TĐKT - Ngày 3/12, tại Yên Bái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng chủ trì Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Cùng dự, có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và 47 tỉnh, thành phố có xã, thôn, bản ấp đặc biệt khó khăn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại những địa phương vùng đặc biệt khó khăn bao gồm các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay, có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Có 315/2.430 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK thuộc Chương trình 135, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM (đạt 13%). Ngoài ra, có 15/108 xã (13,9%) thuộc 4 đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM... Ước tính đến hết năm 2020 có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM.
Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước), trong đó, cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%.
Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất quy mô tập trung. Đặc biệt 100% các địa phương đã ban hành Đề án triển khai Chương trình OCOP cấp tỉnh. Trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã chuẩn hóa khoảng 1.061 sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước).
Kết quả trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giai đoạn 2016 - 2020 là 1,55%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm, các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân khoảng 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 tăng khoảng 1,6 lần.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó đề xuất một số giải pháp cơ bản thúc đẩy xây dựng NTM hiệu quả, bền vững ở các vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc triển khai xây dựng NTM tại các xã đặc biệt khó khăn phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương...; tiếp tục tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng tới các cấp chính quyền và người dân phương châm xây dựng NTM là của dân, do dân, người dân hưởng lợi, dân làm, nhà nước hỗ trợ, tránh tâm lý ỷ lại vào ngân sách Trung ương, đồng thời người dân cũng cần nâng cao sự tự chủ để cuộc sống khá giả hơn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là vai trò lãnh đạo của người đứng đầu. Việc xây dựng nông thôn mới tại khu vực đặc biệt khó khăn phải gắn với đẩy mạnh đầu tư phát triển vùng. Cùng với đó, các địa phương cần tập trung rà soát lại các quy hoạch; các quy hoạch này phải kết nối với các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là quy hoạch giao thông, thủy lợi, công nghiệp...
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch đánh giá các khu vực dễ sạt lở đất, khu vực nguy hiểm làm cơ sở để quy hoạch phân bố lại dân cư ở khu vực đặc biệt khó khăn, di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Các địa phương cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế của mỗi vùng và tại mỗi địa bàn huyện, xã. Cấu trúc kinh tế của thôn, xã không tách rời với của toàn tỉnh. Đặc biệt tạo môi trường để thu hút các nhà đầu tư vào khu vực đặc biệt khó khăn, trong đó tập trung 3 yếu tố: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp; hạ tầng và nhân lực…
Trang Lê