TĐKT – Tối 8/12, tại Hà Nội, vở kịch tâm lý “Sau lưng là cả bầu trời” của đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, tác giả Lê Thu Hạnh, nhạc sĩ Giáng Son, biên đạo múa Kiều Lê, do các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn, chính thức ra mắt khán giả.
Vở kịch kể về câu chuyện của một gia đình có bốn người phụ nữ thuộc ba thế hệ: bà ngoại Tuyền, người mẹ Cầm và hai cô con gái là Miêu và Hoài. Họ sống gần như khép kín trong căn nhà nhỏ với khung cửa sổ luôn luôn đóng kín không biết từ bao giờ.
Một cảnh trong vở kịch
Những câu hỏi hồn nhiên và thẳng thắn của hai nhân vật Hoài và Miên như để thỏa mãn cái quyền được biết, được hiểu sự thật của cái đang, đã và sẽ xảy ra liên quan đến cuộc sống quanh mình. Từ những câu hỏi đó đã hé lộ sự thật. Những sự thật phũ phàng cùng những quyết định táo bạo, bất ngờ của tuổi trẻ trong vở kịch cho ta nhận ra ngay những vấn đề của thời đại, liên quan đến lòng tin, đạo đức, tình yêu và sự thù hận, vấn đề giữa thế hệ già và trẻ, quá khứ và tương lai, đặc biệt là sự cô đơn ngay giữa những người thân.
Vở diễn là một trải nghiệm sâu sắc, mở ra cho mỗi người những quan niệm mới về cuộc sống. Ai cũng có gánh nặng của quá khứ. Đừng để nó đánh cắp cuộc đời của mình bởi bầu trời bao giờ cũng cao rộng, khoáng đạt và tự do.
Vở kịch được dàn dựng độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố nghệ thuật như biểu diễn, hình ảnh, âm nhạc, ánh sáng, hình thể rất hiện đại. Đặc biệt, là nghệ thuật xử lý trang trí với một thiết kế sân khấu tối giản, mang tính ước lệ cao.
Những hình ảnh ô cửa sổ, góc phố, con đường Hà Nội, những khoảnh khắc ký ức nhân vật… tất cả cùng hòa vào giai điệu nhẹ nhàng của nhạc sĩ Giáng Son qua ca khúc chủ đạo “Em vẫn mơ về” đã mang đến cho khán giả một trải nghiệm mới về thể loại kịch tâm lý.
Mai Thảo
Văn hóa - Thể thao
Tiếp nhận tài liệu, hiện vật của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức
TĐKT - Ngày 4/12, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu, hiện vật của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân (GS, NGND) Hà Minh Đức. Buổi lễ là dịp tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của GS, NGND Hà Minh Đức trong sự nghiệp nghiên cứu văn học, trong lĩnh vực báo chí, công tác đào tạo, giảng dạy và quản lý. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu, hiện vật từ GS, NGND Hà Minh Đức Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu nghiên cứu, sưu tầm tư liệu của Giáo sư Hà Minh Đức từ năm 2009. Qua hơn 10 buổi làm việc với hàng nghìn phút ghi âm, ông đã chia sẻ về cuộc đời hoạt động khoa học không ngừng nghỉ của mình. Đặc biệt, ông đã dành tặng cho Trung tâm một sưu tập cá nhân đồ sộ với gần 10.000 tài liệu hiện vật, đa dạng về loại hình, trong đó có hơn 4000 bản ghi chép, bản thảo nghiên cứu về các tác gia văn học, góp phần phản ánh sự nghiệp nghiên cứu của GS Hà Minh Đức. Đó là một quá trình kéo dài đến mấy chục năm sưu tầm tư liệu, gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn hay nhà nghiên cứu và ghi chép những vấn đề văn học mà ông quan tâm. Tất cả được GS Hà Minh Đức đưa thành các vấn đề cụ thể, theo thời gian. Một số tài liệu, hiện vật của GS, NGND Hà Minh Đức được trao tặng cho Trung tâm GS, NGND Hà Minh Đức sinh năm 1935 trong một gia đình khá giả tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm năm 1957 và trở thành cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Tổng hợp mới thành lập. Tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, giảng viên Hà Minh Đức đã đảm nhiệm nhiều trọng trách: Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ văn (1987 - 1988), Chủ nhiệm khoa Báo chí (1990 - 2000). Năm 1995, ông được giao thêm nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học (1995 - 2003). Suốt cuộc đời, thầy giáo Hà Minh Đức miệt mài, tâm huyết với hai công việc giảng dạy và nghiên cứu. Ông được phong học hàm Giáo sư Văn học năm 1991, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2000. Với sức viết dẻo dai, sức lao động bền bỉ và sáng tạo ở nhiều thể loại: chuyên luận, nghiên cứu, lý luận phê bình về văn chương và báo chí, bút ký văn học…, dấu ấn Hà Minh Đức thể hiện rõ qua khối lượng “đồ sộ” các tác phẩm: Nhà văn và tác phẩm (1971); Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại (1974); C. Mác, Ph. Ănghen, V. I. Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ (1982); Thời gian và trang sách (1987); Nam Cao - Đời văn và tác phẩm (1997); Nguyễn Bính - thi sĩ của đồng quê (1994); Tô Hoài - sức sáng tạo của một đời văn (2010); Tế Hanh - Mãi mãi hoa niên (2012)… Đặc biệt, cụm công trình “Văn học Việt Nam hiện đại và lý luận văn học” đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001), cũng như cụm công trình “Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam” (2012), cùng nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý khác, đã khẳng định đóng góp quan trọng của Giáo sư Hà Minh Đức trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật của nước nhà. Phương Thanh - Mai Thảo