TĐKT - Trong một vài năm gần đây, cây tam thất đã trở thành một sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, có nhu cầu sử dụng cao. Đây là một loại cây dược liệu quý hiếm đồng thời là cây có giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương phù hợp với việc trồng cây tam thất, chị Vũ Thị Nhung, thôn Sảng Mản Thẩn, xã Mản Thẩn là người đầu tiên đầu tư phát triển mô hình này tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
Chị Vũ Thị Nhung thường xuyên theo dõi, chăm sóc cây hàng ngày
Vào năm 2014, gia đình chị Vũ Thị Nhung đầu tư trồng vườn tam thất đầu tiên với tổng diện tích 0,3 ha, tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm chọn đất, kỹ thuật trồng, cách xử lý đất, tạo luống cho tới việc làm mái che, khâu chăm sóc chưa đúng cách nên sản lượng không cao.
Sau khi thu hoạch vườn trồng năm 2014, chị tiếp tục học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc tam thất qua mạng internet, sách báo và trực tiếp tại các vùng trồng tam thất khác. Đặc biệt, chị còn học hỏi kinh nghiệm ươm giống tam thất để chủ động nguồn giống phục vụ gia đình cũng như cung cấp giống cho nông dân khác.
Chị cho biết: Để cây tam thất phát triển tốt, cần tạo hệ thống thổ nhưỡng như làm luống cao nhằm tránh úng nước; lợp mái che bằng lưới đen (lưới Đài Loan) hoặc bằng lá thông gai; che phủ mặt luống bằng lá cây tế hoặc lá cây thông dầu để giữ ẩm cho đất nhằm hạn chế sự phát triển của cây cỏ dại. Ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc cây hàng ngày để nhổ cỏ, nhặt bỏ những cây thối, lá rụng, không làm ảnh hưởng đến cây khác.
Sau khi rút kinh nghiệm từ vườn trước, đến tháng 12/2018, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng lại mô hình trồng cây tam thất với tổng diện tích là 0,7 ha, trong đó, có 0,3 ha là vườn ươm cây giống, 0,4 ha là vườn trồng củ khai thác lấy nụ, củ và thân. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên cây sinh trưởng và phát triển khá tốt. Chị mạnh dạn làm hồ sơ tham gia Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp của huyện, tỉnh và được chọn là 1 trong 3 ý tưởng xuất sắc nhất lọt vào vòng thi cấp Trung ương.
Ngoài trồng cây tam thất, năm 2015, gia đình chị đã đầu tư trồng và chăm sóc 200 gốc mận Tả Van, hiện nay đã cho thu hoạch; từ năm 2017 đến nay, trồng trên 700 gốc lê Tai Nung; năm 2018 xây dựng thêm 1 mô hình chăn nuôi gà Mông địa phương (gà lông trắng thịt đen và gà lông màu) theo hướng trang trại.
Năm 2019, tổng số tiền gia đình chị thu về từ các mô hình là 309.260.000 đồng. Trong đó, thu từ nụ, lá và cây giống tam thất là 211.945.000 đồng; thu từ cây ăn quả, trang trại gà, lợn là 97.315.000 đồng.
Mong muốn tạo thêm công ăn việc làm cho chị em phụ nữ ở trong thôn, sẵn có kinh nghiệm nên tháng 12/2019, chị đã mở rộng diện tích trồng mới 0,4 ha tam thất với phương châm “vừa sản xuất giống, vừa trồng củ” để đảm bảo nhu cầu của khách hàng.
Mô hình đã tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trong thôn, xã
Mô hình trồng cây tam thất của gia đình chị đã tạo công ăn việc làm cho các chị em phụ nữ trong thôn, xã trên 900 ngày công, với tiền thuê nhân công là 170.000 đồng/ngày, chi phí thuê nhân công trên 150 triệu đồng.
Với những thành quả ban đầu của mô hình trồng cây tam thất, đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm về cách làm của gia đình chị. Chỉ riêng trong năm 2019 đã có hơn 30 đoàn lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố, các cơ quan ban, ngành thuộc tỉnh Lào Cai; đoàn tham quan của tỉnh Điện Biên, Quảng Ninh... các đoàn phóng viên đưa tin và các cá nhân đến tham quan, học hỏi tại vườn tam thất.
Để nâng cao giá trị các cây dược liệu sẵn có của địa phương, chị và các thành viên trong hợp tác xã Mản Thẩn do chị quản lý đã bàn bạc và thống nhất mua máy móc về sản xuất, chế biến các loại cây dược liệu thành các sản phẩm dễ sử dụng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, hợp tác xã đã xây dựng và thiết kế xong bộ mẫu mã bao bì đóng gói cho các sản phẩm từ cây tam thất Si Ma Cai như trà túi lọc tam thất, bột tam thất… Trà tam thất đã được chọn là 1 trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lào Cai năm 2020.
Theo chị, để tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương, huyện cần có phương thức hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ về vốn, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng… Huyện cần đăng ký thương hiệu đối với cây tam thất Si Ma Cai để làm cơ sở quáng bá, giới thiệu các sản phẩm này đến với người tiêu dùng trong nước; tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh về cây tam thất để phát triển sản xuất quy mô lớn, nhằm thu hút các doanh nghiệp vào thu mua và đầu tư liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tam thất.
Chị tin tưởng rằng việc quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm sẽ là hướng thoát nghèo bền vững cho người nông dân ở nơi vùng cao còn nhiều gian khó này.
Phương Thanh