BTĐKT - Từ ngày 29 - 31/10, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Lâm Đồng.
Đoàn đã làm việc với Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tại Trung tâm Hành chính tỉnh; tham quan một số mô hình, điển hình tiêu biểu.
Tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát tại Trung tâm Hành chính tỉnh, có đồng chí: Đàm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng; Hội Nông dân tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh; Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ tỉnh.
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh
Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Lâm Đồng, trong những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm liên tục qua các năm, từ 6,67% đầu năm 2016 giảm còn 0,99% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020). Hiện nay, qua thực hiện rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 5,34%, trong đó, số hộ nghèo là 6.636 hộ, chiếm tỷ lệ 1,94%, số hộ cận nghèo là 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%.
Công tác giảm nghèo bền vững đã góp phần thu hẹp chênh lệch khoảng cách về giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp người dân thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, người dân đã biết lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm hàng hóa tập trung có chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Việc phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự vươn lên của người nghèo, nhiều hộ dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững. Qua triển khai, việc huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo được tăng cường, các chính sách giảm nghèo được thực hiện kịp thời, đồng bộ; nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo và hiệu quả; huyện nghèo, xã nghèo và các xã đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để đảm bảo cuộc sống theo hướng tiếp cận đa chiều. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến; mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong công tác giảm nghèo cũng được tỉnh tăng cường, phát huy hiệu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát ghi nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành đồng bộ các văn bản triển khai thực hiện phong trào, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự phối kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thời gian tới, Đoàn Giám sát đề nghị Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh cùng các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong tỉnh quan tâm tổ chức sơ kết phong trào bằng hình thức thiết thực, phù hợp; tham mưu hoàn thiện Quy chế Thi đua, khen thưởng tỉnh đồng bộ với quá trình hoàn thiện, ban hành các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thương. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, với phương pháp tuyên truyền phong phú, sát thực, nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ thoát nghèo; nhân rộng điển hình tiên tiến thông qua việc vinh danh, chia sẻ bài học kinh nghiệm, cách thức thoát nghèo, hỗ trợ và đóng góp cho công tác giảm nghèo; quan tâm hơn nữa trong việc phát hiện, khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, kịp thời biểu dương, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích…
Đoàn Giám sát thăm và tặng quà HTX Vươn Lên, huyện Đức Trọng
Trong chương trình công tác, Đoàn Giám sát đã tham quan mô hình Hợp tác xã Vươn Lên, huyện Đức Trọng, hợp tác xã của những người khuyết tật, yếu thế. HTX được Hội Người Khuyết tật huyện Đức Trọng thành lập năm 2007 với mong muốn giải quyết những khó khăn về việc làm, phát huy tinh thần sáng tạo, giúp người khuyết tật có thu nhập ổn định, xóa bỏ mặc cảm, tự ti khi hòa nhập vào cộng đồng. HTX đã nỗ lực lo việc làm cho 38 lao động khuyết tật, giúp các gia đình vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo.
Đoàn Giám sát thăm một số hộ gia đình thoát nghèo nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm tại buôn Hăng Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà
Đoàn Giám sát đã đi thực tế tại buôn (thôn) Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Buôn (thôn) có 173 hộ, có 890 nhân khẩu, trong đó 130 hộ là đồng bào gốc Tây Nguyên, trước đây là điểm phức tạp về lấn chiếm rừng, an ninh trật tự, nay chuyển đổi cây trồng sang trồng dâu, nuôi tằm, thu nhập ổn định, an ninh trật tự tốt, là điểm sáng trong xây dựng khu dân cư.
Đoàn tham quan mô hình sản xuất của doanh nghiệp tư nhân sản xuất tơ - lụa và dịch vụ du lịch Cường Hoàn
Đoàn tham quan mô hình sản xuất cà phê xuất khẩu tại doanh nghiệp Tám Trình
Tại đây, Đoàn Giám sát đã tới thăm một số hộ gia đình thoát nghèo nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm; thăm doanh nghiệp tư nhân sản xuất tơ - lụa và dịch vụ du lịch Cường Hoàn, doanh nghiệp Tám Trình sản xuất cà phê xuất khẩu tại huyện Lâm Hà, là hai mô hình bao tiêu sản phẩm, giải quyết đầu ra cho nông dân.
Đoàn thăm mô hình sản xuất của anh Nguyễn Ngọc Vân, Chủ nhiệm HTX Tu Tra, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương
Tại huyện Đơn Dương, Đoàn Giám sát đã tới thăm mô hình sản xuất của anh Nguyễn Ngọc Vân, Chủ nhiệm HTX Tu Tra, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, điển hình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ giàu, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên tại địa phương.
Phương Thanh