Chính trị - Xã hội

Ra mắt Trục điện tử kết nối doanh nghiệp “ERP Store”

TĐKT – Sáng 8/8, tại Hà Nội, Trung tâm Tin học và Công nghệ số - đơn vị trực thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương phối hợp cùng Công ty cổ phần công nghệ SME Soft tổ chức Lễ ra mắt Trục điện tử kết nối doanh nghiệp “ERP Store”. Cái đại biểu nhấn nút khai trương Trục điện tử kết nối doanh nghiệp “ERP Store” Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store là hệ thống công nghệ thông tin được Trung tâm Tin học và Công nghệ số triển khai theo chương trình định hướng văn bản, chứng từ điện tử giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn liên quan đến việc quản lý và ký kết văn bản, chứng từ với các đối tác. Theo Công ty cổ phần công nghệ SME Soft, giải pháp Trục điện tử kết nối doanh nghiệp tạo ra một cơ chế liên thông linh hoạt, cho phép doanh nghiệp điện tử hóa một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình hoạt động thương mại là quá trình giao kết hợp đồng, tiến tới việc ứng dụng các chứng từ điện tử trong thương mại điện tử một cách rộng rãi trong toàn xã hội. Qua đó, giúp doanh nghiệp phát huy được sức mạnh của công nghệ số trong hoạt động quản lý điều hành, dựa trên các tiêu chí: Văn bản điện tử có giá trị pháp lý, có tính xác thực và đảm bảo an toàn; môi trường làm việc đa nền tảng, linh hoạt, không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm, hỗ trợ tối đa cho người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, tổ chức; khả năng kết nối, giao kết linh hoạt, kể cả với các doanh nghiệp, tổ chức chưa đăng ký tham gia, vẫn có thể giao tiếp, liên kết được và dễ dàng khởi tạo hợp đồng điện tử hợp đồng điện tử. Được phát triển dựa trên nền tảng điện toán đám mây, hệ thống giúp tất cả các cá nhân tham gia tương tác, trao đổi và ký kết văn bản một cách thuận tiện mà vẫn đảm bảo tính hợp lệ và hợp pháp của văn bản ký kết. Các doanh nghiệp chỉ cần mã số thuế và USB token chữ ký số là có thể bắt đầu sử dụng. Mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp 4 tài khoản tương ứng với 4 vai trò: Người soạn thảo (người sẽ khởi tạo ra các văn bản, hợp đồng), văn thư (người sẽ duyệt văn bản trước khi trình ký; đóng dấu vào văn bản đã ký), giám đốc (người sẽ ký văn bản), quản trị. Sử dụng Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, doanh nghiệp sẽ được miễn phí sử dụng giải pháp này trong 2 năm đầu tiên. Sau khi hết giai đoạn miễn phí, doanh nghiệp sẽ trả phí hàng tháng với chi phí rất nhỏ so với việc ký hợp đồng bằng giấy như hiện tại. Nằm trong xu hướng chung của kỷ nguyên số 4.0, Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store được phát triển và cho ra mắt với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp có thể giao kết hợp đồng, ký điện tử với nhau ở bất cứ đâu và bất kỳ thời gian nào một cách an toàn, bảo mật. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, việc hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước là một nội dung quan trọng. Việc xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ để phát triển lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và nền kinh tế số nói chung là chủ trương quan trọng của lãnh đạo Bộ Công thương đã giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai. Trên thế giới, việc ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử nói chung cho đến việc sử dụng chứng từ điện tử đã trở nên phổ biến ở nhiều nước. Hầu hết các giải pháp Chính phủ điện tử và thương mại điện tử ở các nước phát triển đều có nền tảng xác thực điện tử dựa trên chữ ký điện tử, chữ ký số. Tại Việt Nam, chữ ký số đã được Bộ Công thương đưa vào ứng dụng rất sớm từ năm 2005 trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Đến nay, Bộ Công thương vẫn tiếp tục là một trong những đơn vị đồng hành, ứng dụng chữ ký số vào các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và các dịch vụ hành chính công trực tuyến khác. Năm 2013, Nghị định 52 về thương mại điện tử do Bộ Công thương dự thảo trình Chính phủ ban hành đã quy định rõ về các chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại phục vụ việc giao kết hợp đồng điện tử. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1563 ngày 8/8/2016 phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020”, với mục tiêu số 1 là phát triển các hạ tầng dành cho thương mại điện tử. Trong đó có việc phát triển hạ tầng an toàn, an ninh cho thương mại điện tử được phát triển với việc thiết lập hệ thống chứng thực điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử. Phương Thanh

Quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững

TĐKT - Ngày 8/8, tại Hà Nội, Công ty UBM Asia tổ chức Hội thảo về ngành nước VIETWATER 2018 với chủ đề "Quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững". Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) và sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng. Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo nằm trong chuỗi chương trình sự kiện trước thềm triễn lãm VIETWATER 2018 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ 7 - 9/11 dự kiến thu hút sự tham gia của 500 đơn vị đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nội dung của Hội thảo xoay quanh phương thức quản lý nước ứng dụng công nghệ thông minh, giới thiệu các công nghệ quản lý nước hiện đại. Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về thực trạng, định hướng phát triển của ngành nước hiện nay, chia sẻ các kinh nghiệm của hệ thống quản lý nước thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và quản lý doanh nghiệp. Từ đó, đề ra các giải pháp mới, hiệu quả và bền vững, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành nước nói riêng và quốc gia nói chung. Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết: Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song ngành nước Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập, đặc biệt là đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn: Gia tăng dân số đô thị, ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý vận hành, ô nhiễm nguồn nước, những cực đoan của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, úng ngập, xâm nhập mặn... Trước những hạn chế, khó khăn và thách thức đó, ngành nước Việt Nam đã và đang tập trung ưu tiên hơn cho việc đổi mới chính sách, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn lực, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới. Một số doanh nghiệp đầu đàn đã áp dụng nhiều giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0. “Để nhân rộng và giúp các doanh nghiệp cấp thoát nước Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ cấp thoát nước thì việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu và hết sức cần thiết.” – Ông Cao Lại Quang nhấn mạnh. Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo Theo TS. Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cả nước hiện có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất 8,7 triệu m3/ngày đêm. Hiện có 85,5 dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung; 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h và 30% còn lại chỉ cấp từ 8-20h/ngày đêm. Đáng chú ý, tỷ lệ thất thoát nước sạch tại Việt Nam vẫn cao, bình quân 22,5%. TS. Mai Thị Liên Hương khẳng định: “Quản lý nước bền vững là một phần của sự phát triển bền vững; đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng phát triển của các thế hệ tương lai. Để đạt được quản lý nước bền vững đòi hỏi có một cách tiếp cận đa ngành và toàn diện, trong đó có liên quan đến kỹ thuật, môi trường, kinh tế, cảnh quan, xã hội và văn hóa.” Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng tích hợp công nghệ 4.0 vào các ngành công nghiệp là xu thế tất yếu của xã hội hiện nay. Với những cải tiến vượt trội, dựa trên nền tảng công nghệ số và các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, công nghệ 4.0 sẽ là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển bền vững của ngành nước Việt Nam, bao gồm cả cấp thoát nước, lọc nước và xử lý nước thải. Phương Thanh  

Bộ Công an đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức

TĐKT - Chiều 7/8, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông tin kết quả thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Lễ tuyên thệ của Bộ Công an nhận chức năng, nhiệm vụ mới Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày 6/8/2018, Thủ tướng đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo Nghị định này, về cơ bản, chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an không thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, cơ cấu bộ máy sẽ tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Tại họp báo, Thiếu tướng Lương Quang Tam, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Bộ Công an sẽ không tổ chức cấp tổng cục, sắp xếp, tinh gọn các đơn vị trực thuộc Bộ Công an theo cấp cục theo nguyên tắc sáp nhập các đơn vị tương đồng hoặc không rõ nhiệm vụ, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một đơn vị phụ trách. Ngoài ra, Bộ Công an cũng sáp nhập 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với Công an tỉnh, thành phố để bảo đảm gắn kết, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập báo chí, y tế trong Công an nhân dân. Theo mô hình tổ chức mới, Bộ Công an sẽ giảm đầu mối cấp phòng trực thuộc Bộ, Công an tỉnh; giảm đầu mối cấp đội trực thuộc phòng và Công an quận, huyện; đồng thời xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Trước mắt, Bộ thí điểm Công an xã chính quy một số địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, sau đó triển khai toàn quốc. So với bộ máy cũ, mô hình bộ máy Bộ Công an sẽ giảm 6 tổng cục, tinh giản gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Cấp Công an địa phương sau khi tinh gọn bộ máy, sáp nhập cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sẽ giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội. Nguyệt Hà

Bệnh viện Phổi Trung ương xây dựng môi trường Bệnh viện không khói thuốc

TĐKT - Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện đầu ngành về chuyên khoa lao và bệnh phổi, do đó sớm nhận thức và triển khai hiệu quả công tác xây dựng môi trường Bệnh viện không khói thuốc lá. Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nguyễn Thị Phương Anh cho biết: Thực chất tư vấn, cai nghiện thuốc lá đã trở thành một trong những hoạt động thường quy đối với mỗi cán bộ, tập thể Bệnh viện từ những năm 2006. Mỗi một vị trí công việc, mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) bệnh viện đều ý thức tự giác xây dựng một môi trương bệnh viện không khói thuốc. Tuy nhiên, công tác xây dựng môi trường bệnh viện không khói thuốc bắt đầu đi vào bài bản từ năm 2015 đến nay, sau khi bệnh viện có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá và cai nghiện thuốc lá bao gồm: Ban giám đốc, Ban chấp hành Công đoàn bệnh viện, Ban chấp hành Đoàn thanh niên, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, đại diện phòng Tài chính - kế toán và đại diện các khoa phòng liên quan. Hàng năm, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường không khói thuốc” và  “Không hút thuốc lá trong bệnh viện” được phát động đến toàn thể đoàn viên công đoàn; đưa nội quy, quy định không hút thuốc vào đánh giá, xếp loại thi đua của cán bộ, CNVCLĐ hàng năm. Người đứng đầu bệnh viện là Giám đốc Nguyễn Viết Nhung luôn quan tâm, sát sao đến công tác này. Ông trực tiếp tham gia biên soạn những tài liệu về chống tác hại thuốc lá, chỉ đạo thành lập phòng tư vấn và cai nghiện thuốc lá, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết; tổ chức đào tạo được đội ngũ tư vấn viên có kiến thức và kỹ năng tư vấn cho người nghiện thuốc lá… Đến nay, bệnh viện triển khai hơn 10 lớp tập huấn cho hơn 600 cán bộ, nhân viên về phương pháp tư vấn ngắn cai nghiện thuốc lá; triển khai khóa đào tạo tư vấn chuyên sâu về cai nghiện thuốc lá cho 32 cán bộ tư vấn; đưa nội dung tư vấn cai nghiện thuốc lá vào các bài giảng... Đồng thời, bệnh viện tổ chức phát tờ rơi về tác hại của thuốc lá cho người bệnh; treo băng rôn, áp phích tuyên truyền về tác hại của thuốc lá; treo 150 biển “Cấm hút thuốc” tại các địa điểm trong bệnh viện…  Do đó, đến nay, hầu hết cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện đều có ý thức, kiến thức về tác hại của thuốc lá, từ đó thường xuyên nhắc nhở người nhà người bệnh và người bệnh cũng như tư vấn ngắn cho họ về tác hại của thuốc lá. Một kết quả đáng ghi nhận khác tại bệnh viện là sự tự giác của đội ngũ những người bảo vệ, ngoài nhiệm vụ trông coi, giữ gìn an ninh, trật tự, hướng dẫn người bệnh còn là lực lượng gương mẫu trong việc không hút thuốc; đồng thời tích cực tham gia giám sát, nhắc nhở, yêu cầu người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá trong bệnh viện. Theo thống kê, năm 2016, phòng tư vấn và cai nghiện thuốc lá của bệnh viện đã tư vấn cho 1895 người bệnh và người nhà người bệnh về tác hại của thuốc lá. Bệnh viện khám, tư vấn, điều trị và theo dõi cho 130 người nghiện thuốc lá có ý định bỏ thuốc, trong đó có 25 người đã bỏ thuốc lá thành công. Thục Anh

Đại hội chính thức Hội Lão khoa Việt Nam lần thứ I

TĐKT -  Ngày 3/8, tại Hà Nội, Hội Lão khoa Việt Nam đã tổ chức Đại hội chính thức Hội Lão khoa Việt Nam. Đây là Đại hội lần thứ nhất được tổ chức 5 năm 1 lần (2018 - 2023). Theo Quyết định của Bộ Nội vụ,  Hội Lão khoa Việt Nam thành lập với tôn chỉ, mục đích là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những hội viên là công dân, là tổ chức của Việt Nam làm công tác hoặc có hoạt động tham gia liên quan đến ngành, lĩnh vực lão khoa theo quy định của pháp luật Việt Nam; tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chăm sóc tốt sức khỏe cho người cao tuổi GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Trưởng Ban vận động thành lập Hội Lão khoa cho hay, Đại hội lần này sẽ mở rộng mạng lưới Hội Lão khoa khắp toàn quốc tiến tới thành lập chi hội Lão khoa ở tất cả các địa phương. Đặc biệt sẽ xây dựng chuẩn năng lực của các đối tượng hoạt động trong ngành, lĩnh vực lão khoa, ví dụ cho các bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng lão khoa, nhân viên chăm sóc, nhân viên xã hội trong lĩnh vực người cao tuổi... Song song với đó là xây dựng các hoạt động, cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến ngành lão khoa. Thực hiện kiểm định chuẩn năng lực và tiến tới cấp chứng chỉ ngành nghề, chứng chỉ đủ tiêu chuẩn hoạt động khi đủ điều kiện pháp lý. Trong đó, có xây dựng các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, chăm sóc chuyên biệt trong lão khoa. Về nghiên cứu khoa học, Hội Lão khoa sẽ tiến tới thành lập Viện nghiên cứu Lão khoa và triển khai các hoạt động nghiên cứu lão khoa cơ bản, lâm sàng và xã hội; triển khai các nghiên cứu đa trung tâm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lão khoa toàn quốc. Trong phương hướng hoạt động, Hội Lão khoa sẽ chú trọng xây dựng các chương trình hoạt động xã hội nâng cao vai trò, vị trí của người cao tuổi, gây quỹ hoạt động cho Hội. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách, tư vấn giáo dục chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hướng đến các tổ chức, đối tượng chính trong các cơ sở y tế, các Hội, đoàn thể, người dân tại cộng đồng. Hồng Thiết

Tính đến hết tháng 7/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,94 triệu người

TĐKT - Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 7/2018. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh dự và chủ trì Hội nghị. Quang cảnh họp báo Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,94 triệu người; BHXH tự nguyện là 230 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,89 triệu người; BHYT là 81,69 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,2% dân số. Trong tháng, toàn ngành thu 26.703 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 7/2018, toàn ngành thu 178/823 tỷ đồng, đạt 54.2% kế hoạch cả năm, trong đó thu BHXH là 121.763 tỷ đồng, thu BH thất nghiệp là 8.579 tỷ đồng, thu BHYT là 48.480 tỷ đồng Trong tháng, toàn ngành đã giải quyết 9.351 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 80.469 người hưởng trợ cấp 1 lần; 903.258 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 7 tháng đầu năm đã giải quyết 69.206 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 456.898 người hưởng trợ cấp 1 lần; 5.753.418 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe... Trong tháng 7, cả nước có khoảng 15,27 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; lũy kế 7 tháng đầu năm có 100,16 triệu lượt người KCB BHYT. BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết cho 83.995 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 18.986 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Những tháng đầu năm 2018, quỹ BHYT đã có 3.398 bệnh nhân được chi trả từ 200 - 300 triệu đồng, 1.301 bệnh nhân được chi trả trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh về máu điều trị tại Viện Huyết học Trung ương, Viện Nhi Trung ương, qua 8 đợt điều trị đã được quỹ BHYT đã chi trả 2,8 tỷ đồng, trong đó, chi phí cho thuốc đặc trị là 2,7 tỷ đồng. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm: Triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII liên quan đến công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; tăng cường thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người tham gia BHYT; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Hồng Thiết

Chiến dịch "Hãy làm sạch biển" năm 2018

TĐKT - Ngày 28/7, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với Trung tâm Tin tức VTV24, Hãng hàng không Vietjet, Bộ Công an, Đại sứ quán Hoa Kỳ và các đơn vị tổ chức Lễ ra quân cấp trung ương Chiến dịch "Hãy làm sạch biển" năm 2018. Phát biểu khai mạc tại Lễ ra quân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Viêt Nam Nguyễn Kim Quy cho biết: Chiến dịch "Hãy làm sạch biển" được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2018, được Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo triển khai. Hiện nay Đoàn thanh niên 28 tỉnh, thành có đường biển cũng đã tổ chức các hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của đoàn viên, thanh niên, Ban tổ chức kêu gọi mỗi người đều có thể làm cho biển Việt Nam sạch hơn bằng những hành động thiết thực xung quanh mình như tuyên truyền đến người khác về tầm quan trọng của biển đối với đời sống con người, không vứt rác bừa bãi khi đi du lịch biển, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa… Nghi thức ra quân Chiến dịch làm sạch biển Trong khuôn khổ Chiến dịch, nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Hùng - nghệ danh Lekima sẽ thực hiện Dự án "Chụp ảnh và quay phim vì môi trường 3000 km dọc bờ biển" với mục tiêu thông qua hình ảnh để thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng. Dự án dự kiến sẽ chụp 3.000 bức ảnh với 30 bộ ảnh theo chủ đề, 5 video và tổ chức triển lãm ảnh để giới thiệu đến công chúng. Ban Tổ chức tặng  xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập Tại Lễ ra quân, Ban Tổ chức đã trao tặng 40 xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; tặng thùng rác, tặng 2 xe tuyên truyền lưu động cho đội hình tình nguyện nòng cốt bảo vệ môi trường biển của huyện Phú Quốc. Các tình nguyện viên tham gia hoạt động dọn sạch bờ biển trong ngày ra quân chiến dịch Bên cạnh Lễ ra quân cấp trung ương "Hãy làm sạch biển" được tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vào ngày 28/7 với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực, tại 27 tỉnh, thành phố có đường bờ biển khác cũng tổ chức các hoạt động thu gom rác thải. Thục Anh

Việt Nam phấn đấu đi tiên phong trong những nỗ lực chấm dứt bệnh Lao

TĐKT - Tại Hội nghị thông báo Kết quả chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đoàn công tác Chương trình chống lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hiện nay, tại Việt Nam xu hướng giảm bệnh lao khá rõ rệt, nhất là số tử vong do lao: Ước tính của WHO trong báo cáo năm 2016 là 16.000 người và năm 2017 là 13.000 người. Nhưng đó vẫn là con số rất cao, cao hơn tử vong do tai nạn giao thông. Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 13 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Hội nghị thông báo Kết quả chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đoàn công tác Chương trình chống lao toàn cầu của WHO Theo đó, hiện Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý khá đầy đủ cho việc chấm dứt bệnh lao: Nghị quyết của Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao; Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công tư phòng, chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám, chữa lao và Chương trình chống Lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số 2015 - 2020. Cùng đó, hệ thống phòng, chống lao và bệnh phổi toàn quốc gồm 50 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tạo nên mạng lưới phòng, chống lao mạnh, hoạt động rất hiệu quả, có thế áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam. Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam thời gian qua, TS Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của WHO cho biết, Việt Nam vốn là một trong những quốc gia chịu gánh nặng lớn về bệnh lao trên toàn cầu và là một trong số những nước có gánh nặng bệnh lao cao hàng đầu trong khu vực. Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, Việt Nam đã chuyển từ cam kết văn bản đến hành động thiết thực bằng việc không chỉ làm giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này mà còn trở thành một trong những quốc gia đi đầu mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong phòng, chống lao ở cộng đồng. Đại diện Chương trình chống lao toàn cầu cũng đề nghị: Việt Nam hãy đi tiên phong trong những nỗ lực chấm dứt bệnh lao tại thời khắc lịch sử này bằng việc đảm bảo sự tham gia của lãnh đạo cấp quốc gia trong cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao sẽ diễn ra ngày 26/9 sắp tới. “Chúng tôi mong muốn thúc đẩy Việt Nam đi tiên phong trong hành động tăng đầu tư trong nước cho chiến lược chấm dứt bệnh lao như đã cam kết trong tuyên bố Moscow và tuyên bố của kỳ họp cấp cao Liên hợp quốc sắp tới. Điều này cần được thực hiện trong sự phối hợp đa ngành, các đối tác, kể cả tư nhân và các tổ chức xã hội, Tổ chức Y tế thế giới cam kết hỗ trợ” - TS. Tereza Kasaeva cho hay. TS. Tereza Kasaeva cho rằng, năm 2018 là năm lịch sử trong cuộc chiến chống lại bệnh lao vì tất cả đang hướng đến cuộc họp cấp cao lần đầu tiên của Liên hợp quốc về vấn đề bệnh lao. Cuộc họp cấp cao này của Liên hợp quốc sẽ được xây dựng dựa trên cam kết của các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo đến từ 120 quốc gia cùng hơn 800 đối tác, bao gồm cả các tổ chức xã hội họp tại Moscow hồi tháng 11/2017 nhằm thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao. Hồng Thiết  

Đồng Nai thi đua thực hiện tốt công tác "Đền ơn, đáp nghĩa"

TĐKT - Tại Đồng Nai, nơi có tới hơn 57.300 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, dịp kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ càng trở nên có ý nghĩa hơn khi phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được coi là trách nhiệm không của riêng ai. Các cấp, ngành và địa phương, doanh nghiệp, tổ chức của tỉnh Đồng Nai đã có nhiều hoạt động thiết thực tri ân những gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ… Chủ tịch UBND Thị xã Long Khánh, Hồ Văn Nam tặng quà gia đình chính sách Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai luôn coi công tác đền ơn, đáp nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong những năm qua, để chăm lo tốt cho người có công, tỉnh Đồng Nai không chỉ dành nguồn kinh phí đáng kể (270 tỷ đồng mỗi năm) mà còn tích cực vận động các tổ chức, đoàn thể, nhân dân cùng chung tay, góp sức vào hoạt động tri ân những người đã hy sinh xương máu và tính mạng để đất nước có được ngày hôm nay. Để làm được điều này, lãnh đạo Đồng Nai đã quyết tâm, đồng lòng nhất trí từ hành động cho tới việc làm nhằm tạo sự ủng hộ của đông đảo tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Để kiện toàn bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ưu đãi người có công, tại 11/11 huyện đều có phòng Lao động - Thương binh và Xã hội với một lãnh đạo và một chuyên viên chuyên trách. Cấp xã, phường, thị trấn bố trí một cán bộ phụ trách các vấn đề liên quan tới người có công. Các cán bộ đảm trách nhiệm vụ này đều là những người có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách được tỉnh đặc biệt quan tâm. Lớp tập huấn được tổ chức thường xuyên mỗi năm với các nội dung mới trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công. Có như vậy mới đảm bảo tính thông suốt, thống nhất trong việc thực hiện nhằm mang lại sự nhanh gọn và đơn giản khi giải quyết các sự vụ liên quan. Bên cạnh đó là việc tích cực tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi người có công dưới nhiều hình thức như thông qua các tổ chức đoàn thể, các phương tiện truyền thông để mọi người cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác kết hợp đẩy mạnh giáo dục về truyền thống cách mạng, chủ động thu hút sự quan tâm của mọi đối tượng trong xã hội về một lĩnh vực vừa nhân văn, vừa có khả năng gắn kết mọi người trên tinh thần đồng cảm và chia sẻ. Ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc (thứ 3 từ phải sang) trao tặng 125 suất quà cho các gia đình chính sách tại phường Bửu Long, phường Tân Phong, phường Quang Vinh, TP Biên Hoà ngày 26/7/2018 Sự quyết liệt của tỉnh đã thúc đẩy các cấp năng động và linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ. Song song với những hoạt động có tính chất phổ biến: Tổ chức tri ân vào các ngày lễ tết thông qua các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh cho người có công; tôn vinh những tấm gương hy sinh - chiến đấu anh dũng; tu bổ, tôn tạo các công trình ghi công... nhiều huyện, xã ở Đồng Nai vừa thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, vừa sáng tạo ra nhiều cách làm mới nhằm thu hút hơn nữa sự tham gia của cộng đồng. Đó là tổ chức thi đua xây dựng "xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng..."; giải quyết các chính sách đảm bảo mức sống cho người có công bằng hoặc cao hơn mức sống cộng đồng dân cư; tổ chức dâng hương, thắp nến tại các công trình ghi công vào tối 26/7 hàng năm...  Kinh phí do các cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ được chuyển thẳng vào kho bạc; chi thu công khai, minh bạch, do đó luôn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và chăm lo tốt đời sống của người có công. Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai Tận tâm và nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công, Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 11.700 liệt sĩ, hơn 7.700 người thờ cúng liệt sĩ, 2.460 thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp hàng tháng, gần 5.400 thương binh, gần 1.600 bệnh binh, 4 cán bộ lão thành cách mạng, 9 cán bộ tiền khởi nghĩa, 9 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 1.100 Mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 69 mẹ)… Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện quản lý, chăm sóc 7 nghĩa trang liệt sĩ, 13 đền thờ, 6 đài tưởng niệm và 42 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã, phường. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và huyện kiểm tra di vật còn lại của liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc tại ấp 2, xã Phú An, Tân Phú đầu tháng 7/2018 Thời gian qua, Đồng Nai đã giải quyết kịp thời, đảm bảo chăm lo tốt mọi mặt cho người có công trên địa bàn: Chi trả trợ cấp ưu đãi cho trên 116.000 lượt đối tượng chính sách người có công với tổng kinh phí 1.204 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 1.868 căn nhà cho người có công, trong đó có 443 căn nhà được xây mới với kinh phí thực hiện hơn 48 tỷ đồng. Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đều được các đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời với mức bình quân hàng tháng trên 1 triệu đồng/mẹ. Các mẹ đều có nhà ở, cuộc sống ổn định. Hằng năm, tỉnh thực hiện cấp, tái cấp hơn 26.200 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng, thân nhân của họ và các đối tượng được hưởng chế độ. Hàng năm tổ chức cho 2 đoàn đại biểu người có công tiêu biểu (100 người) thăm Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Bác, đi an dưỡng tại TP Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu… Cung cấp dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho 539 thương binh và 2 bệnh binh với kinh phí 1 tỷ 195 triệu đồng; cấp xe lăn, xe lắc hoặc thiết bị thay thế cho 138 người với kinh phí 419,550 triệu đồng; điều dưỡng và phục hồi sức khoẻ cho 28.000 người; tu sửa, cải tạo công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Mận Bên cạnh đó, Đồng Nai là địa phương thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Năm 2014 tỉnh đã tiến hành khai quật, quy tập 102 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chốt Vườn Điều (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) và khai quật, an táng 36 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 95 và Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 hy sinh trong trận đánh đồn Hoàng Diệu (xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh). Năm 2017, tỉnh tiếp tục tìm kiếm, khai quật và làm lễ an táng các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa đêm 31/1/1968. Mới đây, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành khai quật, cất bốc được 9 hài cốt liệt sĩ tại xã Phú An, huyện Tân Phú… Có thể nói, tại Đồng Nai, công tác đền ơn, đáp nghĩa đang được triển khai rộng khắp và rất hiệu quả, thiết thực, với sự tích cực tham gia của cộng đồng. Với những thành tích đã đạt được, mong rằng tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, để công tác Đền ơn, đáp nghĩa luôn là một trong những niềm tự hào của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế. Hồng Thiết

Tuổi trẻ Thủ đô tri ân, tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ

TĐKT - Tối 26/7, tại Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch (Hà Nội), Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ đội Biên phòng... tổ chức Lễ thắp nến tri ân, tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2018). Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cùng Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương Phạm Quang Thao trao quà và tặng hoa Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Nhuận Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội Đồng chí Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết: Với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc, thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, thể hiện lòng tự hào và nêu cao đạo lý tốt đẹp của dân tộc, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”. Đoàn Thanh niên luôn xung kích, xung phong, trách nhiệm và nghĩa tình trong việc chung tay cùng xã hội, thực hiện nhiều công trình phần việc nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ: Tổ chức hành trình tri ân về các địa chỉ đỏ của đất nước; thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, xây mới nhà nhân ái, nhà tình nghĩa; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong, gia đình có công với cách mạng; thanh thiếu nhi đảm nhận, chăm sóc, giữ gìn các công trình tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước… Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng quà cho 50 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn thành phố; tổ chức thắp nến tri ân, dâng hương, hoa gần 2.000 phần mộ các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Mai Dịch. Những hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm sâu sắc của Tuổi trẻ Thủ đô đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng. Trước đó, các cấp bộ Đoàn, cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô đã tích cực thực hiện nhiều nội dung hoạt động ý nghĩa. Thanh niên Hà Nội xây dựng các công trình nhân ái, thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ xây, sửa chữa, củng cố nhà, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, người có công. Các bạn trẻ tham gia dọn dẹp vệ sinh, tu sửa, chỉnh trang làm sạch, đẹp các công trình tưởng niệm, ghi công Anh hùng, liệt sĩ trên địa bàn; tham quan, về nguồn, tổ chức tọa đàm, giao lưu với nhân chứng lịch sử; đồng loạt tổ chức Lễ thắp nến tri ân trên toàn địa bàn vào tối 26/7/2018. Đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn, TP Hà Nội trao quà cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, Thành đoàn Hà Nội tổ chức hành trình “Những dấu ấn vinh quang” tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn và các địa chỉ đỏ của tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 20 - 22/7/2018. Trong khuôn khổ chương trình, tuổi trẻ Thủ đô đã trao tặng sân chơi thiếu nhi, nhà tình nghĩa và thăm tặng quà thanh thiếu nhi các gia đình chính sách, có công với cách mạng tại tỉnh Hà Tĩnh. Tổng trị giá quà tặng hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ 23/7- 27/7/2018, đoàn công tác của Đoàn Thanh niên thành phố đã đến thăm, hỏi, động viên 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, thương, bệnh binh trên địa bàn thành phố. Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức các hoạt động khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các gia đình thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng tại huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, với tổng trị giá gần 200 triệu đồng… Nguyệt Hà

Trang