Khối các tập đoàn kinh tế Nhà nước: phát huy tối đa nội lực từ các phong trào thi đua yêu nước
07/08/2017 - 09:06

TĐKT - 6 tháng đầu năm 2017, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, các thành viên thuộc Khối thi đua các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, đồng thời, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động hăng hái thi đua thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đã đề ra.

Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2017 Khối các tập đoàn kinh tế Nhà nước

Với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, 7 tập đoàn kinh tế Nhà nước đã đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều đơn vị trong Khối đã đạt và vượt chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, thu, nộp ngân sách... so với cùng kỳ năm trước. Việc làm, đời sống của người lao động được đảm bảo.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có doanh thu ước đạt 8.590 tỷ đồng, nộp ngân sách ước đạt 700 tỷ đồng. Tập đoàn Dệt May Việt Nam có doanh thu ước đạt 20.747 tỷ đồng, nộp ngân sách ước đạt 468 tỷ đồng. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có doanh thu ước đạt 21.301 tỷ đồng, nộp ngân sách 840 tỷ đồng.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, doanh thu đạt 247.100 tỷ đồng, nộp ngân sách 44.200 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh thu đạt 119.600 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.761 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, doanh thu đạt 54.577 tỷ đồng, nộp ngân sách 8.098 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, doanh thu đạt 67.583 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.900 tỷ đồng…

Để có được kết quả ấy, các tập đoàn đã tích cực đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phát động các phong trào thi đua đa dạng gắn với nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh của đơn vị mình và theo chủ đề năm: “Đổi mới mạnh mẽ - Tăng trưởng vượt bậc - Vững mạnh toàn diện (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam); “Đẩy mạnh khoa học, công nghệ” (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, thân thiện với môi trường và trách nhiệm xã hội” (Tập đoàn Dệt May Việt Nam)…

Các phong trào tập trung trên nhiều lĩnh vực: đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ; mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phát triển nguồn nhân lực; chăm lo cải thiện đời sống người lao động…

Tiêu biểu là các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; "Chất lượng VNPT", "Sáng tạo VNPT", “Nụ cười VNPT” của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; "Giành năng suất dẫn đầu ngành Than - Khoáng sản", "Thi đua lao động giỏi, thu nhập cao", "Thi đua trong xây dựng khu dân cư mỏ văn hóa, khu tập thể văn minh, nhà ăn kiểu mẫu, công tác chăm sóc sức khỏe người lao động" của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; "Đường dây kiểu mẫu, trạm biến áp kiểu mẫu", "Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán lẻ đến hộ nông thôn", "Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử", "Tối ưu hóa chi phí, thực hành tiết kiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; "Về đích trước hạn", "Thi đua đóng góp ý tưởng sáng tạo" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; "Luyện tay nghề - Thi tay thợ" của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam…

Công tác thi đua với nội dung phong phú, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, hình thức đa dạng đã được các tập đoàn coi như một phương thức, biện pháp để tạo sự đồng thuận cao và phát huy nội lực, từng bước tháo gỡ khó khăn, giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh.

Các phong trào thi đua của các tập đoàn được tổ chức ký giao ước, có tên gọi dễ nhớ, chỉ tiêu rõ ràng, cụ thể đã thực sự động viên, cổ vũ đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động vượt mọi khó khăn, thách thức, sáng tạo, hăng say thi đua lao động, sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch đề ra.

Song song với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, công tác khen thưởng tiếp tục có nhiều đổi mới. Chất lượng và hiệu quả của khen thưởng đã được nâng lên rõ rệt. Lãnh đạo các tập đoàn đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này, chú trọng sử dụng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền để khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua và trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, các tập đoàn đã quan tâm hơn đến khen thưởng chuyên đề, khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, cá nhân là người trực tiếp lao động hoặc có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất, công tác, lao động nữ, lao động ở những vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn...

Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến, lao động giỏi, lao động sáng tạo được tôn vinh, biểu dương.

Trong 6 tháng cuối năm, Khối các tập đoàn kinh tế xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; thi đua hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị, đạt được những chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi tập đoàn đã đề ra; thúc đẩy hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, hoàn thành kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo đúng lộ trình đề ra và đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của đất nước.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Luật Thi đua, khen thưởng. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác thi đua, khen thưởng, trên cơ sở đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và tác dụng to lớn của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, học tập, giao lưu giữa các đơn vị trong khối, tổ chức tổng kết, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng năm 2017 đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung, chất lượng và thời gian…

Nguyệt Hà