Điển hình tiên tiến

TP Hải Phòng biểu dương 132 em học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu năm 2023

BTĐKT - Ngày 18/11, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo), UBND thành phố Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu năm 2023. Tới dự lễ biểu dương, có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Đào Khánh Hà, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy; Đào Trọng Đức, Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy; Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; cùng các đồng chí lãnh đạo các vụ, cục, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành, địa phương. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cùng Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Tường Lâm khen thưởng các em học sinh, sinh viên xuất sắc Với chủ đề: “Học sinh, sinh viên Hải Phòng - Tiên phong, hội nhập, phát triển”, năm nay là năm thứ 19 Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu được thành phố tổ chức với mục tiêu động viên, khuyến khích các em học sinh, sinh viên tiếp tục thi đua học tập và rèn luyện tốt hơn; góp phần đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài trong toàn thành phố; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đối với công tác giáo dục, đào tạo nhân tài cho thành phố và đất nước. Năm 2023, thành phố biểu dương, tôn vinh 132 học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu, trong đó có 63 học sinh đoạt giải quốc tế, quốc gia các môn văn hoá (Kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lựa chọn và cử đi); đoạt giải Nhất, giải Nhì, giải Ba trong các Kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa, Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2022 - 2023; đoạt giải Ba trở lên trong các cuộc thi: Chung kết Đường lên đỉnh Olympia (do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức) năm 2023 và Viết thư quốc tế UPU năm 2023; 23 học sinh Hải Phòng tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 đạt điểm cao và đỗ vào đại học, trường đại học, học viện trong hoặc ngoài nước; 46 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa loại giỏi trở lên các trường đại học trên địa bàn thành phố và sinh viên là người Hải Phòng tốt nghiệp thủ khoa loại giỏi trở lên các đại học, trường đại học, học viện trên toàn quốc. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân phát biểu tại Lễ biểu dương Phát biểu tại lễ biểu dương, thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân chúc mừng và biểu dương ngành Giáo dục và Đào tạo, cùng các thầy cô giáo đã có nhiều cố gắng trong công tác bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố; đồng thời ghi nhận Đoàn Thanh niên thành phố đã tích cực tham gia và có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Phó Chủ tịch Thường trực cũng gửi lời cảm ơn các bậc phụ huynh đã chăm lo, động viên các em học sinh, sinh viên có thêm nghị lực, quyết tâm vươn lên đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện. Phó Chủ tịch Thường trực nêu rõ, năm học 2022 - 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố vẫn giữ vững vị trí tốp đầu các tỉnh, thành phố về công tác đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia. Cùng với chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được nâng cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước về điểm trung bình các bài thi, đạt 6,85 điểm, có 1 học sinh đạt thủ khoa toàn quốc khối D01; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,38%; tỷ lệ học sinh đỗ đại học đạt 62%. Sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố và sinh viên là người Hải Phòng tại các trường đại học, học viện trong cả nước tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao, có nhiều sinh viên là thủ khoa, á khoa... Đó là những thành tích rất đáng tự hào, khẳng định truyền thống hiếu học, học giỏi của người Hải Phòng, đồng thời cho thấy công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đang được đầu tư bài bản, đúng hướng, có sức lan tỏa rộng khắp trong học sinh, sinh viên thành phố. Nhắn nhủ đến các em học sinh, sinh viên tại lễ biểu dương, Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh, kết quả ngày hôm nay các em đạt được mới là chỉ điểm khởi đầu một hành trình phấn đấu lập thân, lập nghiệp. Để khẳng định mình, các em phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, học tập, nghiên cứu; đi đầu trong tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới để trở thành những nhân tố tích cực, góp phần vào sự phát triển phồn vinh của thành phố và đất nước. Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp hãy cùng với thành phố có sự đãi ngộ, thu hút và sử dụng những người tài, tạo môi trường tốt để người tài có điều kiện được cống hiến nhiều nhất cho thành phố và đất nước. Quan tâm và tạo điều kiện để các thầy giáo, cô giáo dạy giỏi có điều kiện phát huy khả năng của mình đào tạo được nhiều học sinh giỏi, sinh viên giỏi cho thành phố. Ghi nhận những thành tích đáng tự hào của các học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu, tại lễ biểu dương, Chủ tịch UBND thành phố quyết định tặng Bằng khen, đồng thời trích ngân sách 1,32 tỷ đồng để khen thưởng 132 học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố năm 2023. Trước đó, 132 em học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố năm 2023 đã có hành trình dâng hương, báo công tại các điểm di tích lịch sử của thành phố, gồm: Tượng đài Nữ tướng Lê Chân; Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (huyện An Dương); Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận Kiến An); Đền thờ và Tượng đài Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo). Phương Mai

Tuyên dương 58 thầy cô giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng khó khăn

BTĐKT - Tối 17/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. Chương trình tuyên dương 58 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại các xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Nhân dịp này, 58 thầy cô giáo được tuyên dương được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Dân tộc. Chương trình tuyên dương các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy nhấn mạnh, 58 thầy cô giáo được lựa chọn tuyên dương năm nay hầu hết đều có tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong công tác. Các thầy, cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết, không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn trở thành những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bày tỏ sự trân trọng trước sự nỗ lực để vượt qua khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam nhấn mạnh: “Mặc dù hoàn cảnh khác nhau nhưng các thầy, cô giáo tham dự chương trình lần này đều có điểm chung, họ đã chọn việc khó khăn để nhiều người được làm việc nhẹ nhàng, đã chọn cuộc sống gian khổ để viết nên những bài học thiêng liêng về tình nghĩa thầy trò và tình yêu quê hương, Tổ quốc”. “Chia sẻ cùng thầy cô” với ý nghĩa nhân văn sâu sắc sẽ cổ vũ, động viên các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thêm sức mạnh để các thầy, cô giáo vượt qua mọi thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, góp phần tạo nên những thế hệ người Việt Nam thời kỳ mới, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, anh Nguyễn Kim Quy hy vọng. Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 được phát động từ (08/08 –  08/10/2023). Từ 107 hồ sơ các gương thầy cô giáo từ 51 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu, Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn được 58 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương. Trong đó, giáo viên lớn tuổi nhất là cô giáo Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1970), công tác tại Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, thời gian công tác 32 năm 9 tháng và cô giáo Lý Thị Lam (sinh năm 1970), công tác tại Trường TH và THCS Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, thời gian công tác 22 năm. Giáo viên trẻ tuổi nhất là thầy giáo Trần Lê Minh Chiến (sinh năm 1996), công tác tại Trường PTDTBT TH và THCS Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi với thời gian công tác 5 năm 1 tháng và thầy giáo Nguyễn Thanh Dương (sinh năm 1996), công tác tại Trường THCS Minh Tân, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, thời gian công tác 6 năm 3 tháng. Bên cạnh đó, có 9 giáo viên là người dân tộc thiểu số. Mai Thảo

Biểu dương hơn 600 người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi

BTĐKT - Ngày 10/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Hội nghị "Người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi lần thứ IV", giai đoạn 2018 - 2023, với chủ đề: "Phát huy vai trò người cao tuổi làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng thông tin với các cơ quan truyền thông về hội nghị Hội nghị sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 16/11 với hơn 600 đại biểu là người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Trong đó, có 8 đại biểu là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 16 đại biểu được tặng các hạng huân chương cao quý, 15 đại biểu được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều đại biểu được các ban, bộ, ngành, địa phương khen thưởng.  Đây là những tấm gương sáng tiêu biểu nhất đại diện cho hơn 7 triệu người cao tuổi là người sản xuất, kinh doanh, đang trực tiếp tham gia phát triển kinh tế. Trong đó có 455.267 người cao tuổi làm kinh tế giỏi của cả nước đã được bầu chọn tại Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi từ cơ sở đến huyện, thị xã, quận và hội nghị, tổng kết của 63 tỉnh/thành phố. Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng cho biết: Hội nghị là diễn đàn quan trọng, tạo cơ hội gặp mặt, giao lưu, trao đổi những mô hình làm kinh tế giỏi, những kinh nghiệm hay, bài học quý để các cấp hội tiếp tục nhân rộng, phát huy vai trò người cao tuổi; đồng thời lan tỏa thông điệp đến toàn xã hội về tinh thần, trách nhiệm cùng chung sức, đồng lòng, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi phát huy trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm quý báu trong sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho cộng đồng, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp ngày càng nhiều của cải, vật chất, làm giàu cho quê hương, đất nước.  Đây cũng là dịp suy tôn người cao tuổi đã nêu gương sáng về ý chí tự lập, tự cường, khởi nghiệp, lập nghiệp, truyền nghề, góp phần quan trọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Việc tuyên truyền về hội nghị sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, chung sức đồng lòng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi nước nhà được phát huy vai trò hơn nữa, có thêm động lực tinh thần, nỗ lực phấn đấu góp phần hiện thực hóa khát vọng dân tộc cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc. Trong những năm qua, phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” thực sự là phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong xã hội, nêu cao gương sáng tuổi cao chí càng cao, tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quê hương, đất nước. Phong trào giai đoạn 2018 - 2023 đã thu hút, tạo việc làm cho hơn 9 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng, làm công tác từ thiện hơn 10 nghìn tỷ đồng, đóng góp xây dựng nông thôn mới hơn 30 nghìn tỷ đồng và chục triệu ngày công. Phong trào đã có hơn 320 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh  tế của đất nước. Phương Thanh

Biểu dương 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc

BTĐKT - Chiều 8/11/2023, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tổ chức Chương trình Gala “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2023, biểu dương 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc và ra mắt mạng lưới đồng hành xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc”. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng tới dự. Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy cho biết, được khởi xướng từ năm 2021, Chương trình Tuyên dương gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức đã tuyên dương 56 gia đình trẻ tiêu biểu, ghi nhận sự phấn đấu của họ trong hành trình xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ. Câu chuyện của những gia đình trẻ tiêu biểu ấy với hành trình xây dựng hạnh phúc đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội thời gian qua và là nguồn cảm hứng, là động lực để các hội viên, thanh niên tin tưởng vào giá trị của hạnh phúc gia đình. Tuyên dương 15 gia đình trẻ tiêu biểu năm 2023 Chiến dịch truyền thông xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2023 với chủ đề “Chạm để yêu thương” được triển khai từ tháng 6/2023 - 12/2023. Chiến dịch diễn ra với nhiều hoạt động trực tiếp và trực tuyến nhằm phát huy và lan tỏa các giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; vận động hội viên, thanh niên tích các xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, văn minh. Gala “Gia đình trẻ hạnh phúc” 2023 với chủ đề “Ấm áp yêu thương” và ra mắt mạng lưới đồng hành xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc” được triển khai từ tháng 6/2023. Sau gần 3 tháng triển khai (28/6 – 15/9/2023), Ban Tổ chức đã nhận được 62 hồ sơ các gia đình trẻ do 27 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu. Ngày 8/10/2023, Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn ra 15 gia đình tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố để biểu dương và là những hạt nhân đầu tiên tham gia mạng lưới đồng hành xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc”. “Mạng lưới đồng hành gia đình trẻ hạnh phúc sẽ là nơi quy tụ những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu là những hạt nhân để lan tỏa hơn nữa giá trị của hạnh phúc gia đình trong thế hệ trẻ. Các gia đình tham gia mạng lưới có thành phần đa dạng gồm cán bộ, công nhân viên chức, chủ doanh nghiệp, công an, quân đội, phóng viên, người sản xuất, kinh doanh, làm nông nghiệp… tích cực tham gia công tác xã hội, các hoạt động cộng đồng; có những nỗ lực, cố gắng, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để xây dựng cuộc sống ấm no, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác đạt năng suất và hiệu quả; thực hiện tốt vai trò chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con cái”, anh Nguyễn Kim Quy nói. Cũng theo anh Nguyễn Kim Quy, trong số những hạt nhân đầu tiên đó có gia đình cả chồng cả vợ đều là MC truyền hình, Tiktoker nổi tiếng, công việc bận rộn nhưng vẫn luôn dành thời gian quan tâm, yêu thương, tôn trọng nhau như gia đình anh Bùi Đức Bảo và chị Bùi Phương Thảo ở Hà Nội. Gia đình anh Lường Quang Đại và chị Lý Thị Xuân ở Bắc Kạn, chồng là người dân tộc Tày, vợ dân tộc Dao, với họ hạnh phúc chỉ đơn giản là được “cùng nhau lên nương”, gia đình anh chị làm tiktok để quảng bá hình ảnh, văn hóa và bán các sản phẩm sẵn có của địa phương để cải thiện kinh tế tăng thu nhập cho gia đình. Gia đình anh Nông Tiến Dược và chị Phan Thị Huế ở Cao Bằng, gia đình anh Lò Văn Lợi và chị Mào Thị Hon ở Lai Châu, chồng hiện đang công tác trong lực lượng công an, thường xuyên công tác, làm nhiệm vụ xa nhà, gánh nặng việc nhà, nuôi dạy con cái, đều dồn lên đôi vai người vợ. Các chị vừa phải hoàn thành công việc xã hội, vừa phải gánh trách nhiệm lớn trong gia đình, là dâu là con, là mẹ là cha, nuôi dưỡng và giáo dục các con… Mai Thảo  

Tôn vinh 55 trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo

Ngày 9/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Đài PT–TH tỉnh và Trường đại học Tây Bắc tổ chức gặp mặt tôn vinh trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo tỉnh năm 2023. Gặp mặt tôn vinh trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo tỉnh năm 2023 Tới dự có đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và 55 trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo tỉnh năm 2023. Các đại biểu  dự gặp mặt tôn vinh trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo tỉnh năm 2023. Hiện nay, đội ngũ trí thức tỉnh có 59.958 người, trong đó, 36.434 người là cán bộ, công chức và viên chức, 23.524 người làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài nhà nước.  Hằng năm, đội ngũ trí thức đã tích cực nghiên cứu đóng góp cho tỉnh hàng trăm ý tưởng, sáng kiến, đề tài được áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Từ tháng 8/2022 đến tháng 9/2023, toàn tỉnh triển khai thực hiện 42 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chủ yếu trên các lĩnh vực nông nghiệp, xã hội nhân văn, y tế, kỹ thuật công nghệ và xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phát biểu tại buổi gặp mặt tôn vinh, đồng chí Tráng Thị Xuân đề nghị các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy lao động sáng tạo, tôn vinh, đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức và điển hình lao động sáng tạo. Đội ngũ trí thức tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ trên mọi cương vị công tác; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống và sản xuất. Tại buổi gặp mặt, đã vinh danh, trao cúp cho 55 trí thức, điển hình lao động sáng tạo tỉnh năm 2023. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen 20 cá nhân; Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen cho 4 cá nhân; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng lao động sáng tạo cho 9 cá nhân; Tỉnh Đoàn tặng bằng khen cho 9 cá nhân; Hội Khuyến học tỉnh tặng  giấy khen cho 4 cá nhân. Liên đoàn Lao động tỉnh phát động phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công chức, viên chức và người lao động tỉnh. Đồng chí Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao cúp cho các cá nhân. Lãnh đạo Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân. Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh chuyển trao Bằng lao động sáng tạo cho các cá nhân. Lãnh đạo Tỉnh đoàn trao bằng khen cho các cá nhân. Theo baosonla.org.vn

Hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi

BTĐKT - Bằng sự cần cù, chịu khó, nhanh nhạy, dám nghĩ, dám làm, chị Đinh Thị Tuyết, hội viên Chi hội phụ nữ tổ dân phố 4, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng, với mức thu nhập ổn định mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng. Vợ chồng chị Tuyết thành công với mô hình sản xuất chè an toàn Sau khi lập gia đình vào năm 2002, vợ chồng chị Tuyết gặp không ít khó khăn. Ban đầu vợ chồng chị canh tác và sản xuất trên 3000 m2 chè của gia đình, tuy nhiên trong quá trình canh tác, do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chưa cao, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải một phần cuộc sống. Làm sao cho gia đình mình thoát được cái nghèo, được ấm no, hạnh phúc là niềm trăn trở lớn nhất đối với chị. Chính những suy nghĩ đó đã thôi thúc chị và gia đình phải tìm tòi, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm để phát triển sản xuất. Nhận thấy thế mạnh của địa phương chính là cây chè, năm 2012 vợ chồng chị tham gia Tổ hợp tác chè an toàn sản xuất theo hướng IPM, vừa canh tác trên diện tích chè sẵn có, vừa thu mua bao tiêu chè tươi cho 4 hộ gia đình trong khu vực, mang về sao, đóng gói và bán ra thị trường. Nhờ tính cần cù, chịu thương chịu khó, ham học hỏi, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sao và chế biến chè, quy trình sản xuất chè hữu cơ. Sau khi được trau dồi thêm kiến thức, gia đình chị mạnh dạn xây thêm nhà xưởng mở rộng quy mô sản xuất, hiện nay gia đình chị thu mua bao tiêu sản phẩm chè tươi cho 12 hộ gia đình với sản lượng chè tươi từ 35 – 40 tấn/năm, giá bán dao động từ 250.000đ – 800.000đ/kg chè khô, tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương. Bên cạnh việc thu mua chè tươi về sao thành thành phẩm, gia đình chị còn cung cấp thiết bị vật tư, dịch vụ ngành chè (máy hút chân không, máy vò tạo hình, tôn sao, máy lai…) và mở dịch vụ đóng gói bao bì chè cho bà con trong khu vực. Sau hơn 20 năm, cuộc sống của vợ chồng chị 20 năm đã có nhiều thay đổi. Đến nay, chị đã mua sắm được nhiều vật dụng giá trị cho gia đình. Không chỉ năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ trong phát triển kinh tế, chị Tuyết còn rất đảm đang và luôn chăm lo cho gia đình, nuôi dạy và đầu tư cho các con ăn học đầy đủ; gia đình chị luôn sống hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ. Ngoài phát triển kinh tế, gia đình chị Tuyết còn là hộ gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chị cũng là hội viên rất nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động Hội phụ nữ. Trong công tác hội, chị luôn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chi hội và là hội viên tích cực đi đầu trong mọi phong trào, có ý thức xây dựng chi hội vững mạnh. Cùng với đó, vận động chị em phụ nữ tham gia các hoạt động, thực hiện tương trợ, giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Có thể nói, chị Đinh Thị Tuyết là tấm gương điển hình về cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả đạt được hôm nay của chị Tuyết thật đáng trân trọng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo. Mai Linh  

Người công nhân có tinh thần sáng tạo

BTĐKT - Với niềm đam mê sáng tạo, anh Hoàng Quốc Tùng, quản lý sản xuất kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Sung Ju Vina (Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), được đồng nghiệp biết đến như “cây sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” của đơn vị. Tốt nghiệp với tấm bằng trung cấp điện công nghiệp, anh Hoàng Quốc Tùng đã làm việc ở nhiều doanh nghiệp, qua đó giúp anh trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sáng tạo. Năm 2015, anh làm việc cho Công ty TNHH Sung Ju Vina (chuyên sản xuất loa ti vi). Trong những năm qua, anh luôn đi đầu trong phong trào cải tiến kỹ thuật của đơn vị, là hạt nhân trong các phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công nhân lao động xưởng sản xuất nói riêng và công ty nói chung. Anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng thành công mang lại hiệu quả làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Điển hình như sáng kiến: “Thay đổi cải tiến công đoạn dập hàng Terminal”, để hoàn thành đúng quy trình sản xuất loa ti vi”. Quy trình sản xuất của công ty được chia từng giai đoạn và công đoạn để hoàn chỉnh sản phẩm. Trong đó, công đoạn dập terminal được sử dụng nhiều để tạo ra linh kiện trước khi đưa vào khâu thành phẩm. Trước đây, công nhân sử dụng máy dập khi chưa được cải tiến, sản phẩm lỗi phát sinh chủ yếu do công nhân mỏi tay, thao tác chậm dẫn đến hàng chưa dập lẫn vào hàng đã dập làm mất thời gian kiểm tra. Đáng chú ý, dập máy terminal trong 1 ngày được 5.900 sản phẩm, nhưng khi áp dụng giải pháp cải tiến mới, năng suất ngày một tăng lên và số lượng tối đa cho 1 ngày dập của công nhân hiện đạt 8.000 sản phẩm. Không chỉ thế, sản phẩm tạo ra không bị lỗi, thao tác công nhân nhanh hơn, giảm nhiều sức (không còn bị mỏi tay), đặc biệt hàng cũng không còn bị lẫn lộn vào các sản phẩm chưa làm, sản lượng cao hơn so với kế hoạch đề ra, giảm nhân công sản xuất và tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 45 triệu/năm. Bên cạnh đó, những năm qua, anh Tùng còn có nhiều sáng kiến, cải tiến, giải pháp hữu ích khác như: Sáng kiến “Thay đổi cải tiến line/chuyền”. Trước khi cải tiến, công nhân phải lấy hàng trên line/chuyền sau khi nghe âm thanh để dán PE và khu vực này rất hẹp, không có khoảng không gian trống, không gọn gàng, ngăn nắp, không thể sắp xếp, dọn dẹp 6S/3D đúng chuẩn. Sau khi cải tiến nối dài băng chuyền, công nhân ngồi thao tác dễ hơn, hàng sau khi nghe âm thanh sẽ trực tiếp lấy dán PE nên tiện lợi cho việc dọn vệ sinh 3D/6S tốt hơn, sản lượng ra nhiều hơn, giảm chi phí phát sinh trong sản xuất, tăng năng suất khoảng 40 triệu/năm. Anh còn có sáng kiến: “Thay đổi cải tiến công đoạn gắn Tweeter và gắn ốc Woofeer”, do xuất phát từ việc một công nhân phải làm rất nhiều công việc, thao tác một công đoạn nên tốn rất nhiều thời gian và sản lượng không đạt yêu cầu. Sau khi cải tiến tách rời công đoạn gắn Tweeter và gắn ốc Woofeer riêng biệt thì thao tác mỗi công nhân nhanh hơn, làm ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, không bị nhầm lẫn các loại ốc, sản lượng cao hơn so với kế hoạch đề ra và tiết kiệm chi phí nhân công khoảng 25 triệu/năm. Sáng kiến “Thay đổi cải tiến công đoạn hàn hợp kim”  xuất phát từ việc khi công nhân thao tác hàn hợp kim có rất nhiều xỉn chì dính và bám vào bên trong conepaper dẫn tới việc bị rách, bẩn không thể sử dụng được, tốn kém nhân công và mất rất nhiều chi phí sản xuất. Sau khi cải tiến theo sáng kiến của anh, JIG có nắp che đậy thì thao tác công nhân hàn hợp kim rất dễ và nhanh, các xỉn chì không thể lọt vào bên trong conepaper nên không còn tình trạng conepaper dơ bẩn và phải bỏ phế, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho sản xuất, ước tính tiết kiệm được khoảng 80 triệu/năm. Sáng kiến “Thay đổi cải tiến công đoạn sấy hàng” xuất phát từ việc máy sấy SOLDER các line sản xuất model 704/801 sấy từ 8h00 đến 17h00 rất lãng phí chi phí (tiền điện, phát sinh ra hơi nóng trong xưởng). Sau khi cải tiến thì các máy sấy SOLDER sẽ mở lúc 8h30 sáng và dừng lúc 16h00, sẽ tiết kiệm rất nhiều về chi phí phát sinh, tiết kiệm tiền điện, thời gian tuổi thọ của máy lâu hơn và giảm nhiệt độ nóng trong xưởng, giảm rất nhiều chi phí phát sinh khoảng 60 triệu/năm. Anh Hoàng Quốc Tùng (bên trái ảnh) tại lễ trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023 diễn ra ngày 24/7/2023 tại Thủ đô tại Hà Nội Không chỉ được biết đến như “cây sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” của đơn vị, với vai trò quản lý sản xuất Công ty TNHH SungJu Vina, anh Hoàng Quốc Tùng luôn có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ các đồng nghiệp mới vào học việc chưa có kinh nghiệm để cả bộ phận luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tính từ năm 2015 đến nay, anh đã kèm cặp và hướng dẫn được 80 đồng nghiệp là quản lý, tổ trưởng và khoảng 600 công nhân trực tiếp sản xuất cùng bộ phận. Để ghi nhận, động viên, khích lệ tinh thần làm việc đầy sáng tạo và trách nhiệm, 3 năm liên tục 2018, 2019, 2020, anh Hoàng Quốc Tùng được tặng Bằng khen của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước; năm 2019, 2020 được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và năm 2019 được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Đặc biệt, mới đây, anh Hoàng Quốc Tùng vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023 (Giải thưởng được tổ chức 5 năm một lần nhằm tôn vinh dành riêng cho người lao động trực tiếp sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, có thành tích nổi bật trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo của tổ chức công đoàn"). Những thành tích của anh không chỉ cho riêng cá nhân anh mà còn mang về niềm tự hào cho Công ty TNHH Sung Ju Vina. Nguyễn Thái Đương    

Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kỷ niệm 10 năm thành lập

BTĐKT – Sáng 25/10, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và Lễ tôn vinh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2023 - lần thứ 9. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trao tặng Cờ thi đua của Bộ NN&PTNT cho Tổng hội NN&PTNT Việt Nam Tổng hội NN&PTNT Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2013, với mong muốn có thể tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, để trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đoàn kết, thống nhất hướng tới mục tiêu ổn định và phát triển đời sống cho nông dân; góp phần phát triển ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn... Đến nay, Tổng hội có 230 hội viên tập thể, hơn 10 nghìn hội viên cá nhân với sự đa dạng các thành phần, gồm các doanh nghiệp, các tổ chức, nhà trí thức. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao những thành tựu mà Tổng hội NN&PTNT Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua: Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả, tương đối toàn diện cho nền nông nghiệp, nông thôn nước nhà, có tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp ngày càng cao, tạo được uy tín trong và ngoài nước. Nổi bật là Tổng hội đã có những đóng góp tích cực cùng với các hội/hiệp hội trong ngành của Bộ NN&PTNT xử lý những vấn đề vĩ mô của ngành, hướng tới mục tiêu phát triển đời sống nông dân, góp phần tích cực vào tái cơ cấu lại ngành và thực hiện thành công các chiến lược, chương trình, kế hoạch của ngành NN&PTNT, nhất là trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mói, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đồng thời, Tổng hội là cánh tay nối dài và truyền đạt tiếng nói đa chiều về cơ chế, chính sách, tâm tư nông dân, là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với Đảng và Nhà nước và với các doanh nghiệp nước ngoài; là cánh tay nối dài của các cơ quan quản lý nhà nước, đưa các chính sách phát triển nông nghiệp về vùng nông thôn. Bộ NN&PTNT mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các hội và Tổng hội NN&PTNT Việt Nam để lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm, nghiệp vụ tới các địa phương; tận dụng lực lượng chuyên môn cao nhằm củng cố phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết sản xuất liên vùng, liên ngành, triển khai các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn mới; tư vấn, phản biện cập nhật và đối chiếu chính sách của Việt Nam trong bối cảnh nông nghiệp toàn cầu.  Nhân dịp này, Tổng hội NN&PTNT Việt Nam đã tổ chức Lễ tôn vinh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2023” nhằm vinh danh những sản phẩm đã có đóng góp tích cực cho ngành Nông nghiệp Việt Nam. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Tổng hội NN&PTNT Việt Nam trao biểu trưng và Bằng chứng nhận Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2023 cho các doanh nghiệp Trải qua gần 6 tháng làm việc, Hội đồng xét chọn Trung ương đã xét chọn được 99 thương hiệu nông nghiệp tiêu biểu nhất để tôn vinh là "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam" năm 2023. Qua 9 năm thực hiện, Chương trình “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” đã tiếp cận trên 5000 sản phẩm. Ban Tổ chức đã tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tư vấn truyền thông và quảng bá thương hiệu trở thành những thương hiệu mạnh trong lĩnh vực hoạt động. Từ những thương hiệu/sản phẩm ít người biết đến, thông qua chương trình, đến nay nhiều thương hiệu/sản phẩm đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và trở thành những sản phẩm có sức tiêu thụ tốt trên thị trường với giá trị gia tăng cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho doanh nghiệp và người nông dân, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định chính trị và phát triển nền kinh tế - xã hội... Phương Thanh      

Điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, nhân dân bản Nà Bai, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La giữ vững danh hiệu bản văn hóa, đẩy mạnh du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đội văn nghệ bản Nà Bai, xã Chiềng Yên luyện tập, biểu diễn phục vụ nhân dân Dẫn chúng tôi tham quan bản với những ngôi nhà sàn khang trang mang đậm văn hóa dân tộc Mường, anh Mùi Văn Đức, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nà Bai, cho biết: Bản có 174 hộ dân, 771 nhân khẩu. Những năm qua, các hộ dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, phát huy bản sắc văn hóa, đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường. Phát triển kinh tế để tạo động lực xây dựng đời sống văn hóa, các hộ dân bản Nà Bai tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây năng suất, phù hợp với thổ nhưỡng và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Hiện nay, bản duy trì 45 ha lúa, 20 ha ngô, 10 ha cây ăn quả, 4 ha rau màu. Tổng đàn gia súc có trên gần 700 con và trên 4.000 con gia cầm. Quản lý, bảo vệ tốt 171 ha rừng. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, nhiều hộ vươn lên làm giàu như: Gia đình ông Bùi Văn Chắn, Bùi Đức Hạnh, Đinh Văn Khuyên, Đinh Văn Miến, Bùi Văn Huấn, Mùi Văn Học, Mùi Văn Ngoãn... thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Nà Bai là bản du lịch cộng đồng, để tạo ấn tượng với du khách, bản Nà Bai tích cực xây dựng đời sống văn hóa. Nhân dân thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không có trường hợp tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, giữ gìn an ninh trật tự. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được bà con tích cực hưởng ứng, duy trì. Bản duy trì 3 đội bóng chuyền, bóng đá nam, nữ với khoảng 70 người tham gia; duy trì 3 đội văn nghệ với gần 30 người, thường xuyên luyện tập, giao lưu và biểu diễn phục vụ nhân dân và khách du lịch. Hiện nay, bản có 54% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, bản đạt 16/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Anh Đinh Công Thêu, đội trưởng đội văn nghệ bản Nà Bai, chia sẻ: Các ngày lễ, hội họp của bản và du khách có nhu cầu thưởng thức văn nghệ, đội sẽ tập hợp cùng nhau tập luyện, biểu diễn, quảng bá nét đẹp văn hóa, con người Nà Bai thân thiện và mến khách. Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường của bản được chú trọng, các hộ gia đình trong bản thường xuyên dọn dẹp từ nhà ra ngõ. Đoàn thanh niên, Chi hội phụ nữ bản chung tay vệ sinh công cộng bản mỗi tháng một lần; không thả rông gia súc, gia cầm và làm chuồng trại xa khu dân cư. Ông Đinh Văn Khuyên, là 1 trong 4 hộ ở bản đang làm dịch vụ Homestay ở bản, chia sẻ: Để góp phần xây dựng bản văn hóa cũng như tạo ấn tượng tốt với du khách, gia đình tôi trồng hoa, trồng cây cảnh, làm bể cá giúp tạo cảnh quan đẹp, thường xuyên dọn dẹp, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh homestay hướng đến sự hài lòng của du khách. Chị Nguyễn Trà My, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Người dân Nà Bai rất nhiệt tình và mến khách. Thật thú vị khi được trải nghiệm sinh hoạt cùng người dân. Không khí ở đây rất trong lành, không gian yên bình, an ninh được đảm bảo, gia đình tôi còn được thưởng thức những món ăn, tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường nơi đây. Gia đình tôi nhất định sẽ quay lại và giới thiệu cho bạn bè đến tham quan du lịch. Với cảnh quan thiên nhiên trong lành, con người mến khách, cùng sự chung sức, đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa, tin tưởng Nà Bai dần trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn, là điểm sáng trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của xã Chiềng Yên.  Phạm Hoa (Theo Báo Sơn La)  

Sẽ vinh danh 64 Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2023

BTĐKT – Chiều 23/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Lao Động tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2023.   Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại họp báo Chương trình bình chọn và vinh danh những doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ nhằm tiến tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và phát triển. Chương trình gồm Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" (xếp hạng hằng năm) và Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động (3 năm/lần). Khởi động từ tháng 4/2023, Ban Tổ chức chương trình đã tiếp nhận hàng trăm bộ hồ sơ của các doanh nghiệp tham gia do các LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành tuyển chọn, gửi về. Trải qua các vòng sơ loại, chấm điểm chặt chẽ theo Bộ Tiêu chí khắt khe do các chuyên gia hàng đầu về lao động xây dựng, các doanh nghiệp dược dự kiến vinh danh được gửi lấy ý kiến hiệp y của hệ thống thanh tra các Sở Lao động – Thương  binh và Xã hội ở địa phương, các LĐLĐ tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành trung ương, VCCI và khảo sát của phóng viên Báo Lao Động ở các địa phương. Danh sách này cũng đã được công bố công khai trên Báo Lao Động (bản in và bản điện tử) để lấy ý kiến nhân dân. Vì vậy, 64 doanh nghiệp được vinh danh lần này đảm bảo được lựa chọn kỹ, là các doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, hướng tới phát triển bền vững. Phát biểu tại họp báo, đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2023” lựa chọn và vinh danh các doanh nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hậu Covid-19, không chỉ ổn định sản xuất, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mà quan trọng hơn, còn chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Được xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” là một bằng chứng đáng tin cậy của doanh nghiệp không chỉ trong việc đóng góp cho sự phát triển, tiến bộ về kinh tế xã hội và con người, mà còn là ‘chứng chỉ” xác nhận doanh nghiệp là một trong những nơi cung cấp chỗ làm việc tốt nhất cho người lao động. Bằng việc tổ chức chương trình hàng năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tạo nên một phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, rộng khắp toàn quốc trong việc chăm lo cho nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp là “con người”. Chương trình là một trong những hoạt động cụ thể của 3 bên (Công đoàn, giới sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động) thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Lễ vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2023 sẽ được tổ chức trang trọng vào hồi 20h Chủ nhật ngày 29/10/2023 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Phương Thanh      

Trang