TĐKT - Nhờ sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thành công. Đến nay bộ mặt nông thôn huyện Cam Lộ có nhiều đổi mới, khởi sắc rõ nét.
Kết quả sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn phát triển khá toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa từng bước gắn với thị trường. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng ở nông thôn (Hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, bãi xử lý rác thải, hệ thống cấp nước sạch...) được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị
Ngay từ khi triển khai chương trình, quan điểm của ban chỉ đạo đưa ra là vừa "Sâu sát, toàn điện, quyết liệt, hiệu quả", xây dựng "Huyện nông thôn mới" với tinh thần chung "Không chạy theo hình thức, không huy động quá sức dân", "lấy thu nhập nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân" là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong chỉ đạo. Đồng thời tập trung chỉ đạo các nội dung hết sức cụ thể "Gắn việc xây dựng xã NTM song song với thực hiện các tiêu chí NTM cấp huyện theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ".
Thực hiện Chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn, người dân hiến đất, hiến cây mở rộng lòng, lề đường, đóng góp tiền, ngày công để làm các tuyến đường trục thôn, trục, ngõ xóm với tổng chiều dài các tuyến 264,8 km (160,1km là đường trục thôn, 104,7 đường ngõ xóm). Đến nay đã bê tông hóa, nhựa hóa 136,8/160,1km đường trục thôn đạt 85,5% và cứng hóa 100% các tuyến đường ngõ, các tuyến đường trục chính, đường nội đồng tông hóa, cứng hóa 161,0/179,5 km đạt 89,7%. Đường trục xã kết nối với trung tâm các xã và trung tâm huyện nhựa hóa 124,8km/124,8 km đạt 100%. Hệ thống giao thông của huyện chủ yếu là đường bộ, UBND huyện đã huy động lồng nghép nhiều nguồn vốn đầu tư, lập kế hoạch, lộ trình, bố trí, các nguồn vốn hợp lý đến nay nhựa hóa là 140,2/140,2km, đạt 100%; có 23 cầu L ≥ 4,0m, cống các loại được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch.
Xác định hệ thống thủy lợi phục vụ đảm bảo tưới, tiêu là điều kiện tiên quyết, quyết định đến năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, UBND huyện huy động lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước các cấp, kêu gọi hỗ trợ từ các dự án, tổ chức phi chính phủ và vốn xã hội hóa... Đến nay, đã đầu tư sữa chữa, nâng cấp 45 hồ, đập nhỏ, 10 trạm bơm; xây dựng mới 10 hồ, đập và 2 trạm bơm, đảm bảo tưới cho 100% diện tích lúa và 50% rau đậu các loại. UBND huyện đã phân cấp, phân quyền quản lý, nhằm khai thác, vận hành đảm bảo phát huy hiệu quả các công trình sau đầu tư.
Các công trình hệ thống điện trung thế liên xã đầu tư trên địa bàn huyện theo Quy hoạch ngành điện chung của tỉnh được phê duyệt Quy hoạch tại Quyết định số 4965/QĐ-BCT ngày 27/2/2018 của Bộ Công thương về phê duyệt phát triển điện lực Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2025, tính đến 2035. Tính đến nay, số hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ nguồn lưới điện quốc gia đạt tỷ lệ 100% (14.599 hộ/14.599 hộ, doanh nghiệp, tăng 1.781 hộ, doanh nghiệp so với 2011); sản lượng điện tính đến 15/11/2019 là 37.274.422 kwh.
UBND huyện tăng cường, tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế về chuyên môn nghiệp vụ và y đức. Các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được triển khai bảo đảm đúng quy định. Có 7/7 xã và 1 thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT 41.885 người (87,7%). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi bình quân các xã, thị trấn giảm còn 6,29%. Trung tâm y tế huyện xếp hạng III theo Quyết định số 2796/QĐ-UBND ngày 16/10/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị xếp hạng đối với các đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Sở Y tế; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, của UBND tỉnh.
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, việc phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người nông dân được Huyện ủy, UBND huyện xác định là trục xoay, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Cụ thể, đã đạt được một số kết quả quan trọng như Nghị quyết, đề án “Phát triển cây cao su” ;“Thí điểm và phục hồi vườn tiêu”; “Nâng cao hiệu quả vùng lạc”; “Cải tạo và phát triển chăn nuôi bò”; “Phát triển lâm nghiệp bền vững”; “Nâng cao hiệu quả sản xuất một số sản phẩm có thế mạnh của địa phương”, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đạt trên 90%...
Huyện Cam Lộ với nhiều sản phẩm phong phú
Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với chế biến, huyện đã nỗ lực kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết chế biến tiêu thụ một số nông sản chủ lực, quan tâm khuyến khích hỗ trợ công nhận làng nghề truyền thống, xây dựng làng nghề mới góp phần cơ bản tiêu thụ một số nông sản sản xuất trên địa bàn. Huyện Cam Lộ có 2 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận là "Làng bún Cẩm Thạch ở xã Cam An" và "Làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn xã Cam Nghĩa", làng nghề sản xuất các sản phẩm mang tính chất đặc trưng của địa phương, giải quyết một số việc làm cho người lao động nông thôn.
Huyện có vị trí giao thông thuận lợi là điều kiện để thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng với nhiều loại hình, ngành hàng kinh doanh khác nhau, không chỉ tập trung ở khu vực thị trấn huyện lỵ, chợ Cùa, Ngã Tư Sòng còn vươn đến các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, góp phần lưu thông, tiêu thụ nông sản phẩm. Huyện đã quy hoạch và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhiều giải pháp tích cực thu hút các nhà đầu tư vào 3 cụm công nghiệp (Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Tuyền ). Đến nay, đã thu hút được 33 dự án, trong đó có 20 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương.
Ngoài ra, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cung cấp nguồn nước sinh hoạt ở địa bàn nông thôn đảm bảo các tiêu chuẩn là tất yếu và cấp thiết hiện nay của các cấp chính quyền. Năm 2019, huyện có 98,6% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch 72,6%; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; 100% số xã đạt tiêu chí đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh – sạch – đẹp.
Phong trào chỉnh trang nông thôn đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp được người dân hưởng ứng tích cực, đến nay toàn huyện đã trồng được 58,5 km đường hoa.
Có được kết quả như hiện nay chính là nhờ sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị trên chặng đường 9 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (2011 - 2020). Ghi nhận những thành tích trong công tác xây dựng nông thôn mới của nhân dân và cán bộ huyện Cam Lộ, ngày 16/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Hồng Thiết