Điển hình tiên tiến

Đảng viên trẻ tiêu biểu trong tham mưu thực hiện chuyển đổi số

BTĐKT - Anh Tạ Ngọc Khánh, Phó trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông - Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai là đảng viên trẻ, luôn năng động, sáng tạo, tích cực tham mưu triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Với gần 15 năm công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông, xuất phát điểm là cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Lào Cai, đơn vị trực thuộc Sở, năm 2016 anh Tạ Ngọc Khánh đã được chuyển công tác lên phòng Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Sở. Ngay từ ngày đầu thực hiện nhiệm vụ tham mưu, quản lý nhà nước, anh Tạ Ngọc Khánh đã được giao các nhiệm vụ về phát triển ứng dụng CNTT, chính phủ điện tử và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh. Trong công việc, anh Khánh luôn tích cực trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiên cứu kỹ các văn bản, tài liệu hướng dẫn, chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo phòng, Ban Giám đốc cơ quan giải quyết công việc một cách hiệu quả. Với nhiệm vụ tham mưu triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, anh Khánh cùng các đồng nghiệp phòng Bưu chính - Viễn thông - Công nghệ thông tin đã tham mưu ban hành nhiều quyết định, chương trình, kế hoạch có tính xuyên suốt như: Quyết định số 1634/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 4678/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai, phiên bản 2.0, trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 08-QĐ/BCĐCĐS ngày 10/3/2023 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phê duyệt danh mục sản phẩm đặc trưng chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 - 2025 với 25 sản phẩm đặc trưng; Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Lào Cai hàng năm (năm 2021, 2022, 2023);… Anh Tạ Ngọc Khánh trình bày bài thi tại Hội thi Báo cáo viên giỏi năm 2023 Anh đã tham mưu hướng dẫn, triển khai các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh như: Tham gia thẩm định, cho ý kiến chuyên ngành các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của các sở, ban, ngành và các địa phương; hỗ trợ các cơ quan đơn vị triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung; hướng dẫn triển khai, tích hợp các dịch vụ với nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu LGSP của tỉnh; tổ chức thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác và triển khai chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh với các Tập đoàn VNPT, VIETTEL, FPT. Ngoài ra, anh đã tham mưu tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh, trọng tâm tổ chức hội nghị đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số và diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin với tổng số gần 800 người tham gia hội nghị và diễn tập. Tham mưu, hướng dẫn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, phối hợp tổ chức tập huấn cho đối tượng là thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh 6.870 học viên. Phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức đào tạo tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh, thực hiện đồng thời qua hình thức trực tuyến cho 6.000 học viên. Về an toàn thông tin, anh đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 61/2021/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tham mưu thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Lào Cai; thực hiện tổ chức kiểm tra ứng dụng Công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tham mưu thực hiện Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai các hoạt động hướng dẫn xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ đối với các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt 61 hệ thống thông tin, trong đó có 4 hệ thống thông tin cấp độ 3, 57 hệ thống thông tin cấp độ 2. Trong thời gian giãn cách xã hội, anh Khánh cùng các đồng nghiệp đã tích cực chủ trì triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó là: Hướng dẫn sử dụng, khai báo y tế điện tử bằng mã QR & khai báo y tế trực tiếp trong phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; tham gia các hoạt động triển khai kiểm soát người ra vào tỉnh qua ứng dụng PC-Covid (Bluezone) tại chốt kiểm dịch Km 237 cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Là một đảng viên, đoàn viên thanh niên trẻ, anh Khánh luôn ý thức được bản thân cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Chính vì thế, anh đã rất tích cực, chủ động ứng dụng CNTT trong xử lý công việc chuyên môn, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu quả làm việc như: Ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản, Hồ sơ công việc, phầm mềm đánh giá cán bộ công chức, thư điện tử, hệ thống thông tin báo cáo… Với bản tính chịu khó, tác phong nhanh nhẹn và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, anh luôn được lãnh đạo sở, lãnh đạo phòng tin tưởng mỗi khi giao việc khó, việc gấp, cần sự tỉ mỉ, chính xác. Nhiều công việc được hoàn thành trước thời hạn, không để xảy ra sai sót trong quá trình xử lý, góp phần giúp cơ quan hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Anh Tạ Ngọc Khánh đạt giải Ba Hội thi báo cáo viên giỏi năm 2023 Ha năm liên tiếp (2022 - 2023), anh Tạ Ngọc Khánh đạt giải cao trong Hội thi Báo cáo viên với chủ đề “Chuyển đổi số và cơ hội chuyển đổi số cho địa phương cấp huyện trên địa bàn tỉnh”, “Chuyển đổi số cấp xã từ mô hình thí điểm đến thực tế triển khai”. Kết quả đó đã thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo của tuổi trẻ tạo ra những giá trị mới. Với tinh thần tự giác miệt mài phấn đấu, học tập, rèn luyện, hăng say công tác chuyên môn, các hoạt động đoàn thể, văn nghệ, thể thao, anh Tạ Ngọc Khánh đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng bằng khen với các danh hiệu chiến sĩ thi đua, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lâm Tú

Lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến cộng đồng, xã hội

BTĐKT - Sáng 22/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức chương trình Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2023, với chủ đề “Mỗi tấm gương là một bông hoa đẹp”. Dự chương trình, có các đồng chí: Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… Đặc biệt, tại buổi giao lưu có sự tham gia chia sẻ của 7 khách mời, là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở''; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Chuyển đổi số; “Thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”… Đồng chí Nguyễn Thế Huân, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu khai mạc chương trình Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Thế Huân, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết: Chương trình được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, thông qua những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa của các tấm gương điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động được lựa chọn tham gia giao lưu hôm nay, Ban Tổ chức mong muốn lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng, xã hội; từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp, tạo động lực và quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội; đồng thời, góp phần xây dựng ngành Thi đua, Khen thưởng ngày càng phát triển vững mạnh. Anh Nguyễn Minh Kiều (sinh năm 1984), Công ty dịch vụ thương mại và sản xuất Song Ân, TP Hồ Chí Minh và anh Lại Văn Hiệp, Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông giao lưu tại chương trình Tại buổi giao lưu, các khách mời đã chia sẻ những câu chuyện, cách làm hay, đóng góp cho xã hội. Tiêu biểu trong số đó là anh Nguyễn Minh Kiều (sinh năm 1984), Công ty dịch vụ thương mại và sản xuất Song Ân, TP Hồ Chí Minh, là người dành nhiều tâm huyết để phát triển các dự án về công nghệ thông tin, cụ thể là xây dựng các phần mềm cho ngành Y tế, trong đó nổi bật là sản phẩm Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis – đạt giải 3 Cuộc thi y tế thông minh 2018, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019. Anh Lại Văn Hiệp (sinh năm 1988), là thanh niên trẻ, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong nghiên cứu, khởi nghiệp sản xuất và xuất khẩu than trắng cao cấp theo công nghệ Nhật Bản, mang thương hiệu KyoBin. Anh là người thành lập doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất (Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông) thuộc lĩnh vực than củi Việt Nam được Hiệp hội doanh nghiệp Than củi Nhật Bản tín nhiệm về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Hiện doanh nghiệp của anh có quy mô 100 lao động, với mức lương trung bình công nhân nam 10,5 triệu đồng/tháng, công nhân nữ 7 triệu đồng/tháng; sản xuất và tiêu thụ khoảng 2000 tấn than trắng, 1300 tấn than đen sang nhiều thị trường nước ngoài: Nhật, Mỹ, Malaysia và Úc mỗi năm. Chị Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội và anh Nguyễn Tiến Huy, người khởi xướng nhóm Hà Nội Xanh giao lưu tại chương trình Chị Bùi Thị Lan Phương, gần 1 thập kỷ, với vai trò là “thủ lĩnh” phong trào chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, luôn tìm đến sẻ chia, giúp đỡ nhiều số phận thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Năm 2020, chị Phương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được tôn vinh là Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng. Bên cạnh đó là những con người tâm huyết với các hoạt động truyền cảm hứng sống đẹp đến cộng đồng, xã hội. Anh Nguyễn Tiến Huy là người khởi xướng nhóm Hà Nội Xanh, nhóm đã tham gia dọn dẹp được gần 200 buổi hoạt động, làm sạch được hơn 100 điểm đen tại khu vực thành phố Hà Nội, thu gom được hàng trăm tấn rác thải từ các dòng sông, địa bàn trên để đưa về nơi xử lý rác của thành phố. Anh Đặng Đình Mạnh giao lưu tại chương trình Anh Đặng Đình Mạnh là mạnh thường quân thầm lặng, luôn đứng sau để cổ vũ, động viên và ủng hộ vật chất lẫn tinh thần cho nhóm Hà Nội Xanh duy trì thực hiện những công việc có ích cho cộng đồng xã hội. Bằng những suất cơm quê, suất cháo cá, bún chả cá giàu dinh dưỡng do chính tay mình tự nấu, anh Mạnh không chỉ hỗ trợ, tiếp sức cho các bạn trẻ Hà Nội Xanh suốt nhiều tháng nay mà đang góp phần nhân lên những điều tốt đẹp trong cộng đồng xã hội. Năm 2020, trong những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid-19, anh cũng đã tự bỏ kinh phí, vào bếp nấu hàng ngàn suất ăn ngon, mang đến tiếp sức cho các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Rồi thi thoảng anh lại thức đêm nấu cơm, mang đến trao tận tay những người vô gia cư, lang thang ở Hà Nội. Trong hệ thống nhà hàng Mạnh Cá lăng do anh làm chủ, anh còn nhận đào tạo, bố trí công ăn việc làm cho gần 100 hoàn cảnh éo le khác… Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và nông dân Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình giao lưu tại chương trình Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, hơn 22 năm giảng dạy bộ môn Hóa học tại  trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo về nội dung và phương pháp dạy học, góp phần bồi dưỡng niềm đam mê, yêu thích bộ môn hóa học trong các thế hệ học sinh. Nông dân Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bìnhlà tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi với quy mô lớn. Từ chăn nuôi gà, nuôi lợn thịt, gia đình anh có thu nhập ổn định 1,7 tỷ đến 2 tỷ đồng mỗi năm. Trang trại đã tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương với mức thu nhập hàng tháng bình quân từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/người. Đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại chương trình Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu tham dự buổi giao lưu; hoan nghênh và đánh giá cao Trung tâm Thông tin - Truyền thông đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong tuyên truyền, tôn vinh, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu. Đồng chí đề nghị mỗi tập thể, mỗi cá nhân điển hình tiên tiến tại buổi giao lưu hôm nay tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn nữa, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người mãi mãi noi theo. Ban Tổ chức tặng hoa và biểu trưng chúc mừng các điển hình giao lưu tại chương trình Đồng chí đề nghị Trung tâm Thông tin - Truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, sáng tạo, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, nêu gương, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, trong xã hội. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền qua các kênh truyền thông của mình như Đặc san Thi đua Khen thưởng, Cổng thông tin điện tử của Ban và Trang Thông tin điện tử tổng hợp Thi đua Khen thưởng; tổ chức hội nghị, hội thảo, giao lưu, tọa đàm, gặp mặt điển hình tiên tiến…Tăng cường phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương trong việc phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương. Nguyệt Hà

Tỷ phú nuôi gà ở Thái Bình

BTĐKT - Gần chục năm gắn bó với nghề chăn nuôi, đến nay, anh Phạm Xuân Thủy ở xóm 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã trở thành tỷ phú với cơ ngơi 13 trại nuôi lợn, gà khép kín. Anh được vinh danh là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022. Chia sẻ về mô hình trang trại của mình, anh Phạm Xuân Thủy cho biết: Năm 2012, khi xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư có chủ trương chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, anh đã mạnh dạn tích tụ 1 ha ruộng vốn là cánh đồng trũng, ngập úng quanh năm của xã để đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà thương phẩm với quy mô khoảng 30.000 con gà thịt. Khi mới bắt đầu xây dựng mô hình nuôi gà, anh Thủy cho biết, đã phải trải qua rất nhiều khó khăn khi nguồn điện cách xa trang trại gần 1 km. Bên cạnh đó, đường dẫn đến trang trại là đường đất nhỏ hẹp, rất khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu, thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, giá cả thị trường không ổn định, nguồn vốn gia đình còn hạn hẹp, kiến thức về quản lý trang trại, chăn nuôi, thú y còn hạn chế, chưa khoa học… Trang trại nuôi gà khép kín của anh Phạm Xuân Thủy "Sau một thời gian tìm hiểu về nguồn giống, thức ăn và nhu cầu thị trường, kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học, tôi nhận thấy cần phải đổi mới phương thức chăn nuôi đó là áp dụng khoa học công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và hạn chế được rủi ro dịch bệnh", anh Thủy nói. Anh Thủy đã đầu tư xây dựng hệ thống tường bao đảm bảo ngăn chặn sự xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài vào kết hợp với thực hiện phòng, chống tốt bên trong trang trại. Chuồng trại nuôi gà được thiết kế theo quy trình khép kín với hệ thống làm lạnh bên trong mỗi chuồng nuôi. Cùng với đó, anh Thủy đã đầu tư hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… Mọi hoạt động kiểm tra, giám sát khu vực chăn nuôi được anh Thủy thực hiện qua hệ thống camera và có hệ thống sổ sách theo dõi quản lý hằng ngày. Đường vào trang trại đã được anh đổ bê tông rộng 3,5 m. Vì vậy hiệu quả của mô hình ngày được nâng lên. "Từ diện tích ban đầu 1 ha với 3 trại chuồng nuôi năm 2012 đến nay, tôi đã mở rộng trang trại lên 5 ha đã xây dựng được 11 trại chuồng nuôi gà, 2 trại lợn khép kín, quy mô chăn nuôi khoảng 160.000 con gà thịt, 1.000 con lợn/lứa. Từ chăn nuôi gà, nuôi lợn thịt, gia đình tôi có thu nhập ổn định 1,7 tỷ đến 2 tỷ đồng mỗi năm. Trang trại đã tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương với mức thu nhập hàng tháng bình quân từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/người", anh Phạm Xuân Thủy phấn khởi cho biết. Từ chăn nuôi gà, nuôi lợn thương phẩm, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh Thủy thu lãi 1,7 tỷ đến 2 tỷ đồng mỗi năm. Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, anh Thủy cho biết sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, tự động hóa các khâu trong chăn nuôi. Anh sẽ xây dựng cơ sở chế biến, phối trộn thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đồng thời sẽ xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến thịt gà để nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo thêm nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương. Tích cực đóng góp cho cộng đồng Đáng quý, không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, bản thân và gia đình anh Thủy còn tích cực tham gia phong trào của Hội Nông dân và các đoàn thể trong xã. Anh Thủy đã tham gia ủng hộ xây dựng nông thôn mới với các đường trục thôn, đường trục xã, đường giao thông nội đồng với số tiền 120 triệu đồng. Hàng năm, anh Thủy đều tham gia ủng hộ các quỹ do địa phương phát động các quỹ: "Đền ơn, đáp nghĩa", "Vì người nghèo", "Khuyến học", tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo dịp Tết Nguyên đán với số tổng số tiền từ 30 đến 50 triệu đồng. Năm 2020, anh Thủy tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tổng giá trị bằng tiền và hiện vật 145 triệu đồng.   Anh Thủy là hội viên nông dân duy nhất được bầu tham gia Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Thái Bình khóa XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Bên cạnh đó, là hội viên Hội Nông dân, anh Thủy luôn có ý thức xây dựng tổ chức Hội, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên cùng tham gia các phong trào của Hội. Anh Thủy tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn và giúp đỡ cung cấp giống tốt và cám chăn nuôi chất lượng cho nhiều gia trại, trang trại khác ở trong và ngoài xã cùng phát triển chăn nuôi đạt kết quả tốt. Nhận xét về hội viên nông dân Phạm Xuân Thủy, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình phấn khởi cho biết: "Mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi gà, lợn thương phẩm là điểm sáng trong phát triển kinh tế ở tỉnh Thái Bình. Bản thân anh Thủy rất năng động, giỏi giang và có nhiều đóng góp trong công tác Hội và phong trào nông dân ở địa phương. Ngay sau đại hội, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình sẽ thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Thái Bình, Hội Nông dân tỉnh sẽ mời anh Thủy tham gia và làm Chủ nhiệm câu lạc bộ". Với những thành tích xuất sắc đạt được, năm 2022, anh Thủy được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022. Tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc tổ chức tháng 6/2023, anh Thủy vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Hưng Vũ

Điểm tựa vững chắc của hơn 3000 người lao động

BTĐKT - Gánh trên vai cùng một lúc hai trọng trách lớn, Giám đốc điều hành và Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, dù gặp không ít áp lực và khó khăn, nhưng anh Ngô Ngọc Vinh luôn nỗ lực cân đối hài hòa hai nhiệm vụ. Không chỉ đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả và có lợi nhuận, anh Vinh còn là điểm tựa tin cậy, luôn quan tâm chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần cũng như tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho hơn 3000 người lao động phát huy tối đa giá trị, khả năng lao động, sáng tạo, góp phần xây dựng công ty ngày một phát triển. Năm 2023, anh vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Chỗ dựa tin cậy của người lao động Chúng tôi hẹn gặp anh Vinh đúng ngày đang diễn ra vòng sơ kết Cuộc thi nghệ thuật chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 của BCH Công đoàn công ty tổ chức. Dù được mời ngồi ngay vị trí bàn đầu tiên với tư cách đại diện BCH Công đoàn công ty, nhưng thi thoảng anh Vinh lại ra khỏi chỗ, cầm chiếc điện thoại của mình để chụp ảnh, quay phim, ghi lại những khoảnh khắc đặc sắc của đoàn viên các tổ công đoàn biểu diễn. Đôi khi anh đu đưa theo từng giai điệu múa, hát trong các tiết mục của các Tổ công đoàn, vừa vỗ tay tán thưởng, vừa nở những nụ cười động viên, làm cho các thí sinh “không chuyên” thêm phần tự tin trong phần thi của mình.  Chị Cao Thị Dung, một đoàn viên thuộc Tổ Công đoàn Văn phòng Công ty Stanley Việt Nam, vừa biểu diễn xong tiết mục "Hào khí Việt Nam" hồ hởi chia sẻ: Để có tiết mục tham gia buổi biểu diễn này, gần 1 tuần nay, cả đội gồm 20 thành viên đã tranh thủ dành 1 tiếng đồng hồ sau giờ làm việc để cùng nhau luyện tập. Vì tất cả đều là nhân viên hành chính, người là nhân viên y tế, chuyên cấp phát thuốc, người làm nhân sự, pháp chế, người làm quản trị văn phòng… nên BCH Công đoàn đã tạo điều kiện thuê phụ đạo hướng dẫn cho chúng tôi 3 buổi. Dù chưa diễn hay được như các nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng nhìn thấy Chủ tịch Công đoàn Ngô Ngọc Vinh và các đoàn viên dưới hội trường vỗ tay tán thưởng, chúng tôi thấy vô cùng hào hứng và kỳ vọng tiết mục công phu của chúng tôi sẽ đạt giải cao. Anh Vinh động viên các đoàn viên sau khi biểu diễn tại Cuộc thi nghệ thuật chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 Chị Dung cho biết: Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thường niên do Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam tổ chức vào mỗi dịp lễ, tết hay ngày kỷ niệm nhằm làm phong phú thêm đời sống tinh thần cũng như tăng thêm tinh thần gắn kết cho hơn 3000 cán bộ, công nhân viên công ty. Ngoài ra, Công đoàn còn đề xuất Ban lãnh đạo công ty thực hiện rất nhiều chính sách tốt, đảm bảo quyền lợi tối ưu nhất cho người lao động. “Đặc biệt, đoàn viên chúng tôi rất biết ơn anh, dù gánh vác công việc điều hành công ty rất nặng nề, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều khó khăn, biến động khó lường, nhưng anh vẫn luôn xuất hiện trong các hoạt động, phong trào của đoàn viên, người lao động. 15 năm là thủ lĩnh công đoàn, anh vẫn luôn nhiệt tình, thấu hiểu và chia sẻ, giúp đỡ người lao động một cách chân tình, thấu đáo”, chị Dung xúc động khi chia sẻ về Chủ tịch Công đoàn Ngô Ngọc Vinh. Năm 2011, anh Vinh đã đề xuất với Ban lãnh đạo công ty đầu tư xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Từ đó đến nay, công ty đã xây dựng được cụm văn hóa ngoài trời gồm 2 sân tennis, 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo, vườn lan cảnh, hồ câu cá; cụm văn hóa trong nhà gồm: Phòng máy tính, phòng đọc sách có màn hình chiếu, phòng tập thể thao gồm rất nhiều máy tập hiện đại, phòng zumba, yoga, games, golf… với tổng giá trị hơn 45 tỷ đồng. Đây không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, nâng cao sức khoẻ, đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động mà còn là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, nơi để người lao động có thể gắn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, anh đã tham mưu xây dựng 4 căng tin công đoàn phục vụ công nhân lao động, các mặt hàng trong căng tin rất đa dạng, đảm bảo chất lượng và an toàn, vệ sinh được bán trợ giá 50% cho công nhân. Nhận thấy doanh nghiệp có điều kiện thích hợp, anh đề xuất doanh nghiệp thả cá, trồng nhiều cây xanh vừa tạo cảnh quan cho doanh nghiệp, vừa có thêm khoản phúc lợi tăng chất lượng bữa ăn ca, anh tham mưu xây dựng phòng hút thuốc lá và phòng vắt sữa phục vụ nữ công nhân, lao động nuôi con nhỏ. Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, anh còn tham gia xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất, sắp xếp lao động, đại diện cho người lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể, bổ sung, sửa đổi các điều khoản có lợi cho người lao động, xây dựng quy chế trả lương theo vị trí, chức danh công việc. Nhờ đó, mức lương của công nhân luôn ở mức cao, đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng. Thỏa ước của công ty luôn được xếp loại A và công ty luôn là doanh nghiệp điển hình để các đơn vị khác học tập. Công nhân có hoàn cảnh khó khăn luôn được công đoàn và doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện. Anh đã đề xuất doanh nghiệp và các cấp công đoàn hỗ trợ xây sửa nhà mái ấm công đoàn cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, để người lao động luôn thấy mình được trân trọng, tự hào, biết ơn; sự hân hoan luôn thường trực trên khuôn mặt của công nhân trong công ty. Cây sáng kiến của doanh nghiệp Anh Vinh vốn là một trong 20 người vào làm việc tại công ty ngay từ ngày đầu thành lập. Anh cũng bắt đầu từ vị trí của một nhân viên tiếng Nhật; dần dần phát huy năng lực, trở thành tổ phó, tổ trưởng, phó phòng, rồi Trưởng phòng Phòng Xuất nhập khẩu, Trưởng phòng Phòng AT, Trưởng phòng Phòng Môi trường, Trưởng phòng Phòng Hành chính nhân sự và đến nay là Giám đốc điều hành phụ trách toàn bộ mảng AT, môi trường, hành chính nhân sự. Ở bất kỳ vị trí làm việc nào, anh Vinh cũng luôn hết mình với công việc, hăng say lao động và sáng tạo, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của công ty. Cá nhân anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong sản xuất làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như sáng kiến “Cài đặt tối ưu thông số vận hành của thiết bị theo nhu cầu sản xuất thực tế (Energy Just-In-Time)” giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sáng kiến cắt giảm được 2,176,441 Kw điện/năm, tương đương giảm 990 ton CO2 và cắt giảm chi phí sử dụng điện cho công ty 3.94 tỷ/năm. Sáng kiến này đã được triển khai tại tất cả các phòng, ban thuộc 3 nhà máy trong công ty và đặc biệt được ứng dụng triển khai mạnh mẽ tại 25 công ty trong Tập đoàn Stanley tại các nước: Mỹ, Trung Quốc, Italia, Barazil, Ấn độ, Thailan, Indonesia, Trung quốc và Việt Nam. Anh Vinh (thứ hai từ trái sang) được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023 Anh còn có sáng kiến “Cắt giảm tiêu hao hóa chất xử lý bề mặt sản phẩm tại 2 công đoạn sơn bóng mầu và mạ”, giúp tiết kiệm tài nguyên, cắt giảm chất thải, làm lợi cho công ty gần 2,3 tỷ đồng. Sáng kiến được áp dụng rộng rãi tại 25 công ty trong tập đoàn. Hay, anh còn có sáng kiến “Giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động xử lý nước thải tới môi trường thông qua việc cải tạo, nâng cấp công nghệ xử lý nước thải tại nhà máy => Giảm yếu tố tác động môi trường”. Cụ thể: Sáng kiến đã cắt giảm được hóa chất sử dụng trong hoạt động xử lý nước thải có nguy cơ ngây ô nhiễm nguồn nước (H2SO4 và NaOH): 5.850 kg/năm tương ứng giảm 128.700.000 VNĐ/năm; cắt giảm 21,600 m3 nước thải trên năm và chi phí xử lý nước thải: 1.469.124.000 VNĐ/năm. Đề tài cải tiến đã được triển khai tại 7 trạm xử lý nước thải trong công ty và đề tài cũng chia sẻ tới 25 công ty thành viên trong tập đoàn, khách hàng và chuỗi nhà cung cấp cung ứng phụ tùng và nguyên vật liệu cho VNS… Từ kinh nghiệm lao động, sáng tạo của bản thân, “cây sáng kiến” Ngô Ngọc Vinh còn tham mưu với lãnh đạo doanh nghiệp phát triển, nhân rộng phong trào sáng kiến, sáng tạo trong toàn hệ thống công ty. Anh tham mưu lãnh đạo doanh nghiệp thành lập phòng Snap, khuyến khích người lao động có ý tưởng sáng kiến, cải tiến và đưa sáng kiến cải tiến vào thực tiễn. Đến nay, mỗi năm doanh nghiệp có khoảng hơn 8.000 sáng kiến được xét và đưa vào áp dụng, làm lợi cho công ty nhiều tỷ đồng. Nhờ cách làm hiệu quả, sáng tạo, công ty luôn là đơn vị dẫn đầu thành phố trong phong trào sáng kiến, sáng tạo Thủ đô, được trung ương và thành phố ghi nhận. Chia sẻ với chúng tôi, anh Vinh cho biết: Vừa làm công tác chuyên môn, vừa làm công tác công đoàn là một thách thức lớn đối với bản thân. Song, cùng gánh một lúc hai vai, tôi có cơ hội thấu hiểu cả mong muốn của chủ sử dụng lao động lẫn của người lao động. Từ đó, có sự cân đối hài hòa của cả hai nhiệm vụ, Giám đốc điều hành và Chủ tịch Công đoàn công ty. Anh cho rằng, để hoàn thành công việc thì trước hết phải bằng tất cả tâm huyết, bằng cái tâm của mình để lo cho mọi việc trọn vẹn. Anh luôn chứng minh với chủ lao động “Đầu tư cho đoàn viên, người lao động chính là đầu tư cho sự phát triển của công ty”; từ đó đưa ra các kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, gắn liền với kế hoạch đảm bảo môi trường làm việc cũng như quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Đồng thời, luôn chăm lo, đảm bảo việc làm, mức thu nhập và các quyền lợi của người lao động trong mọi hoàn cảnh. Anh Vinh cho biết: Tuy công việc áp lực nhưng chứng kiến công ty từ lúc mới thành lập chỉ khoảng 20 người với diện tích quy mô rộng chỉ 2 ha đến nay đã phát triển khang trang, rộng rãi với quy mô 14 ha và hơn 3000 công nhân lao động. Công ty luôn coi người lao động là trung tâm, thường xuyên đảm bảo tốt nhất quyền lợi, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần đồng thời khích lệ, động viên, tạo môi trường thuận lợi để người lao động phát huy giá trị, khả năng lao động, sáng tạo… Người lao động hạnh phúc, tin tưởng gắn bó nhiều năm, coi Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam như tổ ấm. Tôi thực sự hạnh phúc và thấy được phần nào những đóng góp nhỏ bé của mình trong mối quan hệ lao động hài hòa, tốt đẹp giữa doanh nghiệp và người lao động. Mai Thảo      

Tuổi trẻ tình nguyện hồi sinh những dòng sông “chết”

BTĐKT - Những ngày Hà Nội nắng như đổ lửa, những chàng trai, cô gái ấy vẫn miệt mài công việc của mình bên những dòng sông đen kịt phủ kín phế thải tại Thủ đô. Họ vẫn lạc quan, yêu đời, cất vang lời ca tiếng hát để quên đi mệt nhọc của tiết trời nắng nóng, quên đi xung quanh mình đủ thứ xú uế bủa vây. Họ là những thành viên của nhóm Hà Nội xanh đang dành năm tháng thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời tình nguyện làm đẹp Thủ đô, làm sạch môi trường. Hà Nội, những ngày tháng 5, theo chân hành trình của những “dũng sĩ diệt rác”, những tình nguyện viên vì một Hà Nội xanh “đội nắng” dầm mình dưới nước đen ngòm dọn rác trên các con sông, kênh, mương ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi không khỏi khâm phục. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp dưới lòng sông Pheo (chảy qua phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đen kịt là các bạn trẻ trong trang phục quần áo bảo hộ lọt thỏm giữa những khối phế thải lớn đang kiên trì, cặm cụi vớt từng tảng bèo, từng cái bàn, ban thờ mục ruỗng, cùng những kim tiêm, con dao hoen gỉ, xác chết động vật phân hủy trôi nổi… lên ven sông. Sau buổi lao động hăng say, miệt mài, “thành quả” của nhóm Hà Nội Xanh là hàng trăm bao rác lớn được đưa lên bờ, chờ chuyển đến địa điểm tập kết. Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Tiến Huy (sinh năm 1995), Trưởng nhóm thanh niên tình nguyện Hà Nội Xanh chia sẻ: Là một người con sinh sống và làm việc tại Hà Nội 7 - 8 năm nay, tôi có thể ghi nhớ hết tên các con sông bị ô nhiễm trên địa bàn. Tôi luôn đau đáu cống hiến sức mình giúp hồi sinh những con sông. Thế nên, cuối năm 2022, anh Huy đã thành lập một nhóm thanh niên tình nguyện “Hà Nội Xanh”, ban đầu chỉ có một vài thành viên, quyết tâm “hồi sinh” những con sông ô nhiễm tại Hà Nội với mục tiêu hàng tuần đi dọn sạch rác trên các con kênh, sông, mương. Sau 3 - 4 buổi dọn rác, anh cùng các thành viên bắt đầu quay video đăng tải lên TikTok. Rất nhanh chóng, những buổi dọn rác tại các con kênh, sông, mương đen kịt do người dân thải ra của nhóm Hà Nội Xanh được nhiều người dùng Tiktok và Facebook  lan tỏa mạnh mẽ. Chính tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” của nhóm Hà Nội Xanh đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, để ngày càng nhiều người tham gia dự án vớt rác khắp các con sông, kênh, mương ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, thu hút nhất là các bạn trẻ học sinh, sinh viên, ngoài ra còn có nhiều người đã đi làm và đã lập gia đình. Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1997, ở Thạch Thất, Hà Nội), một thành viên của nhóm chia sẻ: “Em biết đến nhóm Hà Nội Xanh qua một video từ mạng Tiktok, thật sự quá khâm phục và ngưỡng mộ các bạn. Chính nhóm Hà Nội Xanh đã truyền cho em một thông điệp mạnh mẽ, thay đổi thói quen của mình và nhất định em phải đăng ký tham gia hoạt động ý nghĩa này. Đến nay, em đã tham gia được 2 tháng. “Em nghĩ, với tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng em nên cống hiến, góp chút công sức để lan tỏa thông điệp với cộng đồng bảo vệ, giữ gìn môi trường. Quanh khu vực Hà Nội, còn nhiều con kênh, mương, sông tắc nghẽn rác đang chờ nhóm trẻ chúng em”, Quang Huy chia sẻ. Tuy không phải lội xuống sông, kênh, mương như những thành viên khác, nhưng cô gái Bùi Bích Phương (sinh năm 1998), thành viên nhóm lại làm nhiệm vụ đặc biệt hơn là “livestream” (phát trực tiếp) lên mạng xã hội về hoạt động dọn rác của nhóm để lan tỏa những điều tích cực trong xã hội, lan tỏa những hành động đẹp tới cộng đồng để người dân không vứt rác bừa bãi. Bích Phương cho biết: Mỗi buổi livestream, có đến hàng nghìn người xem, trong đó, 80% người xem ủng hộ, không ngớt dành lời khen ngợi cho nhóm, nhiều câu hỏi được gửi đến nhóm khiến cô gái trẻ phải tác nghiệp không ngừng nghỉ. “Khi livestream nhóm Hà Nội Xanh dọn rác, nhiều người e ngại “sao lại dành thời gian đi dọn rác” nhưng em muốn lan tỏa thông điệp này đến cộng đồng rằng “Hãy cứ cho đi và đừng mong nhận lại, sống hết mình cho cuộc đời và về sau”, cô gái Bùi Bích Phương chia sẻ. Trải qua 1 năm hoạt động, đến nay, nhóm đã có gần 400 thành viên, xử lý dọn sạch, làm sạch những con kênh, mương, sông bị ô nhiễm ở gần 60 điểm như dọc sông Tô Lịch, kênh La Khê, Linh Đàm, Thanh Oai, cầu Chùa Ngòi, Tây Tựu, sông Nhuệ, sông Pheo… với hàng nghìn túi rác. Trước mỗi buổi dọn rác, Trưởng nhóm Tiến Huy cùng Phó nhóm Lê Minh Hiếu (quê Hà Nam) sẽ trực tiếp lội xuống nước khảo sát địa hình, số lượng rác rồi lên kế hoạch, phân chia khu vực. Công việc của một buổi kéo dài 4 - 5 tiếng, khá vất vả. Đến nay, vẫn có rất nhiều người tiếp tục đồng hành, đó là niềm vui và sự động viên để Tiến Huy tiếp tục duy trì. Cảm kích với tình yêu của các tình nguyện viên nhóm Hà Nội Xanh dành cho Thủ đô, anh Đặng Đình Mạnh (Mạnh cá lăng), một người yêu ẩm thực ở Hà Nội trước đó đã tự bỏ kinh phí, vào bếp nấu hàng nghìn suất ăn tiếp sức cho các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Nay anh tiếp tục lan tỏa tinh thần ấy, nấu những suất ăn ngon, tiếp sức cho những chàng trai, cô gái nhóm Hà Nội Xanh. Anh Mạnh chia sẻ, khi nhìn thấy nhóm Hà Nội Xanh dọn rác, anh rất ấn tượng, cảm kích và nghĩ sẽ làm điều gì đó để tiếp sức, động viên các bạn. Nên có những hôm, anh đến điểm dọn rác, động viên các bạn bằng tinh thần, xuống sông, mương làm cùng các bạn để cảm nhận được việc làm ý nghĩa của các bạn. “Nếu như không có một tình yêu thực sự, không có sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi nghĩ, các bạn trẻ không dấn thân, không cống hiến được như vậy. Thật khâm phục các bạn trẻ Hà Nội Xanh. Tôi vẫn nói với các bạn ấy là, các em là dũng sĩ diệt rác. Anh rất ngưỡng mộ, chỉ biết gửi tấm lòng đến những dũng sĩ diệt rác”, anh Mạnh tâm sự. Thế nên, cứ hôm nào nhóm Hà Nội Xanh ra quân dọn rác, anh tình nguyện chuẩn bị những cốc cháo cá lăng, những suất bún nem cá lăng cùng chút hoa quả để hỗ trợ, động viên các bạn. “Có hôm tôi tự tay nấu những bữa cơm quê với cá kho, cà muối, rau muống luộc để các bạn thấy ấm cúng, cảm giác như là người thân của mình”. Dù hiện tại kinh tế còn khó khăn nhưng anh Mạnh cho biết, sẽ cố gắng đồng hành hết mức có thể, dài nhất có thể để lan tỏa, chia sẻ những hành động đẹp của nhóm tới cộng đồng. Nhiều hôm, anh đã quay livestream để lan tỏa những hành động đẹp, gửi gắm thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng, xã hội cùng chung tay vào cuộc, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đó mới là điều quan trọng. “Khi cả xã hội, các tổ chức, đặc biệt người dân cùng vào cuộc thì vấn đề bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp sẽ được giải quyết”, anh Mạnh chia sẻ. Dù nhiều người cho rằng, hoạt động của nhóm Hà Nội Xanh như là đem muối bỏ bể vì gom dọn xong qua một vài hôm rác lại xuất hiện. Nhưng những điều đó không làm nản lòng những trái tim thiện nguyện, bởi ít nhiều những hành động trên cũng đã lan tỏa những thông điệp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường không chỉ trên địa bàn Thủ đô mà ở nhiều nơi trên cả nước. Nhóm Hà Nội Xanh tin rằng, từ những hành động nhỏ bé sẽ giúp thay đổi dần nhận thức và hành vi của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Song Thảo  

Nỗ lực nối dài cánh tay nhân ái, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

BTĐKT - Ghi nhớ những lời dạy của Bác, thương người như thể thương thân, 6 năm qua, với vai trò là “thủ lĩnh” phong trào chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, chị Bùi Thị Lan Phương luôn tìm đến sẻ chia, giúp đỡ nhiều số phận thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, bằng tấm lòng chân thành và uy tín của mình, chị đã vận động được nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài quận chung tay lan tỏa yêu thương. Năm 2020, chị được tôn vinh là “Tấm gương sáng vì cộng đồng”, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.                  Như đã ngấm vào máu, hễ nhận được bất kỳ thông tin nào cần được trợ giúp, dù là qua số điện thoại đường dây nóng của Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy hay số điện thoại cầm tay cá nhân, chị Bùi Thị Lan Phương đều nỗ lực tìm mọi cách để giúp đỡ bằng được. Chị bảo, đó là duyên nghiệp của mình. Chị Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy Chị Phương kể, hơn 10 năm trước, khi đang công tác trong ngành thiết bị giáo dục, khuyến học, chị có nhiều lần vào Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phát cháo tình nguyện. Tại đây, được tận mắt chứng kiến cảnh những đứa trẻ tội nghiệp phải truyền máu như ăn cơm bữa; được nghe rõ những âu lo do không đủ máu để điều trị cho con mình từ những bậc làm cha, làm mẹ có con bị bệnh… trái tim của chị như nghẹn chặt lại nơi lồng ngực. Từ đó, đã thôi thúc chị không ngừng tìm đến khắp các trường học trên địa bàn TP Hà Nội để vận động mọi người tham gia hiến máu. Nhưng khi đôi chân càng bước đi đến nhiều nơi, chị lại được chứng kiến thêm nhiều hoàn cảnh éo le khác mà không thể khoanh tay đứng nhìn. Trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng đã thôi thúc chị từ bỏ hẳn công việc của một chuyên viên ngành thiết bị giáo dục, khuyến học để đến và toàn tâm, toàn ý với các hoạt động cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) từ năm 2010. Dành hết nhiệt huyết và trách nhiệm cho công tác chữ thập đỏ, đến năm 2016 chị được lãnh đạo và tổ chức nhìn nhận, đánh giá và được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy. Phát huy vai trò “thủ lĩnh”, chị không chỉ chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội; mà còn mạnh dạn, chủ động đưa ra các biện pháp, giải pháp, ý tưởng sáng tạo cũng như là nòng cốt trực tiếp đi vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội nhằm đẩy mạnh các phong trào, hoạt động hỗ trợ của Hội. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021, chị Phương cùng các cán bộ hội viên trong Hội đã vận động nguồn lực, tổ chức cứu trợ hơn 52 nghìn trường hợp, trị giá hơn 42 tỷ đồng; tặng bò, xe đạp, xây và sửa  nhà chữ thập đỏ, điểm trường, tặng máy vi tính, ủng hộ lũ lụt, ủng hộ Quỹ vì Trường Sa thân yêu trị giá trị giá trên 13 tỷ đồng. Tổng giá trị cứu trợ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ quận giai đoạn 2021 - 2026 đạt hơn 65,2 tỷ đồng. Chị Phương cùng các thành viên trong Hội đã tích cực triển khai vận động nhân dân trên địa bàn tham gia hiến máu nhân đạo. Phong trào hiến máu tình nguyện, nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy liên tục phát triển mạnh mẽ, luôn đạt từ 190% kế hoạch hàng năm thành phố giao; 5 năm liên tiếp (từ 2017 đến 2022), toàn quận Cầu Giấy đã vận động được trên 21.000 đơn vị máu, góp phần cứu sống hàng triệu người bệnh cần máu trên cả nước. Riêng bản thân chị Phương, đến nay đã có 27 lần hiến máu nhân đạo. Năm 2018, chị là 1 trong 100 người "Hiến máu tiêu biểu toàn quốc" được nhận Bằng khen của Bộ Y tế và giải Giọt Hồng của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Chị Bùi Thị Lan Phương và các hội viên Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy tặng quà hỗ trợ cho Bệnh viện Quân y 105 khi đại dịch Covid - 19 diễn ra Đại dịch Covid-19 diễn ra là thách thức với toàn xã hội. Nhưng vượt qua những khó khăn, nguy hiểm của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ấy, chị Phương cùng đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, vẫn ngày đêm miệt mài với các hoạt động xã hội nhân đạo. Chị Phương chia sẻ: “Hình ảnh những cán bộ y tế gồng mình trong những bộ quần áo bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tận tâm, tận lực với công việc, thậm chí nhiều anh chị em đã nhiều ngày không có cơ hội gặp được người thân do đang phải thực hiện nhiệm vụ. Rồi những chiến sĩ công an, bộ đội ngày đêm canh chốt trong các khu cách ly, gìn giữ an ninh trật tự, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch… Những gia đình lâm vào cảnh bần hàn, không việc làm, không có thu nhập, chật vật từng bữa ăn… chính là mệnh lệnh không lời, thôi thúc trái tim những người khoác áo chữ thập như tôi nhanh chóng lên đường để tiếp sức”.  Vì vậy, tính trong hai năm 2019 - 2021, chị cùng các hội viên Chữ thập đỏ đã vận động hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt giá trị 2,4 tỷ đồng. Chúng tôi đã vận động và trực tiếp đi hỗ trợ tại Viện K Tân Triều, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Quân Y 105 Sơn Tây, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Học viện Quân y, Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy, Công an quận Cầu Giấy, Công an quận Tây Hồ... Đến nay, đã hơn một thập kỷ gắn bó với công tác chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, chị  không nhớ hết bao chuyến đi, bao miền đất mình đã tới. Không chỉ dừng ở địa bàn Hà Nội, đôi chân của chị đã vươn tới nhiều địa điểm xa xôi, khó khăn; tiếp sức, giúp đỡ cho hàng nghìn mảnh đời kém may mắn vươn lên trong cuộc sống. Dưới sự dẫn dắt của chị Bùi Thị Lan Phương, hơn 25 năm qua không đơn thuần là tổ chức nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy như cánh tay nối dài giúp chính quyền và nhân dân quận thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội; từ đó lần lượt hiện thực hóa các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nhiều năm liền Hội luôn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của TP Hà Nội; được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND TP và Hội Chữ thập đỏ thành phố. Nhiều cá nhân thuộc Hội là những bông hoa “Người tốt, việc tốt” của quận và của TP Hà Nội. Năm 2021, Hội được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2020, cá nhân chị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được tôn vinh là "Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng". Chị Phương cho biết: Đến nay, các địa chỉ cần hỗ trợ trên khắp cả nước vẫn thường xuyên được gửi về văn phòng Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy. Với tôi, đó vừa là trách nhiệm nặng nề, song lại chính là niềm vui, niềm hạnh phúc bởi Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy đã trở thành địa chỉ tin cậy, là nơi gửi gắm tình yêu thương, nơi mang đến nụ cười hạnh phúc cho những mảnh đời khốn khó. Đó là động lực để đôi chân những người làm công tác chữ thập đỏ không ngừng bước tiếp. Tôi tin rằng, những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim và tôi mong công tác chữ thập đỏ sẽ ngày càng phát huy ý nghĩa nhân văn, lan tỏa yêu thương nhiều hơn nữa trong cộng đồng. Trần Thị Thu Trang

Tấm gương sáng ngời về người giáo viên nhân dân

BTĐKT - Hơn 2 thập kỷ gắn bó với nghề “trồng người” cao quý, trải qua biết bao thử thách trong quá trình chuyển đổi của xã hội, nhưng nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vẫn luôn giữ “lửa nghề" cháy bỏng; đồng thời kiên trì với sứ mệnh kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho lớp lớp thế hệ trẻ. Cô không ngừng tự học và nâng cao năng lực chuyên môn; chủ động đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người giáo viên nhân dân. Nhà giáo sáng tạo và giàu nhiệt huyết Đã nhiều năm nay, các thầy cô giáo trong Trường THCS Quang Trung, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng quen với việc được tặng và sử dụng những sản phẩm hữu cơ do cô Huyền và học trò trong trường tự tay làm ra. Khi là thỏi son dưỡng môi, lúc là hũ kem trộn nhỏ, chưa nhãn mác nhưng thơm, mềm, màu đẹp hoặc bánh xà phòng thơm hay túi bột ngâm chân làm từ nguyên liệu hữu cơ, thân thiện với môi trường… Tất cả đều là kết quả của những dự án học tập thuộc môn Hóa học do cô Huyền và học sinh trong trường thực hiện. Cô Đặng Thị Thu Phượng, một đồng nghiệp thường xuyên chứng kiến cô Huyền cùng các học trò trong trường say mê thực hiện từng công đoạn của các dự án học tập cho biết: Hầu như năm nào cô Huyền cũng không quản ngại, nhiệt tình tham gia hướng dẫn học sinh của mình tự tạo ra các sản phẩm mới, ý nghĩa và thiết thực trong đời sống. Có những sản phẩm đã đạt giải cao trong cuộc thi khoa học kĩ thuật các cấp. “Cô Huyền luôn nỗ lực đầu tư tâm huyết để tạo hứng thú, khơi dậy niềm đam mê và bồi đắp tình yêu bộ môn cho các em học sinh thông qua nhiều hoạt động học tập sáng tạo khác nhau như: Áp dụng phương pháp trò chơi, dạy học trực quan (sử dụng mẫu vật tự nhiên, tranh hình, sơ đồ, mô hình, video clip..); phương pháp đóng vai… Do đó, mỗi tiết học ở lớp cô Huyền đều trôi qua nhẹ nhàng, thoải mái, học sinh vô cùng thích thú, mà luôn khắc sâu kiến thức một cách có hệ thống, rất phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay”, cô Phượng cho biết. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng Đặc biệt đáng ghi nhận nhất là, năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên áp dụng việc thay sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 6, đây cũng là năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cô và trò chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến một thời gian khá dài, cô Huyền cùng với các đồng nghiệp đã tích cực đổi mới phương pháp, thực hiện tốt nhiệm vụ “Giãn cách xã hội, kéo gần tri thức”. Cô đã chủ động áp dụng các video, bài giảng điện tử, game học tập, đề ôn luyện kiến thức… để học sinh được “học mà chơi, chơi mà học”, xóa đi cảm giác các em đang ngồi trước màn hình máy tính. Em Nguyễn Trung Nguyên, một học sinh từng tham gia đóng vai “Nam Tào” trong tiểu phẩm “Buổi chầu cuối năm”, một hoạt động khởi động bài học “Glucozơ” của môn Hóa học lớp 9, chia sẻ: "Thích lắm cô ạ! Cô Huyền dạy vui và dễ hiểu nữa. Mỗi hôm học một chủ đề khác nhau, cô Huyền đều cho chúng em cơ hội tự chuẩn bị, tự thiết kế vào bài học theo ý tưởng của mình. Cô hướng dẫn, động viên, ghi nhận những thành quả mà chúng em đã nỗ lực xây dựng. Với em, mỗi giờ Hóa học không chỉ là giờ tiếp cận tri thức mới, còn là lúc tích lũy những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa về tuổi học trò của mình. Em và các bạn sẽ chẳng bao giờ quên được những giây phút vào vai một doanh nhân thành đạt, một nhà sản xuất rượu vang nho nổi tiếng nói về phương pháp lên men rượu từ glucozơ. Chúng em cũng sẽ nhớ mãi vai táo quân trong buổi chầu cuối năm, cáo lỗi với Ngọc Hoàng bằng những món quà được làm từ glucozơ dưới nhân gian gửi biếu"… Đi đầu trong bồi dưỡng học sinh giỏi         Dạy kiến thức cơ bản cho học sinh tiếp thu nhanh vốn đã không dễ, trau dồi kiến thức nâng cao và rèn đội tuyển học sinh giỏi để các em đạt thành tích cao tại các kỳ thi lại càng khó gấp bội phần. Thế nhưng, bằng tài năng và tình yêu nghề, yêu trò vô tận, cô Huyền đã chắp cánh cho nhiều giải thưởng học sinh giỏi của các học trò. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền cùng các em học sinh vui vẻ thư giãn sau một tiết học Nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, số lượng học sinh đăng ký vào Đội tuyển thi học sinh giỏi môn Hóa đông nhất trường. Dù phòng học hạn chế, phải ngồi chen chúc từ 60 đến 70 học sinh nhưng giờ giảng của cô Huyền luôn được học sinh mong chờ và hào hứng nhất. Số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh mà cô Huyền tham gia bồi dưỡng năm nào cũng cao, thường xuyên có học sinh đạt thủ khoa. Thống kê kết quả 5 năm gần nhất, học sinh giỏi cấp thành phố môn Hóa học của nhà trường do cô Huyền trực tiếp hướng dẫn là 52 học sinh (trong đó có 3 giải nhất; 12 giải nhì; 16 giải ba và 21 giải khuyến khích). Không chỉ vậy, cô còn được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tin tưởng giao nhiệm vụ nhóm trưởng nhóm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa học cấp tỉnh. Kết quả, 5 năm gần nhất có tổng cộng 60 em đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh (trong đó có 4 giải nhất; 17 giải nhì; 18 giải ba và 21 giải khuyến khích). Nhờ vào nền tảng kiến thức và niềm say mê của cô Huyền đã gieo, rất nhiều học sinh sau này lên bậc THPT vẫn tiếp tục với môn Hóa học và đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tình yêu nghề cháy bỏng 22 năm trong nghề, ngoài nhiệm vụ của giáo viên bộ môn, cô Huyền còn được tin tưởng giao thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Giáo viên chủ nhiệm lớp, tổ trưởng chuyên môn, nhóm trưởng bộ môn; tổ trưởng tổ cốt cán bộ môn Hóa học của Phòng Giáo dục và Đào tạo; thành viên của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; thành viên ban sát hạch kỳ tuyển dụng viên chức thành phố Bảo Lộc; thành viên ban giám khảo các cuộc thi giáo viên giỏi, nghiệp vụ sư phạm trẻ cấp thành phố và cấp tỉnh; thành viên ban giám khảo kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh hay kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường chuyên của tỉnh; thành viên ban giám khảo cuộc thi Ngày hội stem của tỉnh; thành viên đại diện cho Sở GD&ĐT tham gia tập huấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức để phổ biến lại cho giáo viên trong đơn vị, địa phương; trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp cho đơn vị trường học và cho đội tuyển học sinh giỏi của phòng GD&ĐT thành phố Bảo Lộc tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền… Dù trong bất kỳ vai trò, cương vị nào, cô Huyền luôn toàn tâm, toàn ý, toàn lực, có trách nhiệm cao với công việc; luôn gương mẫu, tiên phong, năng động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Chứng kiến vợ nhiều đêm chong đèn để thiết kế kế hoạch bài dạy, kỳ công chuẩn bị dụng cụ, mẫu vật rồi các hình ảnh, đoạn phim, trò chơi sinh động, hấp dẫn cho các bài học; biên soạn tài liệu chuyên đề môn học, tài liệu hướng dẫn (cho giáo viên và học sinh); tổ chức hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh, anh Trần Đình Thắng vô cùng trân trọng. “Có nhiều hôm để hoàn thành những giải pháp chuyên đề các cấp, cô ấy làm đến 3 hoặc 4 giờ sáng mới ngủ. Nhất là trong các kỳ ôn luyện học sinh giỏi, cô ấy gần như quên đi tất thảy những ước mong rất đời thường của người con gái là được chăm sóc bản thân, được thong thả đi thể dục mỗi chiều… Thay vào đó, cô ấy lao vào làm việc bằng 200% sức lực, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, thậm chí ngay cả khi trở mệt, cô vẫn nỗ lực không ngừng. Cô ấy chỉ mong ước duy nhất là giúp các em học sinh nắm thật chắc kiến thức và giữ vững tinh thần để vượt qua kỳ thi thật tốt”, anh Thắng chia sẻ. Cô Huyền cùng các học trò thân yêu chụp ảnh kỷ niệm  Nhưng có lẽ không chỉ đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh và gia đình mà bất kể ai được làm việc cùng cô Huyền cũng cảm nhận thấy tình yêu nghề sâu sắc, cháy bỏng của cô. Ai cũng có thể cảm nhận thấy hạnh phúc trong người giáo viên ấy là được sống, được làm việc và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và được cô truyền năng lượng tích cực. Với những nỗ lực, cống hiến cho nghề, nhiều năm liên tục cô Huyền đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp; 9 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 1 lần được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; đặc biệt cô đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen xuất sắc trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; 2 lần được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng tặng Giấy khen và được chọn là “Nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam”; 2 lần được Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc tặng Giấy khen “xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước”. Cô được Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Bằng khen đảng viên đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền (2018 – 2022) và được tặng nhiều giấy khen khác của UBND thành phố, ngành GD&ĐT thành phố, Đảng bộ Phường 2… Bằng khen, giấy khen nhiều vô kể, đó là sự ghi nhận của cấp trên cho những nỗ lực không mệt mỏi của một tấm gương nhà giáo luôn gương mẫu, tiên phong, năng động, sáng tạo, trách nhiệm cao với công việc và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhưng với cô, sự ghi nhận lớn nhất và cũng là điều hạnh phúc hơn chính là được chứng kiến sự trưởng thành của học sinh cả về đạo đức lẫn trí tuệ qua mỗi năm học; là những tình cảm đẹp chạm đến và đọng lại trong tim mỗi học trò. 43 năm tuổi đời, 22 năm tuổi nghề, sự nhiệt huyết với nghề “trồng người” vẫn như nguồn mạch sống, như ngọn lửa thắp sáng và bừng cháy cái tài, cái tâm của nữ giáo viên Nguyễn Thị Thu Huyền. Ngày ngày cô vẫn không ngừng học hỏi, sáng tạo, tự trau dồi, nâng tầm hiểu biết để luôn là tấm gương sáng, xứng đáng là “người dẫn đường tin cậy” của học sinh. Mai Thị Cẩm Tú

Tiên phong đưa than củi Việt Nam vào thị trường Nhật Bản

BTĐKT - Lại Văn Hiệp (sinh năm 1988) là du học sinh đầu tiên của Việt Nam lựa chọn ngành Lâm nghiệp tại Trường Đại học quốc lập Utsunomiya thuộc tỉnh Tochigi của Nhật Bản để theo học. Với khát khao tạo dựng một thương hiệu vươn tầm số 1 thế giới cho sản phẩm được tạo ra bởi bàn tay và khối óc của người Việt Nam, năm 2015 anh bắt đầu nghiên cứu, khởi nghiệp sản xuất than trắng cao cấp Binchotan theo công nghệ Nhật Bản. Lựa chọn than củi để khởi nghiệp Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung nắng táp, gió Lào, cảm nhận rõ những cực nhọc, mất mát của người thân mỗi khi có trận bão quét qua, chàng trai Lại Văn Hiệp luôn đau đáu trong mình khát vọng khởi nghiệp giúp những người xung quanh mình thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Ngay từ khi còn là du học sinh, anh Hiệp đã tìm hiểu về sản phẩm rượu sake của Nhật Bản, nhận thấy sản phẩm này còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam, anh quyết tâm xây dựng hệ thống phân phối rượu sake tại Việt Nam, hình thành showroom ẩm thực Sake Nakama. Hệ thống vận hành thuận lợi với một showroom trưng bày tại Thành phố Hồ Chí Minh và chuỗi nhà hàng tại Hà Nội, anh Hiệp lại trăn trở khi lựa chọn khởi nghiệp không phải sản phẩm của quê hương khiến anh chợt bừng tỉnh. Năm 2015, anh chuyển nhượng toàn bộ hệ thống Sake Nakama, bắt đầu khởi nghiệp với sản phẩm mới là than củi. Lại Văn Hiệp kiên trì mang than củi Việt đi giới thiệu với các đối tác Nhật Bản Nhiều năm sinh sống và kinh doanh tại Nhật Bản đã giúp anh hiểu thêm về thị trường Nhật Bản, những lựa chọn tiêu dùng, quy chuẩn chất lượng… cộng thêm kiến thức từ trường học là động lực thôi thúc anh bắt tay vào khởi sự kinh doanh. Thời điểm đó, thị trường Nhật Bản đánh giá rất thấp về chất lượng than của Việt Nam dẫn đến cánh cửa cho than Việt vào Nhật Bản gần như đóng lại hoặc nếu có doanh nghiệp tiếp cận được thì sản phẩm chỉ nằm ở phân khúc thấp, giá thành rẻ, không gây được sự chú ý tới người tiêu dùng tại Nhật. Cùng lúc đó ở trong nước, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn về tiêu thụ do thiếu đầu ra, chất lượng than không đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, khiến thị phần vẫn có nhưng nguồn cung không tiếp cận được. Lúc này anh Hiệp cùng chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu những yêu cầu chất lượng, đầu vào nguyên liệu và sản xuất thử nghiệm. Anh Hiệp cho biết, “nếu một doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm rồi mới xây dựng thị trường hoặc doanh nghiệp dịch vụ có thị trường rồi mới bắt tay vào sản xuất thì tôi làm mọi thứ gần như là đồng thời. Tôi vừa sản xuất, vừa xây dựng thị trường và định hình phân khúc cho thương hiệu của riêng mình”. Trái ngọt từ những nỗ lực Nguyên liệu doanh nghiệp anh sử dụng là cây bạch đàn thuộc nhóm ngành năng lượng tái tạo bền vững, thân thiện với môi trường và góp phần giảm phát thải khí CO2. Những mẻ than ra lò, anh tập hợp thêm các mẫu than có chất lượng tốt nhất từ các doanh nghiệp cùng ngành trong nước mang đi chào hàng ở Nhật Bản. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên đã khiến doanh nghiệp Nhật Bản hứng thú và bất ngờ với chất lượng than của Việt Nam. Lập tức một đoàn gồm 8 doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm quan nhà xưởng, quy trình sản xuất than tại Việt Nam mở ra cơ hội hợp tác đầu tiên. “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, với định hướng đó, anh Hiệp thành lập Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông và kêu gọi gần 40 doanh nghiệp sản xuất than trong nước thành lập Hiệp hội Than củi Việt Nam cùng tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng than của các doanh nghiệp trong Hiệp hội để tiến sâu hơn vào thị trường Nhật Bản. Nhờ sự quyết liệt trong hành động đó đã giúp các doanh nghiệp Việt – Nhật đều đặt niềm tin ở anh. Lại Văn Hiệp (ngoài cùng bên trái) đi khảo sát nguồn nguyên liệu ở nhiều địa phương Đầu ra đã được giải quyết nhưng nguồn nguyên liệu thì không như dự tính. Toàn bộ than củi xuất đi Nhật đều từ cây bạch đàn nhưng anh Hiệp lại không có thống kê về trữ lượng của nguyên liệu mà phải lặn lội đi tìm theo lời kể của người dân địa phương. Ban đầu khi khảo sát, hầu hết các khu vực đều được đánh giá là vùng có trữ lượng lớn, nhưng thực tế lại có nhiều nhầm lẫn giữa cây tràm với cây bạch đàn, hoặc nếu có vùng đúng nguyên liệu thì trữ lượng đánh giá không đúng với thực tế hoặc đúng nguyên liệu, đúng trữ lượng thì sản phẩm đầu ra lại không đạt các chỉ số thị trường yêu cầu. Anh Hiệp phải mất 4 năm, mở 4 nhà xưởng tại các tỉnh Nghệ An, Bình Thuận, Trà Vinh, Bình Định, Long An để sản xuất, so sánh và đối chiếu chất lượng. Trải qua nhiều lần mở xưởng rồi phải đóng lại do thiếu nguồn nguyên liệu, tiền vốn cũng lần lượt đội nón ra đi, nhưng với tinh thần bại không nản, cuối cùng điểm sản xuất ở Bình Thuận đã đáp ứng được trữ lượng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm đầu ra để duy trì và mở rộng sản xuất. Xưởng than đóng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận của Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông Đến nay, xưởng đã có 100 lao động với mức lương trung bình công nhân nam 10,5 triệu đồng/tháng, công nhân nữ 7 triệu đồng/tháng; sản lượng sản xuất đạt 2000 tấn than trắng/năm, 1300 tấn than đen/năm. Khi đại dịch Covid-19 có những chuyển biến phức tạp, liên kết sản xuất và cung cầu bị gián đoạn, hàng loạt doanh nghiệp rời bỏ thị trường nhưng đây lại chính là cơ hội cho anh Hiệp trở mình. Các doanh nghiệp sản xuất than các nước trong khu vực không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường mở ra dự địa lớn, anh Hiệp nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh vào sản xuất, không những không phải cắt giảm nhân sự mà còn tạo được việc làm thường xuyên cho lao động, lượng nhân công tăng 20% so với trước dịch, cùng với đó là tăng 15% lương và trợ cấp cho người lao động. Để vững vàng vượt dịch, trước đó, ngay khi tiếp cận được thị trường Nhật Bản, anh Hiệp đã nhanh chóng thâm nhập vào các kênh bán lẻ, siêu thị tại đây. Đại dịch bùng nổ, nhà hàng bị đóng cửa nhưng nhu cầu nướng tại nhà lại tăng lên bất ngờ khiến lượng than xuất khẩu của anh không những không bị giảm xuống mà còn tăng lên. “Thực ra bản thân tôi cũng không hề dự đoán được thị trường mà bởi khi đưa sản phẩm vào Nhật Bản tôi vẫn muốn đa dạng được kênh bán hàng để không bị phụ thuộc, thụ động”, anh Hiệp nói. Cùng lúc đó, anh cũng tiếp cận thành công thị trường Mỹ, Malaysia, Úc mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Thắng không kiêu, anh Hiệp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn từng bước để các doanh nghiệp sản xuất trong nước, thậm chí là doanh nghiệp của nước bạn Lào tham gia vào các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản. Song, anh cũng khẳng định, các thị trường nước ngoài khó tiếp cận, bởi chúng ta tiếp cận họ bằng các thông số định tính, không có đánh giá, không có chỉ số về độ cứng, độ ẩm, sinh nhiệt, tỏa nhiệt, thời gian cháy… nên không đủ sức thuyết phục với đối tác. Khi giải quyết được điểm mấu chốt, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật thì việc duy trì đơn hàng với đối tác lại rất thuận lợi. Nhưng không phải vì thế mà các doanh nghiệp được phép lơ là về chất lượng sản phẩm.“Một thương hiệu có chỗ đứng trên thương trường phải dựa vào cả 2 yếu tố: Chất lượng của chính sản phẩm và chất lượng của cách thức vận hành doanh nghiệp cũng như tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp đó”, anh Hiệp chia sẻ. Lê Văn Công

Góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành Y tế

BTĐKT - Với mong muốn đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình chuyển đổi số ở lĩnh vực y tế, chàng trai Nguyễn Minh Kiều (sinh năm 1984) cùng với tập thể Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch Vụ Song Ân đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, cung cấp các giải pháp quản lý các cơ sở y tế như bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc, viện dưỡng lão,... thi công, tư vấn giải pháp cho các công ty, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị trên mọi miền đất nước. Qua đó, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành Y tế, giúp cho người dân được hưởng nhiều lợi ích trong khám, chữa bệnh. Sản phẩm Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis là “đứa con” đặc biệt của Nguyễn Minh Kiều cùng với tập thể Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch Vụ Song Ân đã ấp ủ, nỗ lực nghiên cứu và xây dựng từ năm 2009. Đây được coi là giải pháp hoàn hảo để quản lý bệnh viện một cách chuyên nghiệp và chặt chẽ các khâu từ quản lý bệnh nhân, khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, phòng lưu, phòng mổ, quản lý chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, quản lý kho, quản lý viện phí, quản lý kho trang thiết bị, quản lý nhân sự, tiền lương... Tất cả đều chung một hệ thống xuyên suốt và đồng bộ giúp tiếp kiệm thời gian và chính xác các khâu. Anh Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019 Được xây dựng từ năm 2009 dựa trên một hệ thống mở, Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis phục vụ cho việc phân tích điều hành tại bệnh viện, nghiên cứu khoa học, đồng thời dễ dàng mở rộng hệ thống, nâng cấp phiên bản mới; hỗ trợ tối ưu cho việc kết nối, trao đổi thông tin với các bệnh viện, các trạm y tế phường xã trong khu vực cũng như hỗ trợ xây dựng báo cáo gửi đến các Sở Y tế, Bộ Y tế. Hiện nay, Ehis đã được triển khai tại các cơ sở y tế của hơn 5 tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2023, Ehis Song Ân đang từng bước chuyển đổi số hoàn toàn trong khám chữa bệnh, chuyển dần đến hồ sơ bệnh án điện tử hoàn toàn, không chỉ là số hóa giấy tờ, hồ sơ bệnh án để lưu trữ, phục vụ công tác tra cứu mà còn mang tính chất hệ thống, có giá trị pháp lý tương đương và thay thế cho hồ sơ giấy hiện vẫn còn đang thực hiện ở giai đoạn này. Từng bước nâng cao và phát triển các tính năng, không ngừng nâng cấp để đáp ứng với các yêu cầu mới và thách thức mới trong ngành Y tế, cam kết với việc đưa ra các giải pháp y tế điện tử tiên tiến, Ehis đã vượt qua mục tiêu của mình và hoàn thành tính năng chữ ký số cho đơn thuốc điện tử, hồ sơ bệnh án và giấy khám sức khỏe, liên thông phiếu khám sức khỏe lái xe cùng nhiều hồ sơ giấy tờ khác theo các thông tư, quyết định, văn bản của BHXH và Bộ Y tế ban hành. Đến nay, Ehis không chỉ đáp ứng đúng theo quy định thông tư và quyết định của Bộ Y tế, mà còn vượt xa sự mong đợi, tập trung vào việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, chủ động nâng cấp trước thời hạn. EHIS không chỉ cung cấp hệ thống mà còn đồng hành hỗ trợ các y, bác sĩ qua các chương trình đào tạo liên tục trong suốt quá trình sử dụng để giúp y, bác sĩ sử dụng hệ thống thành thạo và hiệu quả. Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis vinh dự đạt giải Ba, Giải thưởng “Y tế thông minh năm 2018” Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam đánh giá: Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo thông tư 54 của Bộ Y tế ban hành, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm gánh nặng tinh thần cho y bác sĩ và cả ngành Y, giúp xây dựng phác đồ điều trị thông minh, hạn chế sự cố y khoa do thông tin sai lệch vì thất thoát hồ sơ, hay do chữ viết tay trong hồ sơ bệnh án không đọc được chính xác.  Ehis vinh dự đạt giải Ba, Giải thưởng “Y tế thông minh năm 2018” và Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019. Không ngừng tỏa rộng, vươn xa Được biết, ngoài Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis, anh Kiều và tập thể Công ty Song Ân còn làm chủ nhiều sản phẩm công nghệ y tế chất lượng khác như: Phần mềm quản lý phòng khám E-Clinic, Phần mềm quản lý nhà thuốc E-Med, Phần mềm quản lý Viện dưỡng lão E-Nursinghome cũng không ngừng cải tiến qua từng giai đoạn và đồng hành song song trong công cuộc phát triển, hội nhập ứng dụng cao công nghệ 4.0 vào trong công tác quản lý y tế. Hiện hệ thống sản phẩm phần mềm của Song Ân đã và đang được tin dùng ở hơn 50 bệnh viện, hơn 1000 phòng khám và trạm y tế xã, phường, 1500 nhà thuốc và 2 viện dưỡng lão trải dài trên khắp cả nước, từ Bắc tới Nam, hỗ trợ tối ưu công tác khám chữa bệnh. Khi được hỏi tại sao giữa nhiều vùng đất, nhiều lĩnh vực, anh lại lựa chọn dấn thân khởi nghiệp vào chuyển đổi số y tế, doanh nhân trẻ Nguyễn Minh Kiều chia sẻ: “Khi Song Ân ra đời thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế đã được phát động và triển khai rồi. Lúc đó, các ông lớn trong ngành là VNPT, Viettel đã triển khai rất rầm rộ, thậm chí là miễn phí. Duy chỉ có các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là đi lại còn nhiều khó khăn, hạ tầng chưa hoàn thiện nên thị trường các tỉnh này còn bỏ ngỏ. Việc bắt đầu xây dựng Ehis từ Điện Biên vừa là lựa chọn phần ít mầu mỡ nhất trong một mảnh ruộng lớn sẽ dễ tiếp cận hơn, vừa là khẳng định việc Song Ân sẵn sàng cắm bản, đồng hành cùng các cơ sở y tế, gây dựng niềm tin và uy tín với các đối tác sau này”. Anh Kiều cho biết, việc phát triển phần mềm cho ngành Y tế mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đặc biệt, do tính chất đặc thù và yêu cầu cao về bảo mật và chất lượng, bám sát các thông tư, quy định của các Bộ Y tế ban hành. Khó khăn nhất là phải hiểu và nắm rõ nhu cầu thị trường theo từng thời điểm, hiểu rõ nhu cầu của bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ y tế để sản phẩm đầu ra đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khách hàng yêu cầu. Cùng lúc đó, các biến động trong chính sách y tế có thể ảnh hưởng đến phần mềm, yêu cầu điều chỉnh và cập nhật liên tục. Cộng thêm, chuyển đổi số trong từng năm lại có sự khác biệt do đó doanh nghiệp buộc phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ sở y tế. Trong khi đó, Song Ân lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm đặc thù nên không thể tránh khỏi những thiếu sót trong khâu sản xuất và triển khai thực tế, kiểm soát chất lượng, kiểm thử phần mềm trong khi mức độ cạnh tranh cùng lĩnh vực rất cao, bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, khách hàng sụt giảm, hạn chế nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh… Vượt qua những khó khăn, 14 năm không ngừng phấn đấu vươn lên, tập thể Công ty Song Ân luôn đoàn kết, nỗ lực tạo ra những phần mềm ưu việt đã và đang chinh phục nhiều khách hàng, từng bước khẳng định vị thế của một trong những đơn vị hàng đầu về CNTT, cung cấp phần mềm quản lý phục vụ ngành Y tế. Theo anh Nguyễn Minh Kiều: “Việt Nam đang trên đường phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và quản trị là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Nhiều dự án công nghệ thông tin trong các công ty, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị, hệ thống thông tin quản trị trong các bệnh viện đang triển khai trên toàn quốc và việc xây dựng những hệ thống quản trị như thế là nhu cầu hết sức cấp thiết. Đáp ứng lại các mục tiêu của quốc gia, chúng tôi luôn muốn làm hết sức mình để góp phần vào công cuộc hội nhập quốc tế và đổi mới đất nước” . Lê Thị Phượng

Giao lưu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua 'Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau'

Chương trình Gala gặp mặt, giao lưu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2023, do Ban Thi đua – Khen thưởng (Bộ Nội vụ) tổ chức, đã diễn ra sáng 15/12, tại Hà Nội. Giao lưu với các điển hình trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" năm 2023. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN Chương trình là sự kiện ý nghĩa, nhằm tuyên truyền những kết quả đạt được trong năm 2021-2023; đồng thời cổ vũ, động viên các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng, phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể và gia đình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Tham gia giao lưu tại Chương trình Gala là 10 nhân vật đại diện cho 30 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2023, với những câu chuyện truyền cảm hứng về những tấm gương nỗ lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức thực hiện, về xây dựng mô hình sinh kế để giảm nghèo bền vững. Anh Triệu Văn Hòn, tỉnh Cao Bằng, giao lưu tại chương trình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN Đó là anh Triệu Văn Hòn (dân tộc Sán Chỉ), Trưởng thôn Nà Mon, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, người tiên phong trồng và sản xuất tinh dầu cây sả Java. Anh đã vận động 124/154 hộ tham gia mô hình trồng cây sả, thu nhập bình quân 50 đến 100 triệu đồng/năm/hộ. Năm 2023, anh là một trong 150 đại biểu có uy tín tiêu biểu, xuất sắc dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hay anh Lã Văn Buốn (dân tộc Tày), thôn Bản Dọn, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn với mô hình trồng cây ăn quả (hồng không hạt Bảo Lâm - đặc sản của địa phương) mang lại thu nhập 500 triệu đồng/năm. Gia đình anh đã thoát nghèo và giúp đỡ nhiều hộ khác trong thôn. Chia sẻ tại Chương trình, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, là một huyện thuần nông, thuộc vùng sâu, vùng xa, Châu Đức cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất trên toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 15 dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống. Đến cuối năm 2023, huyện Châu Đức không còn hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh (thoát nghèo 610/610 hộ, đạt 100% kế hoạch), hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của cả giai đoạn sớm 2 năm. Nói về mô hình “Biến rác thải thành tiền”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết, mô hình do Hội phát động với tên gọi ban đầu là “Thu gom phế liệu bảo vệ môi trường”, thực hiện ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời giúp hội xây dựng được nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động giảm nghèo, nhân đạo từ thiện. Khi thực hiện mô hình này, Hội phải dày công vận động hội viên phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình. Trước đây khi vận động gây quỹ nhân ái, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, Hội phải quyên góp bằng tiền thì nay, người dân ủng hộ bằng vật liệu có thể tái chế được. Từ mô hình ban đầu, đến nay đã có trên 900 mô hình của 231 xã/260 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Số tiền thu được đã lên tới 1,7 tỷ đồng, để làm những việc hết sức nhân văn như thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” (các cấp hội đã nhận đỡ đầu và kết nối đỡ đầu cho 824 cháu có hoàn cảnh khó khăn), mua xe đạp "Nâng bước em đến trường", hỗ trợ gia đình hội viên nghèo... Mô hình đã lan tỏa, phát huy tinh thần thương thân tương ái trong cộng đồng và được lựa chọn là mô hình “dân vận khéo” của tỉnh. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về định hướng giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020. Phong trào đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống người dân, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao đã có tiến bộ rõ rệt trong công tác giảm nghèo. Các dịch vụ cơ bản cho người dân hưởng thụ như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin, vay vốn ưu đãi được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi và khởi sắc. Tiết mục biểu diễn văn nghệ tại buổi giao lưu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN Công tác an sinh, chăm lo đời sống cho người nghèo tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là một số tỉnh đã có sự quan tâm lớn, có hiệu quả để người dân được vay vốn, chủ động sản xuất, làm ăn vươn lên thoát nghèo. Phong trào thi đua đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đóng góp cho những thành tựu giảm nghèo nổi bật của Việt Nam thời gian qua, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giảm nghèo bền vững, ghi nhận, cổ vũ, động viên, khích lệ sự quan tâm vào cuộc và phát huy trách nhiệm của người dân cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo và vì người nghèo, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 666/QĐ-TTg về Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2025. Phong trào nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể và gia đình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện phong trào thi đua đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong các phong trào thi đua của các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các tỉnh, thành phố; các tổ chức kinh tế, xã hội, nghề nghiệp và các cụm, khối thi đua giai đoạn 2021-2023. Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%). Ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự kiến cuối năm 2023 có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đối với 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Theo TTXVN  

Trang