Rà soát, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp
23/08/2019 - 19:38

TĐKT - Sáng 23/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Tọa đàm Quản lý sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chủ trì Tọa đàm. Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Tọa đàm

Theo báo cáo của Bộ TNMT, thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đến nay, Tổng cục Quản lý đất đai đã tiến hành ra soát 275 công ty, trong đó: Giữ lại 246 công ty. Sau khi rà soát, sắp xếp lại 246 công ty nông, lâm nghiệp, diện tích đất giữ lại là 1.868.538 ha; diện tích các nông, lâm trường bàn giao về địa phương là 463.088 ha, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương đến nay đạt 1.084.653 ha.

Tuy nhiên, hiện nay, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Ở một số nơi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Nguồn lực đất đai chưa được thực sự phát huy, nguồn ngân sách hàng năm của Nhà nước chưa được tính đúng, tính đủ đối với một số công ty; vẫn còn tình trạng một số công ty sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng. Vẫn tiềm ẩn nguy cơ rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá, nguy cơ suy thoái môi trường tăng cao. Chưa giải quyết triệt để việc người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, tình trạng di dân tự do vẫn tiếp diễn. Trật tự an ninh - xã hội và đời sống nhân dân chưa thực sự bền vững, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động đòi hỏi nhà nước cần có giải pháp phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh và chủ động trong việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Đầu tư kinh phí không đảm bảo để triển khai các nhiệm vụ.

Toàn cảnh Tọa đàm

Với phương châm phải có những quyết sách đột phá trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, trong đó tập trung ổn định người sử dụng đất tại chỗ có đất sản xuất, bảo vệ đất đai và tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, thời gian tới, Bộ TNMT đề xuất Chính phủ: Rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bảo dân tộc thiểu số và dân di cư, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất… để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đánh giá hiệu quả các mô hình quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp để đề xuất phương án xử lý đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu cho ngân sách tương ứng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương…

Chia sẻ tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cũng đã kiến nghị Chính phủ: Xử lý dứt điểm đất đã giao khoán, liên doanh, cho thuê từ trước tới nay có tranh chấp; kiên quyết xử lý minh bạch đối với cán bộ và người dân có vi phạm để giữ lại quỹ đất công; đổi mới quản lý doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa song song với có định hướng chiến lược trong quản lý đất rừng; rà soát, thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích để giao lại cho các địa phương quản lý…

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu: Các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp trong quản lý và bảo vệ đất rừng; tiếp tục phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các công ty còn lại; hoàn thành hồ sơ giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; rà soát, hoàn thành căn bản cắm mốc ranh giới, cấp bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát để xác định những diện tích đất rừng đã giao cho các công ty nhưng không có năng lực quản lý, sử dụng; quan tâm thu hút đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bố trí đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và di cư; xem xét cập nhật nội dung phương án, quỹ đất giao đồng bào dân tộc thiểu số; thanh tra, kiểm tra đất đã giao đối với các tổ chức có biểu hiện vi phạm và những đơn vị đã nhận bàn giao nhưng chưa có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả…

Phương Thanh