TĐKT - Hưởng ứng việc triển khai Nghị quyết số 15 - NQ/TW ký ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020", sáng 28/8, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc PGS. TS Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo khẳng định: Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững được kỳ vọng sẽ là nơi tháo gỡ khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp nói riêng và đề cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, lan tỏa nhiều hơn nữa tới các tổ chức và cá nhân về sứ mệnh phát triển bền vững vì cộng đồng, cũng như đề xuất các giải pháp mới phù hợp với tình hình phát triển xã hội hiện đại khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chung dựa trên các yếu tố xã hội, thông qua việc đối thoại thẳng thắn giữa các nhà quản lý chính sách và các doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: Doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Các doanh nghiệp xã hội đó đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: Đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật..., tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xã hội hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn: Thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, yếu về năng lực quản lý, điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực phù hợp cho doanh nghiệp xã hội, truyền thông và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp xã hội gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng về loại hình doanh nghiệp này còn hạn chế...
Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tin tưởng rằng các nhà khởi nghiệp xã hội sẽ đóng vai trò thiết yếu để tiến tới các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc cung cấp mô hình bền vững để thúc đẩy thay đổi xã hội và thông qua việc đổi mới các giải pháp dựa trên thị trường để ứng phó với những thách thức phát triển.
Theo bà Catherine Phương, 3 mục tiêu phát triển bền vững hàng đầu mà các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (doanh nghiệp SIB) có thể đóng góp nhiều nhất là Mục tiêu phát triển nền vững số 8 (công việc tốt và tăng trưởng kinh tế), Mục tiêu phát triển bền vững số 3 (sức khỏe tốt), Mục tiêu phát triển bền vững số 1 (không còn đói nghèo).
Hầu hết các doanh nghiệp SIB có quy mô nhân lực nhỏ: 70% doanh nghiệp SIB có dưới 20 nhân viên. Tuy nhiên, khu vực này gồm nhiều tầng lớp xã hội, với 74% công nhân đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương.
Những doanh nghiệp SIB cũng đa dạng hơn trong ban lãnh đạo. Sự đa dạng này được phản ánh trong việc có nhiều người và phụ nữ từ các nhóm yếu thế trong xã hội tham gia vào quá trình thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Có 41% lãnh đạo doanh nghiệp SIB là phụ nữ, 1% đến từ cộng đồng những người đồng tính. Tỷ lệ nhà khởi nghiệp xã hội là phụ nữ cao hơn nhiều con số 25% trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam và trung bình 10% trên toàn thế giới.
Qua những thông tin này, chúng ta có thể nói rằng bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp SIB, hoặc thúc đẩy khởi nghiệp xã hội trong khu vực tư nhân, chúng ta cũng có thể hỗ trợ đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 10: Giảm bất bình đẳng và một phần của ý tưởng "không ai bị bỏ lại đằng sau".
Phương Thanh