Phong trào “ Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào đã được các cấp hội, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh nhiệt liệt hưởng ứng và cấp ủy chính quyền các cấp ủng hộ. Phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nông dân nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tương trợ, hợp tác, giúp đỡ nhau, khắc phục khó khăn, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở mang, phát triển đa dạng ngành nghề…, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên một bước phát triển mới. Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc giảm nghèo bền vững, đóng góp đáng kể cho việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm “Giúp đỡ nhau vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng”; bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã “Thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng”, “Thực hiện mô hình 70 triệu đồng/ha” cùng với các đề án, dự án, mô hình, việc áp dụng khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trên các lĩnh vực tài nguyên đất đai, khí hậu, các loại cây, con đặc sản, bản địa, một số đề tài, dự án khoa học công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội hết sức thiết thực như. Có 5 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận nhãn hiệu tập thể bao gồm: nhãn hiệu tập thể gạo bào thai Chợ Đồn, miến dong Bắc Kạn; khẩu nua Lếch (nếp thơm) Ngân Sơn; chỉ dẫn địa lý hồng không hạt và chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn.
Phong trào thi đua phát triển sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn đã thực sự đi vào đời sống người dân, tạo ra khí thế mới, khích lệ nông dân trong lao động, sản xuất, kinh doanh, giúp cho người nông dân tăng thêm thu nhập. Nhờ đó đời sống ngày càng được cải thiện, số hộ nghèo giảm, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng ngày càng được chú trọng và phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững” còn gặp khó khăn do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về lĩnh vực này chưa đầy đủ; trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế còn hạn chế. Mặt khác, do địa hình chia cắt nên dân cư sống phân tán, gây khó khăn trong công tác thông tin tuyên truyền và nhân rộng các mô hình hay và hiệu quả.
Mặc dù công tác khen thưởng đối với nông dân đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng nhưng tỷ lệ khen thưởng cho người nông dân trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do công tác phát hiện các gương điển hình tiên tiến trong nông dân ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, một số nông dân có thành tích trong lao động sản xuất, kinh doanh nhưng còn e ngại với việc báo cáo thành tích đề nghị các cấp khen thưởng. Kinh phí thực hiện khen thưởng tại cấp xã, phường, thị trấn còn hạn hẹp nên đã ảnh hưởng đến việc khen thưởng.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua đã phát động; từng bước đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các phong trào thi đua cho phù hợp với đặc thù của địa phương, gắn các phong trào thi đua do các tổ chức hội phát động với phong trào xây dựng nông thôn mới để đạt hiệu quả thiết thực hơn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các sáng chế, sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực phục vụ sản xuất từ cơ sở xuất hiện trong phong trào thi đua và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua. Tổ chức cho nông dân đăng ký tham gia các phong trào thi đua và xét danh hiệu thi đua hàng năm. Xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể, phù hợp với từng địa phương, làm căn cứ để bình xét thi đua cuối năm và đề nghị khen thưởng. Tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ các phong trào thi đua, thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, phát hiện và bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, khen thưởng kịp thời các hộ gia đình, cá nhân người nông dân lập thành tích xuất sắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.