Kinh tế

Công bố hợp tác chiến lược giữa Bộ Công thương và Tập đoàn Google

TĐKT - Ngày 15/8, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Tập đoàn Google chính thức công bố hợp tác chiến lược để mở rộng chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0”. Lãnh đạo Bộ Công thương và Tập đoàn Google cắt băng khai trương Digital Bus (Xe buýt kỹ thuật số) – chuyến xe đào tạo lưu động tại Việt Nam “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0” là một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khoá đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 3 năm. Chương trình được khởi động tại Việt Nam vào tháng 6/2018 và đã tổ chức các khóa đào tạo cho gần 85.000 người hoạt động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) với 24 mô hình đào tạo tại 6 trung tâm đào tạo ở các thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt và Hải Phòng. Chương trình nhận được giải thưởng Vietnam Digital Award năm 2018 và một giải Global CSR Award (Giải thưởng xuất sắc cho việc cung cấp kiến thức và giáo dục) năm 2019. Tại sự kiện, Google đã công bố các chương trình bổ sung để tiếp cận nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, giúp họ truy cập các khóa đào tạo kỹ thuật số một cách dễ dàng và tiện lợi hơn. Digital Bus (Xe buýt kỹ thuật số) là chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đi đến 59 tỉnh của Việt Nam trong vòng 18 tháng (từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2020), để cung cấp khóa đào tạo cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng Primer của Google sẽ giúp người dùng học các kỹ năng mới về tiếp thị kỹ thuật số và kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Primer hoạt động ngay cả khi không có mạng Internet (offline), vì vậy người dùng có thể học cách lập kế hoạch kinh doanh, quản lý, bán hàng, quảng cáo kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội, tiếp thị nội dung, phân tích, xây dựng thương hiệu... bất cứ khi nào bạn có 5 phút rảnh rỗi - mọi lúc, mọi nơi. Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết: Bộ Công thương xác định rõ vai trò của việc xây dựng tầm nhìn chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là vô cùng quan trọng. Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực này không chỉ trong hệ thống đào tạo chính quy, còn dựa vào đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, đa dạng hóa hình thức đào tạo... Nền kinh tế Việt Nam với quy mô trên 700.000 doanh nghiệp, cùng với đó là hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số cho khối này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của nhiều nguồn lực của xã hội. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng hoan nghênh sáng kiến của Google trong việc hợp tác triển khai Chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 và khẳng định chương trình có ý nghĩa góp phần giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số. Với sự đầu tư nghiêm túc của Google và sự vào cuộc của Bộ Công thương, chương trình sẽ mang lại nhiều hiệu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Phương Thanh

Hàng trăm doanh nghiệp tham gia Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2019

TĐKT - Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2019 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 14/8 đã thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, bất động sản… Toàn cảnh Diễn đàn Sự kiện đã quy tụ trên 35 diễn giả hàng đầu về marketting đến từ các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh tiếp thị trực tuyến như Nielsen, Google, Facebook, comScore, Amazon, Cốc Cốc... Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương cho biết: Người tiêu dùng hiện nay rất nhanh nhạy với các kênh thương mại điện tử, trải nghiệm mua sắm, tìm kiếm thông tin sản phẩm... Vì vậy, diễn đàn năm nay có chủ đề xuyên suốt là cá nhân hóa trải nghiệm, đây sẽ là dịp để cùng bàn luận về các xu hướng mới, phù hợp với thị trường, thúc đẩy tăng doanh số bán hàng cho doanh nghiệp... Diễn đàn được mở đầu bằng phiên thảo luận “Thực tiễn và xu hướng”, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các xu hướng tiếp thị trực tuyến trong thời đại số. Phiên thứ 2 với chủ đề “Từ kế hoạch đến thực thi”, các đại biểu đã trao đổi về các tác động của công nghệ tới các doanh nghiệp, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo. Phiên thứ ba, các đại biểu đã cùng bàn luận về chủ đề “Tiếp thị thông minh”, đưa ra cách vận dụng công cụ tiếp thị trực tuyến để thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, giữ chân khách hàng. Trong phiên cuối cùng, các đại biểu cùng thảo luận về chủ đề “Thấu hiểu và bùng nổ”, các nhà kinh doanh có thể định hướng được cách tăng doanh thu, giá trị qua công cụ tiếp thị. Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Diễn đàn là nơi hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử xác định chiến lược tiếp thị trực tuyến phù hợp, nâng cao hiệu quả tiếp thị, đồng thời mở rộng thị trường tiếp thị trực tuyến, nâng cao thị phần của các doanh nghiệp. Trong khuôn khổ Diễn đàn, tại các phiên thảo luận, các diễn giả đã cùng định hướng về xu thế phát triển của thương mại điện tử, đồng thời đưa ra những cách tăng doanh thu hữu ích cho doanh nghiệp, để các doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của dữ liệu người dùng. Tại TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn tiếp thị trực tuyến sẽ diễn ra vào ngày 16/8/2019. Phương Thanh  

Khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam

TĐKT – Sáng 14/8, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Công ty TNHH Reed Tradex, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Cục Xúc tiến Thương mại (Viettrade) tổ chức khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019) và Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8 (SIE 2019). Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dự và phát biểu ý kiến. Lễ khai mạc Triển lãm Với quy mô 200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền công nghệ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ…, hai triển lãm lớn được tổ chức đồng địa điểm sẽ nhân đôi cơ hội kinh doanh và thúc đẩy chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp chế tạo máy móc và phụ tùng công nghiệp cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Tại Lễ khai mạc, ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Việt Nam – đơn vị tổ chức triển lãm VME 2019 bày tỏ niềm tin tích cực vào tiềm năng của Việt Nam: Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng về các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong khu vực Đông Nam Á. Với xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư cho các ngành sản xuất, lợi thế về nguồn nhân lực, địa chính trị, chính sách hỗ trợ ổn định của chính phủ, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang xây dựng nhà máy ở các khu công nghiệp Việt Nam, giúp mở rộng nguồn lực và gia tăng năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng ở trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc triển lãm Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong những năm vừa qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII vào đầu năm nay, Việt Nam và Nhật bản đã nhất trí triển khai 3 nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, bao gồm hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc, đào tạo nguồn nhân lực, lĩnh vực quản lý kinh doanh, thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất. Các đại biểu tham quan các gian hàng tại triển lãm Trước bối cảnh thị trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, hai triển lãm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Triển lãm tạo ra các cơ hội kết nối và thúc đẩy giao thương giữa các nhà cung cấp thiết bị, máy móc công nghệ với các nhà sản xuất để các bên có thể cùng nhau thảo luận về khả năng hợp tác, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Triển lãm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV tại Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp hỗ trợ và sản xuất phụ tùng công nghiệp. Đặc biệt, triển lãm VME năm nay có sự đồng hành từ Dự án Liên kết các DNNVV (LinkSME – USAID). Dự kiến LinkSME sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ DNNVV trong giai đoạn 2018 – 2023 với tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu đô la. Dự án có mục tiêu chọn lựa và hỗ trợ phát triển năng lực cung ứng cho các nhà cung cấp là các DNNVV của Việt Nam, giúp họ có cơ hội cung ứng cho các công ty đa quốc gia. Phương Thanh

Tập đoàn Hoa Sen 18 năm phát triển vững bền

TĐKT - Ngày 8/8, cột mốc quan trọng đánh dấu chặng đường 18 năm thành lập và phát triển của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), từ một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn nhỏ lẻ đã bứt phá vươn lên trở thành Tập đoàn hàng đầu trên thị trường tôn thép ở Việt Nam với hơn 34% thị phần tôn và gần 18% thị phần ống thép, là nhà xuất khẩu và kinh doanh tôn, thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Kỷ niệm 18 năm thành lập và phát triển Tập đoàn Hoa Sen Trong suốt hành trình 18 năm khởi tạo, trưởng thành và vững bước, Tập đoàn Hoa Sen luôn đi theo giá trị cốt lõi “Trung thực – Cộng đồng – Phát triển” như một cam kết của một doanh nghiệp Việt luôn nỗ lực tạo ra những giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng và xã hội. Tập đoàn Hoa Sen hiện đang sở hữu hệ thống 10 nhà máy, 55 chi nhánh tỉnh và 526 cửa hàng bán lẻ trực thuộc được phân bổ đều tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam giúp Hoa Sen giảm được chi phí vận chuyển, giảm giá bán, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Với lợi thế này, suốt những năm qua HSG vẫn nắm giữ thị phần tôn số 1 tại thị trường nội địa, sản phẩm được người tiêu dùng tin dùng bởi thương hiệu gần gũi, chất lượng sản phẩm vượt trội và dịch vụ khách hàng tốt. Bên cạnh những kết quả đạt được tại thị trường nội địa, trong những năm qua hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen đã không ngừng phát triển. Các sản phẩm mang thương hiệu Hoa Sen đã có mặt tại hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các thị trường khó tính bậc nhất thế giới đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thời gian giao hàng là Mỹ và châu Âu, Trung Đông... Trong những năm qua, Tập đoàn Hoa Sen đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng cao quý: Thương hiệu Quốc gia cho cả 3 dòng sản phẩm tôn Hoa Sen, ống nhựa Hoa Sen, ống kẽm Hoa Sen lần thứ 4 liên tiếp; nhiều năm liền được vinh danh ở giải thưởng Sao Vàng Đất Việt cùng nhiều giải thưởng khác như Hàng Việt Nam chất lượng cao; Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam; Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam; Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam; Top 100 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam… Gần đây nhất, tôn Hoa Sen và ống kẽm Hoa Sen được vinh danh tại Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2018, tiếp tục khẳng định giá trị và vị thế của thương hiệu Hoa Sen trên thị trường. Hướng tới kỷ niệm 18 năm thành lập Tập đoàn Hoa Sen, chuỗi các hoạt động: Hội thao Hoa Sen khỏe, Hội thi Tiếng hát Sen Vàng và Giải bóng đá Mini Nam Cúp Hoa Sen Champion League 2019 đã diễn ra trong không khí hết sức sôi nổi, phấn khởi, thể hiện tinh thần nhiệt huyết, sức trẻ Hoa Sen luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo. Hội thao “Hoa Sen khỏe” chào mừng ngày thành lập Tập đoàn Hoa Sen Trong thời gian sắp tới, ngành thép được dự báo tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức từ thị trường, nhưng với chiến lược kinh doanh linh hoạt, sáng tạo, sự quyết đoán của Ban Lãnh đạo Tập đoàn, sự đồng lòng của tất cả cán bộ, công nhân viên, Tập đoàn Hoa Sen sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, đưa Hoa Sen phát triển phồn thịnh và chứng tỏ bản lĩnh của một doanh nghiệp dẫn dầu. Đào Xuân Phúc

Nâng tầm thương hiệu na Chi Lăng: Nhà nước và nhân dân cùng làm

TĐKT - Là một loại nông sản vùng cao được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, na Chi Lăng đang dần được biết đến là một thương hiệu Việt an toàn về chất lượng và minh bạch về nguồn gốc, đem lại sự tăng trưởng kinh tế cao cho huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Tuy nhiên, để thương hiệu na Chi Lăng phát triển bền vững, cần có sự chung tay của cả chính quyền và nhân dân nơi đây. Phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đinh Hữu Học – Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng về vấn đề này. Ông Đinh Hữu Học – Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Phóng viên:  Ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 năm 2019 diễn ra vào ngày 11/8, ông cho biết Ngày hội năm nay có điểm gì khác so với những năm trước? Ông Đinh Hữu Học: Sau 2 năm được tỉnh Lạng Sơn quan tâm tổ chức, Ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 năm 2019 do UBND huyện Chi Lăng đăng cai tổ chức với sự chung tay của đông đảo người dân trồng na trên địa bàn huyện. Mỗi gia đình trồng na trên địa bàn huyện tham gia đóng góp 5 kg na để trưng bày tại ngày hội. Đây là một hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, nhằm giúp người dân thấy được ý nghĩa thực sự của ngày hội; đồng thời thấy được trách nhiệm cũng như phát huy tính chủ động của mình trong bảo vệ và nâng tầm thương hiệu na Chi Lăng. Người trồng na ở Chi Lăng rất phấn khởi và mong chờ đến Ngày hội Ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 có chủ đề “Na Chi Lăng – Nâng tầm thương hiệu, phát triển bền vững” có kịch bản hoàn toàn mới so với các năm trước. Chương trình được tổ chức với mục đích trước tiên là tôn vinh những nhà nông trồng na tiêu biểu, hợp tác xã, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong tiêu thụ sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp an toàn.  Ngày hội đồng thời là dịp nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu an toàn, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong nhận thức của người nông dân sản xuất nông nghiệp. Có nhiều hoạt động diễn ra trong dịp này như: Tổ chức thi các vườn mẫu về phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Chi Lăng; quảng bá sản phẩm Na Chi Lăng và các nông sản đặc sản, sản phẩm du lịch của huyện Chi Lăng; Hội thi “Nhà nông đua tài năm 2019” gắn với chấm điểm các gian trưng bày đẹp; Lễ khai mạc và Lễ công bố nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Ngựa bạch Hữu Kiên và rau Bò khai; tổng kết, đánh giá hiệu quả, giá trị của sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp khác năm 2019. Phóng viên: Được biết, hiện nay sản phẩm Na Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap an toàn đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này? Nhận thấy xu hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, theo chuẩn VietGap và Globalgap là tất yếu, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, thời gian qua, huyện đã áp dụng các tiêu chuẩn này trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp địa phương, trong đó có sản phẩm na Chi Lăng. Ngay từ đầu năm 2019, huyện đã tổ chức phát động, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua sản xuất na và các nông sản đặc sản theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Người trồng na cho biết nhận được nhiều hỗ trợ về kiến thức sản xuất na an toàn từ chính quyền địa phương Do đó, đến nay, ý thức và tập quán sản xuất cây hoa quả, đặc biệt là na của bà con nông dân đã có nhiều thay đổi tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân đã sử dụng nhiều biện pháp sản xuất an toàn như: Sử dụng phân hữu cơ trong chăm bón cây, tiến hành bọc quả trong quá trình sinh trưởng để tránh bị ruồi vàng phá hoại, ưu tiên sản xuất lấy chất lượng làm đầu. Hiện nay, trên địa bàn huyện Chi Lăng trồng khoảng gần 1600 ha na, trong đó có gần 200 ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGap và chuẩn Globalgap. Sản lượng na ước đạt 16.000 tấn/năm, cho giá trị kinh tế đạt khoảng 600 tỷ đồng. Ngoài ra, để nâng cao tính trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, nâng tầm thương hiệu na Chi Lăng chúng tôi đã triển khai các hoạt động đến từng người dân, từng hộ sản xuất. Năm 2019, huyện hỗ trợ 100% bao bì sản phẩm na, yêu cầu các hộ trồng na phải có trách nhiệm quản lý bao bì phát ra. Nếu không phải na sạch, theo tiêu chuẩn Vietgap hay Globalgap thì không được sử dụng bao bì đó. Nếu phát hiện có sự trà trộn na theo chuẩn và không theo chuẩn, cả chính quyền và người dân nơi đó phải là người chịu trách nhiệm. Để thay đổi những tập quán sản xuất cũ của người dân là điều không hề dễ dàng. Bà con nông dân huyện Chi Lăng đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất, canh tác tích cực. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân trong thay đổi cách nghĩ, cách làm? Huyện Chi Lăng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những tập quán làm ăn, sinh sống cũ, rất khó để thay đổi suy nghĩ của họ. Với quyết tâm đưa Na Chi Lăng trở thành thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, chúng tôi xác định tuyên tuyền là việc làm quan trọng đầu tiên. Vì vậy đã tích cực tuyên truyền với người dân bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của những người đứng đầu, có uy tín trong nhân dân. Xuất hiện nhiều điểm sáng trong phong trào thi đua giữ gìn và phát triển thương hiệu na Chi Lăng Trước hết, huyện đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 27 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; qua đó đã loại được nhiều cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm với công việc. Đồng thời, đào tạo nên một thế hệ cán bộ giỏi về chuyên môn, cần mẫn và hết lòng với nhiệm vụ được giao. Họ chính là những người luôn trăn trở và có nhiều hoạt động sát sao, cùng nhân dân thực hiện nhiều biện pháp để phát triển giá trị cây na. Trưởng thôn, trưởng ban công tác mặn trận thôn và bí thư chi bộ sẽ là lực lượng chủ chốt, đến từng hộ sản xuất tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng màu, lương thực kém hiệu quả sang trồng na và cây ăn quả; giúp nông dân tiếp cận với các nguồn vay vốn của hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh… để đầu tư trồng các loại hoa quả mới, giá trị; tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định và đảm bảo để người dân yên tâm sản xuất… Nội dung trong các cuộc họp chi bộ, các cuộc họp thôn, các hội hè… việc tuyên truyền vận động nhân dân trồng na cũng như các sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn được nêu ra cụ thể. Nêu gương, biểu dương các gia đình tuân thủ canh tác theo phương pháp an toàn; đồng thời thẳng thắn nêu tên phê bình những hộ gia đình, đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện… Cùng với đó, chúng tôi cũng tiến hành vận động thanh niên ở lại xây dựng quê hương trên chính mảnh đất của mình, tận dụng những lợi thế sẵn có của điều kiện tự nhiên để phát triển hơn nữa giá trị kinh tế mà na Chi Lăng đã đem lại. Chính sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của chúng tôi đã tạo một phong trào thi đua sản xuất na an toàn, chất lượng rộng khắp trong huyện. Một số xã có sản lượng na tiêu thụ lớn với chất lượng và giá thành được đảm bảo như: Chi Lăng, Quang Lang, Y Tịch... đã trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua giữ gìn và phát triển thương hiệu na Chi Lăng trong thời gian qua. Chúng tôi nghĩ rằng, xây dựng được thương hiệu đã khó nhưng giữ được thương hiệu của sản phẩm còn khó hơn. Điều đó chỉ thành công khi cả nhà nước và nhân dân cùng chung tay tham gia bảo vệ. Mai Thảo - Ngọc Huyền  

DSE Vietnam 2019: Cơ hội tiếp cận các trang thiết bị, công nghệ quốc phòng - an ninh tiên tiến nhất thế giới

TĐKT - Chiều 8/8, tại Hà Nội, Cục Trang bị và Kho vận (Bộ Công an), Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH EIFEC và Expo Services tổ chức họp báo Triển lãm và Hội thảo quốc tế về quốc phòng và an ninh tại Việt Nam 2019 (DSE Vietnam 2019). Họp báo giới thiệu về triển lãm Diễn ra từ ngày 2 - 4/10/2019 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội, DSE Vietnam 2019 được cho là một hoạt động phù hợp với chính sách từng bước hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết, đảm bảo khả năng phòng vệ và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng quốc phòng và chủ trương mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc phòng với các nước, tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh của khu vực và của cộng đồng quốc tế. Sự kiện cũng là dịp quảng bá các sản phẩm công nghiệp quốc phòng do Việt Nam sản xuất với các đối tác và giới thiệu hình ảnh, vị thế của quốc phòng, an ninh Việt Nam tới cộng đồng quốc tế; là cơ hội cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận trang thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất của khu vực và thế giới ngay tại Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp sản xuất quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có thể làm việc và tiếp cận các chuyển giao về công nghệ sửa chữa, thay thế, sản xuất mới các linh kiện, sản phẩm quốc phòng từ các nhà sản xuất và chuyên gia quốc phòng hàng đầu thế giới ngay tại triển lãm. Với quy mô 5000 m2, triển lãm dự kiến sẽ thu hút khoảng 200 thương hiệu, 7 khu gian hàng quốc gia của các nước như: Liên bang Nga, Ukraina, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore, Ấn Độ và Israel cùng 2 khu gian hàng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; lượng khách tham quan chuyên ngành ước tính khoảng 5000 lượt người. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được yêu cầu tham dự và xác nhận của một số tập đoàn lớn trên thế giới: Techmas, Rosoboronexport, NHPH, UVZ...  Bên cạnh các hoạt động trưng bày, trình diễn công nghệ tại triển lãm, Ban tổ chức sẽ tiến hành các hoạt động kết nối doanh nghiệp tham dự với các cơ quan chủ quản, doanh nghiệp quân đội và công an, các đơn vị nghiên cứu; các hoạt động đón tiếp các đoàn quân sự và an ninh các nước tới tham quan và làm việc tại triển lãm. Ngoài ra, Ban tổ chức đã xây dựng một chương trình hội thảo chuyên đề toàn diện diễn ra từ ngày 3 - 4/10 với chùm chủ đề về nâng cao năng lực và sức mạnh sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng an ninh, quốc phòng.  Phương Thanh

Khai mạc Vietnam ICT Summit 2019: Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường

TĐKT - Sáng nay 8/8, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin – truyền thông CNTT-TT (CNTT –TT ) Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" đã chính thức khai mạc. Đến dự Vietnam ICT Summit 2019 có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; cùng khoảng 800 đại biểu lãnh đạo cấp cao từ các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. Toàn cảnh Diễn đàn Đây là diễn đàn chính sách công nghệ quy mô quốc gia và quốc tế do VINASA tổ chức thường niên từ năm 2011, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Diễn đàn hàng năm đều đưa ra thông điệp về chính sách, công nghệ, khuyến nghị với Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, xã hội nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT. Với mục tiêu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam và xây dựng nền kinh tế số vì một Việt Nam hùng cường, Diễn đàn này được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới, với những câu chuyện, những kỳ tích mới được chính người Việt Nam viết nên. Phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy". Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hành động cụ thể như thế nào. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, trong thời gian tới, cần nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, các giải pháp nền tảng (Platform) và đào tạo. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp ICT, mỗi người phải "nhận lấy" một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam Vietnam ICT Summit 2019 Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho rằng: Để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một "điểm đột phá" để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số. Khi đã tìm được đướng hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, bền vững, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược, các tổ chức, doanh nghiệp đó có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở. Với mục tiêu "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường", kỳ Diễn đàn này cũng nhấn mạnh đến yếu tố một tiên quyết – đó là sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) đang dự thảo Đề án "Chuyển đổi số quốc gia", nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số (Digital Việt Nam), trong đó tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường. Dự thảo vẫn đang trong giai đoạn tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện… để hoàn thiện hơn. Theo Dự thảo, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm. Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo. Các diễn giả, khách mời đã cùng thảo luận về các chủ đề về giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - phát triển hạ tầng ICT và các công nghệ nền tảng, giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - nền tảng ứng dụng cùng các chuyên đề: Chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước, chuyển đổi số trong doanh nghiệp Tại Vietnam ICT Summit 2019, "Liên minh Chuyển đổi số" đã chính thức được thành lập với sự tham gia của đại diện một số doanh nghiệp CNTT - TT lớn. Đây là sáng kiến do VINASA đề ra, nhằm  kêu gọi các doanh nghiệp ICT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu… chung tay hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Cũng tại Diễn đàn lần này, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày bản cập nhật mới nhất của Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Bộ đang xây dựng, nhằm thu hút thêm những ý kiến và đóng góp tích cực cho việc hoàn thiện công trình này. Phương Thanh

Khai mạc Triển lãm Thương mại sản phẩm Đài Loan 2019 - Taiwan Expo 2019

TĐKT – Triển lãm Thương mại sản phẩm Đài Loan 2019 - Taiwan Expo 2019 vừa chính thức khai mạc sáng nay, 8/8, tại Cung Hữu nghị Hà Nội. Triển lãm do Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam – VIETFAIR, Cục Ngoại Thương Đài Loan và Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan – TAITRA phối hợp với tổ chức từ ngày 8 – 10/8/2019. Taiwan Excellent là một trong những gian trưng bày chính của triển lãm TAIWAN EXPO 2019 có quy mô 230 gian hàng củaa hơn 170 đơn vị tham dự trưng bày các sản phẩm, dịch vụ theo các chủ đề chính: Giới thiệu cho mọi người về Đài Loan qua các phương diện như thành phố thông minh, công nghiệp 4.0, cuộc sống hiện đại, trải nghiệm văn hóa, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử. Ngoài ra, những khu gian hàng đặc biệt tại triển lãm giới thiệu về du lịch, tư vấn giáo dục, nhượng quyền thương hiệu cũng sẽ là những điểm nổi bật góp phần gia tăng phát triển thương mại giữa hai bên. Năm nay, triển lãm năm nay sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm được sáng tạo từ hoa văn trang sức, đồ đằng truyền thống, vải thô bằng vỏ cây, quả cau của Đài Đông... Cùng với đó, triển lãm mang tới các sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới như Microsoft, Intel, AMD phù hợp với xu hướng phát triển thành phố thông minh của Việt Nam và công nghệ, sản phẩm thiết bị tiên tiến trong việc xử lý đơn hàng thông minh của U-start; dịch vụ đổi mới công nghệ chuỗi cung ứng lạnh như các thiết bị lạnh, xe vận chuyển mang chuỗi cung ứng lạnh, vận chuyển thông minh phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ nông thủy sản… Ban tổ chức cũng giữ nguyên khu gian hàng trà sữa và gian hàng hoa lan thu hút đông đảo sự quan tâm từ năm ngoái với hi vọng khách tham quan có thể thưởng thức hương vị trà sữa Đài Loan chính gốc và cảm nhận sức hút của hoa lan Đài Loan. Trong khuôn khổ TAIWAN EXPO 2019 sẽ diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan – TAITRA và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam – VCCI, Hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (HAMEE), Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhằm góp phần nâng cao cơ hội giao lưu thương mại, hợp tác phát triển thành phố thông minh và công nghệ xanh trong tương lai. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tổ chức các diễn đàn chuyên ngành gồm: Diễn đàn “Công nghệ y tế và sức khỏe thông minh; Diễn đàn “Chuỗi cung ứng lạnh công nghệ mới Đài Loan” và các buổi tọa đàm diễn ra tại khu sân khấu: Tọa đàm “Giải pháp kỹ thuật truyền thông toàn cầu trong kỷ nguyên điện toán đám mây”; Tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo, Ngày giới thiệu khởi nghiệp Đài Loan”; Tọa đàm “Thực trạng và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp hoa lan”; Tọa đàm “Gặp gỡ mầm sáng tương lai: Ngày phát động U-start”. Tại Triển lãm, khách tham quan còn được thưởng thức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, khám phá các công thức pha chế trà sữa chân trâu nổi tiếng của Đài Loan; khám phá phong cảnh tuyệt vời; trải nghiệm tập tục văn hóa truyền thống của Đài Loan và tham dự chương trình tri ân khách hàng tổ chức hàng ngày với các phần thưởng giá trị như xe máy SYM, vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Đài Loan... Từ cuộc sống cá nhân đến thành phố thông minh, Triển lãm TAIWAN EXPO 2019 mang đến cơ hội trải nghiệm các sản phẩm sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của Đài Loan cũng như cái nhìn toàn diện về bảo vệ môi trường, qua đó khẳng định sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghệ sản xuất thiết bị gia dụng thông minh đa tiện ích của Đài Loan. Triển lãm là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai bên giao lưu kinh tế, thương mại. Các hoạt động hứa hẹn đem đến cho doanh nghiệp, giới chuyên môn, khách tham quan cơ hội tìm hiểu về tình hình phát triển công nghiệp, các giải pháp khoa học công nghệ tại Đài Loan trong các lĩnh vực thương mại điện tử, máy móc, thực phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hóa – du lịch, phong cách sống Đài Loan… Phương Thanh – Hồng Thiết

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước: Tầm nhìn đến năm 2030

TĐKT - Ngày 5/8, tại Hà Nội, Kho bạc Nhà nước (KBNN) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn 2021 – 2030”. Chủ trì Hội thảo có Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ, ông Sandeep Saxena – Chuyên gia cao cấp của IMF. Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 theo Quyết định số 138/QĐ-TTg, ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã gần kết thúc và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Để triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KBNN trong giai đoạn tiếp theo trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi và biến động không ngừng rất cần phải có sự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, đánh giá thật kỹ lưỡng; trên cơ sở đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Hội thảo “Định hướng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030” giúp KBNN tiếp tục xác định mục tiêu cụ thể trong chiến lược xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tổ chức bộ máy thống nhất, hướng tới mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp để thực hiện tốt các chức năng cơ bản của KBNN (quản lý quỹ Ngân sách nhà nước (NSNN); quản lý Ngân quỹ nhà nước (NQNN) và huy động vốn cho NSNN; Tổng Kế toán nhà nước (KTNN). Đến năm 2030, toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trong môi trường số hóa và trên nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, có sự kết nối, liên thông với các bộ, ngành, địa phương để hướng tới hình thành “kho bạc số”. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn  cho biết, với chức năng quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ, huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển; tổng kế toán nhà nước, hệ thống KBNN đóng vai trò là phòng máy của hệ thống quản lý tài chính công, hệ thống KBNN luôn nhận thức rõ trọng trách và không ngừng phát huy vai trò của KBNN trong hệ thống quản lý tài chính công. KBNN đã luôn tích cực, chủ động trong cải cách, hiện đại hóa một cách đồng bộ, cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tăng cường ứng dụng CNTT theo đúng định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, có những đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, khả năng kiểm tra, giám sát ngân sách và các hoạt động tài chính Nhà nước. Để xác định tầm nhìn, phương hướng chiến lược cụ thể cho chặng đường 10 năm tiếp theo, dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 3 trụ cột chính là: Tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp. Nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ. Hướng tới hình thành kho bạc số. Trong đó, một số định hướng cải cách chính như sau: Một là, gắn kết chặt chẽ các khâu của quá trình phân bổ, thực hiện, quyết toán NSNN trên cơ sở liên thông dữ liệu điện tử. Hai là, nâng cao tính hiệu quả, chủ động của công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn. Ba là, xây dựng một bộ sổ cái chung cho Chính phủ nhằm cải thiện tính minh bạch của thông tin, dữ liệu và rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán NSNN và báo cáo tài chính nhà nước. Bốn là, hình thành cơ sở dữ liệu tập trung và kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Năm là, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và hiện đại hóa tổ chức bộ máy KBNN theo mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp và phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách. Hồng Thiết  

Kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2019

TĐKT - Ngày 5/8, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về “Kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 6 tháng đầu năm 2019; nội dung cơ bản chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần”. Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng và Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến chủ trì buổi họp báo. Đánh giá tình hình triển khai cơ cấu lại DNNN, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2019 có 18 doanh nghiệp cần cổ phần hóa. Tính đến hết Quý II/2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên, trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN. Lũy kế đến hết Quý II/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg - ĐMDN. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch. Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp và ông Ngô Chí Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ đồng chủ trì buổi họp báo Về tình hình thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tính đến hết Quý II/2019, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý II/2019, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng. Đối với thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý II/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Với thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại, tính đến hết Quý II/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng. Trong đó, Viettel thực hiện thoái 1.290 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam, thu về 2.002 tỷ đồng. SCIC thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 36 tỷ đồng, thu về 166 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến hết Quý II/2019, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỷ đồng, thu về 50.630 tỷ đồng. Tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019, thoái 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết Quý II/2019: Thoái 24.157 tỷ đồng, thu về 169.787 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN, số còn phải chuyển về NSNN trong năm 2019 là 20.000 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến Quý II/2019, đã chuyển 185.000 tỷ đồng, còn phải chuyển 65.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội. Về tình hình đăng ký, giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán, đến hết Quý II/2019, theo rà soát của Bộ Tài chính vẫn còn 622 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 doanh nghiệp vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, đến nay còn 780 doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này. Để đẩy mạnh công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt. Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định. Hồng Thiết    

Trang