Phong trào thi đua

10 hoạt động tiêu biểu của thanh niên Quân đội giai đoạn 2017 - 2022

Giai đoạn 2017 - 2022, bám sát và quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; chỉ thị, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị của Tổng cục Chính trị; hướng dẫn của Trung ương Đoàn..., công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong Quân đội đã được triển khai toàn diện, hoàn thành 100% các nội dung chương trình đề ra với hình thức sáng tạo, hiệu quả, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tiễn. Thực hiện Chương trình hành động Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ IX (2017 - 2022), 10 hoạt động tiêu biểu nhất của công tác thanh niên Quân đội đã được bình chọn và giới thiệu nhân dịp chuẩn bị diễn ra Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ X (2022 - 2027). Hành quân về nguồn và Ngày hội văn hóa quân - dân Đây là một trong những hoạt động trọng tâm - Ngày hội lớn của tuổi trẻ toàn quân chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Chương trình diễn ra vào ngày 14/12/2019 tại Khu di tích lịch sử an toàn khu Thái Nguyên với nhiều hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, gồm chuỗi các hoạt động: Khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí; trao tặng nhà, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh vượt khó học giỏi tại nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thuộc huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng); tổ chức chương trình nghệ thuật “Thắm tình quân dân”; hội trại truyền thống “Quân với dân một ý chí” với 30 trại của tuổi trẻ các đơn vị trong và ngoài Quân đội; trao giải 2 cuộc thi “Tìm hiểu 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam” cấp toàn quốc và Cuộc thi video clip tuyên truyền về chủ đề “Tuổi trẻ Quân đội học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng và 90 năm Ngày thành lập Đoàn Đây là sự kiện nổi bật, là hoạt động trọng điểm của tuổi trẻ Quân đội trong năm 2020 và 2021. Toàn quân đã triển khai hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề “Thanh niên Quân đội sắt son niềm tin với Đảng”, “Thanh niên Quân đội tự hào tiến bước dưới cờ Đảng” với mục tiêu thi đua giành 3 nhất. Đã có 8.536 buổi sinh hoạt chính trị, tọa đàm, diễn đàn thanh niên, 4.680 buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và 6.289 công trình, phần việc thanh niên được tổ chức, thực hiện và hoàn thành. Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được tổ chức với hình thức sáng tạo, kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại 114 điểm cầu trong toàn quân, với gần 4.000 đại biểu tham dự. Tại buổi lễ, 90 cán bộ Đoàn xuất sắc giai đoạn 2016-2020 cùng 28 Gương mặt trẻ tiêu biểu và triển vọng toàn quân năm 2020 được tuyên dương, khen thưởng. Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thanh niên Quân đội và Ban Thanh niên Quân đội Nổi bật trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm này là lễ khởi công tôn tạo, tu sửa Nhà truyền thống và Khu di tích lịch sử nơi thành lập Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong Quân đội; phát động phong trào thi đua “70 ngày đêm xung kích, sáng tạo, quyết thắng”, xây dựng công trình “Lịch sử công tác Thanh niên Quân đội (1952-2022)”; tổ chức hành quân về nguồn và trao giải Cuộc thi sáng tác ca khúc về Thanh niên Quân đội với chủ đề “Thanh niên Quân đội tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”; tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (lần thứ hai)… Các hoạt động đã góp phần khẳng định giá trị lịch sử, ý nghĩa to lớn của việc thành lập Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên trong Quân đội; giáo dục, tuyên truyền về truyền thống vẻ vang và những cống hiến xuất sắc của các thế hệ thanh niên Quân đội và Ban Thanh niên Quân đội trong 70 năm qua; tiếp tục cổ vũ tinh thần, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm của tuổi trẻ Quân đội trong thời kỳ mới. Bình chọn, tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu và triển vọng toàn quân Đây là hoạt động trọng điểm của công tác đoàn và phong trào Thanh niên Quân đội hằng năm, nhằm ghi nhận, cổ vũ, động viên, biểu dương, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ Quân đội; tạo động lực để cán bộ, đoàn viên, thanh niên không ngừng phấn đấu và trưởng thành; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; xung kích, sáng tạo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện mẫu mực tiêu biểu, tổ chức Đoàn vững mạnh xuất sắc. 5 năm qua, toàn quân có gần 10.000 đoàn viên, thanh niên được tuyên dương ở các cấp. Cấp toàn quân có 50 Gương mặt trẻ tiêu biểu, 79 Gương mặt trẻ triển vọng; trong đó có 8 cá nhân đã được bình chọn và tuyên dương "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu", 7 người là "Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng". Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội 5 năm qua, phong trào Sáng tạo trẻ và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội tiếp tục ghi đậm dấu ấn nổi bật trong công tác đoàn và phong trào thanh niên Quân đội. Chất lượng các công trình, sáng kiến ngày càng được nâng cao, đem lại hiệu quả thiết thực về quốc phòng - an ninh, kinh tế xã hội. Nội dung nghiên cứu gắn với thực tế nhiệm vụ đơn vị, có khả năng phát triển và ứng dụng vào thực tiễn, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục đào tạo; bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm vật liệu và phụ tùng thay thế… có giá trị làm lợi cho đơn vị và Quân đội mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Xuân biên cương - Tết hải đảo Đây là hoạt động nổi bật, một mô hình đặc sắc của thanh niên Quân đội nhằm động viên, chia sẻ một phần khó khăn, vất vả về vật chất, tinh thần với đồng bào, chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc nhân dịp Tết đến, Xuân về. Là hoạt động thường niên, chương trình được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả từ cơ sở đến toàn quân, tại 350 điểm trên cả nước mỗi năm, với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phạm vi, quy mô khác nhau. Trong 5 năm, Chương trình đã tổ chức tặng 106 “Ngôi nhà 100 đồng”, trị giá mỗi căn từ 70-80 triệu đồng cùng hàng trăm nghìn bánh chưng, bánh tét, suất quà, học bổng, xe đạp, vật dụng sinh hoạt, cây, con giống. Qua đó, hàng chục nghìn người được khám bệnh, tư vấn cấp phát thuốc miễn phí và nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết..., tạo được sự lan tỏa lớn trong toàn quân, toàn quốc. Tri ân Tháng 7 Hàng năm, tuổi trẻ Quân đội tổ chức gần 4.000 buổi sinh hoạt chính trị, tọa đàm, diễn đàn thanh niên, gặp mặt nhân chứng lịch sử với chủ đề “Theo dấu chân những người anh hùng”, “Tri ân Tháng 7” và hưởng ứng chương trình “Nhắn tin tri ân liệt sỹ” với hàng chục nghìn tin nhắn; củng cố, tu sửa, vệ sinh, nâng cấp và tổ chức Lễ thắp nến tri ân và giao lưu nghệ thuật vào dịp 27/7 hàng năm. Đồng thời, Thanh niên Quân đội thường xuyên phối hợp với tổ chức Đoàn địa phương và các đơn vị kết nghĩa tổ chức tốt các hoạt động an sinh xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đã tặng gần 300 “Ngôi nhà 100 đồng”, hàng trăm nghìn suất quà, học bổng, xe đạp, vật dụng sinh hoạt, cây, con giống và 5.000 cờ Tổ quốc, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; khám bệnh, tư vấn cấp phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn người là đối tượng chính sách. Tham gia phòng, chống dịch COVID-19, thiên tai và cứu hộ cứu nạn Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Thanh niên Quân đội xung kích chung tay, đánh bay đại dịch COVID-19”, với các khẩu hiệu hành động: “Thanh niên Quân đội xung kích hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ địa phương phòng, chống đại dịch COVID-19”, “Thanh niên Quân đội đi từng ngõ, gõ từng nhà, trao quà từng đối tượng”, có hàng triệu lượt cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên Quân đội không quản gian khổ, vất vả, hy sinh, chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại các tổ, chốt trên các tuyến biên giới và ở các địa phương, giúp đỡ nhân dân phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, ổn định đời sống. Tuổi trẻ Quân đội đã huy động được nguồn lực, vật tư, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm tặng cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ và nhân dân chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. 21 đồng chí cán bộ, đoàn viên đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Hình ảnh thanh niên Quân đội luôn để lại ấn tượng sâu sắc và tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương, tô thắm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Hội thi cán bộ Đoàn giỏi năm 2021 Với chủ đề “Người Thủ lĩnh năng động, trí tuệ, xung kích, sáng tạo”, hội thi được tổ chức từ cấp cơ sở đến toàn quân, bảo đảm chặt chẽ nghiêm túc, hình thức sáng tạo, linh hoạt, đây là một trong những hoạt động trọng điểm của công tác thanh niên Quân đội; trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là cơ hội để cán bộ đoàn học tập nâng cao trình độ và thể hiện trình độ, năng lực, kỹ năng thực tiễn trong hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên. 2.264 Đoàn cơ sở đã hoàn thành kế hoạch tổ chức hội thi với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và vào cuộc rất trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Ở cấp toàn quân, hội thi được tổ chức với 2 vòng thi sơ khảo và chung khảo. 46 cá nhân tham gia vòng chung khảo được Tổng cục Chính trị tặng chứng nhận danh hiệu "Cán bộ Đoàn giỏi toàn quân năm 2021". Tuyên dương mô hình, điển hình trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật Hội nghị sơ kết, đánh giá những kết quả nổi bật trong 3 năm (2018-2020) triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên Quân đội, giai đoạn 2010-2015 đến năm 2020” trong toàn quân đã kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân cùng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Nhân dịp này, 79 tập thể, cá nhân và mô hình tiêu biểu được tuyên dương tại Hội nghị. Đồng thời, hằng năm, tổ chức Đoàn trong Quân đội đã phát huy tốt vai trò trong tham mưu và triển khai thực hiện đều đặn, hiệu quả Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”. Cấp toàn quân mỗi năm đều tổ chức Ngày hội, làm trước ở 2 khu vực (phía Bắc và phía Nam), sau đó triển khai đồng loạt ở các cơ quan, đơn vị, thu hút hàng chục nghìn cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia, qua đó khẳng định vai trò xung kích, người gương mẫu đi đầu của thanh niên Quân đội trong chấp hành pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, thực hiện tốt tiêu chí xây dựng quân nhân kiểu mẫu… Nguyệt Hà

Cựu chiến binh Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới

TĐKT - Ngày 23/9, tại Hà Nội, Hội Cựu chiến binh (CCB) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2022 – 2027 gồm 2 đồng chí. Đại hội Hội CCB Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương lần thứ II, nhiệm kỳ 2022 - 2027 Dự Đại hội, có đồng chí Đặng Thanh Tùng, Chủ tịch Hội CCB Bộ Nội vụ. Về phía Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, có các đồng chí Phó Trưởng ban: Phan Văn Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Nội vụ; Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy Ban; các đồng chí trong BCH Đảng ủy, lãnh đạo các vụ, đơn vị, trưởng các đoàn thể thuộc Ban và các hội viên Hội CCB Ban. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch Hội CCB Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu khai mạc Đại hội Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch Hội CCB Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết: Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá nhiệm vụ công tác Hội nhiệm kỳ 2017 - 2022; đề ra phương hướng nhiệm vụ, bầu Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2022 - 2027, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng. Ngày 12/01/2018, Ban Chấp hành Hội CCB Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 71/QĐ-HCCB-BNV về việc thành lập Hội CCB Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Theo đó, Hội CCB Ban gồm 2 đồng chí trong BCH, với tổng cộng 11 hội viên, nguyên là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội đã xuất ngũ, chuyển ngành, đang công tác tại các vụ, đơn vị thuộc Ban. Số lượng hội viên có mặt đến ngày tiến hành đại hội là 7 đồng chí. Nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Hội CCB Ban và toàn thể hội viên đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên các mặt công tác. Ban Chấp hành Hội CCB Ban luôn quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng, động viên hội viên nâng cao bản lĩnh chính trị, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong theo truyền thống tốt đẹp bộ đội Cụ Hồ, cũng như bản lĩnh, phẩm chất của người cán bộ đảng viên, góp phần hoàn thành trách nhiệm được giao... Do làm tốt công tác chính trị, tư tưởng nên tuyệt đại bộ phận hội viên giữ vững và phát huy được bản chất, truyền thống bộ đội Cụ Hồ, "Cựu chiến binh gương mẫu", giữ được sự trong sáng về tư tưởng, đạo đức, lối sống, gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật, quy định, quy chế của cơ quan và các nhiệm vụ được phân công của vụ, đơn vị; phát huy tính tự giác trong công tác, giúp nhau cùng phát triển, vun đắp tình đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội. Công tác tuyên truyền luôn được quan tâm, qua đó góp phần giúp hội viên nâng cao nhận thức chính trị, xã hội, tăng thêm sự hiểu biết, lòng tự hào dân tộc, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống và sự gắn bó, đoàn kết của hội viên, công chức, viên chức trong Ban. Trong đó, Ban Chấp hành Hội đã tiến hành triển khai đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ủy khối, Đảng ủy Bộ Nội vụ, Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đặc biệt, Ban Chấp hành Hội đã chủ động vận động các hội viên tham gia phong trào “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, phong trào thực hiện ba chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức ngành Thi đua, khen thưởng, phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, tham gia các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước… Hội viên CCB cơ quan đã hăng hái tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy định pháp luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn và thi hành Luật Thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; triển khai công tác chuyển đổi số. Mỗi hội viên với khả năng, vị trí, cương vị công tác của mình đã hoàn thành tố các nhiệm vụ được giao. Đồng chí Đặng Thanh Tùng, Chủ tịch Hội CCB Bộ Nội vụ phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Đặng Thanh Tùng, Chủ tịch Hội CCB Bộ Nội vụ đã chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động trong công tác CCB và thông tin về tình hình quốc tế, khu vực có liên quan đến công tác Hội CCB. Khẳng định niềm tin chắc chắn: “Còn có CCB là còn có Hội CCB”, đồng chí Đặng Thanh Tùng đề nghị thời gian tới khi các hội viên dần dần được nghỉ hưu theo chế độ, số lượng hội viên giảm đi, Hội cần bàn nhau để tổ chức lại các hoạt động sao cho phù hợp. Đồng thời, Hội cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị khác tổ chức các hoạt động một cách kịp thời, hiệu quả, phát huy tốt phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong tình hình mới... Các đại biểu dự Đại hội chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2022 – 2027 Đồng chí Nguyễn Văn Vượng và đồng chí Nguyễn Anh Đức đã được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2022 – 2027. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Đại hội Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chúc mừng Đại hội đã thành công tốt đẹp. Lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội CCB Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Đức Toàn khẳng định Đảng ủy, lãnh đạo Ban sẽ cùng Hội CCB lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt theo đúng định hướng mà Chủ tịch Hội CCB Bộ Nội vụ đã đề ra. Đồng chí bày tỏ tin tưởng Hội CCB Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương sẽ phát huy tinh thần chủ động, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Phương Thanh

Bộ Giao thông vận tải phát động thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc

TĐKT - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tặng quà, động viên công nhân tại công trường trong chuyến kiểm tra tình hình triển khai đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa) vào ngày 8/9/2022 Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 05 năm 2021 - 2025; là năm mà ngành GTVT hết sức quyết tâm, tập trung triển khai và hoàn thành nhiều dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Để kêu gọi, động viên, khích lệ toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công của 4 dự án nêu trên tranh thủ thời gian, nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành các dự án theo tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ GTVT phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây”. Mục đích cuộc phát động nhằm tạo khí thế phong trào thi đua, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm cao, phát huy tinh thần trách nhiệm, truyền thống “đi trước mở đường” của ngành GTVT để đưa 4 Dự án cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022. Phong trào thi đua được triển khai tại 4 dự án, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và thực hiện đúng chế độ chính sách cho các cá nhân tham gia Phong trào thi đua. Ban QLDA, Các nhà thầu phải cam kết và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ và hợp đồng đã ký kết. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Thời gian triển khai phong trào thi đua: Từ tháng 9/2022 đến hết tháng 12/2022; tổng kết và khen thưởng ngay sau khi kết thúc phong trào thi đua. Đối tượng thi đua là tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công. Hình thức khen thưởng: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT. Việc xét khen thưởng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/TT-BGTVT ngày 29/3/20218 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ngành GTVT. Đối với tập thể hoàn thành 100% công việc/nhiệm vụ theo Kế hoạch của đơn vị đăng ký thi đua; Có lãnh đạo đơn vị thường trực 24/24h để chỉ đạo trên công trường; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường; chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước, chỉ đạo của Bộ GTVT; quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động, đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định. Đối với cá nhân tích cực tham gia phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây” hoặc có các biện pháp, giải pháp có hiệu quả góp phần hoàn thành Kế hoạch của đơn vị. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tham gia phong trào thi đua căn cứ kết quả, hiệu quả công việc, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để đề xuất khen thưởng. Công văn đề nghị và hồ sơ khen thưởng gửi về Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông trước ngày 5/1/2023. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức tổng kết Phong trào thi đua, đề nghị khen thưởng. Tờ trình và hồ sơ đề nghị khen thưởng gửi Vụ Tổ chức cán bộ - Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ trước 10/01/2023. Phương Thanh

Tuyển than Cửa Ông và nỗ lực thực hiện tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch”

TĐKT - Là một doanh nghiệp ngành Than tại Quảng Ninh, nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV luôn xác định: “Muốn đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường”. Những năm qua, Công ty đã tập trung đổi mới công nghệ, đầu tư nhiều thiết bị mới để tăng trưởng quy mô sản lượng chế biến, đồng thời có nhiều biện pháp cải thiện môi trường ngày càng tốt hơn như: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, ban hành và áp dụng các văn bản về công tác quản lý môi trường; áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO14001:2015; quan trắc môi trường định kỳ hàng năm; hướng tới công nghệ sản xuất sạch hơn, sản xuất than hòa hợp với môi trường; áp dụng hệ thống phun sương dập bụi, phun sương cao áp, bê tông hóa các tuyến đường nội bộ, kho bãi, trồng cây, đầu tư hệ thống hút bụi, gạt than, máng hứng than rơi vãi trên các tuyến băng tải... Văn phòng trụ sở chính Công ty Tuyển than Cửa Ông tại khu 4B2, phường Cửa Ông, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, năm 2021, đề án cải tạo cảnh quan môi trường nhà máy tuyển và cảng Cửa Ông giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới năm 2030 với tổng giá trị trên 107 tỷ đồng đã được Tập đoàn phê duyệt, đây là đề án đặc biệt quan trọng để sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa với cảnh quan, sinh thái cảng biển trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, hướng tới tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch”. Năm 2022, Công ty tiếp tục thực hiện đề án Cải tạo cảnh quan môi trường khu vực nhà máy Tuyển than và Cảng Cửa Ông, với tổng giá trị trên 153,7 tỷ đồng. Cảng Cửa Ông                            Hệ thống lọc bụi đầu băng ngoài cảng tại phân xưởng Kho bến 2 Công ty Tuyển than Cửa Ông quan tâm đầu tư cải tạo công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất than chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ từng thời điểm, đồng thời hướng tới mục tiêu “đưa công viên vào trong nhà máy sàng tuyển”. Nhà máy Tuyển than 2 Nhà máy Tuyển than 4 Từ năm 1990, Công ty đã áp dụng công nghệ phun sương dập bụi, bê tông hóa các tuyến đường nội bộ. Giai đoạn 2021 – 2022, Công ty tiếp tục đầu tư 7 hệ thống phun sương cao áp dập bụi tại các đơn vị trong mặt bằng sản xuất, với tổng giá trị trên 21,2 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu bụi tại các khu vực kho than và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.     Hệ thống phun sương cao áp dập bụi tại khu vực kho than số 1 - PX Kho bến và tại nhà sửa chữa cơ điện PX Kho bến 2 Hằng năm, Công ty tổ chức quan trắc môi trường lao động để xác định các điều kiện, chế độ hưởng các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho người lao động; mỗi quý đều phối hợp với CDC Quảng Ninh thực hiện quan trắc định kỳ, giám sát môi trường theo đúng quy định. Kết quả quan trắc định kỳ hàng năm về bụi, ồn, rung, nước biển ven bờ, nước thải sinh hoạt từ các vị trí xả thải của Công ty đều trong quy chuẩn cho phép.   Công ty tổ chức quan trắc môi trường lao động tại Phân xưởng Tuyển than 4. Với mục tiêu phủ xanh đất trống trong mặt bằng công ty quản lý, năm 2021 - 2022, công ty đã trồng trên 64.000 cây xanh, cây ăn quả, cây cảnh, hoa các loại và trên 5.300m2 cây trồng thảm, trồng viền, góp phần vào thực hiện chương trình “1 triệu cây xanh năm 2022” của Tập đoàn TKV và hưởng ứng mục tiêu “Trồng 1 tỷ cây xanh từ nay đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.    Công ty trồng cây phi lao phủ xanh đất trống tại phân xưởng Lọc sấy than và phân xưởng Kho bến 1. Từ năm 2020, Công ty cải tạo tường rào bảo vệ mặt bằng sản xuất, hoàn thiện hệ thống tường rào chống bụi, chống ồn dọc quốc lộ 18A. Bên cạnh khu di tích lịch sử đền Cửa Ông là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng hình ảnh Công ty Tuyển than Cửa Ông như nhà máy trong công viên. Với những nỗ lực đó, công tác bảo vệ môi trường của Công ty luôn được chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư ghi nhận. Những cố gắng của Tuyển than Cửa Ông đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh, để chung tay hướng tới một “Quảng Ninh xanh bền vững”.  Mặt bằng văn phòng điều hành và nhà ăn giữa ca của phân xưởng Tuyển than 3 Cẩm Thúy

Huyện Đạ Huoai tổ chức tốt phong trào thi đua khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19

TĐKT - Thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19 gắn với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, trong năm 2021, dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, gây hậu quả khó lường, nhưng cả hệ thống chính trị của huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung công sức, trí tuệ để lãnh đạo, chỉ đạo địa phương tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, có các giải pháp khắc phục khó khăn do dịch bệnh phát sinh; đồng thời thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm kế hoạch. Đạ Huoai là đơn vị cấp huyện của tỉnh Lâm Đồng giáp ranh vùng tâm dịch (Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ). Vào thời điểm các tỉnh bạn bùng phát dịch bệnh, ở tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đạ Huoai nói riêng, là huyện cửa ngõ của tỉnh Lâm Đồng, người dân trở về địa phương rất đông. Trọng điểm là Chốt số 1 trên Quốc lộ 20 chiếm phần lớn lượng khách và phương tiện ra, vào tỉnh Lâm Đồng. Do vậy, trên địa bàn huyện Đạ Huoai phải duy trì thường xuyên, liên tục 5 chốt kiểm soát dịch bệnh trên tuyến Quốc lộ 20 và các tuyến tỉnh lộ. Người dân trong khu phong tỏa buôn B’Kẻ, tổ dân phố 1, thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai nhận hàng hỗ trợ thiết yếu Ở thời điểm này, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thường xuyên định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cũng như sự ủng hộ của nhân dân để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và kiểm soát cửa ngõ của tỉnh. Đơn cử trên Quốc lộ 20, có ngày cao điểm đã kiểm soát hơn 3.500 phương tiện với hơn 5.500 người qua lại, huy động lực lượng hơn 230 người tham gia, túc trực 24/24, không quản nắng hay mưa; thường xuyên duy trì hoạt động 54 Tổ Covid cộng đồng, 86 Tổ tự quản bảo vệ vùng xanh. Cùng với việc kiểm soát chặt, huyện đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, cụ thể như: Không gây ùn tắc giao thông liên tỉnh, liên huyện; thành lập 2 điểm trung chuyển hàng hóa liên tỉnh và thành lập khu lưu trú cho lái xe, phụ xe theo đúng tinh thần “Một cung đường, 2 điểm đến”. Khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, huyện đã thực hiện tốt nguyên tắc truy vết “Thần tốc và triệt để”; khoanh vùng trong phạm vi hẹp nhất, từ đó hạn chế tới mức thấp nhất về ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân thực hiện phương “3 tại chỗ” để vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, tình hình sản xuất của nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đa Huoai vẫn duy trì ổn định và có bước phát triển; các mặt hàng chủ lực của địa phương như sầu riêng, hạt điều, hàng thủ công mỹ nghệ được tiêu thụ ổn định, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập và ổn định đời sống của người lao động. Khi có chủ trương tiêm vắc-xin, huyện Đạ Huoai đã triển khai theo đúng kế hoạch. Những tháng cuối năm 2021, tỷ lệ tiêm mũi 2 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt 99,36%; tiêm mũi 2 cho đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 98,8%; có 79,9% trên tổng dân số của huyện được tiêm mũi 2. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên địa bàn huyện đã đạt mức cao hơn rõ rệt. Kết quả này đã tạo tiền đề quan trọng để huyện chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tặng công trình phúc lợi cho đơn vị cấp huyện cho nhân dân và cán bộ huyện Đạ Huoai. Thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19 gắn với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, trong năm 2021 huyện Đạ Huoai đã cụ thể hóa thành các phong trào thi đua, cụ thể như: Phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào giảm nghèo bền vững; phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đạ Huoai được duy trì và phát triển ổn định. Kết quả, năm 2021, huyện có 14/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2/16 chỉ tiêu bám sát kế hoạch. Trong đó có một số chỉ tiêu cơ bản nổi bật đó là: Tổng giá trị sản xuất đạt 2.996 tỷ đồng, tăng 4,3% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 143,3 tỷ đồng, đạt 136% dự toán, tăng 10%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 47,5 triệu đồng, tăng 9% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 1.060 tỷ đồng, tăng 10,4%. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,73%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc còn 2,51%. Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 93%, vượt 0,1% so kế hoạch. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, huyện Đạ Huoai cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM; có thêm 2 xã Đạ Oai và Đạ Tồn đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Đời sống nhân dân ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Với những thành tích đạt được trong năm 2021, huyện Đạ Huoai là một trong những điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Lâm Đồng, vinh dự được biểu dương và được tặng công trình phúc lợi giá trị tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2021, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và phát động, ký kết giao ước thi đua năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng. Thục Anh

Cùng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện

TĐKT - Sau 2 ngày (29 - 30/8) làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Đại hội Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 tại Hà Nội đã diễn ra thành công tốt đẹp. Dự Đại hội, có các đồng chí: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, đoàn thể, tổ chức xã hội, đại diện Hiệp hội Chữ Thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế; 500 đại biểu đại diện cho 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ cả nước. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa trao huy hiệu Chữ thập đỏ cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Thời gian qua hàng triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và những người làm nhân đạo cả nước... đã đoàn kết, phấn đấu hết mình, ra sức thi đua làm thiện nguyện, lan tỏa tinh thần nhân ái, nhân văn của dân tộc, tính ưu việt của chế độ góp phần thực hiện thành công các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, 5 năm qua, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tiếp tục đi vào chiều sâu, tỏ rõ sức sống trong đời sống xã hội. Càng trong khó khăn, thách thức càng nhân lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia nhân ái trong cộng đồng, càng khơi dậy sự sáng tạo, đổi mới trong hoạt động của các cấp Hội. Hàng chục triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp; hàng ngàn Mái ấm nhân đạo được xây dựng; hàng triệu suất quà tết được trao tận tay người nghèo; cùng hàng vạn công trình/ phần việc tiếp sức, sẻ chia với cộng đồng… là minh chứng thuyết phục khẳng định rằng: Ở đâu có hoạt động nhân đạo, ở đó có vai trò, sự đóng góp của Hội Chữ thập đỏ; ở đâu có người nghèo, người bị tổn thương, ở đó có sự trợ giúp kịp thời của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ. Với tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt 22.523 tỷ đồng (gấp hơn 2,3 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX), hoạt động của Hội Chữ thập đỏ ngày càng khẳng định vị thế là tổ chức xã hội, giữ vai trò nòng cốt, đầu mối, kết nối trong hoạt động nhân đạo của quốc gia. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh cùng Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trong nhiệm kỳ qua. Các phong trào, cuộc vận động của Hội cơ bản đạt hiệu quả cao, lan tỏa các giá trị nhân đạo, tạo dấu ấn ngày càng sâu đậm trong đời sống xã hội, trở thành phong trào của nhân dân, được nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân sôi nổi hưởng ứng. Bằng những hành động thiết thực, thấm đậm tình người Hội Chữ thập đỏ đã kết nối hàng vạn tấm lòng sẻ chia, thiện nguyện để nhân lên hàng triệu hành động nhân ái tô thắm nét đẹp nhân văn của dân tộc ta. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và thống nhất với những định hướng lớn trong 5 năm tới của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các cấp Hội trong cả nước thống nhất ý chí và hành động, vươn lên thực hiện đầy đủ và hiệu quả vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối điều phối trong hoạt động nhân đạo, từ thiện của đất nước, trong đó tập trung vào thảo luận kỹ về những hạn chế của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và phương án khắc phục. Chủ tịch nước đề nghị Hội tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhân đạo, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới theo đúng tinh thần chỉ thị 43 CT/TW của Ban Bí thư. Tập trung thực hiện hiệu quả 7 lĩnh vực hoạt động Chữ thập đỏ được quy định trong Luật hoạt động Chữ thập đỏ; nâng cao chất lượng hoạt động nhân đạo và lan tỏa các giá trị nhân văn của nước ta. Chú trọng công tác xã hội nhân đạo, tham gia phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm họa, phòng chống dịch bệnh, vận động hiến máu, hiến mô tình nguyện và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hội cần chủ động xây dựng và phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị, tuyên truyền sâu rộng các giá trị nhân đạo, rèn luyện đạo đức, lối sống, lối ứng xử trên tinh thần nhân văn, nhân ái. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của các cấp Hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, chăm lo rèn luyện, động viên, thực hiện chính sách cán bộ Hội; củng cố và xây dựng tổ chức Hội uy tín, vững mạnh, nâng tầm ảnh hưởng và sức lôi cuốn trong công tác nhân đạo… Hoạt động của Hội cần dựa vào cộng đồng, nắm chắc những người khó khăn để trợ giúp trực tiếp hoặc vận động trợ giúp theo tinh thần "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", chú trọng nhân rộng, quảng bá các mô hình nhân đạo hiệu quả của Hội; tham khảo các mô hình hoạt động thiện nguyện phù hợp của các tổ chức khác ở trong và ngoài nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, có sự điều phối thống nhất. Hội cần thực hiện tốt hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, tăng cường quan hệ với các tổ chức trong và ngoài phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo khu vực và toàn cầu, nhất là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Nhân đạo quốc tế, vận động nguồn lực, kỹ thuật và kịp thời tham gia trợ giúp nhân dân các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng ở ngoài nước, góp phần làm lan tỏa giá trị nhân văn, nhân ái của dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, xác định công tác nhân đạo là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy Đảng, tổ chức đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị; đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Chữ thập đỏ trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, ban hành các cơ chế, chính sách về công tác nhân đạo, tạo thuận lợi để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương thường xuyên củng cố tổ chức Hội và phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối điều phối của Hội trong hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương; quản lý thật tốt các hoạt động từ thiện, không để hoạt động này bị lợi dụng. Tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, chủ động, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cùng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng. Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và bầu Ban Thường trực gồm 4 đồng chí: Bà Bùi Thị Hòa – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Nguyễn Hải Anh – Phó Chủ tịch Hội; bà Huỳnh Thị Xuân Lam – Phó Chủ tịch Hội; ông Vũ Thanh Lưu – Phó Chủ tịch Hội; bầu Ban Thường vụ 27 đồng chí; Ban Chấp hành gồm 111 đồng chí và Ban Kiểm tra 9 đồng chí. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Nguyệt Hà

Khánh Hòa: Phát động phong trào thi đua đặc biệt thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương

TĐKT - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua đặc biệt thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Thu Trang Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh 5 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động; quyết tâm thực hiện các nghị quyết: Số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị; số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ và Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 23/2/2022 của Tỉnh ủy Khánh Hòa; số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Qua đó, huy động mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, khu công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác trên người, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông liên kết vùng. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề cho lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân và chất lượng dân số; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đối ngoại. Phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu, giai đoạn 2021 - o2025 và 2026 - 2030. Phong trào thi đua cần tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong từng giai đoạn. Hướng phong trào thi đua vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề cấp bách để phát động các phong trào thi đua phong phú, hấp dẫn, dễ thực hiện; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tạo phong trào hành động tự giác của toàn dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng. Thông qua phong trào thi đua yêu nước để tiếp tục phát hiện các mô hình, các gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới để xây dựng, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa thành phong trào thi đua, phong trào hành động thiết thực… Ung Thị Thu Trang

Tuổi trẻ Thái Nguyên phát huy vai trò xung kích, tình nguyện

TĐKT - Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thời gian qua, thời gian qua, Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Qua đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của màu áo xanh tình nguyện. Chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2022 góp phần cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra thành công Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên có 484 cơ sở đoàn với hơn 100 nghìn ĐVTN. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đoàn, các phong trào thanh niên ở Thái Nguyên đã có sự phát triển về quy mô, chất lượng, phát huy được vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ. Hiệu quả đem lại từ các phong trào của Đoàn góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí Đoàn Quang Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên cho biết: Hơn 1 năm qua, toàn tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện được trên 110 tuyến đường thắp sáng làng quê; trồng mới và chăm sóc được gần 300 nghìn cây xanh; thành lập mới và duy trì 65 cổng trường an toàn giao thông; tặng hơn 8.000 suất quà với tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Nổi bật là công trình thanh niên - khu tập thể dục liên hoàn cho thiếu nhi được thực hiện tại Trường Mầm non Giấy Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên) được các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng, chăm chỉ tập thể dục hơn, góp phần nâng cao thể chất. Hay như 9 tuyến đường thắp sáng làng quê với chiều dài gần 21 km đã được Huyện đoàn Đại Từ bàn giao cho các xã: Yên Lãng, An Khánh, Đức Lương, Hà Thượng, Tân Linh, Phú Xuyên, Quân Chu được thực hiện trong năm 2021 cũng đang phát huy tác dụng tại cộng đồng. Một trong những hoạt động ghi dấu ấn của tuổi trẻ Thái Nguyên thời gian vừa qua là chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Bí thư Tỉnh đoàn Đoàn Quang Duy cho biết: Trong đợt Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã huy động ĐVTN tham gia tiếp sức và hỗ trợ thí sinh. Riêng Đoàn thanh niên - Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Thái Nguyên đã thành lập hơn 25 đội tiếp sức mùa thi để hỗ trợ thí sinh tại các điểm thi. Trong đó, ĐVTN thực hiện nhiều phần việc như: Hỗ trợ đưa, đón thí sinh, giữ trật tự, an toàn giao thông tại các cổng trường; hỗ trợ nước uống, bữa trưa, khẩu trang, các loại văn phòng phẩm phục vụ thí sinh… triển khai rộng rãi kênh thông tin tiếp nhận hỗ trợ cũng như huy động mọi nguồn lực xã hội để chung tay hỗ trợ thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tiếp sức mùa thi chỉ là một trong rất nhiều hoạt động tình nguyện ý nghĩa được tuổi trẻ Thái Nguyên thực hiện thời gian qua. Ngoài ra, các cấp bộ đoàn trong tỉnh còn tổ chức các hoạt động tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là phong trào chống rác thải nhựa; tham gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và an sinh xã hội... “Đặc biệt, với chủ đề Tuổi trẻ Thái Nguyên xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng, riêng trong Tháng Thanh niên năm 2022, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã thực hiện được nhiều việc làm, phần việc ý nghĩa. Đó là thực hiện được hơn 100 công trình, phần việc thanh niên các cấp trị giá hơn 620 triệu đồng; bàn giao 8 mô hình điểm thu gom, phân loại rác thải tại nguồn cho các địa phương.”- Bí thư Tỉnh đoàn Đoàn Quang Duy chia sẻ. Bên cạnh đó, tuổi trẻ Thái Nguyên đã tham gia xây dựng 8km tuyến đường thắp sáng làng quê trị giá 150 triệu đồng. 100% các cơ sở Đoàn triển khai trồng mới 25 nghìn cây xanh để hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2022. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thanh thiếu nhi và an sinh xã hội được triển khai bằng nhiều công trình, phần việc với hình thức đa dạng, phong phú… Theo Bí thư Tỉnh đoàn Đoàn Quang Duy, thanh niên tình nguyện là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần giáo dục đạo đức lý tưởng cho thanh niên, là cơ hội để ĐVTN ý thức tốt hơn về vai trò của mình với cộng đồng. Để các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng đạt chất lượng, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn luôn chỉ đạo sát sao các cơ sở đoàn bám sát tình hình thực tế cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để tổ chức các chương trình, hoạt động phù hợp, ý nghĩa. Thông qua hoạt động tình nguyện, tạo môi trường cho ĐVTN rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; góp phần hình thành lớp thanh niên có tinh thần cống hiến, có lối sống đẹp, bản lĩnh, trí tuệ, có sức khỏe, kỹ năng thực hành xã hội, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo Linh

Xếp hạng Chuyển đổi số năm 2021: BHXH Việt Nam xếp thứ 3 trong các bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công

TĐKT - Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, thời gian qua, cùng với việc triển khai mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), BHXH Việt Nam đã tập trung nguồn lực để tích hợp, mở rộng cung cấp các dịch vụ công (DVC) nhằm góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2021, BHXH Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với vị trí top 3 trong Bảng xếp hạng17 bộ, ngành có cung cấp DVC.   BHXH Việt Nam xếp thứ 3 trong các bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công Tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa được tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021. Theo đó, BHXH Việt Nam xếp thứ 3 trong Bảng xếp hạng 17 bộ, ngành có cung cấp DVC, tăng 1 bậc so với DTI năm 2020 (17 bộ, ngành có cung cấp DVC gồm: Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; BHXH Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Công Thương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng). Cụ thể, BHXH Việt Nam xếp thứ 3/17 với 0,5747 điểm. DTI của các bộ, ngành có cung cấp DVC gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. Trong đó, BHXH Việt Nam có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao như: Nhân lực số xếp thứ 1; hoạt động chuyển đổi số xếp hạng thứ 2 và nhận thức số xếp hạng thứ 3. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, giúp người dân và doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí trong thực hiện các giao dịch về BHXH, BHYT với cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và bổ sung các DVC trực tuyến cập nhật trên Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận gần 55 triệu hồ sơ (chiếm 82,8% tổng số hồ sơ tiếp nhận). Đặc biệt, 100% DVC của ngành được thực hiện ở mức độ 4, người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 thông qua Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia, các nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN), ứng dụng VssID - BHXH số (dành cho cá nhân). Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06/CP, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện việc kết nối sử dụng dịch vụ "Xác nhận thông tin hộ gia đình" và triển khai dịch vụ "Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng" trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho người lao động, BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành DVC “Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe”, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC của ngành, chính thức áp dụng, triển khai thực hiện từ ngày15/6/2022. Có thể nói, với vị trí thứ 3 trong Bảng xếp hạng các bộ, ngành có cung cấp DVC (năm 2021), BHXH Việt Nam tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành trong công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. La Giang

Sức lan tỏa mạnh mẽ của các cuộc vận động, phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc phát động, triển khai

TĐKT – Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba, Khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019 - 2024 khai mạc sáng 8/8, tại Ninh Bình đã chỉ ra một trong những hiệu quả nổi bật của công tác Mặt trận trong 6 tháng đầu năm 2022, đó là: Sức lan tỏa mạnh mẽ của các cuộc vận động, phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc phát động, triển khai. Theo bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong 6 tháng vừa qua, MTTQ các cấp đã làm được rất nhiều công việc quan trọng, đóng góp cho Đảng, Nhà nước thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; lắng nghe ý kiến của nhân dân và tiếp thu ý kiến từ các chương trình giám sát, hoạt động phản biện xã hội để gửi tới Quốc hội. Từ đó, tiếng nói của Mặt trận đã tạo được sự chuyển biến lớn cho những nhà lập pháp đưa ra những quyết sách đúng đắn cho đất nước. Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba, Khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024 khai mạc sáng 8/8, tại Ninh Bình Tiêu biểu, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các cấp Mặt trận tích cực tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện 5 nội dung với nhiều mô hình hay, cách làm phù hợp. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã có 5 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương; 5.775/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 764 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các hoạt động vì người nghèo và vận động ủng hộ chương trình an sinh xã hội được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp triển khai có hiệu quả, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên và Kho bạc Nhà nước, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được là 583 tỷ đồng. Đã phân bổ, hỗ trợ các tỉnh, thành phố và chi mua vắc xin phòng Covid-19 số tiền 1.453,7 tỷ đồng; đã phân bổ 32.515 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh, giúp đỡ hộ gia đình, cá nhân khó khăn khi phải giãn cách xã hội; hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; Quỹ Vắc xin đã chi 690 triệu đồng theo chỉ đạo của Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá: Trong 6 tháng vừa qua, MTTQ các cấp đã làm được rất nhiều công việc quan trọng, đóng góp cho Đảng, Nhà nước thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 3.534 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 961 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 2.572 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 17.766 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 279.000 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ gần 74.000 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ gần 90.000 lượt người nghèo về phát triển sản xuất... và hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh.   Cùng với đó, các hoạt động tri ân 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được triển khai tích cực, với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, ý nghĩa, tính lan tỏa cao, có tác động tích cực nhiều mặt trong toàn xã hội. Bám sát chủ trương mới ban hành năm 2021 tại Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 28 của Thủ tướng Chính phủ, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết năm 2021 và Hội thảo “Kết nối cung - cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với một số bộ, ngành để chuẩn bị tổ chức ký kết Chương trình phối hợp về đẩy mạnh Cuộc vận động. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tại địa phương đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm của địa phương, phối hợp tổ chức các hội chợ, các điểm bán hàng bình ổn giá, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước, địa phương. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tới thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên Theo ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Sáu tháng đầu năm, bối cảnh, tình hình đất nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là những khó khăn chung toàn cầu do các hệ lụy và tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, điều hành của Nhà nước, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, tình hình hình kinh tế - xã hội đất nước có nhiều khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực tăng trưởng thấp, lạm phát cao nhưng Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao, GDP tăng 6,42%. Lạm phát được kiểm soát tốt; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 66,1%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4%; khách quốc tế tăng 5,8 lần; số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021. An sinh xã hội được đảm bảo; tình hình lao động, việc làm phục hồi. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước được tăng cường, đối ngoại nhân dân tiếp tục được mở rộng, quốc phòng an ninh được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. “Trong nỗ lực và công sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân có sự đóng góp xứng đáng của hệ thống MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương” – Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh. Xác định 6 tháng cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, đất nước ta tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng hành của người dân. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2022 và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chỉ ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản cần tập trung thực hiện. Một trong số đó là việc đổi mới hình thức vận động nhân dân thi đua học tập, lao động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. Tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”. Tập trung tổ chức tốt các hoạt động Tháng cao điểm Vì người nghèo; cấp Trung ương tổ chức chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”; tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận cấp xã, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư giai đoạn 2017 - 2022… Mai Thảo

Trang