Chính trị - Xã hội

Phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2018

TĐKT - Sáng ngày 18/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo và lễ phát động giới thiệu Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2018. Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2018 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực. Quang cảnh họp báo Đây là năm đầu tiên giải này được tổ chức với mục đích tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về thành tựu, kết quả trong thực hiện đổi mới, sáng tạo dạy và học trên mọi miền Tổ quốc. Qua đó, phát hiện và tri ân các cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Ngoài ra, giải nhằm tăng cường truyền thông rộng rãi những thành tựu, kết quả của ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TƯ và những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Viết Lộc – Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo giải nhấn mạnh, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018 thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đến sự phối hợp của các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước đã luôn sát cánh cùng ngành Giáo dục trong sự nghiệp phát triển đất nước. Lễ phát động Thể lệ giải thi ghi rõ, tác phẩm báo chí được trao giải là tác phẩm bằng tiếng Việt, được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2017 đến ngày 5/9/2018. Nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên. Tác phẩm được xét trao giải phải là những tác phẩm bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới giáo dục. Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 5 tác phẩm tham gia dự. Tác giả có tác phẩm gửi dự Giải không được vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, không vi phạm Luật báo chí và các quy định khác của pháp luật. Thành viên Hội đồng chấm Giải, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức không được gửi tác phẩm tham dự giải. Tác phẩm dự thi gửi đến Báo Giáo dục và Thời đại, số 29B Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc qua Email: cuocthiVSNGDVN@gmail.com từ ngày phát động (18/7/2018) đến 15/9/2018. Mỗi loại hình báo chí sẽ có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và một số giải khuyến khích. Giải nhất 30 triệu đồng/giải, giải nhì 15 đồng/giải, giải ba 10 đồng/giải; giải khuyến khích 5 đồng/giải. Đặc biệt, một tác phẩm xuất sắc được xét chọn từ 4 tác phẩm đoạt giải nhất của 4 loại hình được nhận phần thưởng: Chuyến thăm tìm hiểu giáo dục tại Vương quốc Anh, thời gian 14 ngày, trị giá 130 triệu đồng, không quy đổi thành tiền mặt. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng trao thưởng cho nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải. Lễ tổng kết và trao giải được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào dịp 20/11/2018. Hồng Thiết – Mai Thảo  

Công bố và trao quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà

TĐKT - Bộ Nội vụ vừa tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm lại Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng và kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà. Đến dự và chủ trì buổi lễ có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trao quyết định và tặng hoa Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng và Thứ trưởng Trần Thị Hà Tại Lễ công bố, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quốc Khánh đã công bố Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm lại ông Nguyễn Duy Thăng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Thời hạn bổ nhiệm lại tính từ ngày 15/7/2018. Đồng thời, thông báo Văn bản số 865/TTg-TCCB ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ đối với đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương kể từ ngày 15/7/2018 đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chúc mừng hai đồng chí Thứ trưởng đã được tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ, lãnh đạo Bộ tín nhiệm đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị hai đồng chí Thứ trưởng phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp tốt với các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ trưởng phân công. La Giang

Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

TĐKT - Chiều  17/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức họp báo thường kỳ Quý II/2018. Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì buổi họp báo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Toàn cảnh họp báo Tại buổi họp báo, lãnh đạo các đơn vị đã thông tin đến các cơ quan báo chí một số nội dung: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; giới thiệu các nội dung trọng tâm Luật Đo đạc và Bản đồ; tình hình khí tượng thủy văn 6 tháng đầu năm và dự báo khí tượng thủy văn mùa mưa bão năm 2018 cùng một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác dự báo phục vụ phòng, chống thiên tai; một số chính sách quan trọng sẽ được quy định tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông; tình hình nhập khẩu phế liệu, các giải pháp và kiến nghị. Theo báo cáo của Bộ TNMT, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, quán triệt tinh thần "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT đã theo sát tình hình thực tiễn, chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp để tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong công tác chỉ đạo điều hành đã xác định đúng các trọng tâm, dự báo sát tình hình tham mưu kịp thời cho Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cho phát triển kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Tập trung phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai để các địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường bảo vệ môi trường trong thực hiện các dự án đầu tư; dự báo trước khả năng hạn hán, xâm nhập mặn, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan để các địa phương, người dân chủ động phòng tránh… Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật đo đạc và bản đồ; triển khai xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn, Luật đa dạng sinh học, Luật TNMT biển và hải đảo; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI và triển khai việc sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI. Trình Chính phủ 4 Nghị định, 1 đề xuất xây dựng Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo 10 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền các thông tư… Công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều đổi mới từ khâu xác định nội dung thanh tra, tổ chức tập huấn, đến công tác phối hợp giữa Bộ TNMT với các bộ, ngành, các địa phương trong triển khai các đoàn thanh tra. Bộ đang triển khai 42 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, nhất là các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ được triển khai khẩn trương. Tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng giảm (khoảng 33%) so với cùng kỳ năm 2017. Nhận định về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn năm 2018 ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, năm 2018 tình hình thiên tai, khí tượng diễn biến phức tạp. Dự báo số lượng bão áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm (tổng cộng cả năm khoảng 12-13 cơn bão) và có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền đến đất liền nước ta, ít hơn so với trung bình nhiều năm. Xu thế chung là bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều nhưng yếu ở Bắc Biển Đông vào đầu mùa, ít nhưng mạnh vào nửa cuối mùa, không nhiều như năm 2016 và 2017 cả về số lượng và cường độ. Nền nhiệt độ trong 6 tháng cuối năm trên toàn quốc phổ biến ở mức trung bình nhiều năm (TBNN), riêng các tỉnh miền Bắc có xu hướng cao hơn so với TBNN vào tháng 11-12/2018. Khả năng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ có mùa đông ấm. Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn còn có khả năng xuất hiện trong nửa cuối tháng 7 đến tháng 8, nhưng không gay gắt và không kéo dài. Theo ông Lê Thanh Hải, thời điểm tháng 7 và tháng 8 tới đây, các đợt mưa lớn sẽ đổ bộ vào Bắc Bộ. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn trung bình các năm trước. Các đợt mưa lớn, trái mùa vẫn có thể xuất hiện ở Bắc Bộ và có nguy cơ cao gây ra lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu thuộc vùng núi phía Bắc. Trung Bộ có tổng lượng mưa như các năm trước, sau đó có xu thế giảm hơn so với trung bình nhiều năm ở 3 tháng cuối năm. Cao điểm mùa lũ ở Trung Bộ sẽ có lượng mưa ở mức thấp hơn so với 2016, 2017. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Những tháng cuối năm 2018, các vùng biển phía Bắc thường có sóng lớn do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Tại các tỉnh, thành phố ven biển miền Đông Nam Bộ, trong tháng 12/2018 xuất hiện ngập lụt trong khu vực đô thị do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước dâng do gió mùa Đông Bắc. Nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, Tổng cục Khí tượng thủy văn đặt trọng tâm công tác những tháng cuối năm là phải dự báo, cảnh báo sớm sự xuất hiện của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trái mùa ở phía Nam, mưa lũ phía Bắc, ảnh hưởng tập trung của bão mạnh ở trung bộ, theo dõi cảnh báo lũ sớm, lũ lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long… Cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai, có thể ngăn ngừa thiệt hại về mạng sống, làm giảm tác động kinh tế và vật chất của thiên tai. Phương Thanh

Bắt giữ đối tượng vận chuyển 25 kg ma túy đá, 52 bánh hê-rô-in qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo

TĐKT - Vào hồi 10 giờ, ngày 17/7, qua công tác soi chiếu hành lý phương tiện xuất, nhập cảnh tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh, Đội kiểm soát phòng chống ma túy (thuộc Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh) đã phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng có hành vi vận chuyển nghi là ma túy từ Lào về Việt Nam. Tang vật gồm 25 kg ma túy đá và 52 bánh hê-rô-in. Tang vật gồm 25 kg ma túy đá và 52 bánh heroin Các đối tượng bị bắt giữ là Keo viset china, sinh năm 1982, Cang Chay , sinh năm 1993, Keo Phommasane - sinh năm 1967, đều sinh sống tại Thà Khẹt,  tỉnh Khăm Muộn, Lào. Bước đầu các đối tượng khai nhận số trên là ma túy đá và hê-rô-in, các đối tượng mua từ Lào đưa vào Việt Nam để tiêu thụ. Hiện tại, đối tượng và tang vật đã được bàn giao cho các lực lượng chức năng tiếp tục xử lý theo quy định. Hồng Thiết  

Tăng cường quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm ăn muối

TĐKT - Ngày 17/7, tại Hà Nội, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai dự án tăng cường quản lý tăng huyết áp(THA), đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm ăn muối. Theo đó, Quỹ Phòng, chống THA-Resolve, Bộ Y tế Việt Nam và WHO sẽ hỗ trợ ban đầu cho 11 tỉnh, thành phố nâng cao năng lực quản lý 2 bệnh này và truyền thông giảm tiêu thụ muối. TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam TS. Kidong Park cho biết, tiêu thụ nhiều muối là yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với tăng huyết áp. Tại Việt Nam, ước tính tiêu thụ muối trung bình là 9,4g, gần gấp đôi mức khuyến nghị của WHO dưới 5g/người/ngày.           Lượng tiêu thụ muối hàng ngày ở nam là 10,5g/ngày; ở nữ là 8,3g/ngày/người. Điều này dẫn đến bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và THA là 2 nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, chịu trách nhiệm cho 1/3 số ca tử vong ở Việt Nam hằng năm. Để giảm ăn muối, WHO sẽ hỗ trợ để xây dựng các khuyến nghị về lượng muối tối đa trong một số thực phẩm chế biến sẵn và tiến hành một chiến dịch truyền thông về giảm muối để nâng cao nhận thức của người dân. TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ước tính Việt Nam có 12 triệu ngườiTHA, nhưng mới phát hiện được 43% và chỉ 14% được quản lý điều trị, còn 56,9% không được phát hiện. Với bệnh đái tháo đường, Việt Nam có hơn 3 triệu người mắc, mới phát hiện được 31% và quản lý điều trị khoảng 29%. Còn lại 68,9% không được phát hiện, đồng nghĩa với không được kiểm soát, điều trị. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do thiếu các dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã. Các bệnh không lây nhiễm chủ yếu được chẩn đoán, điều trị tại tuyến trên. Chỉ 12% xã thực hiện quản lý tăng huyết áp, hầu như chưa quản lý đái tháo đường tại xã. Cùng đó là thiếu cơ chế, chính sách về tài chính, bảo hiểm y tế hỗ trợ cho việc quản lý bệnh không lây nhiễm lại trạm y tế xã, tại cộng đồng. Năng lực cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế. Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của y tế dự phòng là tăng cường dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã và tại cộng đồng, trước mắt ưu tiên quản lý điều trị THA, đái tháo đường. Theo đó, mục tiêu đến năm 2018, 100% trạm y tế được đào tạo điều trị quản lý THA và đái tháo đường. Đến năm 2019, ít nhất 70% trạm y tế điều trị quản lý THA và 40% trạm y tế điều trị quản lý đái tháo đường. Năm 2020 cũng sẽ có ít nhất 40% người trưởng thành từ 40 tuổi được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ đái tháo đường. Hồng Thiết  

Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông Y Việt Nam trong tình hình mới

TĐKT - Ngày 17/7, tại Hà Nội, Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24 – CT/TW của Ban Bí thư về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Đến dự và chủ trì có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Ủy viên Ban Cán sự, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Vũ Khánh Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 10 năm, việc thực hiện Chỉ thị 24 – CT/TW đã có những tác động nhất định, làm thay đổi nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị về vị trí và vai trò của y, dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối với tự chăm sóc và chữa bệnh tại cộng đồng. Hệ thống pháp luật, chính sách về y dược cổ truyền (YDCT) dần được hoàn thiện đã khẳng định chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực YDCT, vai trò của YDCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và hệ thống y tế. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực xây dựng và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quan trọng để triển khai thực hiện Chỉ thị. Trong 10 năm qua, Bộ Y tế cũng đã ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý công tác YDCT, cơ bản phù hợp với thực tiễn và phát triển YHCT. Cùng với sự nỗ lực của Bộ Y tế, tại các địa phương, đơn vị công tác YDCT cũng từng bước được quan tâm và bước đầu đạt được những kết quả khả quan: Hệ thống mạng lưới về khám, chữa bệnh bằng YHCT từ Trung ương đến địa phương dần được củng cố và phát triển, chất lượng công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT, kết hợp YHCT với y học hiện đại ngày càng được chú trọng. Công tác khám, chữa bệnh YHCT tại tuyến y tế cơ sở từng bước được quan tâm. Công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu trong nước được chú trọng, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng dược liệu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Ở Việt Nam hiện nay, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tuổi thọ đã tăng hơn so với trước đây, đồng thời các bệnh mạn tính, các bệnh mới nổi và các bệnh khó chữa được phát hiện nhiều hơn nhờ những tiến bộ của y học. Đây là những mặt bệnh  mà YHCT có thế mạnh điều trị bằng các phương pháp đặc sắc. Do đó, dự báo trong giai đoạn tiếp theo, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe YHCT sẽ là một sự lựa chọn ưu tiên của nhiều đối tượng là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mới nổi, bệnh khó chữa. Mặt khác, với quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước về “ưu tiên dùng hàng Việt” hay “Người Việt Nam dùng thuốc Việt”, cần chú trọng công tác phát triển dược liệu với mục tiêu xây dựng ngành công  nghiệp dược bằng nguyên liệu trong nước đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao tới xuất khẩu, thì nhu cầu về nuôi trồng, chế biến và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu ngày càng cao. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các hoạt động phòng bệnh, khám và điều trị bệnh YHCT. Kết hợp YHCT với y học hiện đại; các hoạt động bảo tồn, nuôi trồng và chế biến, cung cấp các nguồn dược liệu trong nước. Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế Phạm Vũ Khánh  cho biết thêm, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, hệ thống chăm sóc sức khỏe YDCT đã được mở rộng và phát triển ở tất cả các tuyến. Đến năm 2018, đã có 58/63 có bệnh viện YHCT. Hệ thống khoa và tổ YHCT trong bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cũng tăng lên (năm 2008 là 77,4%, năm 2013 là 84,44%, năm 2017 là 82,3%). Tại tuyến y tế cơ sở, công tác YDCT dần được củng cố. Đến năm 2017, tỷ lệ các trạm y tế xã triển khai khám, chữa bệnh YHCT tăng 23,99% so với năm 2008. Tỷ lệ các xã đã triển khai khám, chữa bệnh YHCT được thanh toán bảo hiểm y tế đạt 70,18%, các trạm y tế xã có vườn thuốc mẫu đạt 88,87%… Công tác khám, chữa bệnh YHCT kết hợp với y học hiện đại tăng ở tất cả các tuyến. Tuy nhiên, tỷ lệ khám, chữa bệnh YHCT, kết hợp YHTC với y học hiện đại riêng ở tuyến tỉnh giảm (năm 2008 là 10,68%, giảm còn 8,86% năm 2017). Tỷ lệ này ở các tuyến chưa đạt chỉ tiêu đề ra… Số giường bệnh cho YHCT tăng gấp hai lần so với năm 2008, tuy nhiên tỷ lệ giường bệnh cho YHCT so với tổng số giường bệnh chung của tuyến tỉnh có xu hướng giảm đi. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị cần được tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm củng cố nhận thức đúng đắn về vai trò và giá trị của nền y dược cổ truyền Việt Nam trong hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn lực cho YDCT chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của YDCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; các quy định hiện hành đã xuất hiện những hạn chế nhất định đối với sự phát triển của YDCT Việt Nam.… Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, sau Hội nghị này, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế sẽ tiếp thu và hoàn thiện báo cáo chính thức gửi Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp trình Ban Bí thư về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW. Hồng Thiết

Họp báo Chiến dịch Hãy làm sạch biển 2018

TĐKT - Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 12/7, tại Hà Nội, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với Trung tâm Tin tức VTV24, Hãng hàng không Vietjet tổ chức họp báo Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2018 và phát động Cuộc thi thiết kế Poster và sáng kiến “Hãy làm sạch biển”. Họp báo thông tin về Chiến dịch Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung tâm Tin tức VTV24 khởi xướng và tổ chức từ năm 2016 tại 28 tỉnh, thành phố có đường bờ biển. Chiến dịch thu hút đông đảo sự tham gia của đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, được sự ghi nhận, đánh giá cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng và xã hội. Các cấp bộ Đoàn, cấp bộ Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại địa bàn cụ thể hóa các nội dung triển khai chiến dịch phù hợp với địa phương. Năm 2018, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp cùng các đơn vị triển khai chiến dịch từ nay đến 31/8. Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2018, được Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo triển khai trong toàn quốc. Chiến dịch tập trung nâng cao nhận thức cho người dân, khách du lịch và cộng đồng về vai trò quan trọng của biển đối với đời sống con người; kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường biển bằng các hoạt động thiết thực và phù hợp với địa phương. Đồng thời tổ chức các hoạt động an sinh xã hội nhằm động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh có đường bờ biển tiếp tục ra khơi bám biển, phát triển kinh tế. Chiến dịch năm nay hướng tới có ít nhất 28.000 người tham gia; thành lập và duy trì các đội hình tình nguyện nòng cốt bảo vệ môi trường biển; duy trì thường xuyên hoạt động tối thiểu mỗi tuần 1 lần tại ít nhất 1 điểm ô nhiễm rác thải; giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải tại ít nhất 50% các địa bàn được xác định bị ô nhiễm rác thải sinh hoạt; có ít nhất 50 sáng kiến "Hãy làm sạch biển ” khả thi được đề xuât. Điểm đặc biệt năm nay là bất kể khách du lịch nào cũng cơ hội được tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, thu gom rác thải ở một số bãi tắm du lịch công cộng vào các ngày cuối tuần như tại Kiên Giang, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Quảng Bình,.... Ngày hội “Hãy làm sạch biển” cấp Trung ương sẽ được tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào ngày 20/7 với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực. 27 tỉnh, thành phố có đường bờ biển khác cũng đồng loạt cùng tổ chức các hoạt động thu gom rác thải. Phát biểu tại họp báo, bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia cho rằng việc bảo vệ môi trường biển không phải trách nhiệm của riêng bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Với chủ đề “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải sinh hoạt”, Chiến dịch Hãy làm sạch biển năm 2018 kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ hãy yêu biển bằng các hành động cụ thể và thiết thực, như không xả rác thải sinh hoạt bừa bãi tại các khu vực biển, thu gom rác thải đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa, tham gia vào các hoạt động của Chiến dịch Hãy làm sạch biển tại các địa phương, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến mang tính chất đột phá, sáng tạo, có khả năng triển khai hiệu quả,.... Là đơn vị đồng hành xuyên suốt Chiến dịch Hãy làm sạch biển năm 2018, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ: “Quan tâm đến các hoạt động từ thiện cộng đồng, bảo vệ môi trường đã là một phần trong đời sổng của cán bộ, nhân viên của Vietjet. Đây cũng là một phần trong kế hoạch Phát triển bền vững được hãng xây dựng và thực hiện đều đặn mỗi năm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và du khách đổi với môi trường biển, phát triển con người, kiến tạo nên cộng đồng văn minh và ngày càng tốt đẹp hơn. Trong khuôn khổ chương trình họp báo, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp cùng Bộ Công an, Hãng hàng không Vietjet, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phát động Cuộc thi thiết kế Poster và Sáng kiến “Hãy làm sạch biển ” với chủ đề “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải sinh hoạt ” dành cho tất cả đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có trụ sở đặt tại Việt Nam, các câu lạc bộ, đội, nhóm. Các sáng kiến được lựa chọn ngoài các phần thưởng về tiền mặt và hiện vật, các tác giả sẽ được hỗ trợ thêm một phần kinh phí từ Ban Tổ chức và được kết nối với các tổ chức, đơn vị tiềm năng về lĩnh vực môi trường để triển khai sáng kiến trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Hãng hàng không Vietjet - đơn vị đồng hành trong suốt Chiến dịch Hãy làm sạch biển năm 2018 sẽ dành tặng mỗi Giải thưởng cũng như các tác phẩm dự thi có lượt “like” và chia sẻ nhiều nhất trên facebook hàng tuần 1 cặp vé máy bay khứ hồi nội địa. Mai Thảo

Đào tạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các bệnh mạn tính tại tuyến cơ sở

TĐKT - Ngày 9/7, tại Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng (Hà Nội), Bộ Y tế đã khai mạc khoá đào tạo “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các bệnh mạn tính tại tuyến cơ sở theo nguyên lý y học gia đình”. PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ trì buổi lễ. Đến dự có ông Jun Nakagawa, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam; lãnh đạo và chuyên viên Vụ,Văn phòng bộ, cục, bệnh viện, viện, trường, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế và 60 cán bộ các trạm y tế huyện Đan Phượng tham dự khoá học. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc tại khóa đào tạo Khóa học nhằm hướng dẫn cán bộ y tế xã, phường lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân; hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng của Trạm y tế xã; giáo dục truyền thông: Tư vấn cho người bệnh về dinh dưỡng (giảm ăn muối, dinh dưỡng hợp lý), rèn luyện, hoạt động thể lực, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, không hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia, tạo cuộc sống thư giãn; dự phòng, phát hiện sớm, chăm sóc giảm nhẹ một số bệnh ung thư (ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa...). Tại khóa học, các chuyên gia cũng hướng dẫn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở phương pháp chẩn đoán bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và các biến chứng hay gặp, xử trí hạ đường huyết cho người bệnh ĐTĐ tại tuyến ban đầu; cập nhật đào tạo liên tục bệnh thông thường chuyên ngành lão khoa: Khám thực thể và khai thác tiền sử người bệnh cao tuổi; chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh sa sút trí tuệ tại tuyến ban đầu. Đặc biệt, hướng dẫn kỹ năng chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp; chẩn đoán và xử trí một số ca cấp cứu tim mạch thường gặp tại tuyến ban đầu; sàng lọc và phát hiện sớm tim bẩm sinh tại cộng đồng; thảo luận một số tình huống chuyển tuyến và một số ca lâm sàng thường gặp bệnh tim mạch… Phát biểu tại buổi khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tăng cường y tế cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một trong những việc được ưu tiên và quan tâm hàng đầu đối với ngành y tế hiện nay, với mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Để triển khai thực hiện tốt vấn đề này, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động 1379, Kế hoạch 1383, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng chính sách và triển khai nhiều nhóm giải pháp. Trong đó có nhóm giải pháp về nhân lực, tập trung nâng cao năng lực chuyên môn trong khám, chữa bệnh cho các thầy thuốc, y, bác sĩ làm việc tại trạm y tế tuyến xã nhằm thực hiện tốt sơ cứu, cấp cứu, khám sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán và quản lý điều trị các bệnh thường gặp, nhất là các bệnh mạn tính, các bệnh không lây nhiễm phổ biến, thực hiện quản lý người bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Bộ Y tế khuyến khích các địa phương áp dụng mô hình khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu nhằm giảm điều trị nội trú tại bệnh viện huyện, tăng cường KCB, chăm sóc tại nhà. Trong đó, triển khai mạnh mẽ việc thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, coi đây là phương thức quan trọng giúp phát hiện sớm và đưa vào quản lý điều trị các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm phổ biến như tăng huyết áp, ĐTĐ, hen phế quản, COPD, sàng lọc phát hiện sớm ung thư, quản lý bệnh tâm thần tại cộng đồng giúp giảm tải bệnh viện và thuận lợi cho người dân, giảm chi phí KCB và chi từ quỹ BHYT… Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương nghiên cứu chính sách, đề xuất các giải pháp nhằm tăng thu nhập cho các cán bộ công tác tại trạm y tế, thu hút cán bộ có trình độ cao yên tâm công tác.           Hồng Thiết

Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may

TĐKT – Sáng 10/7, tại Hà Nội, Công đoàn Hà Lan (CNV Internationaal), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ Dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may Việt Nam. Mục tiêu của lễ ký kết này là khẳng định cam kết của ba bên trong việc thúc đẩy đối thoại xã hội và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may, hướng tới cải thiện điều kiện làm việc, năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, buổi lễ ký kết còn giới thiệu rộng rãi về mục tiêu và các hoạt động chính của dự án với các đối tác thực hiện và các bên có liên quan. CNV là tổ chức công đoàn lớn thứ hai của Hà Lan, có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động đối thoại xã hội. CNV  đã làm việc cùng các tổ chức công đoàn ở những nước phát triển trong vòng hơn 50 năm, nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động thông qua mô hình tham vấn gắn kết trên cơ sở đối thoại xã hội – một công cụ quan trọng để cải thiện và phát triển bền vững. Đại diện các đơn vị ký kết phối hợp Theo chương trình ký kết, TLĐLĐVN sẽ phối hợp cùng VCCI, CNV triển khai Dự án trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chiến lược đổi mới chuỗi cung ứng ngành may, một sáng kiến nhằm cải thiện điều kiện lao động trong ngành dệt may, với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao Hà Lan. Mục tiêu của Dự án là nhằm giúp cho các đối tác đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp cơ sở taị ba tỉnh tham gia thí điểm (Hưng Yên, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh) có kinh nghiệm thực hiện đối thoại xã hội và thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp thực chất, từ đó hy vọng có thể tạo ra một số thay đổi cho cả hệ thống (pháp luật, chính sách thực hiện và thực tiễn). Dự án giải quyết trực tiếp thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt khi khung khổ pháp luật hiện hành về đối thoại xã hội và thương lượng tập thể không được thực thi đầy đủ. Ngành công nghiệp dệt may ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nó không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao và phong phú, đa dạng của con người mà còn là ngành giúp nước ta giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho xã hội và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách quốc gia. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành khoảng 13,5%/năm, trong lĩnh vực xuất khẩu tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm và chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính đến nay cả nước có khoảng gần 6000 doanh nghiệp dệt may, đang thu hút được khoảng 2,7 triệu lao động (chiếm 9,4% lực lượng lao động làm công hưởng lương của cả nước) và khoảng 2 triệu lao động khác làm việc trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Một trong những thách thức về vấn đề lao động mà ngành dệt may hiện nay đang phải đối mặt đó là việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động như quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể, thời giờ làm việc hợp lý, lương đủ sống, điều kiện lao động đảm bảo an toàn và sức khoẻ... Cách tốt nhất để giải quyết những thách thức này đó là thực hiện tốt đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả. Mai Thảo

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở

TĐKT - Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở là giải pháp tối ưu và lâu dài trong vấn đề giảm tải bệnh viện, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ra được nhiều giải pháp tối ưu để thực hiện nhiệm vụ này. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu về giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT cơ sở Được biết, năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 loại thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát, các trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này. Tuyến xã mới chỉ quản lý số lượng người bệnh tăng huyết áp hoặc chỉ khám, kê đơn theo các đơn thuốc đã được kê tại tuyến trên, không đánh giá được hiệu quả điều trị… Đặc biệt, người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh và cán bộ y tế, danh mục thuốc, kỹ thuật còn ít. Vì thế bệnh nhân vượt lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện, tăng chi phí, mất thời gian... Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Việc người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh BHYT ban đầu là do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015, người bệnh BHYT thường lựa chọn khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã. Ngoài ra, hệ thống các trạm y tế xã hiện nay chưa đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ và còn nhiều bất cập cả về nhân lực, cơ sở vật chất, tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc, đặc biệt là chất lượng bác sĩ. Hơn hết, cả ngành y tế và ngành BHXH đều chung nhận định, y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế. Nếu làm tốt sẽ đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân. Song song với đó, trạm y tế có nhiệm vụ cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng... Mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý sức khỏe, 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, 100% trạm y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số một số bệnh không lây nhiễm. Để thực hiện mục tiêu trên, trong nhiều năm qua, ngành y tế đã đưa nhiều giải pháp như luân phiên bác sĩ từ tuyến trên về tuyến xã công tác, quy định gói dịch vụ y tế cơ bản,… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Theo bà Nguyễn Thị Minh, để phát triển trạm y tế xã hiện nay, rất cần các địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng nữa là ở trạm y tế xã dù có bác sĩ tuyến trên luân phiên về công tác, nhưng không bền vững và điều lo ngại nhất là chất lượng bác sĩ. Người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã là do chưa tin tưởng tay nghề của bác sĩ. Vì vậy, song song với việc đào tạo nhân lực mới, ngành y tế cũng cần tập trung đào tạo lại nhân lực sẵn có tại các trạm y tế xã thì mới có thể đáp ứng nhu cầu người dân. Nếu như cơ sở y tế nào tốt, ngành y tế cần mạnh dạn phân cấp, có các chính sách ưu đãi cho cơ sở đó. Chẳng hạn nếu tuyến xã làm tốt thì BHXH có thể sẽ không thanh toán khám, chữa bệnh BHYT với tuyến huyện nữa và nếu người dân vẫn lên tuyến huyện thì việc đóng tiền khám, chữa bệnh là hết sức bình thường. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang chọn 26 trạm y tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Yên Bái, Hà Tĩnh... để làm mô hình thí điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở. Để nâng cao tính hiệu quả thì trực tiếp Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ quản lý từng trạm này để làm thí điểm và sau đó nhân rộng. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Bộ Y tế sẽ khai giảng khoá học về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý các bệnh không lây nhiễm cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, tiến tới xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ gia đình, sau 6 năm học đa khoa sẽ học thêm 3 năm y học gia đình. Bộ Y tế khuyến khích hệ thống tư nhân tham gia vào hệ thống bác sĩ gia đình. Mặt khác, để tăng cường khám, chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế xã thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung vào đổi mới cơ chế chi trả khám, chữa bệnh BHYT như không quy định tỷ lệ quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế xã như hiện nay, triển khai thanh toán theo định suất, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mạn tính, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã theo mô hình chuẩn. Đồng thời xây dựng thống nhất 1 phần mềm áp dụng tại trạm y tế xã đảm bảo quản lý thông tin các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân. Hồng Thiết  

Trang