Phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki
12/11/2018 - 15:10

TĐKT - Ngày 10/11, tại  Hà Nội, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia buổi Hội thảo trực tuyến quốc tế Phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki cùng với 3 điểm cầu tại Đại học Bệnh viện Kyushu (Fukuoka, Nhật Bản), Đại học Sakra World (Bengaluru, Ấn Độ), Trung tâm Tim mạch Quốc gia Harapan Kita (Jakarta, Indonesia).

GS. BS Shinji Miyamoto – Đại học Bệnh viện Kyushu (Fukuoka, Nhật Bản) nhấn mạnh: Trước đây bệnh van động mạch chủ được điều trị bằng phẫu thuật thay van nhân tạo. Ngày nay, phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ Ozaki sử dụng màng tim tự thân được sử dụng rộng rãi. Phẫu thuật Ozaki bắt đầu từ năm 2007. Việc điều trị đã được thực hiện trên toàn thế giới với hơn 2000 trường hợp và đã chứng minh được tính ưu việt của phương pháp này.

Hội thảo này sẽ giới thiệu cho các bác sĩ phẫu thuật tim mạch về các khía cạnh thiết yếu của phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ Ozaki, được trình bày theo từng bước có dẫn chứng bằng hình ảnh sinh động của từng ca bệnh cụ thể do GS Shinji Ozaki cùng các đồng nghiệp thực hiện.

Hội thảo trực tuyến quốc tế Phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki cùng với 3 điểm cầu

GS, TS. Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E được lựa chọn là 1 trong 4 điểm cầu quốc tế tham gia Hội thảo trực tuyến quốc tế Phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki. Hơn hết, Trung tâm Tim mạch là một trong những nơi triển khai thành công phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki. Năm 2013, GS Shinji Ozaki đã giới thiệu kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng mang tim tự thân theo phương pháp Ozaki tới các bác sĩ Việt Nam thông qua ca phẫu thuật cho bệnh nhân đầu tiên ở nước ta được thực hiện tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E. Đến nay, người bệnh có cuộc sống trở về bình thường, van tim hoạt động rất tốt, không phải dùng thuốc chống đông máu...

Theo lời mời hợp tác của GS, TS. Lê Ngọc Thành với mong muốn ứng dụng những tiến bộ công nghệ khắc phục nhược điểm của van tim nhân tạo truyền thống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh sau phẫu thuật, GS Ozaki và kíp phẫu thuật Nhật Bản đã nhiều lần đến giảng dạy, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các bác sĩ Việt Nam tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Sau 4 năm chương trình hoàn tất, từ tháng 7/2017  nhóm phẫu thuật của Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E đã độc lập thực hiện kỹ thuật.

Sau 5 năm, với các khóa đào tạo trong và ngoài nước, với phương pháp cầm tay chỉ việc, đến nay, phương pháp Ozaki đã được chuyển giao thành công, thực hiện thường quy tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho những trường hợp thương tổn van động mạch chủ trước đây phải thay van nhân tạo. Đặc biệt với những trường hợp thương tổn một hoặc hai cánh van chỉ cần thay từng cánh riêng lẻ, hoặc những bệnh nhân thương tổn nhiều van tim việc tái tạo lại van động mạch chủ cũng tránh cho người bệnh phải mang nhiều van tim nhân tạo trong người. Các kỹ thuật khó này đã được các kíp phẫu thuật của Trung tâm thực hiện thành công.

Đến nay, sau 15 tháng làm chủ kỹ thuật này, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã phẫu thuật cho 107 bệnh nhân với kết quả thành công hết sức ấn tượng.

GS, TS. Lê Ngọc Thành cho biết, đây là kỹ thuật của tương lai rất phù hợp với những quốc gia như Việt Nam có mức thu nhập của người dân còn thấp, kiểm soát đông máu sau mổ kém và bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa là phổ biến.

Tính ưu việt của phương pháp phẫu thuật này là sử dụng vật liệu tự thân làm van tim, giúp cho người bệnh không phải dùng van nhân tạo, giảm nguy cơ nhiễm trùng van sau mổ. Mặt khác, với ưu điểm có diện tích hiệu dụng lớn, chênh lệch áp lực qua van tự tạo rất thấp do không làm thu hẹp vòng van nên rất hữu ích với những bệnh nhân có vòng van bé, trẻ nhỏ cơ thể còn tiếp tục phát triển…

Ngoài ra, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc chống đông. Chi phí điều trị cho bệnh nhân có chỉ định thay van động mạch chủ sẽ giảm, vì bệnh nhân không mất chi phí mua van tim nhân tạo (khoảng 40 triệu đồng).

Với tư cách là Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, GS, TS. Lê Ngọc Thành mong muốn sẽ chuyển giao kỹ thuật tiên tiến này cho các bác sĩ chuyên ngành tim mạch ở các bệnh viện: Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Y Dược TP Hồ Chí Minh, Nhi Trung ương, Tim Hà Nội, đa khoa Việt Tiệp (Hải Phòng), đa khoa Thanh Hóa, đa khoa Thái Bình, đa khoa Hải Dương… giúp người bệnh được hưởng lợi từ những tiến bộ khoa học trong điều trị các bệnh lý tim mạch, trong đó có van động mạch chủ.

Hồng Thiết