Chính trị - Xã hội

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực

TĐKT - Ngày 25/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TBXH) tổ chức Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ LĐ - TBXH và Tổ chức Dịch vụ gia đình và Cộng đồng quốc tế (CFSI) về hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội cho đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương giai đoạn 2017 - 2022. Tham dự buổi Lễ có Thứ trưởng Bộ LĐ - TBXH Đào Hồng Lan; Tiến sĩ Steven Muncy, Giám đốc điều hành CFSI; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện các bộ, ban ngành liên quan. Lễ ký kết Buổi lễ đánh dấu bắt đầu giai đoạn hai của sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục công tác xã hội (CTXH) nhằm thực hiện bảo trợ tốt hơn cho các nhóm thiệt thòi và yếu thế tại Việt Nam. Qua 6 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác, Dự án đã tiếp nhận và Việt hóa chương trình đào tạo cán bộ quản lý CTXH cấp cao từ Học viện Xã hội Châu Á (Philipin) gồm 7 môn học trong tổng số 35 môn học thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Xã hội Châu Á, là cơ sở để các đơn vị đào tạo trong nước tham khảo, xây dựng chương trình khung đào tạo về CTXH; tổ chức đào tạo 25 giảng viên nguồn là những giảng viên cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy CTXH; tổ chức 5 khóa đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý CTXH của ngành. Tiến sĩ Steven Muncy, Giám đốc điều hành CFSI cho biết: ở giai đoạn một, các nhóm hưởng lợi trực tiếp từ các khóa đào tạo triển khai dự án bao gồm 331 cán bộ quản lý của ngành LĐ - TBXH và các đối tác. Mỗi cán bộ tham gia học tập đạt chứng chỉ quản trị CTXH, chương trình đào tạo cán bộ quản lý cấp cao thiết kế tương đương với năm đầu của đào tạo trình độ thạc sĩ khoa học CTXH. Mục tiêu ở giai đoạn 2 của Dự án là 700 cán bộ được đào tạo quản lý cấp cao và 300 thạc sĩ khoa học về CTXH. Như vậy, tính cả hai giai đoạn, sẽ có 1.000 cán bộ quản lý của ngành LĐ-TBXH có chứng chỉ đào tạo quản trị CTXH và 500 cán bộ này sẽ có bằng thạc sĩ CTXH. Đây là lực lượng quan trọng giúp đẩy mạnh giáo dục CTXH và các dịch vụ xã hội trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và cộng đồng xã hội. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ LĐ - TBXH và CFSI trong việc phát triển nguồn nhân lực CTXH cho đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương. Chương trình thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao kỹ năng cho các cán bộ CTXH, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời, giúp phát triển nghề CTXH một cách chuyên nghiệp, thông qua hệ thống đào tạo cán bộ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CTXH; đào tạo các giảng viên nguồn, những giảng viên cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy CTXH. Trong giai đoạn tới, để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Thứ trưởng đề nghị Cục Bảo trợ xã hội phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan và CFSI triển khai có hiệu quả chương trình, đảm bảo các đối tượng được hưởng lợi từ dự án, sau khi kết thúc khóa học được công nhận về bằng cấp, năng lực khi triển khai nhiệm vụ, thực hiện giám sát chặt chẽ để cam kết được thực hiện một cách mạnh mẽ. Hồng Thiết

Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập

TĐKT – Sáng 20/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 -2017.  Tới dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để rút kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện chính sách, giúp các trường đại học chưa thực hiện thí điểm kế thừa và phát huy để thực hiện nhân rộng trong thời gian tới. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ  cho biết: trong quá trình phát triển của giáo dục đại học nước ta, tự chủ đại học đã xuất hiện như là một tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của giáo dục đại học thế giới. Tự chủ là thuộc tính của các trường đại học, không tự chủ thì các trường rất khó sáng tạo, khó phát huy nội lực và khó thích ứng với sự thay đổi nhanh của thế giới ngày nay. Tuy nhiên, tự chủ đại học là quá trình đầy khó khăn, thách thức nên thực hiện tự chủ đại học cần có lộ trình phù hợp. Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập Để thúc đẩy tự chủ đại học, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách và các khung pháp lý cho vấn đề này. Trong đó, Luật Giáo dục đại học 2012 đã khẳng định cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Để cụ thể hóa Luật Giáo dục đại học và thực hiện tự chủ đại học theo lộ trình, bước đi phù hợp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, chủ động hơn về tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự, đặc biệt là về học thuật để nâng cao chất lượng đào tạo. Sau ba năm triển khai, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017 theo Nghị quyết 77 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập, gồm 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm, trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017. Tuy thời gian thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 chưa dài (chưa hết chu kỳ đào tạo một khóa học) nhưng các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu, được xã hội công nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tự chủ đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ quản không còn phù hợp. Các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả (hiện vẫn còn 4 trường thí điểm tự chủ nhưng chưa thành lập Hội đồng trường)... Những bất cập này đã hạn chế hiệu quả của việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Thục Anh

Tháo gỡ vướng mắc trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế

TĐKT - Ngày 19/10, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị giải quyết vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi các thầy thuốc gương mẫu, không lạm dụng BHYT Tại Hội nghị, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều khẳng định vẫn còn tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, số người điều trị nội trú tăng nhanh, thời gian nằm viện kéo dài và định mức trên một bàn khám. Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đưa ra những bằng chứng cụ thể như mổ Phaco quy định nằm 2 ngày nhưng có bệnh viện cho bệnh nhân nằm đến 7 - 8 ngày hay gần 100% bệnh nhi tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An được chỉ định nội soi tai - mũi - họng. Các bệnh viện lý giải, nguyên nhân bội chi quỹ BHYT là do tính tiền lương vào giá làm tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT; thông tuyến và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm tăng, trong khi đó mệnh giá bảo hiểm không tăng. Bộ Y tế cho biết: trong tuần tới sẽ cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành định mức về số giường thực kê, số lượt khám, chữa bệnh trên bàn khám và thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh, BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lạm dụng kỹ thuật, trục lợi Quỹ BHYT. Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho biết: Bảo hiểm xã hội Viêt Nam sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của địa phương và Bộ Y tế, nhưng các thầy thuốc cũng phải nghiêm túc để không lãng phí tiền của, ảnh hưởng sức khỏe người dân và làm xấu hình ảnh ngành y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi các thầy thuốc gương mẫu, không lạm dụng BHYT, đồng thời đưa ra các giải pháp để giải quyết các vướng mắc: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức điều hành, kỹ thuật; đột phá về công nghệ thông tin. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết các vướng mắc trong thanh toán BHYT; điều chỉnh Thông tư liên tịch về thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng để giảm giá dịch vụ y tế cho phù hợp; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về BHYT. Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với trách nhiệm Nhà nước giao và tiền là của nhân dân, phải chi xứng đáng, phù hợp và bàn thảo công bằng, hợp tác, vì người bệnh. Hồng Thiết

Bộ Y tế quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt

TĐKT - Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức quyên góp ủng hộ người dân các tỉnh bị ảnh hưởng lũ lụt. Đây là lần quyên góp thứ ba của Bộ. Đến dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ cùng toàn thể cán bộ, viên chức ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: hỗ trợ, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai do bão lũ, chia sẻ với người dân chịu nhiều ảnh hưởng do lũ lụt vừa là trách nhiệm vừa thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của cán bộ, công nhân, viên chức toàn ngành y. Để hỗ trợ công tác ứng phó trong mùa mưa bão, lũ lụt năm 2017 tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung, ngày 16/10, thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đã yêu cầu Tổng công ty cổ phần y tế Danameco; Công ty TNHH Nam Thăng Long và Công ty cổ phần Dược TW3 cấp hỗ trợ về Sở Y tế các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình mỗi tỉnh 30 cơ số thuốc phòng, chống lụt bão, 200.000 viên hóa chất khử khuẩn cloramin B, 20 bộ dụng cụ phòng, chống lụt bão, 100 áo phao cứu sinh và một số tỉnh được hỗ trợ thêm phao tròn cứu sinh. Trước đó, chiều ngày 13/10, để chia sẻ phần nào với những thiệt hại do mưa lũ gây ra cho các tỉnh miền núi phía Bắc, bắc Trung Bộ, Công đoàn cơ quan Bộ Y tế đã chuyển kinh phí tặng Sở Y tế 5 tỉnh là Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An và Thanh Hóa mỗi tỉnh 50 triệu đồng để hỗ trợ các cán bộ y tế của địa phương tham gia cấp cứu nạn nhân, cán bộ y tế bị thiệt hại nặng nề hoặc trang bị khẩn cấp điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế bị thiệt hại. Ngoài ra, Bộ Y tế đã trích 50 triệu đồng để ủng hộ Quỹ Vì người nghèo Trung ương. Nguồn kinh phí này được trích ra từ nguồn đóng góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lụt bão lần 2 (tháng 9/2017) của cán bộ, viên chức ngành y tế. Trước đó, trong tháng 8/2017, toàn thể các cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động trong cơ quan Bộ Y tế hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mỗi người đã ủng hộ ít nhất một ngày lương để chung tay, góp sức chia sẻ và ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai do ảnh hưởng của bão, lũ. Riêng trong đợt lũ lụt này, trước tình hình mưa lũ gây ra thiệt hại nặng nề tại một số địa phương, trong các ngày từ 12/10 - 13/10, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác ứng phó và khắc phục thiên tai tại huyện Tân Lạc, Hoà Bình và tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái. Ngày 11/10/2017, để giúp ngành y tế một số địa phương trong vùng ảnh hưởng lũ lụt khắc phục hậu quả và triển khai tiếp công tác phòng, chống lụt bão, Bộ Y tế cấp 250.000 viên khử khuẩn Cloramin B, 100 phao tròn cứu sinh và 100 áo phao cứu sinh cho tỉnh Yên Bái; cấp 250.000 viên khử khuẩn Cloramin B; 30 cơ số thuốc phòng, chống bão lụt, 200 phao tròn cứu sinh và 100 áo phao cứu sinh cho tỉnh Nghệ An; cấp 250.000 viên khử khuẩn Cloramin B; 50 cơ số thuốc phòng, chống bão lụt, 100 phao tròn cứu sinh và 100 áo phao cứu sinh cho tỉnh Thanh Hóa… Hồng Thiết

Phát động Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam 2017

TĐKT - Sáng 20/10, tại Hà Nội đã diễn ra họp báo phát động Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam 2017. Đây là cuộc thi toàn quốc tìm kiếm các sáng kiến khởi nghiệp hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và kinh tế cấp bách của Việt Nam. Họp báo phát động Cuộc thi Cuộc thi được tổ chức bởi Đại học Ngoại Thương, với sự đồng hành của Vietnam University Incubation Network - mạng lưới bao gồm Đại học Ngoại Thương, BK Holdings, Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia và Học viện Nông nghiệp - những đơn vị đi đầu trong hoạt động thúc đẩy sự phát triển của sáng tạo xã hội tại Việt Nam. Cuộc thi được tổ chức với sứ mệnh nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của sáng tạo xã hội, đồng thời tìm kiếm và ươm mầm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xã hội tương lai. Qua đó, góp phần mang đến những giải pháp bền vững trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân Việt Nam. Cuộc thi diễn ra trong 4 tháng, gồm 4 vòng thi hấp dẫn. Vòng đơn, từ ngày 11/10 – 19/11, các đơn vị nộp tổng quan đề án, sử dụng mẫu đơn online được cung cấp. Vòng huấn luyện từ ngày 24/11 – 21/12, các đội thi được tập huấn chuyên sâu và cố vấn trực tiếp từ các chuyên gia để hoàn thiện dự án sáng tạo xã hội của mình. Vòng chung kết khu vực diễn ra vào ngày 22/12, các đội thi lọt vào vòng này thuyết trình về dự án của mình, tập trung vào tính khả thi của mô hình kinh doanh và tính bền vững của khả năng tác động mà dự án mang lại. Vòng chung kết toàn quốc diễn ra vào ngày 20/1/2018, 6 đội thi xuất sắc nhất toàn quốc (3 đội thi miền Nam và 3 đội thi miền Bắc) cùng nhau tranh tài để trở thành Quán quân của Thử thách sáng tạo xã hội và nhận tổng giải thưởng 15.000 USD. Nhằm hỗ trợ các dự án được triển khai trong thực tế dưới mô hình một doanh nghiệp sáng tạo xã hội, cuộc thi mang đến những hoạt động bên lề bổ ích với những khóa đào tạo chuyên sâu. Từ ngày 16/1 – 18/1/2018, 6 đội thi trước khi bước vào vòng chung kết sẽ nhận được sự đánh giá và cố vấn từ các chuyên gia để hình thành và phát triển sản phẩm mẫu của dự án. 6 đội thi xuất sắc nhất của cuộc thi sẽ được tham gia khóa ươm tạo được cung cấp bởi Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) trong 3 tháng với các hoạt động đào tạo về đổi mới sáng tạo và các hoạt động hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp. Tại TP Hồ Chí Minh, Hội thảo phát động cuộc thi sẽ được tổ chức vào ngày 22/10/2017, với đơn vị thực hiện trực tiếp là Business Ideas Team. Lấy chủ đề “Sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng”, Hội thảo bao gồm các buổi tọa đàm  nhằm giải thích khái niệm “sáng tạo xã hội” cũng như đem đến sự phân tích đa chiều về xu thế và tình hình của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, Hội thảo cũng sẽ có sự góp mặt của các doanh nghiệp xã hội tiên phong như Mekong+, KOTO, đem đến những câu chuyện và góc nhìn mới mẻ về doanh nghiệp xã hội nói riêng và sáng tạo xã hội nói chung tại Việt Nam. Phương Thanh

Phát động thi sản xuất phim ngắn về an toàn của em gái tại nơi công cộng

TĐKT – Chiều 19/10, tại Hà Nội, Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Internet of things IYOURTV họp báo phát động Cuộc thi “Sản xuất phim ngắn về an toàn của em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố”. Đối tượng dự thi là các cá nhân, các nhóm bạn trẻ độ tuổi từ 18 đến 25,  đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội. Cuộc thi được tổ chức với mục đích tạo ra sân chơi để các nhóm bạn trẻ này có thể thể hiện được tài năng tư duy của mình, đưa ra những câu chuyện chân thật nhất về đời sống, xã hội, đồng thời, cũng gợi ý cách giải quyết vấn đề hợp lý nhất. Họp báo phát động cuộc thi Bằng việc tham gia cuộc thi, các bạn trẻ có cơ hội lên tiếng để thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa các hành vi bạo lực giới, đặc biệt với các em gái tại nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, góp phần tạo nên một thành phố an toàn với em gái và an toàn với mọi người. Các bạn trẻ chính là những người thể hiện và truyền đi thông điệp mạnh mẽ “Thành phố an toàn với em gái, biến ước mơ thành hiện thực”. Phim ngắn dự thi có thể mô tả một tình huống mất an toàn phổ biến của các em gái khi sử dụng các phương tiện công cộng (xe buýt, xe ôm, xe taxi…) hoặc sử dụng không gian công cộng (nhà chờ xe buýt, sân trường học, thư viện, công viên, khu vui chơi – giải trí, đường đi…) và gợi ý cách phòng, tránh, xử lý khi đối mặt với những tình huống một cách hợp lý, an toàn. Phim ngắn dự thi cũng có thể mô tả các cách xử lý tình huống, hành động cụ thể của nam giới, người chứng kiến nhằm bảo vệ sự an toàn của các em gái trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc địa điểm công cộng. Phim được thể hiện dưới dạng phim tình huống, có nội dung và hình thức sáng tạo, trẻ trung, thu hút sự chú ý của lứa tuổi vị thành niên. Ngoài ra, ban tổ chức khuyến khích các phim dự thi có sự tham gia diễn xuất của những người nổi tiếng (hoặc là các bạn trẻ), có ảnh hưởng tích cực đến các em ở lứa tuổi vị thành niên, học sinh và sinh viên, những người này lượt theo dõi lớn trên các mạng xã hội. Vòng sơ khảo cuộc thi diễn ra từ ngày 19/10/2017 - 24/11/2017.  Lễ công bố trao giải và tập huấn sẽ vào ngày 30/11/2017. Vòng chung kết diễn ra từ ngày 1/12/2017 - 11/2/2018. Hạn sản xuất phim đến ngày 11/02/2018. Thí sinh bắt đầu kêu gọi bình chọn qua mạng xã hội từ ngày 12/02/2018 – 25/02/2018. Đêm chung kết dự kiến được tổ chức vào ngày 2/3/2018. Cách thức dự thi được tiến hành theo 3 bước: Bước 1 : Like fanpage đơn vị tổ chức: https://www.facebook.com/unews.vn/ hoặc https://www.facebook.com/planinternationalvietnam/ Bước 2: Đăng ký tham gia bằng cách điền thông tin vào tại: http://www.unews.vn/ Bước 3: Các tác giả/ nhóm tác giả sẽ gửi Kịch bản bằng văn bản, tranh vẽ hoặc video lên Chuyên mục An toàn của Trẻ em Gái được tạo riêng trên Mạng xã hội: http://www.unews.vn/ Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 138 triệu đồng. Trong đó, có 1 giải nhất (15 triệu đồng), 2 giải nhì (10 triệu đồng/giải), 2 giải ba (5 triệu đồng/giải), 10 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải), 1 giải khán giả bình chọn (3 triệu đồng). Những phim ngắn sẽ được sử dụng vào mục đích truyền thông phi lợi nhuận trên các mạng xã hội và các kênh truyền thông để tăng sức ảnh hưởng và sự quan tâm của nhiều đối tượng khác nhau, hướng đến một thành phố an toàn, không có nguy cơ bạo lực giới đối với em gái.  Cuộc thi là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” do Tổ chức Plan International Việt Nam đang thực hiện tại Hà Nội. Kết quả khảo sát của Plan International Việt Nam thực hiện vào tháng 6/2013 cho thấy: 31% trong số 1.128 em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng. Ngoài ra, 62% cán bộ nhà nước, 45% hành khách nam và 49% hành khách nữ được hỏi cho rằng quấy rối tình dục là một nguy cơ. Trong khi đó, 45% người trả lời trong khảo sát không làm gì cả khi nhìn thấy sự việc ở nơi công cộng và 20% không can thiệp khi thấy em gái bị quấy rối trên xe buýt. “Thành phố An toàn và thân thiện với em gái” là sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Plan International nhằm giải quyết các nguy cơ ngày càng tăng cho các em gái trong độ tuổi vị thành niên ở các khu vực đô thị, với mục tiêu là xây dựng thành phố an toàn, thân thiện, có trách nhiệm với các em gái. Dự án được triển khai thực hiện tại TP Hà Nội từ năm 2013. Phương Thanh

Bộ Y tế cung cấp thông tin Nghị quyết Trung ương về y tế và dân số

TĐKT - Chiều 17/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin  Nghị quyết Trung ương về y tế và dân số.  Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: thời gian tới, ngoài việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ theo 3 tuyến ở cấp độ khác nhau (chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3, Bộ Y tế sẽ chuyển dần một số bệnh viện Trung ương, bệnh viện bộ, ngành về địa phương quản lý (trừ Bệnh viện Công an, Quân đội). Bộ Y tế chỉ giữ lại một số bệnh viện vừa nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gắn với cơ sở thực hành của sinh viên đại học. Ông Nguyễn Văn Tân -  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình trả lời báo chí Về giải pháp trong vấn đề quản lý dược và trang thiết bị y tế, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ củng cố hệ thống phân phối thuốc, không để tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Tăng cường chỉ đạo thực hiện đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc. Tập trung chấn chỉnh tình trạng bán thuốc phải kê đơn nhưng vẫn được bán không có đơn, không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để quản lý việc bán thuốc của các nhà thuốc trên toàn quốc... Theo nội dung Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới, hiện mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số... Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra nghiêm trọng, ở nước ta, năm 2006, tình trạng này xuất hiện rõ ràng, xuất hiện muộn nhưng lại tăng rất nhanh. Hiện nay mất cân bằng lan rộng ra khắp các vùng, 5/6 vùng, trừ vùng Tây Nguyên. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng là mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất, trên 115 bé trai/100 bé gái. Nguyên nhân của tình trạng này là tâm lý ưa thích con trai, tình trạng lạm dụng các kỹ thuật, công nghệ, công cụ lựa chọn. Việc hạn chế mức sinh cũng làm tăng lên việc lựa chọn giới tính khi sinh. Nếu cứ theo đà này, theo dự báo, năm 2020 Việt Nam thiếu ít nhất là 2,3 triệu và nhiều nhất là 4,3 triệu phụ nữ. Dư thừa đàn ông trong độ tuổi này sẽ không lấy vợ được. Hồng Thiết

Cách mạng Tháng Mười Nga - mở đầu phong trào cách mạng trên toàn thế giới

TĐKT - Sáng 18/10, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, Báo Quân đội nhân dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Tọa đàm "Ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga". Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917 - 7/11/2017). Đồng chủ trì tọa đàm có: Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; TS Phạm Tất Thắng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân điều hành tọa đàm. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, làm rõ một số nội dung chính: giá trị lý luận và thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga; Cách mạng Tháng Mười Nga với Cách mạng Việt Nam; Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại ngày nay. Cuộc Tọa đàm góp phần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam; những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong 100 năm qua; đúc kết những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga; bài học đối với sự nghiệp cách mạng và công tác xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa (XHCN)... Toàn cảnh Tọa đàm Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm cũng khẳng định những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga và tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; giáo dục bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin trong tình hình mới. Đồng thời, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái phủ nhận ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, xuyên tạc con đường đi lên CNXH của Việt Nam... Báo cáo đề dẫn Tọa đàm nhấn mạnh: ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga, đứng đầu là V.I.Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô-viết. Cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, soi sáng con đường phát triển, đi lên xây dựng CNXH. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và CNXH. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng là sự mở đầu cho phong trào cách mạng trên toàn thế giới, đặt nền móng cho sự hình thành của hệ thống các nước XHCN. Sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên đã đặt nền móng cho chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong những thập niên 30 - 40 của thế kỷ 20. Biến động những năm 1990 của thế kỷ trước đã làm cho Liên Xô sụp đổ, các nước XHCN không còn tồn tại với tư cách là một hệ thống. Nhưng không thể phủ nhận, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng mang sứ mệnh khai sinh ra CNXH hiện thực - một kiểu phát triển xã hội mới, công bằng và dân chủ hơn cho thế giới. Một thế kỷ quá độ lên CNXH đã diễn ra với rất nhiều thăng trầm, có cả những thành tựu và cả những đổ vỡ, thất bại. Nhưng cũng từ thực tiễn đó, mỗi nước trên con đường xây dựng CNXH hiện thực đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và bước đầu xác định trên thực tế một số quy luật của quá trình xây dựng CNXH. Đối với Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa quan trọng, khích lệ các tầng lớp nhân dân đứng lên tiếp tục công cuộc đấu tranh giành độc lập, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự ra đời của phong trào cách mạng giải phóng ở Việt Nam. Hơn thế, không chỉ là nguồn cổ vũ to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Phương Thanh

Thông điệp nhân văn về quyền hôn nhân của người khuyết tật

TĐKT - Sáng 17/10, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu "Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật". Tham dự Chương trình có 30 cặp vợ chồng NKT tiêu biểu đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước, do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát hiện, lựa chọn. Trong đó có 17 phụ nữ khuyết tật, 4 đại biểu người dân tộc, 9 đại biểu đi xe lăn. Giao lưu với các cặp vợ chồng NKT tiêu biểu 30 cặp vợ chồng là 30 câu chuyện tình yêu hôn nhân với nhiều cung bậc cảm xúc, thăng trầm, giông bão. Họ là những cặp vợ chồng đến từ mọi miền Tổ quốc, với nhiều dạng tật khác nhau, hoàn cảnh, công việc, thành phần cũng khác nhau. Nhưng họ có nét chung là biết rung động, yêu thương chân thật, biết đồng cảm, sẻ chia, nương tựa nhau, dũng cảm vượt qua thử thách để đón nhận hạnh phúc của mình. Tiêu biểu là là câu chuyện của anh Phan Đức Long và chị Bùi Thị Hồng Nga (Cần Thơ). Đang là cô giáo trẻ say sưa trên bục giảng bỗng trở thành người ngồi xe lăn, chị khóa cửa lòng mình và “ghét” tất cả những người có hai chân. Nhưng chàng trai lành lặn có trái tim nhân hậu đã đến bên chị. Với tình yêu vô bờ, họ đồng hành cùng nhau trên mỗi bước đường và lựa chọn công việc giúp NKT làm niềm vui. Hiện chị là Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ. Khác hẳn với quan niệm cho rằng, NKT không nên kết hôn vì sinh con sẽ khuyết tật, thực tế đã chứng minh, 30 cặp vợ chồng khuyết tật tham dự chương trình đều có những người con khỏe mạnh, xinh xắn, ngoan ngoãn, thành đạt. Anh Nguyễn Đức Trọng và chị Nguyễn Thị Hương (Bình Phước) có hai con đều là học sinh giỏi, con gái lớn đang học năm cuối đại học, con trai đang học lớp 8. Anh Nguyễn Trần Khiêm và chị Nguyễn Thị Điệu (Bình Định) có hai con, một trai, một gái. Con trai lớn hiện đang học lớp 3 luôn đạt học sinh giỏi, hai năm đi thi Olympic Toán đạt giải Nhất huyện Vân Canh, lớp 1 đạt giải Ba của tỉnh, lớp 2 đạt giải Nhì của tỉnh... Những câu chuyện đời và bí quyết giữ lửa hạnh phúc đầy xúc động và chân thực đó đã được truyền tải trọn vẹn thông qua Chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật”, góp thêm một thông điệp đầy nhân văn về quyền được “gõ cửa trái tim” của NKT. Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Như bao người lành lặn khác, NKT cũng có đầy đủ các quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực cuộc sống, trong đó có quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được yêu, xây dựng gia đình. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều rào cản khiến quyền này của NKT còn gặp nhiều trở ngại. Không chỉ ngoài xã hội, thậm chí trong nhiều gia đình vẫn còn những định kiến, phân biệt đối xử. Bản thân nhiều NKT còn chưa đủ tự tin, dũng cảm để đến với tình yêu mà mình lựa chọn. Chương trình muốn gửi gắm thông điệp, quan tâm đến NKT, bên cạnh các vấn đề về việc làm, giáo dục, y tế, tiếp cận… còn cần quan tâm đến đời sống tinh thần, tình cảm của NKT. Bởi đó là sức mạnh, là nguồn lực, là điểm tựa giúp NKT phát huy nội lực, khẳng định giá trị bản thân, đóng góp cho gia đình, xã hội”. Nhân dịp này, Chương trình còn kêu gọi sự đồng cảm, sẻ chia với những cặp vợ chồng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho 5 cặp vợ chồng để họ có mái nhà che mưa, nắng. Phương Thanh

Đồng chí Phạm Huy Giang nhận Quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương

TĐKT – Chiều 17/10, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ đối với bốn đồng chí. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì buổi lễ. Cùng dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Vương Văn Đỉnh; Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Nội vụ Nguyễn Quốc Khánh; lãnh đạo các vụ, đơn vị. Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Sau khi Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Nội vụ Nguyễn Quốc Khánh công bố Quyết định bổ nhiệm chức vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ: Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đối với đồng chí Phạm Huy Giang; Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ đối với đồng chí  Nguyễn Hữu Tuấn; Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Bộ Nội vụ đối với đồng chí  Trương Hải Long; Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ đối với đồng chí  Nguyễn Thanh Bình. Lãnh đạo Bộ Nội vụ và bốn đồng chí được trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận năng lực, trình độ, phẩm chất của các đồng chí được bổ nhiệm chức vụ đối với Bộ và đơn vị công tác. Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, trên cương vị mới các đồng chí tiếp tục đoàn kết, xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành tốt các mặt công tác. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đối với đồng chí  Phạm Huy Giang Các đồng chí được bổ nhiệm chức vụ xúc động, tự hào trước sự quan tâm, ghi nhận của đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Nội vụ. Đồng thời, bày tỏ quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Nội vụ và cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị. Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang phát biểu tại buổi lễ. Phúc An  

Trang