Điển hình tiên tiến

Tôn vinh các doanh nghiệp, công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

BTĐKT - Ngày 20/12, Bộ Công thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức Lễ trao giải “Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - công trình xây dựng năm 2024, Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024”. Ban Tổ chức trao cúp Người dẫn đầu cho 12 doanh nghiệp đạt giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024 Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045 đã nêu rõ: “Tiết kiệm năng lượng (TKNL) phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội”. Chuyển đổi xanh thông qua sử dụng hiệu quả năng lượng là giải pháp quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019  - 2030 (VNEEP3) ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030. Góp phần thực hiện mục tiêu nêu trên, Bộ Công thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức các giải thưởng: Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - công trình xây dựng và Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất. Các giải thưởng được tổ chức thường niên. Các giải thưởng được tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, những công trình xây dựng tiêu biểu trong việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm có tính năng kỹ thuật vượt trội, hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp các giải thưởng được phát động. Nhiều giải pháp hiệu quả, có tính nhân rộng đã được phát hiện, truyền thông rộng rãi nhằm phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua các giải thưởng doanh nghiệp khẳng định uy tín thương hiệu, nâng cao cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cuộc đua đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng theo xu hướng tiêu dùng xanh và thông minh hơn. Các giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024 đã tiếp cận được hơn 800 đơn vị trên toàn quốc. Ban tổ chức cũng nhận được tổng số 279 bộ hồ sơ tranh giải. Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: “Từ sự chủ động, tích cực tham gia các giải thưởng của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp đối với vấn đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước yêu cầu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững”. Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024 có 12 doanh nghiệp được trao cúp Người dẫn đầu. Danh sách 145 sản phẩm Hiệu suất năng lượng cao nhất được Bộ Công Thương chứng nhận được đăng tải tại địa chỉ https://tietkiemnangluong.com.vn/top-runner giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin. 19 công trình trong đó 8 giải công trình mới, 11 giải công trình cải tạo được lựa chọn trao giải Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng năm 2024. 11 doanh nghiệp công nghiệp được lựa chọn trao giải Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2024. Giải thưởng cũng vinh danh 16 cá nhân là các cán bộ quản lý năng lượng có thành tích xuất sắc và tốt trong công tác quản lý năng lượng tại doanh nghiệp. Phương Thanh

Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đi đầu trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”

BTĐKT - Được thành lập từ năm 2019 đến nay, mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, đã giúp cuộc sống của các thành viên cao tuổi có nhiều thay đổi, tinh thần lạc quan, vui vẻ hơn. Qua mô hình, các thành viên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; tham gia vào những hoạt động bổ ích cho chính bản thân để sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.   Hội nghị Tổng kết hoạt động Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau Đạo lý và văn hóa của người Việt là kính già, yêu trẻ. Điều này được đúc kết trong câu ngạn ngữ truyền đời: “Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho”. Trong mỗi gia đình, người già là ông bà, là cha mẹ của mỗi chúng ta. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng họ là điểm tựa tinh thần của con cháu, là trung tâm của sự đoàn kết trong mỗi gia đình, dòng tộc. Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1336/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 với mục tiêu phát huy hiệu quả, tiếp tục nhân rộng mô hình, huy động sự tham gia của Hội Người cao tuổi, các cấp, các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi. Trên tinh thần tự nguyện, năm 2019, Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã ra đời, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, trở thành điểm tựa vững chắc đối với người cao tuổi tại địa phương. Nhiều năm qua, vào những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ định kỳ ngày 1 hàng tháng, tại Nhà văn hóa xã Châu Bình luôn sôi nổi phong trào tập thể dục dưỡng sinh, múa dân vũ của các thành viên. Nhiều hội viên cho biết, từ ngày được tập luyện và giao lưu với nhau, đời sống tinh thần, sức khỏe được nâng lên rất nhiều. Ngoài cùng nhau rèn luyện sức khỏe, được giao lưu văn hóa, văn nghệ, các thành viên còn tích cực tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống,... Trong công tác chăm sóc sức khỏe, hàng tháng, các tổ tình nguyện viên của Câu lạc bộ đều tiến hành đo cân nặng, huyết áp, thử đường huyết… cho các thành viên. Đặc biệt, đối với các hộ gia đình người cao tuổi gặp khó khăn trong việc đi lại, người cao tuổi neo đơn, bệnh tật… các tổ tình nguyện viên không ngại mưa nắng, gian khó, vẫn đến từng nhà để chăm sóc các cụ, bởi với họ, đó là niềm vui và hạnh phúc.   Cùng với công việc khám, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các thành viên câu lạc bộ còn tổ chức thăm bệnh, tặng quà, tổ chức sinh nhật cho người cao tuổi tại địa phương, giúp các cụ có thêm động lực, sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Ngoài ra, Câu lạc bộ còn đóng vai trò tích cực trong công tác vận động, quyên góp hỗ trợ tiền, quà cho gia đình chính sách trong những dịp lễ, Tết hay các sự kiện quan trọng của địa phương và tỉnh tổ chức.   Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ và mừng sinh nhật các hội viên Với tinh thần “Thi đua Đồng Khởi mới” phát triển sôi nổi trên các lĩnh vực đời sống xã hội, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ còn là những thành viên tích cực, đi đầu trong công tác xóa nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế cho các hội viên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... Nhờ đó, nhiều hộ gia đình người cao tuổi vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần ngày nâng cao; tạo được lòng tin cho tất cả các thành viên trong câu lạc bộ, tạo nền móng vững chắc để lan tỏa và tập hợp hội viên xây dựng câu lạc bộ ngày càng vững mạnh về chất lượng và số lượng. Ngày nay, về xã nông thôn mới nâng cao Châu Bình, những con đường thênh thang rộng mở, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Để có được thành quả đó, sự đóng góp về công sức của người cao tuổi là không nhỏ, bởi họ có đủ kinh nghiệm, uy tín, bản lĩnh để tập hợp người thân, gia đình cùng chung tay xây dựng quê hương qua công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục con cháu sống gương mẫu và có ích cho đời… Có thể nói, Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau xã Châu Bình là một trong những mô hình hoạt động có hiệu quả, cần được phát huy và nhân rộng. Với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, đóng góp tích cực cho địa phương, Câu lạc bộ được cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng ủng hộ, ghi nhận vì tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, trong năm 2024, Câu lạc bộ vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tặng Bằng khen với thành tích “là điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua Đồng Khởi mới”.            Xuân Phúc

Sáng tạo từ chính những công việc hàng ngày

BTĐKT - Đó là phương châm làm việc của anh Trần Lưu Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu trực thuộc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Anh Trần Lưu Phương (áo trắng) cùng anh em nghiên cứu, cải tiến máy móc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty Tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải, gắn bó với Cảng Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu đến nay đã hơn 25 năm, từ anh nhân viên - kỹ sư, anh Phương đã trải qua rất nhiều vị trí trong công ty để bây giờ tuy đã trở thành nhà quản lý nhưng tình yêu với kỹ thuật, máy móc, thiết bị của anh vẫn vẹn nguyên như thời trai trẻ. Yêu nghề, gắn bó cả sự nghiệp với Cảng Hải Phòng, với máy móc, thiết bị, luôn cháy trong mình nhiệt huyết đổi mới sáng tạo, liên tục nhiều năm qua, dù ở bất kỳ cương vị nào, kỹ sư Trần Lưu Phương luôn cùng với đồng nghiệp nghiên cứu, cho ra đời nhiều sáng kiến, giải pháp có giá trị kinh tế cao, đảm bảo kỹ thuật, an toàn lao động. Các sáng kiến, giải pháp của anh đã được áp dụng thành công vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả khai thác máy móc, thiết bị của đơn vị. Niềm đam mê sáng tạo của anh Phương dường như được chắp cánh khi Tổng Giám đốc và Ban Thường vụ Công đoàn Cảng Hải Phòng phát động Chương trình "1 triệu sáng kiến sáng tạo vượt khó" gắn với thực hành keizen (cải tiến liên tục). Với vai trò là Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, anh Trần Lưu Phương đã phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đến từng đoàn viên, người lao động trong đơn vị. Anh cùng các đồng nghiệp tập trung nghiên cứu, tìm tòi, cho ra đời 3 sáng kiến, giải pháp với tổng giá trị làm lợi hơn 3 tỷ đồng, trong đó sáng kiến “Ký cam kết thỏa thuận về điều kiện nhận hàng đi thẳng giữa chủ hàng với chủ tàu và cảng để làm cơ sở xây dựng kế hoạch và thực hiện giải phóng tàu nhanh" đã mang lại giá trị làm lợi ước tính khoảng 2,6 tỷ đồng (tính đến hết 6 tháng đầu năm 2022), đạt giải đặc biệt Cuộc thi: “Ngày hội 100 sáng kiến, ý tưởng, cải tiến kaizen ” do Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng tổ chức. Anh Phương cho biết: “Sáng kiến được ra đời trên cơ sở phương châm của Cảng Hải Phòng nói riêng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nói chung là “Lấy khách hàng làm trung tâm”, theo đó mọi hoạt động, thay đổi của tổ chức đều phải xoay quanh khách hàng, hướng tới mục tiêu làm hài lòng khách hàng. Với mong muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự hài lòng của khách hàng nhất là đảm bảo quyền lợi cân bằng của cả chủ tàu/đại lý cũng như của chủ hàng, tôi đã đưa ra ý tưởng và triển khai việc ký cam kết thỏa thuận về điều kiện nhận hàng đi thẳng giữa chủ hàng với chủ tàu và cảng để làm cơ sở xây dựng kế hoạch và thực hiện giải phóng tàu nhanh”. Kể từ khi triển khai việc ký cam kết, năng suất xếp dỡ, tốc độ giải phóng tàu tại Cảng Hoàng Diệu đã được cải thiện rõ rệt. Cảng nhận được nhiều phản hồi tốt từ chủ tàu/ đại lý trong việc góp phần giảm chi phí ngày tàu cho chủ tàu, đồng thời hạn chế rủi ro (giao nhầm, giao thiếu...) trong quy trình giao nhận hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của chủ hàng về chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của Cảng Hoàng Diệu trong khối cảng biển khu vực. Bên cạnh đó, việc triển khai ký cam kết cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan (chủ hàng, chủ tàu, đại lý) trong quá trình khai thác tàu. Cùng với đó, sản lượng hàng hạ kho/bãi đã tăng lên đáng kể. Trước đây, sản lượng hàng hóa hạ bãi chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng toàn tàu, tuy nhiên theo kết quả thống kê, kể từ thời điểm thực hiện ký cam kết đến nay, sản lượng hàng hạ kho/bãi tăng lên khoảng 55%. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng doanh thu đầu trong và lưu kho bãi, đồng thời đảm bảo thu nhập đồng đều cho tất cả các lực lượng trong dây chuyền sản xuất, từ công nhân bốc xếp, lái đế, giao nhận đầu ngoài, kho hàng, công nhân cơ giới. Với nhiệt huyết mong muốn được cống hiến cho doanh nghiệp, tinh thần chủ động tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và lòng yêu nghề, hầu như năm nào anh Trần Lưu Phương cũng cho ra đời sáng kiến về kinh doanh, giải pháp về kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn quản trị điều hành và sản xuất, được nhận nhiều hình thức khen thưởng cao quý như: Năm 2021, 2022 được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở của Cảng Hải Phòng; đạt giải Đặc biệt Cuộc thi "Ngày hội 100 sáng kiến kaizen" của Cảng Hải Phòng; liên tục trong 3 năm (2021, 2022, 2023) được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; năm 2022 anh được tặng Bằng khen của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Đặc biệt, anh Trần Lưu Phương vinh dự là một trong hai cá nhân thuộc Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thành tích xuất sắc trong Chương trình "1 triệu sáng kiến sáng tạo vượt khó, chiến thắng đại dịch Covid - 19". Việt Thương    

Tổ xây dựng cầu đường thiện nguyện chung tay vì cộng đồng

BTĐKT - Được thành lập từ năm 2010 đến nay, Tổ xây dựng cầu đường thiện nguyện khu vực Tân Quới, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã quyên góp hàng chục tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách… Với những đóng góp cho cộng đồng, mới đây, Tổ đã được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Khánh thành cầu Sáu Nghe, khu vực Tân Lợi 1 Tổ xây dựng cầu đường thiện nguyện khu vực Tân Quới được thành lập tự phát từ năm 2010 với khoảng hơn 10 thành viên. Đến tháng 11 năm 2015, Tổ được địa phương công nhận và quản lý (theo quyết định số 99/QĐ-UBND, ngày 19/11/2015 của Ủy ban nhân dân phường Tân Hưng). Tổ xây dựng cầu đường có 21 thành viên là những người dân tiêu biểu thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện trên địa bàn phường, gồm 1 tổ trưởng, 2 tổ phó, 1 thư ký và 17 thành viên. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có chung tấm lòng thiện nguyện, mong muốn góp sức mình cho xã hội, quê hương. Đặc biệt, khi được địa phương liên hệ, các thành viên của Tổ đều tích cực tham gia hiến ngày công lao động và cùng vận động kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ bà con nhân dân trong và ngoài địa bàn. Ngoài ra, họ đã vận động người thân, nhân dân sửa chữa, xây mới các tuyến đường hư hỏng, các cây cầu xuống cấp không an toàn. Hoạt động của tổ mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng và phát triển quê hương. Xây dựng cầu Xéo Nhành, khu vực Tân Lợi 1 giáp ranh Thuận Hưng Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đánh giá: Từ tháng 1/2023 đến tháng 5/2024, Tổ xây dựng cầu, đường thiện nguyện khu vực Tân Quới đã đạt được những thành tích nổi bật trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước đây, Tổ chủ yếu làm thiện nguyện với suy nghĩ lá lành đùm lá rách, thương yêu, đùm bọc bà con khó khăn như người thân thuộc. Đến khi được sự quản lý của Đảng ủy và UBND phường Tân Hưng, được tuyên truyền, hướng dẫn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổ đã nhận thức được rằng, học theo Bác và làm theo Bác về những đức tính tốt đẹp, về lòng nhân ái… là một việc làm rất cần thiết và quan trọng đối với mỗi người. Từ đó, Tổ càng hăng say hơn, nỗ lực hơn và phát triển nhiều hơn những việc làm thiện nguyện. Các thành viên của Tổ xây dựng cầu, đường thiện nguyện khu vực Tân Quới, phường Tân Hưng cùng với gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống trong sáng, lành mạnh, giản dị, luôn chung tay cùng với địa phương trong công tác an sinh xã hội, như: Xây dựng cầu, đường, dặm vá lộ, xây nhà từ thiện, cấp hòm miễn phí, xe chuyển bệnh miễn phí, lắp đặt đèn chiếu sáng công cộng… Một hoạt động ý nghĩa khác mà Tổ xây dựng cầu, đường thiện nguyện khu vực Tân Quới thực hiện trong nhiều năm qua là hỗ trợ cất nhà “Đại đoàn kết” và nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trong và ngoài địa bàn phường. Xây dựng cầu Bảy Tiềm, khu vực Tân Quới Ông Nguyễn Hùng Em, Tổ phó Tổ xây dựng cầu, đường thiện nguyện khu vực Tân Quới cho biết: Khi tiếp nhận đơn xin hỗ trợ của các hộ dân, Tổ họp thành viên và lên phương án xây dựng, phân công thành viên tham gia xây dựng, vận động kinh phí, hoàn thiện công trình theo kế hoạch đề ra. Trong quá trình thi công, Tổ luôn cố gắng đảm bảo chất lượng công trình, chủng loại vật tư, theo mẫu thiết kế xây dựng nhà “Đại đoàn kết” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ đã được phê duyệt. Kết quả, thời gian qua, Tổ xây dựng cầu, đường thiện nguyện khu vực Tân Quới, phường Tân Hưng đã xây dựng được hàng chục chiếc cầu và đường nông thôn với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh việc xây dựng các công trình cầu, đường trên địa bàn, Tổ còn thường xuyên phối hợp ra quân phát hoang, dọn dẹp cây cối, bụi rậm trên trục đường chính của các khu vực, tạo sự thông thoáng, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông cho bà con. Ông Nguyễn Hùng Em, Tổ phó Tổ xây dựng cầu, đường thiện nguyện khu vực Tân Quới cho biết: Trong thời gian tới, Tổ sẽ tiếp tục nỗ lực trong công tác huy động lực lượng và kinh phí tham gia xây dựng cầu, đường giao thông, nhà ở cho các hộ khó khăn về nhà ở trong và ngoài địa phương, góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Xuân Phúc

Chủ tịch nước trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Viện Hàng không Vũ trụ Viettel

Sáng 9/12, tại Hà Nội, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chủ tịch nước Lương Cường gắn huy hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lên cờ truyền thống của Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Ảnh: VPCTN Chủ tịch nước Lương Cường đã tới dự và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel vì đã có các thành tích đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm vũ khí chiến lược công nghệ cao cho Quân đội, đất nước. Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, thủ trưởng một số đơn vị Bộ Quốc phòng.   Chủ tịch nước Lương Cường duyệt đội danh dự. Ảnh: VPCTN Chủ tịch nước Lương Cường với các đại biểu. Ảnh: VPCTN Hình thành từ năm 2014, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel có nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí chiến lược công nghệ cao do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao. Trong vòng 10 năm, Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Viện đã có nhiều sáng kiến, giải pháp đột phá giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tối đa rủi ro, đồng thời sản xuất, nâng cấp và cải tiến nhiều chủng loại vũ khí, trang, thiết bị thành phần, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về kỹ thuật, chiến lược sử dụng cho các mục tiêu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong nhiều tình huống khác nhau. Không chỉ nổi bật trong nghiên cứu và chế tạo, lĩnh vực hàng không vũ trụ, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Viettel nói chung đã thu hút nhiều kỹ sư, chuyên gia cao cấp người Việt đang công tác tại các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về Việt Nam làm việc. Trong giai đoạn 2016 - 2023, đơn vị có 2 năm được tặng danh hiệu Cờ thi đua Chính phủ, 5 năm được tặng danh hiệu Cờ thi đua Bộ Quốc phòng, 1 năm được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Đến nay, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel đã nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 8 Bằng khen Bộ Quốc phòng, 3 Bằng khen Tổng cục Chính trị. Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu. Ảnh: VPCTN Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ vui mừng được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Chủ tịch nước nhấn mạnh những thành tựu của Viện không chỉ là niềm tự hào của Quốc gia mà còn hiện thực hóa khát vọng từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam luôn mong mỏi có đủ sức mạnh, tự chủ để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vì nền hòa bình vĩnh viễn, sự trường tồn của dân tộc. Kết quả mà Viện đạt được cũng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự phối hợp tích cực, chặt chẽ, chủ động, có hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đặc biệt là sự tự chủ, tự lực, tự cường, quyết tâm và đột phá trong cách nghĩ, cách làm, cách triển khai của các thế hệ lãnh đạo, chuyên gia và kỹ sư của Tập đoàn Viettel, trực tiếp là sự cống hiến thầm lặng của mỗi cán bộ, kỹ sư, người lao động Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Chủ tịch nước Lương Cường trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Ảnh: VPCTN Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước chúc mừng tập thể cán bộ, kỹ sư và người lao động của Viện Hàng không Vũ trụ Viettel và Tập đoàn; mong đơn vị sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo để có nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Chủ tịch nước cũng biểu dương tinh thần trách nhiệm cao, sự phối hợp có hiệu quả, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là lãnh đạo Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ và cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đồng thời ghi nhận sự nỗ lực và tinh thần quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo Tập đoàn Viettel, sự lao động, hy sinh thầm lặng của toàn thể cán bộ, nhân viên thuộc Tập đoàn và Viện Hàng không vũ trụ Viettel. Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: VPCTN Nhấn mạnh, thành tựu và vinh dự ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, trong bối cảnh tình hình chính trị và an ninh toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, tự chủ lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết, Chủ tịch nước đề nghị đơn vị làm chủ, phát triển công nghệ hiện đại. Cùng với đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghiệp quốc phòng; tiếp tục đầu tư vào các tổ hợp nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ và khép kín; xây dựng các trung tâm kiểm định, đánh giá chất lượng thiết bị quốc phòng, để hỗ trợ tốt hơn cho các dự án nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Chủ tịch nước lưu ý cần chủ động đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách của Nhà nước bảo đảm sự đồng bộ từ nghiên cứu, sản xuất đến ứng dụng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sáng chế quốc phòng. Chủ tịch nước Lương Cường tặng quà lưu niệm cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Ảnh: VPCTN Chủ tịch nước yêu cầu phải tiếp tục coi trọng, tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vừa giỏi chuyên môn vừa vững vàng về tư tưởng chính trị. Đồng thời, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cán bộ, chuyên gia, kỹ sư và gia đình; tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo, thu hút nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Nhìn lại chặng đường 10 năm qua của Viện Hàng không Vũ trụ Viettel, Chủ tịch nước khẳng định ta có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được, song phía trước cũng là một chặng đường còn rất dài, với nhiều khó khăn, thách thức và vinh quang đang chờ đón. Không có con đường nào dễ dàng, nhưng mỗi bước đi vững chắc sẽ dẫn đến thành công với những thành tựu có giá trị lâu dài. Chủ tịch nước Lương Cường với các đại biểu. Ảnh: VPCTN Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, ý chí kiên cường, Tập đoàn Viettel và Viện Hàng không Vũ trụ Viettel sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, luôn luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước. Theo vpctn.gov.vn

Làm giàu từ chăn nuôi ngựa bạch

BTĐKT - Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hiện có 33 sản phẩm OCOP, trong đó 32 sản phẩm đạt 3 sao, duy nhất có 1 sản phẩm 4 sao là cao ngựa bạch xã Dương Thành. Để có được kết quả ấy có vai trò lớn của “người thuyền trưởng” Dương Xuân Trường, Phó Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm. Vừa qua, anh vinh dự là một trong 9 nông dân tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình “Tôn vinh nông dân Thái Nguyên xuất sắc lần thứ I” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Anh Trường (thứ ba từ trái sang) được tôn vinh là Nông dân Thái Nguyên xuất sắc lần thứ I năm 2024 Gia đình anh Trường bắt đầu chăn nuôi ngựa từ những năm 1980, khi đó chủ yếu là nuôi ngựa đỏ và đen. Đến năm 1993, gia đình anh mới biết đến ngựa bạch và chính thức chăn nuôi ngựa bạch. Với mong muốn khẳng định thương hiệu và uy tín của sản phẩm trên thị trường, năm 2011, anh Trường đã thành lập Hợp tác xã ngựa bạch xóm Phẩm với 24 thành viên. Đến nay, số thành viên của hợp tác xã đã tăng lên 54 người. Có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi ngựa, anh Trường nắm rõ từng kinh nghiệm nhận biết và lựa chọn để được ngựa bạch chuẩn và khỏe mạnh nhất. Theo anh, khi lựa chọn con giống, nên chọn ngựa từ 4 tháng tuổi trở lên, trọng lượng đạt khoảng 120 kg hơi. Như vậy sẽ đảm bảo việc sinh trưởng và phát triển tốt nhất của ngựa. Chăn nuôi ngựa bạch tương đối dễ. Tuy nhiên, ngựa dễ bị ho khi chuyển vùng, thay đổi môi trường sống đột ngột. Do đó, cần tiêm phòng, chống nhiễm khuẩn thì ngựa sẽ không bị bệnh. Để mua được một con bạch mã ưng ý thì lái ngựa phải rong ruổi khắp các vùng non cao núi thẳm. Bản thân anh Trường cũng đã từng lang thang khắp các chợ ngựa ở Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai rồi sang tận Trung Quốc, Mông Cổ… để tìm và gom ngựa. Nguồn thức ăn chính của ngựa bạch là cỏ. Trung bình mỗi ngày, một con ngựa bạch trưởng thành sẽ ăn khoảng 30 kg cỏ tươi. Ngoài ra, anh Trường còn bổ sung thêm một số thức ăn tinh bột như cám ngô, thóc để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho ngựa phát triển. Hiện nay, hợp tác xã Ngựa bạch xóm Phẩm chủ yếu chế biến một số mặt hàng thương phẩm từ ngựa như thịt ngựa, cao ngựa, phổi ngựa bạch ngâm mật ong, giò ngựa bạch… Ngoài ra, hợp tác xã còn cung cấp con giống cho bà con trong vùng cũng như bà con ở một số tỉnh lân cận. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã ngựa bạch xóm Phẩm cung ứng khoảng 200 con giống và 500 con ngựa thương phẩm ra thị trường. Ngoài sản phẩm cao đóng bánh, hiện nay hợp tác xã đang thuê gia công qua nhà máy để chế biến cao thành dạng viên nang nhằm đáp ứng sự tiện lợi cho người sử dụng. Các sản phẩm chế biến của hợp tác xã đều đã có tem nhãn và mã vạch để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng an toàn cho người tiêu dùng. Với việc chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về lợi nhuận khoảng 1,7 tỷ đồng. Sản phẩm cao ngựa bạch của hợp tác xã liên tiếp 3 năm liền 2018, 2019, 2020 được tôn vinh là sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở trong nước mà còn mở rộng ra thị trường nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với chăn nuôi ngựa bạch, với diện tích đất tự nhiên rộng, từ năm 2019, anh Trường đầu tư thêm chăn nuôi gà đẻ với quy mô chăn nuôi 18.000 con, sản lượng trứng đạt 4,05 triệu quả/năm. Hệ thống chuồng trại được xây dựng khép kín hiện đại, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Khu chăn nuôi gà đẻ lấy trứng thương phẩm được gia đình anh xây ở một khu riêng biệt và được xây dựng khép kín kiểu nhà lạnh để chống nóng và thông gió, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, đã tạo môi trường sản xuất luôn sạch sẽ. Mô hình chăn nuôi gà đẻ cho thu nhập 500 triệu đồng/năm. Ông Dương Văn Toàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dương Thành, cho biết: Làng Phẩm hiện có khoảng 400 hộ dân sinh sống. Trong đó, những hộ làm nghề chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ ngựa bạch có thu nhập cao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của xã. Đặc biệt, gia đình anh Trường là hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế và thực hiện các phong trào thi đua của địa phương. Với kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, anh Trường thường xuyên hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho từ 30 - 35 người có nhu cầu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn và giúp đỡ các hộ khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn xã về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi ngựa. Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch cho các hộ chăn nuôi ngựa như qua chương trình truyền hình “Sao thần nông” của VTC16, các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức. Ngoài ra, gia đình anh đã tạo điều kiện cung cấp con giống, hỗ trợ đầu ra sản phẩm, cho vay không lãi với tổng số tiền là 260 triệu đồng giúp cho 6 hộ gia đình trong xóm phát triển kinh tế; tạo thêm việc làm thường xuyên có mức thu nhập ổn định 5 - 7 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm cho 10 - 15 lao động làm theo mùa vụ với mức tiền công là 4 - 5 triệu đồng/tháng. Anh và gia đình đã tự nguyện đóng góp 35 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn trong xóm, công đức 42 triệu đồng để tu sửa di tích nghè Mét, chùa Đậu trên địa bàn; ủng hộ 5 triệu đồng/năm với các phong trào văn hóa, thể dục thể thao của xóm, xã... Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội, anh Trường đã được các cấp ghi nhận và khen thưởng. Tiêu biểu như năm 2017, anh được nhận bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; năm 2022, anh được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022; năm 2024, anh là một trong 9 nông dân của tỉnh được được tôn vinh là nông dân xuất sắc, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và đạt nhiều kết quả nổi bật trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hàng năm, anh còn nhận được nhiều giấy khen của UBND huyện Phú Bình, Hội Nông dân tỉnh, huyện… Hồng Quân

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ giàu lòng nhân ái

BTĐKT - Với tấm lòng nhân ái và sự nhiệt tình, nhiều năm qua, chị Lê Thị Thu Thủy (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã có tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần sẻ chia khó khăn với những người kém may mắn trong xã hội. Chị là tấm gương sáng, điển hình tiêu biểu trong việc tuyên truyền, vận động gia đình và người dân thực hiện tốt phong trào đăng ký hiến mô, hiến tạng. Chị Lê Thị Thu Thủy (ngoài cùng bên trái) cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp trao tặng quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2023 Từ nhỏ chị Thủy luôn mong ước được làm các hoạt động vì cộng đồng, được làm công việc gắn với nghề y để có thể giúp đỡ được nhiều người. Khi trở thành Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp, chị Thủy cùng với tập thể Hội đã khẳng định vai trò là “cánh tay nối dài” trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời kém may mắn, yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Theo thời gian, những việc làm nhân đạo của Hội ngày càng được nhân lên, nhiều chương trình của Hội ngày càng được nhiều người biết đến và kết nối các nhà hảo tâm tham gia như: “Tết Nhân ái”, “Tháng Nhân đạo”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Triệu bước chân nhân ái”… Qua đó, đã nhân lên niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho biết bao cảnh đời khó khăn. Trong 10 năm qua (2014 - 2024), phong trào “Tết vì người nghèo - Nạn nhân chất độc da cam” (từ năm 2023 được gọi là “Tết Nhân ái”) do các cấp Hội tổ chức đã vận động, tiếp nhận và trao tặng 12.753 suất quà, trị giá 4,7 tỷ đồng. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ các địa chỉ nhân đạo, trị giá trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, chị Thủy luôn kiên trì, bền bỉ, tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt phong trào hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến mô, hiến tạng. Trong 10 năm qua, Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp đã vận động được 6.321 tình nguyện viên tham gia, hiến 5.179 đơn vị máu (tương đương 1.295 lít máu) cung cấp cho các bệnh viện điều trị, cấp cứu bệnh nhân. Công tác vận động người dân đăng ký và hiến mô tạng là lĩnh vực mới và rất khó đối với Hội Chữ thập đỏ thành phố. Chị Thủy đã chủ động phối hợp chặt chẽ với phòng chuyên môn của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Mắt Trung ương và các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng. Chị Thủy cho biết, chị dựa vào hai yếu tố, một mặt là khoa học, một mặt là tâm lý của con người để tác động đến nhận thức của người dân. Vì người ta vẫn tin rằng nếu còn bộ phận sống nghĩa là vẫn còn sống, nên chị thường động viên các gia đình người thân “cho đi là còn mãi”. Nhờ đó, đến nay, thành phố Tam Điệp là điểm sáng trong công tác vận động hiến mô, tạng của tỉnh Ninh Bình. Từ năm 2018 đến nay, chị cùng các cán bộ Hội đã vận động được 55 người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời, đã vận động được 1 trường hợp hiến tạng, 3 người hiến giác mạc. Đặc biệt, chị đã vận động gia đình đăng ký hiến mô tạng của em trai để nối dài sự sống cho 4 người mắc bệnh hiểm nghèo và mang lại ánh sáng cho 2 người mù; vận động bố đẻ và người thân hiến tặng giác mạc cho 4 người mù. Chia sẻ về phương châm sống và làm việc của bản thân, chị Thủy cho biết mọi hành động, việc làm đều xuất phát mong muốn duy nhất: “Tôi chỉ sống trên thế giới này có một lần. Vì vậy, nếu tôi có thể làm bất cứ điều tốt đẹp nào hay thể hiện lòng nhân ái của mình với bất kỳ ai, tôi sẽ thực hiện ngay, không chậm trễ”. Với tấm lòng nhân ái và những nghĩa cử cao đẹp, chị Lê Thị Thu Thủy đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Hội Chữ thập đỏ thành phố Ninh Bình năm nào cũng được khen thưởng, từ năm 2020 đến nay, tập thể Hội đã 4 lần được biểu dương và 1 lần được nhận Giấy khen của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Điệp về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Minh Phương  

“Kỹ sư nông dân” với nhiều sáng kiến hữu ích

BTĐKT - Dù chưa được học qua trường lớp về kỹ thuật cơ khí, nhưng qua quá trình mày mò, nghiên cứu, ông Vũ Văn Dung, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, đã sáng chế hàng loạt nông cụ hữu ích như: Máy cắt cỏ, máy cấy, máy làm gạch... giúp nông dân tăng năng suất lao động, tiết kiệm sức người. Sinh ra, lớn lên trong gia đình thuần nông, không có điều kiện học qua trường lớp đào tạo về kỹ thuật, để theo đuổi niềm đam mê, ông xin vào học nghề tại xưởng sửa chữa xe máy. Vốn thông minh lại ham học hỏi, chỉ sau một năm, ông Dung đã thạo việc và mở xưởng sửa chữa xe máy Tiến Dung. Thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân nên ông Dung luôn suy nghĩ làm sao để sáng chế ra những chiếc máy phục vụ nông nghiệp, cải tiến cách trồng trọt cũ, giúp giảm sức lao động, mà vẫn tăng năng suất cho người dân. Ông kể lại: “Năm 2005, tình cờ tôi đi ra ngoài đồng ruộng thấy người nông dân lội dưới bùn lầy để vác, kéo… từng bó lúa lên bờ mà thương. Tôi về nhà mới suy nghĩ phải làm gì đó giúp nông dân tăng năng suất lao động, tiết kiệm sức người trong khi thu hoạch lúa. Nghĩ là làm, tôi sử dụng động cơ của xe máy cũ chế thành máy kéo lúa. Khi đem ra đồng thực nghiệm, máy kéo lúa hiệu quả hơn ngoài sức mong đợi, bà con phấn khởi, tôi cũng thấy vui theo". Từ lần làm ra chiếc máy kéo lúa, ông Dung tiếp tục mày mò, sáng chế ra nhiều loại máy khác từ động cơ xe máy cũ như: Máy phát điện, máy bơm nước, máy tời… sau này là chiếc máy cày đa chức năng. Các nông cụ ông chế tạo luôn được người dân tin tưởng sử dụng bởi máy dùng ít nhiên liệu, giá thành rẻ, tính thuận tiện cao, phụ tùng thay thế luôn có sẵn. Ông Dung "kỹ sư chân đất" sáng chế, chế tạo ra chiếc máy nào là có người đặt mua hết. Có những chiếc máy chưa xong tay đã có người đến đặt hàng bởi, máy ông làm ra có nhiều chức như: cày, bừa, phay, tời, bơm nước. Từ động cơ của những chiếc xe máy hỏng, ông Dung đã chế tạo ra hàng loạt loại máy nông nghiệp tiện dụng, giá rẻ Sáng chế tâm đắc nhất của ông Dung là chế tạo chiếc máy cấy, với nhiều ưu việt: Không chỉ giảm công sức mỗi vụ cấy mà hàng lúa còn đều, đẹp, lúa phát triển tốt, dễ chăm sóc, khi thu hoạch sẽ cho năng suất cao. Trước đó, ông Dung còn được người dân trong vùng biết đến với sáng chế độc đáo là chiếc máy "2 trong 1" vừa kéo vừa bơm nước. Chiếc máy này của ông được nhiều người biết đến và rất đông người mua về sử dụng. Đến nay, ông Dung đã xuất xưởng hơn 1.000 chiếc, có thời điểm một ngày ông bán cả chục cái máy với giá 3 triệu đồng/chiếc. Trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII, sản phẩm máy cấy không động cơ của ông Dung đã đạt giải thưởng. Đây là sự động viên để ông hoàn thiện hơn nữa chiếc máy của mình, ngày càng có những sáng chế tốt phục vụ bà con nông dân. Chiếc máy cày đa chức năng của ông Dung không chỉ được nhiều người thán phục, mà còn đoạt giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài Đất Việt Nam 2017. Với sáng chế "máy cấy không động cơ", lão nông Vũ Văn Dung đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen vì đã góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Ông Dung còn được tôn vinh là 1 trong 17 nông dân có sáng chế, sáng kiến, cải tiến về công nghệ, kỹ thuật, máy móc,… tiêu thụ sản phẩm thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mang lại hiệu quả cao hơn so với trước đó. Gian hàng sửa xe máy nhỏ của ông Dung năm nào giờ đây đã phát triển thành xưởng cơ khí rộng 100m2 chuyên chế tạo máy móc nông nghiệp. Từ đây, hàng trăm nông cụ được bán ra mỗi năm, không chỉ phục vụ bà con trong xã, trong tỉnh mà còn xuất đi nhiều địa phương khác trên cả nước. Chia sẻ về dự định thời gian tới, ông Dung cho biết sẽ nghiên cứu để áp dụng công nghệ 4.0 vào máy móc, góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động cho bà con. Bình Nguyên        

Hòa Thượng Thích Thọ Lạc - tấm gương “sáng đạo trong đời”

BTĐKT - Thực hiện phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Siêng năng việc đạo nhưng không xao nhãng việc đời”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phật giáo huyện Kim Sơn, Trụ trì Tổ đình Kim Liên, chùa Đồng Đắc, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, luôn tích cực tham gia công tác xã hội và hoạt động nhân đạo, từ thiện. Trên cương vị Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam, song song với việc trùng tu, xây dựng, phát triển các ngôi chùa trụ trì để trở thành trung tâm sinh hoạt Phật giáo của nhân dân trong vùng và phật tử cả nước, Hòa thượng Thích Thọ Lạc dành nhiều tâm huyết triển khai bốn đề án: Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc và Di sản theo sự giao phó của Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam. Hòa thượng Thích Thọ Lạc đã không quản ngại khó khăn, từng bước triển khai các đề án một cách bài bản. Ðến nay, đề án Pháp phục và Ngôn ngữ đã đạt được những kết quả hết sức viên mãn, được Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam đánh giá cao, được Chư tôn đức, Hội đồng Chứng minh Ban Trị sự GHPG Việt Nam các tỉnh, thành phố ủng hộ, đồng hành. Hơn 40 năm tu hành, Hòa thượng Thích Thọ Lạc luôn tâm niệm “Siêng năng việc đạo nhưng không xao nhãng việc đời”, một người tu hành tốt là phải biết gắn việc đạo với việc đời, mọi việc làm cho đạo phải đồng thời giúp ích cho đời. Tấm lòng từ bi, nhân ái, bao dung, độ lượng và luôn mong muốn hướng con người đến điều thiện và những giá trị tốt đẹp, giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan trên tinh thần "Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật". Các bài thuyết pháp về đạo Phật của Hòa thượng đều dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người dân địa phương và Phật tử xa gần cùng hiểu đúng về đạo lý làm người và đạo pháp nhà Phật. Hòa Thượng Thích Thọ Lạc tích cực tham gia công tác xã hội và hoạt động nhân đạo Thực hiện theo phương châm “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, nêu cao tinh thần “Hộ quốc an dân”, “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc tích cực vận động giới tăng ni và phật tử thực hiện lối sống “Tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội. Đối với bản thân, Hòa thượng nêu cao tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ tăng ni an tâm tu học và làm Phật sự, tuyên truyền cho tăng ni biết được ý thức trách nhiệm của mình khi hành đạo phải thực hiện theo đúng nội quy và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó phải ý thức được bổn phận mình là con dân nước Việt, phải chấp hành tốt những quy định của pháp luật, luôn nêu cao tinh thần “Hộ quốc an dân” đồng hành cùng dân tộc, làm tốt việc đạo, đẹp việc đời. “Lấy đức phục người”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc đã gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của xã hội và công tác Phật sự, không chỉ truyền giảng Phật pháp cho các lớp tăng ni kế cận mà còn tâm huyết với những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn nơi mình sinh sống và tu hành. Hòa thượng đã tích cực vận động các mạnh thường quân, đồng bào phật tử ủng hộ, trao tặng các phần quà cho đối tượng nghèo nhân dịp các ngày lễ lớn, tết cổ truyền của dân tộc, vận đ​ộng các y, bác sĩ tổ chức các đoàn khám bệnh và phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cùng với MTTQ các cấp trong huyện và tôn giáo bạn, xây dựng những ngôi nhà “Ấm tình đoàn kết lương giáo”, tặng xe đạp, học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó. Với tinh thần đoàn kết thi đua yêu nước, thời gian qua, Hòa thượng Thích Thọ Lạc cùng nhiều vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào phật tử trong huyện đã tích cực tham gia công tác xã hội và hoạt động nhân đạo, từ thiện do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động. Hòa thượng đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hưởng ứng mô hình “Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”. Phát huy tinh thần “Phụng đạo yêu nước”, với tình cảm “Tương thân tương ái” chung tay cùng xã hội làm công tác nhân đạo, từ năm 2021 đến nay, Hòa thượng Thích Thọ Lạc cùng Ban Trị sự và tăng ni phật tử huyện Kim Sơn đã làm tốt công tác từ thiện nhân đạo với số tiền trên 6 tỷ đồng, xây dựng trên 20 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tổ chức các chương trình tiếp sức mùa thi, khám bệnh, phát thuốc, tặng quà dịp Tết Trung thu; giúp đỡ các bệnh nhân bị ung thư; tặng quà cho các gia đình chính sách; phát cháo và cơm từ thiện tại bệnh viện huyện, tặng học bổng khuyến học và giúp đỡ nạn nhân vụ nổ tại xã Văn Hải. Với tâm thiện và những việc làm có ích cho xã hội, trong nhiều năm qua, Hòa thượng Thích Thọ Lạc là tấm gương sáng “tốt đời, đẹp đạo”, đã được trao tặng nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Kim Sơn và Ủy ban MTTQ các cấp về công tác từ thiện nhân đạo và đi đầu gương mẫu trong đoàn kết các tôn giáo, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. Du Nhiên      

Thầy giáo của những học sinh giỏi

BTĐKT - Đam mê với sự nghiệp “trồng người” và kiên trì “truyền lửa” kiến thức cho học sinh, thầy giáo Nguyễn Đình Thế (Bí thư Chi bộ Lý - Hóa, Tổ trưởng tổ Hóa, trường THPT Chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) luôn khích lệ các em học tập, sáng tạo, đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực và quốc gia... Thầy Thế đã tạo ra những tiết học đầy hứng thú, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”, thầy giáo Nguyễn Đình Thế luôn phát huy trách nhiệm nêu gương, tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp trồng người, là tấm gương sáng để các em học sinh học tập, noi theo. Trong những năm qua, thầy luôn đạt thành tích cao trong giáo dục đại trà cũng như công tác đào tạo học sinh giỏi. “Tôi đến với nghề giáo bằng niềm đam mê từ nhỏ. Chính vì vậy, khi thực hiện được đam mê này, tôi luôn kiên định với con đường đã chọn, không ngừng lao động, không ngừng cống hiến. Tôi luôn tâm niệm rằng mỗi học sinh đều là một bông hoa cần được chăm sóc và vun trồng để tỏa sáng”, thầy Thế chia sẻ. Trong suốt hành trình dạy học của mình, thầy Thế luôn trăn trở, tìm tòi các phương pháp mới để có những bài giảng hay, lôi cuốn học sinh. Thầy tìm cách đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt sử dụng các phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh để tăng cường tính tích cực, chủ động của học sinh; chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho các em. Khắc phục những khó khăn về đồ dùng trực quan, thầy tự tay làm những đồ dùng đơn giản, cố gắng sưu tầm tranh ảnh để nâng cao hiệu quả cho bài học. Với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, thầy Thế đã tạo ra những tiết học đầy hứng thú, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả. Nhờ vậy, học sinh do thầy giảng dạy luôn đạt kết quả cao trong học tập. Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy, thầy đã tăng cường tự học, tự nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm; đồng thời tích cực học tập đồng nghiệp, dự giờ thăm lớp, tham gia các phong trào hội giảng, hội học của trường. Thầy thường xuyên rút kinh nghiệm cho từng giờ dạy, bài soạn để không ngừng hoàn thiện bài giảng; tham gia tích cực và có chất lượng vào các buổi sinh hoạt của tổ, nhóm chuyên môn. Ngoài ra, thầy tích cực tham gia các phong trào thi đua do trường, do ngành Giáo dục và Đào tạo phát động, hướng tới xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trên cương vị Tổ trưởng tổ Hóa, thầy đã có những tham mưu thiết thực về chuyên môn giúp bộ môn Hóa học của nhà trường đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Hàng năm, thầy đều có sáng kiến được hội đồng thẩm định cấp trường và cấp tỉnh đánh giá đạt và có hiệu quả trong công tác chuyên môn của đơn vị. Tiêu biểu là các sáng kiến: “Tổng kết lý thuyết và xây dựng hệ thống bài tập về phản ứng đóng vòng Đinxơ - Ander, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế”; “Tổng hợp dược phẩm, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế”; “ Xây dựng hệ thống bài tập chuyển vị trong hóa Hữu cơ - Bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế”; “Tổng kết lý thuyết và xây dựng một số bài tập tổng hợp hóa dược - Bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế”; “Tổng kết lý thuyết các phương pháp phổ (MS, IR, NMR) và xây dựng hệ thống bài tập bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế”; “Tổng kết lý thuyết và xây dựng một số bài tập tổng hợp hóa dược, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế”. Có nhiều giải pháp của thầy đã được áp dụng rộng rãi trong việc dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, được Hội đồng khoa học ngành Giáo dục công nhận và xếp loại Đạt 5 năm liền (từ năm 2020 - 2024); có 1 sáng kiến năm 2024 được Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chứng nhận có hiệu quả áp dụng trong giảng dạy bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia - quốc tế. Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, thầy Thế cũng là giáo viên trực tiếp giảng dạy và dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa. Với kinh nghiệm, uy tín và sự nhiệt tình, tận tuỵ trong giảng dạy, thầy đã truyền ngọn lửa đam mê môn học đến các học sinh trong đội tuyển. 5 năm qua, thầy đã đào tạo được 41 học sinh giỏi cấp quốc gia (6 giải nhì; 16 giải ba; 19 khuyến khích; có 3 học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển dự thi Olympic hóa học quốc tế); 50 học sinh giỏi cấp tỉnh (5 giải nhất; 10 giải nhì; 22 giải ba; 13 giải khuyến khích) và hàng chục học sinh đoạt giải học sinh giỏi khu vực Duyên hải Bắc bộ và trại hè Hùng Vương. Tâm huyết, tận tụy với nghề, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác; có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, thầy Nguyễn Đình Thế được đồng nghiệp tín nhiệm, phụ huynh và học sinh tin yêu, nhân dân kính trọng. Phương Thanh        

Trang