từ 5 đến 12 tuổi đã cùng nhau vui chơi với giấy vẽ, bút màu, cùng những hình khối, đường nét để vẽ nên những câu chuyện đa dạng, sinh động và sáng tạo về dinh dưỡng của mình với góc nhìn trẻ thơ. Bạn thì vẽ bữa cơm gia đình quây quần bên nhau, bạn thì vẽ những món ăn mình thích… Qua những bức vẽ hồn nhiên của trẻ thơ, các con gửi đến bố mẹ những bức thông điệp yêu thương về quyền dinh dưỡng của chính mình. Vẽ những câu chuyện dinh dưỡng của mình lên giấy không chỉ là cơ hội để các bạn nhỏ được thỏa sức sáng tạo mà còn là cách để các con hiểu hơn và thể hiện cảm xúc với mỗi bữa ăn; với những món ăn và chia sẻ với bố mẹ, bạn bè xung quanh về bữa ăn mà các con mong muốn và cả những món ăn mà con không thích ăn. Ngoài ra, tại chương trình, phụ huynh cùng các học sinh được trò chuyện với các chuyên gia tư vấn dinh dưỡng. Hiện tại, các bữa ăn của con cái được bố mẹ đầu tư rất nhiều, nhưng 90% trẻ em có bữa ăn mất cân bằng về dinh dưỡng. Theo Chuyên gia Tư vấn dinh dưỡng Nguyễn Diệu Vân: “Không giống như người lớn chúng ta, có thể đọc nhiều nguồn thông tin, việc hướng dẫn trẻ em ăn đúng dinh dưỡng rất khó. Do đó cần phải tiếp cận qua các phương pháp khác, như qua trò chơi, hoạt động trải nghiệm, cũng như qua các câu chuyện. Bố mẹ cũng có thể tự sáng tác ra những câu chuyện phù hợp để giúp các con hiểu hơn về loại thực phẩm đó”. Chị Vân cũng cho biết thêm, các hoạt động trải nghiệm đơn giản như bố mẹ để con cùng chuẩn bị bữa ăn, tự tráng trứng, cắt rau củ; đi siêu thị cùng bố mẹ… Đại diện cho các đơn vị tổ chức, chị Trần Hồng Điệp, Điều phối viên Quỹ Vì tầm vóc Việt chia sẻ: cuộc thi là hoạt động bổ ích, cơ hội tuyệt vời để người lớn và trẻ nhỏ cùng kết nối và đồng hành vì lợi ích, sự phát triển tầm vóc tốt của trẻ. Mai Thảo

Hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng

TĐKT -  Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng, chủ đề “Giữ đôi bàn tay sạch vì thế hệ tương lai” nhằm tiếp tục nâng cao ý thức của cộng đồng về thói quen rửa tay với xà phòng. Các đại biểu cùng thực hiện nghi thức cam kết rửa tay với xà phòng Đến dự có GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, gần 300 đại biểu trung ương đến từ các Bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế và 2.000 học sinh, thầy cô giáo của 2 trường tiểu học Kim Đồng và Hoàng Hoa Thám trên địa bàn Hà Nội. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: rửa tay với xà phòng là một việc làm tưởng chừng như rất đơn giản, ai cũng có thể làm được nhưng thực tế, tỷ lệ người dân rửa tay thường xuyên với xà phòng còn thấp, kể cả trong các cơ sở y tế. Rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp giảm tới 35 -47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn... Đặc biệt, đối với học sinh - thế hệ tương lai của đất nước thì việc giữ sạch đôi bàn tay là điều kiện thiết thực nhất để phòng, chống nhiều bệnh. Các em học sinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng tại sự kiện Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính có liên quan đến việc lây truyền các mầm bệnh qua bàn tay và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới hàng năm. Ngoài ra vệ sinh kém cũng góp phần làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán… Vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán cũng là những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em. Các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh nói trên có thể ngăn ngừa được thông qua việc rửa tay với xà phòng. Từ năm 2008 đến nay Việt Nam đã hưởng ứng tích cực Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng, mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng để phòng, chống dịch bệnh. Quỹ Unilever Việt Nam và nhãn hàng Lifebuoy đã đồng hành cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo suốt nhiều năm trong hành trình bảo vệ sức khỏe và vệ sinh cho người dân và trẻ em Việt Nam với mục tiêu “Xây dựng thói quen rửa tay với xà phòng, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho 25 triệu người dân Việt Nam tính đến năm 2020”. Chương trình hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng hàng năm đã trở thành một trong những hoạt động nổi bật của dự án chiến lược dài hạn hợp tác giữa Quỹ Unilever Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2012 - 2016. Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Unilever và các em học sinh đã cùng thực hiện nghi thức rửa tay với xà phòng thể hiện sự đồng lòng duy trì thói quen tốt giúp phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh. Điệu nhảy đồng diễn “Rửa tay với xà phòng” của các em học sinh tham dự chương trình đã thể hiện tinh thần quyết tâm đem thói quen rửa tay với xà phòng đến với nhiều người hơn, từ đó bảo vệ sức khỏe của hàng triệu bàn tay Việt. La Giang

Bàn giải pháp phòng, chống sạt lở đất – lũ quét

TĐKT - Trước tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, sáng 14/10, tại Hà Nội,  Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Công ty Cổ phần FECON tổ chức Hội thảo với chủ đề “Sạt lở đất – Lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan cùng nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài. Những ngày gần đây, thông tin về mưa bão, sạt lở đất, lũ quét đang diễn ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đang thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Có thể nói, trận mưa lũ lịch sử này đã và đang để lại hậu quả vô cùng to lớn về người và của. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đinh Quế Hải phát biểu khai mạc hội thảo Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước đã ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 3300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 10/10 vừa qua, đã có gần 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt lở, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên hơn 100 người. Tại Hội thảo, nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các nhà lãnh đạo, các bộ, ban, ngành liên quan để làm thế nào có thể làm giảm thiểu hậu qua do sạt lở đất, lũ quét gây ra. Đặc biệt, việc phòng, chống sạt trượt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Khi sạt trượt, người có thể chạy, nhưng nhà cửa, đường sá, di tích, công trình… không thể di chuyển được. Bởi vậy, bên cạnh việc lập quy trình cảnh báo và sơ tán, cần xử lý nguyên nhân gây sạt - trượt và gia cố chống lại việc gây sạt - trượt bằng các giải pháp công nghệ mang tính bền vững. Đây cũng chính là những vấn đề nóng sẽ được bàn luận trực tiếp tại Hội thảo. Hàng chục giải pháp công nghệ phòng, chống và cảnh báo sạt lở đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế giới thiệu tại buổi hội thảo. Trong đó, đáng chú ý là công nghệ sử dụng lưới thép cường độ cao bao phủ toàn bộ bề mặt khối sạt trượt, có sức chịu tải lên tới hàng chục tấn và độ bền hàng trăm năm. Công nghệ sử dụng cọc bê tông gia cường nền móng cho các khối sạt trượt cũng được các chuyên gia đánh giá cao bởi phù hợp với nhiều điều kiện địa hình tại Việt Nam. Những công nghệ này cũng đã được thử nghiệm tại Hà Giang và Hòa Bình, thu được kết quả tốt. Những giải pháp hữu hiệu sẽ được Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ ngành trình Chính phủ để sớm triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh các bài tham luận, phân tích của các nhà khoa học Việt Nam, Hội thảo còn có sự tham dự của Công ty Okuyama Boring và Nippon Steel & Sumikin Metal đến từ Nhật Bản. Các chuyên gia đến từ hai công ty trên sẽ chia sẻ về thảm họa tại Nhật Bản, đặc biệt là những thiệt hại và chi phí cho việc phòng, chống, khắc phục hậu qua do sạt lở đất và lũ quét tại đất nước này. Ngoài ra, tại Hội thảo, Okuyama Boring và Nippon Steel & Sumikin Meta cũng đề xuất một số giải pháp công nghệ cho việc cảnh báo và xử lý sạt trượt như gia cố mái dốc, làm kết cấu tường chắn, hàng rào chống lũ… hiện đang được áp dụng khá thành công tại Nhật Bản. Phương Linh

Phát động Chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học

TĐKT - Sáng 13/10, tại Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức Lễ phát động Chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường "Em yêu môi trường Thủ đô". Lễ phát động Chương trình Đây là chương trình dành cho tất cả các học sinh tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, với mong muốn mang đến cho các bạn nhỏ một sân chơi thú vị, bổ ích để được thể hiện năng khiếu và nâng cao hiểu biết, ý thức bảo vệ môi trường. Chương trình thu hút đông đảo các em học sinh trên địa bàn tham gia, hưởng ứng Chương trình được tổ chức với mục đích tuyên truyền về pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường tới các thế hệ trẻ tương lai của đất nước, giúp các em học sinh hiểu và có những hành động tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường ở mọi nơi, mọi lúc. Từ đó, các em sẽ là những tuyên truyền viên tới từng gia đình, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm do môi trường gây ra, nâng cao chất lượng cuộc sống. Minh Phương

Lễ phát động cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”

TĐKT - Ngày 13/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương Đảng tổ chức Lễ phát động cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020, nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2017). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì họp báo. Cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và của toàn xã hội về dân vận và thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng ta. Lễ phát động cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” Đồng thời khuyến khích, phát huy vai trò, trách nhiệm và ghi nhận, tôn vinh đội ngũ nhà báo, các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo, Ban Dân vận các cấp, cộng tác viên và công dân Việt Nam trong việc phát hiện, phản ánh, tuyên truyền những tấm gương, mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; tôn vinh những tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài dân vận, tạo hiệu ứng tích cực, bồi đắp những giá trị tốt đẹp, bền vững trong xã hội. Thông qua cuộc thi, phát hiện thêm nhiều tấm gương điển hình “Dân vận khéo” trong cả nước, thiết thực hướng đến kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Công tác Dân vận của Đảng. Sản phẩm dự thi là các tác phẩm báo chí có nội dung về các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong phong trào “Dân vận khéo”, có đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương; được đăng tải, phát trên các loại hình báo chí từ ngày 13/10/2017. Các năm 2018, 2019, Ban Tổ chức sẽ chấm sơ khảo, chọn bài vào vòng chung khảo và sơ kết cuộc thi vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Công tác Dân vận của Đảng (15/10). Năm 2020, chấm sơ khảo của năm, đồng thời tổ chức chấm chung khảo và tổng kết, trao giải cuộc thi (của cả giai đoạn 2017 - 2020) vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Công tác Dân vận của Đảng. Dự kiến, Ban tổ chức sẽ trao 6 giải A, 15 giải B, 15 giải C và 30 giải khuyến khích. Sẽ có 10 giải đồng hạng xuất sắc cho các cơ quan báo chí và Ban Dân vận cấp ủy tiêu biểu. Hàng năm, chọn các tác phẩm báo chí tiêu biểu để khen thưởng vào dịp Ngày truyền thống công tác dân vận 15/10 và đưa vào vòng chung khảo cuộc thi. Ban tổ chức nhận bài dự thi năm 2018 từ 15/10/2017 đến hết ngày 10/9/2018, năm 2019 từ 11/9/2018 đến hết ngày 10/9/2019, năm 2020 từ 11/9/2019 đến hết ngày 31/8/2020. Địa chỉ nhận bài dự thi: Tạp chí Dân vận, Ban Dân vận Trung ương, số 105B Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội, email: danvankheo@gmail.com. Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, email: bannghiepvu.hnb@gmail.com. Phát biểu tại Lễ phát động, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai mong muốn các cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi, có nhiều tác phẩm phát hiện, phản ánh sinh động về những tấm gương “Dân vận khéo” có  sức truyền cảm, lay động trong xã hội, góp phần mang lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xậy dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mai Thảo

Nghiên cứu áp dụng công nghệ phát điện từ chất thải tại Việt Nam

TĐKT - Nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ trong xử lý rác thải, sáng 13/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Công nghệ phát điện từ chất thải". Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng; Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông; Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - GS, TS. Đặng Kim Chi chủ trì Hội thảo. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về giải pháp trong việc xử lý rác thải hiện nay; những khó khăn, thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; định hướng phát triển KHCN để giải quyết các bài toán cấp bách của ngành năng lượng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Toàn cảnh Hội thảo Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS. Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trong cả nước tăng trung bình khoảng 12%/năm. Năm 2015, CTR đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày, chất thải y tế 600 tấn/ngày... Hiện nay, chủ yếu CTR được chôn lấp tự nhiên hoặc chôn lấp có kiểm soát. Toàn quốc có khoảng 98 bãi chôn lấp CTR tập trung (có 16 bãi được coi là chôn lấp hợp vệ sinh), một số cơ sở chế biến CTR hữu cơ thành phân compost, một số cơ sở xử lý chất thải y tế bằng phương pháp thiêu đốt, công suất nhỏ. Tuy nhiên, khối lượng chất thải được tái chế, tái sử dụng rất thấp. Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050. Do đó, công nghệ xử lý CTR thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp CTR đang là xu thế chung của thế giới và cần được quan tâm phát triển tại Việt Nam. Phổ biến là công nghệ chôn lấp rác thu hồi khí từ bãi rác để phát điện; công nghệ kị khí thu khí phát điện; công nghệ đốt chất thải thu năng lượng để phát điện. Công nghệ xử lý CTR phát điện là công nghệ tiên tiến hiện nay, được áp dụng ở nhiều nước phát triển. Đây là công nghệ đòi hỏi đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật, chi phí vận hành cao, nhưng có nhiều ưu thế về xã hội và môi trường: thời gian xử lý chất thải nhanh, xử lý được an toàn nhiều chất thải nguy hại và truyền nhiễm; giảm phát sinh nước rỉ rác và mùi ra môi trường; giảm phát thải khí nhà kính do hoạt động sản xuất năng lượng từ đốt nhiên liệu hóa thạch; giảm thiểu ô nhiễm đất... Theo GS, TS. Đặng Kim Chi, để dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện khả thi về mặt kinh tế thì cần phải có những chủ trương, chính sách khuyến khích về hỗ trợ đầu tư, vốn vay, thuế, giá bán điện... Trước mắt chỉ tập trung phát triển công nghệ này tại vùng kinh tế phát triển, là những nơi có khối lượng chất thải phát sinh nhiều, tập trung.  Bình Nguyên

Lễ trao học bổng Vinafco và Tọa đàm cơ hội nghề nghiệp ngành Logistics

TĐKT - Chiều 12/10, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phẩn Vinafco phối hợp với Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp & Hỗ trợ sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ trao học bổng Vinafco & Tọa đàm cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên ngành Logistics. Với mong muốn được góp sức mình đồng hành cùng các em sinh viên, khích lệ các em trên chặng đường trau dồi tri thức, làm chủ tương lai, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Vinafco đã trao 8 suất học bổng, mỗi suất trị giá 4,000,000 đồng cho 8 sinh viên có thành tích xuất sắc Khoa Kinh tế vận tải – Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong những hoạt động của Vinafco hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập công ty (1987-2017). Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafco trao học bổng cho các sinh viên xuất sắc Trong khuôn khổ chương trình, Công ty Cổ phần Vinafco cùng với nhà trường còn tổ chức Tọa đàm nghề nghiệp nhằm giải đáp thắc mắc của các sinh viên liên quan đến cơ hội việc làm ngành logistics. Các sinh viên bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến nhu cầu tuyển dụng, cũng như những tố chất và kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn tìm được ở ứng viên. Trên cơ sở đó, các em sẽ tự trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cho mình để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng như của thị trường lao động nhiều tiềm năng này. Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm cơ hội việc làm, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải còn chủ động đặt những câu hỏi khai thác thông tin từ doanh nghiệp “VINAFCO có chính sách đào tạo nhân viên như thế nào?”. Trả lời câu hỏi của các em về chính sách đào tạo, Bà Lê Thị Kim Thư – Trưởng phòng nhân sự Công ty Cổ phần Vinafco đã nêu ra nhiều điểm nổi bật trong hoạt động nhân sự Vinafco như: nhân viên được giao chỉ tiêu (KPI) gắn với chỉ tiêu (BSC) của Phòng/Công ty; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bộ năng lực chung gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh; hệ thống lương kết nối với thị trường; chế độ phúc lợi đầy đủ và trên luật; xây dựng training matrix. Bên cạnh những câu hỏi chung về chính sách đào tạo, phát triển tài tăng của Vinafco, các em còn đặt những câu hỏi chi tiết về đặc thù công việc Sales Logistics, điều hành vận tải, quản lý kho hàng…Từng câu hỏi của các em đã được đại diện các phòng, ban của Vinafco trả lời chi tiết. Hưng Vũ  

Trao giải cuộc thi viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 lần thứ nhất năm 2017

TĐKT - Chiều 12/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 lần thứ nhất năm 2017. Tới dự, có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao giải A cho các tác giả Tính đến hết ngày 10/9/2017, Ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi của các cá nhân, tập thể với các thể loại: phóng sự, ghi chép, bút ký, bài phản ánh, phóng sự ảnh, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình... Qua các tác phẩm dự thi, các tác giả lựa chọn, phản ánh khá đa dạng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên cả nước, gắn với thực tiễn triển khai công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Các tác giả đã phản ánh khá đậm nét quá trình xây dựng chính sách và triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, có phân tích, so sánh với việc thực hiện các nhóm chính sách giảm nghèo giai đoạn 2010 - 2015. Qua đó, truyền tới mọi người thông điệp "Mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 không chỉ đơn thuần chỉ là giúp hộ nghèo có đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn phải đảm bảo để họ có thể tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin." Bên cạnh đó, các tác phẩm cũng đã phản ánh được các mô hình, cách làm hiệu quả của địa phương, trên cơ sở phát huy vai trò của cộng đồng, sự tham gia của người dân, khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, các tác giả cũng đã phản ánh trung thực, phê phán những biểu hiện tiêu cực, kém hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo ở một số địa phương, cơ sở. Một điểm đáng ghi nhận, bên cạnh các cây bút chuyên nghiệp là các nhà báo, ban tổ chức còn nhận được các tác phẩm dự thi đến từ nhóm các tác giả là nhà quản lý, phụ trách công tác bảo trợ xã hội, giảm nghèo tại một số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương với những góc nhìn đa chiều, phân tích, trăn trở và chia sẻ về công tác giảm nghèo bền vững. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 2 giải B, 3 giải C, 5 giải khuyến khích cho hạng mục báo in; 1 giải C, 4 giải khuyến khích cho hạng mục báo điện tử; 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C, 1 giải khuyến khích cho hạng mục phát thanh; 1 giải B, 2 giải C, 2 giải khuyến khích cho hạng mục truyền hình; 1 giải B, 1 giải C, 1 giải khuyến khích cho hạng mục phóng sự ảnh. Ngoài ra, Ban tổ chức trao 2 giải tập thể và Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Hà Giang. Theo chỉ đạo của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, việc trao giải báo chí về giảm nghèo sẽ được tổ chức hàng năm, vào dịp ngày 17/10, là Ngày Vì người nghèo của Việt Nam, cũng là Ngày Quốc tế chống đói nghèo. Năm 2018, để cuộc thi có nhiều tác phẩm báo chí tham dự, có chất lượng hơn, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo ở địa phương, cơ sở ngay từ đầu năm. Phương Thanh    

Bộ Tài chính: Phát động cuộc thi Giải Báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính

TĐKT- Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2018), Bộ Tài chính chính thức phát động cuộc thi “Giải Báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính". Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngô Chí Tùng - Chủ tịch Liên chi hội nhà báo ngành Tài chính công bố thể lệ cuộc thi Gải báo chí viết về ngành Tài chính Cuộc thi này nhằm nêu bật những mốc son trong chặng đường lịch sử 73 năm xây dựng và phát triển của ngành Tài chính; khẳng định vai trò của ngành Tài chính đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng nền Tài chính quốc gia vững mạnh. Theo thể lệ cuộc thi, mọi công dân Việt Nam là tác giả của các tác phẩm báo chí đều được tham gia. Các tác phẩm tập trung phản ánh nội dung chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế chính sách về tài chính; phản ánh thành tựu và những đóng góp của ngành Tài chính phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 73 năm qua; những hoạt động tiêu biểu, những sự kiện nổi bật, những tấm gương điển hình trong lĩnh vực tài chính; công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia. Ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ cho biết: Ban Tổ chức sẽ tuyển chọn và trao giải thưởng cho các bài viết có nội dung tuyên truyền về chính sách, pháp luật tài chính, kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Tài chính, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước. Qua đó, xây dựng hình ảnh về một ngành Tài chính tích cực, năng động, sáng tạo, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính. Các tác phẩm báo chí được tuyển chọn qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo phải có tính thời sự cao; phản ánh được những thành tựu và đóng góp lớn của ngành Tài chính đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề xuất được những giải pháp thiết thực để tháo gỡ những bất cập, những khó khăn vướng mắc nhằm đưa cơ chế chính sách tài chính đi vào cuộc sống. Nội dung bài báo có tác động ảnh hưởng rộng lớn và sức sống lâu dài. Ngôn ngữ của bài viết thể hiện đúng văn phong của báo chí, đảm bảo người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đặc biệt, Ban Tổ chức rất hoan nghênh các tác phẩm dự thi có những phát hiện đặc sắc về lịch sử và truyền thống vẻ vang của ngành Tài chính, ghi lại những ký ức sâu sắc về ngành Tài chính. La Giang  

Xuất quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017

TĐKT - Sáng 11/10, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát Giao thông đã tổ chức Lễ xuất quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Dự buổi lễ có lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cùng gần 200 cán bộ, chiến sĩ của Cục và Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội được tăng cường cho TP Đà Nẵng trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Các cán bộ, chiến sĩ được tăng cường di chuyển vào TP Đà Nẵng để thực hiện nhiệm vụ Lễ xuất quân được tổ chức nhằm động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng cảnh sát giao thông nêu cao tinh thần thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm tuyết đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đoàn khách quốc tế và đặc biệt là các đoàn nguyên thủ khi đến Đà Nẵng tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Buổi lễ cũng là thông điệp tuyên truyền, gửi đến toàn thể nhân dân cả nước nói chung và nhân dân TP Đà Nẵng nói riêng hãy ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cảnh sát giao thông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công của hội nghị và xây dựng hình ảnh con người Việt Nam “thân thiện, hiếu khách, yêu chuộng hòa bình”. Với quyết tâm cao nhất bảo vệ thành công cho Hội nghị APEC 2017, gần 900 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông toàn quốc đã được triệu tập, cùng với hàng nghìn xe ô tô, mô tô, công cụ, thiết bị kỹ thuật hỗ trợ để tham gia phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Các phương tiện phục vụ APEC 2017 cũng là những phương tiện hiện đại nhất của lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc được trưng dụng. Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiến hành tập luyện, diễn tập các phương án đón, dẫn đoàn, điều tiết phân luồng giao thông, bảo đảm cho các hoạt động của cuộc sống thường ngày tại Đà Nẵng không bị xáo trộn nhiều, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các đoàn quan chức, đại biểu từ 21 nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Cục Cảnh sát Giao thông bố trí 20 nữ cảnh sát giao thông đón khách tại sảnh trung tâm hội nghị nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu trong và ngoài nước. Phát biểu tại Lễ xuất quân, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh: được phục vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là vinh dự và trách nhiệm lớn lao của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng cảnh sát giao thông. Các cán bộ, chiến sĩ phải quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm giao thông được thông suốt, các đoàn đại biểu được đưa, đón chu đáo, tuyệt đối an toàn. Sau buổi lễ, tất cả cán bộ, chiến sĩ của Cục Cảnh sát Giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội được tăng cường đã tiến hành di chuyển vào TP Đà Nẵng làm nhiệm vụ.  Ngày 15/10, tại Đà Nẵng, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tổ chức Lễ ra quân bảo vệ trật tự an toàn giao thông phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC. Phương Linh

Trang