Phong trào thi đua

BHXH Việt Nam: Thi đua lập những dấu ấn tích cực trong hợp tác và hội nhập quốc tế

TĐKT - Trong gần 24 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam  đã luôn thi đua chủ động, tích cực hợp tác, học hỏi và chia sẻ các kinh nghiệm triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHYT với các tổ chức an sinh xã hội quốc tế. Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, với mục tiêu tiếp tục cụ thể hóa định hướng Chiến lược phát triển ngành và hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Cải cách chính sách BHXH, góp phần xây dựng và phát triển ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, bền vững, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của BHXH Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến lớn cả về bề rộng lẫn chiều sâu và ngày càng đi vào thực chất. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại Hội nghị Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 Song song với đó, ngành BHXH đã tiếp tục được triển khai linh hoạt, sáng tạo và kế thừa được những thành công trước đây: Thu hút, vận động tài trợ quốc tế cho sự phát triển ngành; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại; tăng cường đào tạo quốc tế về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc, văn hoá ứng xử và đạo đức công vụ theo chuẩn mực quốc tế cho cán bộ ngành BHXH; tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ, các hội thảo chuyên đề giúp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong nhiều lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ của ngành. Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng, giúp hỗ trợ các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ: Dược, vật tư y tế; thanh tra, kiểm tra; giám định BHXH; quản lý tài chính, đầu tư quỹ; kỹ năng ngoại ngữ cho cán bộ của ngành. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của ngành, BHXH Việt Nam đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch thông tin đối ngoại năm 2018 và kế hoạch thông tin đối ngoại trung hạn giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, hệ thống công chức, viên chức làm đầu mối công tác thông tin đối ngoại sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu xây dựng kế hoạch thông tin đối ngoại của đơn vị và là đầu mối triển khai thực hiện một cách sáng tạo, đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại tại BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố. BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của ngành, nhằm tối đa hoá hiệu quả thông tin, góp phần giúp BHXH Việt Nam vững bước trong tiến trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, ngành sẽ định hướng và tăng cường phối hợp hoạt động thông tin đối ngoại từ trung ương đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.          Đặc biệt, trước xu thế tuổi thọ trung bình và dân số tăng nhanh trong khu vực Đông Nam Á, việc thành lập một tổ chức về an sinh xã hội được coi là giải pháp lâu dài giúp các nước trao đổi quan điểm và kinh nghiệm về các vấn đề an sinh xã hội. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam chính thức gia nhập ASSA từ năm 1998. Trong suốt quá trình đồng hành cùng ASSA, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia trong mọi hoạt động của Hiệp hội, đóng góp vào việc xây dựng trụ cột văn hóa - xã hội của Cộng đồng ASEAN. Việc tăng cường phát triển các mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau với các tổ chức thành viên ASSA đã giúp BHXH Việt Nam bổ sung các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, hiện đại hóa quản lý ngành BHXH… Trên cơ sở đó, đề xuất và kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT của Việt Nam. Thực tiễn 20 năm qua cho thấy, việc tham gia vào ASSA đã mang lại cho BHXH Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực, góp phần hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT tại Việt Nam -  thông qua việc tiếp thu các kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong công tác quản lý và thực hiện chính sách tại các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội phát triển cao trong khu vực. Thông qua các kỳ Hội nghị ASSA, BHXH Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của Ngành. Qua đó, học hỏi được những kinh nghiệm quý của quốc tế, nhằm phát triển sự nghiệp ASXH bền vững, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Việc tham gia ASSA cũng đã giúp BHXH Việt Nam đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của ngành, để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao…     Xác định được những vấn đề và thách thức trên, BHXH Việt Nam cũng như các thành viên ASSA đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới: Thay đổi, điều chỉnh chính sách; nghiên cứu tổ chức lại hệ thống quản lý và phục vụ người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dịch vụ; nỗ lực trong các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, ký kết các hiệp định song phương và đa phương nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ và học hỏi từ các chuyên gia, đối tác và tổ chức quốc tế; đề xuất, kiến nghị các bộ, ban, ngành liên quan chú trọng đào tạo cho người lao động nâng cao khả năng thích ứng với nền kinh tế việc làm phi biên giới, gia nhập khu vực việc làm chính thức. Đồng thời, BHXH Việt Nam sẽ chú trọng tổ chức điều phối, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng đối tượng và diện bao phủ với các tổ chức thành viên ASSA; nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ song phương, đa phương giữa các thành viên ASSA; tăng cường kết nối giữa các thành viên của ASSA với Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA), nhằm mục tiêu phát triển an sinh xã hội bền vững vì một tương lai tươi sáng cho mọi người dân. La Giang

Phát động phong trào không khói thuốc lá ở các cơ sở y tế

TĐKT - Vừa qua, tại Quảng Nam, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đã phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường cơ sở y tế, bệnh viện, trường học y - dược không khói thuốc lá". PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đã phát động phong trào thi đua Phong trào nhằm thực hiện chương trình phối hợp công tác năm 2018 giữa Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam về việc tiếp tục triển khai xây dựng môi trường cơ sở y tế không khói thuốc lá. Trong đó, đặt ra mục tiêu nhằm tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và nhân dân về tác hại của thuốc lá. Hiện nay, việc hút thuốc lá tại nơi công cộng, đặc biệt trong các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị là hành vi thiếu văn minh, lịch sự. Hút thuốc lá không chỉ gây hại tới sức khỏe của bản thân mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người xung quanh. Tuy nhiên, vẫn có những người thiếu ý thức hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc. Chính vì vậy, nhiều công đoàn bệnh viện, cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền nhằm tuyên truyền, vận động 100% CNVCLĐ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá trong khuôn viên đơn vị. Năm 2017, hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đã thu được những kết quả đáng khích lệ: Đã có trên 77 nghìn người bỏ thuốc, gần 100.000 người giảm hút thuốc lá và hơn 150.000 lượt người được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá cũng như phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thục Anh

Phát động thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông

TĐKT - Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông, chung tay bảo vệ môi trường, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát động trong toàn ngành phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”. Phong trào được phát động nhằm tiếp tục thực hiện kỷ luật, kỷ cương, hành động quyết liệt, phát huy mọi nguồn lực, hoàn thành có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác của ngành trong việc ngăn chặn ô nhiễm nhựa và ni lông. Mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong toàn Ngành hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần” - đó là thông điệp được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát động, coi như một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành tài nguyên và môi trường cùng thực hiện nhằm hưởng ứng đợt vận động thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”. Các nhiệm vụ trọng tâm của đợt thi đua tập trung vào việc tổ chức, xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni lông trong các cơ quan, đơn vị. Hàng ngày, phát động mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong toàn ngành hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần”. Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường, trong đó hoàn thiện các công cụ kinh tế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần. Đề xuất và triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến việc giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông. Trình ban hành các kế hoạch, lộ trình giảm thiểu tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni lông sử dụng một lần trong các công sở, cơ quan hành chính tại địa phương. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng và thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông; phát hành kèm theo các mô hình, cách làm. Tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để thực hiện việc dự báo, cảnh báo các nguy cơ của việc ô nhiễm nhựa và ni lông; tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy thực hiện các diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn các nhà đầu tư, tài trợ, phục vụ trao đổi thông tin pháp luật về vấn đề ô nhiễm nhựa và ni lông. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật môi trường đối với vấn đề ô nhiễm các sản phẩm nhựa và ni lông nghiêm trọng. Về tổ chức thực hiện, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng, Phó các Khối, Cụm thi đua phát động phong trào thi đua “Hành động đế giảm thiếu ô nhiêm nhựa và ni lông” trong đơn vị gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trọng tâm, cấp bách nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông nghiêm trọng đang tiếp diễn để bảo vệ môi trường. Phong trào thi đua sẽ được sơ kết, tổng kết và khen thưởng làm 2 đợt. Đợt 1: Kết thúc năm 2018. Đợt 2: Đến hết ngày 30/4/2019. Các đơn vị, các Sở tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả, tác dụng hiệu quả của phong trào và khen thưởng theo thẩm quyền và đề xuất Bộ trưởng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với tinh thần “thi đua ái quốc”, yêu ngành, yêu nghề, phát huy những thế mạnh đã đạt được, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực hưởng ứng đợt thi đua, lập thành tích hoàn thành thắng lợi mục tiêu cải thiện môi trường xanh hơn, sạch hơn và góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và các năm tiếp theo. Phương Thanh

Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) và công bố chỉ số CCHC

TĐKT- Ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) và công bố chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ Tài chính dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Báo cáo kết quả công tác CCHC năm 2017, 8 tháng đầu năm 2018 và các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) thời gian tới, ông Trần Quân, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết: Triển khai các nhiệm vụ Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực tài chính và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần thiết thực vào việc tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC năm 2017 Cụ thể, về công tác chỉ đạo điều hành, Bộ Tài chính đã ban hành 9 Quyết định về các chương trình, kế hoạch triển khai công tác CCHC, cải cách TTHC, trong đó phân công các nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ, hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai công tác CCHC một cách đồng bộ và toàn diện đối với tất cả các lĩnh vực; Ban hành 1 Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC trong lĩnh vực tài chính. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã tổ chức kiểm tra công tác CCHC đối với 38 đơn vị trong ngành tài chính, chú trọng kiểm tra công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan và kho bạc... Về cải cách thể chế, Bộ Tài chính đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/8/2018, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 Luật, 2 Nghị quyết. Cụ thể, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc... Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, những kết quả quan trọng trong công tác CCHC của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội và cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Trong công tác hiện đại hóa ngành, Thứ trưởng yêu cầu cần có lộ trình đưa 961 TTHC ở cấp độ 1, 2 lên cấp độ 3 và 4 theo mục tiêu đến cuối năm 2018 phải đạt 60 - 65%; đến ngày 30/6/2019 là 80%; ngày 31/12/2019 đạt 90%. Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC năm 2017. Hồng Thiết  

Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình khai giảng năm học mới 2018 - 2019

TĐKT – Ngày 5/9, toàn thể cán bộ giáo viên và các em học sinh Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019. Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình tiền thân là Trường Phổ thông Công nông nghiệp 2, được thành lập ngày 2/6/1967 tại xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, có nhiệm vụ  quản lý, giáo dục trẻ em hư, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự quốc gia. Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý Trại giam tặng hoa chúc mừng nhà trường Từ một ngôi trường có cơ sở vật chất nghèo nàn, lớp học bằng nhà tranh, vách đất, bàn ghế đơn sơ, mộc mạc, lại đóng trên vùng đất sình, lầy trũng sâu rộng trên 10 ha ngập đầy cỏ năn, với 6 cán bộ, chiến sĩ, quản lý 105 em học sinh … đến nay, Trường Giáo dưỡng số 2 đã là một ngôi trường khang trang, bề thế, sạch đẹp. Trường có khu nội trú của học sinh, thư viện, bệnh xá, nhà ăn, khu học văn hóa, học nghề với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và tổ chức các hoạt động ngoại khóa; với trên 500 lượt cán bộ; tiếp nhận, quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng hơn 20 ngàn học sinh, giúp các em làm lại cuộc đời, trở về hòa nhập với cộng đồng, là những công dân tốt, sống có ích cho xã hội và gia đình. Thượng tá Trần Hữu Trung, Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng  số 2 đọc diễn văn khai giảng năm học mới 2018 - 2019 Đọc diễn văn khai giảng năm học mới, Thượng tá Trần Hữu Trung, Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình cho biết: Năm học 2017 – 2018 là một năm rất đáng tự hào của thầy và trò trường Giáo dưỡng số 2. Đây là năm học mà các thầy cô giáo trong trường không ngừng nỗ lực vươn lên vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của “nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”; thực hiện tốt công tác chuyên môn, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, lấy học sinh làm trung tâm; các hoạt động giáo dục đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững nền nếp, kỷ cương trong nhà trường. Thượng tá Trần Hữu Trung - Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 tặng hoa chúc mừng đội Giáo viên văn hóa nhân dịp khai giảng năm học mới Năm học 2017 – 2018 đồng thời là năm các em học sinh góp phần tạo nên những con số ấn tượng: 100% học sinh tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh lên lớp, chuyển cấp tăng 13,1% so với năm học trước. Không chỉ có ý thức trong học tập, các em còn tích cực tham gia tập luyện thể thao, góp phần không nhỏ làm nên thành tích Giải nhất toàn đoàn trong Ngày hội văn hóa thể thao các trường Giáo dưỡng. Cũng trong năm học này, nhà trường tròn 50 năm tuổi và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.   Bước vào năm học 2018 – 2019, nhà trường đón thêm gần 100 học sinh lần đầu tiên được tham gia theo học văn hóa tại trường. Gian nan, khó khăn sẽ không ít, nhưng thầy và trò trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, góp phần làm rạng danh truyền thống của nhà trường, luôn là điểm sáng trong công tác giảng dạy của huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cũng như trong hệ thống các trường Giáo dưỡng toàn quốc. Mai Thảo    

Bà Rịa – Vũng Tàu: Sôi nổi các phong trào thi đua

TĐKT - 6 tháng đầu năm 2018, phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục được đổi mới và có sự lan tỏa sâu rộng. Ngoài việc tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương phát động, UBND tỉnh còn chủ động phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đã thu hút sự tham gia sôi nổi, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Công nhân Công ty TNHH gạch men Hoàng Gia (KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) tích cực lao động, sản xuất Tiêu biểu là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Những tháng đầu năm 2018, phong trào tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo. Tính đến cuối tháng 6/2018, toàn tỉnh có 20/45 xã đã hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí, được công nhận là xã đạt chuẩn NTM (đạt 44 %). Ngoài ra còn 3 xã đã hoàn thành cơ bản 19/19 tiêu chí NTM và chuẩn bị được công nhận. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã NTM đạt 39,9 triệu đồng/người. Cùng với đó, phong trào “Doanh nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu hội nhập và phát triển” tiếp tục được các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai, góp phần thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngay từ đầu năm 2018, tỉnh đã quan tâm xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính đối với doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình đăng ký đầu tư, thành lập dự án và thực hiện các nghĩa vụ thuế. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khởi nghiệp, khoa học công nghệ, chính sách khuyến công, tuyển dụng lao động... Nông dân xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa, giảm công sức lao động Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo. Bởi vậy, đời sống của người dân ổn định, không ngừng nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh chỉ còn dưới 2%. Bên cạnh việc hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh phát động, các ngành, các cấp đã phát động kịp thời, liên tục các phong trào thi đua với nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với các sự kiện, nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của từng ngành, địa phương. Trong các phong trào thi đua, cùng với những nội dung chủ yếu của từng phong trào, các ngành, các cấp đã lồng ghép các nội dung thi đua: Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đơn vị, đoàn thể vững mạnh; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tệ nạn xã hội; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc (tai nạn, ùn tắc giao thông; ô nhiễm môi trường; cải cách thủ tục hành chính...). Đồng thời, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức một số phong trào thi đua chuyên đề: Thi đua trong lao động, sản xuất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh; thi đua trong chiến đấu và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng quân đội, công an, biên phòng; ngành giáo dục với phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” gắn với thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học”. Ngành y tế cũng đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh: Phong trào “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Điều dưỡng, hộ sinh, trạm trưởng giỏi”; thi đua thực hiện tốt các hoạt động “Khám, chữa bệnh từ thiện”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Các phong trào tiêu biểu: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Liên đoàn Lao động tỉnh với các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong công nhân, viên chức, người lao động. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị”. Hội Liên hiệp phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Làm theo Bác, giúp nhau giảm nghèo bền vững” gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”… Ở các huyện, thành phố cũng đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của từng địa phương. Các phong trào có mục đích, nội dung tiêu chí thi đua cụ thể, rõ ràng, đã thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Song song với đó, các cụm, khối thi đua của tỉnh tiếp tục được duy trì, củng cố và đi vào hoạt động nền nếp. Đến nay, toàn tỉnh có 23 cụm, khối thi đua với 121 thành viên là các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, huyện, thành phố thuộc tỉnh. Ngoài ra, từng sở, ngành, địa phương cũng đã thành lập 90 cụm, khối thi đua các phòng, ban, đơn vị trực thuộc xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức đăng ký, ký kết thực hiện giao ước thi đua ở từng cụm khối được thực hiện nghiêm túc. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác đối với từng cán bộ, nhân viên và từng người dân. Bảo Linh

Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum không ngừng đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua

TĐKT- Hưởng ứng nội dung phát động thi đua của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum không ngừng đổi mới và đẩy mạnh phong  trào thi đua, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Xác định được mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum luôn quán triệt mục tiêu, nội dung phong trào thi đua. Đặc biệt, bám sát các văn bản hướng dẫn, tuân thủ các quy trình thủ tục, đảm bảo bình xét, khen thưởng đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thẩm quyền, thành tích đạt đến đâu đề nghị khen đến đó để kịp thời động viên tinh thần, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích. Ngay từ đầu năm, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum đã phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển ” và tổ chức cho các tập thể, cá nhân thuộc, trực thuộc Cục ký kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị hưởng ứng nhiệt tình, thi đua lao động và học tập, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn Cục. Các các nhân nhận Giấy khen của Tổng cục Hải quan đã có thành tích xuất sắc trong năm 2017 Ngoài ra đơn vị cũng đã thực hiện ký kết giao ước thi đua trong Khối thi đua các sở, ngành tổng hợp tỉnh Gia Lai và tham gia đầy đủ các phong trào thi đua do tỉnh, khối thi đua phát động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao. Song song với đó, để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2018, Đảng ủy và lãnh đạo Cục thường xuyên quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc thực hiện tốt quy chế dân chủ trong bình xét thi đua, khen thưởng. Kết quả, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 153,58 triệu USD giảm 27,33% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 27,62 triệu USD, nhập khẩu đạt 125,96 triệu USD. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là gỗ nguyên liệu, nông sản, đường, cao su, điện năng và máy móc thiết bị nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là gỗ nguyên liệu, sắt thép, vật tư, xi măng, xăng dầu tái xuất, phân bón, hàng bách hóa, nguyên liệu dược, hóa chất và điện năng. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm: 136,87 tỷ đồng, đạt 30,4% chỉ tiêu pháp lệnh giao năm 2018 là 450 tỷ đồng và đạt 30,08 % so với chỉ tiêu phấn đấu là 455 tỷ đồng (Trong đó địa bàn Gia Lai: Thu 50,38 tỷ đồng đạt 25,44% kế hoạch giao là 198 tỷ; địa bàn Kon Tum: Thu 86,49 tỷ đồng đạt 34,32% kế hoạch giao là 252 tỷ đồng). Nguồn thu chủ yếu là thuế VAT mặt hàng gỗ nguyên liệu nhập khẩu và các mặt hàng cao su, cà phê, điện năng nhập khẩu; thu thuế xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng có giá trị tài nguyên khoáng sản và chi phí năng lượng trên 51% như sắt thép, xi măng. Trong 6 tháng đầu năm, phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 36 vụ, phạt tiền 157,09 triệu đồng, phát hiện và bắt giữ 8 vụ buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tổng trị giá 65,5 triệu đồng (tang vật vi phạm bao gồm: 3.220 gói thuốc lá ngoại và 230 kg pháo nổ các loại). Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phát hiện và bắt giữ 81,5 kg pháo trái phép qua biên giới, bàn giao cho lực lượng Biên phòng xử lý theo quy định. Theo Cục Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum Lê Thị Thanh Huyền, việc bình xét danh hiệu thi đua, đánh giá kết quả đề nghị khen thưởng được thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh. Các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc quy trình xét từ cấp cơ sở đến cấp Cục đảm bảo công khai, công bằng và khách quan. Vì thế chưa phát sinh trường hợp cán bộ công chức khiếu nại về kết quả bình xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Phát huy thành tích đã đạt, những tháng cuối năm, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của ngành; tiếp tục thực hiện tốt các nội dung phát động thi đua năm 2018 góp phần hoàn tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao. Đẩy mạnh và gắn kết phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Không ngừng đổi mới về hình thức và nội dung phát động thi đua sát với tình hình thực tế nhằm phát huy sức sáng tạo, khích lệ tinh thần hăng say trong công tác của từng cán bộ, công chức, góp phần xây dựng đơn vị ổn định, phát triển và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; thực hiện tốt quy chế công vụ. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác bình xét thi đua, khen thưởng năm 2018 theo đúng quy định, đảm bảo đúng thành tích phát huy và nuôi dưỡng các gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của đơn vị có hiệu quả. Với những nỗ lực không ngừng, 4 tập thể thuộc, trực thuộc Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum đã đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum được UBND tỉnh Gia Lai tặng Cờ thi đua cho tập thể dẫn đấu Khối thi đua các sở, ngành tổng hợp năm 2017. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an tặng Giấy khen cho 2 cá nhân về thành tích xuất sắc trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Hồng Thiết

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thi đua thực hiện tốt công tác cải cách hành chính

TĐKT - 8 tháng đầu năm 2018, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã thi đua thực hiện tốt công tác cải cách hành chính mang lại nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, đã có khoảng 3/4 số thủ tục hành chính đã được BHXH Việt Nam cắt giảm sau 5 năm tiến hành cải cách hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. NLĐ đến giao dịch tại bộ phận 1 cửa (BHXH Hà Nội). Người lao động đến giao dịch tại bộ phận một cửa Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 nội dung trọng tâm là công cuộc cải cách thủ tục hành chính. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính tại BHXH Việt Nam đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Đó là nhận thức ngày càng cao của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về tầm quan trọng của cải cách hành chính; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành ở Trung ương và các sở, ban, ngành tại địa phương. Chính vì vậy, 5 năm qua số lượng thủ tục hành chính của BHXH đã được giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục (giảm trên 75%). Nếu tính riêng năm 2017 giảm từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ bảo hiểm y tế từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ bảo hiểm y tế không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày. Số giờ thực hiện thủ tục hành chính từ 335 giờ hướng đến giảm 49 giờ. Với việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi, trả, thì số lần thực hiện giao dịch điện tử giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm. Kết quả, năm 2017, BHXH xếp thứ 2/20 trong số các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng 18 bậc so với năm 2016 và là đơn vị đứng đầu trong các cơ quan thuộc chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2018. Cũng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (Word Bank), lần đầu tiên chỉ số về nộp thuế và BHXH tại Việt Nam nằm trong ASEAN 4, tăng 81 bậc so với năm 2017 và đạt vị trí thứ 86/190 (năm trước xếp ở vị trí 167). Nói về kết quả cải cách thủ tục hành chính, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ: Ngành bảo hiểm luôn xác định công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, quán triệt sâu sắc đến từng đơn vị và từng công chức, viên chức trong toàn ngành. Vừa qua, Hiệp hội An sinh Thế giới (ISSA) đã yêu cầu BHXH Việt Nam báo cáo hồ sơ để xem xét nhằm vinh danh thành tích của các tổ chức thành viên thông qua các đề án về an sinh xã hội. Theo chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, BHXH Việt Nam xứng đáng là đơn vị số 1 về ứng dụng công nghệ thông tin. Hơn hết, để có thành tích cao trong thi đua thực hiện công tác cải cách hành chính, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành.  Đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, các tổ chức và cá nhân được nhận kết quả giải quyết công việc trong thời gian ngắn nhất. Tất cả các thủ tục hành chính của ngành đều được công bố và cập nhật trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính, đồng thời công khai trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam và tổ chức niêm yết tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính của cơ quan BHXH địa phương. BHXH Việt Nam đã duy trì nghiêm túc việc tổ chức bộ phận “một cửa” tại BHXH cấp tỉnh, cấp huyện để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định. Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng đã áp dụng triển khai việc nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng các hình thức khác: Nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính; thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2018, giao dịch điện tử được đẩy mạnh với hơn 90% số doanh nghiệp thực hiện. Trước đó, BHXH Việt Nam đã đưa vào vận hành hệ thống một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Mô hình một cửa điện tử tập trung được coi là một trong những ứng dụng công nghệ thông tin vô cùng hữu ích, tạo thuận lợi trong việc giám sát chặt chẽ các thủ tục hành chính. Đồng thời, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ và thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người lao động và các đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BHXH vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Vượt qua mọi khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được, BHXH Việt Nam sẽ tập trung 5 nhiệm vụ cụ thể: Xây dựng thể chế, thủ tục, tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương qua các Nghị quyết Hội nghị trung ương 7, khóa XII; tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng cao và ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại của ngành; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để ngăn ngừa, phòng chống lạm dụng các chính sách này; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến người dân, người lao động. Cuối cùng là tiếp tục phối hợp với bộ, ngành tổ chức đối thoại giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT… La Giang

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

TĐKT - Trong không khí tưng bừng của ngày khai giảng năm học mới 2018 - 2019, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành giáo dục, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các em sinh viên, học sinh cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng năm học mới 2017-2018 Trong thư, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. Năm học vừa qua, ngành giáo dục tiếp tục triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ Olympic và các cuộc thi khoa học - kỹ thuật khu vực, quốc tế đều đạt giải cao, được bạn bè quốc tế mến phục. Nước ta lần đầu tiên có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nằm trong top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Chủ tịch nước lưu ý: Bước vào năm học mới, ngành giáo dục cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, có giải pháp khắc phục hiệu quả những thiếu sót, hạn chế, đưa nền giáo dục nước ta phát triển vững chắc. Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hơn nữa con em các đối tượng chính sách, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người dân. Chủ tịch nước mong các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà. Đồng thời, chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục cùng các em sinh viên, học sinh đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. Nguyệt Hà

Bộ Tài chính giữ vững vị trí dẫn đầu trong Vietnam ICT Index

TĐKT - Theo kết quả xếp hạng chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công được công bố, Bộ Tài chính tiếp tục đứng ở vị trí số 1 (đây là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tài chính đứng ở vị trí số 1), xếp thứ 2 là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và xếp thứ 3 thuộc về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bảng xếp hạng chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công Tại cuối bảng xếp hạng, Bộ Giao thông vận tải xếp thứ 17, Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng thứ 18. Đứng cuối cùng là Thanh tra Chính phủ (xếp thứ 19). Theo kết quả xếp hạng theo lĩnh vực, từ vị trí thứ 4 năm 2017, năm nay, Bộ Tài chính cũng đã tăng 3 bậc, vươn lên giành vị trí thứ nhất ở tiêu chí hạ tầng nhân lực. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã tăng 1 bậc so với năm 2017 (từ vị trí thứ 2) lên vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin nội bộ trong các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Ở khối các cơ quan Chính phủ không có dịch vụ công, Đài Truyền hình Việt Nam xếp thứ nhất, tiếp theo là Đài Tiếng nói Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam. Ở bảng xếp hạng chung các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TP Đà Nẵng tiếp tục đứng thứ 1, TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 và TP Hà Nội xếp thứ 3. Đứng ở 4 vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng là KonTum (số 60), Bạc Liêu (số 61), Hậu Giang (số 62) và Lai Châu đứng thứ 63. Năm 2018 là năm thứ 13 Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông Việt Nam - Vietnam ICT Index được thực hiện. Với chủ trương giữ nguyên chỉ tiêu trong thời gian ít nhất 3 năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng điều tra trong việc chuẩn bị số liệu và so sánh kết quả xếp hạng của các năm, hệ thống chỉ tiêu của năm 2018 được giữ nguyên như năm 2017. Theo đánh giá, Vietnam ICT Index có những tác động tích cực đến hoạt động thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT của nhiều cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố, trong đó có Bộ Tài chính đã tự xây dựng chỉ số đánh giá về CNTT. Được biết, tính đến năm 2018, Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính đã 11 năm liên tiếp tổ chức xây dựng ICT Index hàng năm của ngành Tài chính và công bố kết quả xếp hạng trên Website http://efinance.vn (hoặc http://taichinhdientu.vn). Hồng Thiết

Trang