Kinh tế

Mavin đầu tư dự án nuôi biển xuất khẩu quy mô lớn tại tỉnh Kiên Giang

TĐKT - Ngày 29/7/2019, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang, Tập đoàn Mavin đã được UBND tỉnh Kiên Giang trao Quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện Dự án Trung tâm Nuôi trồng Hải sản Xuất khẩu tại vùng biển thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Dự án có quy mô rộng 2.000 ha mặt biển và tổng mức đầu tư là 30 triệu đô la Mỹ. Đại diện UBND tỉnh Kiên Giang trao Quyết định chủ trương đầu tư cho đại diện Tập đoàn Mavin Tại Việt Nam, sản lượng đánh bắt hải sản tự nhiên đang ngày càng bị suy giảm và việc nuôi trồng biển đang trở thành xu thế bắt buộc và cũng là tiềm năng lớn trong tương lai tại các địa phương có vùng biển tại Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Nắm bắt được xu hướng phát triển nuôi trồng biển, Tập đoàn Mavin đã nghiên cứu việc triển khai dự án nuôi cá biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại của châu Âu để sản xuất các loại cá biển chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dự án tại tỉnh Kiên Giang của Mavin có tổng diện tích 2.000 ha mặt nước biển, với  sản phẩm nuôi trồng là các loại cá có giá trị kinh tế cao như: Cá vược, cá song, cá chim vây vàng…, có thể sản xuất 30 nghìn tấn cá biển các loại mỗi năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 30 triệu USD, dự kiến sẽ chính thức đi vào vận hành ổn định từ năm 2021. Dự án sẽ sử dụng toàn bộ công nghệ nuôi biển hiện đại của thế giới với công nghệ lồng nuôi biển của Na Uy, công nghệ cho ăn, kiểm soát nuôi của Pháp và công nghệ thu hoạch cá của Australia. Đây là dự án nuôi biển phục vụ xuất khẩu, nên Tập đoàn Mavin cũng đặc biệt chú trọng vào việc kiểm soát môi trường nuôi và truy xuất nguồn gốc xuất xứ, giúp việc xuất khẩu cá của dự án được thuận lợi, đáp ứng được đầy đủ các khuyến nghị của Cộng đồng châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU). Bên cạnh Dự án về Trung tâm Nuôi trồng Hải sản Xuất khẩu này tại Kiên Giang, Tập đoàn Mavin đã ký các biên bản ghi nhớ với tỉnh Kiên Giang về việc triển khai khảo sát và triển khai đầu tư: Dự án Trung tâm giống hải sản; Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn thủy, hải sản có công suất 300 nghìn tấn/năm và Dự án chế biến thủy sản xuất khẩu có công suất 30 nghìn tấn/năm. Tổng mức đầu tư của các dự án này lên tới 50 triệu USD. Việc triển khai đầy đủ các dự án tại Kiên Giang sẽ giúp Tập đoàn Mavin hoàn chỉnh quy trình từ con giống, thức ăn thủy sản đến chế biến hải sản xuất khẩu tại 1 địa phương, giúp tối ưu hóa về quy trình sản xuất và chi phí sản phẩm. Điều này cũng sẽ giúp đưa Kiên Giang trở thành một trung tâm về nuôi và chế biến cá biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài dự án nuôi biển, Tập đoàn Mavin đã và đang đầu tư các dự án nuôi cá nước ngọt, có quy mô rộng hàng trăm ha tại các hồ thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang, với công nghệ châu Âu, để phục vụ xuất khẩu. Các dự án này đã được khai thác và sản phẩm cá rô phi nước ngọt của dự án đã được đưa ra thị trường và được đón nhận tốt. Là một doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và Australia, Tập đoàn Mavin là một trong số ít các doanh nghiệp hoạt động khép kín theo chuỗi “Từ nông trại tới bàn ăn”. Tập đoàn Mavin cũng đang sở hữu các nhà máy thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chế biến thực phẩm tại Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An, Bình Định, Tiền Giang, Đồng Tháp. Tập đoàn Mavin cũng là một trong 3 doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam, tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0, với trang trại khép kín và đang hợp tác với hàng trăm hộ nông dân trên khắp cả nước để phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp các vật nuôi là heo, gà, vịt, cá. Phương Thanh

Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan

TĐKT - Ngày 29/7, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan và Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, đến nay, Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc, với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Theo đó, Cơ quan Hải quan đã triển khai Chương trình quản lý giám sát hải quan tự động cảng biển, cảng hàng không; thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các doanh nghiệp hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; triển khai nộp thuế qua ngân hàng… Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường phát biểu tại Hội thảo Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, điện tử hóa nhiều khâu thủ tục, giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giao hàng kịp thời cho đối tác, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan và doanh nghiệp, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra. Thời gian qua, thực hiện triển khai thực hiện Luật Hải quan; Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2019 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, công tác quản lý rủi ro của ngành Hải quan đã có những bước phát triển nhanh chóng. Vai trò của công tác quản lý rủi ro ngày càng được chú trọng, mở rộng về phạm vi và chuyên sâu về nội dung, kỹ thuật nghiệp vụ áp dụng trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, đặc biệt là việc áp dụng quản lý rủi ro trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK); tạo nền tảng quan trọng cho sự đột phá trong cải cách, điện tử hóa, tự động hóa thủ tục hải quan nói riêng cũng như công tác quản lý của ngành Hải quan nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác quản lý rủi ro, ngành hải quan còn bộc lộ những hạn chế, bất cập: Các quy định về quản lý rủi ro đang được quy định tại nhiều văn bản; một số hoạt động nghiệp vụ hải quan chưa áp dụng quản lý rủi ro; hạn chế về chất lượng đánh giá và quản lý doanh nghiệp tuân thủ dẫn đến việc áp dụng kết quả đánh giá tuân thủ trong quản lý hải quan còn mờ nhạt, chưa đáp ứng được các yêu cầu tạo thuận lợi trong hoạt động XNK; chất lượng hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro. Căn cứ khoản 4 Điều 17 Luật Hải quan 2014 và khoản 2 Điều 13 Nghị định 08/NĐ-CP; thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ “Công khai các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp”; khắc phục các hạn chế bất cập nêu trên cho thấy, việc xây dựng Thông tư của Bộ Tài chính quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là cần thiết, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất các quy định về quản lý rủi ro, phù hợp yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Tổng cục Hải quan cũng đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến các đơn vị trong và ngoài ngành; trên cơ sở ý kiến tham gia, tiếp thu, giải trình và chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo. Nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư bao gồm: Thu thập, xử lý, quản lý thông tin quản lý rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro, trong đó phân loại mức độ tuân thủ thành 5 mức và phân loại mức độ rủi ro thành 9 hạng. Việc phân loại mức độ tuân thủ người khai hải quan thành 5 mức và phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan thành 9 hạng nhằm phân loại đánh giá người khai hải quan được chính xác hơn; đồng thời qua đó hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả. Bên cạnh việc công khai tiêu chí đánh giá, cơ quan Hải quan công khai kết quả cho cộng động doanh nghiệp, từ đó trở thành kênh tương tác với cơ quan Hải quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, phục vụ cho cơ quan hải quan đánh giá chính xác. Qua cơ chế quản lý rủi ro, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hướng đến doanh nghiệp tự tuân thủ pháp luật. Cơ quan Hải quan xây dựng chương trình tuân thủ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan đối với việc tự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (như cung cấp thông tin, tư vấn, giải quyết vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan…). Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, thời gian qua, số lượng, tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan đã giảm đáng kể qua các năm. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ kiểm tra thực tế là 9,68%, đến nay tỷ lệ này giảm còn 5,07%. Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại Claudio Dordi cho biết, Hội thảo lần này là một phần của hoạt động hỗ trợ và tạo thuận lợi thương mại do USAID và Tổng cục Hải quan đã ký kết. Cơ quan Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt áp dụng quản lý rủi ro tạo nền tảng, nỗ lực đột phá trong cải cách thủ tục hải quan. Theo đó, để giải quyết khó khăn, vướng mắc, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng dự thảo Thông tư về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan. Việc ban hành thông tư sẽ nâng cao mức độ minh bạch, quản lý giao dịch, doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi, nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp như minh bạch hóa tiêu chí đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp, qua đó, thực hiện hiệu quả các Hiệp định tự do thương mại. Qua công tác tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan Hải quan tiếp thu đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả dự thảo Thông tư. Tại Hội thảo, các doanh nghiệp cơ bản nhất trí với kết cấu dự thảo Thông tư áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan. Đồng thời, đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp (gồm Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp cà phê, cao; Hiệp hội gỗ-lâm sản...) tham gia ý kiến về dự thảo Thông tư liên quan đến thu thập thông tin quản lý rủi ro; mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bộ tiêu chí..., cũng như bổ sung các nội dung quốc tế... vào dự thảo Thông tư. Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, cơ quan Hải quan cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa như công khai mức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường mong muốn, Hội thảo là cơ hội để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan tiếp thu, bổ sung để Thông tư có được giá trị thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, sau hội thảo này, cộng đồng doanh nghiệp có thể tham gia thêm các ý kiến bằng văn bản một cách chi tiết, đầy đủ, cơ quan Hải quan sẽ tiếp thu, sửa đổi dự thảo Thông tư phù hợp với thực tiễn. La Giang  

Bắt 55 khúc sừng tê giác tại sân bay Nội Bài

TĐKT - Chiều ngày 27/7, Tổng cục Hải quan cho biết, qua công tác thu thập thông tin và qua hệ thống máy soi chiếu, Cục Hải quan Hà Nội nghi vấn lô hàng thuộc vận đơn mở ngày 16/7/2019, từ UAE United Arab Emirates vận chuyển qua đường hàng không về sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Các khúc sừng tê giác được cất giấu tinh vi trong các khối thách cao nhập lậu qua đường hàng không Cụ thể, ngày 25/7, tại kho hàng của Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS), Đội Kiểm soát Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài và các bên có liên quan tiến hành khám 14 kiện hàng có các khối thạch cao, đục các khối thạch cao ra phát hiện bên trong có chứa 55 khúc sừng tê giác, với tổng trọng lượng là 125,15 kg. Bước đầu cơ quan hải quan xác định đơn vị mở tờ khai là Công ty TNHH may xuất khẩu và thương mại Thiên Hà, địa chỉ: số 197, phố Cốc, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Hiện nay, cơ quan hải quan tạm giữ toàn bộ số hàng vi phạm trên, tiến hành các bước điều tra làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật. La Giang

Hợp tác phân phối sữa Meiji tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 28/7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần thương mại Ikigai Việt Nam và CP-Meiji (thuộc Tập đoàn hàng đầu Thái Lan, Charoen Pokphand Foods – CPF) tổ chức ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược để độc quyền phân phối các sản phẩm sữa Meiji (ngoại trừ sữa bột) tại thị trường Việt Nam. CP-Meiji luôn không ngừng phát triển và mở rộng tới các thị trường quốc tế, hiện đã có mặt tại 6 quốc gia. Việt Nam sẽ là thị trường thứ 7 mà tập đoàn đặt chân đến. CP-Meiji và Ikigai tin tưởng vào tiềm năng thị trường Việt Nam với tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng, sức mua và khả năng mua của người tiêu dùng, đặc biệt trên phân khúc cao cấp. Cho giai đoạn đầu, Ikigai Việt Nam và CP-Meiji đưa ra thị trường ba nhóm sản phẩm chủ đạo: Sữa tươi thanh trùng; sữa chua ăn; sữa chua uống với 7 loại bao bì/vị khác nhau. 100% sản phẩm được nhập khẩu nguyên bao bì từ Thái Lan và tập trung phân phối tại chuỗi các cửa hàng bán lẻ, hệ thống uy tín như Vinmart, AEON Mall và các cửa hàng bán lẻ cao cấp. Tập đoàn CP-Meiji là liên doanh giữa hai tập đoàn thực phẩm nổi tiếng thế giới CP và Meiji Nhật Bản. Hơn 20 năm phục vụ người tiêu dùng Đông Nam Á, CP-Meiji luôn phát triển dựa trên tiêu chí sản xuất và cung cấp các sản phẩm sữa thanh trùng cao cấp, tươi ngon nhất. CP-Meiji tuân thủ 4 quy tắc: Tất cả các sản phẩm đều sử dụng sữa bò tươi cao cấp; tập trung vào nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm tân tiến có lợi cho sức khỏe; đầu tư vào những công nghệ đẳng cấp thế giới để bảo đảm toàn bộ sản phẩm được sản xuất với dây chuyền hiện đại, cao cấp nhất; chất lượng là không thỏa hiệp. Đại diện Công ty Cổ phần thương mại Ikigai Việt Nam và CP-Meiji ký kết hợp tác Với mong muốn thành công trong việc mở rộng thị trường đến Việt Nam, bà Salilrut Pongpanite, Giám đốc điều hành của CP-Meiji Thái Lan chia sẻ: “CP-Meiji &Ikigai Việt Nam đều tìm thấy tiềm năng của sản phẩm Meiji tại Việt Nam khi mà người dân đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe và chất lượng sống.  Với tầm quan trọng của việc thực hiện cam kết đóng góp cho sức khỏe và sự thịnh vượng của người tiêu dùng, cùng quy tắc “chất lượng là không thỏa hiệp”, chúng tôi đặt những yêu cầu của Meiji Nhật Bản làm tiêu chuẩn cho việc tìm kiếm đối tác phân phối tại mỗi thị trường. Ikigai Việt Nam đã cho thấy khả năng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và cam kết trong kinh doanh của Meiji. Hiện tại, chúng tôi đang từng bước hợp tác chặt chẽ cùng Ikigai nhằm mang đến chất lượng và hương vị Nhật Bản cho các sản phấm sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn, và sữa chua uống Meiji, giúp nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam”. Về phía Việt Nam, bà Nguyễn Thu Giang, Tổng Giám đốc Ikigai Việt Nam cho biết: “Hơn hai năm qua, Ikigai Việt Nam đã tìm hiểu, phân tích và đeo đuổi dự án: Mang nhãn hiệu sữa Meiji về Việt Nam, nhằm bổ sung cho người tiêu dùng trong nước thêm sự chọn lựa mới.” Meiji là nhãn hiệu quốc tế có truyền thống lâu đời và giá trị thương hiệu cao. Tại Nhật Bản, Meiji là nhãn hiệu sữa bán chạy số 1. Tại các nước khác như Thái Lan, Singapore… Meiji cũng là thương hiệu sữa thanh trùng bán chạy nhất. “Chúng tôi tin tưởng sự có mặt của Meiji sẽ mang tới thêm những lựa chọn mới trong phân khúc sữa thanh trùng cao cấp cho khách hàng trong nước, đảm bảo về chất lượng sữa tươi nguyên chất cao cấp từ những nguồn sữa uy tín, tinh khiết, cũng như sự đầu tư cho không chỉ nguyên liệu mà còn là quy trình sản xuất. Điểm khác biệt mấu chốt mà Meiji mang tới cho người tiêu dùng bao gồm các sản phẩm được sản xuất từ sữa bò tươi qua công nghệ siêu thanh trùng; hương vị tươi mới, thơm ngon; quan trọng nhất, chính là hạn dùng lâu hơn mà không cần sử dụng chất bảo quản.” – bà Nguyễn Thu Giang khẳng định. Theo đó Công ty Ikigai Việt Nam sẽ phân phối chính thức các sản phẩm: Sữa tươi thanh trùng Meiji 946ml; sữa tươi thanh trùng cao cấp Meiji 4.3% 946ml; sữa chua Meiji nguyên chất 90gr; sữa chua Meiji dâu tây 90gr; sữa chua Meiji thạch dừa 90gr; sữa chua uống Meiji nguyên chất 100ml; sữa chua uống Meiji việt quất 100ml. Mai Thảo

VIDSE 2019: Cơ hội tiếp cận dịch vụ, công nghệ, thiết bị tiên tiến về quốc phòng, an ninh

TĐKT - Chiều 25/7, tại Hà Nội, Công ty HADIFA phối hợp với Công ty Clarion Events (Vương quốc Anh) cùng các bộ, ngành liên quan gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Công thương tổ chức họp báo Triển lãm thương mại quốc tế về quốc phòng và an ninh Việt Nam (VIDSE). Họp báo giới thiệu triển lãm  Diễn ra từ ngày 4/3 - 6/3/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, VIDSE là triển lãm thương mại quốc tế quy tụ hàng trăm đơn vị cung cấp dịch vụ, thiết bị, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh từ nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Triển lãm giới thiệu các ngành hàng chia thành các khu vực: Khu vực thiết bị quốc phòng; khu vực triển lãm lục quân; khu vực triển lãm hải quân; khu vực thiết bị an ninh. Triển lãm sẽ góp phần phục vụ các lực lượng quốc phòng, hậu cần trong việc cải tiến cơ chế phòng bị, tăng cường khả năng giám sát, trinh sát, tiến công thông qua giới thiệu các công nghệ, trang thiết bị và phương tiện hiện đại; giúp cán bộ, chiến sĩ được trải nghiệm trực tiếp những công nghệ tiên tiến nhất từ những nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp an ninh của Việt Nam và các quốc gia khác giới thiệu sản phẩm, công nghệ; tiếp xúc, tham quan và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và phân phối cũng như tìm cơ hội hợp tác phát triển trong tương lai. Các cuộc hội thảo, hội đàm song phương và đa phương bên lề do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì hoặc đề xuất thực hiện sẽ mở ra cơ hội hợp tác và củng cố quan hệ với các đối tác trong khu vực và quốc tế.  Triển lãm thương mại về quốc phòng và an ninh tương tự đã được tổ chức thành công tại nhiều quốc gia như: Anh, Thụy Điển, Ả Rập, Singapore, Thái Lan, Indonesia...  Phương Thanh

Tuần lễ ẩm thực tỉnh Gyeonggi-do (Hàn Quốc) tại Hà Nội

TĐKT - Tuần lễ ẩm thực tỉnh Gyeonggi-do sẽ diễn ra từ ngày 23/7 - 29/7 tại hệ thống siêu thị K-market trên địa bàn TP Hà Nội. Lễ cắt băng khai mạc sự kiện Chương trình do Ủy ban tỉnh Gyeonggi-do (Hàn Quốc) phối hợp với Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu, đại diện Tổng Công ty nhà nước lưu thông hàng nông thủy sản Hàn Quốc (aT), đại diện Cơ quan aT khu vực Seoul và Gyeonggi-do tổ chức nhằm quảng bá trực tiếp đến người tiêu dùng các sản phẩm nông sản vùng Gyeonggi-do tại các siêu thị: K-market Golden Palace, K-market Keangnam, K-market Sapphire. Các sản phẩm được giới thiệu trong chương trình: Gạo Anseong đặc trưng của Hàn Quốc, kem, tương ớt, kim chi, mì sợi, mứt… Một số sản phẩm được giới thiệu trong chương trình Tham gia sự kiện, người tiêu dùng sẽ có cơ hội trải nghiệm hương vị ẩm thực tuyệt vời của mảnh đất Gyeonggi-do; mua sắm với ưu đãi giảm giá 10%; tham gia vòng quay may mắn với nhiều phần quà hấp dẫn. Gyeonggi-do là tỉnh nằm phía Tây Bắc thủ đô Seoul, là một trong những vùng tập trung dân số lớn nhất Hàn Quốc. Tại đây nổi tiếng với nhiều điểm du lịch hấp dẫn và ẩm thực truyền thống Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Gyeonggi-do còn nổi tiếng với nền công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm với chất lượng đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất. Người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm hương vị ẩm thực tuyệt vời của mảnh đất Gyeonggi-do khi tham gia sự kiện Tại đây nguồn tài nguyên về thực phẩm còn được đánh giá rất cao về số lượng cũng như chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng. Nguồn thực phẩm tại Gyeonggi-do được cung cấp cho căng - tin các trường THCS, THPT – một trong những nơi mà chính phủ Hàn Quốc kiểm định rất nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chính sách của Gyeonggi-do về thực phẩm cũng được đề cao, khi khách hàng mua thực phẩm có bất kỳ vấn đề gì cho dù nguyên nhân từ bên bán hay bên mua đều có thể đổi trả tại các cửa hàng cung cấp thực phẩm Gyeonggi-do. Ông Naggweon Kim, Phó Giám đốc Bộ phận Xuất khẩu và Marketing, Công ty aT cho biết: Ngoài Việt Nam, Tuần lễ ẩm thực tỉnh Gyeonggi-do sẽ được tổ chức tại nhiều nơi khác: Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc); Mỹ; Malaysia… Phương Thanh

Én Xanh 2019: Tìm kiếm và tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững

TĐKT - Chiều 24/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức họp báo công bố "Chương trình Én Xanh 2019 - Tìm kiếm và tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì sự phát triển bền vững". Họp báo công bố khởi động Én Xanh 2019 Với tầm nhìn vì một đất nước Việt Nam phát triển bền vững, hài hòa trên cả 3 trụ cột: Kinh tế thịnh vượng, xã hội công bằng và nhân văn, đặt trên nền tảng môi trường bền vững, Én Xanh năm nay sẽ tập trung tìm kiếm và hỗ trợ các sáng kiến kinh doanh giải quyết những thách thức trong các lĩnh vực: Nông nghiệp bền vững, môi trường và biến đổi khí hậu, du lịch bền vững, trao quyền cho phụ nữ, kinh doanh bao trùm và đa dạng. Chương trình Én Xanh 2019 chính thức được khởi động từ ngày 24/7, diễn ra đến tháng 10/2019 với nhiều hoạt động chia sẻ, tìm kiếm, lựa chọn các sáng kiến tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Ngày hội Én Xanh 2019 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10/2019 với điểm nhấn là các hội thảo chuyên đề và đêm Gala tôn vinh những sáng kiến và cá nhân tiêu biểu năm 2019. Tham gia Én Xanh, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ có cơ hội nhận gói giải thưởng bằng tiền mặt 100 triệu đồng, cùng cơ hội được kết nối với các nguồn lực tài chính từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước lên đến 300.000 USD/sáng kiến. Én Xanh là chương trình chính thức và đầu tiên tại Việt Nam thúc đẩy tinh thần và giải pháp kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường cấp bách. Được tổ chức vào năm 2017 dưới sự bảo trợ của VCCI, Én Xanh đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước, các đại sứ quán, các cá nhân, doanh nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng, cùng hàng trăm doanh nghiệp xã hội. Đặc biệt, chương trình đã tìm kiếm được 88 cánh én đang có những sáng kiến kinh doanh đột phá, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường cấp bách nhất. Đã có 15 sáng kiến kinh doanh và 10 sáng kiến xây dựng hệ sinh thái được vinh danh tại đêm Gala Én Xanh 2017, mang lại hy vọng và thay đổi tích cực cho cộng đồng. "Từ khi ra đời, Én Xanh đã thể hiện tâm huyết, cam kết cao của CSIP trong việc xây dựng hệ sinh thái ươm tạo và hỗ trợ các sáng kiến xã hội", bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị CSIP chia sẻ. "Chúng tôi tin tưởng rằng, chương trình Én Xanh năm nay sẽ tiếp tục thúc đẩy sự liên kết, hợp tác, tạo dựng nền tảng để xây dựng một thế hệ những doanh nhân xã hội mới, những mô hình kinh doanh bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, góp phần kiến tạo một Việt Nam nhân ái, hòa bình và thịnh vượng hơn. Với Én Xanh, mỗi sáng kiến dù lớn hay nhỏ đều sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra những giá trị nhân văn cho cộng đồng". Phương Thanh

Khai mạc triển lãm VIETWATER 2019

TĐKT - Sáng 24/7, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp, thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải VIETWATER 2019 Hà Nội đã chính thức khai mạc. Đây là sự kiện thương mại ngành nước duy nhất, được chủ trì bởi Hội Cấp Thoát nước Việt Nam và hỗ trợ bởi Bộ Xây dựng Việt Nam.VIETWATER cũng nằm trong chuỗi triển lãm ngành nước và xử lý nước, do công ty UBM Asia - đơn vị tổ chức thương mại hàng đầu tại châu Á tổ chức. Lễ khai mạc triển lãm Trong những năm qua, cùng với sự đi lên của kinh tế xã hội, hệ thống đô thị đang ngày càng mở rộng cả về quy mô và số lượng. Cùng với đó, những thách thức đặt ra cho ngành nước trong công cuộc quản lý các nguồn tài nguyên một cách bền vững, xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp là một trong những yếu tố cấp bách cho sự phát triển của cả ngành công nghiệp và quản lý đô thị. Có thể thấy, chìa khóa của sự phát triển bền vững chính là đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, tìm kiếm các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực cấp, thoát nước, xử lý môi trường, đặc biệt là hướng tới đổi mới công nghệ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Bộ Xây dựng đánh giá cao việc tổ chức các hoạt động của triển lãm hàng năm và hy vọng sự thành công của triển lãm sẽ góp phần thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam giao trong các Định hướng về cấp, thoát nước đô thị vag khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; các mục tiêu và nhiệm vụ của Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn... Diễn ra từ ngày 24 - 26/7, với tổng diện tích hơn 3.500 m2, triển lãm năm nay thu hút hơn 200 đơn vị tham gia, đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... Các sản phẩm được trưng bày tại triển lãm thu hút sự quan tâm của khách tham quan VIETWATER 2019 Hà Nội hứa hẹn chào đón hơn 7000 khách tham quan, là các chuyên gia đầu ngành cùng nhiều hiệp hội và tổ chức đến tham quan và mở rộng hoạt động kết nối, giao thương. Triển lãm có sự tham gia của 6 nhóm hàng quốc tế và những đơn vị triển lãm nổi bật như: Tsurumi, Goshu Kohsan, JFE, Organo, Metawater... cùng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác. Trong khuôn khổ triển lãm, Hội thảo ngành nước VIETWATER 2019 tại Hà Nội sẽ mang đến nội dung "Quản lý nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững" vào ngày 25/7. Hướng đến những đề tài nóng của ngành nước tại Việt Nam, Hội thảo tập trung khai thác những nội dung liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của thay đổi môi trường nước hiện nay. Bên cạnh đó, Hội thảo kỹ thuật VIETWATER 2019 tại Hà Nội, sự kiện bên lề quen thuộc của triển lãm VIETWATER sẽ diễn ra vào ngày 24 và 25/7. Đây được xem là một cơ hội, một không gian tiếp cận gần gũi được Ban Tổ chức dành riêng cho các đơn vị triển lãm có thể giới thiệu nhiều hơn các sản phẩm và công nghệ của mình đến khách tham quan. Phương Thanh  

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thi đua hoàn thành kế hoạch được giao

TĐKT - Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước (chủ yếu là than phẩm cấp thấp, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, đạm, xi măng…), trong 6 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thi đua hoàn thành kế hoạch được giao. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn đã hoàn thành 55 - 57% kế hoạch năm. Tất cả các khối kinh doanh đều có lãi, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập tăng trên 6 - 7% so với năm 2018. Cùng với đó, các chỉ tiêu tài chính của TKV đạt tốt, việc triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 – 2020 được thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn đã hoàn thành 55 - 57% kế hoạch Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, trước áp lực nhu cầu than ngày một tăng cao, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung sản xuất ở nhịp độ cao, gia tăng tối đa sản lượng than khai thác và huy động mọi nguồn lực để chế biến, pha trộn than đáp ứng kịp thời nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ đã ký cam kết. TKV luôn ý thức cao trách nhiệm cung ứng than cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Kết quả, 6 tháng đầu năm, sản lương than khai thác của Tập đoàn đạt 21,85 triệu tấn, bằng 54 % kế hoạch năm, tăng 1,42 triệu tấn so với cùng kỳ. Than tiêu thụ: 22,82 triệu tấn, bằng 54 % kế hoạch và tăng 4 % so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, than tiêu thụ hộ điện là 18,47 triệu tấn, đạt 55 % kế hoạch và tăng 16 % so với cùng kỳ, tương ứng tăng 2,5 triệu tấn. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã giao cho EVN 2,8 triệu tấn than pha trộn giữa than sản xuất trong nước và than nhập khẩu, đạt 58% kế hoạch. Bên cạnh than, các lĩnh vực sản xuất điện, khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch 6 tháng đề ra. Doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 67.735 tỷ đồng, đạt 53 % kế hoạch năm, bằng 103,2 % so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận ước đạt 1,7 ngàn tỷ đồng, bằng 56 % kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước thực hiện 9,5 ngàn tỷ đồng, bằng 55,3% kế hoạch; tăng 4,2% so với cùng kỳ. Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 11,47 triệu đồng Cùng với đó,  6 tháng đầu năm 2019, TKV đã trồng cây, phủ xanh thêm 75 ha bãi thải, nâng tổng diện tích bãi thải được trồng cây, phủ xanh là 200 ha trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; duy trì hoạt động 50 trạm xử lý nước thải đã xây dựng đảm bảo quy chuẩn môi trường. Dự báo nhu cầu than tiêu thụ quý III và 6 tháng cuối năm vẫn ở mức rất cao, trong khi điều kiện sản xuất của Tập đoàn ngày một khó khăn hơn. Nhất là trong tháng 7 -  thời gian cao điểm mưa bão. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị. Tuy nhiên, TKV sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt trong điều hành sản xuất trên cơ sở bám sát nhu cầu thị trường, tiếp tục phát huy và giữ vững nhịp độ sản xuất như hiện nay; đồng thời rà soát lại năng lực sản xuất các khu vực khai thác, cũng như của các đơn vị để huy động tăng năng suất, tăng tối đa sản lượng các sản phẩm khoáng sản, hoá chất, điện thương phẩm, nhất là sản lượng than khai thác, chế biến, trên tinh thần sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo đủ nguồn hàng cho các hộ tiêu thụ đã ký kết hợp đồng với TKV. Tập đoàn phấn đấu 9 tháng đầu năm hoàn thành trên 75% kế hoạch với các chỉ tiêu cụ thể: Than NK sản xuất: 8 triệu tấn, phấn đấu ở mức cao hơn. Tiêu thụ than: 10 triệu tấn - Sản phẩm Alumina 350.000 tấn, tinh quặng đồng: 40 ngàn tấn, đồng tấm: 4.400 tấn, kẽm thỏi 2.500 tấn, tinh quặng sắt 40.000 tấn…  Sản xuất điện: 2,2 tỷ Kwh.Vật liệu nổ công nghiệp: Sản xuất thuốc nổ: 18 ngàn tấn; cung ứng thuốc nổ: 32 ngàn tấn, sản xuất và tiêu thụ Amon Nitrat: 44 ngàn tấn. Phát huy thành tích đã đạt được, TKV đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung sản xuất, chế biến than đáp ứng yêu cầu thị trường; đặc biệt là đảm bảo than cho điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm khoáng sản chính như alumin, đồng, kẽm, phôi thép khi giá bán sản phẩm và thị trường đang tốt. Tăng cường cơ giới hóa tự động hóa, đồng bộ dây chuyền sản xuất với phương châm “làm than thông minh hơn, làm việc sáng tạo hơn” để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Siết chặt công tác quản lý an toàn, an ninh trật tự ranh giới mỏ. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp hợp lý hóa sản xuất theo hướng tinh gọn theo Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017 – 2020. Tiếp tục thực hiện các chế độ chính sách khuyến khích, động viên cho người lao động, đặc biệt thợ lò, thợ kỹ thuật bậc cao. Song song với việc tập trung cho sản xuất, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác môi trường và công tác phòng, chống mưa bão. Đồng thời, tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giảm thiểu ảnh hưởng của chỉ số giá tiêu dùng tác động lên giá thành sản xuất đảm bảo cân đối lợi nhuận. Mặt khác, phải tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ tài nguyên trong ranh giới đã được cấp phép khai thác và ranh giới quản lý tài nguyên... Hồng Thiết

Ngành hải quan đấu tranh chống gian lận xuất xứ

TĐKT - Chiều 19/7, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành hải quan. Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, thanh tra của cơ quan hải quan đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa. Họp báo chuyên đề công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành hải quan Đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”… Đáng lo ngại, các doanh nghiệp còn lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng, sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Đối với xuất xứ hàng hóa, thủ đoạn thường gặp là doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam. Thủ đoạn nữa là thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu. Các đối tượng vi phạm cũng lợi dụng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba; sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan. Đặc biệt, trước diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải xây dựng văn bản chỉ đạo chung cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan trong Tổng cục nhằm tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa. Trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan trong việc thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp; trách nhiệm của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn hàng hóa thể hiện “Made in Vietnam” tại công văn số 3083/TCHQ-GSQL ngày 20/5/2019; tăng cường kiểm tra hoạt động tạm nhập, tái xuất tại công văn số 4307/TCHQ-GSQL ngày 28/6/2019. Đồng thời, xem xét chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa đối với nhóm mặt hàng này để kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa. Đại diện ngành hải quan cho hay, hiện nay các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách thay đổi lớn như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, trong hoạt động thương mại, đặc biệt các cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…. có tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam. Mặt khác Việt Nam đã và đang chịu tác động bởi các Hiệp định thương mai tự do FTA, do đó hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Về phương hướng, giải pháp, đại diện cơ quan hải quan nhấn mạnh, toàn ngành đã xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện quy trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục trong việc thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, doanh nghiệp có rủi ro cao nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp; trách nhiệm của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Cơ quan Hải quan cũng mở rộng điều tra các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ ván ép, gỗ dán có số lượng tăng đột biến, bên cạnh đó tiếp tục điều tra xác minh làm rõ hành vi vi phạm đối với các công ty trên để xử lý theo theo quy định pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh thu thập thông tin, kiểm tra đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn giả mạo C/O, đối với một số mặt hàng trọng điểm có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn… Cơ quan Hải quan cũng đề nghị Bộ Công thương, VCCI siết chặt công tác quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP đối với trường hợp qua kết quả kiểm tra, thanh tra xác định hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra sản xuất hàng hoá xuất khẩu nhất là đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu, bán thành phẩm về sản xuất thành phẩm để xuất khẩu. Đồng thời kiến nghị với Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng xác nhận khống nguyên liệu đầu vào cấu thành sản phẩm xuất khẩu nhằm ngăn chặn việc gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về hành vi, thủ đoạn, tác hại, hậu quả của gian lận thương mại đối với sản xuất trong nước, cũng như hoạt động xuất khẩu. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước cũng như bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hồng Thiết

Trang