Kinh tế

Khai mạc Triển lãm Thương mại sản phẩm Đài Loan 2019 - Taiwan Expo 2019

TĐKT – Triển lãm Thương mại sản phẩm Đài Loan 2019 - Taiwan Expo 2019 vừa chính thức khai mạc sáng nay, 8/8, tại Cung Hữu nghị Hà Nội. Triển lãm do Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam – VIETFAIR, Cục Ngoại Thương Đài Loan và Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan – TAITRA phối hợp với tổ chức từ ngày 8 – 10/8/2019. Taiwan Excellent là một trong những gian trưng bày chính của triển lãm TAIWAN EXPO 2019 có quy mô 230 gian hàng củaa hơn 170 đơn vị tham dự trưng bày các sản phẩm, dịch vụ theo các chủ đề chính: Giới thiệu cho mọi người về Đài Loan qua các phương diện như thành phố thông minh, công nghiệp 4.0, cuộc sống hiện đại, trải nghiệm văn hóa, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử. Ngoài ra, những khu gian hàng đặc biệt tại triển lãm giới thiệu về du lịch, tư vấn giáo dục, nhượng quyền thương hiệu cũng sẽ là những điểm nổi bật góp phần gia tăng phát triển thương mại giữa hai bên. Năm nay, triển lãm năm nay sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm được sáng tạo từ hoa văn trang sức, đồ đằng truyền thống, vải thô bằng vỏ cây, quả cau của Đài Đông... Cùng với đó, triển lãm mang tới các sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới như Microsoft, Intel, AMD phù hợp với xu hướng phát triển thành phố thông minh của Việt Nam và công nghệ, sản phẩm thiết bị tiên tiến trong việc xử lý đơn hàng thông minh của U-start; dịch vụ đổi mới công nghệ chuỗi cung ứng lạnh như các thiết bị lạnh, xe vận chuyển mang chuỗi cung ứng lạnh, vận chuyển thông minh phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ nông thủy sản… Ban tổ chức cũng giữ nguyên khu gian hàng trà sữa và gian hàng hoa lan thu hút đông đảo sự quan tâm từ năm ngoái với hi vọng khách tham quan có thể thưởng thức hương vị trà sữa Đài Loan chính gốc và cảm nhận sức hút của hoa lan Đài Loan. Trong khuôn khổ TAIWAN EXPO 2019 sẽ diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan – TAITRA và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam – VCCI, Hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (HAMEE), Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhằm góp phần nâng cao cơ hội giao lưu thương mại, hợp tác phát triển thành phố thông minh và công nghệ xanh trong tương lai. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tổ chức các diễn đàn chuyên ngành gồm: Diễn đàn “Công nghệ y tế và sức khỏe thông minh; Diễn đàn “Chuỗi cung ứng lạnh công nghệ mới Đài Loan” và các buổi tọa đàm diễn ra tại khu sân khấu: Tọa đàm “Giải pháp kỹ thuật truyền thông toàn cầu trong kỷ nguyên điện toán đám mây”; Tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo, Ngày giới thiệu khởi nghiệp Đài Loan”; Tọa đàm “Thực trạng và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp hoa lan”; Tọa đàm “Gặp gỡ mầm sáng tương lai: Ngày phát động U-start”. Tại Triển lãm, khách tham quan còn được thưởng thức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, khám phá các công thức pha chế trà sữa chân trâu nổi tiếng của Đài Loan; khám phá phong cảnh tuyệt vời; trải nghiệm tập tục văn hóa truyền thống của Đài Loan và tham dự chương trình tri ân khách hàng tổ chức hàng ngày với các phần thưởng giá trị như xe máy SYM, vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Đài Loan... Từ cuộc sống cá nhân đến thành phố thông minh, Triển lãm TAIWAN EXPO 2019 mang đến cơ hội trải nghiệm các sản phẩm sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của Đài Loan cũng như cái nhìn toàn diện về bảo vệ môi trường, qua đó khẳng định sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghệ sản xuất thiết bị gia dụng thông minh đa tiện ích của Đài Loan. Triển lãm là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai bên giao lưu kinh tế, thương mại. Các hoạt động hứa hẹn đem đến cho doanh nghiệp, giới chuyên môn, khách tham quan cơ hội tìm hiểu về tình hình phát triển công nghiệp, các giải pháp khoa học công nghệ tại Đài Loan trong các lĩnh vực thương mại điện tử, máy móc, thực phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hóa – du lịch, phong cách sống Đài Loan… Phương Thanh – Hồng Thiết

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước: Tầm nhìn đến năm 2030

TĐKT - Ngày 5/8, tại Hà Nội, Kho bạc Nhà nước (KBNN) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn 2021 – 2030”. Chủ trì Hội thảo có Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ, ông Sandeep Saxena – Chuyên gia cao cấp của IMF. Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 theo Quyết định số 138/QĐ-TTg, ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã gần kết thúc và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Để triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KBNN trong giai đoạn tiếp theo trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi và biến động không ngừng rất cần phải có sự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, đánh giá thật kỹ lưỡng; trên cơ sở đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Hội thảo “Định hướng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030” giúp KBNN tiếp tục xác định mục tiêu cụ thể trong chiến lược xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tổ chức bộ máy thống nhất, hướng tới mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp để thực hiện tốt các chức năng cơ bản của KBNN (quản lý quỹ Ngân sách nhà nước (NSNN); quản lý Ngân quỹ nhà nước (NQNN) và huy động vốn cho NSNN; Tổng Kế toán nhà nước (KTNN). Đến năm 2030, toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trong môi trường số hóa và trên nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, có sự kết nối, liên thông với các bộ, ngành, địa phương để hướng tới hình thành “kho bạc số”. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn  cho biết, với chức năng quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ, huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển; tổng kế toán nhà nước, hệ thống KBNN đóng vai trò là phòng máy của hệ thống quản lý tài chính công, hệ thống KBNN luôn nhận thức rõ trọng trách và không ngừng phát huy vai trò của KBNN trong hệ thống quản lý tài chính công. KBNN đã luôn tích cực, chủ động trong cải cách, hiện đại hóa một cách đồng bộ, cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tăng cường ứng dụng CNTT theo đúng định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, có những đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, khả năng kiểm tra, giám sát ngân sách và các hoạt động tài chính Nhà nước. Để xác định tầm nhìn, phương hướng chiến lược cụ thể cho chặng đường 10 năm tiếp theo, dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 3 trụ cột chính là: Tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp. Nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ. Hướng tới hình thành kho bạc số. Trong đó, một số định hướng cải cách chính như sau: Một là, gắn kết chặt chẽ các khâu của quá trình phân bổ, thực hiện, quyết toán NSNN trên cơ sở liên thông dữ liệu điện tử. Hai là, nâng cao tính hiệu quả, chủ động của công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn. Ba là, xây dựng một bộ sổ cái chung cho Chính phủ nhằm cải thiện tính minh bạch của thông tin, dữ liệu và rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán NSNN và báo cáo tài chính nhà nước. Bốn là, hình thành cơ sở dữ liệu tập trung và kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Năm là, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và hiện đại hóa tổ chức bộ máy KBNN theo mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp và phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách. Hồng Thiết  

Kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2019

TĐKT - Ngày 5/8, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về “Kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 6 tháng đầu năm 2019; nội dung cơ bản chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần”. Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng và Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến chủ trì buổi họp báo. Đánh giá tình hình triển khai cơ cấu lại DNNN, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2019 có 18 doanh nghiệp cần cổ phần hóa. Tính đến hết Quý II/2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên, trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN. Lũy kế đến hết Quý II/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg - ĐMDN. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch. Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp và ông Ngô Chí Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ đồng chủ trì buổi họp báo Về tình hình thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tính đến hết Quý II/2019, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý II/2019, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng. Đối với thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý II/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Với thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại, tính đến hết Quý II/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng. Trong đó, Viettel thực hiện thoái 1.290 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam, thu về 2.002 tỷ đồng. SCIC thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 36 tỷ đồng, thu về 166 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến hết Quý II/2019, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỷ đồng, thu về 50.630 tỷ đồng. Tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019, thoái 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết Quý II/2019: Thoái 24.157 tỷ đồng, thu về 169.787 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN, số còn phải chuyển về NSNN trong năm 2019 là 20.000 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến Quý II/2019, đã chuyển 185.000 tỷ đồng, còn phải chuyển 65.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội. Về tình hình đăng ký, giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán, đến hết Quý II/2019, theo rà soát của Bộ Tài chính vẫn còn 622 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 doanh nghiệp vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, đến nay còn 780 doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này. Để đẩy mạnh công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt. Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định. Hồng Thiết    

Nâng tầm thương hiệu, phát triển bền vững đặc sản na Chi Lăng

TĐKT – Với chủ đề “Na Chi Lăng: Nâng tầm thương hiệu, phát triển bền vững”, Ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 năm 2019 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 11/8 tới, tại Trung tâm giới thiệu nông sản huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Đó là thông tin được công bố tại buổi họp báo chiều 5/8 do UBND huyện Chi Lăng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức. Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng phát biểu tại buổi họp báo Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững, từ tháng 3/2019, huyện Chi Lăng đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân về ý nghĩa, mục đích của Ngày hội na Chi Lăng năm 2019. Đồng thời tổ chức phát động, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua sản xuất na và các nông sản đặc sản theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. “Do đó, đến nay, ý thức và tập quán sản xuất cây hoa quả, đặc biệt là na của bà con nông dân đã có nhiều thay đổi tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân đã sử dụng nhiều biện pháp sản xuất an toàn như: Sử dụng phân hữu cơ trong chăm bón cây, tiến hành bọc quả trong quá trình sinh trưởng để tránh bị ruồi vàng phá hoại, ưu tiên sản xuất lấy chất lượng làm đầu. Hiện nay, trên địa bàn huyện Chi Lăng trồng khoảng gần 1600 ha na, trong đó có gần 200 ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGap và chuẩn Globalgap. Sản lượng na ước đạt 16.000 tấn/năm, cho giá trị kinh tế đạt khoảng 600 tỷ đồng. Đó là sự khởi sắc của na Chi Lăng và hứa hẹn sẽ có một Ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 thành công rực rỡ” - ông Đinh Hữu Học cho biết. Bà con nông dân trồng na ở Chi Lăng đang giới thiệu về đặc sản na Chi Lăng Ngày hội na Chi Lăng 2019 là dịp tôn vinh các cá nhân, hộ gia đình, tập thể, hợp tác xã, các doanh nghiệp tiêu biểu, xuất sắc đã có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và nông nghiệp an toàn; góp phần bảo vệ, nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu khác. Đồng thời, làm tăng giá trị kinh tế, thu nhập cho người nông dân nhằm từng bước cải thiện đời sống của người dân tại khu vực nông thôn gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sẽ có nhiều hoạt động diễn ra trong dịp này như: Tổ chức thi các vườn mẫu về sản xuất nông nghiệp an toàn; quảng bá sản phẩm na Chi Lăng và các nông sản đặc sản; hội thi “Nhà nông đua tài năm 2019”; công bố nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm ngựa bạch Hữu Kiên và rau bò khai; tôn vinh các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc trong sản xuất chăm sóc và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện… Cùng với đó, từ ngày 16 - 21/8, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội sẽ diễn ra Tuần lễ quảng bá kết hợp diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn. Đây là hoạt động ý nghĩa, nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Lạng Sơn, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng nông sản của người dân Thủ đô và các vùng lân cận. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Kết nối người sản xuất, HTX tỉnh Lạng Sơn với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội. Mai Thảo    

Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025

TĐKT - Thủ tướng Chính phủ nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan Đầu tư cùng cấp, cơ quan có liên quan thực hiện đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và lập kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, trong đó tập trung vào tình hình thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm. Về tình hình thực hiện tài chính 5 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2016 – 2020 cần phải phân tích, đánh giá việc ban hành các chế độ, chính sách về thu, chi theo thẩm quyền; số thu và số chi đối với các chế độ, chính sách này trong từng năm và 5 năm 2016 - 2020. Thủ tướng yêu cầu đánh giá các kết quả chủ yếu về tài chính - ngân sách Nhà nước: Tổng số thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn từng năm và 5 năm; phần thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trong đó chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý thu đã triển khai nhằm huy động nguồn thu ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, đề nghị địa phương đánh giá cụ thể tình hình thực hiện cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương giai đoạn 2016 - 2020… Các tỉnh thành cũng cần nhìn nhận những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách, nợ công. Theo nội dung Chỉ thị 17, việc xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 phải dự báo được tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước trong 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Xây dựng mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước gồm: Thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách; bội chi ngân sách nhà nước; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; huy động vốn vay trong và ngoài nước; huy động và phân phối các nguồn lực trong 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 phải xác định khung cân đối ngân sách nhà nước gồm: tổng thu ngân sách nhà nước, chi tiết cơ cấu thu theo khu vực; tổng chi ngân sách nhà nước, chi tiết theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, các khoản chi khác; các yếu tố tác động đến chi ngân sách nhà nước; cân đối ngân sách nhà nước; các chỉ tiêu về quản lý nợ công; dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu quản lý về nợ công; các giải pháp tài chính nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia. Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021 - 2025: Dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu tại địa phương có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Việc xây dựng kế hoạch tài chính năm 5 năm của các tỉnh thành cũng phải xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 5 năm của địa phương; mục tiêu, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của địa phương; khung về tài chính - ngân sách của địa phương trên cơ sở các chính sách, chế độ hiện hành… Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan trung ương có liên quan lập kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, đảm bảo tiến độ theo quy định tại Nghị định số 45/2017/NĐ-CP. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu của doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập về vốn vay, trả nợ được Chính phủ bảo lãnh và vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, để xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ 5 năm và hạn mức vay về cho vay lại 5 năm, báo cáo Quốc hội quyết định. Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2021 trình cấp thẩm quyền, gửi các địa phương để hoàn thiện kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, trình Hội đồng nhân dân phê duyệt. Hồng Thiết

Hỗ trợ hiện đại hoá hệ thống thuế

TĐKT - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Lễ ký Hiệp định viện trợ và các văn kiện pháp lý liên quan của dự án “Hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống thuế”, trị giá khoảng 4,2 triệu USD do Quỹ Hỗ trợ Phát triển nguồn nhân lực chính sách của Nhật Bản viện trợ không hoàn lại ủy thác qua Ngân hàng Thế giới. Đến dự có Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ cải thiện hiệu quả quản lý thuế thông qua triển khai hệ thống quản lý rủi ro toàn diện và tái thiết kế quy trình nghiệp vụ hạ tầng công nghệ thông tin. Dự án cũng hỗ trợ hiện đại hóa khuôn khổ chính sách thuế thông qua đánh giá tác động thay đổi chính sách thuế. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đặt bút ký Hiêp định Có thể nói, thời gian vừa qua cơ cấu thu từ thuế của Việt Nam đang có sự thay đổi theo hướng ngày càng chú trọng nhiều hơn vào các nguồn thu trong nước. Điều đó đem lại cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải tăng cường nỗ lực củng cố việc hoạch định chính sách thuế và hiện đại hóa quản lý thuế. Ngân hàng thế giới cho rằng, hiện cần phải củng cố một số khâu quan trọng trong quy trình quản lý thuế, đặc biệt ở những lĩnh vực có tác động lớn đến tính tuân thủ của người nộp thuế, hiệu quả hoạt động và tính minh bạch. Khung chính sách thuế cần theo đuổi mục tiêu mở rộng diện thu và tái cân đối giữa các sắc thuế nhằm đảm bảo tác động nhất quán về huy động thu bền vững và giảm gánh nặng do thuế gây ra lên tăng trưởng và công bằng. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, xã hội số nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là duy trì và đẩy mạnh thực hiện các chương trình, giải pháp để đơn giản hóa chính sách và thủ tục hành chính thuế, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đạt được các mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế. Trong bối cảnh đó, nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm về tổ chức và quản lý, kinh nghiệm về thông lệ quốc tế cùng với các bài học kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong việc hiện đại hóa quản lý thuế... từ các nhà tài trợ quốc tế có vai trò quan trọng đối với công cuộc cải cách thuế hiện nay nhằm kết hợp nguồn lực sẵn có trong nước với nguồn lực bên ngoài để từng bước hình thành sức mạnh tổng hợp, nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững. Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống thuế” dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 4 năm, từ 2019 – 2023 sẽ góp phần thực hiện chiến lược cải cách chính sách và hành chính thuế, hỗ trợ các hoạt động xây dựng thể chế, chính sách thuế minh bạch, hoàn thiện, nâng cao năng lực quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế. Theo đó, Dự án hỗ trợ kỹ thuật này sẽ tạo tiền đề để tiếp tục triển khai các dự án cải cách, hiện đại hóa quản lý thuế trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế ở Việt Nam, góp phần làm chuyển đổi hệ thống thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ chung của các hệ thống thuế hiện đại trên thế giới, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Ousmane Dione cho biết, hỗ trợ của WB với dự án này thể hiện cam kết lớn hơn của WB trong việc phối hợp với Việt Nam tăng cường hiệu quả thu chi ngân sách và triển khai những cải cách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ông cũng hy vọng “Tập trung vào hệ thống thuế, dự án sẽ giúp cải thiện huy động nguồn lực trong nước, đây là trụ cột quan trọng để củng cố tài khóa”. Hồng Thiết

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước tháng 7/2019 ước đạt 45 tỷ USD

TĐKT - Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan trong tháng 7 năm 2019, tổng trị giá xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hoá của cả nước ước đạt 45 tỷ USD, tăng 10% so với tháng trước; trong đó trị giá xuất khẩu ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,5% và trị giá nhập khẩu ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 14,9%. So với cùng kỳ năm trước, tổng trị giá XNK hàng hóa cả nước trong 7 tháng  đầu năm 2019 ước tính đạt 288,47 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD tăng 7,5% và nhập khẩu ước tính đạt 143,34 tỷ USD tăng 8,3%. Trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD tăng 7,5%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2019 ước tính thặng dư 200 triệu USD. Qua đó, nâng mức thặng dư của Việt Nam đến hết tháng 7 năm 2019 đạt 1.789 triệu USD. Về xuất khẩu hàng hóa: Số lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng 7/2019 ước tính đạt 455 nghìn tấn, tăng 38,7% so với tháng trước và trị giá là 206 triệu USD, tăng 11,1%. Lượng xuất khẩu dầu thô trong 7 tháng/2019 ước đạt 2.494 nghìn tấn, trị giá ước đạt 1.285 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗ: Trị giá xuất khẩu trong tháng 07/2019 ước tính là 850 triệu USD, tăng 5,5% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng/2019 ước đạt 5,67 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, ước tính trong tháng 7/2019, xuất khẩu nhóm hàng dệt may của cả nước đạt 3,25 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và nâng trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong 7 tháng/2019 lên 18,34 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Giày dép các loại: trị giá xuất khẩu trong tháng 07/2019 ước tính đạt 1,7 tỷ USD, tăng 3,9% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng/2019 ước đạt 10,44 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước, từ ngày 1/7 đến ngày 31/7/2019, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động XNK đạt 29.262 tỷ đồng, lũy kế cả năm đến ngày 31/7/2019 đạt 205.761 tỷ đồng, bằng 68,5% dự toán, bằng 65,22% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 18,77% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở số thu những ngày đầu tháng 7 và ước kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 7/2019 cũng như tình hình kinh tế nói chung hiện nay, ước thu tháng 7/2019 đạt 29.500 tỷ đồng. Tổng thu NSNN 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 205.999 tỷ đồng, bằng 68,55% dự toán, bằng 65,29% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 18,44% so với cùng kỳ năm 2018 (173.927 tỷ đồng). Mặt khác, trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, lực lượng Hải quan toàn quốc đã bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với các mặt hàng: Cần sa, heroin, ma túy tổng hợp (methamphetamine, DMA), quả và thân thuốc phiện tươi, động vật hoang dã, đường, bia, rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, quần áo, thuốc tân dược, tiền Việt Nam, con giống, sản phẩm động vật đông lạnh, phương tiện (ô tô, xe máy) xảy ra ở địa bàn các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Quảng Ninh, TP Hà Nội, Tây Ninh, Nghệ An, TP Hồ Chính Minh. Đặc biệt nổi lên tình trạng đối tượng giấu cần sa, ma túy tổng hợp trong hàng hóa gửi qua chuyển phát nhanh về Việt Nam, trong máy móc thiết bị. Ngoài ra, cơ quan Hải quan phát hiện một số vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan đã được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng. Cụ thể: Tiếp tục triển khai kế hoạch 1412/KH-TCHQ ngày 13/3/2019 “tăng cường kiểm soát đối với hàng quá cảnh, tạm nhập - tái xuất từ Việt Nam sang Campuchia”; đôn đốc các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện xác minh thực tế cơ sở sản xuất phế liệu theo kế hoạch số 275/KH-TCHQ ngày 11/7/2018 của Tổng cục Hải quan về “điều tra xác minh xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu” từ nước ngoài về Việt Nam; xây dựng kế hoạch tổng thể tăng cường công tác phòng chống ma túy, tiền chất của ngành Hải quan. Kết quả tính từ 16/6/2018 đến 15/7/2019, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.303 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 185 tỷ 271 triệu đồng; số thu ngân sách đạt 16 tỷ 660 triệu đồng, hải quan khởi tố 1 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 8 vụ. La Giang

VinaPhone ra mắt gói cước SMART miễn phí thoại, data khủng cho giải trí

TĐKT - Kể từ ngày 1/8, để phục vụ nhu cầu giải trí của cư dân thời đại số, VinaPhone chính thức ra mắt các gói cước SMART dành cho thuê bao di động với nhiều ưu đãi hấp dẫn: Miễn phí gọi, SMS và data lên đến 64GB mỗi tháng chỉ với 109.000 đ. Các gói cước cũng được tích hợp sẵn dịch vụ nội dung, truyền hình di động, đáp ứng xu hướng giải trí online mọi lúc, mọi nơi. VinaPhone ra mắt gói cước SMART miễn phí thoại, data khủng cho giải trí Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về xu hướng xem video trực tuyến. Hiện đã có tới gần 70% người Việt xem video và nghe nhạc trên di động mỗi ngày với các nội dung phong phú như phim, chương trình giải trí, chương trình thời sự … 68% người dùng Internet tại Việt Nam cũng online qua di động nhiều hơn sử dụng máy tính. Đáp ứng xu hướng này, VinaPhone ra mắt các gói cước SMART trả trước dành cho khách hàng liên lạc nhiều và thường xuyên online xem phim, giải trí trên di động. Sản phẩm cũng tích hợp sẵn dịch vụ nội dung, truyền hình cho phép khách hàng truy cập Zalo, thưởng thức phim ảnh hay xem thể thao, chơi game với dung lượng data lên đến 64GB mỗi tháng. Tất cả các gói SMARTcủa VinaPhone đều miễn phí các cuộc gọi nội mạng dưới 10 phút (tối đa 1.500 phút/tháng), tặng thêm phút gọi liên mạng, SMS và 6GB - 14GB data tốc độ cao mỗi tháng. Qua đó, gói cước đáp ứng đầy đủ các hoạt động liên lạc, online hàng ngàycho mọi đối tượng người dùng. Đặc biệt hơn, với mỗi gói SMART, khách hàng sẽ có thêm 25GB đến 50GB dành riêng cho các nội dung và ứng dụng theo nhu cầu cá nhân như Zalo, Fim+, SCTV thể thao, MyTV Net, game Liên quân mobile … Truyền hình di động MyTV Net tích hợp sẵn cho SMART cũng được chia thành các nhóm thể thao, giải trí, tin tức … Khách hàng sẽ dễ dàng chọn được nội dung yêu thích phù hợp với gu thưởng thức của các thành viên trong gia đình. Giá cước trọn gói của SMART chỉ từ 109.000 đ/tháng đến 199.000 đ/tháng. Các gói cước SMART cũng được tích hợp tính năng bảo lưu data khi được gia hạn thành công mỗi tháng. Dung lượng data dùng chung và data nội dung đều có thể tích lũy sang tháng kế tiếp trong trường hợp khách hàng chưa dùng hết giúp quá trình sử dụng luôn được tối ưu. Hiện tại, người dùng di động đã có thể đăng ký các gói SMART của VinaPhone qua cú pháp tin nhắn hoặc online tại https://vnpt.com.vn/di-dong/tra-truoc. Để có thêm thông tin chi tiết và được giải đáp cụ thể nhất, khách hàng cũng có thể gọi đến tổng đài 18001091. Hồng Thiết  

Khai mạc Triển lãm Bơm Đan Mạch và công nghệ bơm Đan Mạch

TĐKT – Triển lãm Bơm Đan Mạch và công nghệ bơm Đan Mạch vừa khai mạc sáng 2/8, tại khách sạn Deawoo, Hà Nội. Triển lãm do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Tập đoàn Grundfos Đan Mạch tổ chức. Phát biểu tại triển lãm, bà Louise Holmsgaard, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh: Đan Mạch tự hào là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ và giải pháp xanh và bền vững. Biến đổi khí hậu và hậu quả của nó hiện nay đã trở thành mối quan tâm và lo lắng cho tất cả mọi người trên thế giới. Điều này đòi hỏi các chính phủ và đại diện khu vực kinh tế tư nhân phối hợp chặt chẽ với nhau và bày tỏ trách nhiệm với xã hội bằng việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp công nghệ hiện đại và bền vững, góp phần giải quyết các thách thức này. Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm thu hút sự chú ý của khách tham quan Triển lãm trưng bày các sản phẩm máy bơm của hãng Grundfos có độ ổn định cao, bền và tiết kiệm năng lượng, thuộc các dòng máy bơm dành cho tòa nhà thương mại cao tầng, nhà máy nước, các dòng máy bơm công nghiệp và dân dụng. Trong buổi triển lãm, Grundfos cũng giới thiệu dòng máy bơm CR XL thế hệ mới phá vỡ mọi giới hạn lâu nay của dòng bơm đa tầng cánh về mức áp và lưu lượng của máy bơm. Tại triển lãm, khách tham quan sẽ có cơ hội thảo luận chi tiết với các chuyên gia của Grundfos về những giải pháp cho các lĩnh vực như thoát nước và xử lý nước, tăng áp cho tòa nhà thương mại, cấp nước… Được thành lập tại Đan Mạch, Grundfos đã thiết lập vị thế là công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp bơm thông minh và đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nước. Grundfos ngày nay đã hiện diện tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Grundfos có mặt tại Việt Nam năm 2008 và nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công khi cung cấp các sản phẩm máy bơm chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng cũng như các giải pháp bền vững trong lĩnh vực nước cho các tập đoàn, dự án lớn, các hộ gia đình nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Grundfos Việt Nam chia sẻ: “Thông qua triển lãm này, chúng tôi muốn bày tỏ sự biết ơn của chúng tôi đối với người tiêu dùng Việt Nam và sự ủng hộ của người tiêu dùng đã dành cho Grundfos trong 10 năm hoạt động vừa qua tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sau khi tham quan các sản phẩm tại triển lãm, người tiêu dùng Việt Nam sẽ hiểu thêm một cách có hệ thống các dòng bơm khác nhau của Grundfos cũng như các giải pháp và công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới của chúng tôi. Với việc giới thiệu dòng bơm CR XL thế hệ mới tại triển lãm, Grundfos tái khẳng định cam kết của hãng là sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tạo ra các sản phẩm tốt hơn và các giải pháp thông minh hơn cho thị trường và người tiêu dùng.” Phương Thanh

Cục Hải quan Bình Dương đạt thành tích cao trong các lĩnh vực

TĐKT - Với khẩu hiệu thi đua “Tuân thủ - Hợp tác – Phát triển”, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Cục Hải quan Bình Dương đã chủ động xây dựng Chương trình hành động, trong đó chú trọng lĩnh vực cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK); nâng cao công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ các khoản thu thuế XNK để quyết tâm thu đạt và vượt chỉ tiêu pháp lệnh và Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Doanh nghiệp đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ tại Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một Cục phó Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực, số lượng doanh nghiệp đến đầu tư và làm thủ tục XNK tại Hải quan tỉnh Bình Dương tăng cao so với cùng kỳ năm trước, quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trong 6 tháng qua, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương tập trung triển khai thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan và UBND tỉnh, các nhiệm vụ trọng tâm đều hoàn thành kịp và vượt thời gian đã đề ra do áp dụng nhiều giải pháp có hiệu quả. Trong đó, đơn vị đặc biệt quan tâm đến công tác thu ngân sách, củng cố, xây dựng lực lượng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Để đạt được kết quả cao, ngay từ đầu năm, Cục đã xây dựng, quán triệt thực hiện nhiệm vụ trọng tâm; phát động các phong trào thi đua trong toàn đơn vị, mục tiêu số thu nộp ngân sách đạt 5.469,17 tỷ đồng, đạt 36,32% so với chỉ tiêu phấn đấu (15.400 tỷ đồng), tăng 14,92 % so với cùng kỳ năm trước; hoàn thiện và đưa vào sử dụng 2 trụ sở làm việc cấp chi cục, đội và 1 địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung có trang bị máy soi container di động (đảm bảo 100% container luồng đỏ trên địa bàn được kiểm tra qua soi chiếu); sửa đổi, bổ sung sổ tay hướng dẫn Tổng cục Hải quan cho các doanh nghiệp và 5 sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức nhằm phát hiện và phòng tránh sai sót nghiệp vụ; tăng cường công tác tự đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, gắn việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 BCH TW Đảng khóa XII với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW. . .   Chính từ sự nỗ lực đó, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương thu ngân sách Nhà nước đạt 7.600 tỷ đồng, đạt 52,56% so với chỉ tiêu pháp lệnh thu NSNN đã được Bộ Tài chính giao (14.460 tỷ đồng); đạt 52,41% so với chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương giao (14.500 tỷ đồng); đạt 49,35% so với chỉ tiêu yêu cầu phấn đấu tăng 5 - 7% của Tổng cục Hải quan giao (15.400 tỷ đồng). Số thu so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018 tăng 16,21%. Phát huy thành tích đã đạt được, 6 tháng cuối năm, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương tiếp tục bám sát, thực hiện tốt chương trình hành động năm 2019 với 9 nhiệm vụ trọng tâm trên 3 nhóm công tác: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Theo đó, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách được giao năm 2018 và xây dựng lực lượng hải quan trong sạch vững mạnh. Cụ thể: Tiếp tục quán triệt và bám sát các chỉ đạo của Bộ Tài chính, TCHQ và UBND tỉnh Bình Dương về triển khai, thực hiện các Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ đề ra hàng năm về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị Quyết 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Thứ nhất, tiếp tục phấn đấu giữ vững vị trí là một trong những Cục Hải quan đi đầu về cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020 đã được Tổng cục Hải quan phê duyệt tại Quyết định số 1339/QĐ-TCHQ ngày 18/4/2017: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ và quản lý. Cùng với đó là áp dụng hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS phối kết hợp với các chương trình vệ tinh kết nối với Hệ thống VNACCS/VICS hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ theo phương thức hiện đại và tập trung; tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các tiện ích của Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đẩy mạnh triển khai thủ tục hành chính công trực tuyến và hệ thống quản lý hải quan tự động… theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan. Đặc biệt, chủ động đề xuất Tổng cục Hải quan ứng dụng các nội dung, chương trình, biện pháp nghiệp vụ nhằm tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Phấn đấu vượt mức ASEAN-4 về thời gian thông quan hàng hóa. Trong đó, thời gian thông quan trung bình đối với hàng xuất khẩu là 36 giờ và đối với hàng nhập khẩu là 41 giờ. Song song với đó là nâng cao hiệu quả kiểm tra hàng hóa bằng máy soi, giảm tỷ lệ kiểm tra thủ công trong quá trình làm thủ tục hải quan tại 2 địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung có trang bị máy soi container. Thứ hai, tổ chức xây dựng và giám sát thi công 2 công trình xây dựng trụ sở Cục Hải quan tỉnh Bình Dương tại Trung tâm hành chính tỉnh và trụ sở Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần theo đúng tiến độ. Thứ ba, tiếp tục tăng cường phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp: Đẩy mạnh các hoạt động tham vấn tại trụ sở hải quan hoặc trụ sở doanh nghiệp cho ít nhất từ 2 đến 5 doanh nghiệp; mở rộng đối tượng, lĩnh vực ký kết Quy chế tham vấn cho ít nhất từ 1 đến 2 doanh nghiệp theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Hồng Thiết  

Trang