Đồng Tháp có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
20/05/2025 - 20:13

BTĐKT - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang vừa ra quyết định công nhận 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Với kết quả này, Đồng Tháp đang tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, thay đổi diện mạo tại các vùng quê và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo đó, 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 gồm: xã Bình Thạnh, xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười), xã Định Yên (huyện Lấp Vò), xã An Nhơn và xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành).

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giao UBND các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, Châu Thành và các xã trên tổ chức công bố đúng quy định, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm. Đồng thời, có kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, các xã phải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm, có ít nhất 1 mô hình làng thông minh.

Ngoài ra, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cần đạt đủ các tiêu chí của 1 trong 5 nhóm tiêu chí sau: Sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa và du lịch, cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và chuyển đổi số…

img

Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP trên cánh đồng thông minh tại huyện Tháp Mười

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Đồng Tháp, đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 10/12 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ).

Tại Đồng Tháp, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống, thu hút được người dân và cộng đồng tham gia vào xây dựng nông thôn mới, nhất là những vấn đề thiết thực, tác động trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt ở nông thôn. Phong trào đã được tuyên truyền, triển khai quán triệt đến toàn hệ thống chính trị với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc; thực hiện có trọng tâm, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Địa phương đã duy trì và phát triển nhiều mô hình hay, hiệu quả như “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu”, mô hình “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, mô hình “Biến chất thải nhựa thành tiền”, mô hình “Tổ phụ nữ thân thiện với môi trường - Đi chợ bằng giỏ xách hạn chế sử dụng túi ni-lon”, mô hình “Dòng sông không rác”... đã góp phần xây dựng nông thôn là nơi yên bình, văn minh, kinh tế ổn định và là nơi đáng sống,... Kết quả lớn nhất từ những mô hình này mang lại chính là sự khơi dậy tinh thần cộng đồng, tự lực, chăm chỉ, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác làm ăn của mỗi người dân nông thôn. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, từ chỗ còn thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân Đồng Tháp đã nhận thức rõ việc xây dựng nông thôn mới là công việc của chính mình, cùng với sự đồng hành của các ngành, các cấp.

Phương Thanh