Chính trị - Xã hội

Hà Nội: Biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác an toàn thực phẩm

TĐKT – Ngày 31/1, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Tại Hội nghị, 7 tập thể tiêu biểu trong công tác ATTP năm 2017 trên địa bàn thành phố đã được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Năm 2017, công tác ATTP được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc quyết liệt. Ban chỉ đạo công tác ATTP các cấp kịp thời kiện toàn, Ban Chỉ đạo cấp thành phố do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Đặc biệt, để đẩy mạnh phong trào thi đua về ATTP, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 5996/QĐ – UBND ngày 28/8/2017 về việc ban hành Bộ tiêu chí chấm điểm công tác ATTP tại các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết định số 8054/QĐ – UBND ngày 20/1/2017 về việc thành lập đoàn đánh giá, chấm điểm công tác ATTP TP Hà Nội năm 2017 và tổ chức triển khai đánh giá, chấm điểm công tác ATTP tại 30 quận huyện, thị xã… Hội nghị đánh giá kết quả công tác ATTP năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 Vào các dịp cao điểm về ATTP như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP năm 2017, Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn, kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”; phòng, chống ngộ độc Methanol, Tết Trung thu, ATTP mùa mưa bão… Cùng với đó, Hà Nội xây dựng và triển khai các chương trình, đề án đảm bảo ATTP. Trong đó tiêu biểu là duy trì mô hình cải thiện ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn; mô hình điểm thức ăn đường phố; mô hình cảnh báo nhanh về ATTP tại Bắc Từ Liêm; thí điểm tuyến phố tập trung ATTP có kiểm soát tại Thanh Xuân, Long Biên. Đồng thời, phát triển mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi thông qua các chương trình, đề án: Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch, an toàn; triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn bằng công nghệ thông minh… Đồng thời, thành phố thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giải quyết 15 thủ tục hành chính về ATTP. Năm 2017, cấp mới 5058 Giấy chứng nhận và công bố 3050 sản phẩm, xác nhận hồ sơ quảng cáo và tổ chức hội nghị giới thiệu 102 sản phẩm, xác nhận kiến thức ATTP cho 50.186 người trực tiếp sản xuất, kinh doanh… Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP được thành phố đẩy mạnh, đổi mới.  Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, công tác tuyên truyền về thực trạng công tác ATTP tại các địa phương, phát hiện các cơ sở, cá nhân làm tốt công tác ATTP được đẩy mạnh; đồng thời cũng chỉ rõ các cơ sở vi phạm ATTP trên báo, đài.  Ngoài ra, TP tăng cường tổ chức các hội thảo, hội thi về ATTP; tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và các hộ nông dân… Năm 2017, UBND TP Hà Nội khen thưởng 32 tập thể, 32 cá nhân có thành tích trong Tháng hành động vì ATTP và Tháng cao điểm phòng, chống ngộ độc Methanol năm 2017. Tại hội nghị, UBND TP tặng Cờ thi đua cho 2 tập thể và tặng Bằng khen cho 5 tập thể có thành tích trong công tác đảm bảo ATTP. Chia sẻ tại Hội nghị, một số đại biểu cho rằng, năm 2017, thành phố đã tích cực vào cuộc trong công tác ATTP. Thành phố đã đề ra 7 tiêu chí để đánh giá phong trào thi đua ATTP. Tuy nhiên, số tiêu chí triển khai chưa được nhiều, nhất là tiêu chí lựa chọn mô hình điểm và thanh tra, kiểm tra, xử phạt trong ATTP còn hạn chế. Năm 2018, thành phố tiếp tục triển khai công tác ATTP một cách mạnh mẽ và hiệu quả, tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác ATTP quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp được thành phố chú trọng triển khai. Mai Thảo

Phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

TĐKT - Sáng 31/1, tại Hà Nội, Bộ tư lệnh Thủ đô tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm (2016 - 2017) phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) giữa các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn TP Hà Nội. Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì Hội nghị. 2 năm qua, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn TP Hà Nội đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, TP Hà Nội về công tác bảo đảm TTATGT. Cấp ủy các đơn vị đã đưa vào nghị quyết nội dung lãnh đạo và cụ thể hóa thành kế hoạch hành động với các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, phân công gắn trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong thực hiện. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tăng cường quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng phương tiện và ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tăng cường kiểm tra và phối hợp các lực lượng tuần tra, kiểm soát ngăn ngừa vi phạm TTATGT. Hội nghị sơ kết 2 năm (2016 - 2017) phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) giữa các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn TP Hà Nội Bộ tư lệnh Thủ đô đã thực hiện tốt vai trò trung tâm hiệp đồng phối hợp bảo đảm TTATGT trên địa bàn. Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, Bộ tư lệnh Thủ đô đã tổ chức 24.175 lượt tổ với 72.525 lượt người, kiểm tra, chấn chỉnh 1.012 trường hợp vi phạm, trong đó có 92 trường hợp vi phạm về TTATGT. Các tổ kiểm tra xe quân sự cũng đã kiểm tra 3.719 lượt phương tiện xe ô tô quân sự, kịp thời chấn chỉnh, xử lý, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm. Phương hướng trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và thành phố về công tác bảo đảm TTATGT. Tiếp tục triển khai, duy trì thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT giữa các đơn vị đóng quân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông, tăng cường quản lý nâng cao chất lượng phương tiện và ý thức của người điều khiển phương tiện, phấn đấu không có vụ việc vi phạm TTATGT, không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân chủ quan, giảm tai nạn giao thông từ 7 đến 12% trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương. Nhân dịp này, Bộ tư lệnh Thủ đô đã tặng Bằng khen cho 15 đơn vị có thành tích cao trong thực hiện công tác phối hợp bảo đảm TTATGT. Phương Thanh

Nhiều nét mới trong các hoạt động của HĐND TP Hà Nội

TĐKT - Chiều 30/1, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động HĐND các cấp TP Hà Nội năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018. Năm 2017, với phương châm "Đổi mới - Dân chủ - Trách nhiệm - Hiệu quả - Vì dân", HĐND các cấp TP Hà Nội bám sát nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố để thể chế hóa, ban hành các Nghị quyết phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của địa phương, đồng thời tổ chức giám sát, khảo sát, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả Nghị quyết HĐND, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố phát triển nhanh và bền vững. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà báo cáo tại Hội nghị Đối với HĐND thành phố, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai quyết liệt, toàn diện, trong đó việc chỉ đạo, triển khai chương trình công tác năm 2017 của Thường trực, các Ban và Văn phòng HĐND thành phố, đảm bảo "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả" đã thực sự đạt kết quả tốt. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và tổ chức tốt các kỳ họp HĐND thành phố, tổ chức có hiệu quả phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố về môi trường. Công tác giám sát được triển khai bài bản, đúng trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân được đảm bảo ngày càng chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Việc phối hợp, điều hòa, hướng dẫn hoạt động với các cơ quan có liên quan được duy trì kịp thời, chặt chẽ, rõ trách nhiệm, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả cao. Thường trực HĐND thành phố đã chủ trì, tổ chức thành công Đoàn công tác của TP Hà Nội, tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 3 tại Hà Nội đạt kết quả, để lại dấu ấn tốt đẹp với các đồng chí lãnh đạo trung ương và các tỉnh, thành phố. Hoàn thành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các Ban HĐND văn phòng HĐND thành phố nhiệm kỳ 2020 -2025, 2021 - 2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Ngoài ra HĐND thành phố đã thực hiện có chất lượng nhiều nội dung đột xuất, nội dung ngoài kế hoạch: Ban hành kế hoạch 38/KH-Đ của Đảng đoàn HĐND thành phố để chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 - NQ/TU của Thành ủy về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội; giám sát một số dự án đầu tư chậm triển khai theo kiến nghị của cử tri… Xác định năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016 - 2021, thành phố sẽ thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng và với chủ đề của năm là "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị", HĐND các cấp thành phố đã xác định 8 giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới việc đổi mới một cách toàn diện, thực chất hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND, đảm bảo thực sự dân chủ, xây dựng, đi đến tận cùng của vấn đề. Bố trí thời gian dành cho hoạt động chất vấn đúng quy định, kết quả giải quyết các ý kiến chất vấn, kiến nghị giám sát, kiến nghị cử tri của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền… Đảm bảo hoạt động chất vấn hướng đến mục tiêu xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm thực thi công vụ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri. Thục Anh

Hi hữu 2 cụ bà 86 tuổi, cùng quê, cùng bệnh và đều được phẫu thuật thành công tại bệnh viện K

TĐKT-Mới đây, các bác sĩ Khoa Ngoại Bụng I, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã phẫu thuật thành công cho 2 cụ bà 86 tuổi, đều mắc ung thư đại tràng. Đây là 2 ca phẫu thuật khá đặc biệt bởi 2 bệnh nhân không chỉ bằng tuổi mà còn là hàng xóm khi cùng trú tại phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội và sau khi phẫu thuật thành công cũng nằm điều trị ở cùng phòng. Ngày 8/1, bệnh nhân Phạm Thị B. (86 tuổi) với tiền sử từng bị xơ vữa động mạch nhập viện khi thấy tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài hơn nửa năm kèm theo triệu chứng đau bụng, khó tiêu. 2 bệnh nhân nằm cạnh giường nhau sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Phùng Thị C (bên phải), bệnh nhân Phạm Thị B (bên trái) Sau khi tiến hành chụp chiếu và làm những chỉ định xét nghiệm, bác sĩ xác định có hạch trong ổ bụng bệnh nhân, đại tràng Sigma có tổn thương làm chít hẹp chu vi đại tràng, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại tràng Sigma. Ngày 12/1, bà Phùng Thị C. (86 tuổi) (Trên giấy tờ bệnh nhân 82 tuổi nhưng tuổi thật là 86 tuổi) cũng nhập viện trong tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài hơn 1 tháng. Phim chụp bệnh nhân Phạm Thị B Khai thác nhanh bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết bà từng bị suy tim độ 1, hở van 2 lá mức độ vừa và bị rối loạn thông khí mức độ trung bình. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành chụp chiếu CT xác định có hình ảnh u trực tràng và đại tràng Sigma. Các xét nghiệm và nội soi thăm dò chức năng cho thấy đại tràng Sigma có u sùi chiếm ½ chu vi, trực tràng cách rìa hậu môn khoảng 5cm có u sùi loét chiếm 2/3 chu vi, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại tràng Sigma và Trực tràng trung bình (ung thư 2 vị trí). Sau đó, các bác sĩ ngoại khoa tiếp tục hội chẩn với BS Trần Đức Thọ, Trưởng khoa gây mê hồi sức để chuẩn bị kỹ cho ca phẫu thuật bời bệnh nhân đã cao tuổi nên quá trình gây mê hết sức cẩn trọng. Phim chụp bệnh nhân Phùng Thị C Không thể chậm trễ bởi bệnh nhân Phạm Thị B. đã cao tuổi và thể trạng khá gầy, ngày 15/1 kíp mổ gồm có TS. Phạm Văn Bình, Trưởng Khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K và ThS. Hà Hải Nam tiến hành phẫu thuật hết sức khẩn trương. Đúng với chẩn đoán ban đầu, đại tràng Sigma có khối tổn thương đại tràng kích thước khoảng 4x5cm, xâm lấn ra phúc mạc và mạc treo đại tràng Sigma, Abcess quanh u, các bác sĩ xử trí cắt đoại đại tràng Sigma và nạo vét hạch. Sau mổ, bệnh nhân ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị. 3 ngày sau, vào sáng 18/1 bệnh nhân Phùng Thị C. cũng được TS. Phạm Văn Bình, Trưởng Khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cùng 2 bác sĩ, ThS. Trần Đình Tân và BS Nguyễn Tiến Bình tiến hành phẫu thuật và TS.BS Trần Đức Thọ, Trưởng Khoa Gây mê, hồi sức trực tiếp tiến hành gây mê cho người bệnh. Đúng như chẩn đoán, trong ổ bụng có 2 tổn thương tại đại tràng Sigma và trực tràng trung bình. Trực tràng trung bình có tổn thương kích thước 2x3cm chưa xâm lấn ra cơ quan lân cận. Tổn thương ở đại tràng Sigma là u kích thước 2cm chưa xâm lấn ra cơ quan lân cận. Kíp mổ với các y bác sĩ giàu kinh nghiệm, phẫu tích tỉ mỉ đã tiến hành cắt đoạn đại tràng Sigma và trực tràng – vét hạch, làm miệng nối đại tràng trái – trực tràng thấp và bảo tồn hậu môn. Ca phẫu thuật hết sức thành công, bệnh nhân sau mổ phục hồi tốt. Trong 3 ngày, các bác sĩ Khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K đã thực hiện phẫu thuật thành công cho 2 bệnh nhân với nhiều sự trùng hợp hi hữu để lại dấu ấn đặc biệt với các bác sĩ. La Giang

Tiếp lửa cho nữ sinh đam mê kỹ thuật

TĐKT - Nhân chuyến thăm và làm việc của các thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ châu Á tại Hà Nội, sáng 30/1, 15 thành viên Hội đồng Quản trị và cán bộ cao cấp của Quỹ châu Á đã có buổi giao lưu cùng 40 nữ sinh viên khối ngành Kỹ thuật của trường Đại học Xây dựng với chủ đề “Định hướng nghề nghiệp cho nữ sinh ngành kỹ thuật”. Đây là những nữ sinh viên đang nhận tài trợ từ học bổng Merali của Quỹ châu Á. Chương trình do Quỹ châu Á, Trung tâm Giáo dục và Phát triển phối hợp với Thư viện Quốc gia tổ chức. Buổi giao lưu nhằm gặp gỡ, trao đổi và truyền lửa cho các nữ sinh viên tiếp tục theo đuổi ngành kỹ thuật - ngành học vốn còn nhiều định kiến là chỉ dành cho nam giới. Đồng thời, với kinh nghiệm điều hành, quản lý trong nhiều lĩnh vực, các thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ châu Á đã trò chuyện, giải đáp các thắc mắc của nữ sinh xung quanh việc chuẩn bị tâm lý khi lựa chọn nghề nghiệp, chuẩn bị kỹ năng xin việc trong nhiều môi trường khác nhau... Bà Đinh Thị Kiều Nhung, Quản lý các Chương trình Giáo dục của Quỹ châu Á tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng khi phụ nữ và các em gái phát triển, gia đình và cộng đồng của họ cũng được phát triển. Với chương trình học bổng đại học, chúng tôi hỗ trợ các sinh viên nữ theo học các ngành học kỹ thuật vốn được coi là chỉ dành cho nam giới:  Xây dựng, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm… Chúng tôi luôn khuyến khích và cố gắng tạo nhiều cơ hội cho các em nữ sinh có thể tiếp tục theo đuổi được ngành học mà các em đam mê. Chúng tôi tin rằng, việc hỗ trợ học bổng cho các em cùng nhiều chương trình tập huấn rèn luyện kỹ năng và kết nối với các nhà tuyển dụng là một trong nhiều cách có thể giúp các em thực hiện ước mơ của mình”. Tại chương trình đã diễn ra buổi tập huấn kỹ năng viết hồ sơ xin việc và phỏng vấn cho sinh viên. Từ năm 2000, khi bắt đầu thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, Quỹ châu Á đã thực hiện nhiều chương trình nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân, trong đó có chương trình nâng cao năng lực cho phụ nữ thông qua việc tạo cơ hội học tập và việc làm cho các em gái có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình học bổng phổ thông trung học, triển khai từ năm 2004, và học bổng đại học dành cho các nữ sinh học ngành khoa học, kỹ thuật, triển khai từ năm 2011, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được một trong những mục tiêu chính của Quỹ là tạo điều kiện phát triển năng lực cho phụ nữ và những đối tượng kém may mắn khác. Tính đến nay, Quỹ châu Á đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển đã trao 220 suất học bổng cho các nữ sinh viên theo học các ngành kỹ thuật và hơn 1,300 suất học bổng phổ thông trung học cho các nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội, Nam Định, Điện Biên, Cần Thơ, An Giang và Hậu Giang. 100 em nhận học bổng đại học đợt đầu của Quỹ châu Á đã tốt nghiệp năm 2015 và 2016, 84 em trong số đó đã tìm được việc làm ổn định và 10 em hiện đang theo học bằng Thạc sĩ ở nước ngoài. Qua 3 năm nhận học bổng từ Quỹ châu Á, Nguyễn Thị Sen, sinh viên năm thứ ba, Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng chia sẻ: “Bản thân em và cả gia đình cảm thấy rất may mắn và tự hào khi được nhận học bổng này. Học bổng giúp em phần nào trang trải được học phí, sinh hoạt. Ngoài được hỗ trợ về tiền, chúng em còn có cơ hội tham gia rất nhiều chương trình ngoại khóa, tập huấn kỹ năng mềm, gặp gỡ các anh chị có cùng hoàn cảnh khó khăn nhưng tài năng và thành công trong cuộc sống. Từ đó chúng em cảm thấy tự tin hơn, mở rộng hiểu biết và mối quan hệ. Học bổng cũng là động lực để chúng em cố gắng học tập tốt hơn, có thêm nhiều cơ hội trong tương lai”. Cũng trong buổi giao lưu với các nữ sinh viên, các thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ châu Á cũng đã thăm quan Thư viện Văn hóa thiếu nhi Việt Nam mới khai trương thuộc Thư viện Quốc gia và có những hoạt động giao lưu cùng các em học sinh tại đây như đọc sách tiếng Anh, đố vui, làm thiệp chúc Tết. Thục Anh    

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – Giá trị và sức sống trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 170 năm ngày ra đời tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, hướng tới kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 30/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – Giá trị và sức sống trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam”. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và phát biểu ý kiến. Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục làm rõ những nguyên lý, quan điểm cơ bản, cốt lõi, khẳng định giá trị khoa học, cách mạng, sức sống trường tồn của Tuyên ngôn trong thời đại ngày nay cũng như trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam; góp phần phát triển sáng tạo, đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ tư tưởng của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" trong tình hình hiện nay. Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Hùng Oanh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng khẳng định: Cách đây 170 năm, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - một tác phẩm lý luận bất hủ, cương lĩnh chính trị của toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có giá trị lịch sử vĩ đại và tràn đầy sức sống trong thực tiễn, do C. Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo đã được xuất bản lần đầu tại nước Anh. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời như là sự hội tụ của những giá trị tinh túy nhất về triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học và kinh tế chính trị học. Những nguyên lý cơ bản trong Tuyên ngôn, là ngọn cờ tư tưởng, kim chỉ nam hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Giá trị cách mạng, khoa học và sức sống trường tồn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tiếp tục được khẳng định trong bối cảnh mới của lịch sử. Vượt qua không gian và thời gian, những tư tưởng, nguyên lý khoa học trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được lịch sử kiểm nghiệm và luôn mang ý nghĩa thời sự nóng hổi. Nó vừa có tính lý luận khoa học sâu sắc và giá trị nhân văn cao cả hướng tới giải phóng triệt để con người; vừa có tính chỉ đạo hoạt động thực tiễn mạnh mẽ, cổ vũ những người cộng sản và những nhà khoa học chân chính tiếp tục nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể hiện nay, để đưa sự nghiệp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Tại Hội thảo, các tham luận đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc những nội dung cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; làm rõ ý nghĩa, giá trị lý luận, thực tiễn, sức sống trường tồn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - thực sự là cương lĩnh chính trị, ngọn cờ tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trên cơ sở đó, xác định phương hướng, biện pháp vận dụng vào sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là phải tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ giá trị tư tưởng về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân được C. Mác và Ph. Ăngghen đề cập trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhất là thực tiễn nước ta từ khi giai cấp công nhân, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam để tiếp tục vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay... Đức Anh

Bộ Khoa học và Công nghệ họp báo thường kỳ qúy IV/2017

           TĐKT - Chiều 25/1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ quý IV/2017, nhằm thông báo về hoạt động cũng như kết quả đạt được của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Bộ Khoa học và Công nghệ Đàm Bạch Dương cho biết: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi họp báo Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với Việt Nam. Với vai trò là cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định phương pháp triển khai là phải làm rõ nội hàm, nhận thức, hiểu rõ đúng bản chất, từ đó xác định được hướng tiếp cận đúng, đặc biệt là phương án ứng xử phù hợp đối với cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Không triển khai theo phong trào mà phải triển khai một cách thực chất, lồng ghép với những chiến lược, chương trình đã có, đảm bảo phù hợp với những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Có thể nói, đến nay Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên và cách tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 một cách thận trọng nhưng quyết liệt. Vấn đề liên quan đến chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xăng sinh học E5 Ron92 chính thức bán thay thế xăng Ron92 trên toàn quốc từ ngày 1/1/2018 cũng nhận được nhiều quan tâm. Ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam về xăng dầu cơ bản được ban hành đầy đủ và đã đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng xăng dầu. Từ khi đưa xăng sinh học E5 Ron92 vào bán đại trà, chưa có phản ánh nào của người dân tới cơ quan chức năng về chất lượng của xăng E5 Ron92, người dân hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, liên quan đến kiểm soát chất lượng xăng dầu, cần kiểm soát và quản lý triệt để tình hình buôn lậu và gian lận thương mại về xăng, điển hình tại Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Ninh và Cần Thơ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh cùng với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) xử lý triệt để tình hình buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, bởi xăng buôn lậu có pha tạp chất, có chỉ số octan thấp, việc pha trộn ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu. Theo đó, quý I/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ, đồng thời thực hiện những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 về 4 trụ cột chính cần đổi mới, 3 đột phá cần tập trung và 5 lưu ý cần thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ tổ chức các hoạt động: Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2017; Lễ kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam; Hội nghị “Phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang… Đáng chú ý, ngày 1/1/2018, đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” đã chính thức khởi động với mục tiêu “Chia sẻ tri thức – Cổ vũ sáng tạo – Kết nối cộng đồng – Vì tương lai Việt Nam” nhằm xây dựng hệ sinh thái toàn diện, đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, IoT, trí thông minh nhân tạo. Hồng Thiết

12 tác phẩm đạt giải thi ảnh về con người với thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu

TĐKT - Chiều 25/1, tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Báo Ảnh Việt Nam tổ chức Lễ trao giải cuộc thi ảnh "Con người với thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đất nước". Ban tổ chức trao giải nhất và giải được khán giả yêu thích nhấy cho 2 tác giả Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến, làm gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn, hải văn cực đoan, khốc liệt, nguy hiểm và khó lường. Năm 2017 đã qua đi với những kỷ lục mới về thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn đã được ghi nhận. Các tác phẩm tham gia cuộc thi đã phản ánh chân thực những nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan phòng, chống thiên tai và sự nỗ lực vươn lên của những người dân vùng bão, lũ trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. “Mỗi một bức ảnh là những khoảnh khắc kỳ thú của thiên nhiên, sự tác động của thời tiết khí hậu đến thiên nhiên và con người, những nỗ lực trong chống chọi và thích ứng với thiên nhiên của người dân, các cấp chính quyền và ở đó còn có bóng dáng thầm lặng kiên cường của người chiến sĩ khí tượng thủy văn nơi biên giới và hải đảo. Mỗi bức ảnh tham dự cuộc thi đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cả về tính thời sự và nghệ thuật, phản ánh chân thực cuộc sống đang diễn ra quanh chúng ta.” – Ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh. Qua hơn 4 tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các tác giả từ khắp mọi miền đất nước và sự quan tâm của số lượng lớn khán giả thông qua website của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và trên fanpage của cuộc thi. Đã có hơn 1000 bức ảnh đơn và nhóm ảnh của gần 100 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp từ khắp mọi miền đất nước gửi đến tham dự cuộc thi. Cùng với đó có hàng chục nghìn người truy cập website của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và trên fanpage của cuộc thi để theo dõi, bình luận các tác phẩm ảnh, theo đó đã có những bức ảnh, bộ ảnh có tới trên 6000 lượt like và chia sẻ. Qua 4 vòng đánh giá, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn được 12 tác phẩm ảnh và bộ ảnh của 11 tác giả có chất lượng, ý nghĩa bám sát nội dung chủ đề của Cuộc thi để trao các giải thưởng xứng đáng nhất và đại diện cho Việt Nam tham dự Triển lãm ảnh của Ủy ban Bão quốc tế nhân 50 năm ngày thành lập Ủy ban Bão. Bình Nguyên    

Tiết giảm chi phí, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp

TĐKT - Sáng 24/1, tại Hà Nội, Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định số 19/QĐ - TTg ngày 8/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (gọi tắt là Đề án 19). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dự Hội nghị. Toàn cảnh Hội nghị Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Đề án 19 và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế tại địa phương, tới nay, đã có 58/63 Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh, thành phố ký Hợp đồng cung ứng dịch vụ chuyển phát hồ sơ, kết quả cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính. Đến này 31/10/2017, các Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 300.634 trường hợp cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ này. Bên cạnh đó, có 51/63 Sở Tư pháp triển khai phương thức đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến kết hợp dịch vụ cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu điện. Kết quả, có 80.313/83.302 trường hợp đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến được tiếp nhận và xử lý. Tuy nhiên, vẫn có 2.989/83.302 trường hợp đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến bị Sở Tư pháp từ chối tiếp nhận do cá nhân khai thiếu, khai sai thông tin hoặc đăng ký cấp phiếu LLTP sai thẩm quyền. Theo đánh giá của 46/63 tỉnh, thành phố, việc triển khai thực hiện Đề án 19 đã giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại của người dân, đặc biệt là đối với những người dân các địa phương ở cách xa trung tâm tỉnh hoặc đang ở nước ngoài. Qua đó, tạo thuận lợi cho người có yêu cầu cấp phiếu khi thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Các cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu LLTP đã giảm được áp lực tiếp nhận hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, hướng tới phục vụ người dân ngày một tốt hơn. . Theo đánh giá của các địa phương, đa số người dân hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát của Bưu điện. Việc cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính được cơ quan, tổ chức, cá nhân đánh giá cao, nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Đề án: Pháp luật chuyên ngành chưa quy định thời hạn có giá trị của bản sao chứng thực từ bản chính nên khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu không có đầy đủ căn cứ để xác định chính xác thẩm quyền cấp phiếu. Pháp luật chưa quy định cơ chế để kiểm tra, kiểm soát chữ ký trong Tờ khai yêu cầu cấp phiếu khi ủy quyền gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi hồ sơ trực tuyến. Việc chuyển phát chưa đảm bảo thời gian, việc tiếp nhận, phản hồi các trường hợp có nhu cầu sử dụng dịch vụ tích hợp đăng ký trực tuyến và bưu chính chưa kịp thời… Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương thức cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trục tuyến, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện một số nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện Trang đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP; ban hành quy định pháp lý về hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ bằng giấy để sẵn sàng triển khai cấp phiếu LLTP đáp ứng mức độ 3 và 4 dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện việc thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ cho việc tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu LLTP; tích hợp cấp phiếu LLTP trực tuyến , đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 theo Nghị quyết 36a của Chính phủ. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc mở các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết thủ tục cấp phiếu LLTP tại các Sở Tư pháp. Cùng với đó, nâng cấp Giải pháp kỹ thuật về đăng ký cấp phiếu LLTP của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và phần mềm đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến của Bộ Tư pháp. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người dân về phương thức cấp phiếu LLTP trực tuyến. Tiếp tục chỉ đạo việc tích hợp phần mềm hệ thống Một cửa liên thông VNPT – Igate tại Trung tâm hành chính công của UBND tỉnh và phần mềm Hệ thống quản lý LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp… Minh Phương

Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Ấn Độ

TĐKT - Chiều 17/1, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức họp báo nhằm thông báo kết quả của Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ 2017 và chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish chủ trì họp báo. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish phát biểu tại họp báo Năm 2017 là năm có nhiều cột mốc trong mối quan hệ của Ấn Độ với cả Việt Nam và ASEAN, đồng thời được coi là "Năm Hữu nghị" để kỷ niệm 45 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược và 25 năm thành lập đối tác đối thoại Ấn Độ - ASEAN, 15 năm Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác Ấn Độ - ASEAN và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - ASEAN. Trong suốt năm 2017, đã có khoảng 50 hoạt động diễn ra ở Ấn Độ, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác để đánh dấu các mốc quan trọng này.  Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish nhấn mạnh: ASEAN rất quan trọng với Ấn Độ trong mối quan hệ về lịch sử, khoảng cách địa lý, văn hóa và không gian chiến lược mà hai bên cùng chia sẻ. ASEAN là láng giềng thân thiết của Ấn Độ. Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời là trọng tâm trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ. Đóng góp của Việt Nam với vai trò là điều phối viên giữa Ấn Độ và ASEAN đã giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên chặt chẽ hơn. Trong chuyến thăm sắp tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu một phái đoàn cấp cao từ Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN - Ấn Độ tại New Delhi vào ngày 25/1/2018. Thủ tướng sẽ là vị khách danh dự trong ngày Cộng hòa sau đó (26/1/2018) cùng với 9 vị lãnh đạo khác của các quốc gia thành viên ASEAN. Chủ đề của Hội nghị là "Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh". Trước Hội nghị, sẽ có Cuộc gặp gỡ ASEAN - Ấn Độ cấp Bộ trưởng về thương mại và đầu tư từ ngày 22/1 - 23/1/2018, cuộc họp Hội đồng Doanh nghiệp các nước ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị Hợp tác kinh doanh Mê Kông - sông Hằng, sự kiện Dệt may ASEAN - Ấn Độ và buổi trao giải thưởng Thanh niên tiêu biểu ASEAN - Ấn Độ vào ngày 23/1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có cuộc hội đàm song phương và hai bên kỳ vọng sẽ ký các hiệp định quan trọng để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong các lĩnh vực quan trọng: Hợp tác trong sử dụng hòa bình không gian vũ trụ và năng lượng nguyên tử. Đặc biệt, phía Ấn Độ mong muốn ký kết Thỏa thuận thực hiện giữa Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ và Cục Viễn thám Quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để thành lập Trạm Tiếp nhận và Theo dõi dữ liệu và cơ sở xử lý dữ liệu tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Không gian ASEAN - Ấn Độ. Theo số liệu của Ấn Độ, thương mại song phương giữa hai nước đã vượt mức 10 tỷ USD và cả hai nước vẫn cam kết cố gắng đạt được mục tiêu đặt ra bởi các nhà lãnh đạo là 15 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong các nước ASEAN và Ấn Độ nằm trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ là cuộc gặp thứ năm giữa hai vị Thủ tướng sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Việt Nam vào tháng 9/2016. Hội nghị Thượng đỉnh G29 tại Hamburg, Hội nghị cấp cao ASEAN tại Viêng Chăn và Manila. Đây sẽ là cơ hội cho hai nhà lãnh đạo nhìn lại toàn bộ các vấn đề của mối quan hệ song phương và tiếp tục đề ra lộ trình tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.  Phương Thanh

Trang