TĐKT - Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội(LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam “Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và bà Caitlin Wiesen - Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Caitlin Wiesen - Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã ca ngợi những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong giảm nghèo, qua đó giúp tạo việc làm cho người dân; đồng thời tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội…
Quang cảnh Hội thảo
Theo bà Caitlin Wiesen, năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều. Đây là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ đo lường nghèo thu nhập sang đo lường nghèo đa chiều. Điều này đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong việc áp dụng cách tiếp cận nghèo đa chiều, trong quá trình thực hiện các cam kết trong Mục tiêu phát triển bền vững số 1 (SDG1).
Theo đó, tỷ lệ nghèo cùng cực giảm mạnh từ 49,2% năm 1992 xuống còn 2% năm 2016. Trong số 17 SDGs mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, SDG1 về giảm nghèo có khả năng đạt được cao nhất. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc về chỉ số SDG năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017. Tỷ lệ nghèo đa chiều (theo chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam) giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng hơn 6 triệu người đã thoát nghèo.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện SDG1. Nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Khoảng cách nghèo đói tính theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục và tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân tộc Kinh và các DTTS ngày càng gia tăng trong giai đoạn 2012 - 2016. Các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật được tiếp cận ít hơn với cơ hội giáo dục và việc làm so với mức trung bình của cả nước…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đạt những con số ấn tượng, đời sống người dân được cải thiện.
Bên cạnh thành công, vẫn còn những thách thức như nguồn lực đầu tư cho các tỉnh nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chính sách cho những người dân thuộc DTTS chưa phát huy hiệu quả… Do đó, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần xác định giảm nghèo phải được thực hiện ở nhiều nơi và vấn đề an sinh xã hội cho người dân được thực hiện nghiêm túc.
Trong thời gian tới, cần thực hiện các hành động nhằm trang bị cho người dân năng lực để nỗ lực thoát nghèo, hỗ trợ cho các vùng DTTS, tăng cường sự tham gia của người dân để tăng quyền, trao quyền tham gia vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để huy động các nguồn lực cho công cuộc giảm nghèo.
Song song với đó, ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, cần tăng cường năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào DTTS, giúp người dân tiếp cận tài chính và ươm mầm khởi nghiệp.
La Giang
Chính trị - Xã hội
Thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia Bảo hiểm y tế
TĐKT- Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị phổ biến Thông tư 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). BHYT quy định rõ về việc thanh toán thuốc điều trị ung thư Theo đó, thông tư quy định thanh toán đối với các thuốc điều trị ung thư như sau: Chỉ được sử dụng để điều trị ung thư tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng điều trị ung thư (bao gồm cơ sở ung bướu, huyết học truyền máu và y học hạt nhân; các khoa, đơn vị ung bướu, huyết học truyền máu và y học hạt nhân trong viện, bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa) và phải do bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn là ung bướu hoặc huyết học truyền máu chỉ định. Trường hợp sử dụng để điều trị các bệnh khác không phải ung thư: Quỹ BHYT thanh toán theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc của bệnh viện. Trường hợp chưa có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị thì phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Trường hợp chưa có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị và không có bác sĩ chuyên khoa ung bướu thì phải được hội chẩn dưới sự chủ trì của lãnh đạo bệnh viện trước khi chỉ định sử dụng. Đối với người bệnh bị ung thư có sử dụng thuốc Doxorubicin, đường tiêm, dạng liposome; thuốc Erlotinib, đường uống; thuốc Gefitinib, đường uống; thuốc Sorafenib, đường uống (điều trị ung thư tế bào biểu mô gan, thận tiến triển) trước ngày 1/1/2015 và còn sử dụng sau ngày 1/1/2019 thì tiếp tục được thanh toán với tỷ lệ 100%. Đối với người bệnh bị ung thư có sử dụng thuốc Everolimus, đường tiêm, uống; thuốc L-asparaginase erwinia, đường tiêm; thuốc Paclitaxel, đường tiêm, dạng liposome và dạng polymeric micelle trước ngày 01 tháng 01 năm 2019 và còn sử dụng sau ngày 01 tháng 01 năm 2019; hoặc thuốc Sorafenib, đường uống (điều trị ung thư tế bào biểu mô thận tiến triển) sau ngày 1/1/2015 và còn sử dụng sau ngày 1/1/2019 thì tiếp tục được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT. Quy định này áp dụng trong các trường hợp sau đây: Sử dụng cho đến hết liệu trình điều trị (từ thời điểm khi người bệnh được chẩn đoán xác định, bắt đầu điều trị đến kết thúc điều trị); Trường hợp sau khi điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh chuyển sang cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác, được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc này nhưng vẫn trong liệu trình điều trị (trừ trường hợp điều trị ngoại trú trái tuyến); Người bệnh điều trị bệnh tạm ổn và dừng điều trị, khi tái phát, bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc đã điều trị; Trong quá trình điều trị, người bệnh không đến khám lại đúng hẹn, điều trị thuốc không liên tục; Trường hợp người bệnh sử dụng thuốc Erlotinib, đường uống có tác dụng phụ hoặc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hết thuốc, bác sĩ chỉ định chuyển sang thuốc Gefitinib, đường uống và ngược lại (chuyển đổi từ thuốc Gefitinib, đường uống sang thuốc Erlotinib, đường uống). Thông tư 30/2018/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019. Hồng ThiếtTĐKT - Trong khuôn khổ Dự án thúc đẩy bình đẳng giới trong Luật Lao động (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE cùng các đối tác là Oxfam, VCCI, CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và sáng kiến của Chính phủ Australia "Investing in Women", sáng 20/12, tại Hà Nội, iSEE tổ chức Tọa đàm chính sách “8 tiếng công bằng”.
Tại toạ đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề: Sự bình đẳng tiếp cận cơ hội công việc, thực hiện chính sách chế độ, công bằng trong tuyển dụng, trả lương, chia sẻ những công việc không được trả lương như chăm sóc con, làm việc nhà và thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động… đặc biệt nhấn mạnh tiếp cận bình đẳng giới trong lao động.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Theo dữ liệu Khảo sát về lực lượng lao động ở Việt nam (LFS), từ năm 2011 đến năm 2014, nữ giới thu nhập trung bình ít hơn 3 triệu đồng (Giả sử làm việc một tuần 40 giờ và trong 52 tuần làm việc) so với nam giới. Nam giới thu nhập nhiều hơn nữ giới cả trong các lĩnh vực nhà nước và ngoài nhà nước và trong các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Khoảng cách này vẫn không thay đổi trong suốt bốn năm, cũng theo nguồn dữ liệu trên.
Về khoảng cách thu nhập trên tất cả các nhóm tuổi, có một chênh lệch ở tuổi sinh đẻ và thay đổi rõ rệt trong nhóm tuổi 55 - 59 (khoảng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ). Nó giảm một lần nữa khi người đàn ông nghỉ hưu ở tuổi 60 ở Bảng 2, cho thấy được sự bất lợi lớn về thu nhập của phụ nữ khi đến tuổi sinh con và nghỉ hưu.
Hiến pháp (2013), Luật Bình đẳng giới (2006) và Bộ luật Lao động (2012) đều khẳng định mục tiêu không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao hàm cả yếu tố cơ hội việc làm. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động hiện hành vẫn bao hàm một số quy định vô hình chung có tính phân biệt đối xử trên cơ sở giới, như những quy định về các nhóm ngành nghề lao động nữ không được phép thực hiện hay việc chưa có các quy định cụ thể về đào tạo dạy nghề, hỗ trợ an sinh xã hội và bình đẳng cơ hội cho lao động nữ.
Theo đó, việc cải thiện khung pháp lý và áp dụng trong thực tiễn để xóa bỏ phân biệt đối xử trên cơ sở giới và thúc đẩy bình đẳng trong cơ hội việc làm là hết sức cần thiết. Các quy định hợp lý về bình đẳng trong cơ hội việc làm và chia sẻ trách nhiệm đối với gia đình sẽ cải thiện không chỉ chất lượng lao động và thu nhập cho lao động nữ, mà còn góp phần cải thiện năng suất lao động nói chung và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được lực lượng lao động dồi dào và đa dạng hơn.
Tiến sĩ Đỗ Ngân Bình, Đại học Luật Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ luật Lao động cho biết: Trong quá trình thu thập ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động, có 5 vấn đề nổi bật có nhiều ý kiến trái chiều giữa các bên: Tuyển dụng; trả công; bảo hiểm xã hội (BHXH); thời gian làm thêm; cơ hội phát triển.
Trong đó vấn đề BHXH liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu nam và nữ, bà Đỗ Thị Thúy Hương, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Viettronics cho rằng: Thực tế từ doanh nghiệp cho thấy, nhóm đối tượng người lao động chân tay đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu và tuổi nghỉ hưu nên như nhau. Do đó, đề xuất nên linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu từ 55 - 60 tuổi và từ 55 - 62 tuổi. Nếu lao động nặng nhọc thì người lao động có thể lựa chọn nghỉ hưu sớm.
Bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: Việc nghỉ hưu nên phân chia ngành nghề và linh hoạt theo khung độ tuổi để người lao động lựa chọn. Về phía Tổng Liên đoàn cũng cho rằng tuổi nghỉ hưu tiến tới bình đẳng giới giữa nam và nữ.
Đứng ở khía cạnh luật pháp, Tiến sĩ Đỗ Ngân Bình cho rằng, nếu đưa linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu sẽ rất khó cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp sẽ bị treo “lơ lửng” trong khoảng thời gian đó và không biết người lao động sẽ nghỉ khi nào? Do đó, ban soạn thảo Bộ luật Lao động đang đưa ra phương án phải xác định cụ thể con số tuổi nghỉ hưu. Theo đó, với lao động nữ tuổi nghỉ hưu tăng từ 55 lên 60 tuổi và nam tăng từ 60 lên 62 tuổi. Đây là phương án dựa trên thực tế Luật Lao động hiện hành quy định đến tuổi nghỉ hưu (nữ là 55 và nam là 60), doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động và chuyển sang dạng hợp đồng khác.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương lại cho rằng, việc đưa khung về độ tuổi nghỉ hưu không gây khó khăn với doanh nghiệp. Lý do là việc điều chỉnh trong khung thời gian nghỉ hưu (nữ từ 55 đến 60 tuổi và nam từ 60 đến 62 tuổi) căn cứ trên hợp đồng. Chủ sử dụng lao động và người lao động có thể xác định trong hợp đồng tuổi nghỉ hưu dựa trên nhu cầu, sức khỏe.
Theo bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), việc nghỉ hưu theo khung độ tuổi như vậy sẽ phát huy sự thỏa thuận, đàm phán của người lao động. Do đó, đây là một ý tưởng hay mà các bên nên góp ý với Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với người lao động.
Theo dự thảo Bộ luật Lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi và thực hiện từ năm 2021. Về lộ trình, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10/2019).
Thục Anh
Tập huấn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2018
TĐKT - Ngày 20/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) năm 2018 cho các bộ, ngành, địa phương theo hình thức trực tuyến. Nội dung tập huấn gồm 3 chuyên đề: Những điểm mới và nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định số 61 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định 61 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính; hướng dẫn rà soát, đánh giá thủ tục hành chính và quy trình xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, trang bị kỹ năng tác nghiệp trong triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước. Quang cảnh Hội nghị Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với chủ trương, quan điểm chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP (Nghị định 61) về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Nghị định 61 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng tại các bộ, cơ quan ngang bộ thay vì chỉ ở địa phương như trước đây. Bộ trưởng đề nghị, các đơn vị tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, dịch vụ hành chính công, đặc biệt chú trọng dịch vụ hành chính liên quan đến doanh nghiệp, người dân; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết TTHC, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch, quá hạn trong giải quyết TTHC. Các đơn vị tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, dịch vụ hành chính công, đặc biệt chú trọng dịch vụ hành chính liên quan đến người dân. Theo Bộ trường Mai Tiến Dũng nguyên tắc xây dựng dịch vụ công là tập trung những dịch vụ, thủ tục liên quan đến tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ công cấp độ 3, 4. Tránh việc các thủ tục nhiều không làm mà công bố các thủ tục người dân cần ít, công bố phải thực sự thủ tục trên nền điện tử, hồ sơ điện tử. Hội nghị góp phần quán triệt việc thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Bảo đảm triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả các nội dung đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP . Trang bị kỹ năng tác nghiệp trong triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Hồng ThiếtTĐKT - Sáng 19/12, Khoa tiếng Anh A2 Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đào tạo theo tín chỉ: Cơ hội và thách thức”.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự Hội thảo, có: Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh cùng lãnh đạo các Khoa, đơn vị liên quan và Ban chủ nhiệm, tập thể cán bộ, giảng viên Khoa tiếng Anh A2.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích đưa ra những định nghĩa về tín chỉ, giúp cán bộ, giảng viên nhận thức rõ hơn về hình thức đào tạo này trong hệ thống giáo dục đại học trong và ngoài nước, đồng thời bàn luận về các kế hoạch giảng dạy, cơ hội, thách thức khi áp dụng hình thức này trong hoạt động dạy và học của Khoa tiếng Anh A2 thời gian tới.
ThS. Dương Cẩm Tú - Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh A2 trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, ThS. Dương Cẩm Tú, Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh A2 cho biết: Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học, cho phép người học tích lũy độc lập các đơn vị kiến thức cần thiết trong toàn bộ chương trình học tập. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp.
Người học được chủ động lựa chọn, đăng ký một số môn học, thời gian học, thầy, cô giáo trong lộ trình học tập của mình. Chương trình được thiết kế theo phương thức đào tạo tín chỉ bao gồm một hệ thống những môn học thuộc khối kiến thức chung, những môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành, những môn học thuộc khối kiến thức cận chuyên ngành.
Hơn nữa, phương thức đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học, đề cao phương pháp tự học, tự nghiên cứu của sinh viên và tính vào nội dung, thời lượng của chương trình. Người học là người tiếp nhận kiến thức nhưng đồng thời cũng là người chủ động tạo kiến thức, hướng tới đáp ứng những nhu cầu của thị trường lao động ngoài xã hội.
ThS. Dương Cẩm Tú cũng chia sẻ: Hiện nay, Khoa tiếng Anh A2 đang sử dụng giáo trình Market Leader để giảng dạy cho sinh viên ở các chuyên ngành về kinh doanh và một số chuyên ngành đào tạo khác của trường. Bộ giáo trình Market Leader có 5 cấp độ dành cho người tiếng Anh từ trình độ sơ cấp đến nâng cao (Elementary, Pre-intermediate, Intermediate, Upper intermediate and Advanced). Đây là bộ giáo trình tương đối mới và đầy đủ nhằm đưa thực tiễn của thế giới kinh doanh quốc tế vào lớp dạy tiếng Anh.
Giáo trình này được xây dựng gắn liền với tờ Thời báo Tài chính (the Financial Times) - một trong những nguồn cung cấp thông tin chuyên nghiệp hàng đầu trên thế giới nhằm đảm bảo tầm mức rộng rãi và tính xác thực của nội dung kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì Bộ giáo trình này có thực sự phù hợp với tất cả các ngành đào tạo của trường hay không thì cần phải được xem xét và bàn luận nhiều hơn nữa.
Cũng tại buổi Hội thảo, Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh A2 đã nêu ra một số khó khăn, thách thức khi chuyển từ hình thức đào tạo theo niên chế sang tín chỉ và khẳng định: Để thực hiện được hình thức chuyển đổi này cần phải có sự chung tay, góp sức của Ban Giám hiệu cùng tất cả các đơn vị đào tạo và phục vụ đào tạo của nhà trường.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh đánh giá cao tinh thần tiên phong của Khoa tiếng Anh A2 trong chủ trương chuyển hướng đào tạo từ niên chế sang tín chỉ. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng khẳng định: Nhân tố người học và giảng dạy là những điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện thành công của công tác đào tạo nói chung, đặc biệt là hệ thống đào tạo tín chỉ. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên hùng hậu, có trình độ chuyên môn cao, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chắc chắn sẽ hoàn thành sớm quá trình chuyển đổi mô hình đào tạo này, mang lại nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu cho sinh viên, học viên của trường.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ cũng như đóng góp xây dựng về những kế hoạch đào tạo và việc có phù hợp hay không khi đưa giáo trình Market Leader vào giảng dạy cho sinh viên của Khoa tiếng Anh A2 trong quá trình áp dụng mô hình tín chỉ này.
Thu Hương
TĐKT - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân và Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”.
Tới dự, có các đồng chí: Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng PGS, TS. Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng…
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân và Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn đồng chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”
Mục đích của tọa đàm nhằm khẳng định chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Đấu tranh phản bác làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa quân đội”, luận điệu xuyên tạc, hạ thấp vai trò, uy tín của quân đội, hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ của các thế lực thù địch và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trình bày đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn khẳng định: Bộ đội Cụ Hồ tên gọi thân yêu, thể hiện tình cảm đặc biệt của bộ đội với Bác Hồ, của Bác Hồ với bộ đội; là hình tượng tập trung những phẩm chất tốt đẹp của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Bộ đội Cụ Hồ danh hiệu cao quý được nhân dân tin yêu, suy tôn, dành tặng cho Quân đội ta - đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân.
Những phẩm chất, lối sống, phong cách, hành vi chính trị, đạo đức của Bộ đội Cụ Hồ trong Quân đội nhân dân Việt Nam: Trung với Đảng; hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; là tình yêu thương đồng chí, đồng đội; kỷ luật tự giác, nghiêm minh; thuỷ chung với bạn bè quốc tế; mưu trí sáng tạo, dũng cảm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là những nội dung cơ bản, cốt lõi tạo nên giá trị cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
Tại Tọa đàm, tham luận của các đại biểu đã đi sâu làm rõ sự cần thiết giữ vững và phát huy danh hiệu, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, bản chất, truyền thống, niềm tin của Đảng, Nhà nước nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ; là yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của Quân đội ta.
Từ đó, cần giữ vững hình ảnh sáng đẹp Bộ đội Cụ Hồ: Thể hiện bằng lời nói, việc làm cụ thể, những tấm gương tiêu biểu của cán bộ, chiến sĩ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị chính quy, thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; gắn bó mật thiết hết lòng phục vụ nhân dân.
Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ: Về công tác tư tưởng; giải pháp tổ chức thực hiện; về rèn luyện, học tập, nhất là học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy.
Phương Thanh
TĐKT – Vừa qua, đại diện cho Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Công đoàn nhà trường có chuyến thăm và trao quà cho trường mầm non Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Sự kiện là một trong những hoạt động từ thiện do Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nhà trường tổ chức thường niên nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng tương thân, tương ái của thầy và trò Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Thay mặt cụm trường mầm non Mường Lống, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Duy (bên trái) nhận quà từ đại diện Công đoàn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, ThS. Nguyễn Hữu Chiến, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã giới thiệu về quá trình xây dựng, phát triển, cơ sở vật chất, các chuyên ngành đào tạo và đặc biệt là truyền thống thiện nguyện của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Xúc động trước tình cảm cũng như những nỗ lực bám trường, bám lớp của thầy và trò của trường mầm non Mường Lống nói riêng và các cơ sở đào tạo nơi đây nói chung.
Chủ tịch Công đoàn nhà trường nhấn mạnh: “Sự cố gắng, sự chịu đựng và nỗ lực của các thầy cô vùng cao thật sự đáng ngưỡng mộ và khâm phục. Những sự hy sinh thầm lặng ấy của thầy cô đã và đang từng ngày làm thay đổi bộ mặt giáo dục vùng cao nói chung và giáo dục Mường Lống, huyện Kỳ Anh nói riêng.”
Đồng thời, Chủ tịch Công đoàn mong muốn sẽ đồng hành với cô và trò trường mầm non Mường Lống trong những năm tiếp theo để mang đến những điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho thầy cô và các bé, giúp các bé được lớn lên trong môi trường học tập tốt. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ không chỉ trao tặng hệ thống nước sạch cho cụm trường mầm non Mường Lống mà còn hỗ trợ thêm những hệ thống học đường khác.
Đáp lại những tình cảm, những chia sẻ chân thành của Đoàn công tác, Phó Hiệu trưởng cụm trường mầm non Mường Lống đã thay mặt Ban Giám hiệu, thầy cô và các bé gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu và toàn thể các thầy cô giáo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ủng hộ, hỗ trợ xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất tại nơi đây. Đó sẽ là những nguồn động viên vô cùng to lớn để các thầy, các cô tiếp tục cống hiến cho mảnh đất này.
Huy Thuyết
TĐKT - Bộ Y tế cho biết, căn cứ kết quả chuyển đổi sử dụng vaccine DPT-VGB-Hib (ComBe Five) tại 7 tỉnh, thành phố trong tháng 10 và 11/2018 và triển khai tiêm vaccine này trên quy mô toàn quốc từ cuối tháng 12 tới.
Được biết, Bộ Y tế đã triển khai vaccine DPT-VGB-Hib (ComBe Five) do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất, thay thế vaccine Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại 7 tỉnh, gồm: Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa -Vũng Tàu.
Thời gian triển khai tiêm vaccine ComBe Five tại 7 tỉnh, thành phố có muộn hơn so với kế hoạch dự kiến là do loại vaccine này được cung ứng thông qua UNICEF cho Việt Nam vào ngày 4/10/2018.
Ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận xuất xưởng vaccine, sinh phẩm của Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cho lô vaccine, ngày 15/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án tiêm chủng mở rộng đã phân bổ vaccine cho 7 tỉnh, thành phố để triển khai tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi vào ngày tiêm chủng thường xuyên của tháng 10 và tháng 11/2018.
Các địa phương đã thực hiện triển khai ngay sau khi được cung ứng vaccine ComBe Five. Trong đó, 4 tỉnh triển khai trong tháng 10/2018 là Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang (2 huyện), Bình Định (5 huyện); 3 tỉnh: Yên Bái, Kon Tum, Đồng Tháp và các huyện còn lại của Bắc Giang triển khai trong tháng 11/2018.
Kết quả tính đến thời điểm ngày 30/11/2018, đã triển khai tại 60 huyện, 899 xã/phường, đã có 17.356 trẻ đã được tiêm vaccine ComBe Five, tỷ lệ tiêm chủng đạt 75,7%.
Theo báo cáo của các địa phương, việc theo dõi phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five được thực hiện chủ động, chặt chẽ trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng. Theo đó, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt <39°C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) là 5,5 %.
Vaccine ComBe Five tiêm cho trẻ lúc 2, 3, 4 tháng tuổi
Có 3 trường hợp phản ứng phải nhập viện điều trị đã được Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng, gồm 2 trường hợp phản ứng phản vệ, 1 trường hợp sốt cao/co giật đã được xử trí ban đầu và cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Không có trường hợp tử vong. Không có trường hợp từ chối không tiêm chủng vaccine.
Vaccine DPT-VGB-Hib ComBe Five là vaccine phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (ComBE Five) do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất loại 1 liều/lọ tương tự như vaccine Quinvaxem đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam và được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong tiêm chủng mở rộng.
Vaccine phối hợp DPT-VGB-Hib ComBe Five được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Không sử dụng vaccine này cho trẻ sơ sinh. Lịch tiêm này tương tự lịch tiêm vaccine Quinvaxem trước đây. Nếu liều vaccine nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần tiêm càng sớm càng tốt vào thời gian sau đó và không cần phải tiêm lại từ đầu. Đặc biệt, chú ý khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.
La Giang
Tăng cường phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản
TĐKT - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức buổi lễ mít tinh “Ngày hội truyền thông: Tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm”. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66%. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đạp xe kêu gọi phòng, chống bệnh không lây nhiễm Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới, khiến hơn 3 triệu người chết trong năm 2012, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu và theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3. Ở Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng. Bên cạnh đó, hen phế quản là một bệnh hô hấp không lây nhiễm đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh, tuy nhiên theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Có thể nói hiện nay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cũng như các bệnh không lây nhiễm khác đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh, gây ra tàn phế, tử vong và các gánh nặng kinh tế cho gia đình. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng: Câu lạc bộ người bệnh không lây nhiễm, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe. Tại buổi lễ, đại biểu tham dự cùng các tình nguyện viên đã tham gia chương trình đạp xe diễu hành nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm. Hồng ThiếtĐêm CRS Doanh nhân Hàn Quốc 2018: Trao 900 triệu đồng học bổng cho sinh viên Việt Nam
TĐKT - Tối 17/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Korcharm) tổ chức "Đêm CRS Doanh nhân Hàn Quốc 2018 - Chung tay chia sẻ", trao học bổng cho các sinh viên Việt Nam. Đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc trao học bổng và giấy chứng nhận cho các em sinh viên Việt Nam Được khởi động từ năm 2015, "Đêm CRS Doanh nhân Hàn Quốc - Chung tay chia sẻ" được tổ chức với mục đích hỗ trợ các sinh viên Việt Nam - tương lai của đất nước hướng đến tương lai "chung tay chia sẻ" giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Tại Lễ trao học bổng, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trao 90 suất học bổng, tổng trị giá 900 triệu đồng cho 90 em sinh viên được tiến cử bởi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, Bộ Ngoại Giao, Sở ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Đây là những cơ quan hỗ trợ rất nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Năm nay, có 58 doanh nghiệp tài trợ học bổng. Trong đó, có: Hội Người Hàn tại Hà Nội, Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng, Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ học tập và giải trí trực truyến (VDC NET2E), Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam... Trong khuôn khổ chương trình, Đại diện Tổ chức UN Global Compact (UNGC) – Tổ chức được thành lập từ sáng kiến của các doanh nghiệp lớn trên thế giới với mục tiêu thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với hơn 9,000 hội viên trên thế giới đã phát biểu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Thông qua bài phát biểu, Tổ chức muốn gửi thông điệp tới các doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại sự kiện về sáng kiến thành lập tổ chức, các quy phạm quốc tế về phòng, chống tham nhũng, nhấn mạnh về các xu hướng phòng, chống tham nhũng trên thế giới. Phương ThanhTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 224
- 225
- 226
- 227
- 228
- …
- sau ›
- cuối cùng »