TĐKT - Chiều 11/5, tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã diễn ra Lễ phát động nhắn tin ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB và Tọa đàm “Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với sự nghiệp chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam" nhân kỷ niệm 109 năm ngày sinh của ông, vị Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là Viện trưởng Viện Chống lao đầu tiên.
Toạ đàm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với sự nghiệp chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Ông là một trong những chuyên gia có tên tuổi về bệnh lao trên thế giới với hơn 80 bài nghiên cứu về bệnh lao đã được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ...
Từ năm 1957, ông cùng đồng nghiệp phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao có hiệu quả cao. Đồng thời, ông cũng là người đầu tiên đã dùng kích sinh chất Filatov tiêm vào huyệt phổi để điều trị lao có kết quả; đề xuất nghiên cứu vắcxin BCG chết (thay BCG sống) góp phần tích cực trong công tác phòng bệnh lao; dùng vi khuẩn Bacllus subtilis sống để điều trị lao và các bệnh về phổi cùng một số bệnh nhiễm khuẩn khác...
Cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã từng nói: Đối với các bệnh "xã hội", không thể giải quyết chỉ bằng thành lập các bệnh viện mà chủ yếu phải chữa bệnh nhân ngoài cộng đồng, phải tổ chức phòng bệnh, xây dựng mạng lưới, đào tạo cán bộ, tìm hiểu tình hình mắc bệnh... Đó cũng chính là những kiến giải của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với Nhà nước để thành lập Viện Chống Lao năm 1957, mục đích vừa làm tốt công tác khám chữa bệnh, vừa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến.
Cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch chủ trương cần tích cực đem những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới ứng dụng vào hoàn cảnh nước ta. Ông cũng chủ trương tìm những kỹ thuật thích hợp huấn luyện cho cán bộ y tế cơ sở. Đây cũng chính là những nội dung chủ yếu của Chương trình Chống lao Quốc gia ngày nay.
Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khoảng 70% bệnh nhân lao là những người nghèo và trong độ tuổi lao động trực tiếp sản xuất ra của cải cho gia đình và xã hội. 64% số hộ gia đình có người mắc lao còn nhạy với thuốc và 98% số hộ gia đình có người mắc lao kháng thuốc ở Việt Nam đối diện với chi phí thảm họa. Nghĩa là mất đi hơn 20% thu nhập của cả gia đình trong một năm khiến cho nhiều người không được tiếp cận với điều trị khỏi.
Hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả của người có thẻ theo Luật Bảo hiểm y tế dù là 5% cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao.
Hồng Thiết