TĐKT - Với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã, đầu năm 2019, xã Quảng Phương đã đạt 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận Xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Theo đó, bức tranh nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc, nhà cửa khang trang; thôn, xóm sạch đẹp hơn.
Xã Quảng Phương đón Bằng công nhận Xã đạt chuẩn nông thôn mới
Nói về những kết quả địa phương đạt được sau gần 10 năm tập trung, nỗ lực xây dựng NTM, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi trên địa bàn xã được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới: Tỷ lệ đường liên xã được nhựa hóa, bê tông đạt 100%; đường trục thôn, xóm được bê tông đạt 81,37%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 83%. Các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho bà con nhân dân phát triển sản xuất, năng suất lúa hàng năm đạt cao trên 54,9 tạ/ha).
Sản xuất nông nghiệp được tiếp tục phát triển và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân. Các nghề truyền thống, du nhập nghề mới (mây xiên Quảng Phương) được đầu tư mở rộng và phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,84%.
Trong quá trình xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Phương đã phấn đấu thực hiện xây dựng các tiêu chí theo quy định và đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.
Thực hiện kế hoạch của huyện về công tác dồn điền đổi thửa, xã đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện hoàn thành tốt công tác “Dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi”. Sau khi thực hiện, xã Quảng Phương đã có một số hộ dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế cao, một số mô hình phát huy hiệu quả rõ rệt như mô hình trồng hoa hướng dương của anh Phan Trung Nam tại thôn Pháp Kệ do Hội Nông dân xã thực hiện; mô hình đất gò đồi sang trồng cây ăn quả của anh Phạm Trường Lưu và anh Phạm Văn Thuận, chị Nguyễn Thị Tuyết, mô hình chăn nuôi lợn ri của anh Cao Song Danh, thôn Hướng Phương...
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Hội Làm vườn đã biết tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án, đẩy mạnh công tác cải tạo đầu tư, nâng cấp ao hồ, chuyển đổi các mô hình để đào ao thả cá với diện tích ao hồ khoảng 20 ha, trong đó: Cá và vịt 2 ha, sen 16 ha, sen - cá 2 ha, cho thu nhập hàng tấn sen và cá, đạt doanh thu khoảng 100 - 120 triệu đồng.
Khen thưởng các hộ dân thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi
Các mô hình phát triển kinh tế được đẩy mạnh và nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân như: Mô hình chăn nuôi vịt biển của anh Trần Văn Hải tại thôn Đông Dương; mô hình triển khai dự án chăn nuôi gà ri lai thả vườn; mô hình trồng các loại cây đặc sản như huê, điền trúc, bạch đàn, keo lai của ông Nguyễn Trọng Quang ở thôn Pháp Kệ; mô hình nuôi gà thương phẩm của hộ anh Thu, anh Hải, cứ 30 - 35 ngày xuất chuồng 1000 con gà thương phẩm trị giá 30 triệu đồng 1 lứa; ông Phạm Văn Thuận ở thôn Hướng Phương đã mạnh dạn đầu tư lò ấp trứng gà mỗi năm cho ra lò 10 ngàn con, thu nhập 100 triệu đồng; mô hình sản xuất miến dong của anh Lê Phúc Đông ở thôn Đông Dương - sản phẩm được bày bán ở siêu thị và các cửa hàng tạp hóa; mô hình sản xuất hương trầm của chị Nguyễn Thị Dương ở thôn Pháp Kệ...
Mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày càng phát triển về số lượng và hoạt động hiệu quả. Hiện trên địa bàn xã có 4 hợp tác xã. Đặc biệt, HTX mây xiên đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và được bày bán tại các siêu thị trong tỉnh và ngoài tỉnh; HTX Sen ngon Quảng Phương với sản phẩm đã có thương hiệu và bày bán tại các siêu thị trong tỉnh và ngoài tỉnh; 3 tổ hợp tác nuôi bò lai sinh sản ở thôn Pháp Kệ; 1 tổ hợp tác trồng nấm sò và nấm linh chi; 1 tổ hợp tác làm chổi đót; 41 gia trại, 1 trang trại... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các lao động nhàn rỗi sau mùa vụ.
Cùng với những khởi sắc về kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội ghi nhận nhiều chuyển biến mới. Trong lĩnh vực giáo dục, quy mô trường, lớp các cấp học được duy trì, ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm đầu tư, học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh đạt nhiều thành tích cao. Trạm y tế xã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, công tác tiêm chủng định kỳ cho trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình...
Công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động có hiệu quả đã kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, phục vụ tốt các sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương. Đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, thể hiện qua các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, luyện tập văn nghệ được tổ chức thường xuyên.
Các chế độ chính sách đối với người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn được thực hiện tốt. Các hoạt động tôn giáo trên địa bàn đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Với những kết quả đạt được, xã Quảng Phương đã được Hội đồng Thi đua -Khen thưởng các cấp trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng danh hiệu Cờ thi đua cho nhân dân và cán bộ xã.
Minh Phương
Xây dựng nông thôn mới
TĐKT - Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng và đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, có 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã (Gia Vân) được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 2 thôn (Tập Ninh và Thanh Uy, xã Gia Vân) được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào tháng 7/2020.
Với nỗ lực và tinh thần đoàn kết, nhân dân và cán bộ huyện Gia Viễn vinh dự đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn NTM tháng 7/2020
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Gia Viễn bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn, thách thức. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường... chưa đồng bộ. Hàng năm thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ. Tỷ lệ các tiêu chí đạt chuẩn thấp, như tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương mới đạt 21,46%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn 46,8%; tỷ lệ xã có nhà văn hóa, sân thể thao là 20%; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 15,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao 8,78%; giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 67,2 triệu đồng/ha; số tiêu chí trung bình của mỗi xã đạt 5,5 tiêu chí/xã…
Trên cơ sở phân tích thấu tình, đạt lý và quán triệt sâu sắc quan điểm: Xây dựng NTM, cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, vì mục tiêu sản xuất phát triển, đời sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ, Gia Viễn xác định xây dựng NTM là sự nghiệp của toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các đoàn thể; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân.
Triển khai xây dựng NTM, vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện rõ trong từng quyết sách, từng bước đi đúng đắn. Huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo, thành lập các tổ công tác phân công trách nhiệm cho các thành viên, thành lập các tổ công tác phụ trách từng tiêu chí huyện NTM để tổ chức thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung bằng nhiều giải pháp cụ thể, phong trào thi đua phong trào xây dựng NTM ở huyện nhà đã có sức lan tỏa, lắng sâu vào tiềm thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân từ đó huy động tối đa các nguồn lực trong dân cùng với nguồn đầu tư của nhà nước các cấp thực hiện các tiêu chí NTM.
Sau 10 năm, tổng nguồn vốn huyện đã huy động để thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới là 6.206 tỷ đồng, trong đó vốn từ cộng đồng dân cư gần 2.396 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 38,5%.
Với nguồn kinh phí này, huyện đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại nhằm phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh. Huyện đã làm mới 2.358 tuyến đường với tổng chiều dài gần 197 km; kiên cố hóa 105 tuyến kênh mương (dài 94 km), xây mới và nâng cấp 16 trạm bơm; lắp đặt thêm 161 trạm biến áp, làm mới, nâng cấp 161 km đường dây điện trung - hạ thế, đảm bảo 100% số xã có hệ thống điện đạt chuẩn, 100% số hộ được sử dụng điện; đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, hệ thống trường học các cấp; xây mới, cải tạo, nâng cấp 158 nhà văn hóa thôn, xóm, 20 sân thể thao và nhà văn hóa xã…
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện cũng quan tâm triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Để tập trung phát triển kinh tế, huyện Gia Viễn đã chủ động đưa ra những giải pháp nhằm thu hút đầu tư.
Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhờ vậy đã góp phần giải quyết việc làm cho 3.450 lao động trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, huyện Gia Viễn cũng chú trọng tới chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Từ lợi thế về nguồn nước, huyện đã đẩy mạnh các mô hình nuôi cá trên ruộng trũng, nuôi trong ao đất và bán công nghiệp. Ước tính tổng sản lượng ngành thủy sản của huyện đạt trên 5.000 tấn với giá trị gần 149 tỷ đồng.
Công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng gắn với xây dựng NTM và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa tiếp tục được huyện tập trung chỉ đạo.
Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở Gia Viễn là huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM, như: Hỗ trợ xây dựng trường tiểu học, THCS đạt chuẩn với mức hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm là 20 triệu đồng/nhà; thưởng cho các xã đạt chuẩn NTM mỗi xã 1 tỷ đồng; xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 300 triệu đồng/xã, thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu 50 triệu đồng/thôn; hỗ trợ kinh phí cho 3 mô hình chuyển đổi phát triển kinh tế (mô hình thủy sản, mô hình trồng rau nhà lưới ở xã Gia Phương, mô hình trồng hoa ở xã Gia Hòa) và một số chính sách xã hội hóa hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ người có công…
Với những bước đi phù hợp với tình hình thực tế của huyện, đến nay, huyện Gia Viễn có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định, giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 16,51%/năm; năm 2019 tăng 23,4% so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Đến năm 2019, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản còn 3,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 78%; dịch vụ chiếm 18,5%. Trên địa bàn huyện có 1 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp, đóng góp 80% giá trị sản xuất công nghiệp cho huyện và trên 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 46,7 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn đạt 45,9 triệu đồng/năm; 20/20 xã đều có mức thu nhập bình quân đạt từ 45,5 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,8%...
“Xác định quan điểm chương trình xây dựng NTM luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, không có điểm dừng, đặt sự hài lòng của người dân lên hàng đầu. Thời gian tới, Gia Viễn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện NTM, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Đặc biệt, không chạy theo thành tích, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, xây dựng huyện NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quá trình đô thị hoá.” - Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn chia sẻ.
10 năm qua, kể từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, nông thôn Gia Viễn đang mang diện mạo với sức sống mới. Sự đổi thay ở mỗi miền quê là minh chứng cho những nỗ lực, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ và nhân dân Gia Viễn trong hành trình xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh.
Tuệ Minh
Bà Rịa - Vũng Tàu: Những bước tiến vững chắc trên hành trình xây dựng nông thôn mới
TĐKT - 10 năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước tiến dài, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức đến những hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong xây dựng NTM. Nhờ đó, diện mạo nông thôn đã đổi thay mạnh mẽ. Hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn được nâng cấp, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện, nhiều nét đẹp về văn hóa - xã hội được phát huy. Diện mạo NTM Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng khởi sắc Triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Bà Rịa – Vũng Tàu rất coi trọng công tác tuyên truyền vận động người dân. Hàng năm các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng NTM thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế đời sống, sản xuất của người dân, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững”. Qua quá trình vận động, nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã thay đổi nhiều. Người dân đã hiểu rõ mình là chủ thể của Chương trình xây dựng NTM, từ đó tham gia vào xây dựng kế hoạch, giám sát, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng NTM. Cụ thể, hiện số tiền ủng hộ, hỗ trợ xây dựng NTM là hơn 553 tỷ đồng; số ngày công đóng góp hơn 78.700 ngày quy đổi thành tiền là gần 12 tỷ đồng; số diện tích đất hiến tặng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn là 1.115.600m2. Sau 10 năm thực hiện, với sự chung sức của người dân và cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn của Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng. Qua triển khai xây dựng nông thôn mới, đã có hàng trăm công trình trường mầm non, mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở và nhà thi đấu đa năng, công trình về cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn xã và nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác ở Bà Rịa – Vũng Tàu được đầu tư đạt chuẩn, từ đó đã làm thay đổi diện mạo nông thôn một cách đáng kể. Hệ thống y tế từng bước được quan tâm đầu tư, chất lượng ngày được nâng cao, môi trường nông thôn ngày càng được đảm bảo. Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả Sản xuất hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, kinh tế nông thôn cũng ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã hình thành sự liên kết giữa các hộ dân, từng bước chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, tạo ra chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cũng nhờ mô hình NTM, đến nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những mô hình gia trại, trang trại, HTX, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp và các mô hình này ngày càng phát triển. Niềm tin của người dân vào các chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền được nâng cao. Đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh có 28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 62,2%) và 1 xã đã đạt 19/19 tiêu chí. Tổng số tiêu chí của 45 xã xây dựng NTM là 757 tiêu chí, trung bình 16,8 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 9 tiêu chí. Thành phố Bà Rịa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM trên toàn tỉnh đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 36,5 triệu đồng so với trước khi xây dựng NTM. Số hộ nghèo cũng giảm nhanh, đến nay, tỉnh chỉ còn 1.652 hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, chiếm 0,6%... Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn NTM, 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% số huyện đạt chuẩn NTM, 100% các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn; phấn đấu đến cuối năm 2030, toàn tỉnh có 39 xã đạt chuẩn NTM đạt 86,6%, và 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 28,9%, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ đạt chuẩn NTM và thị xã Phú Mỹ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bức tranh NTM ở Bà Rịa Vũng Tàu đang ngày càng khởi sắc. Đời sống người dân được nâng lên về mọi mặt. Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng những kết quả đã đạt được sẽ là tiền đề để sức sống nông thôn mới ngày càng hiện hữu trên từng vùng quê Bà Rịa - Vũng Tàu. Minh PhươngTĐKT - Thời gian qua, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được triển khai sâu rộng, được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế địa phương, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao. Qua phong trào đã xuất hiện những mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công sức tham gia xây dựng nông thôn mới.
Tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp
Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày nào ông Châu Khuôl Yến (ông ba Yến), ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũng cần mẫn trồng, chăm sóc hoa cảnh ở các tuyến đường, với mong muốn cho làng quê sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng tầm xã, huyện nông thôn mới.
Với chiếc xe cút kít, cuốc, xẻng, dao... tự trang bị, hàng ngày ông ba Yến bứng từng bụi cây huyết rồng, cây điệp do ông tự ươm trồng hai bên đường Bốn Tổng - Một Ngàn, thuộc ấp Trường Hòa A, xã Trường Long A. Khi ông mới chuyển từ nơi khác về đây sinh sống cũng là lúc địa phương phát động phong trào tạo cảnh quan môi trường xây dựng nông thôn mới. Ông nhiệt tình hưởng ứng. Ông Yến cho biết: “Làm cho xóm giềng, ấp này bông đẹp, người ta đi ngang nói bông đẹp quá. Cái đó mình cũng vui. Người ta nhắc nhở, thăm hỏi, mình vui hơn đồng tiền. Ban đêm ngủ nằm chiêm bao thấy đi làm như vậy không. Chừng 2 - 3 giờ sáng nằm chiêm bao thấy đi cuốc cỏ”.
Ngày nào cũng thấy ông ba Yến (bên trái) cặm cụi chăm sóc hoa cảnh với mong muốn làng quê thêm sáng, xanh, sạch, đẹp.
Nếu như một số nơi trồng hoa cảnh ven đường tỷ lệ sống rất thấp thì cây của ông ba Yến trồng hầu như không chết cây nào. Bởi mỗi ngày ông trồng một đoạn đường. Sau khi trồng, ông thường xuyên tưới nước, làm cỏ, vun gốc, đến khi cây sống ông mới tiếp tục trồng đoạn đường tiếp theo. Có ngày tới 11 - 12 giờ trưa mà ông vẫn cặm cụi chăm sóc hoa cảnh.
Bằng cách làm này, trong hơn 1 năm, ông ba Yến đã trồng 6.000 m hoa cảnh hai bên đường. Thấy vậy, nhiều người dân địa phương trước đây thờ ơ với việc tạo cảnh quan môi trường giờ cũng hưởng ứng phụ ông một tay.
Anh Đỗ Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long A đánh giá cao việc làm của ông ba Yến: “Xã tiếp tục lấy gương điển hình của chú ba Yến để phát động rộng rãi trên địa bàn của xã. Lấy đó làm điển hình để vận động nhân dân chung tay góp sức làm cho cảnh quan môi trường của xã Trường Long A ngày càng đẹp hơn”.
Vì việc làng, “tấc vàng” cũng hiến
Là một hộ thuần nông với nguồn thu nhập thấp, tuy nhiên khi được địa phương vận động hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Nông Văn Nguyệt, thôn Tác Chiến, xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn vẫn nhiệt tình hưởng ứng.
Năm 2017, xã Hội Hoan được các tổ chức hảo tâm hỗ trợ kinh phí mở mới đường giao thông nông thôn vào xóm Pò Pì, thôn Tác Chiến, con đường này sẽ đi qua một số diện tích đất lâm nghiệp của một số hộ gia đình, trong đó có gia đình ông. Khi được chính quyền và các đoàn thể xã vận động hiến đất làm đường để người dân trong xóm đi lại thuận tiện, dễ dàng, ông đã tự nguyện hiến 3.864 m2 đất, ủng hộ tiền và tham gia ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn.
Ông Nông Văn Nguyệt.
Năm 2019, Nhà nước có chủ trương xây dựng và mở rộng đường Hội Hoan - Nam La với chiều dài trên 7km, nền đường rộng 5m nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc đi lại của người dân và vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nông sản của xã với các xã lân cận, cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Nhận thấy việc nâng cấp, mở rộng đường góp phần thuận lợi cho người dân trong xã đi lại thuận tiện, giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, mặc dù hoàn cảnh gia đình ông còn nhiều khó khăn, nhưng khi xã có chủ trương vận động người dân hiến đất, gia đình ông đã tự nguyện hiến 10.306,7 m2. Khi thấy một số hộ gia đình gây khó khăn cho bên thi công để giải phóng mặt bằng, ông đã tích cực tham gia với chính quyền, Ban Mặt trận thôn giải thích, tuyên truyền, vận động để các gia đình hiểu việc hiến đất làm đường có nhiều lợi ích cho thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Sau khi hiểu được vấn đề, tất cả các hộ dân trong thôn cùng tự nguyện tham gia hiến đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Qua hai lần, tổng cộng gia đình ông đã hiến 14.170m2 đất, tài sản (cây cối, hoa màu trên đất) trị giá 171.466.000 đồng và tham gia ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn có nhiều thay đổi, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Những con đường mới được mở ra, không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của gia đình ông Nông Văn Nguyệt trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, năm 2019 gia đình ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Trang Lê
Tân Dân phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu cuối năm 2020
TĐKT - Được TP Hải Phòng chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu giai đoạn 2020 - 2025, cán bộ và nhân dân xã Tân Dân (huyện An Lão, TP Hải Phòng) đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu, phấn đấu về đích cuối năm 2020. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Dân cho biết: Ngay khi phong trào xây dựng NTM được triển khai từ năm 2011, nắm bắt sự chỉ đạo của thành phố, của huyện, xã Tân Dân đã tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã hiểu, thấy rõ được tầm quan trọng của phong trào. Để làm tốt điều này xã, đã tiến hành thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình, đồng thời ban hành các cơ chế, nghị quyết, kế hoạch thực hiện. Nhiều phong trào thi đua sôi nổi cũng được xã phát động nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân trong việc thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí. Nhà văn hóa xã Tân Dân khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu hội họp của nhân dân Các thôn trên địa bàn xã cũng đẩy mạnh phong trào tự đóng góp tu sửa đường xá. Hiện nay 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, nhựa hóa, góp phần tạo cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp, giao thông thuận tiện, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, xã Tân Dân đã hoàn thành cơ bản 19/19 tiêu chí NTM, tạo tiền đề để xã củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu tiêu biểu của thành phố giai đoạn 2020 - 2025. Bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Tân Dân cho biết: Từ năm 2014 - 2017, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân hiến đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình xã hội khác. Căn cứ vào vai trò đặc thù của các hội, đoàn thể, chúng tôi giao nhiệm vụ cụ thể như: Hội Phụ nữ xây dựng các tuyến đường hoa kiểu mẫu; Hội Nông dân vận động nhân dân không để hoang hóa ruộng đồng, tập trung sản xuất, gieo cấy để nâng cao đời sống của nhân dân. Đặc biệt các hội, đoàn thể đã chung tay đoàn kết, xây dựng, tuyên truyền cho hội viên thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu NTM đề ra. Xã Tân Dân có 10 thôn, để thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng NTM, địa phương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thôn, căn cứ vào đặc điểm riêng để có những cách làm phù hợp. Tiêu biểu như tại thôn Kim Xuyên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thôn đã vận động được người dân tham gia tích cực vào việc xây dựng NTM. Các tuyến đường trong thôn từ chỗ hai bên chỉ dành cho rác thải, cỏ dại, nay đã được thay thế bằng nhiều loại hoa, cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Những tuyến đường nội đồng nhỏ, hẹp, lầy lội trước kia nay được thay thế bằng đường bê tông. Khuôn viên nhà văn hóa cũng được sửa chữa khang trang, đáp ứng nhu cầu hội họp của nhân dân. Bên cạnh đó, xã xác định muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM thì phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. “Là xã thuần nông, ngành nông nghiệp, thủy sản được coi là nhiệm vụ trọng tâm mũi nhọn, trong công cuộc đổi mới, xã Tân Dân đã tích cực khuyến khích người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, tăng hiệu quả sử dụng trên diện tích canh tác.” - ông Đạt cho biết. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa sang trồng rau màu, cải tạo vườn tạp, xây dựng hệ thống trang trại, gia trại hiện đại, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã chuyển đổi diện tích cấy lúa sang mô hình VAC Đến nay, xã có 7 trang trại, hàng chục gia trại chăn nuôi tập trung, mô hình VAC. Đặc biệt, tập dụng diện tích mặt nước cải tạo ao đầm, ruộng sâu trũng, cấy lúa năng xuất thấp, xã khuyến khích người dân mở rộng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, đào ao, nuôi cá. Hiện nay tổng diện tích nuôi thủy sản của địa phương là 78 ha, sản lượng đạt 450 tấn/năm. Song song với đó, xã cũng tập trung nhiều nguồn lực cho việc hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa và xã hội. Các công trình nhà ở kiên cố, cao tầng đua nhau mọc lên mang vóc dáng của một vùng quê đầy sức sống. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ngày càng được đầu tư khang trang và hiện đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Các ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp khá phát triển, số hộ nghèo liên tục giảm qua từng năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm. Tình hình chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Riêng với tiêu chí môi trường, người dân tích cực hưởng ứng, phân loại rác thải đầu nguồn, duy trì các tổ thu gom rác thải hoạt động theo đúng quy định đã đề ra. Bởi vậy, hầu hết tuyến đường trên địa bàn xã đều khang trang, sạch đẹp. Cũng theo ông Đạt, phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động tập trung sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, thực hiện tốt đề án về cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực, tiếp tục đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng như chú trọng công tác về duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường gắn với xây dựng cảnh quan môi trường, tuyến đường kiểu mẫu. Với những cách làm hay, hiệu quả, cùng sự chung sức, đồng lòng của cán bộ và nhân dân nơi đây, cùng sự quan tâm tạo điều kiện của thành phố, của huyện, tin rằng Tân Dân sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Bảo LinhTĐKT - Đến xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) hôm nay, ai cũng sẽ cảm nhận được niềm vui của đất và người tỏa ra từ phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Những con đường thênh thang, thoáng đãng đẹp mắt với những sắc màu của các loại hoa trải dài, những khu dân cư kiểu mẫu thanh bình, những làng quê đáng sống và cả những khuôn mặt rạng ngời niềm vui của mỗi người dân với bao ước mơ, khát vọng.
Yên Hòa vinh dự được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu
Ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Yên Hòa là xã thuần nông, có xuất phát điểm thấp. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã mới có 3/19 tiêu chí đạt. Nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, sau 4 năm triển khai thực hiện, đến tháng 9/2015 Yên Hòa được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Phát huy những thành tựu trong công tác xây dựng NTM, Yên Hòa đã bắt tay ngay vào công tác xây dựng NTM kiểu mẫu.
Cũng theo ông Nam, mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM kiểu mẫu là nâng cao thu nhập, cải thiện hơn nữa đời sống cho người dân trên địa bàn xã. Do vậy, nhiệm vụ được đưa lên hàng đầu chính là tập trung phát triển kinh tế.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, xã đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung diện tích chuyển đổi mô hình lúa - cá, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, vùng sản xuất chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá, vùng nuôi cá chạch sụn, chạch đồng...
Xã cũng tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất hình thành các ô thửa lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất sang các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Năm 2017, nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng xã đã trích 260 triệu đồng để hỗ trợ những hộ có mô hình chuyển đổi diện tích từ 2 ha trở lên với mức 17 triệu đồng/ha; hộ có diện tích từ 1 ha đến dưới 2 ha mức 13 triệu đồng/ha; hỗ trợ hộ có diện tích dưới 1 ha mức 11 triệu đồng/ha để khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi.” - ông Nam cho biết.
Với chính sách hỗ trợ như vậy, Yên Hòa đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm có quy mô lớn. Đến nay, toàn xã chuyển đổi được 164,3/512 ha, chiếm 32,08% diện tích đất nông nghiệp, cho giá trị thu nhập cao hơn trồng lúa từ 3 - 5 lần. Trong đó, diện tích vùng sản xuất chuyên canh rau cần, rau rút kết hợp ương nuôi cá giống khu vực Liên Trì đã mở rộng với diện tích gần 70 ha; chuyển đổi sản xuất lúa - cá với diện tích 84 ha; chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá với diện tích hơn 15 ha; mô hình nuôi chạch sụn, chạch đồng có quy mô 8 ha...
Mô hình chuối tây Thái Lan ở Yên Hòa
Để liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản, năm 2017 xã thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa. Không chỉ có nhiệm vụ thực hiện ký kết hợp đồng cung ứng giống cho bà con nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá chạch sụn với một số đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, HTX còn thực hiện chế biến các sản phẩm từ cá chạch như: Cá chạch kho, cá chạch sấy khô...
Ngoài ra, HTX tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau rút - rau cần làng Liên Trì và các sản phẩm khác.
Cùng với việc đẩy mạnh hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, xã cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều loại giống cây trồng, kỹ thuật canh tác tiên tiến đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được sử dụng rộng rãi. Hiện 100% khâu làm đất, 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
Bên cạnh việc tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất, xã Yên Hòa đã huy động mọi nguồn lực để chỉnh trang toàn bộ cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự đóng góp nguyên vật liệu, công lao động và tiền mặt của nhân dân, từ năm 2016 đến nay, xã tiếp nhận trên 800 tấn xi măng, làm mới và nâng cấp 25 tuyến đường với 3,9 km đường giao thông thôn, xóm.
Hiện toàn xã có 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa và bê tông đạt chuẩn; đường trục thôn, đường ngõ xóm cứng hóa. Hệ thống biển báo giao thông được đầu tư nâng cấp; 100% các tuyến đường khu trung tâm xã đã lát vỉa hè và lắp đặt điện chiếu sáng, hoa điện tử trang trí; tỷ lệ các trục chính khu trung tâm xã, thôn, ngõ xóm có lề đường và có đèn chiếu sáng đạt trên 78,49%. Một số thôn, xóm đã huy động được nguồn xã hội hóa lắp đặt hệ thống đèn cao áp. Xã đã vận động nhân dân cùng đóng góp ủng hộ, trồng 14 km đường cau các loại, trồng các loại cây xanh và hoa hai bên đường.
Các nhà văn hóa thôn, trung tâm vui chơi, giải trí được nâng cấp, đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Trường học thường xuyên được rà soát, sửa chữa, xây mới các phòng học, đầu tư trang thiết bị phục vụ tốt cho công tác giảng dạy.
Với những chính sách đúng đắn, cùng sự đoàn kết trên dưới một lòng của cán bộ và nhân dân nơi đây, đến nay Yên Hòa đã hoàn thành 14/14 tiêu chí NTM kiểu mẫu. Ngày 19/7 vừa qua, xã vinh dự được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, là xã thứ hai của huyện Yên Mô đạt danh hiệu này.
Bảo Linh
Phát huy vai trò của phụ nữ Yên Mô trong xây dựng nông thôn mới
TĐKT - Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã có nhiều cách làm hay và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm huy động sức mạnh của phụ nữ trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương. Mô hình “Đường hoa phụ nữ”ở Yên Mô Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Mô: Hội LHPN huyện đã xác định tham gia xây dựng NTM là trách nhiệm, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, trong quá trình thực hiện, Hội còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương xây dựng NTM chưa đầy đủ, chưa nhận thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng NTM; ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao; phát triển nông nghiệp chưa tương xứng; cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nông thôn còn khó khăn. Bởi vậy, để triển khai phong trào một cách hiệu quả, Hội LHPN huyện đã chủ động xác định nội dung ưu tiên mà Hội cần tập trung thực hiện để tham gia xây dựng NTM, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về chủ trương, chính sách, cách thức tiến hành các hoạt động; vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc tham gia xây dựng NTM ở địa phương. Từ đó, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội tăng cường tuyên truyền, vận động thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hội viên, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, viết tin bài tuyên truyền trên Đài truyền thanh, Bản tin, Trang thông tin điện tử huyện, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân. Chị em thực sự vào cuộc và trở thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng NTM. Từ năm 2015 đến nay, các gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ đã tự nguyện hiến trên 51.618 m2 đất, 30.000 ngày công lao động, hàng chục tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, xây kênh mương, làm cống, làm nhà văn hóa thôn… Tiêu biểu như: Gia đình bà Ngô Thị Hiến, xóm 4 Tịch Trân, xã Khánh Thượng đã hiến 30 m2 đất thổ cư, 25 m tường bao và bể nước; gia đình chị Vũ Thị Thuý, thôn Liên Trì, xã Yên Hòa hiến 120 m2 đất thổ ở; gia đình chị Vũ Thị Bộ, xóm Trung Thịnh, xã Yên Nhân hiến 120 m2 đất ở để làm đường giao thông nông thôn... Ngoài ra chị em còn tích cực tham gia chỉnh trang nhà cửa, đồng ruộng, làm thủy lợi nội đồng, dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội quan tâm. Hàng năm, Hội LHPN huyện đều chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát, nắm tình hình, phân loại hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trong 5 năm qua, các cấp Hội tín chấp trên 648 tỷ 354 triệu đồng, tạo điều kiện cho 10.536 hội viên phụ nữ vay vốn (trong đó có gần 6.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo). “Để đồng vốn có hiệu quả cao hàng năm, 100% cơ sở hội, 90% chi hội đã phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học cho trên 8.000 lượt hội viên phụ nữ; tín chấp hơn 500 tấn phân bón trả chậm với số tiền trên 4 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ sản xuất.”- bà Hương cho biết. Đồng thời các cấp Hội cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ hợp tổ chức 156 lớp dạy nghề đan bèo bồng, thêu ren, may xuất khẩu cho 897 lượt người. Hỗ trợ và giới thiệu cho trên 1.680 phụ nữ và con em làm việc trong các doanh nghiệp, tổ hợp với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã giúp 192 gia đình phụ nữ nghèo đứng chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện xuống còn 2,4%. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ huyện còn chỉ đạo hội cơ sở triển khai một số mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả như: Tư vấn thành lập HTX Tiên Phong, xã Yên Từ với mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối kết hợp nuôi trồng thủy sản; tư vấn thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Phú Quang, xã Yên Thái do phụ nữ quản lý với 21 thành viên tham gia với các tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tổ hợp dịch vụ đan cói và mô hình hoạt động trồng cây đông; thành lập tổ hợp tác nuôi gà thả vườn theo hướng sinh học tại xã Yên Đồng với 20 hộ gia đình hội viên phụ nữ tham gia… Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng liên kết sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm. Hội LHPN huyện cũng đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, triển khai hiệu quả một số mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm, mô hình vệ sinh môi trường thông qua thực hiện có hiệu quả Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ phát triển của tỉnh hội, Dự án cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra. Qua đó, Hội đã vận động 17.197 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh (trong đó có trên 50% hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn). Đến nay có 15/17 xã thực hiện Dự án, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% so với trước khi thực hiện dự án. Ngoài ra, hưởng ứng phong trào ngày thứ 7 xanh - sạch – đẹp , các tổ phụ nữ đã tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, tự quản vệ sinh môi trường, đoạn đường tự quản, cây xanh. Phong trào xây dựng “Đường hoa phụ nữ” được phát triển và nhân rộng với 76,2 km đường hoa với các loại như: Hoa Muồng, Hoàng Yến, Tường Vi, Chiều Tím, Hoa Sam, Cây Cau… tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Các cấp Hội cũng xây dựng 734 bể thu gom rác thải từ vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đặt tại các sứ đồng trị giá trên 200 triệu đồng; xây dựng và ra mắt 2 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại xóm Bắc Bình Hải, xã Yên Nhân và thôn Thọ Thái, xã Yên Hưng… Có thể thấy, những việc làm nhỏ, như nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình văn hóa đến gia đình “5 không, 3 sạch”, tham gia các hoạt động chung tay vì cộng đồng với việc xây dựng các quỹ, các hoạt động tình nguyện... của chị em phụ nữ đã trở thành những mắt xích quan trọng, góp phần vào việc hoàn thành phong trào xây dựng NTM của huyện Yên Mô. Bảo LinhGò Công Đông - huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới
TĐKT - Ngày 1/9, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam trao tặng Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo huyện Gò Công Đông. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, sau gần 10 năm triển khai thực hiện (2011 - 2020), 11/11 xã của huyện Gò Công Đông đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Gò Công Đông có những chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, an ninh trật tự xã hội được giữ vững ổn định. Nổi bật: Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tính đến cuối năm 2019 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 9.564 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu đạt trung bình 10,8%/năm (giai đoạn 2016 - 2019). Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 2.510 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 55,77 triệu đồng người/năm. Tính đến cuối năm 2019, số hộ nghèo trên địa bàn các xã giảm còn 1.061 hộ, chiếm 2,77%; giảm 1.567 hộ, tương đương 4,41% so vưới năm 2016. Tiêu chí giao thông của huyện đạt tỷ lệ 100% theo quy định (tăng 55,2% so với năm 2011); đường trục ấp, liên ấp đạt tỷ lệ 76,1% theo quy định (tăng 30,3% so với năm 2011); đường ngõ, xóm đạt tỷ lệ 66,3% theo quy định (tăng 41,1% so với năm 2011)… Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã trao tặng Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo huyện Gò Công Đông. Dịp này, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gò Công Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020 cùng công trình phúc lợi trị giá 5 tỷ đồng. UBND tỉnh, UBND huyện Gò Công Đông đã tặng Bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xây huyện Gò Công Đông đạt chuẩn nông thôn mới. Trang LêXã Ninh Thạnh Lợi A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019
TĐKT - Vừa qua, UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) tổ chức lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Ninh Thạnh Lợi A đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2019. Đây là xã đầu tiên của huyện Hồng Dân đạt danh hiệu này. Ninh Thạnh Lợi A vinh dự được trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao Đạt chuẩn NTM từ cuối năm 2018, phát huy kết quả đạt được, xã tiếp tục xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2019 - 2020. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, xã đã huy động nguồn lực xây dựng NTM nâng cao với tổng kinh phí đã thực hiện là trên 167 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 61%, còn lại huy động từ sự tham gia đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất. Hiện tại tất cả các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã đã được đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ đường giao thông trục ấp, liên ấp được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải đạt 100%; tỷ lệ đường giao thông ngõ xóm được cứng hóa đạt trên 80%. Cảnh quan, không gian nông thôn được xây dựng, chỉnh trang theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn theo quy định trên 90%; tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn từ các nguồn đạt 99,9%. Về cơ sở vật chất trường học, tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia đạt 100%. Toàn xã có 5/5 nhà văn hóa ấp được xây dựng cơ bản, đảm bảo các hoạt động sinh hoạt chính trị của địa phương, phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng yêu cầu phục vụ văn hóa, văn nghệ cho nhân dân. Bên cạnh đó, sản xuất không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao, chính sách xã hội thực hiện tốt, an sinh xã hội và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, thu nhập của người dân tăng cao, tất cả các ấp được công nhận ấp đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ nét. Hiện nay xã còn 8 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,34%, hộ cận nghèo 119 hộ, chiếm tỷ lệ 4,99%. Toàn xã có 5.259 lao động trong độ tuổi, trong đó có 4.838 lao động có việc làm thường xuyên. Nhân dịp này, có 8 tập thể và 44 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND, Giấy khen của UBND huyện Hồng Dân và xã Ninh Thạnh Lợi A vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM ở địa phương. Hà AnhQuảng Ninh: Sức bật từ Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP
TĐKT - Bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, là địa phương đầu tiên trên toàn quốc có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được triển khai sâu rộng trên khắp các địa phương trong toàn tỉnh đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân vùng nông thôn. Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng Tỉnh xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của các địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn. Trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan, Quảng Ninh nhận thấy đây là những chương trình phát triển kinh tế trọng tâm có thể ứng dụng và giải mã được cho các nút thắt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh. Chủ thể chính là người dân có sự hợp tác bằng các mô hình tổ chức kinh tế cộng đồng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, mô hình hợp tác xã, nhà nước làm “bà đỡ” bằng hỗ trợ chính sách, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại. Từ đó, tỉnh đã xây dựng, triển khai Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn. Sau 6 năm triển khai Chương trình, tỉnh đã thành lập được hệ thống tổ chức (Ban Chỉ đạo/Điều hành OCOP) ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố; ban hành được Bộ công cụ quản lý chương trình; thiết kế, đăng ký được nhãn hiệu sở hữu trí tuệ OCOP và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ để làm cơ sở bảo hộ cho toàn bộ sản phẩm, dịch vụ của chương trình. Tổ chức hội thi thiết kế nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp bao bì, đã có 46/300 tác phẩm dự thi đạt giải. Xây dựng và đưa vào hoạt động 29 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đặc biệt, chương trình xúc tiến thương mại OCOP được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, một số thị trường trọng điểm trong nước (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Bắc) và tại thị trường Trung Quốc thông qua các kỳ triển lãm, hội chợ thương mại. Riêng Hội chợ OCOP thường niên đã được tổ chức 2 kỳ tại TP Hạ Long vào dịp xuân và hè, giúp thiết lập thông tin thị trường hữu ích giữa hộ sản xuất và thị trường. Sau 6 năm triển khai, đến nay, đã có 169 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở hộ sản xuất với 421 sản phẩm tham gia Chương trình; trong đó có 196 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao. Quy mô, năng lực của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Các sản phẩm từng bước hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã và được người tiêu dùng đón nhận. Các sản phẩm OCOP đều nằm trong các nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia (tôm thẻ chân trắng, thủy sản chế biến); nhóm sản phẩm lợi thế địa phương (hàu Thái Bình Dương, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, dược liệu ba kích, trà hoa vàng…) và nhóm đặc sản vùng miền (miến dong, gạo nếp, gạo thảo dược, hoa quả, các món ăn ngon, lạ…). Một số sản phẩm được thị trường ngoài nước đón nhận như: Rượu mơ Yên Tử, ngọc trai Hạ Long, gốm sứ Quang Vinh… Đến nay, có gần 85% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP đã được dán tem điện tử hoặc đã có mã số, mã vạch. Việc dán tem truy suất nguồn gốc đã góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu của sản phẩm OCOP, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN cho 138/138 sản phẩm OCOP (sản phẩm đạt 3 sao trở lên) của 14 địa phương trong toàn tỉnh. Năm 2018, tổng doanh thu các sản phẩm tham gia OCOP đạt 359.041 triệu đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận đạt 38.668 triệu đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2017. Tạo công ăn việc làm cho 3.532 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các sản phẩm đều gia tăng về doanh thu, lợi nhuận. Từ hiệu quả của Chương trình, Trung ương đã chỉ đạo làm điểm và nhân rộng ra toàn quốc thành Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đây là cơ sở để Trung ương đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân vùng nông thôn, tạo sức bật mạnh mẽ cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Đông Triều, Cô Tô, Cẩm Phả), có 2 đơn vị (Uông Bí, Móng Cái) đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Đến hết năm 2019 có 90/111 xã đạt chuẩn và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước xây dựng Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020”. Nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai và có kết quả, một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với toàn quốc: Xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 81,1%; số tiêu chí bình quân đạt 18,03 tiêu chí; thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 41,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 1%; trong năm 2018 đã có 400 hộ dân trên địa bàn tỉnh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Diện mạo khu vực nông thôn có bước thay đổi rõ nét, cảnh quan môi trường ngày càng được cải thiện, khang trang, sạch đẹp hơn; đã hình thành nhiều tuyến đường trồng hoa, cây xanh, góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, điển hình như xã Việt Dân, An Sinh và Bình Khê thuộc thị xã Đông Triều; xã Quảng Minh - huyện Hải Hà; xã Hải Tiến - TP Móng Cái. Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiệp giảm từ 7,3% năm 2010 xuống còn 5,9% năm 2018; công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống còn 50,3% năm 2018; dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2010 lên 43,8% năm 2018. Tỉnh đang từng bước chuyển đổi theo hướng phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng logistics, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Cách làm đồng bộ, quyết liệt, liên tục và sáng tạo của Quảng Ninh trong xây dựng nông thôn mới luôn được Trung ương, các bộ, ngành và nhiều địa phương ghi nhận, đánh giá cao, là điển hình để các địa phương khác học tập và nhân rộng. Nguyệt HàTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- …
- sau ›
- cuối cùng »