Chính trị - Xã hội

Nhiều hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện

TĐKT - Sáng 1/10, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Tỉnh ủy Hà Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 - 13/10/2018). Ban tổ chức thông tin về các hoạt động Nội dung trọng tâm của các hoạt động kỷ niệm: Hội thảo khoa học "Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam" do Tỉnh ủy Hà Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào 8h ngày 9/10 và Lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng 9 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ và Chương trình nghệ thuật "Hà Nam đất mẹ Anh hùng" do Báo Nhân Dân phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức vào hồi 20 giờ ngày 10/10. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Nhân Dân, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nam và một số Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương trên cả nước. Nhân dịp này, Tỉnh ủy Hà Nam sẽ tổ chức khánh thành công trình Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh Đình Tràng, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý. Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, quê ở thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay là tổ phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý), tỉnh Hà Nam. Năm 1923, đồng chí rời quê hương ra TP Hải Phòng học Trường Kỹ nghệ thực hành và được giác ngộ cách mạng. Năm 1925, đồng chí tham gia vận động học sinh bãi khóa, viết đơn đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, đồng chí về Nam Định làm thợ nguội Nhà máy Sợi. Năm 1927, được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định. Đầu năm 1928, đồng chí trở lại Hải Phòng làm việc ở Nhà máy Tơ, bắt mối liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng. Tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hải Phòng. Tháng 8/1929, Tỉnh ủy lâm thời Hải Phòng thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công phụ trách xây dựng cơ sở, tổ chức Đảng ở Nhà máy Chai. Tháng 5/1930, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, giam ở nhà tù Hải Phòng. Ngày 29/1/1931, thực dân Pháp kết án đồng chí tù khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Mùa hè năm 1931, đồng chí bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tháng 9/1936, đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động tại Hà Nội. Tháng 3/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức thành lập lại, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9/1937) và Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938). Ngày 29/12/1938, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được thả vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 1/1939, đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9/1939. Tháng 9/1939, đồng chí được cử đi chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật của Xứ ủy ở tỉnh Phú Thọ. Tháng 10/1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An) và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ngày 18/1/1941, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt tại Hải Phòng, sau đó, bị đưa về giam giữ tại Hỏa Lò (Hà Nội). Ngày 1/9/1941, đồng chí bị xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng. Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thủy chung, sắt son với Đảng, dân tộc, vững niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Ghi nhớ, tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện cho sự nghiệp cách mạng, công trình Đài tưởng niệm Liệt sĩ Lương Khánh Thiện đã được dựng lên tại thị trấn Trường Sơn (An Lão, Hải Phòng), nơi đồng chí hy sinh. Trên quê hương Hà Nam, công trình nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện đã được hoàn thành xây dựng tại khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh phường Lam Hạ, TP Phủ Lý. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cũng đã lựa chọn một số đơn vị hành chính, công trình công cộng mang tên đồng chí Lương Khánh Thiện. Tại tỉnh Hà Nam có 1 phường và hệ thống trường mầm non, tiểu học THCS mang tên đồng chí Lương Khánh Thiện. Phương Thanh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam khai giảng năm học mới 2018 – 2019

TĐKT - Sáng 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế. Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao nhiều sản phẩm khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, phục vụ sự phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, thí điểm thực hiện chủ trương tự chủ đại học từ năm 2015, với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhà trường tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đạt trên 90%, phong trào khởi nghiệp sinh viên đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng được tích cực triển khai. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới Học viện Nông nghiệp Việt Nam Riêng trong năm học 2017 - 2018, toàn thể đảng bộ, cán bộ, viên chức và sinh viên Học viện đã ra sức rèn luyện, phấn đấu giữ vững lập trường chính trị, hết lòng, hết sức, chung sức, chung lòng phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển. Đã kết nạp được 110 đảng viên mới; 3 cá nhân được nhận huy hiệu 40 và 30 năm tuổi Đảng; được Đảng bộ khối khen thưởng là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; được Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong năm học qua, Học viện đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, 6 cá nhân được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 9 tập thể và 32 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen; 87 sinh viên đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, 682 sinh viên giỏi; trong đó có 2 sinh viên là thủ khoa tiêu biểu được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.  Học viện có 4 giống cây trồng được công nhận cấp quốc gia, 2 giống cây trồng được cho sản xuất thử nghiệm; thương mại hóa 4 giống lúa, 2 giống ngô và nhiều giải pháp hữu ích khác; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho 4 sản phẩm khoa học công nghệ; thực hiện tốt 17 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm đã được chuyển vào trung tâm ươm tạo khoa học công nghệ của Học viện để phát triển và thúc đẩy thương mại hóa, nhiều sản phẩm đã được đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ…. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương, chúc mừng những thành tựu mà các thế hệ thầy, cô giáo, cán bộ và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt được trong hơn 60 năm qua; khẳng định Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đi tiên phong trong đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với thực tiễn phát triển của sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng tranh Khuê Văn Các cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nhấn mạnh giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học - công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư yêu cầu Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tích cực thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo. “Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện… Sinh viên tốt nghiệp đại học phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước. Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn, nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh", Tổng Bí thư yêu cầu. Trong bối cảnh thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin như hiện nay, nhà trường cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo; ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại; gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo; đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học - công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội, gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học với địa phương sở tại.  Tổng Bí thư tin tưởng, trong thời gian tới, Học viện tiếp tục phát huy truyền thống của một trường đại học Anh hùng, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu sáng tạo để đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Học viện, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu "Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi". Thục Anh

Tiếp tục nghiên cứu giá trị lịch sử, hiện thực của Khởi nghĩa Lam Sơn

TĐKT - Sáng 28/9, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) - Giá trị lịch sử và hiện thực” nhằm trao đổi, thảo luận và thống nhất đánh giá tầm vóc, vị trí, vai trò quan trọng của anh hùng dân tộc Lê Lợi và Khởi nghĩa Lam Sơn trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Dự hội thảo có hơn 100 đại biểu là các giáo sư, phó giáo sư, nhà nghiên cứu, chuyên gia sử học đến từ các viện nghiên cứu, hội, ngành Trung ương và địa phương; các trường đại học cùng các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học trong và ngoài quân đội. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận các chủ đề chính: Làm rõ bối cảnh, tình hình Đại Việt/ Đại Ngu cũng như âm mưu và quá trình thực hiện kế hoạch xâm lược của nhà Minh đầu thế kỷ 15; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò, tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; bước phát triển nghệ thuật quân sự độc đáo của Khởi nghĩa Lam Sơn trong tiến trình lịch sử Việt Nam; vai trò lãnh đạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Bộ Tham mưu nghĩa quân trong việc hoạch định đường lối, xây dựng căn cứ địa, tập hợp quần chúng, xác định phương thức tiến hành và chỉ huy cuộc khởi nghĩa; tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi của Khởi nghĩa Lam Sơn, những bài học kinh nghiệm trong xây dựng thế trận lòng dân, thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tại Hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo khẳng định: Hội thảo “Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) - Giá trị lịch sử và hiện thực” đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quý báu được nghiên cứu bằng các phương pháp truyền thống và hiện đại, thông tin đa chiều, toàn diện đã và đang thể hiện tính đúng đắn, gần với lịch sử hơn. Sau cuộc hội thảo, ban tổ chức mong muốn các đại biểu tiếp tục sưu tầm, cung cấp thêm những tư liệu, sự kiện liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn để các cơ quan, đơn vị đánh giá, thẩm định bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử trọng đại này, đồng thời làm cơ sở phục vụ nghiên cứu lâu dài. Nguyệt Hà

Tập huấn triển khai Hệ thống quản lý văn bản một cửa điện tử của Bộ Nội vụ và kiểm soát thủ tục hành chính, tiêu chuẩn ISO

TĐKT - Từ ngày 26 - 27/9, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức lớp tập huấn triển khai Hệ thống quản lý văn bản một cửa điện tử của Bộ Nội vụ và kiểm soát thủ tục hành chính, tiêu chuẩn ISO. Đến dự có, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; các Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Trọng Thừa, Nguyễn Duy Thăng, Triệu Văn Cường; đại diện lãnh đạo và các công chức, viên chức thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, kiểm soát thủ tục hành chính, công tác ISO của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại lớp tập huấn Tại lớp tập huấn, Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh công bố Quyết định số 2029/QĐ-BNV ngày 29/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc tập huấn công tác văn thư, lưu trữ; kiểm soát thủ tục hành chính và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 của Bộ năm 2018. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo từ sớm, thường xuyên và liên tục, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Ngày nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng Chính phủ điện tử là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Đây là giải pháp hàng đầu để đạt mục tiêu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Bộ Nội vụ triển khai ứng dụng Hệ thống quản lý văn bản trên môi trường điện tử để phấn đấu 100% văn bản đi, đến của các đơn vị thuộc khối cơ quan Bộ được trao đổi trên phần mềm; 90% hồ sơ công việc, phiếu trình ký, trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ được trình điện tử và phấn đấu 100% lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc khối cơ quan Bộ sử dụng thành thạo phần mềm để phục vụ công việc. Tập huấn xoay quanh các nội dung chính: Khái quát chung về ứng dụng Hệ thống quản lý văn bản điện tử. Hướng dẫn các kỹ năng, thao tác cần thiết của người làm công tác văn thư, lưu trữ khi sử dụng Hệ thống quản lý văn bản Voffice tại cơ quan Bộ. Đánh giá tác động thủ tục hành chính trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính. Áp dụng CNTT trong kiểm soát thủ tục hành chính. Hướng dẫn đánh giá nội bộ, khắc phục, phòng ngừa, cải tiến các quy trình, hướng dẫn xây dựng các quy trình ISO trong hoạt động của Bộ trên môi trường điện tử do các báo cáo viên của Bộ Tư pháp, Viện Năng suất Việt Nam và Viettel trình bày. Hồng Thiết

Tôn vinh sự hy sinh, cống hiến của chiến sĩ Hà Nội trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

TĐKT - Sáng 27/9, tại Hà Nội, Hội Truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chiến sĩ người Hà Nội trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972: Sự hy sinh, cống hiến và những giá trị văn hóa quân sự cao đẹp cần bảo tồn và phát huy đối với thế hệ trẻ Thủ đô ngày nay". Trung tướng, PGS, TS. Vũ Văn Kiểu, Chủ tịch Hội chủ trì Hội thảo. Quang cảnh Hội thảo Hội thảo được tổ chức nhằm tôn vinh và làm sâu sắc hơn những cống hiến và giá trị văn hóa quân sự truyền thống của chiến sĩ người Hà Nội trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972; đề xuất các giải pháp nhằm tri ân, vinh danh, động viên, phát huy dũng khí của cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972; đề xuất phương thức bảo tồn, phát huy và nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị văn hóa quân sự cho thanh niên, lực lượng vũ trang Thủ đô trong tình hình mới. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng, PGS, TS. Vũ Văn Kiểu, Chủ tịch Hội cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đã có 4185 cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hy sinh, trong đó có 518 liệt sĩ là công dân Thủ đô, chiếm 12,4% tổng số liệt sĩ. Đến nay, chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu chiến sĩ người Hà Nội đã tham gia cuộc chiến, nhưng biết rằng, hiện có hàng nghìn cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị (bao gồm cả chiến sĩ người Hà Nội và chiến sĩ nhập ngũ từ các địa phương khác) đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Trong cuộc sống đời thường, là công dân Thủ đô, sống khiêm nhường, gương mẫu, có uy tín, luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Giá trị văn hóa quân sự mà chiến sĩ người Hà Nội đã lập nên trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vô cùng cao đẹp và đáng trân trọng, gìn giữ. Thông qua Hội thảo, Ban Chấp hành Hội mong muốn được tiếp cận và hiểu rõ hơn những cống hiến và sự hy sinh của quân và dân Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nói riêng, qua đó xác định rõ hơn những giải pháp góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa quân sự truyền thống cao đẹp trong tình hình mới. Phương Thanh

Phát động Chương trình nhắn tin "Nghĩa tình Trường Sơn"

TĐKT - Sáng 27/9, tại Hà Nội, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức phát động Chương trình nhắn tin "Nghĩa tình Trường Sơn" nhằm kêu gọi thêm nguồn lực tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên Trường Sơn gặp khó khăn. Thiếu tướng Võ Sở tiếp nhận kinh phí ủng hộ Quỹ "Nghĩa tình Trường Sơn" từ các đại biểu. Phát biểu tại Lễ phát động, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội Trường Sơn Việt Nam) cho biết: Ngày 19/5/2019 là sự kiện trọng đại và ý nghĩa đối với hội viên Hội Trường Sơn Việt Nam - kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Trải qua 16 năm làm nhiệm vụ chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam và cách mạng của 3 nước Đông Dương, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua gian khổ, ác liệt của chiến tranh, viết nên lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong cuộc chiến đấu vẻ vang ấy, gần 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP) đã ngã xuống trên đại ngàn Trường Sơn, 32 ngàn người bị thương, hàng vạn bộ đội, TNXP bị phơi nhiễm chất độc hóa học... Trở về với cuộc sống đời thường sau chiến tranh, nhiều đồng chí gặp khó khăn về nhà ở, hàng vạn người sống trong nghèo khó; hàng trăm cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn phải sống cuộc sống đơn thân, không có hạnh phúc gia đình; hàng vạn người chưa được hưởng các chế độ chính sách đối với người có công... Từ ngày thành lập (5/2011) đến nay, Hội Trường Sơn Việt Nam đã huy động nội lực và vận động các nguồn lực xã hội xây dựng được hơn 2 ngàn ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 160 tỷ đồng giúp hội viên cải thiện về nhà ở, tặng hàng vạn suất quà giúp hội viên nghèo và các đối tượng chính sách, trị giá hơn 40 tỷ đồng; trợ cấp hàng tháng cho 216 nữ chiến sĩ Trường Sơn đơn thân... Hiện nay, Hội còn hơn 7500 hội viên đang gặp khó khăn về đời sống và nhà ở, cần được hỗ trợ. Nhằm huy động thêm nguồn lực tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên Trường Sơn gặp khó khăn, Hội phát động Chương trình nhắn tin "Nghĩa tình Trường Sơn" từ ngày 1/10 - 29/11/2018. Để tham gia Chương trình, các tổ chức, cá nhân có thể soạn tin nhắn theo cú pháp: TS gửi 1405. Mỗi tin nhắn ủng hộ Chương trình có giá trị 20.000 đồng. Chương trình sẽ kết thúc sau 60 ngày, tuy nhiên việc ủng hộ kinh phí qua tài khoản của Hội và gửi tiền trực tiếp ủng hộ cho Hội sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết tháng 12/2018.  Nguyệt Hà

Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo

TĐKT - Tối 25/9 (tức ngày 16/8 âm lịch), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (1300 – 2018). Đến dự có: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong diễn văn tưởng niệm và khai hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu khẳng định, đã thành tục lệ thiêng liêng – “Tháng Tám giỗ Cha”, nhân dân cả nước lại nô nức về trẩy hội đền Kiếp Bạc, tưởng nhớ Đức thánh Hưng Đạo Đại Vương Lễ dâng hương Trong không khí của mùa thu tháng Tám, tại vùng đất Kiếp Bạc linh thiêng còn âm vang hào khí Đông A trên 700 năm trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018. Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, Trần Quốc Tuấn đã nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn, hội tụ đầy đủ các đức tốt: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Là người tài năng, lại biết giữ gìn rường mối quốc gia, nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, thờ phụng. Trần Hưng Đạo là một hình tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc. Không chỉ biết đến với vai trò là một nhà quân sự thiên tài, Trần Quốc Tuấn còn soạn 2 bộ sách để dạy các tướng lĩnh đương thời cầm quân đánh giặc là Binh Thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Trong đó, tiêu biểu với bài “Hịch tướng sĩ” được viết bằng giọng văn thống thiết, hùng hồn đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, làm lay động hàng ngàn tướng sĩ. Dưới trướng của ông, nhiều bậc hiền tài đã hết lòng phò vua giúp nước như Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng… Với công lao to lớn đó, ông đã được các vua Trần phong làm Đại vương và lập đền thờ khi còn sống tại Vạn Kiếp gọi là Sinh từ; Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức của Hưng Đạo Vương, gọi là Sinh bi. Lúc ông lâm bệnh sắp qua đời, vua Trần Anh Tông về thăm và hỏi kế sách giữ nước, ông trả lời: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức… Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý 1300, ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp, triều đình tiến phong Thái sư Thượng phụ thượng quốc công nhân vũ Hưng Đạo Vương. Nhân dân Đại Việt suy tôn ông là Đức Thánh Trần Cửu Thiên Vũ đế, lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài đối với non sông, đất nước ngay trên nền vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc. Trải qua hơn 7 thế kỷ, đến nay tư tưởng giữ nước lấy dân làm gốc, cùng tri thức quân sự, cách dùng người, lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại Vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, ông là một Thượng đẳng phúc thần, là đức Thánh Trần. Vẫn còn nơi đây, sừng sững “Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng”, “Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo”, làm tiêu tan dã tâm xâm lược của hàng vạn quân thù. Vẫn còn đây một Bình Than “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục” - một Diên Hồng, cả nước “vạn người như một” bừng bừng chí khí “Sát thát”, quyết giữ gìn vẹn toàn đất nước, non sông. * Sáng cùng ngày tại Khu di tích Côn Sơn, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 tổ chức lễ tưởng niệm 576 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1442 - 2018). La Giang  

Bồi dưỡng ngắn hạn về công tác thi đua, khen thưởng, công tác cải cách hành chính và công tác truyền thông trong các tổ chức hành chính của Cộng hòa Pháp

TĐKT- Trong các ngày từ 11 đến 23 tháng 9, theo phân cấp của Đề án 165 thuộc Ban Tổ chức Trung ương về việc giao Bộ Nội vụ tổ chức đoàn cán bộ đi bồi dưỡng ngắn hạn tại Cộng hòa Pháp với nội dung “ Công tác thi đua, khen thưởng; công tác cải cách hành chính và công tác truyền thông trong các tổ chức hành chính của cộng hòa Pháp”. Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, làm Trưởng đoàn. Đoàn cán bộ bồi dưỡng ngắn hạn trong Lễ khai giảng tại CHEMI Qua 2 tuần tham gia khóa bồi dưỡng tại Cộng hòa Pháp, đoàn được những giảng viên do Trung tâm đào tạo cấp cao thuộc Bội Nội vụ (CHEMI) Pháp lựa chọn là những giáo sư, tiến sĩ có chuyên môn sâu, rộng, khả năng sư phạm cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về các chuyên ngành phù hợp với nội dung bồi dưỡng của đoàn công tác Bộ Nội vụ trực tiếp truyền đạt kiến thức. Trong quá trình quản lý lớp học và truyền đạt kiến thức các giảng viên, báo cáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, tận tình và sẵn sàng giải đáp các ý kiến trao đổi của các thành viên trong đoàn công tác. Đoàn cán bộ bồi dưỡng ngắn hạn nghiên cứu về Toàn cảnh nền hành chính Pháp - cải cách hành chính ở Cộng hòa Pháp Cụ thể, đoàn được nghiên cứu các chuyên đề: Toàn cảnh nền hành chính Pháp - cải cách hành chính ở Cộng hòa Pháp; 7 giải thưởng cho các giám đốc điều hành hàng đầu và công chức ở nước Pháp; Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp; Giới thiệu về điện Invalides, Viện hàn lâm Pháp và đền Pantheon; Hệ thống thi đua, khen thưởng ở Cộng hòa Pháp; Chế tài và chế độ kỷ luật đối với công chức sai phạm hoặc vi phạm kỷ luật; Thiết kế các hoạt động truyền thông của Chính phủ; Truyền thông Bộ Nội vụ; Kế hoạch tỉnh thế hệ mới; Dịch vụ công số tại Hội đồng vùng Normandie; Giới thiệu về thành phố Le Havre và chính sách truyền thông của thành phố; Giới thiệu về Mont Saint Michel dưới góc độ lịch sử, một công cụ truyền thông của vùng và quốc gia; Công tác thi đua thông qua đào tạo; Thảo luận xung quanh các chủ đề được đề cập đến trong đào tạo, so sánh hệ thống thi đua, khen thưởng của Pháp và Việt Nam. Đoàn cán bộ bồi dưỡng ngắn hạn nghiên cứu tại Cảng Havre Các thành viên trong đoàn chấp hành tốt pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán, truyền thống  văn hóa của Cộng hòa Pháp và của các địa phương nơi cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn, các quy định về quản lý đoàn, nội quy của CHEMI.  Trong tất cả các hoạt động đoàn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, tạo hình ảnh, ấn tượng tốt đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các nhân đến làm việc và giảng dạy. Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 165 đã làm công tác chuẩn bị tổ chức cho đoàn đi bồi dưỡng tại Cộng hòa Pháp. Trước khóa bồi dưỡng Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 165 đã nắm bắt tình hình, có những hướng dẫn, phối hợp kịp thời giúp đoàn chuẩn bị điều kiện để thực hiện khóa bồi dưỡng. Công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, phân công nhiệm nhiệm vụ trong đoàn được thực hiện nghiêm túc. Các thành viên trong đoàn có thái độ học tập tốt, cầu thị, chủ động, tích cực trao đổi, thảo luận trong các buổi học, nhất là những nội dung liên quan đến khóa học. CHEMI đã chuẩn bị, tổ chức khóa bồi dưỡng cho đoàn chu đáo, trách nhiệm, trọng thị, nội dung chương trình khóa học cơ bản phù hợp với nội dung của khoá bồi dưỡng. Đội ngũ giảng viên có năng lực thực tiễn, kỹ năng giảng dạy và nhiệt tình, trách nhiệm. Chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và sinh hoạt cho đoàn trong suốt thời gian diễn ra khóa bồi dưỡng.   Đoàn cán bộ bồi dưỡng ngắn hạn trong Lễ Bế giảng, nhận chứng chỉ Kết thúc khóa bồi dưỡng, lãnh đạo CHEMI đã trao Chứng chỉ cho các thành viên.

Thúc đẩy phát triển công trình xanh, kiến trúc xanh tại Việt Nam

TĐKT - Chiều 25/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Phát triển Đô thị xanh Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc World Bank Group và Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) họp báo giới thiệu "Tuần lễ Kiến trúc xanh Việt Nam 2018". Ban tổ chức chia sẻ thông tin về sự kiện Tuần lễ Kiến trúc xanh Việt Nam 2018 diễn ra từ ngày 25 đến 29/9 tại Hà Nội với chủ đề "Giá trị nhà ở xanh", là hoạt động nhằm thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, Chiến lược và Kế hoạch hành động Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020, hưởng ứng Tuần lễ Công trình xanh thế giới "World Green Building Week" trung tuần tháng 9/2018 tại Paris. Tuần lễ Kiến trúc xanh Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò của công trình xanh, kiến trúc xanh, vật liệu xanh, công nghệ - giải pháp xanh, các hệ thống chứng nhận xanh..., từ đó thúc đẩy xu hướng công trình xanh, kiến trúc xanh đang trong giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam. Đồng thời góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuần lễ được tổ chức quy mô cấp quốc gia với sự tham gia, hưởng ứng của các bộ, ban, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế. Một số hoạt động nổi bật tại Tuần lễ: Triển lãm và trao giải các đồ án đạt giải Cuộc thi "Kiến trúc xanh sinh viên 2017"; Hội thảo chuyên sâu Tuần lễ Kiến trúc xanh Việt Nam với chủ đề "Giá trị Nhà ở xanh"; khóa đào tạo - tập huấn về mô phỏng năng lượng và công trình tiết kiệm năng lượng; gala âm nhạc "Live for Love". Hội thảo chuyên sâu Tuần lễ Kiến trúc xanh Việt Nam là sự kiện nổi bật, nơi các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan cùng nhau bàn bạc, đánh giá những giá trị mà nhà ở xanh mang lại cho cộng đồng và xã hội. Từ đó, có thêm cơ sở thực tiễn và khoa học giúp Bộ Xây dựng và các tổ chức liên quan kiến nghị với Đảng và Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực này trong những năm tới đây. Tại Hội thảo, các tham luận sẽ tập trung vào những chủ đề chính: Chi phí và các tiêu chí trong xây dựng nhà ở xanh; định hướng phát triển, thực trạng phát triển của nhà ở xanh tại Việt Nam dưới góc độ của các đơn vị đầu tư; quy hoạch phát triển nhà ở xanh trong quy hoạch phát triển đô thị; các giải pháp thiết kế thụ động theo phương pháp tính hiệu quả năng lượng của lớp vỏ bao che nhà chung cư cao tầng tại Hà Nội. Trong khuôn khổ Tuần lễ, Cuộc thi "Kiến trúc xanh sinh viên Việt Nam" là cơ hội để các kiến trúc sư tương lai thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo và sự nhạy bén, bắt kịp với cu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của công trình xanh. Cuộc thi quy tụ 100 đồ án được lựa chọn kỹ càng đến từ các trường đại học có khoa Kiến trúc - Quy hoạch trên cả nước. Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích và 10 giải chuyên đề. Căn cứ lựa chọn để trao giải dựa trên 5 tiêu chí: Địa điểm bền vững; công nghệ xanh, sáng tạo, vật liệu bền vững, cộng đồng - nhân văn - đậm đà bản sắc dân tộc. Khóa đào tạo - tập huấn về các hệ thống mô phỏng năng lượng được Viện Nghiên cứu và Phát triển Đô thị xanh Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế, Công ty phần mềm mô phỏng quốc tế IES, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) trực tiếp giảng dạy và cấp chứng chỉ. Khóa đào tạo giúp cho các kiến trúc sư, các nhà tư vấn kiến trúc, các nhà đầu tư, phát triển... hiểu rõ nguyên lý hoạt động của các phần mềm mô phỏng năng lượng để áp dụng vào các giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả trong nhà ở xanh. Gala âm nhạc "Live for Love", tiền thân là sự kiện âm nhạc Green Plus, là hoạt động nghệ thuật dành cho giới trẻ được lồng ghép một cách nhẹ nhàng, tinh tế các ý nghĩa về một cuộc sống xanh - lành mạnh - thân thiện với môi trường. Từ đó, giúp nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp, đặc biệt là các bạn trẻ có thể làm quen và nhận thức được tầm quan trọng của công trình xanh - kiến trúc xanh, tiến tới hành động vì một môi trường sống bền vững.  Phương Thanh

Bệnh viện Phổi Trung ương cứu sống cụ ông 90 tuổi bị rơi cả cầu răng giả 4 chiếc vào phế quản

TĐKT- Bệnh viện Phổi Trung ương vừa tiến hành nội soi phế quản cấp cứu để cứu sống cụ ông 90 tuổi bị rơi cả cầu răng giả 4 chiếc vào phế quản, gây hẹp gần hoàn toàn phế quản gốc trái và đe dọa tính mạng. ThS.BS. Nguyễn Lê Nhật Minh, Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp cùng đồng nghiệp, kíp trực can thiệp kịp thời bệnh nhân nhập viện là cụ ông 90 tuổi ở Thái Bình, đi làm răng giả, bị sự cố rơi mất răng giả. Người bệnh đã được nội soi dạ dày tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình để tìm dị vật nhưng không thấy; được chụp phim X-quang phổi và phát hiện ra dị vật trong đường thở. Do vượt quá khả năng can thiệp nên người bệnh được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Phổi Trung ương. Dị vật trong đường thở của người bệnh Người bệnh được nhập viện vào lúc 11h45 ngày 23 tháng 9 năm 2018 trong    tình trạng ho nhiều, khó thở. Các bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương đã khẩn trương tiến hành hội chẩn và quyết định nội soi phế quản cấp cứu để gắp dị vật khí quản, giải phóng tắc nghẽn đường thở, nhằm cứu sống người bệnh. Người bệnh đã nhanh chóng được gắp thành công dị vật ra khỏi phế quản, giải phóng đường thở. Dị vật này là 1 cầu răng sứ 4 răng hàm dài 3,5cm đã bị rơi vào khí phế quản trong quá trình lắp răng giả cho người bệnh. Cũng theo ThS. Nguyễn Lê Nhật Minh cụ ông 90 tuổi đã ngay lập tức cảm thấy dễ chịu, dễ thở hơn sau khi được gắp cầu răng giả ra khỏi phế quản phổi. Đây là 1 kỹ thuật y khoa khó vì dị vật quá to và trơn nhẵn do răng giả làm bằng sứ. Tuy nhiên với những trang thiết bị hiện có tại Bệnh viện Phổi Trung ương có thể loại bỏ hoàn toàn các loại dị vật đường thở. Hồng Thiết  

Trang