Phong trào thi đua

Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong quân đội

TĐKT - Sáng 6/12, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Tập huấn thực hiện Kế hoạch đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại 30 điểm cầu trong toàn quân. Tới dự, có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; 946 đại biểu của ban thường vụ cấp ủy, các cơ quan thành viên bộ phận giúp cơ quan thường trực các đảng ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu khai mạc Hội nghị. Chương trình tập huấn gồm 6 chuyên đề: những nội dung mới, cốt lõi của Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và một số vấn đề cần nắm vững trong triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ Quân đội và toàn quân; tiêu chí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đoàn viên, thanh niên Quân đội; cán bộ, hội viên phụ nữ Quân đội; quy định về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một số nội dung cơ bản về hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và tiêu chí tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiêu chí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng. Phát biểu khai mạc tập huấn, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân, sau Hội nghị tập huấn cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của từng cấp phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; thống nhất nội dung, biện pháp tổ chức ở từng cấp cụ thể, sát thực, dễ thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; tổ chức tập huấn đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả… Đức Anh

Chỗ dựa vững chắc của người lao động

TĐKT - 20 năm qua, Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam luôn đồng hành với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc, động viên đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động thi đua lao động, sản xuất, công tác, vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vai trò của tổ chức công đoàn công ty luôn được khẳng định, tạo niềm tin vững chắc cho tập thể cán bộ, công nhân, viên chức, góp phần quan trọng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Điểm tựa của mọi thành công Từ cuối năm 2008, những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động bị ảnh hưởng đáng kể đã ít nhiều tác động đến tâm tư, tình cảm của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhất là đối với các doanh nghiệp trong khối vận tải biển. Giai đoạn 2010 - 2015 có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và hoạt động của công đoàn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, hơn lúc nào hết tập thể cán bộ, công nhân công ty đã sát cánh cùng nhau để phấn đấu trong mọi hoạt động. Trong những năm qua, Tổng công ty thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp theo Quyết định 276 của Chính phủ. Công đoàn các cấp đã đồng hành với cơ quan chuyên môn kịp thời xây dựng Nghị quyết và Chương trình hành động. Công đoàn chủ động, tích cực tham gia quá trình tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012 - 2015, thực hiện tốt quy chế dân chủ thông qua Hội nghị người lao động, tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, Chính phủ về cổ phần hóa, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Công đoàn đã tích cực tham gia vào quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp, phương án sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại nguồn nhân lực sau tái cơ cấu. Tích cực tham gia xây dựng triển khai giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Công ước Lao động hàng hải MLC 2006 nhằm đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giải quyết tốt mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.   Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bức trướng cho tập thể cán bộ đoàn viên CNVCLĐ Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Trong quá trình tái cơ cấu, đã có 575 lao động dôi dư được giải quyết chế độ với tổng số tiền 53,5 tỷ đồng và hàng chục tỷ đồng được sử dụng để giải quyết bảo hiểm, tiền lương cho người lao động theo đúng sự chỉ đạo của Chính phủ. Sau tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, việc làm, tiền lương, đời sống của người lao động đều được đảm bảo. Tổng công ty về cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Công đoàn Tổng công ty ổn định với 59 công đoàn cơ sở và hơn 26.000 đoàn viên ở cả 3 khối: cảng biển, vận tải biển, dịch vụ hàng hải. Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền luôn được tổ chức công đoàn quan tâm chú trọng cùng với việc thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đã có hàng ngàn đoàn viên ưu tú do công đoàn giới thiệu được kết nạp vào Đảng, hàng trăm cán bộ được tổ chức công đoàn giới thiệu tham gia vào cấp ủy và bộ máy lãnh đạo các cấp trong toàn Tổng công ty, hàng chục nghìn lượt người lao động, sỹ quan, thuyền viên được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng... để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Với truyền thống nghĩa tình của người lao động ngành Hàng hải, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng cán bộ, CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam luôn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc đóng góp vào các chương trình an sinh xã hội như Chương trình “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước, nhớ nguồn”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Nhịp cầu yêu thương”, “Triệu vòng tay hướng về đồng bào vùng lũ”, “Tấm lưới nghĩa tình vì Hoàng Sa, Trường Sa”, Chương trình 30a của Chính phủ... với tổng số tiền huy động được lên đến hàng trăm tỷ đồng. Không ngừng phát huy vai trò Phát huy những thành quả đã đạt được, cán bộ, CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên và đội ngũ cán bộ các cấp công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng, tinh thần đoàn kết, kỷ luật, củng cố và xây dựng đội ngũ, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn hướng về cơ sở, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn ngành nghề, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, phát triển đoàn viên. Các cấp công đoàn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, động viên cán bộ, CNVCLĐ phát huy tiềm năng, nguồn lực để đổi mới doanh nghiệp, tăng cường đầu tư phát triển đội tàu, mở rộng, nâng cấp hệ thống cảng biển, mở rộng thị trường dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề. Tổng công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh, giữ được vai trò chủ đạo trong lĩnh vực hàng hải. Đến thời điểm hiện tại, tổ chức công đoàn công ty đã phát triển tăng thêm 21 công đoàn cơ sở và 11.000 đoàn viên so với ngày đầu mới thành lập. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng được nâng cao, mọi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đều được đảm bảo và cao hơn luật định, trách nhiệm xã hội được Tổng công ty quan tâm thực hiện đầy đủ. Để có được những thành quả đó, ngoài nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên, công ty còn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Điều hành Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, sự quan tâm, hỗ trợ của các thế hệ đi trước và lãnh đạo các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Tổng công ty, Công đoàn Giao thông Vận tải và Khối thi đua 9 công đoàn tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn. Ngoài ra, công ty còn nhận được sự ủng hộ quý báu của Công đoàn Thủy thủ toàn Nhật Bản, Công đoàn Cảng và Vận tải Kyungnam Hàn Quốc, các tổ chức công đoàn cùng ngành nghề quốc tế, cũng như sự tin tưởng của toàn thể cán bộ, CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên dành cho Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Để ghi nhận, đánh giá những thành tích, cống hiến của tập thể cán bộ, CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, 20 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân, đoàn viên công đoàn Tổng công ty đã được Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Công đoàn Tổng công ty cũng đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.  Mai Thảo

Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kỷ niệm 20 năm thành lập

TĐKT – Sáng 25/11, tại Hà Nội, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập và biểu dương cán bộ công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường dự và phát biểu ý kiến. 20 năm qua, Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam luôn đồng hành với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc, động viên đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động thi đua lao động, sản xuất, công tác, vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường trao bức trướng tặng tập thể cán bộ, đoàn viên Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Tập thể cán bộ, đoàn viên công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Tổng công ty luôn nỗ lực, chủ động nghiên cứu, triển khai những giải pháp đồng bộ, cụ thể trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, phù hợp với từng loại hình kinh doanh, mô hình tổ chức và từng giai đoạn phát triển của Tổng công ty, góp phần tạo nên nhiều kết quả đáng trân trọng. Tính đến nay, tổ chức công đoàn Tổng công ty đã phát triển tăng thêm 21 công đoàn cơ sở và 11.000 đoàn viên so với ngày đầu mới thành lập. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng được nâng cao, mọi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đều được đảm bảo và cao hơn luật định, trách nhiệm xã hội được Tổng công ty quan tâm thực hiện đầy đủ.   20 cá nhân được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trong chặng đường 20 năm thành lập và phát triển, các cấp công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam luôn chủ động tham gia toàn diện, quyết liệt cùng với cơ quan chuyên môn đồng cấp trong điều hành, quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn 2012 - 2015, Công đoàn Tổng công ty đã sát cánh cùng với Tổng công ty, các doanh nghiệp thành viên trong quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại nguồn nhân lực sau tái cơ cấu, giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư… nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong 20 năm qua. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, các cấp công đoàn thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng, Đại hội Công đoàn các cấp. Trong đó, chú trọng tổ chức các phong trào thi đua cho phù hợp với tình hình của doanh nghiệp. Các phong trào thi đua phải gắn liền với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tập trung giải quyết những nhiệm vụ công tác trọng tâm, góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn lao động, sản xuất, công tác như các phong trào thi đua “Lao động, quản lý giỏi”, phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”… nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, làm cơ sở để đảm bảo việc làm, tiền lương, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Dịp này, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã tổ chức tôn vinh những cán bộ công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu. 20 cá nhân đã được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 20 cá nhân được tặng Giấy khen của Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn thời gian qua. Mai Thảo

Bắc Kạn - Hiệu quả từ các phong trào thi đua năm 2016

TĐKT - Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển  kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2016 và 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức phát động thi đua trong toàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh để chào mừng ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và những sự kiện lớn của đất nước trong năm 2016. Trên cơ sở tiếp thu Chỉ thị số 34 - CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và thực hiện 5 nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang và tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng tham gia và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua: “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay cùng xã nghèo vượt khó"… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, an sinh xã hội, đền ơn, đáp nghĩa, gắn các phong trào thi đua với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, tỉnh phát động đợt thi đua cao điểm “200 ngày đêm lao động sáng tạo, thiết thực lập thành tích chào mừng 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn” (01/01/1997 - 01/01/2017). Qua đợt thi đua đã có nhiều công trình trọng điểm phấn đấu hoàn thành trước thời hạn, đảm bảo chất lượng và gắn biển công trình chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh. Ủy ban MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên đã tích cực kêu gọi kinh phí tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp nhân dân đóng góp ngày công lao động, vật liệu, xây dựng được hơn 200 nhà "Đại đoàn kết" cho các đối tượng được hỗ trợ ở các địa phương. Thiết thực chào mừng 20 năm tái lập tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh đoàn ban hành Kế hoạch chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm và tổ chức phát động thi đua chào mừng tại tỉnh; phát động và triển khai Cuộc thi “Bắc Kạn - Tự hào 20 năm xây dựng và phát triển”. Các cấp bộ Đoàn đã huy động nguồn lực xây dựng được 3 công trình thanh niên cấp tỉnh, 7 công trình thanh niên cấp huyện, 20 công trình thanh niên cấp cơ sở với tổng trị giá 1.493 triệu đồng và đóng góp 2.181 ngày công lao động. Đại diện 11 khối thi đua của tỉnh ký giao ước thi đua tại Lễ phát động đợt thi đua cao điểm “200 ngày đêm lao động sáng tạo, thiết thực chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn” Hưởng ứng phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tích cực triển khai kế hoạch, phân công, phân nhiệm, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức thiết thực, phong phú, đa dạng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, nâng cao vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, phát huy mạnh mẽ vai trò vận động gia đình, người thân và cộng đồng dân cư tích cực hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu… để xây dựng đường nông thôn. Phong trào hiến đất làm đường ở các xã trên địa bàn tỉnh ngày một lan tỏa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Điển hình là các xã Thượng Ân, xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn); xã Quảng Khê (huyện Ba Bể); xã Phương Viên, xã Rã Bản (huyện Chợ Đồn)… Năm 2016, công tác khen thưởng được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện đúng quy định; chất lượng khen thưởng được nâng cao, khen thưởng kịp thời, chính xác và chú trọng khen thưởng đối tượng là người trực tiếp lao động, sản xuất. Trong năm, Bắc Kạn đã có nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng: 1 tập thể Huân chương Độc lập hạng Nhất; 1 cá nhân Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 cá nhân Huân chương Lao động hạng Ba. 2 đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2015 được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 01 cá nhân; 9 tập thể; 12 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ở cấp tỉnh, đã có 12 tập thể được trao Cờ thi đua của tỉnh; 187 tập thể Lao động xuất sắc; 6 tập thể Đơn vị Quyết thắng; 87 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 65 tập thể, 107 cá nhân được tặng Bằng khen. Ngoài ra, tỉnh khen thưởng chuyên đề cho 142 tập thể, 331 cá nhân; khen thưởng đột xuất cho 10 tập thể; 5 cá nhân. Trong đó, tỷ lệ khen thưởng cho nông dân, công nhân, chiến sĩ, người lao động trực tiếp, công chức, viên chức không làm công tác quản lý là 289/489 cá nhân, chiếm 59,10%. Có thể nói phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng năm 2016 đã phát huy hiệu quả, góp phần đem lại những thành quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng; các vấn đề xã hội được giải quyết tốt; an ninh - quốc phòng được giữ vững; trật tự an toàn xã hội của tỉnh được đảm bảo. Hoàng Huế

Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội lần thứ X

TĐKT – Sáng 11/11, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội lần thứ X (nhiệm kỳ 2016 - 2021) với chủ đề “Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Thủ đô thi đua thực hiện chính sách an sinh xã hội, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp và văn minh” . 350 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 6 vạn cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Hội Chữ thập đỏ Thủ đô đã tham dự. Đại hội là dịp để Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được trong 5 năm qua; đồng thời quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021; bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra khóa X và Đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ X. Những năm qua, khắc phục những khó khăn, các cấp Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua thử thách, giành được thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các mặt hoạt động, thể hiện sinh động qua các phong trào, chương trình, các cuộc vận động lớn: phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; chương trình “Ngân hàng bò”, phong trào hiến máu tình nguyện, “Hướng về biển đảo quê hương”, chiến dịch khám chữa bệnh cho người nghèo, bữa ăn miễn phí ở các bệnh viện… Với tinh thần “làm mọi việc có thể làm được”, những năm qua, tổng giá trị các hoạt động nhân đạo của các cấp Hội trên địa bàn toàn TP đã đạt con số 1.374 tỷ đồng, trung bình 274,8 tỷ đồng/năm, năm sau cao hơn năm trước và gấp 3,7 lần so với nhiệm kỳ trước. Đại hội đại biểu Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội lần thứ X Phát huy những thành tích đã đạt được, trong nhiệm kỳ mới, Đại hội xác định tập trung xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp, thực sự là tổ chức giữ vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo; nâng cao hiệu quả truyền thông, vận động nguồn lực, từng bước phát triển các mô hình nhân đạo bền vững, ứng phó kịp thời với những thách thức, tình huống trong công tác nhân đạo của Hội; trợ giúp thiết thực những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thưởng; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đóng góp tích cực vào phong trào Chữ thập đỏ Việt Nam và thế giới. Đại hội đã suy tôn đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội khóa X, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đại hội cũng đã tiếp nhận sự ủng hộ xây dựng quỹ nhân đạo và các công trình nhân đạo nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với số tiền trên 1 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Thủ đô tiếp tục quyên góp, ủng hộ nhân dân và các tỉnh đang chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ và sẽ tổ chức đoàn thăm, tặng quà và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ ngay sau kết thúc Đại hội. Tại Đại hội, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2011 - 2016. 30 mô hình tiêu biểu trong công tác hội, phong trào Chữ thập đỏ các cấp được tuyên dương, khen thưởng. Mai Thảo

Tham quan mô hình làm sạch sông Tô Lịch địa bàn huyện Thanh Trì

TĐKT- Ngày 25/10, Cụm thi đua số V - Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tham quan, đánh giá mô hình thi đua năm 2016 tại huyện Thanh Trì. Theo đó, đại biểu 4 huyện thuộc Cụm thi đua số V (TP Hà Nội) gồm Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm đã đi tham quan thực tế mô hình làm sạch sông Tô Lịch trên địa bàn huyện Thanh Trì. Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì (thứ hai từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình với đoàn tham quan. Đây là mô hình được đánh giá cao bởi tính hiệu quả, thiết thực và tính lan tỏa rộng rãi trong xã hội, bước đầu đã cứu sống con sông, cứu lá phổi xanh của huyện Thanh Trì. Đa số đại diện các huyện trong Cụm thi đua đánh giá cao cách triển khai mô hình bài bản của huyện Thanh Trì: lựa chọn “đúng việc”; có cách triển khai nhanh chóng, quyết liệt, bài bản, phù hợp với nguồn lực thực tế của địa phương; áp dụng hiệu quả nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo được sự đồng thuận, tự giác trong quần chúng nhân dân; đồng thời xây dựng thành công quy chế phối hợp để duy trì mô hình và có kế hoạch nhân rộng trong toàn huyện. Mô hình làm sạch sông Tô Lịch của huyện Thanh Trì là bài học thiết thực nhất để các huyện trong cụm thi đua số V học tập và áp dụng. Tuyến sông Tô Lịch chảy qua huyện Thanh Trì dài gần 8km, từ nhiều năm nay chưa được cải tạo, nạo vét nên bờ sông bị sạt lở, lòng sông bị bồi lắng bùn đất, rác thải...gây ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan, gây bức xúc trong nhân dân trên địa bàn huyện. Thực hiện sự chỉ đạo của TP Hà Nội về tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị 2016, huyện Thanh Trì đã triển khai thí điểm mô hình làm sạch sông Tô Lịch. Đến nay, mô hình đã được triển khai tại 4/7 xã có sông Tô Lịch đi qua trên địa bàn huyện Thanh Trì, hoàn thành chỉnh trang, nạo vét, khơi thông dòng chảy tuyến sông Tô Lịch với chiều dài 3 km. Hai bên bờ đã không còn những đám cỏ, cây dại mọc um tùm, thay vào đó là những khuôn viên hoa và cây cảnh xanh, sạch, đẹp, dần trả lại vẻ đẹp vốn có của con sông Tô Lịch lịch sử. Sông Tô Lịch đang hồi sinh với vẻ đẹp lịch sử vốn có Trên cơ sở những nỗ lực đã đạt được, huyện Thanh Trì quyết tâm đến hết năm 2016, 4 km sông Tô Lịch còn lại sẽ tiếp tục được làm sạch, tạo điểm nhấn cho huyện về công tác bảo vệ môi trường. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cho rằng, từ mô hình thí điểm này, thời gian tới, huyện Thanh Trì nghiên cứu nâng cao thành phong trào bảo vệ môi trường, hưởng ứng Năm trật tự văn minh đô thị, có sự lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Mai Thảo

Ngành BHXH phấn đấu triển khai hiệu quả 10 nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm

TĐKT - Chiều 26/10, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 10/2016. Tham dự Hội nghị có các đồng chí là Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu; đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế); đại diện một số vụ, ban, đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và Hà Nội.   BHXH Việt Nam triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn ngành đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn: chỉ đạo, bố trí nguồn nhân lực, điều kiện vật chất, kỹ thuật để triển khai công tác lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT. Tính đến 11/10, cả nước đã thu thập và nhập thông tin của trên 23,8 triệu hộ gia đình với 91,4 triệu người (đạt 100% dân số cả nước) và đồng bộ dữ liệu cấp thẻ BHYT cho trên 63,6 triệu người (đạt 94,4% số người tham gia BHYT); tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai giao dịch điện tử; phối hợp với bưu điện, ngân hàng cung cấp các dịch vụ tạo thuận lợi cho người dân, doanh  nghiệp trong đăng ký tham gia BHXH, BHYT. Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết thêm, trong 9 tháng qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, kịp thời phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt Luật BHYT; quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT; điều chỉnh giá viện phí; thống nhất giá dịch vụ giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc; rà soát, bổ sung thông tin trên thẻ BHYT. Đặc biệt, thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho khoảng 104,7 triệu lượt người, tăng hơn 10,6 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước. Tình hình bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT dần được kiểm soát. Tổng chi phí khám, chữa bệnh quý III ước tăng khoảng 6% so với quý II. Lũy kế chi khám, chữa bệnh 9 tháng đầu năm khoảng 49.300 tỷ (tăng 45% so với cùng kỳ năm trước) và nằm trong phạm vi dự toán được giao. La Giang

Bộ Tư pháp triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác

TĐKT - Sáng 17/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp Quý III/2016. Ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp chủ trì họp báo.   Toàn cảnh họp báo Trong Quý III/2016, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác. Công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo dự thảo VBQPPL. Bộ Tư pháp đã thẩm định 65 VBQPPL và 28 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trả lời, góp ý 277 văn bản. Bộ cũng đã kiểm tra 715 văn bản, kết quả bước đầu phát hiện 30 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), trong Quý III/2016, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 28 dự thảo VBQPPL quy định 121 TTHC (đề nghị không quy định 41 thủ tục, sửa đổi 48 thủ tục không hợp lý); thực hiện thẩm định 37 dự thảo VBQPPL quy định 168 TTHC (đề nghị không quy định 37 thủ tục, sửa đổi 93 thủ tục không hợp lý). Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt trình phương án đơn giản hóa trên 800 TTHC liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực. Theo tính toán sơ bộ, tổng chi phí tiết kiệm được từ các phương án đơn giản hóa khoảng trên 400 tỷ đồng/năm. Công tác thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu được giao cả về việc (8,53%) và về tiền (3,74%). Công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Từ 1/10/2015 đến 30/9/2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 105 vụ việc. Trong những tháng cuối năm, Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm: phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, giải trình, hoàn thiện, trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua 2 dự án luật (Luật Đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13), cho ý kiến với 2 dự án luật (Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi, Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi) và báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2016. Đôn đốc quyết liệt các bộ, ngành hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật, bảo đảm cơ bản khắc phục tình trạng luật, pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và tiến độ được giao. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự; khẩn trương chuẩn bị giao chỉ tiêu thi hành án năm 2917 cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương ngay từ đầu năm 2017. Tổ chức vòng chung kết Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2016, bình xét 10 sự kiện nổi bật ngành Tư pháp năm 2016... Phương Thanh

Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy: Sáng tạo, thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước

TĐKT  – Cùng với  thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Cầu Giấy được coi là điểm sáng trong tổ chức, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của quận Cầu Giấy. Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Thanh cho biết: xác định việc nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, LĐLĐ quận luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ ngay từ đầu năm. Nội dung, hình thức thi đua mỗi năm luôn được đổi mới, sát với thực tế ở từng loại hình công đoàn cơ sở (CĐCS). Coi trọng các đợt thi đua cao điểm gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô và đất nước. Gắn với mỗi đợt thi đua, chú trọng việc sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân đạt thành tích cao. LĐLĐ quận Cầu Giấy luôn chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến. Có thể nói, giai đoạn 2011 - 2015 là “mùa bội thu các phong trào thi đua” của tầng lớp CNVCLĐ quận Cầu Giấy. Trong 5 năm, qua các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động động sáng tạo”, “Sáng kiến sáng tạo”, các phong trào thi đua “Giỏi việc nước – đảm việc nhà”…  toàn quận Cầu Giấy có 401 đề tài, hơn 3.500 sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh, trong dạy và học, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao; 5.592 lao động giỏi, công nhân giỏi và người tốt, việc tốt; gần 18 ngàn lượt nữ CNVCLĐ giỏi việc nước, đảm việc nhà các cấp… Cùng với đó, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong CNVCLĐ Thủ đô”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… được đông đảo CNVCLĐ tích cực hưởng ứng tham gia, làm nòng cốt tạo nên động lực và khai thác tiềm năng, sở trường của người lao động, từ đó phấn đấu đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong lao động sản xuất, học tập và công tác. Các phong trào thi đua “Xanh, sạch, đẹp - bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”,  cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hoá công nghiệp", phong trào xã hội từ thiện được phát động và nhận được sự hưởng ứng tích cực của CNVCLĐ trên địa bàn quận, rõ rệt nhất là trong hệ thống công đoàn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, để động viên, khích lệ cán bộ, CNVCLĐ phát huy trí tuệ, nâng cao tay nghề, trong 5 năm qua,  LĐLĐ quận chỉ đạo các CĐCS tổ chức các hội thi “Lao động giỏi”, “Giáo viên dạy giỏi”, “Bàn tay vàng”… Đã có 344 thí sinh tiêu biểu xuất sắc đạt giải cao, được quận và thành phố khen thưởng.   Năm 2016 là năm đầu tiên LĐLĐ quận Cầu Giấy tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu, có tổ chức công đoàn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quận. Chủ tịch LĐLĐ quận Nguyễn Thị Thanh khẳng định, các phong trào thi đua, các hoạt động do công đoàn tổ chức đã giúp cán bộ, CNVCLĐ ở mọi ngành nghề đến gần nhau hơn, tạo nên sự đoàn kết, thống nhất, khả năng sáng tạo của người lao động trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng ổn định và phát triển. Qua đó từng bước thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động và có chế độ đãi ngộ phù hợp với công sức người lao động; tạo niềm tin của CNVCLĐ đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền trong từng đơn vị, giúp họ yên tâm công tác, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn. Đó cũng là lý do ngày càng có nhiều tổ chức tham gia công đoàn. Trong 5 năm qua, LĐLĐ quận đã thành lập mới được 119 CĐCS, kết nạp 10.679 đoàn viên, vượt chỉ tiêu, kế hoạch thành phố giao hàng năm, được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương khen thưởng. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Thị Thanh cho rằng, quận Cầu Giấy là địa bàn có số lượng doanh nghiệp khá lớn, song còn nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, việc vận động người lao động tham gia công đoàn gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện phương châm “Hướng về cơ sở”, năm 2016 và những năm tiếp theo, LĐLĐ quận quyết tâm nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, đi vào thiết thực hơn. Qua đó, tuyên truyền, vận động thêm nhiều người lao động gia nhập tổ chức công đoàn, từ đó có điều kiện phối hợp, thực hiện chức năng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của tổ chức công đoàn. Trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống thi đua yêu nước của các thế hệ cán bộ, CNVCLĐ đi trước, giai đoạn 2011 – 2015, LĐLĐ quận Cầu Giấy tiếp tục khẳng định sự đóng góp to lớn của mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TP Hà Nội đã nhiều năm liền tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen cho LĐLĐ quận Cầu Giấy vì có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2011 - 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cá nhân, tập thể thuộc LĐLĐ quận được LĐLĐ Hà Nội khen thưởng. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập quận Cầu Giấy, Đảng và Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho LĐLĐ quận Cầu Giấy. Đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời là niềm động viên to lớn để cán bộ, CNVCLĐ quận vững vàng tiến bước trong tương lai với những thành tích mới, trước những nhiệm vụ mới.  Mai Thảo

Phát động phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"

TĐKT - Tối 11/10, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", đồng thời biểu dương các doanh nhân tiêu biểu trong cả nước, nhằm cổ vũ, động viên, phát huy vai trò tiên phong của giới doanh nhân trong phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.   Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động thi đua Tới dự, có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương. Cùng dự có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Hội đồng TĐKT Trung ương, lãnh đạo, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thực hiện chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", thời gian qua, các doanh nghiệp trong cả nước đã tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với tiêu chí, nội dung và khẩu hiệu hành động phù hợp với từng loại hình hoạt động. Các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, phát huy tính sáng tạo, tích cực của người lao động, tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp đã mở rộng quy mô phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm nhiều lao động, thu hút vốn đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu... Qua đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người lao động, tăng tích tụ vốn, nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm nhập siêu, góp phần tăng thu ngân sách, từng bước khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện những điển hình tiên tiến, doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động tiêu biểu xuất sắc được biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng và được tặng thưởng những phần thưởng cao quý.  Phát động phong trào thi đua "Doanh nhân Việt Nam hội nhập và phát triển", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt. Chủ trương của Chính phủ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là: nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được các sản phẩm (thương hiệu) Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới; thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. Để cụ thể hóa chủ trương này của Chính phủ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp. Ba đồng hành là: đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân. Năm hỗ trợ là: hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Các bộ, ban, ngành, địa phương và Hội đồng TĐKT các cấp cần tiếp tục đổi mới công tác TĐKT, tôn vinh và nhân rộng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội. Thủ tướng kêu gọi mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tập hợp thành sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Nhân dịp này, 100 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc đã được trao tặng cúp Thánh Gióng. Phương Thanh

Trang