Điển hình tiên tiến

Đồng Nai trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các phần thưởng cấp Nhà nước năm 2024

BTĐKT - Sáng ngày 25/9, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các phần thưởng cấp Nhà nước năm 2024. Có 3 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 176 tập thể, cá nhân được trao tặng các phần thưởng cao quý.  Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Về phía tỉnh Đồng Nai, có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh Võ Tấn Đức; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương đến dự. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho thân nhân 3 mẹ Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 1.144 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện 20 mẹ còn sống với con cháu và hôm nay có thêm 3 mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự cấp Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Việc phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với công lao to lớn và sự hi sinh vô bờ bến của các mẹ đã dành cho Tổ quốc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Đây không những là niềm vinh dự, tự hào của các tập thể, cá nhân mà còn là nguồn động viên, khích lệ đối với cán bộ, công chức, người lao động tỉnh nhà đã tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp sức vào quá trình xây dựng và phát triển Đồng Nai năng động, sáng tạo ngày càng giàu đẹp. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong thời gian tới, đồng chí Võ Tấn Đức đề nghị các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công, làm tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chú trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần các đối tượng chính sách. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy thế mạnh, tiềm năng vốn có và những thành quả đạt được, đồng sức xây dựng đơn vị ngày càng phát triển vững mạnh. Đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, quán triệt, học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, thấm nhuần lời dạy của Người “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho thân nhân 3 mẹ là: Nguyễn Thị Trúc, Lê Thị Xinh và Nguyễn Thị Hai. Cũng trong đợt này, tỉnh Đồng Nai có 12 cá nhân được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 7 tập thể, 14 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 13 cá nhân đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 13 tập thể được tặng Cờ thi đua Chính phủ; 116 tập thể, cá nhân đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 1 cá nhân được truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Xuân Phúc

Vinh danh 10 công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế

TTH.VN - Chiều 25/9, UBND tỉnh tổ chức Lễ vinh danh “Công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2023 và trao tặng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho các tập thể, cá nhân.  Vinh danh công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh tham dự lễ vinh danh. Đây là lần thứ ba tỉnh tổ chức bình chọn và vinh danh “Công dân tiêu biểu”. Sự kiện này không chỉ để ghi nhận những nỗ lực và thành tựu xuất sắc của những cá nhân tiêu biểu, mà còn để khích lệ, động viên tinh thần, tạo động lực cho họ tiếp tục phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa trong cuộc sống và cho cả tương lai.  Các tập thể, cá nhân được trao tặng các danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước Phát biểu tại lễ vinh danh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, những kết quả mà tỉnh đạt được trong thời gian qua là minh chứng cho sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng, từ các tổ chức, tập thể cho đến cá nhân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây không chỉ là kết quả của sự sáng tạo, mà còn là tinh thần vượt khó, vượt thách thức và nỗ lực không ngừng của Nhân dân tỉnh nhà, trong đó đặc biệt là 10 “Công dân tiêu biểu” - danh hiệu cao quý của tỉnh trao tặng và các tập thể, cá nhân được Nhà nước khen thưởng. “Nhắc đến “Công dân tiêu biểu”, chúng ta không chỉ biết về những thành tích xuất sắc mà họ đạt được trong công việc, học tập hay các hoạt động xã hội. Và hơn thế nữa, đó là những con người luôn sống và hành động với tinh thần trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình và đặc biệt là với cộng đồng. Họ là những cá nhân không ngại khó, sẵn sàng dấn thân, vượt thử thách, mang lại lợi ích chung cho xã hội. Chính những hành động, nghĩa cử này của họ đã lan tỏa đến cuộc sống, đến với cộng đồng, góp phần tạo nên một Huế trong lòng mỗi người dân Việt Nam”, ông Phương nhấn mạnh.  8 tập thể nhận Cờ Thi đua của Chính phủ Tự hào được vinh danh, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp cho biết: Là người con xứ Huế, ông không chỉ nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa, tinh thần đặc trưng của vùng đất mà còn luôn hướng tới tương lai hội nhập để miệt mài nghiên cứu, sáng tạo xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế trở thành đầu tàu của Trung tâm Y tế chuyên sâu, nơi đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao thương hiệu quốc tế. "Các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức đóng góp hết mình cho sự phát triển chung của quê hương. Tôi luôn biết ơn, trân trọng điều đó và sẽ tiếp tục cống hiến trí tuệ, sức lực vào mục tiêu chung trong thời gian tới. Hãy cùng nhau xây dựng Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên sức mạnh tinh thần, trí tuệ, tiềm năng dồi dào và lòng nhiệt huyết không ngừng nghỉ" - ông Phạm Như Hiệp chia sẻ. Ngoài 10 công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh, dịp này, 1 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 tập thể, 8 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 8 tập thể nhận Cờ Thi đua của Chính phủ.  * 10 Cá nhân được trao tặng danh hiệu “Công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2023 - Ông Phạm Như Hiệp, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế;  - Ông Nguyễn Vũ Quốc Huy, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế;  - Ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban Ban An ninh, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (nguyên Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài); - Ông Phạm Minh Trường, Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế, Sở Y tế; - Ông Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; - Bà Nguyễn Thị Ái Nhung, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp, Khoa Hóa học, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế;  - Ông Lê Văn Kỳ, Thiếu tá, cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 1, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh; - Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang, hướng dẫn viên Bộ môn Vật, Trường trung cấp Thể dục Thể thao Huế, Sở Văn hóa và Thể thao;  - Học sinh Nguyễn Minh Tài Lộc, Lớp 12 Chuyên Vật lý 1 (năm học 2022-2023), Trường trung học phổ thông Chuyên Quốc Học Huế;  - Bà Hồ Thị Châu, Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Xuân Phú, thành phố Huế. * Các tập thể, cá nhân được trao tặng các danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước - Huân chương Lao động hạng Nhì: Thầy thuốc ưu tú Trương Như Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, Sở Y tế được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - Bằng khen Thủ tướng Chính phủ: (1 tập thể, 8 cá nhân) + Tập thể: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế (1092/QĐ-TTg ngày 20/9/2023). + Cá nhân:  Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ; Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Lê Quang Kính, Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Giao thông Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Lê Công Bích, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Thừa Thiên Huế; Ông Phan Hữu Chánh, Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Nguyễn Xuân Ánh, Trưởng phòng, Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo 3, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế ; Ông Trần Hiếu Sơn, Thanh tra viên chính, Văn phòng, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế. * 8 tập thể nhận Cờ Thi đua của Chính phủ:  - Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế; - Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; - Nhân dân và cán bộ thành phố Huế; - Nhân dân và cán bộ phường Phú Hội, thành phố Huế; - Nhân dân và cán bộ xã Điền Hòa, huyện Phong Điền; - Nhân dân và cán bộ xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền; - Nhân dân và cán bộ phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy; - Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Theo baothuathienhue.vn

Tấm gương sáng trên trận tuyến phòng, chống ma túy

BTĐKT - 30 tuổi, với gần 10 năm công tác trong lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Đại úy Vũ Văn Cường, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn đã tham gia hàng trăm chuyên án, vụ án ma túy lớn nhỏ. Anh được ví là "khắc tinh" của tội phạm ma túy ở Điện Biên. Đại úy Vũ Văn Cường (giữa) cùng đồng đội bắt giữ đối tượng trong một chuyên án ma túy Năm 2015, khi vừa tròn 22 tuổi, Vũ Văn Cường tốt nghiệp Học viện Biên phòng và được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Si Pha Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, giữ chức vụ Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm. Anh chia sẻ: “Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Điện Biên khi đó rất phức tạp, nổi lên đa dạng các hoạt động tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, tính chất liều lĩnh và manh động. Do vậy, những ngày đầu đến đơn vị, xuống địa bàn, mặc dù đã được cấp trên quán triệt song tôi vẫn bất ngờ trước tình trạng mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy nơi đây. Hầu hết các thôn, bản đều có người nghiện ma túy. Có nhiều người chết, nhiều gia đình tan nát vì ma túy, nhiều em nhỏ phải bỏ học giữa chừng, bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng và vận chuyển ma túy… Với cương vị công tác được giao, tôi càng thêm quyết tâm, động lực, góp sức mình bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân khu vực biên giới”. Thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, trong những năm qua, anh luôn tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung nắm chắc tình hình; nắm chắc phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới; đồng thời làm tốt các mặt công tác nghiệp vụ, tham mưu và trực tiếp cùng đồng đội tham gia đấu tranh nhiều chuyên án, vụ án. Đồng chí Cường tuyên truyền cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên về phòng, chống tội phạm ma túy. Từ năm 2019 đến nay, anh đã tham mưu và trực tiếp cùng đồng đội phát hiện, tham gia bắt giữ, điều tra, xử lý 293 chuyên án, vụ án với 382 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 600 kg ma túy các loại và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan. Đại đa số các chuyên án phải tiến hành trong điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt. Trong đó ấn tượng nhất là chuyên án ĐB1221p2. Vào đầu tháng 12/2021,  qua công tác trinh sát, anh đã trực tiếp điều tra, phát hiện một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép số lượng lớn các chất ma túy từ Lào vào Việt Nam, qua địa bàn khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, để đưa đi các tỉnh khác tiêu thụ. Sau đó, anh đã báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên xác lập, đấu tranh triệt phá thành công đường dây trên. Quá trình đấu tranh, triệt phá chuyên án ĐB1221p2, anh được Ban Chuyên án giao nhiệm vụ trực tiếp bắt giữ đối tượng vận chuyển số lượng lớn ma túy từ Lào về Việt Nam. Kết quả đấu tranh, hồi 04h45’ ngày 03/02/2022 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Nhâm Dần) tại khu vực ngã ba Nậm He, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, anh cùng đồng đội bắt quả tang đối tượng Chang A Má, về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ là 72 bánh heroine, 1 xe máy, 1 điện thoại. Mở rộng điều tra, cùng ngày, các anh bắt giữ thêm 2 đối tượng cầm đầu đường dây là Cháng A Lù và Tẩn Seo Chẳn, thu giữ trên người đối tượng Chẳn số tiền là 472 triệu đồng. Trong hai đối tượng này, đối tượng Chẳn đã có 2 lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy. “Khi bị chúng tôi bắt, đối tượng Chẳn đã ra giá, nếu thả đối tượng ra, đối tượng sẽ cho người cầm 3 tỷ đồng đến”. Thấm nhuần lời dạy của Bác “là cán bộ phải lấy chữ Liêm làm đầu”, tôi và đồng đội kiên quyết bắt giữ, xử lý các đối tượng đúng theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm”, Đại úy Vũ Văn Cường kể lại. Gần đây nhất, ngày 5/4/2024 tại khu vực bản Đề Bua, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (địa bàn do Đồn Biên phòng Si Pha Phìn quản lý), anh đã tham mưu và cùng đồng đội đấu tranh thành công chuyên án ĐB1223p, bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ tang vật là 120.000 viên ma túy tổng hợp. Ngoài ra, anh đã cùng đồng đội trực tiếp phát hiện, tham gia bắt giữ, điều tra, xử lý 9 vụ/12 đối tượng phạm tội tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác. Tang vật thu giữ bao gồm 2 súng ngắn, 1 xe ô tô, 8 xe máy và nhiều đồ vật tài liệu khác có liên quan. Với nỗ lực, cố gắng của bản thân, anh đã được các cấp ghi nhận, biểu dương, khen thưởng bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ đội Biên phòng năm 2023; một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2023 và là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023. Anh xúc động nói: “Đây là niềm tự hào, niềm vui to lớn của tôi và gia đình, cũng như với mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ nơi biên cương của Tổ quốc”. Anh chia sẻ rằng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; sự đoàn kết, đồng cam, cộng khổ của đồng chí, đồng đội trong từng chuyên án; sự đùm bọc của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, cùng với sự tin yêu, sẻ chia của gia đình, hậu phương... chính là nền tảng, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để anh vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Viết Nghĩa  

Đề nghị khen thưởng, truy khen nhiều tấm gương dũng cảm quên mình giúp dân

Chiều 14/9, thông tin với phóng viên Báo CAND, đồng chí Dương Đức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, trong cơn bão lũ khủng khiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản. Tuy nhiên, có rất nhiều những tấm gương dũng cảm của các lực lượng Công an, Quân đội, nhân dân đã dũng cảm, quên mình, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để giúp dân trong bão lũ. Theo đồng chí Dương Đức Huy, chiều nay 14/9, Tỉnh ủy Lào Cai đang họp về các biện pháp phòng chống bão lũ, khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Theo đề nghị của các địa phương trong việc khen thưởng đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, sau khi thẩm định thành tích, Ban Thi đua – Khen thưởng đã báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đột xuất, truy tặng Bằng khen và trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho các cá nhân. Cụ thể, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét tặng Thư khen và trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đối với 5 cá nhân: 1. Ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên là người trưởng thôn gương mẫu luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc vì người dân trong thôn; thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tình hình và chủ động tiếp thu những ý kiến đề nghị của người dân trong thôn đề nghị lên cấp trên. Đặc biệt, đã chủ động tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Lực lượng Công an tỉnh Lào Cai tìm kiếm cứu nạn cứu hộ các nạn nhân ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. 2. Ông Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà là người gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng, đã tổ chức kiểm tra, phát hiện vết sạt lở đất, kiên quyết vận động 115 người dân di dời đến nơi an toàn. 3. Ông Nguyễn Quốc Đại khi phát hiện tàu lạ trôi trên Sông Hồng đêm ngày 9/9/2024, đã không ngại nguy hiểm cùng với 2 công dân nữa ra sông lai dắt được 1 tàu lạ theo hướng dòng chảy thì kéo được về phía xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, giúp tránh được hậu quả hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi tàu va vào các trụ cầu; tích cực tham gia công tác cứu hộ các hộ dân trong vùng ngập lũ. 4. Ông Vũ Văn Biên khi phát hiện tàu lạ trôi trên Sông Hồng đêm ngày 9/9/2024, đã không ngại nguy hiểm cùng với 2 công dân nữa ra sông lai dắt được 1 tàu lạ theo hướng dòng chảy thì kéo được về phía xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng. Hành động dũng cảm và kịp thời của ông Biên đã giúp tránh được hậu quả hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi tàu va vào các trụ cầu. Tích cực tham gia công tác cứu hộ các hộ dân trong vùng ngập lũ. 5. Ông Vũ Văn Lái khi phát hiện tàu lạ trôi trên Sông Hồng đêm ngày 9/9/2024, đã không ngại nguy hiểm cùng với 2 công dân nữa ra sông lai dắt được một tàu lạ theo hướng dòng chảy thì kéo được về phía xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, giúp tránh được hậu quả hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi tàu va vào các trụ cầu; tích cực tham gia công tác cứu hộ các hộ dân trong vùng ngập úng. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 cá nhân gồm: 1. Trung tá Nguyễn Ngọc Bạ, Trung đoàn trường. Trung đoàn 98, sư đoàn 316, Quân khu 2 đã có thành xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn trị thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên 2. Thượng tá Dương Quang Hợp, Chính trị viên, phó đại đội 5, tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, Quân khu 2 đã có thành xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn trị thôn Làng Nà, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên 3. Trung úy Lý Ngọc Tuyên, Công an huyện Bảo Yên đã băng rừng trong mưa lũ đưa thư tay của Bí thư Huyện ủy Bảo Yên về báo cáo lãnh đạo tỉnh tình hình thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. 4. Trung tá Hoàng Đức Khoa, Trưởng Công an xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên trong hoàn cảnh bị chia cắt đã chủ động thực hiện cứu nạn tại thôn Làng Nú, xã Phúc Khánh; đặc biệt, đã  phối hợp vớt được 10 thi thể nạn nhân cuối nguồn suối; chủ động tham mưu thực hiện giữ gìn ANTT hoạt động tại thôn Làng Nủ xã Phúc Khánh. 5. Ông Cổ Tiến Quang, công dân bản Múng, xã Tân Dương, huyện Bảo Yên, trong đợt mưa lũ vừa qua đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng đã phối hợp với các lực lượng chức năng trực tiếp đưa 15 người bị cô lập trên sông Chảy tại xã Tân Dương vào nơi tránh trú an toàn, đảm bảo tính mạng cho người dân. 6. Ông Vàng A Sểnh, Thôn đội trưởng thôn Trung Hồ, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, đi di dời hộ dân ra khỏi điểm sạt lở cùng với ông Lý A Giấy, tại điểm di dời cả 2 chân bị thương, xây sát phần mềm toàn thân. 7. Bà Tần Sử Mẩy, Trưởng thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, do tình hình lũ quét và sạt lở nghiêm trọng đêm 9/9 đã chạy bộ 2 km trong khi trời mưa to, đường sạt lở nhiều tới trụ sở UBND xã để báo cáo tình hình của thôn với cấp trên để có hướng khắc phục. 8. Ông Giàng A Sử, Trưởng thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, nhận thấy trong thôn bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở khối lượng lớn, ông đã kịp thời vận động nhân dân trong thôn di dời khẩn cấp 45 hộ, 224 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm khi mưa bão đang diễn ra; thực hiện tốt công tác cứu trợ cho bà con nhân dân trong thời gian di dời (hiện nay vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác cứu trợ, do bà con trong thôn hiện nay vẫn phải sơ tán). 9. Đại úy Trần Đức Trầm, nhân viên quân y Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bát Xát, người trực tiếp tham gia vận động, giúp bà con nhân dân thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, tham gia tìm kiếm cứu nạn; vượt hơn 20km đi bộ mang thư của đồng chí Phó Chủ tịch huyện Bát Xát về trình lãnh đạo các cấp; kết nối thông tin giữa tiền tuyến chống lũ tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù về đơn vị, dù địa hình chông gai hiểm trở từ đó giúp cho lãnh đạo các cấp nắm được tình hình trên tuyến đầu phòng chống, tìm kiếm cứu nạn. 10. Ông Sùng Seo Phù, Tổ trưởng tổ dân phố Dìn Phàng, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, đã tích cực vận động nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản giúp nhân dân. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh truy tặng Bằng khen đối với 1 cá nhân là ông Lý A Giấy, Trưởng thôn Trung Hồ, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, trong quá trình đi di dời hộ dân ra khỏi điểm sạt lở và tại thời điểm ứng cứu các hộ dân gặp lở đất khiến ông bị vùi lấp, đã tử vong. Theo cand.com.vn

Vụ sập cầu Phong Châu: Khen thưởng hai thanh niên dũng cảm cứu người bị nạn

Anh Ngô Văn Khanh cùng chú và em trai là anh Ngô Quốc Trung (sinh năm 2000) lái xuồng máy đến gần nơi nạn nhân đang kêu cứu và cứu được người bị nạn trong vụ sập cầu Phong Châu. Cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập sáng 9/9. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN) Ngày 13/9, Tỉnh đoàn Phú Thọ tổ chức trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho anh Ngô Văn Khanh và Bằng khen cho anh Ngô Quốc Trung vì đã có hành động dũng cảm, kịp thời cứu người bị nạn trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua. Vào lúc 10 giờ 2 phút, ngày 9/9, cầu Phong Châu nối giữa 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông bị sập hai nhịp. Ngay sau khi biết tin, anh Ngô Văn Khanh (sinh năm 1998, trú tại khu 5, Hương Nộn, Tam Nông) lập tức chạy ra bờ sông cách đó khoảng 1km và gọi cho gia đình. Lúc này, anh Khanh phát hiện một nạn nhân đang chới với giữa dòng nước xiết. Ngay lập tức, anh chạy tới xuồng máy của gia đình, cùng chú và em trai là anh Ngô Quốc Trung (sinh năm 2000) lái đến gần nơi nạn nhân đang kêu cứu. Anh Ngô Văn Khanh bơi xuống dòng nước để cứu người gặp nạn, anh Ngô Quốc Trung trên xuồng hỗ trợ, ứng cứu và kéo người gặp nạn lên xuồng an toàn. Theo anh Khanh, thời điểm đó, nước lũ và dòng chảy lớn, rất khó khăn mới tới gần được nạn nhân. Khi đưa được nạn nhân lên, anh thấy người đàn ông này ở trong trạng thái vô cùng hoảng loạn, trên người có nhiều vết thương. Nhớ lại giây phút sập cầu Phong Châu, anh Khanh vẫn chưa hết bàng hoàng. Thời điểm đó, anh đang ở trong nhà thì thấy mọi người hô to cầu sập rồi. Chạy ra ngoài nhìn về phía cầu, anh thấy nước trên sông Hồng có màu đục ngầu, chảy cuồn cuộn trôi theo nhiều cây gỗ lớn. Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn Phú Thọ bày tỏ sự trân trọng và biểu dương hành động dũng cảm, mưu trí, không ngại hiểm nguy cứu người gặp nạn của hai anh Ngô Văn Khanh và Ngô Quốc Trung. Hành động của hai anh góp phần lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng./. Theo TTXVN

Truy tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc cho Trung tá hy sinh khi giúp dân khắc phục bão

Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng. Truy tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng Ngày 13/9, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trước đó, vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 11/9, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, đồng chí Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng cùng đồng đội giúp nhân dân thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong quá trình cùng đồng đội và người dân cắt tỉa cây đổ, anh Hưng đã bị điện giật. Đồng đội và người dân đã tiến hành sơ cứu, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Kiến An, TP. Hải Phòng, nhưng Trung tá Hưng không qua khỏi và đã mất tại bệnh viện. Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng sinh ngày 18/2/1978 tại xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Anh là lái xe thuộc Trung đội 2, Đại đội 1, Lữ đoàn vận tải 653, Cục Hậu cần Quân khu 3. Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng hy sinh trong quá trình thực hiện giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3; đã thể hiện tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới. Theo baochinhphu.vn

Khởi nghiệp bằng ý chí, khát vọng và niềm đam mê

BTĐKT - Mong ước người dân được sử dụng những loại rau quả hữu cơ chất lượng với mức giá phải chăng, anh Lã Hà Thắng đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp. “Không thuốc diệt cỏ, không thuốc bảo vệ thực vật, không phân đạm, không biến đổi gien, không thuốc tăng trưởng” là 5 nguyên tắc hiện đang được hợp tác xã của anh áp dụng trong sản xuất, mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp hữu cơ. Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “5 không” Năm 2022, qua quá trình khảo sát khu vực cánh đồng thôn Phong Cầu 1, xã Đại Đồng, anh Lã Hà Thắng đã làm việc với địa phương, vận động các hộ gia đình có ruộng bỏ hoang dồn điền đổi thửa để anh thuê lại xây dựng mô hình trồng rau an toàn. Khi anh trình bày phương án đó, Đảng ủy, chính quyền xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy và đội ngũ cán bộ cơ sở thôn đội, đã nhất trí và tạo mọi điều kiện cho anh. Sau đó, anh đã cùng với đội ngũ cán bộ địa phương gặp gỡ các hộ dân vận động tích tụ được 1,2 ha đất nông nghiệp để xây dựng một mô hình sản xuất khép kín. Để thuận lợi trong quá trình đầu tư sản xuất, anh đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng, xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hợp tác xã đã tiến hành đầu tư bài bản, quy hoạch rõ ràng trong từng không gian, vị trí trên diện tích 1,2 ha; quy trình sản xuất đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ, xây dựng được 30 nhà lưới chắc chắn để tạo môi trường cách ly, không để các loài sâu bệnh có hại xâm phạm vào bên trong khu vực gieo trồng. Hệ thống tưới tự động được áp dụng linh hoạt cho từng khu vực. Các nhà lưới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe: Mặt bằng phải được dọn dẹp sạch sẽ, bằng phẳng, mỗi nhà lưới có diện tích 250 m2/nhà. Đất để gieo trồng các loại rau, củ được cải tạo cẩn thận và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, thông qua sức lao động của 9 nhân công làm việc trực tiếp. Hiện tại hợp tác xã đã và đang trồng các loại rau, quả sạch như: Rau muống, cải ngọt, cải canh, cải ngồng, rau dền, xà lách, dưa chuột, dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới… Quá trình sản xuất, hợp tác xã chỉ sử dụng các hạt giống hữu cơ tự nhiên, không sử dụng phân hóa học hoặc thuốc trừ sâu độc hại, đảm bảo các sản phẩm được sản xuất ra không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp bảo vệ môi trường.  Tháng 8 năm 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng đã được Trung tâm giám định và chứng nhận đạt chuẩn hợp quy VIETCERT công nhận sản xuất sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, mang lại niềm tin và sự yên tâm cho khách hàng sử dụng. Anh đã xây dựng được website quảng bá sản phẩm mang tên “Chapifarm.com” và trang Facebook “Trang trại nông sản sạch Chapifarm” để quảng bá thương hiệu cũng như cung cấp cho các khách hàng online hàng ngày những sản phẩm trang trại làm ra. Hiện tại, các trang có hàng nghìn người theo dõi. Hiện doanh thu của hợp tác xã đạt 600 triệu đồng/năm. Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng được thành lập và đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, tạo công ăn việc làm cho người lao động và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thuỵ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc làm đó đã dần khắc phục được tình trạng ruộng đất hoang hóa và chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế cùng với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đó, thu hút, huy động nguồn lực đầu tư trong nhân dân, đồng thời, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân để tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, chuyển đổi số và phát triển thị trường.  Sau khi thấy kết quả bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động dôi dư, anh tiếp tục triển khai mô hình này tại xã Minh Tân, với diện tích đạt 1,5 ha đất nông nghiệp để mở rộng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị rau sạch trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Tổng kinh phí đến nay anh Lã Hà Thắng đã đầu tư lên đến gần 10 tỷ đồng. Đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn lại lâu hơn rất nhiều so với các ngành nghề sản xuất khác. Mặc dù vậy, anh vẫn quyết tâm làm bằng cả niềm đam mê, ý chí và khát vọng của mình, biến vùng đất miền quê này trở lên có giá trị, trở thành những vùng đất màu mỡ, để người dân có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống và người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe. Những mơ ước của anh bấy lâu nay giờ đã thành hiện thực. Một thanh niên trẻ, khởi nghiệp bằng niềm khát vọng và đam mê như anh Lã Hà Thắng thật xứng đáng để nhiều bạn trẻ học tập và noi theo. Anh vinh dự và tự hào khi được đứng trên bục danh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố./. PV

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương khen thưởng đột xuất 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống Cơn bão số 3

BTĐKT - Chiều 9/9, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức tuyên dương, khen thưởng đột xuất 2 cá nhân là công chức, nhân viên của Ban đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống Cơn bão số 3. Dự buổi tuyên dương có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Ban. Đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao tặng Giấy khen cho ông Vũ Xuân Phú và ông Hoàng Thành Đô Trước đó, chiều tối ngày 7/9, ông Hoàng Thành Đô, nhân viên bảo vệ cơ quan và ông Vũ Xuân Phú, Phó Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hồ sơ đã không quản thời tiết khắc nghiệt trong Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), kịp thời có mặt ở cơ quan, phối hợp cùng các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ di chuyển kho tài liệu quý về thi đua, khen thưởng cấp Nhà nước đến nơi an toàn. Ghi nhận thành tích nêu trên, ngày 9/9/2024, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có Quyết định số 69/QĐ-BTĐKT về việc tặng Giấy khen của Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho ông Vũ Xuân Phú và ông Hoàng Thành Đô. Đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi tuyên dương Phát biểu tại buổi tuyên dương, đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của 2 cán bộ, nhân viên thuộc Ban trong công tác phòng, chống bão. Trưởng ban đánh giá hành động dũng cảm của các đồng chí thể hiện trách nhiệm rất cao của công chức, viên chức cơ quan Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẵn sàng xả thân để bảo vệ an toàn tài sản chung. Trưởng ban mong rằng hành động đẹp của các đồng chí sẽ được lan tỏa tới công chức, viên chức toàn cơ quan, góp phần giữ gìn, bảo vệ cơ quan ngày càng an toàn, khang trang, văn minh. Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Xuân Phú, Phó Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hồ sơ cho biết: Vào thời điểm 16 giờ 10 phút ngày 7/9/2024, mái nhà tầng 4, kho lưu trữ tài liệu kháng chiến, nhà I của cơ quan bị gió bão thổi bay các tấm tôn ốp mái. Tình hình gió bão lúc đó tiếp tục mạnh lên, tầng 4 có nguy cơ bị tốc mái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài liệu quý về thi đua, khen thưởng cấp Nhà nước. Ông Hoàng Thành Đô đã báo cáo lãnh đạo Văn phòng và trực tiếp ông Vũ Xuân Phú, Phó Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hồ sơ, Đội trưởng Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Ban. Ông Vũ Xuân Phú lập tức báo cáo Trưởng ban xin ý kiến, đồng thời đề nghị lãnh đạo Ban liên hệ với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ hỗ trợ lực lượng để thực hiện nhiệm vụ. Được sự chỉ đạo kịp thời của Trưởng ban, ông Vũ Xuân Phú đã không quản thời tiết mưa bão lớn, vượt hơn 10km đường đến được trụ sở Ban nhanh chóng đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn bão và khẩn trương phân công nhiệm vụ cho 12 chiến sĩ lập tức chuyển tài liệu sang kho khác an toàn trong điều kiện nước mưa đang tràn vào kho, gió bão giật liên hồi, khả năng tốc mái bất cứ lúc nào. Trong thời gian từ 19h đến 23h đêm cùng ngày, trong điều kiện làm việc khó khăn và nguy hiểm, ông Vũ Xuân Phú, ông Hoàng Thành Đô và 12 chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã di chuyển hơn 350m tài liệu quý về thi đua, khen thưởng kháng chiến sang vị trí kho an toàn. Ông Vũ Xuân Phú, ông Hoàng Thành Đô và các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ sau khi hoàn thành nhiệm vụ Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Phú và ông Đô tiếp tục trực phòng, chống bão. Đến sáng ngày 8/9/2024, ông Vũ Xuân Phú và ông Hoàng Thành Đô đã chủ động phối hợp cùng các thành viên trong Đội PCCC và Cứu nạn, cứu hộ của Ban và Văn phòng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả, dọn cành cây gãy và vệ sinh trụ sở Ban. PV    

Chia sẻ cùng thầy cô 2024: Nhìn lại 10 năm vì hành trình dạy – học hạnh phúc

BTĐKT – Sáng 20/8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và các đơn vị tổ chức họp báo Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Đây là hoạt động thường niên do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức từ năm 2015 đến nay, nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Qua 9 năm tổ chức, chương trình đã tuyên dương 516 giáo viên có thành tích tiêu biểu xuất sắc… Ban tổ chức trao đổi thông tin với các vấn đề báo chí quan tâm về chương trình năm 2024 Năm 2024 là năm thứ 10 chương trình được tổ chức, đánh dấu “10 năm vì hành trình dạy – học hạnh phúc”. Chương trình sẽ tuyên dương các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc đã và đang giảng dạy tại các cấp trong hệ thống giáo dục phổ thông. Cụ thể: Các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại các điểm trường lẻ tại các xã khó khăn thuộc khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; các thầy giáo, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (Chiến sĩ quân hàm xanh) tham gia công tác xóa mù chữ cho đồng bào, thanh thiếu nhi ở biên giới, địa bàn đóng quân; giáo viên các trường giáo dưỡng (trại giáo dưỡng) do Bộ Công an quản lý. Tiêu chí để lựa chọn các thầy giáo, cô giáo được tuyên dương là: Có tư cách đạo đức, lối sống tốt; có nhiều đóng góp trong việc giáo dục học sinh ở địa phương, tạo được những chuyển biến nổi bật về chất lượng và hiệu quả giáo dục; có tinh thần bền bỉ vượt khó, tận tâm với sự nghiệp giáo dục, được học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng yêu mến. Ưu tiên các thầy giáo, cô giáo có thời gian công tác lâu năm; các thầy giáo, cô giáo trẻ tình nguyện dạy học tại các địa phương; các thầy giáo, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác. Thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp từ 3 năm trở lên. Theo ban tổ chức, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, diễn ra theo hai hình thức offline và online, từ tháng 8 đến tháng 11. Đặc biệt, cao điểm trong tháng 11, chương trình thực hiện chuỗi hoạt động tuyên dương thầy cô nhiều ý nghĩa như: Tiếp kiến lãnh đạo Đảng, nhà nước; gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo và lãnh đạo Hội LHTN Việt Nam, Lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 dự kiến tổ chức vào 20/11 tại Thủ Hà Nội. Các giáo viên được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Kỷ niệm chương và Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra chương trình sẽ có nhiều hoạt động đồng hành để lan tỏa trong xã hội những hành động thiết thực tri ân thầy cô, tôn sư trọng đạo như: Tổ chức Cuộc thi “Tri ân thầy cô – Chia sẻ cùng thầy cô” trên mạng xã hội TikTok; tổ chức Hành trình tri ân thầy cô ở ba miền đất nước để chứng kiến quá trình giảng dạy, đào tạo nhân tài của các thầy cô và lan tỏa đến toàn xã hội những câu chuyện đẹp về hành trình lan tỏa tri thức của người thầy; chương trình “Báo chí chia sẻ cùng thầy cô” để các nhà báo, phóng viên lan tỏa sâu rộng hơn nữa câu chuyện về các thầy cô giáo với cách làm hay, sáng tạo trong việc dạy học, tình cảm thầy trò... Mai Thảo  

Nữ cán bộ Tư pháp nhiệt huyết, yêu nghề

BTĐKT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cũng có một người cán bộ như thế, người được biết đến là một cán bộ gương mẫu, tận tụy và luôn trăn trở, tâm huyết với công việc. Đó là chị Lê Thị Minh Hiếu, Trưởng phòng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên.  Chị Lê Thị Minh Hiếu, Trưởng phòng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên Ký ức không phai của nữ cán bộ tư pháp Quãng thời gian 22 năm công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên, chị Minh Hiếu đã trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó có hai mảng nhiệm vụ mà chị vô cùng tâm huyết, gắn bó là công tác hộ tịch và công tác xây dựng văn bản. Gần 10 năm chị không còn phụ trách mảng hành chính tư pháp nhưng khi nói chuyện về công tác hộ tịch, chị còn rất nặng lòng; nhiều thế hệ cán bộ tư pháp hộ tịch cơ sở tỉnh Thái Nguyên luôn nhớ đến chị như một đồng nghiệp thân thiện, gần gũi, sẵn sàng chia sẻ, gỡ khó cho từng tình huống hộ tịch mà anh em cơ sở chưa nghiên cứu, chưa xử lý kịp thời. Những kỷ niệm về đăng ký khai sinh cho trẻ em vùng cao, đăng ký hôn nhân thực tế…, với chị mới như ngày hôm qua. Giờ đây, với công tác xây dựng văn bản QPPL, chị cũng tâm huyết như thế, như thể chị sinh ra là để làm các công việc của ngành Tư pháp. Chia sẻ về ngành Tư pháp, chị bày tỏ: “Đến nay, đã hơn 20 năm là người của ngành Tư pháp, một chặng đường với thật nhiều trải nghiệm quý giá với ngành và tình yêu với nghề mà anh em, đồng chí, đồng nghiệp chúng tôi vẫn gọi là nghề “đọc chữ”. Có lẽ vì thế mà chúng tôi luôn vui đùa với nhau là nhà tư pháp chả có gì ngoài văn bản; người tư pháp suốt đời trăn trở đi tìm “căn cứ pháp lý” cho các quyết định chỉ đạo, điều hành từ quan trọng đến thông thường của các cấp chính quyền địa phương. Niềm vui sau tất cả chính là sự tin tưởng, tín nhiệm của các cấp lãnh đạo và của các sở, ngành, địa phương. Với tôi, niềm vui với nghề thật là hạnh phúc lớn lao”. Không chỉ được mọi người biết đến là một cán bộ gương mẫu, tận tụy với công việc, chị Minh Hiếu còn được các thế hệ cán bộ đoàn Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên nhớ đến là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình, đã tạo ra nhiều bứt phá trong hoạt động tình nguyện của thanh niên khi lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật với các chủ đề về phòng, chống ma túy, an toàn giao thông, tuyên truyền pháp luật học đường... Nhớ về những tháng năm tuổi trẻ, chị Hiếu xúc động: “22 năm trở về trước, tôi nhớ rất rõ sự kiện thành lập Chi đoàn Thanh niên và lần đầu tiên, đoàn viên của Sở Tư pháp không còn phải đi sinh hoạt nhờ, sinh hoạt ghép với các chi đoàn bạn. Với tôi và lứa đoàn viên ngày ấy đó thực sự là một sự kiện trọng đại, xúc động vô cùng! Có lẽ vì thế mà chúng tôi đã sống những năm tháng tuổi 20 thật rực rỡ khi say mê các hoạt động tình nguyện, mải miết đi khắp các bản làng để tuyên truyền pháp luật”. Khi tổ chức Trợ giúp pháp lý của Nhà nước được ra đời và thành lập thì cũng vẫn là những thế hệ thanh niên đó đã xung phong “cõng luật” đến muôn nẻo vùng cao, vùng sâu xa khó khăn của tỉnh Thái Nguyên với một mục tiêu mà ngành Tư pháp luôn đề cao: Làm sao để người dân, nhất là người dân ở những nơi khó khăn, dân trí thấp được biết luật, hiểu luật để thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Những năm tháng thanh niên sôi nổi với trái tim nhiệt huyết của người Bí thư chi đoàn đầu tiên và những hoài bão tuổi thanh xuân là dư vị đẹp đẽ khiến cho tình yêu với ngành Tư pháp, với các công việc của nghề tư pháp như ăn sâu, đau đáu trong lòng người cán bộ “Chả đi đâu nữa, cứ làm tư pháp thôi”. Yêu ngành, yêu cả những công việc khó khăn Với cương vị hiện tại là Trưởng phòng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL, chị Minh Hiếu nói cũng là do“duyên số”, khi năm 2013, với chủ trương chuyển đổi vị trí công tác, khi đã được định hướng sang lĩnh vực khác nhưng chị mạnh dạn đề xuất, thậm chí còn “nài nỉ” để được làm công tác xây dựng văn bản - một vị trí công việc khá kén người làm. Đang từ lĩnh vực giải quyết sự vụ với các thủ tục hành chính cụ thể chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu sâu về thể chế, chính sách cũng có những rào cản, ngại ngần ban đầu. Càng làm việc càng thấy nhiều điều mới mẻ, khám phá được nhiều tri thức pháp luật khiến chị thấy thích thú, cảm thấy công tác văn bản không hề khô khan, khó chịu như đã từng nghe, tất nhiên chị nhận thức rõ đây thực sự là một công việc khó, đòi hỏi trách nhiệm cao với sức ảnh hưởng rộng và để lại hậu quả khôn lường nếu cẩu thả, thiếu kiến thức, trách nhiệm. Ngược lại, nếu làm tốt, hiệu quả thì vai trò, vị trí của ngành Tư pháp quả đúng sẽ là “hữu xạ tự nhiên hương”. Trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng thể chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật được coi trọng, đề cao; sự tin tưởng luôn gắn với trách nhiệm và yêu cầu khắt khe, thậm chí là những thiệt thòi khi phải âm thầm nghiên cứu, cặm cụi tìm tòi để có thể có những đề xuất chính sách phù hợp, những sáng kiến pháp luật hợp lý nhưng nếu chỉ một sơ xuất nhỏ, một quan điểm sai lệch đã phải chịu phê bình… Chị Minh Hiếu cười bảo: “Làm nghề tư pháp, yêu cả những lời chê, như thế mới trưởng thành được!”. Hơn 20 năm gắn bó với ngành, chị đã được nhận nhiều hình thức khen thưởng, tuyên dương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh… Với chị, tất cả những động viên, khích lệ đó là chất xúc tác để tình yêu ngành, yêu nghề lớn hơn; những trăn trở, tâm huyết với công việc nhiều hơn và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng thêm trong mỗi chặng đường. Trọng Thể

Trang