Phong trào thi đua

Phát động cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

TĐKT – Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai Tháng cao điểm "Vì người nghèo" (17/10/2017 - 18/11/2017), tối 15/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức cầu truyền hình "Chung tay vì người nghèo" 2017. Chương trình là sự tiếp nối đầy nhân văn của chương trình “Nối vòng tay lớn”, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai tháng cao điểm “Vì người nghèo” (từ 17/10 đến 18/11). Đồng thời, tôn vinh những tấm lòng nhân ái đã chăm lo, giúp đỡ ủng hộ người nghèo. Cầu truyền hình "Chung tay vì người nghèo" 2017 tại Hà Nội Trong quá trình phát triển, khoảng cách giàu nghèo và người nghèo là vấn đề xã hội mà nhiều quốc gia quan tâm giải quyết. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay trên cả nước có hơn 1,9 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 8.23% so với tổng số hộ dân cư toàn quốc) và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5.41%) cần được giúp đỡ nhằm ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Để giải quyết vấn đề nêu trên, Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã ban hành chiều chính sách, pháp luật, ưu tiên đầu tư nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững. Thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ là giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn là việc phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Suốt 17 năm qua, hưởng ứng phát động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc ủng hộ người nghèo vươn lên thoát nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã tiếp nhận được hơn 13 nghìn tỷ đồng. Chương trình an sinh xã hội ở các địa phương tiếp nhận được 36 nghìn tỷ đồng, góp phần xây dựng và sửa chữa hơn 1,4 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hàng triệu hộ nghèo được hỗ trợ về vốn và tư liệu sản xuất; hàng chục nghìn công trình dân sinh được sửa chữa. Kết quả đó góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cả nước hưởng ứng chung tay vì người nghèo, đồng thời khẳng định: để thực hiện giảm nghèo bền vững, ngoài sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng chân thành cảm ơn và mong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ, trợ giúp thiết thực cho người nghèo, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của Việt Nam. Tại chương trình, đã có 82 tổ chức ủng hộ và cam kết ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền hơn 264 tỷ đồng. Hưởng ứng “Ngày Quốc tế chống đói nghèo” và cũng là “Ngày Vì người nghèo ở Việt Nam”, 17/10, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400): “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bắt đầu từ 00h00 ngày 15/10/2017 đến hết 24h00 ngày 31/12/2017, Cổng 1400 mở hệ thống để đón nhận đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo theo cú pháp: VNN gửi 1408. Với mỗi tin nhắn, người ủng hộ sẽ đóng góp 20.000 đồng vì người nghèo. Hưng Vũ

Nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

TĐKT - Sắp tới, sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam và 87 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10. Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí ngày 10/10. Nổi bật là sự kiện Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2017. Với chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2017 là dịp để tôn vinh và biểu dương những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của phụ nữ, đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, sự tham gia đóng góp to lớn của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. Ngày hội sẽ diễn ra 3 hoạt động chính: Triển lãm những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo; diễn đàn/hội thảo và trao tặng bằng khen cho các sản phẩm sáng tạo tiêu biểu và công bố cam kết tài trợ cho các ý tưởng sáng tạo xuất sắc nhất để hiện thực hoá. Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2016 Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 được coi là điểm nhấn của chương trình năm nay.  Lễ trao giải sẽ được tổ chức ngày 17/10, vinh danh 8 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. Cũng trong dịp này, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ trao tặng Bằng khen 15 nữ sinh đạt thành tích thủ khoa các tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học năm 2017 và 1 nữ sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Sinh học Quốc tế năm 2017. Bên cạnh hai sự kiện trên, Hội thi tuyên truyền viên giỏi Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra vòng chung kết miền Bắc tại Quảng Ninh, miền Trung tại Bình Định và miền Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu trong các ngày từ 24/10 đến 7/11. Hội thi là dịp tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, đồng thời góp phần đánh giá thực trạng hoạt động tuyên truyền và chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở, giúp các cấp Hội nhận thức đầy đủ hơn về công tác tuyên truyền và vai trò, vị trí của đội ngũ tuyên truyền viên. Được biết trước đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập Tổ chức Tài chính vi mô TYM. Đây là tổ chức tài chính vi mô hàng đầu tại Việt Nam, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép năm 2010 có phương pháp tiếp cận đặc thù trong đó sản phẩm vốn vay không đòi hỏi thế chấp, mức vay tăng dần để làm quen, tiết kiệm theo từng món nhỏ, hoàn trả dần, thủ tục đơn giản, cung cấp dịch vụ ngay tại địa bàn sinh sống, TYM đã giúp cho hàng nghìn phụ nữ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình. Hưng Vũ

Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công an lần thứ XXI thành công tốt đẹp

TĐKT – Từ ngày 10 - 11/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công an lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 với sự tham dự của 350 đại biểu thanh niên ưu tú. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu. Trong nhiệm kỳ 2012 - 2017, Đoàn thanh niên Bộ Công an đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị CAND và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên, các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công an lần thứ XX. Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công an lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 Công tác Đoàn và phong trào thanh niên các cấp thuộc Bộ Công an đã tiếp tục hoạt động có hiệu quả và có bước phát triển mới, luôn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ và có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn, xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Các phong trào hành động cách mạng mà trọng tâm, xuyên suốt là phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy - Xung kích, sáng tạo, tình nguyện, lập công vì an ninh Tổ quốc” được tổ chức hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân, tạo môi trường, động lực cho đoàn viên phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Qua các phong trào thi đua, tuổi trẻ Bộ Công an đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt. Tuyệt đại bộ phận đoàn viên thanh niên đã kế thừa và phát huy tốt truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND, nêu cao phẩm chất trung thành - tận tụy, mưu trí - dũng cảm, đoàn kết - sáng tạo, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều tập thể điển hình, nhiều gương đoàn viên thanh niên lập công xuất sắc trong công tác, chiến đấu, học tập, rèn luyện, được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Trung ương Đoàn, các Bộ ngành, địa phương khen thưởng . Điển hình: Đoàn Thanh niên Tổng cục V; Đoàn Thanh niên Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; Thiếu tá Ngô Ngọc Trân (Đoàn thanh niên Cục An ninh mạng) được trao giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam xuất sắc tiêu biểu năm 2015; Đại úy Nguyễn Thế Công (Cục A64, Tổng cục An ninh) được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Đại úy Nguyễn Thu Vân (X41, Tổng cục Chính trị CAND) 2 lần được trao Giải thưởng Thanh niên Công an tiêu biểu... Đoàn Thanh niên Bộ Công an liên tục được Trung ương Đoàn tặng cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi” từ năm 2012 đến năm 2016; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2016). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ Công an nhiệm kỳ 2017 – 2022 gồm 19 đồng chí; bầu Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Bộ Công an gồm 6 đồng chí. Đại hội cũng đã bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI gồm 12 đồng chí; biểu quyết thông qua 10 chỉ tiêu cơ bản công tác Đoàn và phong trào thanh niên Bộ Công an nhiệm kỳ 2017 – 2022; biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội… Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Đại hội Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm biểu dương những thành tích xuất sắc của công tác Đoàn và phong trào thanh niên, sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của đoàn viên, thanh niên Công an nhân dân trong những năm qua. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tin tưởng, thời gian tới, với đội ngũ ban chấp hành mới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên thanh niên CAND trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, đi đầu trong xây dựng nếp sống văn hoá, chấp hành nghiêm điều lệnh CAND, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, tinh thần tận tuỵ với công việc và kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm. Đồng thời, chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên CAND vững mạnh, đủ sức đảm nhận vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng. Củng cố, xây dựng Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong CAND; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn; phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong các mặt công tác… Tối 11/10, tại Học viện An ninh nhân dân, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức Lễ hội chào mừng thành công Đại hội với chủ đề “Khát vọng tuổi xanh”. Mai Thảo

Công đoàn Than – Khoáng sản biểu dương 43 tập thể tiêu biểu trong thực hiện Luật bình đẳng giới

TĐKT – Sáng 11/10, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới và Nghị quyết 11 – NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại Hội nghị, Công đoàn Than – Khoáng sản đã biểu dương 43 tập thể tiêu biểu trong thực hiện Luật bình đẳng giới; 8 cá nhân thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam được Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới và Nghị quyết 11, trong Tập đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức, tư tưởng của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) được nâng cao. Sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử của phụ nữ trong mỗi gia đình và từng cơ quan, đơn vị đã có những chuyển biến rõ rệt. Những tập thể tiêu biểu trong thực hiện Luật bình đẳng giới được Công đoàn Than – Khoáng sản tặng Bằng khen Việc triển khai tuyên truyền về công tác bình đẳng giới đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể cán bộ CNVCLĐ trong toàn tập đoàn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nhận thức trong thực hiện bình đẳng giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, góp phần hoàn thiện hiệu quả các chỉ tiêu chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới của Chính phủ giai đoạn 2011- 2020. Việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự  đồng thuận và ủng hộ của cả hệ thống chính trị và cán bộ CNVCLĐ. Tỷ lệ nữ giới tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tăng lên, qua đó việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được đánh giá hiệu quả. 8 cá nhân được tặng kỷ niệm chương Vì sự tiến bộ của phụ nữ Các cấp ủy Đảng trong Tập đoàn đã xác định việc đổi mới và tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ nhằm mục tiêu thực hiện đường lối giải phóng phụ nữ của Đảng, tạo khả năng và điều kiện để nữ CNVCLĐ ngành Than - Khoáng sản không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp, vị trí, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, đóng góp năng lực trí tuệ của mỗi người trong sự phát triển của xã hội và sự ấm no, hạnh phúc của gia đình. Nội dung công tác vận động nữ CNVCLĐ và công tác cán bộ nữ đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nữ CNVCLĐ, đồng thời thông qua công tác vận động nữ CNVCLĐ đã nâng cao được vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn. Hệ thống tổ chức công đoàn các cấp trong Công đoàn Than – Khoáng sản đã chủ động đề xuất, tổ chức thực hiện việc vận động nữ công nhân, lao động và công tác cán bộ nữ, quán triệt trong các nội dung hoạt động của công đoàn và các ban chuyên đề. Trong đó Ban Nữ công là đầu mối tham mưu đề xuất giúp Ban thường vụ, Ban chấp hành xây dựng chương trình và chỉ đạo thực hiện công tác vận động nữ CNVCLĐ, công tác cán bộ nữ. Từ kết quả thực hiện Nghị quyết 11, tạo niềm tin và động lực cho phong trào nữ CNVCLĐ toàn Tập đoàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Mai Thảo

Họp báo về Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội

TĐKT - Chiều 10/10, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Thành đoàn Hà Nội đã thông tin về Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội. Đại hội dự kiến diễn ra trong 3 ngày, 18-19/10 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội và ngày 20/10 tại Nhà văn hóa Học sinh, sinh viên. Đại hội có chủ đề "Nâng cao chất lượng công tác đoàn, phát huy vai trò của thanh niên góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại" và khẩu hiệu hành động "Tuổi trẻ Thủ đô gương mẫu, đoàn kết, xung kích, sáng tạo, hội nhập, phát triển". Dự kiến, 450 đại biểu, đoàn viên ưu tú đại diện cho hơn 700.000 đoàn viên tiêu biểu của Thủ đô sẽ về dự Đại hội. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến trao đổi với báo chí Đây là sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ Thủ đô nhằm tổng kết, đánh giá công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi Thủ đô nhiệm kỳ 2017 - 2022; xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô nhiệm kỳ 2017 - 2022; thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đoàn Thanh niên TP Hà Nội khóa XIV, dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI và góp ý sửa đổi Điều lệ Đoàn; bầu BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2017 - 2022; bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đại hội dự kiến 2 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2017 - 2022: nâng cao hiệu quả chương trình khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên, xây dựng thanh niên Thủ đô thời đại mới thanh lịch, văn minh; cùng 10 tiêu chí cơ bản và 10 chương trình, đề án; 8 nhiệm vụ, giải pháp; 4 phong trào; 3 chương trình hành động triển khai trong toàn đoàn. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết: hiện nay, tổ chức Đoàn Thanh niên TP Hà Nội có: 114 cơ sở đoàn cấp huyện và tương đương trực thuộc, gồm: 30 đơn vị quận, huyện; 25 đơn vị công nhân viên chức; 59 đơn vị trường đại học, cao đẳng, học viện với 1.722 đoàn cơ sở, 577 chi đoàn cơ sở; có gần 27.000 chi đoàn với tổng số 708.159 đoàn viên. Đoàn viên, thanh niên thành phố là lực lượng nòng cốt của 3 tổ chức Hội gồm: Hội Liên hiệp thanh niên thành phố, Hội Sinh viên thành phố, Hội đồng Đội thành phố. Nhiệm kỳ 2012 – 2017, với bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi, công cuộc đổi mới đất nước và Thủ đô Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh tạo sự chuyển biến toàn diện trong đời sống nhân dân. Kế thừa và phát huy những truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng, Thành phố hòa bình. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thành đoàn Hà Nội đã giành được nhiều kết quả ấn tượng: hơn 1 triệu bài thi và tài khoản dự thi các cuộc thi tìm hiểu do Đoàn tổ chức, triển khai trong đoàn viên, thanh thiếu niên; 8043 công trình, phần việc thanh niên được triển khai thực hiện. Hơn 11.000 đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích trên các lĩnh vực được thành lập với tổng số 138 ngàn thành viên tham gia; gần 117 ngàn lượt đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn được khám bệnh, phát thuốc miễn phí; hơn 353 ngàn đơn vị máu an toàn cứu người; gần 950 ngàn đoàn viên, thanh niên được tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ và giải quyết việc làm; hỗ trợ hơn 415 tỷ vốn vay giúp thanh niên làm kinh tế… Hưng Vũ

Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Xây dựng đội ngũ người lao động vững mạnh toàn diện

TĐKT - Suốt chặng đường 55 năm hình thành và phát triển, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao luôn đứng vững và phát triển, trở thành ngọn cờ đầu của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, góp phần quan trọng xây dựng nền công, nông nghiệp nước nhà và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chia sẻ về bí quyết thành công này, Tổng Giám đốc công ty Phạm Quang Tuyến cho rằng, thành quả đạt được là sự đóng góp to lớn của đội ngũ người lao động vững mạnh toàn diện được công ty chú trọng chăm lo, xây dựng qua các thời kỳ. Ông Tuyến cho biết: ở bất kỳ giai đoạn nào, công ty luôn xác định nhân tố con người là số 1. Muốn phát triển, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận,…trước hết cần chăm lo thật tốt đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người lao động.  Tổng Giám đốc công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Phạm Quang Tuyến cho rằng: nhân tố con người là số 1, quyết định sự thành công của doanh nghiệp Những năm qua, phối hợp với chính quyền, Công đoàn công ty đã kịp thời quan tâm, động viên người lao động; vận động họ tích cực tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh;  đồng thời tổ chức nhiều hoạt động hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.   Nhắc đến cái tên Supe Lâm Thao, nhiều người vẫn e ngại về môi trường làm viêc có tiếp xúc với hóa chất. Tuy nhiên, khi gặp gỡ trực tiếp những  người lao động của Supe mới thực sự thấu hiểu. Anh Nguyễn Xuân Dũng, một công nhân có thâm niên 23 năm làm việc tại Xí nghiệp Supe 2 cho biết công việc của anh là  lái và vận hành cầu trục, đảo trộn bán thành phẩm sản xuất supe lân, một vị trí thường xuyên phải tiếp xúc với những hóa chất, quặng, axit. Tuy nhiên, không phải riêng anh mà tất cả công nhân viên, người lao động ở công ty hàng năm đều được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Công ty cũng yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ quy định về an toàn, vệ sinh lao động, nhằm tạo môi trường làm việc tốt nhất. Nhờ vậy, đã giảm thiểu  được những độc tố, tác động không tốt đến sức khỏe của người lao động trong quá trình làm việc.  Chủ tịch Công đoàn Công ty Supe Nguyễn Văn Chiến cho biết: công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động được công ty đặc biệt quan tâm. Hàng năm, công ty đầu tư từ 18 – 20 tỷ đồng cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.  Định kỳ 2 lần/năm, công ty tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, viên chức, lao động. Đối với những trường hợp phát hiện có bệnh, công ty luôn tạo điều kiện gửi lên tuyến bệnh viện cấp trên để điều trị, đồng thời có hỗ trợ điều trị. Ngoài ra, công ty thường xuyên tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; qua đó vừa nâng cao đời sống tinh thần của người lao động, đồng thời giúp họ nâng cao sức khỏe, đẩy lùi những bệnh tật thường gặp. Hàng năm, công ty vẫn đầu tư, sửa chữa và khai thác hiệu quả các công trình phúc lợi công cộng cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động như sân vận động, nhà thi đấu, sân bóng chuyền, bể bơi, sân tennis, hội trường, sân khấu ngoài trời, nhà đa năng… Những năm qua, Công đoàn công ty thực sự là nơi để người lao động phản ánh,  bộc bạch, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng, đề xuất những kiến nghị đồng thời là người đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Công đoàn đã tích cực phối hợp với chuyên môn chú trọng tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, lao động: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, luật lao động, chính sách đối với lao động nữ, bảo hộ lao động... Thông qua đó kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất hợp lý của chính sách để kiến nghị các cấp có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Công đoàn Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao luôn đổi mới các hình thức hoạt động, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động Quy chế dân chủ đã trở thành một hoạt động truyền thống được công ty nghiêm túc thực hiện có hiệu quả nhiều năm qua. Hội nghị người lao động đã đề cập đến mọi lĩnh vực hoạt động trong Công ty, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong quan hệ lao động, phát huy quyền làm chủ của người lao động. Tại hội nghị người lao động của các đơn vị, các  ý kiến, đề nghị đều được Thủ trưởng đơn vị trả lời và đại diện các phòng chức năng giải đáp, tạo được niềm tin và sự an tâm cho người lao động. Công đoàn cũng chủ động đề xuất những biện pháp, cơ chế nhằm đảm bảo đủ việc làm, giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động. 100% cán bộ, người lao động được ký kết Hợp đồng lao động. Thỏa ước lao động tập thể được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của Công ty, đồng thời có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của luật. Công ty đảm bảo bữa ăn ca cho cán bộ, người lao động với mức 830.000 đồng/người/tháng. Chất lượng bữa ăn luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, giúp phục hồi sức khỏe và tái tạo sức lao động cho cán bộ, người lao động toàn Công ty. Đặc biệt, qua việc phát động các phong trào thi đua lao động giỏi, phát huy sáng kiến sáng tạo, thi đua xây dựng môi trường xanh sạch đẹp... đội ngũ cán bộ, người lao động đã nhiệt tình tham gia. Nhiều cá nhân tiêu biểu có năng lực, trình độ chuyên môn cao được phát hiện và kịp thời được biểu dương, khen thưởng. “Chính từ sự quan tâm thiết thực của Công ty dành cho người lao động đã khiến cho họ yên tâm sản xuất, người lao động đã có sự thống nhất, ủng hộ cao đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Hiện tại, với đội ngũ gần 3.000 lao động, dù gặp nhiều khó khăn do tác động ảnh hưởng của tình hình trong nước và thế giới nhưng việc làm và đời sống của cán bộ, người lao động luôn được quan tâm đúng mực, đảm bảo ổn định với mức thu nhập bình quân đạt 6,4 triệu đồng/người/tháng. Điều này cho thấy người lao động đã và đang tin tưởng vào chúng tôi, muốn gắn bó với Công ty”. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao khẳng định. Mai Thảo  

Tôn vinh những công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu của tuổi trẻ Công an

TĐKT – Sáng 10/10, Đoàn Thanh niên Bộ Công an long trọng tổ chức Khai mạc Triển lãm công trình, sản phẩm sáng tạo của tuổi trẻ Bộ Công an, nhiệm kỳ 2017 – 2020. Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân dự và cắt băng khai mạc. Phát biểu khai mạc triển lãm, Trung tá Đinh Văn Hảo, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Công an cho biết: hưởng ứng phong trào Sáng tạo trẻ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, với phương châm hành động “Mỗi đoàn viên, thanh niên một ý tưởng sáng tạo, mỗi chi đoàn là một hộp thư sáng kiến, mỗi cơ sở đoàn là một vườn ươm sáng tạo”, các phong trào hành động cách mạng, trong đó phong trào Sáng tạo trẻ của thanh niên Công an nhân dân đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo, tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng. Từ đó khẳng định vai trò, năng lực của thanh niên Công an trong sự nghiệp giữ gìn an ninh, trật tự. Trung tá Đinh Văn Hảo, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Công an phát biểu khai mạc triển lãm Trong nhiệm kỳ vừa qua, việc đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, phong trào Sáng tạo trẻ của tuổi trẻ Bộ Công an đã được triển khai, duy trì thường xuyên, thống nhất ở tất cả các cấp bộ Đoàn và đã thu được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; tạo ra những cơ hội thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên trong học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Nhiều đoàn viên, thanh niên lập thành tích xuất sắc qua thực hiện công trình, phần việc thanh niên được các cấp lãnh đạo khen thưởng. Lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an nhân dân tham quan triển lãm 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn Bộ Công an đã có hơn 400 ý tưởng, sáng kiến, sáng chế được ứng dụng trong luyện tập và chiến đấu của lực lượng Công an; 20 đề tài khoa học cấp Bộ, 230 đề tài cấp cơ sở; thực hiện hơn 100 công trình, phần việc, trực tiếp góp phần cải tiến kỹ thuật sản xuất, khai thác tính năng hoặc chế tạo mới phương tiện, công cụ nghiệp vụ. Trung bình hàng năm có hơn 1000 công trình nghiên cứu khoa học, chuyên đề khoa học do đoàn viên thanh niên đăng ký đảm nhận. Tại triển lãm, những công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu của tuổi trẻ Công an đã được trưng bày theo 5 khu vực khoa học. Khu vực thứ nhất, bao gồm các sản phẩm về những đề tài, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nghiệp vụ. Nổi bật nhất là: Từ điển Việt Mông, Sổ tay từ vựng tiếng Anh chuyên ngành xuất, nhập cảnh; Điều tra cơ bản các tổ chức phản động lưu vong; các tài liệu biên dịch về công tác nghiệp vụ của Tổng cục An ninh… Các sản phẩm y tế, thuốc chữa bệnh do đoàn viên, thanh niên công an bào chế được trưng bày tại triển lãm Khu vực thứ 2 bao gồm các sản phẩm, những đề tài, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kỹ thuật – hậu cần – y tế: thiết bị nghe bí mật qua mạng GSM; thiết bị gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh; thiết bị chủ động chặn sóng di động công suất lớn có điều khiển kỹ thuật số và các sản phẩm y tế, thuốc chữa bệnh do đoàn viên bào chế… Khu vực thứ 3 trưng bày các công trình, sản phẩm phục vụ công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nổi bật là hệ thống bia di động tự vận hành trên đường ray bằng nguồn điện một chiều, hệ thống điện tử báo kết quả tự động các bài bắn ứng dụng của Đoàn thanh niên T45… Khu vực thứ 4 là các bài dự thi tìm hiểu truyền thống của ngành, các đơn vị tiêu biểu. Đặc biệt, rất nhiều các công trình, sản phẩm là các phần mềm, phần việc được trình chiếu tại màn hình ở giữa khu vực triển lãm. Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày gần 300 bức ảnh đẹp về chủ đề thanh niên công an trong nhiệm kỳ qua. Triển lãm là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên Bộ Công an lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, qua đó tôn vinh những công trình, sản phẩm sáng tạo trẻ tiêu biểu của các đơn vị, động viên khích lệ các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tích cực đăng ký đảm nhận, thực hiện công trình phần việc thanh niên, xung kích, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, học tập công tác, chiến đấu. Mai Thảo

Người cao tuổi Thái Nguyên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước

TĐKT - Những năm qua, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực, nêu gương sáng trong lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa… góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.932 chi hội NCT, 2996 tổ hội, với hơn 138.000 hội viên. Hàng năm, các cấp Hội NCT đều chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể trong các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, phòng, chống tội phạm, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCT.  Đặc biệt, Hội đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý Hội, phát triển hội mới. Trung bình Hội mở 1 lớp/năm, với hơn 100 người là thành viên Hội từ cấp huyện đến cấp xã tham gia học tập. Đồng thời, Hội cũng chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng địa phương thực hiện tổ chức được hơn 3.000 buổi tuyên truyền, vận động NCT gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua: Tuổi cao gương sáng, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tham gia làm kinh tế giỏi, bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới...; tích cực tuyên truyền Luật NCT; chăm sóc NCT, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền. Thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, đội ngũ cán bộ làm công tác NCT, hội viên và người dân được nâng cao về nhận thức chính trị, tư tưởng, góp phần nâng cao chất lượng sống của NCT và hoạt động của tổ chức Hội. Các Câu lạc bộ dưỡng sinh, văn hóa văn nghệ của NCT được duy trì luyện tập thường xuyên, góp phần nâng cao sức khỏe cho NCT Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, Hội NCT tỉnh cũng phát huy tốt vai trò của mình trong công tác xây dựng chính quyền vững mạnh, làm tốt công tác bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự trị an ở khu dân cư. Hiện toàn tỉnh hiện có hơn 27.000 NCT tham gia làm công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức xã hội từ cơ sở đến tỉnh. Trong quá trình thực hiện nội dung nêu gương sáng tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, NCT luôn là lực lượng xã hội quan trọng, là chỗ dựa chính trị tin cậy của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Đồng thời, thực hiện phong trào "Hiến kế, hiến công vì quê hương đất nước", nhiều hội viên cao tuổi đã tích cực tham gia ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ. Bên cạnh đó, NCT còn tích cực tham gia trên mặt trận sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay toàn tỉnh có 70% NCT tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, là chủ trang trại, giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thu hút nhiều lao động có công ăn việc làm, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho gia đình, cho cộng đồng. Nhiều NCT là tri thức nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia các dự án phát triển kinh tế, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống, nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy… NCT là thợ bậc cao tham gia vào các hoạt động khôi phục làng nghề và truyền dạy nghề truyền thống. Không những làm kinh tế giỏi, NCT tỉnh còn là tấm gương trong phong trào “Nêu gương sáng xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng xã hội học tập”. Hội NCT các cấp luôn quan tâm xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, tích cực vận động phong trào khuyến học, khuyến tài ở từng địa phương, động viên được nhiều NCT ở cộng đồng dân cư tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục.  Có nhiều nơi đã thành lập được dòng họ khuyến học và xây dựng quỹ khuyến học với mục đích động viên và làm phần thưởng cho các cháu học giỏi đỗ đạt… Để từ đó các cụ NCT phát huy được vai trò là trụ cột trong gia đình, dòng họ động viên con cháu xây dựng gia đình văn hoá, làng xã văn hoá. Cùng với đó, phong trào “Sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho gia đình và xã hội” được các cấp Hội NCT trong tỉnh tích cực đẩy mạnh. NCT tham gia xây dựng hương ước, thôn ước thôn, bản, khu phố; tham gia nhiều lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật như viết báo, đọc thơ, bình thơ. Ngoài ra, phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” cũng được các cơ sở Hội duy trì và đặc biệt quan tâm, đây là một nét đẹp truyền thống ngày càng được củng cố và phát triển. Ông Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Thái Nguyên cho biết: những năm qua, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NCT được sống vui, sống khỏe, sống có ích, Hội NCT tỉnh luôn nhận được sự quan tâm sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, do vậy công tác xây dựng tổ chức Hội ngày càng đi vào nền nếp. Nhất là việc triển khai có hiệu quả Đề án “Xây dựng tổ chức cơ sở hội vững mạnh” đã tạo đà cho phong trào “Chăm sóc phụng dưỡng phát huy vai trò Người cao tuổi” phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh. Tính từ 2011 đến nay, trên toàn tỉnh có gần 100.000 lượt NCT được Hội tổ chức mừng thọ; 88.000 lượt NCT được Hội thăm hỏi, động viên kịp thời thời, với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có hơn 7.800 NCT được thăm hỏi, tặng quà với số tiền gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, thực hiện chương trình "Mắt sáng cho NCT", Hội phối hợp với Viện mắt HITEC và Viện Mắt tỉnh tổ chức khám mắt cho hơn 76.000 NCT; mổ mắt thay thủy tinh thể, chữa các bệnh về mắt cho hơn 4.400 NCT, với tổng giá trị tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Ban Đại diện Hội Phối hợp với Sở lao động - Thương binh và Xã hội cấp bảo hiểm cho hơn 10.000 NCT. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể quyên góp, hỗ trợ làm nhà cho hơn 880 hộ nghèo do NCT làm chủ, với số tiền hơn 12,3 tỷ đồng. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội NCT tỉnh Thái Nguyên tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phát huy vị thế, vai trò NCT trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình CLB; tập trung đưa phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Qua đó, phát huy vai trò của người cao tuổi trong mọi lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương  ngày càng văn minh giàu đẹp. Thanh Hưng  

Hà Nội khen thưởng các công trình vườn hoa thanh niên tiêu biểu

TĐKT – Sáng 6/10, tại Nhà văn hóa Học sinh Sinh viên, Thành đoàn Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 100 công trình thanh niên “Biến điểm tập kết rác sai quy định thành vườn hoa”, phát động Chiến dịch “Tôi yêu Hà Nội” năm 2017, trao giải thưởng các cuộc thi do Thành đoàn Hà Nội phát động. Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Biến điểm tập kết rác sai quy định thành vườn hoa”, 12 quận trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn thành 100 công trình vườn hoa thanh niên, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cảnh quan đô thị, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô xanh – sạch – đẹp. Đây là 1 trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2016. Tại Hội nghị sơ kết, 5 đơn vị thực hiện tốt công trình thanh niên này đã được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 7 đơn vị được nhận Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội. Những vườn hoa thanh niên mang lại cảnh quan sạch đẹp cho khu phố Nhân dịp này, Thành đoàn Hà Nội đã phát động Chiến dịch “Tôi yêu Hà Nội”. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên về Thủ đô anh hùng, Thành phố hòa bình; truyền thống của thanh niên Việt Nam, thanh niên Hà Nội. Đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống cách mạng và lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và Thủ đô yêu dấu. Từ đó, khơi dậy ý thức phấn đấu xây dựng Thủ đô, đất nước, nêu cao tinh thần xung kích, tình nguyện vì an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng. Đây là hoạt động thiết thực của tuổi trẻ Thủ đô hướng tới Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XV, nhiệm kỳ 2017 – 2022. Tại Hội nghị, Thành đoàn Hà Nội đã trao giải thưởng cho các cuộc thi được phát động thời gian qua: Cuộc thi sáng tác biểu trưng logo Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội lần thứ XV; Cuộc thi Khoảnh khắc tình nguyện; Cuộc thi Tìm hiểu 90 năm tác phẩm Đường Kách Mệnh và 70 năm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyệt Hà

TP. Hồ Chí Minh Tổng kết đánh giá 13 năm Thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng

TĐKT- Ngày 03/10, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị Tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua – Khen thưởng và phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018) Đến dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Vụ trưởng Vụ III, Ban Thi  đua – Khen thưởng Trung ương Lê Văn Vũ. Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Huỳnh Công Hùng đã trình bày báo cáo đánh giá 13 năm thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng. Từ năm 2004 đến nay, thành phố có 934 phong trào thi đua và hơn 6.000 công trình, mô hình, giải pháp tổ chức thi đua, khen thưởng. Thành phố đã khen thưởng cho 112.423 trường hợp đúng quy định, nhiều phong trào thi đua yêu nước mang tính truyền thống của các cấp, các ngành thuộc thành phố được thực hiện thường xuyên; các phong trào thi đua theo chuyên đề được chú trọng, quan tâm với nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của thành phố; nhiều phong trào thi đua mang tính đột phá, đi vào nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương và đơn vị. Đặc biệt, các phong trào thi đua luôn gắn với cuộc vận động lớn “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các phong trào thi đua yêu nước luôn phát triển mạnh, sâu rộng trên khắp địa bàn thành phố. Nhiều phong trào được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực và tạo dấu ấn sâu đậm, góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước của nhân dân thành phố. Trong đó nêu những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế trong thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng; đồng thời nêu những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua - Khen thưởng. Hội nghị đã nghe 03 đơn vị báo cáo tham luận về thực hiện các nội dung trong công tác thi đua khen thưởng. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà TP. Hồ Chí Minh đã đạt được, đồng thời chỉ đạo: TP Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động, sáng tạo tìm kiếm các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Kết quả đó phải được gắn với thực tiễn đổi mới phát triển triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố và đất nước, hiệu quả, thực chất, cần tiếp tục phát huy các cách làm sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thông qua các mô hình, giải pháp cụ thể nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp các ngành, cần tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa phong trào thi đua yêu nước, người tốt, việc tốt và các phong trào khác gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tổ chức các phong trào thi đua “ Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định, Luật Thi đua - Khen thưởng được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất trong tổ chức và triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Trong 13 năm thực hiện thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng, có nhiều cách làm mới và sáng tạo, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của thành phố được thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn. Người lao động trực tiếp có thành tích được phát hiện và khen thưởng kịp thời, tỷ lệ ngày càng tăng đạt 88%). Thành phố cũng đã làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng nêu một số bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng. Đó là, các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng nhìn chung chưa được ban hành kịp thời; hệ thống văn bản còn tương đối cồng kềnh, phức tạp. Luật Thi đua - Khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rộng nhưng tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn mang tính khái quát, chưa cụ thể hóa, chủ yếu tập trung trong cán bộ, công chức, công nhân viên nhà nước. Thủ tục hành chính, thẩm quyền khen thưởng quy định trong Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành còn phức tạp, nhiều điểm chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định, sau hội nghị này, TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua- Khen thưởng. Trong thời gian tới Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc thành phố bám sát chỉ đạo của trung ương và thành phố. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các quận, huyện; các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể, các đơn vị phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trưởng các phòng, ban, ngành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Đổi mới hoạt động cụm thi đua; đổi mới nội dung, hình thức phát động các phong trào thi đua; đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng; kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp gắn với hoạt động thực tiễn của từng đơn vị. Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được tặng Bằng khen của UBND thành phố Nhân dịp này, UBND TP tặng Bằng khen cho 74 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai, thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng liên tục nhiều năm (2004 – 2017), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố.                                                                                       Đào Xuân Phúc

Trang