Xây dựng nông thôn mới

Năm 2018, Châu Thành phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An

TĐKT - Ngày 23/1, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” tại huyện Châu Thành (Long An). Đoàn công tác do Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Vương Văn Đỉnh làm Trưởng đoàn. Cùng đi có Vụ trưởng Vụ III Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Lê Văn Vũ; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Làm việc với đoàn có Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An Nguyễn Văn Bon; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Long An Phan Văn Liêm; Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Dương Phong Linh; lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn. Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Vương Văn Đỉnh phát biểu tại buổi làm việc Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Dương Phong Linh cho biết:Châu Thành là huyện nông nghiệp, có trên 80% dân số sống bằng nghề nông.Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã xác định và tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh như trồng cây thanh long, nuôi tôm sú, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích trồng thanh long của huyện tỉnh đến ngày 11/11/2017 là 7. 945 ha, trong đó thanh long ruột trắng 2. 499 ha, thanh long ruột đỏ 5.446, diện tích cho trái 1à 7.000 ha, sản lượng năm 2017 là 250. 845 tấn. Việc chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy kinh tế huyện ngày một phát triển, xóa thế độc canh cây lúa, phát triển vùng chuyên canh thanh long, vùng nuôi thủy sản. Kinh tế huyện Châu Thành phát triển mạnh hơn, hộ khá và giàu tăng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đoàn công tác Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương và Sở Nội vụ tỉnh Long An tham quan mô hình trồng cây thanh long tại huyện Châu Thành Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện Châu Thành đã có 9/12 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM gồm các xã Hòa Phú, Bình Quới, Dương Xuân Hội, Phước Tân Hưng, Long Trì, Phú Ngãi Trị, Thuận Mỹ, Hiệp Thạnh, An Lục Long. Riêng 2 xã Thanh Phú Long và Thanh Vĩnh Đông đã đạt 19/19 tiêu chí, đang hoàn chỉnh sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017 vào quý I/2018. Đối với xã phấn đấu đạt chuẩn xã NTM năm 2018, huyện Châu Thành còn 1 xã Vĩnh Công. Đến nay xã đạt 18/19 tiêu chí, còn 1 tiêu chí chưa đạt là tiêu chí giao thông. Xã còn 1 đường liên xã (đường liên xã Lộ Dừa dài 5,1 km) chiều rộng mặt đường chưa đạt… do đó chỉ tiêu đường trục xã chưa đạt. Hiện nay đang đề nghị bố trí nguồn vốn để thực hiện (dự kiến quý I/2018 sẽ khởi công xây dựng). UBND huyện đã tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua xây dựng NTM. Năm 2018, huyện Châu Thành phấn đấu đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Long An. Sau khi ghi nhận những ý kiến, kiến nghị, đề xuất về công tác thi đua, khen thưởng và phong trào xây dựng NTM của địa phương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Vương Văn Đỉnh đánh giá cao sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và nhân dân huyện Châu Thành và đạt được kết quả ấn tượng trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Thu nhập bình quân cao ở huyện nông nghiệp, đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, các tiêu chí về xây dựng NTM khá tốt, đặc biệt là không nợ trong xây dựng NTM. Thay mặt Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương và Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đồng chí Vương Văn Đỉnh biểu dương các cấp, các ngành trong huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sự nỗ lực của nhân dân phấn đấu xây dựng 12/12 xã đạt chuẩn NTM. Đồng chí Vương Văn Đỉnh ghi nhận các kiến nghị của địa phương về: Xây dựng tiêu chí NTM sát với thực tế cơ sở; quy định vốn đối ứng phù hợp… để báo cáo Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương và Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đồng chí cũng lưu ý địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương cá nhân hiến đất xây dựng các công trình; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý; bảo vệ môi trường …trong phong trào xây dựng NTM. Cùng ngày, đoàn đã kiểm tra, giám sát tuyến đường trong huyện, tham quan mô hình trồng cây thanh long. Thành Nam

Huyện Hải Hậu xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển

TĐKT - Ngày 12/1, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” tại huyện Hải Hậu (Nam Định). Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà làm Trưởng đoàn. Cùng đi có  Phó Trưởng ban,  Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan; Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Nguyễn Văn Tìm; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Phạm Văn Chiến . Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà phát biểu tại buổi làm việc Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, huyện Hải Hậu chỉ đạo các cấp, các ngành và hệ thống chính trị cùng nhân dân toàn huyện tích cực thực hiện, đến hết năm 2015, đã có 538/546 xóm, tổ dân phố được UBND huyện công nhận đạt xóm, tổ dân phố NTM. Ngày 23/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 921/QĐ - TTg công nhận huyện Hải Hậu đạt chuẩn NTM, là huyện thứ 5 của cả nước được công nhận và là huyện đầu tiên có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM. Xác định xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, liên tục, ngày 07/3/2016, UBND huyện đã tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM bền vững và phát triển” giai đoạn 2016 - 2020 để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị và đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, đến hết năm 2016, toàn huyện có 168/546 xóm, tổ dân phố  được UBND huyện công nhận xóm, tổ dân phố đạt NTM bền vững và phát triển năm 2016 và 17 xóm, tổ dân phố  được tặng bằng khen thực hiện tốt xây dựng xóm, tổ dân phố  “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Năm 2017 có 308 xóm đăng ký xây dựng đạt NTM bền vững và phát triển, sẽ được thẩm định vào đầu năm 2018 để đề nghị UBND huyện công nhận vào tháng 3/2018. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà biểu dương những kết quả mà cán bộ và nhân dân huyện Hải Hậu đã nỗ lực đạt được trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Thứ trưởng đề nghị huyện tiếp tục quan tâm tuyên truyền, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM; thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế; tăng năng suất lao động, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa… nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trao 50 triệu đồng của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng 50 học sinh nghèo, vượt khó của huyện Hải Hậu. Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu,đơn vị đạt danh hiệu Anh hùng Lao động Cùng ngày, đoàn đã kiểm tra, giám sát tại tuyến đường trục xã Hải Tây, làng nghề đồ gỗ Hải Minh, thăm quan Bệnh viện đa khoa huyện. Thành Nam  

Xã Khánh Lợi (Ninh Bình) cán đích nông thôn mới

TĐKT - Những ai đã đến xã Khánh Lợi (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) một lần hẳn sẽ ngỡ ngàng trước sự đổi thay màu nhiệm ở địa phương này sau 7 năm cả hệ thống chính trị và người dân dốc sức cho công cuộc kiến thiết, xây dựng nông thôn mới (NTM). Điều dễ nhận thấy nhất ở Khánh Lợi là những con đường khúc khuỷu, lầy lội trước kia, nay đã được bê tông hóa phẳng lỳ; xóm, thôn phong quang, sạch đẹp. Khánh Lợi đang khoác lên mình màu áo mới – màu của ấm no, phồn thịnh khi mà tỷ lệ hộ dân có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng ngày càng nhiều. Thêm nhiều ngôi nhà mới với kiến trúc kiểu biệt thự, nhà vườn khoe dáng, tạo cho Khánh Lợi nét tươi mới, hiện đại. Nhà văn hóa trung tâm xã Khánh Lợi được xây dựng khang trang Khi bắt đầu triển khai phong trào xây dựng NTM, xã Khánh Lợi mới đạt 7 tiêu chí. Sản xuất nông nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng chưa bền vững, mô hình sản xuất có hiệu quả còn ít; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ... Tuy nhiên, truyền thống đoàn kết, sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của mỗi người dân đã tạo cho Khánh Lợi những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Ông Đỗ Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Khánh Lợi cho biết: Đặt mục tiêu xây dựng NTM lên hàng đầu, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các thôn duy trì hiệu quả phong trào này. Hàng tháng, xã thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban giữa Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND với trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể, công chức xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn để đánh giá kết quả thực hiện, nắm bắt những vướng mắc ở cơ sở, có biện pháp kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất làm đường... Lấy hiệu quả của việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu thực hiện với phương châm “không chủ quan, nóng vội; vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm”, 7 năm xây dựng NTM, Khánh Lợi đã tận dụng tối đa sự hỗ trợ của cấp trên. Xã chủ động rà soát các tiêu chí gắn với các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội cụ thể của địa phương. Theo đó, xã đề ra các giải pháp phù hợp để thực hiện, nhằm huy động cao nhất nguồn lực trong nhân dân cũng như sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xây dựng hạ tầng; chú trọng tập trung đầu tư cho bê tông hóa đường giao thông nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy, sau 7 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao ở Khánh Lợi đã và đang được nhân rộng. Xã đã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà. Hiện toàn xã có 3 mô hình sản xuất tiên tiến, 1 mô hình liên kết sản xuất; có 19 trang trại, gia trại đạt giá trị sản lượng bình quân 250 triệu đồng/trang trại, gia trại/năm. Công tác dồn điền, đổi thửa được xã hoàn thành từ năm 2013, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, cũng như chuyển đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp. Đến nay, xã đã chủ động hoàn toàn về khâu điều tiết nước, làm đất bằng máy và cơ bản thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho người  nông dân. Xã có 2 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt 7 khâu dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Đến hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/năm, tăng 20,53 triệu đồng/năm so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 còn 1,19%. Từ quan điểm “dễ làm trước, khó làm sau”, việc đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, Khánh Lợi đã triển khai thực hiện tốt các nội dung quy hoạch được phê duyệt, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Xã đã linh hoạt trong việc huy động sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong 7 năm, xã đã đầu tư nâng cấp 269 tuyến đường với 18,6 km đường giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương; xây dựng trường mầm non, tiểu học và THCS; xây dựng nhà văn hóa xã và nhà văn hóa thôn, xóm... Đến nay, hệ thống đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... được xây dựng kiên cố, khang trang. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Toàn xã đã hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả. An ninh trật tự được giữ vững. “Kinh nghiệm cho thấy, việc điều chỉnh linh hoạt kế hoạch và phân bổ các nguồn vốn đầu tư cho phù hợp với từng giai đoạn, từng nội dung công việc cụ thể là việc làm hết sức cần thiết để đạt hiệu quả cao trong quá trình xây dựng NTM. Khánh Lợi đã nỗ lực, quyết tâm cán đích NTM đúng kế hoạch. 19/19 tiêu chí NTM, xã đã hoàn thành và được thẩm định”- ông Tuyến chia sẻ. Cùng người dân xã Khánh Lợi đón chào một năm mới 2018 với nhiều đổi thay rõ rệt về một diện mạo NTM được hình thành và phát triển nhưng vẫn gần gũi và giữ được bản sắc riêng. Đó chính là hiệu quả lớn nhất từ phong trào xây dựng NTM mang lại. Nhưng vui hơn cả, nơi đây ý Đảng hợp lòng dân, một Khánh Lợi đang chuyển mình chung sức, đồng lòng về đích NTM. Tuệ Minh

Chung sức, đồng lòng làm đường giao thông ở xã An Khương

TĐKT - Là một xã nghèo thuộc huyện Hớn Quản (Bình Phước), đời sống còn nhiều khó khăn, song với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân xã An Khương đã tích cực đóng góp của cải, ngày công lao động để thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Khi mới bắt tay vào triển khai phong trào xây dựng NTM, xã gặp rất nhiều khó khăn. Những bỡ ngỡ, vướng mắc trong quá trình thực hiện là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong tuyên truyền, vận động bà con hiểu được mình chính là chủ thể góp phần hoàn thành các tiêu chí, đồng thời chính nhân dân là người được hưởng lợi từ chủ trương lớn đó. Xã đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở hội nghị truyền thông, lồng ghép vào các cuộc họp, đa dạng các hình thức vận động... Nhờ đó, người dân trong xã đều hiểu được ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM và đồng thuận, nhất trí cao. Con đường của tổ dân tổ 3, ấp 7 đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch, đẹp Đến nay, gần 100% hộ gia đình đồng ý hiến đất vườn, đất lâm nghiệp để xây dựng các con đường liên ấp, nội ấp khi có yêu cầu của chính quyền. Người dân xã đã hiến 11.500 m2 đất, 329 cây trồng các loại, gần 500 ngày công, hơn 200 triệu đồng. Xã đã làm mới 7 km đường nhựa và bê tông tại các ấp 1, 2, 3, 7 với kinh phí gần 11 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn lực từ nhân dân hơn 1 tỷ đồng. Điển hình trong hiến đất, làm đường giao thông là nhân dân ấp 7. Người dân trong ấp đã đóng góp mỗi gia đình 2 triệu đồng để san ủi mặt bằng và đóng góp công để làm đường. Ông Bùi Duy Dũng, Chủ tịch UBND xã An Khương cho biết: Việc làm đường bê tông được chính quyền xã linh hoạt trong thi công. Đường của khu dân cư nào, giao cho người dân nơi đó đảm nhiệm. Việc giao khoán như vậy đã tiết kiệm được ít nhất 50 triệu đồng/km so với thuê nhà thầu. Số tiền tiết kiệm được, ấp đầu tư mua thêm vật liệu để tăng độ bền công trình. Khi thực hiện thí điểm một tuyến đường dài 1,1 km ở tổ 3 (ấp 7), xã được tỉnh hỗ trợ 14 tấn xi măng, huyện đối ứng cát, đá với tổng kinh phí 470 triệu đồng, còn lại người dân đóng góp 90 triệu đồng (1,5 triệu đồng/hộ) để giải phóng mặt bằng, đào mương thoát nước và trực tiếp thi công công trình. Để thực hiện tuyến đường này, Ban điều hành ấp 7 đã thành lập một tổ gồm 12 người, phối hợp cùng cán bộ mặt trận giám sát công trình. Các hộ dân được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm từ 9 đến 10 người luân phiên nhau thi công. Sau gần 2 tháng thực hiện, tuyến đường đã hoàn thành, người dân rất phấn khởi. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù ở An Khương còn nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. Đó là khi huyện không có khả năng đối ứng đá, cát; các tuyến đường nông thôn có nền đất yếu, không đảm bảo; dân cư sinh sống không tập trung... dẫn đến người dân phải đóng góp cả tiền và ngày công làm đường. Đồng thời, theo ông Dũng, Quyết định 679/QĐ-UBND giao dự toán chưa phù hợp. Bởi địa hình của xã có nhiều sông, suối nên phát sinh cống và mương thoát nước hai bên đường nhiều, trong khi người dân không có kỹ thuật và kinh phí để làm. Vừa qua, hai tuyến đường của tổ 3 (ấp 7) có 4 cống thoát nước, UBND xã phải trích 10 triệu đồng từ vốn nhân dân đóng góp làm NTM để thuê người làm. Với mương thoát nước thì người dân phải tự đóng góp thuê máy múc. Còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với quyết tâm, sự đồng thuận, đoàn kết của cán bộ và người dân nơi đây, tin rằng An Khương sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Tùng Chi  

Xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An): Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT - Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) cuối năm 2014, xã Quỳnh Đôi được tỉnh chọn là xã xây dựng NTM kiểu mẫu. Với vinh dự ấy, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực để tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Cổng làng xã Quỳnh Đôi được xây dựng khang trang Để chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu thực sự có sức lan tỏa sâu rộng, rất cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ xã đến các thôn. Đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tích cực vận động nhân dân cùng chung tay thực hiện. Tất cả các vấn đề đều được đưa ra để cùng bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai. Những điều chưa làm được, đảng viên mạnh dạn nhận sai sót để khắc phục, sửa chữa. Điều đó đã tạo ra dư luận tốt và được nhân dân tích cực ủng hộ. Đồng thời xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, đóng góp ngày công, vật chất để tiếp tục mở rộng, làm mới đường giao thông nông thôn; kênh mương nội đồng phục vụ phát triển sản xuất. Ông Hồ Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết: Xã tập trung chỉ đạo các thôn vận động từng hộ gia đình chủ động chỉnh trang tường rào, cổng ngõ; sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng nhà ở; xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; cải tạo vườn tạp; đặc biệt chú ý làm đường làng, ngõ xóm, nhà ở dân cư, thu gom rác thải với phương châm “3 đẹp” (đẹp nhà, đẹp ngõ, đẹp làng). Bên cạnh đó, xã cũng tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án kết hợp nguồn lực huy động sức dân, động viên nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông, nâng cấp hệ thống nội đồng đảm bảo cơ giới hóa phục vụ sản xuất, đi lại thuận tiện. Những con đường NTM sau khi nắn chỉnh đã trở nên rộng rãi, sạch đẹp hơn Đến nay, Quỳnh Đôi đã huy động gần 100 tỷ đồng cho xây dựng NTM kiểu mẫu. Với kinh phí này, xã đã đầu tư và hoàn thành tuyến đường đi các di tích; xây dựng khuôn viên thể thao vùng họ Dương; triển khai thi công các tuyến đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng; xây dựng cổng làng và khuôn viên; triển khai cho các thôn thực hiện kế hoạch chỉnh trang tường bao; xây dựng các tuyến đường xanh... Hiện nay, xã đang triển khai các thủ tục để xây dựng chùa Đồng Tương, nâng cấp tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, hoàn thiện khuôn viên cổng làng. Bổ sung cơ sở vật chất văn hóa. Theo ông Hưng, thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu phải dựa vào sức dân là chính, do vậy bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, xã cũng chú trọng nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống cho người dân. Xã đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả: Mô hình nuôi tôm sú, tôm quảng canh, mô hình nuôi cá kết hợp nuôi cua và chăn nuôi... giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo. Các công trình thiết yếu như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được quan tâm đầu tư xây mới khang trang, phục vụ tốt nhu cầu đời sống của người dân... Nói về việc xây dựng NTM kiểu mẫu, ông Hưng cũng cho biết thêm: Quan điểm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã là chủ động, tích cực, huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM kiểu mẫu. Do đó, dù điều kiện của địa phương còn hạn chế, nhưng xã vẫn quyết tâm thực hiện thành công. Dựa vào “nội lực” là chính, song Quỳnh Đôi vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ, động viên tích cực, kịp thời của huyện, của tỉnh để có thêm động lực phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Bảo Linh

Công bố TP Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Tối 17/12, tại TP Tam Điệp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trao Quyết định công nhận TP Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2017. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Tam Điệp đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2017 TP Tam Điệp là đơn vị cấp huyện thứ 43 của cả nước và là thành phố đầu tiên của khu vực miền Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2017. Đối với tỉnh Ninh Bình, Tam Điệp là đơn vị cấp huyện thứ 2 hoàn thành xây dựng NTM sau huyện Hoa Lư. Sau 7 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM, 4/4 xã thuộc thành phố đều đạt chuẩn, hoàn thành trước từ 3 đến 4 năm so với Đề án của địa phương. Qua kết quả lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đã có trên 93% hộ dân được lấy ý kiến hài lòng với kết quả xây dựng NTM của thành phố. Có được kết quả này là trong những năm qua Tam Điệp tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, đã chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, chú trọng hỗ trợ địa phương còn nhiều khó khăn: Xây dựng nhà văn hoá, làm đường giao thông, thủy lợi. Đến nay, Tam Điệp đã huy động được hơn 1000 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp hơn 160 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đắc lực cho đời sống dân sinh. Đồng thời, thành phố cũng chỉ đạo các xã chủ động lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất theo hàng hoá, tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp bình quân đạt 109 triệu đồng/ha. Sau khi thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa, trên địa bàn thành phố hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao: Chuyển đổi trên 65 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây sen kết hợp thả cá, doanh thu đạt 112 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi 10 ha đất lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, doanh thu đạt 175 triệu đồng/ha/năm... Bên cạnh đó, thành phố đã tích cực vận động nhân dân đưa các giống cây có giá trị (dứa cayen, lạc tiên, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ, cây dược liệu...) vào cơ cấu cây trồng vùng đồi và liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển 10 làng nghề trồng đào phai với diện tích 172 ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2010, giá trị sản phẩm đạt 190 triệu đồng/ha. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, sản lượng, chất lượng sản phẩm hàng năm đều tăng. Hiện nay, tỷ lệ lao động trong độ tuổi của các xã có việc làm đạt gần 95%, thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt trên 33,3 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 21 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã chiếm 1,75%, giảm 8,45% so với năm 2010. Ngoài ra, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển; môi trường sinh thái được bảo vệ. Tùng Lâm  

Lãng Sơn về đích xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Ngày 16/12, UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Lãng Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2017. Đồng chí Bùi Văn Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tới dự. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Văn Hạnh trao Quyết định đạt chuẩn NTM cho lãnh đạo xã Lãng Sơn Với nền tảng là truyền thống đoàn kết cùng sự quan tâm, đầu tư từ các cấp, ngành, hơn hai năm qua Đảng bộ, chính quyền xã Lãng Sơn huy động mọi nguồn lực, đầu tư hơn 13 tỷ đồng hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Trong số đó, gần 50% kinh phí do nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, hệ thống điện, đường, trường, trạm... Thông qua các nguồn lực đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn xã Lãng Sơn khởi sắc, đời sống nhân dân nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; an ninh, trật tự được giữ vững... Ngay sau khi được UBND huyện lựa chọn tập trung xây dựng về đích NTM trong năm 2017, Đảng ủy xã Lãng Sơn ban hành nghị quyết lãnh đạo, UBND xã xây dựng kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và 9/9 thôn ký kết giao ước phấn đấu thực hiện thành công. Phương châm chỉ đạo chung là gắn xây dựng NTM với các phong trào thi đua và cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; lấy tinh thần gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên làm trọng tâm và công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM là trọng điểm. Quá trình xây dựng, thành công lớn nhất xã Lãng Sơn đạt được là vận động nhân dân đồng tâm, hợp lực. Các hộ dân hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi. Có được kết quả đó, một trong những cách làm sáng tạo ở Lãng Sơn là thực hiện đúng phương châm dân biết, dân bàn và dân kiểm tra. Các quy hoạch, đầu tư xây dựng đều được niêm yết công khai. Chính vì vậy, nhân dân vào cuộc tích cực khi xã xây dựng công trình mới. Với mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, xã Lãng Sơn đã chú trọng làm tốt dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng. Đến nay 9/9 thôn hoàn thành việc dồn, đổi. Cùng đó là đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng, các trang thiết bị máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện thuận lợi, xã đã xây dựng 7 mô hình sản xuất lúa tập trung tại các thôn: Mỹ Tượng, Sơn Thịnh, Tân Mỹ, Đông Thượng... với các giống lúa BC15, TBR225, BQ, Đại Dương… góp phần nâng thu nhập cho bà con lên 120 - 150 triệu đồng/ha/năm. Mối liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được tăng cường. Song song với việc đầu tư, quy hoạch chỉnh trang lại đất canh tác nông nghiệp, xã Lãng Sơn đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn. Toàn xã cứng hóa 13,5 km đường trục xã, hoàn thành 22,7 km đường làng, ngõ xóm, thi công 16,5 km đường trục chính nội đồng. Ngoài ra, hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Duy trì nghề mộc truyền thống với 69 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế phát triển, xã Lãng Sơn quan tâm tới xây dựng đời sống văn hóa. Xã hoàn thành xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao quy mô hàng nghìn m2, với đầy đủ các hạng mục như: Nhà văn hóa, sân thể thao, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn. Cùng đó, 9/9 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiêu biểu như công trình nhà văn hóa và trung tâm văn hóa của thôn Ngọc Lâm, tổng diện tích gần 3.000 m2, kinh phí hơn một tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng trong tháng 10-2017. Ông Trần Xuân Cận, Trưởng thôn Ngọc Lâm cho biết: “Mặc dù là thôn có số dân ít nhất trong xã nhưng phát huy tinh thần đoàn kết và thấy được ý nghĩa của việc xây dựng NTM, nhân dân thôn Ngọc Lâm tự nguyện góp công, góp của để hoàn thành công trình”. Với mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xã Lãng Sơn tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ bậc học mầm non cho tới THCS. Trang thiết bị và đồ dùng dạy học trong các nhà trường được đầu tư, đến nay cả ba trường học đều đạt chuẩn quốc gia và nằm trong tốp đầu của huyện về chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, sự nghiệp y tế luôn được địa phương quan tâm, Trạm Y tế xã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2011 - 2020, bảo đảm khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân... Năm 2017, xã có 9/9 thôn đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, 93,5% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa... Đến nay, 97,37% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 58%... Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và phát triển. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bùi Văn Hạnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM cho xã Lãng Sơn. Nhân dịp này, xã cũng được UBND tỉnh khen thưởng 200 triệu đồng, UBND huyện Yên Dũng khen thưởng 250 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào xây dựng NTM cũng được UBND huyện, UBND xã biểu dương, khen thưởng. Quốc Trường  

Xã Gia Phù (huyện Phù Yên, Sơn La) đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Ngày 16/12, UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La tổ chức Lễ công bố xã Gia Phù đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là xã đầu tiên của huyện Phù Yên đạt chuẩn nông thôn mới và là xã thứ 16 trên địa bàn tỉnh Sơn La được công bố đạt chuẩn. Ông Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao Công nhận xã Gia Phù đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 Theo đánh giá bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới năm 2010, xã Gia Phù mới đạt 2 tiêu chí: Hình thức tổ chức sản xuất và tiêu chí giáo dục và đào tạo. Còn lại 17 tiêu chí cần phải phấn đấu xây dựng. Từ thực trạng trên, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị huyện Phù Yên, xã Gia Phù và toàn thể nhân dân, bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, cùng với cơ chế chính sách phù hợp, đến nay xã Gia Phù đã đạt 19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là việc thực hiện làm đường giao thông nông thôn, với chủ trương “Nhân dân làm đường, Nhà nước hỗ trợ xi măng” theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, xã đã huy động nhân dân đóng góp gần 5 tỷ đồng, vận động được 164 hộ dân hiến hơn 14.000 m2 đất để bê tông hóa 94 tuyến đường đến bản và nội bản với tổng chiều dài gần 16km, đạt 83,68% tuyến đường trong xã được bê tông hóa. Toàn xã đã xây mới 5 công trình thủy lợi, 4 công trình trường, lớp học, 15 công trình nhà văn hóa, 1 công trình trạm y tế… Vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó tập trung nuôi bò, dê và trồng cây nhãn ghép; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn… Bên cạnh đó, xã Gia Phù đã tận dụng được những tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp để tập trung phát triển các mô hình sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương. Phát biểu tại buổi lễ, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã chúc mừng và biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Gia Phù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, ông Cầm Ngọc Minh cũng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Yên nói chung và xã Gia Phù nói riêng không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà phải tích cực quan tâm chỉ đạo duy trì giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; vận động nhân dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phấn đấu trở thành thị trấn Gia Phù trong tương lai. Nhân dịp này, UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 9 cá nhân; UBND huyện Phù Yên tặng Giấy khen cho 4 tập thể, 11 cá nhân và 2 gia đình có thành tích xuất sắc trong xây dựng xã Gia Phù đạt chuẩn nông thôn mới. Được biết, trong nhiều năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, tạo được những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bằng những hình thức sáng tạo, đến nay tỉnh Sơn La đạt 9,3 tiêu chí/ xã, tăng 1,5 tiêu chí so với năm 2016, có 16 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, tăng 1 xã so với kế hoạch và tăng 8 xã so với năm 2016. Phương Linh

Ninh Bình: Phấn đấu có thêm 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018

TĐKT - Tỉnh Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng có tới 7 huyện, thành phố và 119 xã tham gia xây dựng nông thôn mới (TP Ninh Bình và các xã thuộc thành phố phấn đấu lên phường không tham gia). Trong năm 2018, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới. Một góc thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh, Ninh Bình) Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình đã đạt kết quả đáng khích lệ. Tính đến tháng 12/2017, tỉnh Ninh Bình đã có huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới và TP Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (2 đơn vị cấp huyện) và 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,3% số xã trong tỉnh. Bình quân 16,5 tiêu chí/xã, tăng 11,5 tiêu chí so năm 2011; không còn xã dưới 8 tiêu chí. Nổi bật, phong trào làm đường giao thông nông thôn được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ cổng, tường rào… để mở rộng mặt đường đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp trên 177 nghìn tấn xi măng cho 119 xã; xây dựng được gần 13 nghìn tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 1.400km. Cùng với đó, công tác dồn điền, đổi thửa được quan tâm thực hiện để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thuận lợi cho nông dân canh tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất từ đó nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn tỉnh có 96 xã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, với diện tích thực hiện trên 33.500ha, bình quân 1,9 thửa/hộ, giảm 3 thửa/hộ. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cũng tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.490/1.674 thôn, phố có nhà văn hóa (chiếm 89%); 920/1.674 thôn, bản, xóm có khu thể thao. Tỉnh đã và đang tập trung rà soát và tiếp tục bố trí quỹ đất cho một số địa phương để xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Phát huy những thành quả đã đạt được, mục tiêu năm 2018, Ninh Bình phấn đấu có thêm 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 9 tiêu chí; tiếp tục tập trung nguồn lực và chỉ đạo 7 xã đăng ký kiểu mẫu (mỗi huyện 1 xã) đạt kết quả để tổng kết nhân diện rộng. Hà Thanh

Thị xã Chí Linh (Hải Dương) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017

TĐKT - Ngày 17/12, tại Ðền Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ thị xã Chí Linh, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Chí Linh (Hải Dương) đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và công bố Quyết định công nhận thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017. Đến dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng đông đảo nhân dân thị xã Chí Linh. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ và nhân dân thị xã Chí Linh Xuất phát điểm là một huyện miền núi, nhưng với sự nỗ lực, vận dụng sáng tạo có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương, Chí Linh đã không ngừng phát triển, trở thành đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Hải Dương. Trong 6 năm xây dựng nông thôn mới, Chí Linh đã chỉ đạo tập trung, huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, huy động các nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, đồng thời vận động đóng góp của nhân dân phù hợp với khả năng của từng địa phương. Trong giai đoạn 2011 - 2017, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã là 2.116 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã góp phần giúp thị xã Chí Linh phát triển nhanh giao thông nông thôn, điện, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, thủy lợi, công trình cơ sở vật chất văn hóa xã, thôn, hệ thống thoát và cấp nước sinh hoạt, hệ thống chợ, thương mại nông thôn … Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương trao quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho thị xã Chí Linh. Từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, các dự án, đề án phát triển kinh tế đã được ưu tiên thực hiện. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng ổn định. Thị xã có 1 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người toàn thị xã năm 2017 là 57 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã là 1,5%. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 86%. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được triển khai sâu rộng. Các hoạt động thu gom rác thải, cải tạo cảnh quan đường làng ngõ xóm, bảo vệ môi trường, chỉnh trang vườn nhà đã đi vào nền nếp ở các địa phương, đơn vị. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 99%. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và Quyết định công nhận thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã. Minh Phương

Trang