Xây dựng nông thôn mới

Thái Nguyên chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Là tỉnh có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) thấp (năm 2011, bình quân đạt 4,85 tiêu chí/xã), sau 10 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của Thái Nguyên đã có nhiều thay đổi. Hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện và ngày càng khang trang. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Diện mạo NTM Thái Nguyên thay đổi từng ngày Với nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM sau 10 năm là 21.300 tỷ đồng, Thái Nguyên đã nâng cấp và làm mới được 420 km kênh mương thủy lợi do xã quản lý; xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 406 trạm điện, hơn 1.300 km đường điện, hoàn thành mục tiêu xóa xóm, bản chưa được đầu tư về điện lưới quốc gia. Bằng nhiều giải pháp huy động nguồn lực, Thái Nguyên đã xóa được hơn 2.200 nhà tạm, dột nát, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,47%; hàng năm, tạo việc làm tăng thêm cho trên 15.000 người... Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong xây dựng NTM, Thái Nguyên thực hiện ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn. Hiện 100% các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện. Hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng được đầu tư trải nhựa hoặc đổ bê tông, cứng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Song song với đó, hệ thống điện lưới điện trung, hạ thế được đầu tư đã phủ kín 100% các xã, xóm trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu điện sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh, đã xóa được các xóm bản “trắng điện” chưa được đầu tư điện lưới quốc gia. Hệ thống thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở xã, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, công trình cấp nước tập trung... được quan tâm đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, ngày càng đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả phục vụ nhân dân. Bên việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, Thái Nguyên cũng đã quan tâm phát triển các mô hình kinh tế tập thể, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản như: Vùng Chè đặc sản Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; vùng lúa đặc sản nếp Thầu Dầu, huyện Phú Bình; gạo Bao Thai, huyện Định Hóa; vùng cây ăn quả tại xã Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân, thị xã Phổ Yên... Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi trang trại theo quy mô công nghiệp, an toàn sinh học ngày càng phát triển. Từ những phát triển tích cực trong sản xuất đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được chú trọng, có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân. Phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; phong trào trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường đang phát triển mạnh mẽ ở các địa phương như: Thôn Bãi Hội, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa; xóm Bến, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên; xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn, thành phố Sông Công… Cũng theo ông Lượng: Trong xây dựng NTM, Thái Nguyên đã vận dụng linh hoạt các quy định của Trung ương. Tỉnh đã ban hành một số quy định cao hơn như: Bộ tiêu chí “hộ gia đình NTM”, “xóm NTM kiểu mẫu”, “xã NTM kiểu mẫu”... Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương để hỗ trợ triển khai thực hiện phong trào như: Hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương, trong đó ưu tiên các xã đăng ký đạt chuẩn NTM (bình quân 1.000 tấn/xã); hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa xã, xóm; hỗ trợ các xã điểm, các xã xây dựng NTM kiểu mẫu (2 tỷ đồng/năm); hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi; máy móc cơ giới hoá nông nghiệp); hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP... Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân, tính đến cuối năm 2019, Thái Nguyên đã đạt và vượt một số mục tiêu đã đề ra. Tỉnh có 101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 70%), về đích sớm trước 1 năm; 3/9 đơn vị cấp huyện (chiếm 33,33%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt 1 đơn vị và về đích trước 2 năm; 12 xóm đã được công nhận đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu. Về mục tiêu trong xây dựng NTM trong thời gian tới, theo ông Lượng, năm 2025 tỉnh phấn đấu có 130 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu từ 6 đơn vị cấp huyện trở lên được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 20 xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu; bình quân tiêu chí theo bộ tiêu chí về xã NTM đạt 18,5 tiêu chí/xã. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 2%/năm trở lên. Tùng Chi

Tuổi trẻ Tuyên Quang góp sức xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, thống nhất, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tỉnh Tuyên Quang đã phát huy vai trò xung kích cách mạng, tích cực tham gia công cuộc đổi mới của đất nước và đề ra được nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới trong tỉnh. Từ đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020 và phong trào Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành, tổ chức Đoàn các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới trong ĐVTN và người dân bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú trên cuốn Bản tin thanh niên, website, chuyển tải bản tin và các ấn phẩm tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đến tận cơ sở...  Đặc biệt, đã có 274 đội thanh niên tình nguyện với 3.570 ĐVTN tham gia trực tiếp vận động, giúp các hộ dân xây dựng, sửa chữa 532 công trình vệ sinh; di chuyển 345 chuồng trại chăn nuôi ra địa điểm mới hợp vệ sinh; đào 2.354 hố xử lý rác thải; xây 2.350 m tường rào; trồng, chăm sóc trên 100.000 cây xanh; hỗ trợ cho 254 hộ gia đình áp dụng quy trình sử dụng chế phẩm Bio TMT xử lý môi trường nông nghiệp; tổ chức khám, tư vấn cấp phát thuốc cho 35.000 lượt người... Từ đó, giúp nhân dân có nhận thức tốt hơn về xây dựng nếp sống văn minh theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, để làm tốt công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc vận động nguồn kinh phí, huy động ĐVTN đóng góp ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: Làm mới 286 km và tu sửa 1.787 km đường giao thông nông thôn; vệ sinh các tuyến đường bê tông; đắp 257 km lề đường bê tông đảm bảo độ bền, mỹ quan, thuận tiện trong việc đi lại của nhân dân; tổ chức cho ĐVTN nạo vét, khơi thông trên 1.000 km kênh mương nội đồng phục vụ dẫn nước; làm mới và sửa chữa 45 cầu giao thông nông thôn. Ngoài ra, đã có 175 công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” được hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài trên 200 km, 6 công trình sáng – xanh – sạch đường quê nông thôn mới trị giá trên 4 tỷ đồng; tu sửa, chỉnh trang khuôn viên 349 nhà văn hóa thôn, bản; sửa chữa, làm mới 383 nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, 38 nhà bán trú, nhà Khăn quàng đỏ, nhà Tình bạn, nhà văn hóa trị giá trên 6 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa được 532 công trình vệ sinh cho các hộ gia đình. Trao hỗ trợ khởi nghiệp cho ĐVTN trong tỉnh (Ảnh: Đài TT - TH TP Tuyên Quang) Cùng với đó, tổ chức Đoàn, Hội các cấp đã tập trung giúp đỡ thanh niên và người dân tại địa phương phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ 2013 - 2019, bằng các giải pháp cụ thể, các cấp bộ Đoàn đã trực tiếp giúp đỡ được 1.047 hộ thanh niên nghèo thoát nghèo, hỗ trợ trên 10.000 con giống chăn nuôi cho các hộ gia đình nghèo trị giá trên 750 triệu đồng. Tích cực vận động, khuyến khích và hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế gia đình, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Tham gia phát triển các vùng sản xuất cây trồng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường: Chè, mía, lạc, cam… Phát triển chăn nuôi, thủy sản trồng rừng và bảo vệ rừng ở địa phương. Phối hợp tổ chức 385 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông – lâm – ngư nghiệp cho 25.430 lượt ĐVTN. Xây dựng và duy trì có hiệu quả 1.079 bảng tin khoa học kỹ thuật tại các thôn, bản, tổ nhân dân. Cùng với đó, các tổ chức Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng nông nghiệp hỗ trợ những gói tín dụng cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, lập nghiệp với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Từ đó, đã xây dựng được 9 hợp tác xã thanh niên; 21 tổ hợp tác; 9 trang trại trẻ; 856 mô hình kinh tế thanh niên; đảm nhận quản lý 487 tổ tiết kiệm vay vốn, đảm nhận ủy thác vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 504 tỷ đồng, triển khai xoay vòng có hiệu quả 83 dự án vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm với số tiền 2.183 tỷ đồng, trong đó tập trung cho vay xây dựng mô hình tại các xã điểm nông thôn mới. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn còn tổ chức các Hội nghị chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và chế biến nông, lâm sản nhằm tháo gỡ những khó khăn, giúp thanh niên có những hướng đi mới, đột phá trong phát triển nông nghiệp. Song song đó, các cấp bộ Đoàn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên và người lao động tại địa phương. Đến nay, nhiều lượt ĐVTN đã được định hướng, dạy nghề đào tạo và làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước. Từ phong trào thanh niên phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới, nhiều tấm gương điển hình xuất sắc trong sáng tạo, lao động, sản xuất, kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triên nông thôn đã được khen thưởng kịp thời, góp phần động viên, khích lệ họ tiếp tục có những cố gắng hơn nữa trong thời gian tới. Từ những thành quả đã đạt được, tin rằng trong thời gian tới, ĐVTN tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới cùng bà con nhân dân trong tỉnh. Lê Thủy

Gia Viễn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

TĐKT - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện tại 20/20 xã trên địa bàn huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã đạt chuẩn NTM. Hiện huyện đang tiếp tục rà soát, đánh giá lại các xã đã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí mới, đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình các cấp công nhận huyện NTM trong năm 2020.   Diện mạo NTM Gia Viễn thay đổi từng ngày Để tiến dần đến mục tiêu đề ra, những năm qua, Huyện ủy Gia Viễn đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, về xây dựng NTM bền vững và phát triển; tuyên truyền sâu rộng tới các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, nội dung, yêu cầu của chương trình; trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong xây dựng NTM. Sau 10 năm, tổng nguồn vốn huyện đã huy động để thực hiện phong trào xây dựng NTM là 6.206 tỷ đồng, trong đó vốn từ cộng đồng dân cư gần 2.396 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 38,5%. Với nguồn kinh phí này, huyện đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại nhằm phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh. Huyện đã làm mới 2.358 tuyến đường với tổng chiều dài gần 197 km; kiên cố hóa 105 tuyến kênh mương (dài 94 km), xây mới và nâng cấp 16 trạm bơm; lắp đặt thêm 161 trạm biến áp, làm mới, nâng cấp 161 km đường dây điện trung - hạ thế, đảm bảo 100% số xã có hệ thống điện đạt chuẩn, 100% số hộ được sử dụng điện; đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, hệ thống trường học các cấp; xây mới, cải tạo, nâng cấp 158 nhà văn hóa thôn, xóm, 20 sân thể thao và nhà văn hóa xã… Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Gia Viễn cũng quan tâm triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Để tập trung phát triển kinh tế, Gia Viễn đã chủ động đưa ra những giải pháp nhằm thu hút đầu tư. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhờ vậy đã góp phần giải quyết việc làm cho 3.450 lao động trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2019, mức thu nhập bình quân toàn huyện đạt 45,1 triệu đồng/người. Song song với đó, công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng gắn với xây dựng NTM và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa tiếp tục được huyện tập trung chỉ đạo. Hiện Gia Viễn có 14/20 xã đã được UBND huyện phê duyệt phương án dồn điền, đổi thửa và hoàn thành việc giao ruộng ngoài thực địa. Sau 10 năm, huyện đã chuyển đổi 120 ha đất, hình thành những vùng sản xuất 4 vụ/năm, mang lại giá trị kinh tế trên 1 ha canh tác đạt 300 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình nhà lưới, rau an toàn, dưa các loại, cà chua và trồng hoa cho thu nhập cao và ổn định. Bên cạnh đó, Gia Viễn cũng chú trọng tới chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Từ lợi thế về nguồn nước, huyện đã đẩy mạnh các mô hình nuôi cá trên ruộng trũng, nuôi trong ao đất và bán công nghiệp. Ước tính tổng sản lượng ngành thủy sản của huyện đạt trên 5.000 tấn với giá trị gần 149 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung đã được phê duyệt. Huyện xác định nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành cũng như huy động sự vào cuộc của nhân dân. Có thể thấy, bằng sự vào cuộc hăng hái của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận của nhân dân, phong trào xây dựng NTM) ở huyện Gia Viễn đã gặt hái được những thành tựu quan trọng. Về Gia Viễn hôm nay, ai cũng thấy vui khi đi trên những con đường nông thôn rộng rãi, bê tông hóa sạch đẹp, hai bên đường nhà cửa khang trang, cho thấy đời sống của người dân được nâng lên. Tin rằng trong thời gian sớm nhất Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Viễn sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Bảo Linh  

Sức trẻ trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”

TĐKT - Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, thời gian vừa qua, thanh niên hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Kạn đã phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuổi trẻ Quảng Ninh xung kích đi đầu Xác định tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của địa phương, cùng với sự vào cuộc, cách làm quyết liệt, khoa học của tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, chủ thể tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng thương hiệu tỉnh. Qua 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh được Trung ương đánh giá cao và được lựa chọn làm điểm để nhân rộng ra toàn quốc. Đến nay toàn tỉnh có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia Chương trình. Trong đó, có 196 sản phẩm đạt sao; thực hiện dán tem điện tử truy suất nguồn gốc cho trên 90% các sản phẩm OCOP. Hiện nay, toàn tỉnh có 32 trung tâm và điểm bán hàng OCOP, trong đó Hạ Long có 7 điểm, Tiên Yên có 5 điểm, Uông Bí 4 điểm, Cẩm Phả 3 điểm, Bình Liêu 3 điểm, Móng Cái 2 điểm, Đông Triều 2 điểm, các huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Cô Tô, Hoành Bồ, Quảng Yên mỗi đơn vị có 1 điểm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP bước đầu tiếp cận được thị trường cho 29 sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, trong đó: 21 sản phẩm thương hiệu thuộc “Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản của tỉnh Quảng Ninh”. Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được xếp hạng từ 3-5 sao tạo được uy tín với khách hàng.(Ảnh: Báo Quảng Ninh) Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã chuyển giao, tiếp nhận và giải quyết các điểm nghẽn về kỹ thuật, ứng dụng thành công trên 145 quy trình kỹ thuật tiên tiến và đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho gần 3000 hộ nông dân về vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểu dáng, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ và được công bố hợp quy hoặc quy định phù hợp. Nhờ đó, hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm bán sản phẩm đã từng bước được đầu tư kiên cố, khang trang, lịch sự, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Quảng Ninh đã phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã theo Luật 2012; phát huy lợi thế về tiềm năng sản phẩm địa phương, sáng tạo triển khai thực hiện chương trình OCOP. Đến nay, nhiều người đã tham gia sản xuất và hoạt động thương mại một cách tích cực theo quy mô lớn, thu hút một số doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư. Thông qua thực tiễn triển khai chương trình, nhiều gương thanh niên phát triển kinh tế dám nghĩ, dám làm, đang từng bước khẳng định được thương hiệu đối với các sản phẩm do mình sản xuất. Tỉnh đoàn Bắc Kạn triển khai sáng tạo, bài bản Với nhận thức về tầm quan trọng của Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã quyết liệt chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức tuyên truyền về nội dung của Đề án, bao gồm: Sự cần thiết, nguyên tắc của OCOP; bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng; nội dung Chương trình OCOP; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đề xuất ý tưởng sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm ... Từ đó khởi đầu chu trình OCOP của thanh niên và cộng đồng. BTV Tỉnh đoàn đã tập trung tuyên truyền, giới thiệu về chương trình OCOP bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của ĐVTN với chương trình OCOP. Năm 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đánh giá xếp hạng, cấp giấy công nhận cho 37 sản phẩm của 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ sản xuất, trong đó có 6 sản phẩm của thanh niên OCOP như: Mật ong rừng của HTX Hương rừng, trà giảo cổ lam của HTX Dược liệu Bảo Châu, lạp xưởng gác bếp của HTX Nhung Lũy; trà mướp đắng rừng và chè Như Cố của HTX Thanh niên Như Cố; gạo bao thai Chợ Đồn - HTX Hoàn Thành. Đây đều là sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận. Các HTX phát triển có chiều sâu, ổn định, tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ sản phẩm, đã trở thành tấm gương sáng để ĐVTN trên địa bàn học hỏi cách khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP. Tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ nếp đen của HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Thành đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao (Ảnh: Cổng TTĐT Bắc Kạn) Bên cạnh đó, công tác quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp của ĐVTN được các cấp bộ Đoàn chú trọng, BTV Tỉnh đoàn đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP của ĐVTN tham dự Hội chợ Dược liệu và các sản phẩm của y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất tại TP Hà Nội. Qua Hội chợ, ĐVTN có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, hợp tác, mở rộng thị trường để đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng trong cả nước. Từ đây, một số huyện, Thành đoàn trong tỉnh đã tổ chức “Gian hàng sản phẩm OCOP của thanh niên” tại các phiên chợ của địa phương. Nhằm đồng hành với thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nhất là khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP, BTV Tỉnh đoàn đã tạo điều kiện cho các HTX thanh niên vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn. Mỗi đơn vị một cách làm khác nhau, song đều khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của tuổi trẻ trên mọi lĩnh vực. Thanh niên thật sự là cầu nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ngọc Huyền      

Phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”

TĐKT - Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu. Hưởng ứng chủ trương này, tuổi trẻ  Sóc Trăng và Lào Cai đã có những nỗ lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong giai đoạn vừa qua. Tuổi trẻ Sóc Trăng chung tay xây dựng nông thôn mới Xác định tầm quan trọng và trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong công tác này, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn Sóc Trăng đã phát động phong trào “Tuổi trẻ Sóc Trăng chung tay xây dựng nông thôn mới” và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền 19 tiêu chí và đặc biệt là thực hiện 11 nội dung mà Ban Dân vận tỉnh ủy đã phát động. Trong đó, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú được chọn làm điểm cấp tỉnh. Song song đó, các đơn vị trực thuộc chọn xã làm điểm cấp cơ sở. Trong giai đoạn 2012 - 2016, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo và trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động phong trào tại xã Tân Thạnh, huyện Long Phú như: Hỗ trợ thực hiện 350 cột cờ Tổ quốc, 400 hàng rào, 150 nhà vệ sinh, 170 hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 70 hố rác, xây dựng 1 cầu giao thông nông thôn, làm lộ bê tông nông thôn với tổng chiều dài 1 km, kinh phí thực hiện trên 96 triệu đồng. Riêng trong hai năm 2016 và 2017, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công trình thanh niên tuyến đường “Thắp sáng đường quê” với chiều dài gần 3 km thuộc ấp Nhơn Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, các công trình cấp tỉnh là dự án 150 cầu giao thông nông thôn với trị giá hơn 40 tỷ đồng, trong đó có 46 cây cầu trị giá gần 10 tỷ đồng được xây dựng tại các xã đang xây dựng nông thôn mới, 17 trường mẫu giáo, 2 công trình Nước sạch nghĩa tình, 20 công trình Thắp sáng đường quê, 22 công trình cột cờ Tổ quốc, 8 công trình tuyến đường lộ nông thôn, xây dựng 136 căn nhà nhân ái, đại đoàn kết, nhà tình bạn, nhà Khăn quàng đỏ và hơn 300 công trình thanh niên của các cơ sở Đoàn trực thuộc, đã thu hút hơn 56.380 lượt đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Một đoạn đường hoa nông thôn mới do đoàn viên, thanh niên Sóc Trăng trồng (Ảnh: Vietnamnet) Hiện nay, Tỉnh Đoàn đang triển khai thực hiện một số công trình tại xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành theo Đề án hỗ trợ toàn diện xã xây dựng nông thôn mới do Ban dân vận Tỉnh ủy phát động, như: Tổ chức xây dựng công trình Thắp sáng đường quê tại ấp Đắc Lực, Đắc Thế tổng kinh phí 75 triệu đồng; tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho trên 500 lượt người dân; trồng 2000 cây xanh các loại trên các tuyến lộ thuộc địa bàn xã Hồ Đắc Kiện; triển khai phong trào chống rác thải nhựa, các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi ni-lông trong sinh hoạt, giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn; triển khai xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ đoàn viên thanh niên khó khăn về nhà ở... Với sự năng động và quyết tâm cao của các cấp bộ Đoàn và cán bộ ĐVTN toàn tỉnh, phong trào “Tuổi trẻ Sóc Trăng chung tay xây dựng nông thôn mới” trong thời gian tới sẽ tiếp tục được phát huy và thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thanh niên Lào Cai xung kích, sáng tạo Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp bộ Đoàn tỉnh Lào Cai đã huy động nhân lực, vật lực cho xây dựng nông thôn mới với tổng trị giá 315 tỷ đồng. Nhờ có những phương thức chỉ đạo, triển khai đa dạng, thiết thực, phong trào “Tuổi trẻ Lào Cai chung tay xây dựng nông thôn mới” đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh. Với phương châm hành động “Mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở Đoàn một công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới”, các cấp bộ Đoàn đã thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Mô hình “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch” của chị Đỗ Thị Kim Dung tại xã Sa Pả, Sa Pa. (Ảnh: Cổng TTĐT Lào Cai) Đến nay, các cấp bộ Đoàn đã thực hiện các chương trình dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng giá trị làm lợi lên tới 140,7 tỷ đồng thu hút hàng chục ngàn DDVTN tham gia. Tiêu biểu là các công trình: “Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”; đường thanh niên 26/3; xây dựng 15 cầu nông thôn; cấp phát 2.000 tấn xi măng cho 2.100 hộ nghèo thuộc 24 xã biên giới, khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn đã thực hiện 2.264 công trình thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới; thắp sáng 121,3 km, đổ bê tông 285,17 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 172 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu; xây mới 65 cầu giao thông nông thôn; 157 nhà văn hóa, 70 nhà nhân ái, nhà tình nghĩa; 123 sân chơi, khu thể thao thanh thiếu nhi; xóa 316 nhà tạm, nhà dột nát; hoàn thành 12.236 nhà tiêu hợp vệ sinh, làm mới 6.053 chuồng nuôi nhốt gia súc, đào 14.289 hố rác vệ sinh. Ngoài ra, Tỉnh đoàn Lào Cai còn giúp đỡ 3/6 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới gồm: Phú Nhuận, Xuân Giao, Bản Qua – xã chỉ đạo điểm của Trung ương Đoàn. Sự thành công của phong trào "Tuổi trẻ Lào Cai chung tay xây dựng nông thôn mới" đã cho thấy vai trò và hình ảnh của thanh niên đang ngày một rõ nét; đóng góp tích cực công sức, trí tuệ trong công cuộc xây dựng đời sống nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng thời, phong trào cũng đã làm thay đổi nhận thức của nhiều đoàn viên thanh niên, giúp họ chủ động, tự tin, tham gia tích cực hoạt động xây dựng nông thôn mới. Cẩm Tú

Ấm no từ những mùa rau sạch

TĐKT - Bước chân tới thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, không thể không ấn tượng với màu xanh mơn mởn hút tầm mắt của những cánh đồng rau hữu cơ đang vào mùa thu hoạch. Đó là sản phẩm tâm huyết của những người phụ nữ Churu cần cù, chịu khó thuộc Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Gõh.     Vườn rau được canh tác bằng phương thức không sử dụng chất hóa học, tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Trước đây, người dân tộc Churu làm nông tại Ma Đanh cũng chạy theo xu hướng thị trường, đầu tư quá nhiều cho giống mới, thuốc diệt cỏ, phân thuốc hóa học và những loại hóa chất nhằm tăng năng suất cây trồng, nên sản phẩm của họ khi làm ra được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Có những mùa, các chị phải bỏ không cả vụ rau màu vì không đủ tiền trả công thu hoạch. Việc sử dụng phân thuốc hóa học, đặc biệt là thuốc diệt cỏ một cách tràn lan và không hợp lý cũng dẫn đến việc đất đai canh tác ngày càng chai cứng, đòi phân ngày càng nhiều hơn; nguồn nước bị ô nhiễm, môi trường thay đổi theo hướng đi xuống. Sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng cũng bị đe dọa nghiêm trọng do việc tiếp xúc và ăn những nông sản bị nhiễm độc chất hóa học. Các chị kể lại: “Khi ấy, quỹ thời gian dành cho việc qua chơi, thăm hỏi, giúp đỡ hàng xóm láng giềng và làm những công việc khác cũng bị thu hẹp vì chúng tôi còn đang phải chạy theo công việc để trả nợ cho những đại lý phân thuốc, những con buôn đầu tư. Chúng tôi bị vướng vào cái guồng quay “làm - đầu tư - nợ” và luôn lo lắng làm sao để thoát ra khỏi cái guồng quay đó. Người nông dân nghèo càng nghèo hơn, nợ càng nợ hơn.” Cuối cùng, các hộ gia đình đã cùng ngồi lại, phân tích thực trạng canh tác nông nghiệp của mình và đi đến một quyết định táo bạo là sẽ canh tác hữu cơ. Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Gõh ra đời từ đó, dưới sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt với mục tiêu hướng tới sức khỏe cộng đồng. Sau 3 năm hoạt động, tới nay, tổ đã có 14 thành viên, đều là chị em người dân tộc Churu, đang canh tác với diện tích hơn 11.000 m2.   Sản phẩm làm ra được các chị cung cấp cho chính gia đình mình, chia sẻ cho hàng xóm, gửi đến tận tay người tiêu dùng. Các chị giải thích rằng trong tiếng Churu, Iem Gõh có nghĩa là rau sạch. Đúng như tên gọi, các sản phẩm của tổ hợp tác cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích... Với phương thức canh tác không sử dụng chất hóa học, tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (giống, phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp, chế phẩm tự chế…), tổ hợp tác hướng đến sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc đảm bảo sức khỏe cho con người, cho đất, cho hệ sinh thái. Chị Ma Đậm - Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Bước đầu khi chuyển từ hóa học sang hữu cơ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn: Sâu hại, đất không đủ dinh dưỡng, thời tiết, đầu ra… Nhưng cùng với những câu chuyện canh tác truyền thống của ông bà để lại, những kinh nghiệm làm nông, những chuyến học hỏi và đúc kết kinh nghiệm qua từng ngày, chúng tôi dần làm quen với việc canh tác hữu cơ.” Với những người nông dân nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức, kinh tế, tổ hợp tác hoạt động dựa trên việc xây dựng cơ cấu nhóm và phân nhiệm cụ thể. Nhóm chính là nơi nâng đỡ, hỗ trợ, tạo động lực và cảm hứng cho các thành viên trong suốt tiến trình canh tác hữu cơ cũng như từng ngày hoàn thiện hơn trong các khâu, đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Tổ hợp tác hoạt động theo quy trình bài bản: Tự thu hái, đóng gói, vào sổ số lượng, tham gia kiểm tra chéo để đánh giá và kiểm soát chất lượng rau của từng thành viên... Tất cả các mặt hàng sẽ được hái vào thứ hai và thứ năm hằng tuần. Đồng thời, mỗi gia đình phải thông báo mặt hàng sẽ thu hoạch trong tuần kế tiếp với số lượng ước tính, từ đó tổ trưởng tổ hợp tác sẽ thông báo đến đơn vị thu mua. Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Caritas Đà Lạt, tổ hợp tác tìm được đầu mối tiêu thụ ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, giá của sản phẩm được tính dựa trên chi phí về giống, đầu tư, công lao động... Nghĩa là giá này sẽ do chính các hộ đưa ra mà không bị phụ thuộc vào biến động thị trường. Điều này cũng nằm trong thỏa thuận với đơn vị tiêu thụ nên hầu hết các thành viên đều rất thoải mái, không bị áp lực. Học nhau, các hộ thành viên tham gia tổ hợp tác tăng dần theo thời gian. Con cái còn nhỏ nên chị Ma Đông cũng chỉ tranh thủ cùng chị em trồng thêm rau trong mảnh vườn nhỏ sau nhà. Chị nói rằng bây giờ có đưa con ra vườn thì chị cũng yên tâm hơn vì không lo bé bị ảnh hưởng bởi mùi của các loại thuốc bảo vệ thực vật. Mùa nào thức nấy, các chị không bao giờ phải lo thiếu rau xanh sử dụng trong gia đình, đặc biệt là còn có thể trao đổi các loại rau với nhau. Từ ngày trồng rau hữu cơ, chị đã biết cách phân biệt đâu là rau an toàn. Chị chia sẻ: “Trước đây cứ phải loại nào thật to, thật đẹp mình mới mua nhưng giờ mình đã biết rồi. Sử dụng những loại rau được trồng hữu cơ thì lúc nào cũng có vị ngọt tự nhiên, quan trọng nhất là an toàn cho sức khỏe của gia đình, con cái”. Nhờ trồng rau hữu cơ, chị thu nhập đều đặn từ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi tháng.   Thu hái được những gùi rau sạch không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào của phụ nữ thôn Ma Đanh Với thu nhập 10 triệu đồng/tháng từ rau hữu cơ, gia đình chị Ma Đờng được xem là hộ có thu nhập cao nhất trong tổ hợp tác. Chị bảo: “Làm rau hữu cơ an toàn mà không phải lo lắng về giá cả nữa. Trước đây, mình bị tụt huyết áp riết, giờ không bị nữa vì không phải tiếp xúc với phân thuốc. Ngày xưa mình không dám hái rau trong vườn ăn, nhưng giờ có thể hái rau ăn thoải mái rồi.” Những sản phẩm do các thành viên tổ hợp tác Iem Gõh làm ra được cung cấp cho chính gia đình họ, được chia sẻ cho hàng xóm, được gửi đến tận tay người tiêu dùng. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào của những người dân tộc Churu đã chăm sóc vườn rau bằng cả tấm lòng, đem tới những sản phẩm được nuôi dưỡng từ tình yêu môi trường, yêu thiên nhiên, yêu đất mẹ, được kết tinh từ những tinh hoa của đất trời. Nguyệt Hà

Nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2020

TĐKT - Đảm bảo sảm phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trưng bày sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long Ngày 10/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ đạo các chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2020. Sau hơn 1,5 năm triển khai, Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng, đang tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, trong phát triển kinh tế nông thôn, được hệ thống chính trị các cấp và xã hội đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Đến tháng 1/2020, cả nước đã có 61/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP cấp tỉnh. Có 24 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho 1.129 sản phẩm của 753 chủ thể kinh tế. Trong đó có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 336 sản phẩm đạt 4 sao và 777 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ Tiêu chí OCOP Quốc gia. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức cần được các cấp, các ngành quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Nhìn chung, hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ và thống nhất đơn vị đầu mối, tham mưu. Nhiều cán bộ có nhận thức chưa rõ về bản chất và nguyên tắc của Chương trình OCOP. Một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch nhưng chưa triển khai hoạt động cụ thể, chưa bám sát đúng chu trình OCOP đã được quy định tại Quyết định số 490/QĐ-TTg. Do vậy, tiến độ và chất lượng triển khai Chương trình của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều địa phương chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm của một số chủ thể đơn lẻ, có tính cộng đồng chưa cao để đưa tham gia Chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm; chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng. Vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn rất hạn chế. Công tác xúc tiến thương mại tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, tổ chức nhiều hội chợ quảng bá trong và ngoài tỉnh song còn chưa tập trung, khâu tổ chức còn chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng của các sản phẩm OCOP. Tình trạng lẫn lộn giữa sản phẩm OCOP và các sản phẩm chưa đạt chuẩn khác gây nên sự nhầm lẫn của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP. Để nâng cao hiệu quả và chất lượng của Chương trình OCOP, đạt được các mục tiêu và kết quả đề ra, đồng thời chuẩn bị tốt cho công tác xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, Bộ NN&PTNT đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo một số nhiệm vụ: Chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Chương trình OCOP tại địa phương, tuân thủ đúng Chu trình OCOP, tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sảm phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả công tác triển khai Chương trình OCOP của địa phương trong thời gian vừa qua, ban hành kế hoạch thực hiện năm 2020 đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, gây tốn kém về thời gian và kinh phí thực hiện. Đối với 2 tỉnh còn chưa phê duyệt Đề án, Kế hoạch, cần chuẩn bị kỹ nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, sớm hoàn thiện, ban hành chậm nhất trong Quý I/2020. Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, huyện hiểu rõ bản chất của Chương trình. Phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi, chỉ đạo chương trình, đặc biệt quan tâm chú ý đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP. Chỉ đạo cơ quan chuyên trách Chương trình xây dựng nông thôn mới phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tập huấn, hỗ trợ triển khai trong các địa phương, nhất là cấp xã, kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng của chủ thể kinh tế sau khi đã có sản phẩm đạt sao OCOP. Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP; đồng thời có kế hoạch và chính sách cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của địa phương. Rà soát và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch và chất lượng, không chạy theo thành tích. Xây dựng kế hoạch cả năm của địa phương về xúc tiến thương mại cho Chương trình OCOP, thông báo cho cơ quan thường trực Chương trình và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương để tổng hợp, lên phương án điều phối, phối hợp quảng bá. Chỉ đạo cơ quan thường trực Chương trình OCOP của tỉnh khẩn trương thực hiện báo cáo, cung cấp dữ liệu điều tra, thống kê theo yêu cầu. Phương Thanh

Thanh niên Đồng Nai tích cực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

TĐKT - Là địa phương khởi nguồn cho phong trào xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua, Tỉnh đoàn Đồng Nai đã phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của tuổi trẻ trong tuyên truyền, xây dựng nông thôn mới tiêu chí nâng cao. Nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, BTV Tỉnh đoàn chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn thực hiện việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và nhân dân về các nội dung, yêu cầu bằng các hình thức phong phú, sáng tạo, thu hút sự tham gia của cán bộ các tổ chức đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã quét dọn, phát quang trên 600 km đường giao thông nông thôn; nạo vét được hơn 380 km kênh mương, cống rãnh; thu gom được trên 262 tấn rác thải; sửa chữa được gần 775 km đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Phối hợp với ngành điện lực cùng cấp tổ chức cấp đổi được trên 5.000 bóng đèn compac tiết kiệm điện, thực hiện 28 công trình Thắp sáng ngõ hẻm với chiều dài 236 km đường, tổng giá trị 824 triệu đồng; vận động ĐVTN làm đường giao thông nông thôn được 35 công trình với 210 km đường với tổng giá trị 4,4 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2019, thực hiện các công trình thanh niên chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, BTV Tỉnh đoàn đã phối hợp với các đơn vị xây dựng 11 cây cầu dân sinh tại Vĩnh Cửu, Định Quán và Cẩm Mỹ trị giá hơn 3,2 tỷ đồng; xây dựng 171 tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Đồng thời, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại cơ sở, Đoàn các xã, phường, thị trấn còn phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động nhân dân đóng góp kinh phí tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh vận động được hơn 46 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,39% tổng số nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm qua, BTV Tỉnh đoàn phối hợp với các ban, ngành liên quan và Đội Thanh niên tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn tham quan học tập, lớp tập huấn, diễn đàn chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc, thành lập các mô hình kinh tế tập thể cho cán bộ Đoàn, ĐVTN. ĐVTN tham gia khám bệnh cho người dân trong chương trình Xuân tình nguyện (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai) Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn đã duy trì 191 tổ tiết kiệm và vay vốn; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn “Quỹ đồng hành cùng thanh niên tỉnh Đồng Nai”. Đến nay, đã hỗ trợ 62 dự án với số tiền hơn 1 tỷ đồng… Ngoài ra, còn duy trì các tổ vần đổi công tại các xã, hướng dẫn ĐVTN tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ CEP, Hội Doanh nhân trẻ... Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã thành lập được nhiều đội tuyên truyền ca khúc cách mạng cấp huyện; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục, thể thao, trò chơi dân gian; chiếu phim lưu động phục vụ cho thiếu nhi và đồng bào vùng sâu, vùng xa; đóng góp kinh phí xây dựng các công trình lịch sử, văn hóa, thư viện... nhằm giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật trong ĐVTN nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Không những vậy, Tỉnh đoàn còn tiếp tục thực hiện các phong trào “3 không” và “4 giảm”, tăng cường tổ chức các tọa đàm, diễn đàn “Niềm tin và nghị lực”; duy trì các đội hình thanh niên tình nguyện giữ gìn an ninh trật tự tại các khu phố ấp sau 23 giờ. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp đã vận động và nhận quản lý, giáo dục, cảm hóa cho 3.665 thanh thiếu niên chậm tiến và ký kết các chương trình phối hợp phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên, đặc biệt là các hoạt động chăm lo cho học viên đang học tập, lao động và rèn luyện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Hỗ trợ cho 43 thanh niên hoàn lương vay hơn 1 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh tái hòa nhập cộng đồng từ nguồn Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự”. Thành lập các Đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh với tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A. Xác định công tác đảm bảo an sinh xã hội cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, các cấp bộ Đoàn đã thường xuyên tổ chức thực hiện các công trình, phần việc thanh niên như: Xây dựng nhà nhân ái, khám, chữa bệnh và tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, gia đình khó khăn, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho thanh thiếu nhi vùng nông thôn bằng các công trình“Tiếp sức cho 500 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường” giai đoạn 2013 - 2017 cho 900 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 12,5 tỷ đồng; Quỹ học bổng “Cặp nến yêu thương”... Công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đoàn viên ưu tú đã được các cấp bộ Đoàn chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, các ban, ngành chức năng tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ cho tổ chức Đoàn triển khai thực hiện cuộc vận động "Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên" và được cụ thể hóa thành các phong trào. Trong 10 năm, toàn tỉnh đã giới thiệu 25.819 đoàn viên ưu tú cho Đảng, qua đó có 12.822 đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những kết quả trên, tuổi trẻ tỉnh Đồng Nai luôn tự hào vì đã góp phần tạo nên thành công trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong số 133 đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 31 đơn vị cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 13 đơn vị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập phường, thị trấn trên cơ sở địa giới hành chính cấp xã, xứng đáng là địa phương đi đầu trong cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Cẩm Tú    

Đồng Tháp tích cực hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế

TĐKT - Vấn đề hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế hiện nay là vấn đề quan trọng đang được các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội và dư luận xã hội rất quan tâm. Nhận thức được điều đó, trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế; cổ vũ, khuyến khích tinh thần, từng bước đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên. Phát huy vai trò tiên phong, xung kích của tuổi trẻ trong lập thân - lập nghiệp, xác định công tác hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trong tâm của chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hàng năm, Tỉnh đoàn Đồng Tháp đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Thành lập các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; tìm kiếm ý tưởng kinh doanh áp dụng vào cuộc sống, tuyên dương những thanh niên kinh doanh giỏi, tổ chức cuộc thi dự án khởi nghiệp, tổ chức các chương trình đào tạo, ươm tạo khởi nghiệp, thành lập phòng hỗ trợ khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp; hình thành các nguồn quỹ khởi nghiệp… Với các chương trình cụ thể, phong trào hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế trên mảnh đất Sen hồng trong thời gian qua bước đầu đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã vận động thành lập mới và duy trì 210 tổ hợp tác, 130/144 xã, phường, thị trấn có tổ hợp tác, HTX thanh niên), 2 HTX thanh niên, 1 trang trại thanh niên thu hút trên 1.295 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia lao động với số vốn là trên 21.5 tỷ đồng. Tính đến nay đã có 14 câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện, 162 câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế; tất cả xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có mô hình câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế. Công tác định hướng lập nghiệp và khởi nghiệp cho thanh niên được quan tâm, tập trung chỉ đạo rà soát hướng dẫn, giúp thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo; chỉ đạo thu hồi và xây dựng dự án cho vay luân chuyển nguồn vốn duy trì và mở rộng việc làm đúng quy trình thủ tục quy định, nâng tổng số tiền dư nợ các nguồn vốn vay do tổ chức Đoàn quản lý. Mô hình trồng rau thủy canh đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ đoàn viên, thanh niên (Ảnh: Báo Dân sinh) Các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quản lý vốn nhận ủy thác cho vay và phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức trong việc quản lý nguồn vốn trong thanh niên: Nguồn vốn vay giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn với tổng số tiền vay các dự án: 2.308 tỷ đồng cho vay 17 dự án trong hạn hoạt động hiệu quả, hỗ trợ gần 200 thanh niên, giúp thanh niên có vốn sản xuất, kinh doanh … Đến nay, tổng dư nợ nhận ủy thác của Đoàn thanh niên quản lý 619,934 tỷ đồng với 33,281 hộ vay tại 697 tổ tiết kiệm và vay vốn góp phần giúp thanh niên vốn sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động, học tập. Hỗ trợ vốn với lãi suất 0 đồng cho Tổ hợp tác thanh niên với số vốn 83 triệu đồng, hỗ trợ con giống cho thanh niên phát triển kinh tế với số tiền trên 400 triệu đồng. Trong công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn đã Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 117 “Phiên giao dịch việc làm” vào ngày 12 hàng tháng, thu hút trên 66.800 lao động tham gia và trên 1.700 lượt đơn vị công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tư vấn, tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn. Các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tư vấn, hướng nghiệp trên 289.460 lượt người, giải quyết việc làm cho trên 188.260 lao động. Đặc biệt, thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, BTV Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phối hợp với ngành lao động và các hội, đoàn thể triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả vận động đoàn viên, thanh niên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả phối hợp vận động, tính đến nay có gần 6.000 thanh niên đã xuất cảnh, ra mắt được 34 câu lạc bộ gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động với 214 thành viên tham gia. Hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của các bạn trẻ Đồng Tháp đạt được những kết quả to lớn. Ngoài sự nỗ lực của các cấp bộ Đoàn trong tỉnh, một nhân tố có tính quyết định đó chính là nhờ sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thanh niên của các cấp chính quyền, giúp phong trào khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế đang phát triển mạnh và lan tỏa, trở thành một trong những nội dung trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới trong tỉnh. Ngọc Huyền

Thanh niên Đắk Lắk quyết tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

TĐKT - Xác định rõ xây dựng quê hương là nhiệm vụ hàng đầu, thanh niên Đắk Lắk đang ra sức cống hiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng hình ảnh xung kích đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, các đội thanh niên Đắk Lắk tình nguyện chung sức vì cộng đồng tại các địa phương đã góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… Đặc biệt, phong trào “Tuổi trẻ Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới” với những con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, những công trình thắp sáng đường quê được xây dựng… đã tạo nên một hình ảnh đẹp về lớp thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tuổi trẻ còn ra sức bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc trong xu thế hội nhập.  Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Ban thường vụ các huyện, thị, thành đoàn thành lập và phát triển các đội chiêng trẻ, đội múa, sử dụng nhạc cụ tre, nứa; mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, hướng dẫn sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho con em bà con dân tộc Ê Đê, M’nông và Gia-rai... trong địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Kết quả, trong 10 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 150 lớp đào tạo dạy đánh cồng chiêng, hướng dẫn sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho hơn 4500 lượt thiếu nhi, đoàn viên, thanh niên tham gia. Tiêu biểu như các huyện Cư M’gar huyện Krông Bông, Krông Ana và TP Buôn Ma Thuột đã tổ chức được nhiều lễ hội văn hóa dân tộc và mở các lớp dạy sử dụng các nhạc cụ dân tộc đồng bào các dân tộc Tây Nguyên do các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy. Nghệ nhân chỉ dẫn từng động tác diễn tấu cho các học viên tại xã Cư Êbur (Ảnh: Báo Đắk Lắk) Ngoài ra, còn tổ chức các lớp dạy dệt thổ cẩm, tổ chức làng nghề, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ trong những ngày nông nhàn, đồng thời tổ chức những cuộc thi dệt thổ cẩm dân tộc, thu hút nhiều nghệ nhân tham gia. Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh Đắk Lắk đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc qua nhiều hoạt động cụ thể thiết thực. Trong đó, có Liên hoan Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc tỉnh Đắk Lắk được tổ chức 2 năm một lần với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên không chuyên đến từ các câu lạc bộ, đội, nhóm nghệ thuật, cồng chiêng trẻ ở các cơ sở Đoàn – Hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Qua 10 năm, Tỉnh đoàn Đắk Lắk đã tổ chức được 5 hoạt động Liên hoan Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc, thu hút sự tham gia trên 2000 lượt nghệ nhân, diễn viên không chuyên đến từ các câu lạc bộ, đội, nhóm nghệ thuật, cồng chiêng trẻ ở các cơ sở Đoàn - Hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Liên hoan đã quy tụ được nhiều tiết mục có chất lượng nghệ thuật cao, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung và được dàn dựng công phu. Thông qua đó, các cấp bộ Đoàn - Hội trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác giáo dục và vận động thanh thiếu niên các dân tộc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc mình, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia thành lập và nhân rộng các câu lạc bộ đàn hát dân ca, các đội chiêng trẻ... Qua đó, góp phần khơi dậy trong đoàn viên, thanh niên tình yêu quê hương, đất nước; phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Như vậy, trong giai đoạn vừa qua, tuổi trẻ Đăk Lăk đã phát huy được vai trò của mình trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân thực hiện đúng các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Với những cách làm hay, thiết thực và giàu ý nghĩa, hy vọng rằng, nội dung “Phát huy vai trò thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục gặt hái thêm được nhiều thành công hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo. Ngọc Huyền

Trang