Phong trào thi đua

Nhiều hoạt động chào mừng 60 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

TĐKT- Chiều 12/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN VN) tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Hội (15/10/1956 - 15/10/2016). Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN Nguyễn Phi Long chủ trì họp báo. Theo đó, Hội LHTN VN sẽ tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm "Tự hào Thanh niên Việt Nam" chào mừng 60 năm ngày truyền thống của Hội từ ngày 5/9 - 15/10 với các hoạt động: Lễ chào cờ, phát động đợt thi đua cao điểm và Ngày hội "Tôi yêu Tổ quốc tôi"  tại Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Khu du lịch Sinh thái Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau; thăm, tặng quà các gia đình đình chính sách, khó khăn trên địa bàn; tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn; khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho 600 người dân trên địa bàn hai tỉnh Hà Giang và Cà Mau; tổ chức chương trình Hãy làm sạch biển tại khu du lịch sinh thái đất mũi và Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông. Cùng với đó, Trung ương Hội LHTN VN phát động xây dựng 60 căn “Trường đẹp cho em” tại 60 điểm trường; triển khai xây dựng 30 căn "Nhà bán trú cho em" tại 30 điểm trường khó khăn của cả nước; triển khai chương trình “Thắp sáng đường quê”  và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN Nguyễn Phi Long chủ trì buổi họp báo Đặc biệt, trong dịp này sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và trao giải thưởng 15/10 – tôn vinh những tấm gương thanh niên tiên tiến; lễ tuyên dương giáo viên đang công tác tại hải đảo…. Phát biểu tại buổi họp báo, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN Nguyễn Phi Long hy vọng các hoạt động kỷ niệm lần này sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, xung kích, tình nguyện và sức trẻ của thanh niên trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, thanh niên và xã hội về truyền thống của thanh niên Việt Nam và Hội LHTN VN; giáo dục hội viên, thanh niên ý thức phấn đấu vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước. Đồng thời đẩy mạnh triển khai phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi"; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong thanh niên, hội viên. Đồng chí nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, truyền thông trong việc phát hiện, nêu gương và làm lan tỏa trong xã hội những tấm gương thanh niên tiên tiến tiêu biểu, góp phần khẳng định vai trò rường cột của thanh niên trong sự nghiệp phát triển đất nước. Mai Thảo

Tưng bừng lễ khai giảng năm học mới

TĐKT – Sáng 5/9, 22,5 triệu học sinh cả nước tưng bừng bước vào năm học mới 2016 – 2017. Năm học 2015 - 2016, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực đổi mới và đạt được những kết quả tích cực. Các phong trào thi đua của ngành đi vào chiều sâu với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến. Quy mô giáo dục, mạng lưới giáo dục tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo có tiến bộ; công tác quản lý giáo dục chuyển biến tích cực. Việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập được chú trọng. Giáo dục mầm non, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được quan tâm. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều học sinh, sinh viên chăm ngoan, học giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hoạt động xã hội hóa phục vụ giáo dục có nhiều kết quả… Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Hòa chung không khí ngày tựu trường, sáng nay, hơn 3000 học sinh trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chính thức bước vào năm học mới với niềm vinh dự được đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và đánh trống khai giảng. Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam được đánh giá là trường xuất sắc của Hà Nội, luôn dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi quốc gia, quốc tế... dần khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới giáo dục Việt Nam. Nhà trường không ngừng cố gắng và có những bước đi vững chắc, phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông trong cả nước và quốc tế. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục cần tập trung một số nhiệm vụ, nội dung: đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, chú trọng giáo dục và kỹ năng sống, tạo ý chí vươn lên để học sinh chủ động rèn luyện tính tư duy trong học tập, nghiên cứu khoa học... Ngoài chuyên môn, đạo đức và chính trị vững vàng, mỗi cán bộ, giáo viên cần tự đổi mới phương pháp giảng dạy, cần hiểu được trách nhiệm nặng nề đối với việc dạy chữ, dạy người. Mỗi cán bộ, thầy cô là những người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, phải là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Cũng trong sáng nay, thầy và trò trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu rộn ràng bước vào năm học mới 2016 - 2017 với quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học, lập thành tích chào mừng 25 năm thành lập trường. Đây là một trong những trường đi đầu trong việc thực hiện thí điểm “Chương trình giáo dục nhà trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường không ngừng đổi mới chương trình, đặc biệt là phương pháp dạy và học, gắn nhà trường với thực tiễn hoạt động xã hội và sản xuất; đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Giáo viên và học sinh của trường đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi của quận, TP Hà Nội, quốc gia và quốc tế. Thục Anh

Tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

TĐKT - Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà toàn ngành sẽ triển khai. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp.   Họp báo khai giảng năm học mới 2016 – 2017 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương hướng chung năm học mới 2016 – 2017 là tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Trong đó, giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng. Khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động. Đối với mô hình trường học mới (VNEN), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là một mô hình mới, cần có lộ trình đổi mới phù hợp. Bộ sẽ rút kinh nghiệm trong vấn đề hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra triển khai mô hình, không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng mô hình này và mỗi nơi áp dụng phải có điều kiện kèm theo. Đối với việc dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định dạy thêm, học thêm là nhu cầu mà thực tế ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…cũng có tình trạng này nhưng ở nước ta cần ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực. Tuy nhiên, muốn giảm dạy thêm, học thêm, phải có lộ trình, trong đó có cả chỉnh sửa chương trình thi cử và chỉnh sửa chương trình sách giáo khoa. Về đổi mới giáo viên, Bộ xác định có 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp căn bản. Trong đó, Bộ xác định nâng cao chất lượng đội ngũ và cán bộ quản lý giáo dục là trọng tâm, quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.   Theo đó, Bộ sẽ rà soát, xây dựng các quy chuẩn đối với giáo viên các cấp, bậc học, đối với cán bộ quản lý. Từ đó, rà soát xem các thầy cô đang ở đâu trong chuẩn và xây dựng các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn, giúp các thầy cô đáp ứng được các chuẩn đó. Bộ cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo từ xa để bồi dưỡng các thầy cô chứ không chỉ đào tạo theo phương pháp truyền thống.  La Giang

Cuộc thi tìm hiểu về CCHCNN năm 2016: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đạt giải đặc biệt

TĐKT- Sáng 1/9, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Vòng chung kết Cuộc thi tìm hiểu về cải cách hành chính Nhà nước (CCHCNN) năm 2016. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng 71 năm ngày truyền thống ngành Tổ chức Nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2016). Phát biểu khai mạc cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh: Với vai trò thường trực CCHC của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Nội vụ luôn phấn đấu đi đầu, gương mẫu trong thực hiện các mục tiêu, nội dung của Chương trình tổng thể CCHCNN giai đoạn 2011 - 2020. Bộ Nội vụ xác định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình là góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ ngày càng vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu khai mạc cuộc thi Cuộc thi tìm hiểu về CCHCNN là minh chứng cụ thể và sinh động cho việc chủ động, tích cực đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, tác động trực tiếp đến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHCNN giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Nội vụ. Đây đồng thời là cơ hội tốt để các đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ nâng cao sự hiểu biết, rèn luyện kỹ năng hoạt động công vụ theo tinh thần CCHC; rèn luyện khả năng thuyết trình, khả năng tuyên truyền, vận động, khả năng hợp tác, làm việc theo nhóm; tăng cường giao lưu trao đổi, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các vụ, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Đội thi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đạt giải Đặc biệt của cuộc thi 7 đội thi đến từ 7 đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ tham gia cuộc thi một cách sôi nổi và sáng tạo thông qua 2 phần thi: Kiến thức CCHC và Sáng kiến CCHC. Qua đó đã thể hiện được nhiệm vụ, vai trò của cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác CCHC trong thời kỳ mới. Đồng thời cũng nêu lên những thực trạng và giải pháp của công tác CCHC hiện nay; đề xuất những sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng CCHC. Đội thi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương giành điểm tuyệt đối trong phần thi Kiến thức CCHC Với việc giành điểm tuyệt đối 50/10 câu hỏi trong phần thi Kiến thức CCHC và 45/50 điểm trong phần thi Sáng kiến CCHC, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trở thành đội thi được Ban giám khảo và khán giả đánh giá cao nhất, xuất sắc đạt giải Đặc biệt của cuộc thi. Phần thi Sáng kiến CCHC của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được đánh giá là chất lượng, sáng tạo và nhiều ấn tượng nhất. Ban tổ chức cũng trao giải Nhất cho đội thi của Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước; 2 giải Nhì cho các đội thi của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và Học viện Hành chính Quốc gia và 3 giải Ba cho các đội còn lại. Mai Thảo

Đảng bộ Công an tỉnh Ninh Bình triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

TĐKT - Những năm qua, phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc tại Đảng bộ Công an tỉnh Ninh Bình liên tục phát triển sâu rộng, thực sự là động lực thúc đẩy cán bộ chiến sỹ phát huy vai trò xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đảng ủy Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp tập trung lãnh đạo đổi mới phong trào thi đua bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các đợt thi đua được gắn với hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, của ngành và địa phương. Hội đồng thi đua khen thưởng Công an tỉnh hướng dẫn những nội dung và các chỉ tiêu thi đua bám sát yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng; tổ chức đăng ký phấn đấu đạt các danh hiệu thi đua, ký giao ước thi đua giữa các đơn vị, giữa Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ Công an tỉnh. Nội dung phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc được gắn với phong trào học tập, làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND, thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến phong trào thi đua. Hàng quý, công an tỉnh có thông báo gương người tốt, việc tốt và phát động thi đua theo gương điển hình tiên tiến đã được tuyên dương. Hết năm 2015, Công an tỉnh Ninh Bình có 44 tập thể, 218 cá nhân điển hình tiên tiến. Qua đánh giá, các điển hình tiên tiến đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiêu biểu là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội liên tục được Bộ Công an tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất về thành tích đột xuất trong đấu tranh phòng chống tội phạm; Phòng cảnh sát giao thông 5 năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng, liên tục được UBND tỉnh Ninh Bình và Bộ Công an tặng Cờ thi đua, năm 2012 được tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Các cá nhân điển hình tiên tiến luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần vì nhân dân phục vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn… Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm là một trong những điển hình tiêu biểu của Công an tỉnh Ninh Bình trong triển khai các phong trào thi đua yêu nước.  Đại tá Hoàng Văn Toàn, Trưởng phòng khẳng định, cho dù gian nan vất vả, có chuyến truy lùng tội phạm hàng tháng trời lặn lội hết địa bàn các tỉnh phía Nam và miền núi phía Bắc, đội gió, dầm mưa mật phục để bắt những tên tội phạm nguy hiểm, liều lĩnh nhưng không một cán bộ chiễn sỹ nào nản lòng. Ai cũng hiểu “nhiệm vụ là trên hết”. Để hoàn thành nhiệm vụ bắt các đối tượng có quyết định truy nã không chỉ có quyết tâm cao mà mỗi cán bộ chiến sỹ phải luôn sâu sát cơ sở, phối hợp với các đơn vị, chính quyền các cấp và dựa vào nhân dân để sàng lọc nguồn tin, tổ chức truy bắt. 5 năm qua, phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã trực tiếp bắt, thanh loại, vận động đầu thú 137 đối tượng, trong đó có 96 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, 5 đối tượng nguy hiểm lẩn trốn trên 20 năm. Tại phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị và khả năng sẵn sàng chiến đấu, tạo mọi điều kiện cho cán bộ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên luôn được quan tâm. Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng phòng cho biết, với phương châm “giáo dục là chính, kết hợp với quản lý chặt, đề cao tự phê bình và phê bình, mạnh dạn giao việc”, cấp ủy và lãnh đạo đơn vị đã chủ động phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ. Những khâu yếu, việc khó của đơn vị, chi đoàn thanh niên mạnh dạn đăng ký đảm nhận như “Nhà xe thanh niên”, “Lái xe an toàn, quản lý, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy tốt”… Qua đó nhằm bồi dưỡng thử thách, rèn luyện cán bộ trẻ hoàn thiện bản thân, phấn đấu trưởng thành. Hằng năm, cấp ủy và lãnh đạo đơn vị đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, khoa học kỹ thuật cho cán bộ trẻ… Nhờ làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng có quy hoạch phát triển đảng nên nhiều năm liền chi đoàn được công nhận vững mạnh, nhiều lần được Tỉnh đoàn và Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng; nhiều cán bộ trẻ đảm nhiệm chức vụ chỉ huy cấp đội được cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tin tưởng, đánh giá cao. Chi bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội luôn là điển hình tiêu biểu của Công an tỉnh Ninh Bình. Là lực lượng mũi nhọn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, cán bộ chiến sỹ luôn phải đối mặt với gian khổ, hiểm nguy và cũng đầy cám dỗ đòi hỏi người cán bộ chiến sỹ không chỉ có bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo mà phải có kỷ luật cao, biết tạm quên đi những sở thích cá nhân, gác lại lợi ích của riêng mình, chấp nhận gian khổ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện phong trào thi đua, trong 5 năm qua, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, điều tra khám phá làm rõ 198 vụ án, bắt, xử lý 662 đối tượng; xác lập và đấu tranh giải quyết 27 chuyên án; triệt phá 32 ổ, nhóm tội phạm hình sự, thu hồi 16 xe ôtô và số tiền gần 8 tỷ đồng. 100% các vụ án thuộc thẩm quyền đều được điều tra, khám phá, làm rõ với thời gian nhanh, đảm bảo đúng quy trình thủ tục pháp luật, không để xảy ra oan, sai. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương tiêu biểu về tinh thần trách nhiệm, liêm khiết, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, tận tụy trong công tác, lập công xuất sắc được các cấp khen thưởng. Đánh giá về kết quả thực hiện phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc của lực lượng Công an tỉnh, đồng chí Đinh Hoàng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình khẳng định, phong trào thực sự trở thành cuộc vận động chính trị sâu rộng, khơi dậy lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu, phát huy tài năng, trí tuệ sáng tạo của cán bộ chiến sỹ, là động lực thúc đẩy hoàn thành xuất sắc các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc thực sự đã tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sỹ, góp phần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề liên quan đến tư tưởng của cán bộ chiến sỹ, không để nảy sinh phức tạp. Quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác, chiến đấu chặt chẽ hơn, kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất. Công an tỉnh Ninh Bình đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất (lần thứ 2), 10 năm liền được Bộ Công an tặng cờ Thi đua xuất sắc, năm 2011 được Chính phủ tặng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua, hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Hiền Hòa

Đại hội Công đoàn Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương

TĐKT- Ngày 29/8, tại Hà Nội, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban  Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Công đoàn Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, biên chế Bộ Nội vụ Thái Quang Toản; cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban. Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Công đoàn Bộ Nội vụ,  Công đoàn Ban đã tuyên truyền và vận động đoàn viên công đoàn học tập các nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ công tác của công đoàn: học tập các nghị quyết của Đảng khóa XI, XII; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chuyên đề “Trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Đoàn viên công đoàn đã hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả”; “Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, phong trào thực hiện ba chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức ngành thi đua, khen thưởng…. Đặc biệt, tập trung tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn đã tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng trong toàn quốc có kết quả và có nhiều đổi mới, đặc biệt tiến hành thành công Đại hội Thi đua yêu nước các cấp và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm nhưng các các cấp công đoàn Ban trong nhiệm kỳ qua đã thể hiện được vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn, có nhiều nội dung hoạt động đổi mới, hiệu quả, ổn định tư tưởng và đời sống đoàn viên công đoàn, tạo tinh thần đoàn kết, không khí cởi mở trong công tác, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan.   Đại hội tiến hành bỏ phiếu Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà đánh giá cao kết quả và sự nỗ lực, cố gắng của Ban chấp hành Công đoàn trong 5 năm qua. Để phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế, Trưởng ban yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm: tích cực tham gia, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức của Ban; các phong trào thi đua chuyên đề do công đoàn cấp trên phát động như phong trào người cán bộ, công chức trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo…”. Cần xây dựng và có các biện pháp cụ thể đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn cho đoàn viên công đoàn; tích cực vận động, động viên đoàn viên công đoàn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn gắn với nhiệm vụ chính trị hàng năm của cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, trước hết là tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ chính của Ban trong năm 2016, trọng tâm là hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 42, 39, 65 để trình Chính phủ trong tháng 10/2016.  Phối hợp đẩy mạnh và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm các ngày lễ của đất nước, của ngành, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Huân chương (17/9/1947 - 17/9/2017), 70 năm ngày Chủ tịch  Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).   Ban chấp hành khóa 2016 - 2021 ra mắt Đại hội đã bầu 9 đồng chí vào Ban chấp hành Công đoàn Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương khóa 2016 - 2021. Hồng Thiết

Nhiều mô hình hay của Hội phụ nữ huyện Hòa Thành

TĐKT- Với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Thành (Tây Ninh) đã giúp chị em có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm sống, bí quyết để xây dựng gia đình hạnh phúc. Bà Dương Thị Tư, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Thành cho biết: Thông qua các phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động, Hội LHPN huyện đã phân loại địa bàn cơ sở, nắm chắc thế mạnh của từng địa phương, từ đó định hướng cho Hội Phụ nữ xã, thị trấn triển khai xây dựng mô hình mới, cách làm hay phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị. Trong năm 2015,  Hội đã cho ra mắt nhiều mô hình: “Nhóm cán bộ hội viên tôn giáo làm công tác từ thiện hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nhóm phụ nữ tuyên truyền mới, sáng tạo”, “Tổ phụ nữ, cán bộ ngành y tế chung tay hỗ trợ chăm lo người nhiễm HIV/AIDS và người bệnh hiểm nghèo”, mô hình “5 không, 3 sạch”... Hoạt động từ các mô hình này đều mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Điển hình là mô hình “Nhóm cán bộ, hội viên tôn giáo làm công tác từ thiện hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn” được thành lập đầu tiên tại thị trấn Hòa Thành. Với những hoạt động ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, nhóm đã được sự ủng hộ, đồng thuận trong cộng đồng và được nhân rộng ra các xã còn lại trên địa bàn. Mô hình đã thu hút được các mạnh thường quân là doanh nghiệp, các nhà hảo tâm là tín đồ tôn giáo, bác sĩ, cán bộ hưu trí… tham gia, với hình thức hỗ trợ thường xuyên vào ngày 25 âm lịch hàng tháng cho phụ nữ nghèo, đơn thân, tàn tật, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo... Trong năm 2015 nhóm đã trao 2.412 phần quà với tổng số tiền là 393,9 triệu đồng, 1.900 kg gạo, 15 thẻ bảo hiểm y tế, 2 xe đạp; sửa chữa 2 căn nhà cho hội viên nghèo số tiền 2, 65 triệu đồng; khám phụ khoa và tặng quà cho 60 phụ nữ nghèo, khó khăn tổng số tiền 9,5 triệu đồng. Các thành viên nhóm Phụ nữ tôn giáo từ thiện đến từng nhà tặng quà cho người nghèo Thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và những việc làm thiết thực, hội đã giúp 484 trường hợp có hoàn cảnh nghèo, khó khăn với 2.375 kg gạo, 334 phần quà, 155 bộ quần áo, 11 bộ sách giáo khoa, 530 quyển tập, 81 suất học bổng Trần Thị Sanh (mỗi suất 200 nghìn đồng) giúp 11 em học sinh khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường, giúp 4 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Hội cũng phối hợp các ngành quản lý, giáo dục 14 đối tượng làm trái pháp luật tại địa phương. Đồng thời, vận động 5.252 hộ đăng ký công ty công trình đô thị thu gom rác, hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác thải gia đình; vận động nâng cấp hơn 800 m đường giao thông nông thôn với số tiền hơn 231 triệu đồng; vận động người dân chật cây ven đường, phát quang bụi rậm 1.450 m. Hội cũng tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi ni lông, tổ chức tặng trên 300 giỏ xách, vận động chị em xách giỏ đi chợ. Bên cạnh đó, hội giới thiệu chị em tiếp cận các nguồn vốn, trang bị các kiến thức mới trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu các chị tham gia các lớp học nghề: nấu ăn, uốn tóc, làm móng, cho mượn máy may gia công... Từ các hoạt động của mô hình “5 không, 3 sạch” đã góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương. Một mô hình nữa cũng mang lại hiệu quả tích cực đó là mô hình “Tổ phụ nữ, cán bộ ngành y tế chung tay hỗ trợ, chăm lo người nhiễm HIV/AIDS và người bệnh hiểm nghèo” tại xã Hiệp Tân được thành lập với 10 thành viên đều là những người có tâm huyết, đồng cảm với người nhiễm HIV/AIDS. Từ khi thành lập đến nay, tổ đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Hiệp Tân. Để có kinh phí chăm lo, giúp đỡ các đối tượng bị nhiễm bệnh, các thành viên trong tổ đã cùng nhau đóng góp tạo quỹ. Tổ phân công các thành viên có kiến thức, am hiểu về chuyên môn trực tiếp đến từng nhà người bệnh để thăm hỏi, động viên và hướng dẫn họ cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân trong ăn uống, sinh hoạt... Ban đầu, khi tiếp cận, người nhiễm e ngại, tự ti, nhưng qua trò chuyện, vài lần giao tiếp, họ hiểu được ý nghĩa hoạt động của tổ, đã tâm sự một cách gần gũi, thoải mái. Hoạt động của mô hình phần nào xóa đi tư tưởng kỳ thị trong cộng đồng, xoa dịu nỗi đau của những hoàn cảnh bất hạnh, chung tay góp sức cùng xã hội hỗ trợ về vật chất, tinh thần để giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS và người bệnh hiểm nghèo, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hạn chế tình hình tội phạm và lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Có thể thấy, thành công của các hoạt động trên đã nói lên tinh thần sáng tạo, khả năng tổ chức, huy động lực lượng của Hội LHPN huyện Hòa Thành. Các phong trào và hoạt động Hội không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ mọi mặt của chị em phụ nữ mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tại địa phương. Bảo Linh

Công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô đi vào chiều sâu

TĐKT – Sáng 22/8, tại Nhà văn hóa Học sinh – Sinh viên, Thành đoàn, Hội đồng Đội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô năm học 2015 – 2016 và triển khai chương trình năm học 2016 – 2017. Năm học 2015 – 2016, công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu với nhiều hình thức mới đa dạng và phong phú: tổ chức tốt các hoạt động khai giảng năm học mới, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Đoàn, Đội; tổ chức tốt hội thi “Tin học trẻ”, “Nghi thức Đội”, “Phụ trách Sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan”, “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”… Cùng với đó, cuộc vận động “Thiếu nhi Thủ đô thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, phong trào “Nghìn việc tốt”, “Kế hoạch nhỏ”, chương trình “Một triệu quyển vở ủng hộ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn”… tiếp tục được triển khai hiệu quả và rộng khắp trên địa bàn thành phố. 100% các liên đội tổ chức thành công ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe – Tiến bước lên Đoàn”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”. Hưởng ứng Năm trật tự, văn minh đô thị 2016, thiếu nhi Thủ đô đã có các mô hình, hoạt động sáng tạo: “Thiếu nhi tham gia Đội cờ đỏ an toàn”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Tiếng trống học tập”, “Giúp bạn cùng tiến”, “Xe đạp một nghìn đồng”… Với những kết quả đạt được trong năm học qua, Hội đồng Đội TP Hà Nội vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ đơn vị xuất sắc của Hội đồng Đội Trung ương. Trung ương Đoàn tặng Bằng khen cho 109 tập thể và 142 cá nhân. Hội đồng Đội Trung ương tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc cho 145 tập thể và 153 cá  nhân. Thành đoàn tặng 28 Cờ thi đua và Bằng khen cho 148 tập thể, 271 cá nhân. 278 giáo viên làm Tổng phụ trách được công nhận là giáo viên Tổng phụ trách tiêu biểu. Tại Hội nghị, Thành đoàn, Hội đồng Đội TP Hà Nội đã triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm, 10 chỉ tiêu thi đua và chủ đề năm học 2016 – 2017: “Thiếu nhi Việt Nam - Vâng lời Bác dạy - Làm nghìn việc tốt -  Mừng Đại hội Đoàn”. Bình Nguyên

Phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô: Hướng khen thưởng về cơ sở

TĐKT – Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của cả dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Ban đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng… dần dần lan tràn khắp cả quân đội, cả ngành công nghiệp, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, như sông to vào biển cả. Không biết quý trọng và phổ biến sáng kiến tức là lãng phí của dân tộc”. Từ lời dạy của Bác, các cấp công đoàn Hà Nội đã tích cực duy trì phát động và triển khai hiệu quả phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô trong nhiều năm qua. Công đoàn Thủ đô luôn chủ động, sáng tạo Năm 2016, tròn 10 năm phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô được triển khai thực hiện, đã khẳng định được tác dụng to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) mọi lĩnh vực tích cực hưởng ứng, từ đơn vị sản xuất, kinh doanh đến nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước... “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã trở thành một phong trào hành động cách mạng sôi nổi của TP Hà Nội. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu, nghiêm túc, sáng tạo trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống công đoàn Việt Nam. Phong trào Lao động sáng tạo do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động năm 1996, qua thời gian tổ chức triển khai đã tạo ra sức lan tỏa lớn, được đông đảo các cấp chính quyền, công đoàn, chủ doanh nghiệp và người lao động Thủ đô hưởng ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, phong trào cũng dần bộc lộ những hạn chế cần được nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung. Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào Lao động sáng tạo (1996 - 2006) đã chỉ ra rằng: cần nghiên cứu, điều chỉnh và tiếp tục phát triển phong trào Lao động sáng tạo phù hợp với tình hình mới, khi mà quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới ở nước ta đang diễn ra mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, đặc biệt là Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Vấn đề đặt ra đối với đội ngũ CNVCLĐ và các doanh nghiệp là phải tạo ra một năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn, với những sản phẩm hàng hóa có thể đứng vững trước những thách thức khó khăn của quá trình hội nhập. Trước những đòi hỏi đặt ra, LĐLĐ Hà Nội đã đề xuất với UBND TP ban hành quyết định số 2036/QĐ - UBND ngày 3/5/2006 về việc thành lập Ban chỉ đạo phong trào “Lao động sáng tạo khoa học kỹ thuật” trong CNVCLĐ Thủ đô. Sau một năm phát động, cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố và sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn các cấp, phong trào đã được triển khai đến đông đảo đội ngũ CNVCLĐ trên toàn địa bàn, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2007) lần đầu tiên LĐLĐ Hà Nội tổ chức Lễ tôn vinh “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, đã có 160 cá nhân và các sản phẩm, đề tài nghiên cứu xuất sắc được xét chọn tôn vinh. Bắt đầu từ năm 2007, phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô đã được UBND thành phố ban hành Quy chế xét tặng theo Quyết định số 90/2007/QĐ - UBND ngày 08/8/2007 và trở thành danh hiệu thi đua chung của TP Hà Nội, được tổ chức hàng năm.  Qua thời gian phát động, triển khai, phong trào đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước, được các đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo đội ngũ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng. Góp phần quan trọng giải quyết khó khăn, ách tắc trong sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô thời gian qua. Ban đầu phong trào chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công thương quản lý và các đơn vị thuộc khối giáo dục, y tế, thì đến nay phong trào đã lan tỏa ra tất cả các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI. Phong trào hướng khen thưởng về cơ sở Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Minh Thuần cho biết: điểm nhấn của phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô chính là đã chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở, động viên, khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và CNVCLĐ trực tiếp có thành tích sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.   Ngày càng có nhiều điển hình hay, cách làm tốt ở cơ sở được tôn vinh qua phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô Hàng năm LĐLĐ đã phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai và tổ chức phát động phong trào ngay từ đầu năm, với những nội dung thiết thực, tiêu chí phù hợp, đồng thời đưa ra biện pháp chỉ đạo thực hiện, gắn phong trào với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Thực hiện kế hoạch, chỉ đạo của thành phố, UBND và LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo các sở, ngành cũng đã có sự phối hợp tổ chức phát động thi đua ở cấp mình, ngành mình. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc đơn vị, địa phương quản lý tuyên truyền, động viên, khuyến khích CNVCLĐ trên mỗi vị trí công tác của mình phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến lề lối làm việc, phấn đấu đạt danh hiệu Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô. Kiện toàn Hội đồng sáng kiến của các đơn vị, tổ chức bình xét công bằng, minh bạch, chính xác, khen thưởng, động viên kịp thời những CNVCLĐ có những sáng kiến, kinh nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội. Từ đó, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tuyên truyền rộng rãi về những tấm gương điển hình để mọi người học tập và noi theo. Qua 10 năm phát động, triển khai phong trào, đã có 125.358 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 10.052 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ những sáng kiến, kinh nghiệm từ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Hội đồng tư vấn đã tham mưu, xét chọn, đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng công nhận Sáng kiến, sáng tạo thủ đô cho 959 cá nhân, trong đó có 650 sáng kiến, với số tiền làm lợi 1.390 tỷ đồng. Nhiều điển hình tiên tiến được phát hiện và tôn vinh. Mỗi phong trào thi đua tốt sẽ là một động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vươn ra hội nhập, Việt Nam cần có thêm nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả như Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô. Mai Thảo

TP Ninh Bình: Lá cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước

TĐKT - Năm 2015,  TP Ninh Bình được suy tôn là đơn vị dẫn đầu khối các huyện, thành phố, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Phong trào thi đua yêu nước trở thành động lực quan trọng để TP Ninh Bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.   Lãnh đạo TP Ninh Bình trao thưởng cho học sinh giỏi năm học 2015 - 2016. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong nhiều năm qua, Phòng Nội vụ thành phố đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố đề ra nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Công tác thi đua, khen thưởng được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thành ủy, UBND thành phố đã tích cực cải tiến lề lối làm việc, phân công rõ người, rõ việc, phát huy tính dân chủ của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua đảm bảo sự điều hành tập trung, thống nhất, năng động, sáng tạo của chính quyền từ thành phố tới cơ sở, từ đó đã giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân tin tưởng, đồng tình, hưởng ứng. Hàng năm, thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá và biểu dương kịp thời những cá nhân, điển hình tiên tiến, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay. Hội đồng thi đua, khen thưởng thành phố tổ chức phát động thường xuyên, gối sóng các phong trào thi đua theo từng đợt, theo chuyên đề, đồng thời tổ chức đăng ký thi đua, thực hiện ký giao ước thi đua giữa các đơn vị. Thủ tục, hồ sơ xét và đề nghị khen thưởng đã từng bước được rút gọn theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh, gọn, chính xác, phát huy được tính tích cực của công tác thi đua, khen thưởng. Việc xét duyệt khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và kịp thời. Các cơ quan, đơn vị đã tập trung lựa chọn và suy tôn những tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất và công tác ở cơ sở. Vì vậy đã động viên những người lao động trực tiếp hăng hái thi đua, tích cực giành nhiều thành tích trong học tập, công tác, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Với những giải pháp phù hợp, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn TP Ninh Bình được phát động rộng khắp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhiều phong trào thi đua được phát động và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như: phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, góp phần duy trì và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố đạt trên 9.800 tỷ đồng, tăng 64,4% so với năm 2014. Trong sản xuất nông nghiệp, thành phố tập trung phát động các phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đưa các cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần làm tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác, thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với thi đua phát triển nông nghiệp, nhiều phong trào thi đua trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực và tiếp tục được duy trì thường xuyên: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Bình ổn giá”, “Giữ xe tốt, lái xe an toàn”. Hoạt động thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và kinh tế hộ gia đình có sự phát triển, một số loại hình dịch vụ như kinh doanh khách sạn, nhà hàng, thông tin, giải trí phát triển mạnh. Trên địa bàn thành phố hiện có 661 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong đó có 30 nhà hàng, khách sạn, 12 trung tâm thương mại và siêu thị, 21 chợ, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2015 của thành phố đã đạt 6.320 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, trong nhiều năm qua TP Ninh Bình đã chú trọng triển khai phong trào thi đua trong công tác quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, góp phần làm cho diện mạo thành phố ngày một đổi mới, khang trang, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp. Theo đó, thành phố tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch và quản lý quy hoạch. Năm 2015, thành phố phối hợp với Sở Xây dựng lập quy hoạch phân khu phía Bắc và phía Nam thành phố theo Đồ án “Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để đề nghị UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng Quy chế quản lý đô thị; tổ chức cuộc thi “Đề xuất ý tưởng kiến trúc khu vực vườn hoa Ngã ba Tràng An”. Thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố và UBND các xã, phường tổ chức các đợt ra quân, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Do vậy đã cơ bản giải quyết dứt điểm những vi phạm: lấn chiếm hành lang để làm mái che, mái vẩy, hoặc lắp biển quảng cáo, bày bán hàng sai quy định trên các trục đuờng chính, khu vực trung tâm; không để tồn tại các khu vực, các tuyến đường mất vệ sinh môi trường, tồn đọng rác trong khu dân cư... Điều làm nên thành công của các phong trào thi đua yêu nước ở TP Ninh Bình trong thời gian qua, đó là phương pháp tổ chức thực hiện phong trào luôn được đổi mới, nội dung thiết thực, gắn với quyền và lợi ích của mọi người nên thực sự lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới được nhân rộng. Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã thực sự là những tấm gương tiêu biểu, có sức lan toả trong cộng đồng cả trên diện rộng và chiều sâu. Mai Lan

Trang