Kinh tế

Thúc đẩy việc thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (TFP)

TĐKT - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành chủ trì buổi làm việc với đại diện một số bộ, ngành và chuyên gia của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm thúc đẩy triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (TFP) do USAID tài trợ, với nội dung trọng tâm là cải thiện công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất, nhập khẩu. Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh: TFP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 623/QĐ-TTg ngày 24/5/2019. Theo quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản của Dự án và Tổng cục Hải quan được giao làm chủ Dự án. Toàn cảnh buồi họp Mục tiêu tổng thể của TFP là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO TFA) và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. “Mục tiêu chính của Dự án là tạo thuận lợi thương mại, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Một hợp phần quan trọng của Dự án là cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Đây là mảng việc có liên quan rất nhiều đến nhiệm vụ của các bộ, ngành” - Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nói. Vì vậy, với vai trò là cơ quan chủ Dự án, lãnh đạo Tổng cục Hải quan mong muốn các bộ, ngành tích cực phối hợp với cơ quan Hải quan và chuyên gia của USAID nhằm thúc đẩy việc thực hiện TFP, qua đó góp phần tăng cường tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. TFP có tổng vốn dự kiến gần 22 triệu USD và được thực hiện trong vòng 5 năm. Tại buổi làm việc, chuyên gia của USAID nhận xét: 2 thập kỷ gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Tuy nhiên, bất cập trong thủ tục thông quan đang cản trở Việt Nam trong cải thiện sức cạnh tranh thương mại. Trong đó, kiểm tra chuyên ngành là một phần của thủ tục thông quan hàng hóa do các bộ, ngành thực hiện. Các hoạt động kiểm tra chuyên ngành liên quan đến nhiều bộ, ngành gây trì hoãn đáng kể cho việc thông quan hàng hóa, làm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tốn thời gian, chi phí và làm ảnh hưởng nhiều nhất đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, TFP nhằm hỗ trợ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại cơ quan Hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, từ đó, tăng cường thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đồng thời giảm thời gian và chi phí thương mại. Đại diện USAID chia sẻ, thông qua việc hợp tác với Tổng cục Hải quan và các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ mong muốn việc thực hiện TFP đạt được kết quả cụ thể trong việc hài hòa, đơn giản hóa chính sách và thủ tục (đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu); công tác phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương về chính sách tạo thuận lợi thương mại đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được tăng cường… Theo Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), năm 2015, có 13 bộ, ngành ban hành danh mục 82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số lượng nhiều nhất với 65.185 mặt hàng, chiếm gần 79% tổng số lượng của cả nước. Ngoài ra, 5 bộ khác có số lượng mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành từ một nghìn trở lên vào thời điểm đó là: Bộ Y tế 5.730; Bộ Công thương 5.096; Bộ Khoa học và Công nghệ 3.434; Bộ Giao thông vận tải 1.433; Bộ Thông tin và Truyền thông 1.034. Cập nhật đến tháng 4/2019, tổng số lượng mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn 70.087. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là đơn vị còn số lượng nhiều nhất với 7.623 mặt hàng. Hồng Thiết

Hơn 450 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2019 lần thứ hai

TĐKT - Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2019 lần thứ hai sẽ diễn ra tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, từ ngày 4/9 - 8/9. Triển lãm do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Trung tâm Thông tin - Bộ Xây dựng, Công ty Cổ phần Tổ chức Triển lãm Quốc tế Bất động sản VNREBUILD, Văn phòng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam và Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia. Họp báo thông tin về Triển lãm Triển lãm giới thiệu và trưng bày các sản phẩm đa dạng và phong phú của ngành bất động sản - trang trí nội, ngoại thất - xây dựng - vật liệu xây dựng cùng với nhiều chương trình hoạt động phong phú và thiết thực nhằm phục vụ các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Triển lãm lần này thu hút sự tham gia của gần 1600 gian hàng với sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến của hơn 450 doanh nghiệp, trong đó có 243 doanh nghiệp trong nước, 125 liên doanh, 101 doanh nghiệp và các tập đoàn nước ngoài đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm trưng bày tại triển lãm đã được các doanh nghiệp nghiên cứu và đầu tư với các dự án về nhà ở và bất động sản có quy mô lớn, quy mô vừa và nhỏ, các sản phẩm về vật liệu xây dựng và trang trí nội, ngoại thất có mẫu mã mới, tính năng và chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, xây dựng và trang trí nội, ngoại thất ngày càng phát triển. Diễn đàn doanh nghiệp và hội nghị khách hàng tại triển lãm là nhịp cầu để doanh nghiệp và công chúng gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để định hướng chiến lược trong kinh doanh. Hầu hết những gian hàng có quy mô lớn, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ có cơ hội tìm hiểu sản phẩm một cách toàn diện cùng những tư vấn cần thiết tại các diễn đàn của mỗi gian hàng. Trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức thực hiện các chương trình giao lưu, gặp gỡ giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tại triển lãm. Qua đó, tạo cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các tổ chức xã hội ngành nghề và tập đoàn doanh nghiệp tham quan tìm hiểu tính năng, mẫu mã và những phát triển đột phá, đổi mới về công nghệ của sản phẩm xây dựng tại triển lãm. Chương trình giao lưu cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu phát triển mạnh mẽ của công cuộc hội nhập và phát triển toàn cầu Việt Nam về quản lý và sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng, góp phần cho sự phát triển nhà ở, cảnh quan đô thị và môi trường sống tốt nhất cho con người. Phương Thanh  

Chuyển đổi đồng bộ sang một nền nông nghiệp sạch định hướng hữu cơ

TĐKT - Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ. Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì, với sự tham dự của các bộ, ban, ngành liên quan, đại diện các phòng thử nghiệm, trường, viện, trung tâm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực phân bón và trên 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn cả nước. Toàn cảnh Hội nghị Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng lên 3,5 lần so với thời điểm tháng 12/2017, tăng nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ được công nhận ở cùng thời điểm. Cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiến 31,6% trong 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017. Sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ cũng phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây. Một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Sông Gianh... đã hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó chuyển giao cho các hộ nông dân quy trình tái sử dụng phụ phẩm trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày làm phân bón hữu cơ tại chỗ. Nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô lớn, cho phép tạo ra các loại phân bón hữu cơ chất lượng tốt, ổn định, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn nguyên liệu sẵn có như chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và các chất hữu cơ trong tự nhiên (rong, tảo biển...). Do vậy, công suất của các nhà máy và sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất ra đã tăng lên rõ rệt, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1,19 triệu tấn, cao hơn 0,12 tấn so với tổng sản lượng sản xuất cả năm 2017. Mặc dù vậy, số lượng và sản phẩm phân bón hữu cơ vẫn còn khiêm tốn so với phân bón vô cơ. Công tác quản lý nhà nước về phân bón ngày càng được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, chính sách Nhà nước về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4 Luật Trồng trọt năm 2018 (bắt đầu có hiệu lực từ 1/2/2020). Các tiêu chuẩn và quy chuẩn để kiểm soát chất lượng phân hữu cơ đang được hoàn thiện về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý cho việc công nhận phòng thử nghiệm kiểm chứng, thiếu các kết quả nghiên cứu về hiệu suất sử dụng phân bón, thất thoát dinh dưỡng... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý. Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn, với nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, cần đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hóa học, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững. Với các định hướng thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng: Phải hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ. Công tác nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới phải đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất. Đặc biệt ưu tiên các đề tài/dự án nghiên cứu giải pháp, công nghệ làm tăng hiệu suất sử dụng của phân bón hữu cơ; chuyển giao việc sản xuất phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt ở quy mô nông hộ. Bên cạnh đó, việc phối hợp với các cơ quan, đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ và hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng phân bón, nhất là tự sản xuất phân bón hữu cơ truyền thống ở quy mô nông hộ trên cơ sở tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phân bón hữu cơ, tham gia tích cực vào thị trường phân bón hữu cơ quốc tế. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế. Kiến nghị thực hiện hợp tác công tư (PPP) và xây dựng chuỗi liên kết hữu cơ theo hướng tăng cường hợp tác với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước và người dân cùng phối hợp thực hiện sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch, gia tăng giá trị nông sản và lợi ích cho người nông dân. Phương Thanh

VNPT khẳng định vị thế tại Giải thưởng Kinh doanh quốc tế

TĐKT - Sở hữu đến 7 giải thưởng quốc tế lớn thuộc các hạng mục sản phẩm công nghệ thông tin tốt nhất năm Stevie Awards 2019, VNPT đã khẳng định được vị thế của nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam cũng như tên tuổi trên thị trường thế giới. Là một trong những giải thưởng uy tín nhất thế giới, Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế International Business Awards 2019 (IBA) của Stevie Awards trở thành niềm tự hào đối với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Với 9 giải thưởng mang đi giới thiệu trước ban giám khảo quốc tế và vượt qua nhiều đối thủ mạnh trên thị trường công nghệ thông tin thế giới, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã vinh dự được trao tặng 7 giải thưởng lớn, trong đó có 1 giải vàng cho giải pháp Trục liên thông văn bản quốc gia ESB và 6 giải đồng cho các sản phẩm VNPT Smart Ads, VNPT Check, VNPT HIS, VNPT Cloud Contact Center VCC, VNPT Smart Cloud, VNPT Pharmacy.  VNPT đã khẳng định được vị thế tại giải thưởng quốc tế Mặc dù đây là lần đầu tiên Tập đoàn VNPT tham gia giải thưởng quốc tế của Tổ chức nhưng VNPT vẫn bội thu giải thưởng lớn, đúng như kỳ vọng đặt ra. Lý do mà VNPT tham gia giải thưởng này của Stevie Awards đơn giản vì Tập đoàn muốn khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế. Giải thưởng quốc tế Sau hơn 2 tháng xét duyệt, thẩm định gắt gao từ phía ban giám khảo quốc tế, các sản phẩm của VNPT đã nhận được nhiều nhận xét và đánh giá cao, đặc biệt là Trục liên thông văn bản ESB với giải vàng cao quý. Sản phẩm đặc biệt này được một thành viên trong ban giám khảo quốc tế nhận xét:  “Xây dựng một chính phủ điện tử và kinh tế số thực sự là một ý tưởng tuyệt vời vì đã mang tới cho cho người dân những dịch vụ tốt hơn. Các bộ phận, chính quyền nên dùng giải pháp này.”       Kết quả này cũng phần nào chứng minh rằng VNPT vẫn đang tiên phong xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội. Trục liên thông ESB hay còn gọi là Trục liên thông văn bản của VNPT là nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Đây là nền tảng cho vấn đề kết nối, chia sẻ, là một trong bước đi của quá trình xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số. Tạo ra môi trường điện tử thông suốt từ trung ương tới địa phương, gửi và nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử tiến tới thay văn bản giấy. Kết nối hệ thống thông tin Đến nay, đã có 95/95 các cơ quan, bộ, ngành, địa phương kết nối với trục liên thông do VNPT xây dựng. Các phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước. Giải Vàng danh giá cho Trục liên thông ESB thể hiện tầm vóc của VNPT - Tập đoàn kinh tế năng động, chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ICT sáng tạo, đột phá, kiến tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống, sát cánh cùng Chính phủ xây dựng hàng loạt giải pháp công nghệ, hiện thực hóa Đề án Chính phủ điện tử Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, 6 sản phẩm dịch vụ khác của VNPT cũng vinh dự đoạt giải Đồng: VNPT Smart Ads, VNPT Check, VNPT HIS, VNPT Cloud Contact Center VCC, VNPT Smart Cloud, VNPT Pharmacy. Số lượng sản phẩm tham gia đông đảo và đoạt nhiều giải thưởng danh giá ở nhiều hạng mục cho thấy vai trò dẫn dắt của Tập đoàn VNPT trong việc định hướng xây dựng giải pháp, dịch vụ số trên thị trường viễn thông công nghệ trong nước. Hiện, VNPT đã và đang có chiến lược đầu tư và phát triển hệ sinh thái ở nhiều lĩnh vực nhằm chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP) hàng đầu Việt Nam vào năm 2025, Trung tâm số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030. Được tổ chức thường niên từ năm 2004, Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế - IBA Stevie Awards là giải thưởng toàn cầu công nhận thành tích trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Giải thưởng quốc tế này của tổ chức Stevie Awards luôn thu hút sự chú ý của hàng nghìn doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Đây là một trong những giải thưởng uy tín và danh giá nhất hiện nay bởi mức độ chuyên môn, quy mô tổ chức và thành phần tham gia. Trọng tậm của giải thưởng quốc tế Stevie Awards nhằm hướng tới đổi mới, sáng tạo, cải thiện kinh doanh. . Năm 2019 là năm đầu tiên VNPT tham gia Giải thưởng kinh doanh Quốc tế Stevie Awards. Trước đó, VNPT từng tham gia và nhận nhiều giải thưởng châu Á – Thái Bình Dương của Stevie Awards trong năm 2017 và 2018. Hồng Thiết               

Ký kết Hiệp định vay cho Dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng”

TĐKT - Ngày 28/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Ngài Abdulhamid ALKHALIFA, Tổng Giám đốc Quỹ Phát triển Quốc tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ đã ký kết Hiệp định vay trị giá 45 triệu USD cho Dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng”. Chứng kiến lễ ký có ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP Đà Nẵng, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài chính. Lễ ký kết Hiệp định vay cho Dự án Dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng” có tổng mức đầu tư là 61,37 triệu USD, trong đó vốn vay Quỹ OFID là 45 triệu USD, vốn đối ứng trong nước khoảng 16,37 triệu USD được bố trí từ nguồn ngân sách của TP Đà Nẵng. Cơ quan chủ quản của Dự án là UBND TP Đà Nẵng; Cơ quan thực hiện - chủ đầu tư là Ban Quản lý các Dự án Đầu tư Cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng. Dự án ký kết nhằm xây dựng hoàn chỉnh khoảng 14,3 km tuyến đường vành đai phía Tây 2, có bề rộng khoảng từ 44 - 48 m, các cầu trên tuyến có bề rộng 38,5 m và hạ tầng kỹ thuật khác gồm hệ thống thoát nước, cống kỹ thuật, cây xanh, điện chiếu sáng và di dời các công trình hạ tầng hiện trạng. Xây dựng hoàn chỉnh khoảng 1,2 km đường trải nhựa kết nối cầu Cổ Cò tới nút giao đường Trần Đại Nghĩa, đường Võ Chí Công và các hạ tầng kỹ thuật khác; thi công 100 m cầu vắt ngang sông Cổ Cò và nối từ đường Võ Quý Huân tới đường Võ Chí Công. Dự án dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022 sẽ góp phần giúp TP Đà Nẵng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách hiệu quả và bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện đi lại của người dân TP Đà Nẵng.   Được thành lập vào tháng Giêng năm 1976, mục đích hoạt động của Quỹ là tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên OPEC với các nước đang phát triển khác. Ngoài ra, Quỹ còn trợ giúp đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội đối với các nước nghèo, có thu nhập thấp. Đến thời điểm hiện nay, OFID đã cho Việt Nam vay 20 Dự án và chương trình với tổng vốn 238,65 triệu USD và đang tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển tại Việt Nam. Các dự án của OFID thuộc nhiều lĩnh vực gồm giao thông, thủy lợi, xóa đói, giảm nghèo, y tế và giáo dục, phát triển đô thị. Các dự án triển khai chủ yếu trên địa bàn các tỉnh và phù hợp với các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định vay tài trợ cho Dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng” lần này tiếp tục minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ OFID. Hồng Thiết  

Các nhà khởi nghiệp xã hội sẽ đóng vai trò thiết yếu để tiến tới các Mục tiêu phát triển bền vững

TĐKT - Hưởng ứng việc triển khai Nghị quyết số 15 - NQ/TW ký ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020", sáng 28/8, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững. Toàn cảnh Hội nghị Phát biểu khai mạc PGS. TS Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo khẳng định: Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững được kỳ vọng sẽ là nơi tháo gỡ khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp nói riêng và đề cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, lan tỏa nhiều hơn nữa tới các tổ chức và cá nhân về sứ mệnh phát triển bền vững vì cộng đồng, cũng như đề xuất các giải pháp mới phù hợp với tình hình phát triển xã hội hiện đại khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chung dựa trên các yếu tố xã hội, thông qua việc đối thoại thẳng thắn giữa các nhà quản lý chính sách và các doanh nghiệp. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: Doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Các doanh nghiệp xã hội đó đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: Đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật..., tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xã hội hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn: Thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, yếu về năng lực quản lý, điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực phù hợp cho doanh nghiệp xã hội, truyền thông và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp xã hội gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng về loại hình doanh nghiệp này còn hạn chế... Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tin tưởng rằng các nhà khởi nghiệp xã hội sẽ đóng vai trò thiết yếu để tiến tới các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc cung cấp mô hình bền vững để thúc đẩy thay đổi xã hội và thông qua việc đổi mới các giải pháp dựa trên thị trường để ứng phó với những thách thức phát triển. Theo bà Catherine Phương, 3 mục tiêu phát triển bền vững hàng đầu mà các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (doanh nghiệp SIB) có thể đóng góp nhiều nhất là Mục tiêu phát triển nền vững số 8 (công việc tốt và tăng trưởng kinh tế), Mục tiêu phát triển bền vững số 3 (sức khỏe tốt), Mục tiêu phát triển bền vững số 1 (không còn đói nghèo). Hầu hết các doanh nghiệp SIB có quy mô nhân lực nhỏ: 70% doanh nghiệp SIB có dưới 20 nhân viên. Tuy nhiên, khu vực này gồm nhiều tầng lớp xã hội, với 74% công nhân đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương. Những doanh nghiệp SIB cũng đa dạng hơn trong ban lãnh đạo. Sự đa dạng này được phản ánh trong việc có nhiều người và phụ nữ từ các nhóm yếu thế trong xã hội tham gia vào quá trình thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Có 41% lãnh đạo doanh nghiệp SIB là phụ nữ, 1% đến từ cộng đồng những người đồng tính. Tỷ lệ nhà khởi nghiệp xã hội là phụ nữ cao hơn nhiều con số 25% trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam và trung bình 10% trên toàn thế giới. Qua những thông tin này, chúng ta có thể nói rằng bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp SIB, hoặc thúc đẩy khởi nghiệp xã hội trong khu vực tư nhân, chúng ta cũng có thể hỗ trợ đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 10: Giảm bất bình đẳng và một phần của ý tưởng "không ai bị bỏ lại đằng sau". Phương Thanh

Rà soát, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp

TĐKT - Sáng 23/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Tọa đàm Quản lý sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chủ trì Tọa đàm. Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Tọa đàm Theo báo cáo của Bộ TNMT, thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đến nay, Tổng cục Quản lý đất đai đã tiến hành ra soát 275 công ty, trong đó: Giữ lại 246 công ty. Sau khi rà soát, sắp xếp lại 246 công ty nông, lâm nghiệp, diện tích đất giữ lại là 1.868.538 ha; diện tích các nông, lâm trường bàn giao về địa phương là 463.088 ha, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương đến nay đạt 1.084.653 ha. Tuy nhiên, hiện nay, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Ở một số nơi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Nguồn lực đất đai chưa được thực sự phát huy, nguồn ngân sách hàng năm của Nhà nước chưa được tính đúng, tính đủ đối với một số công ty; vẫn còn tình trạng một số công ty sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng. Vẫn tiềm ẩn nguy cơ rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá, nguy cơ suy thoái môi trường tăng cao. Chưa giải quyết triệt để việc người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, tình trạng di dân tự do vẫn tiếp diễn. Trật tự an ninh - xã hội và đời sống nhân dân chưa thực sự bền vững, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động đòi hỏi nhà nước cần có giải pháp phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh và chủ động trong việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Đầu tư kinh phí không đảm bảo để triển khai các nhiệm vụ. Toàn cảnh Tọa đàm Với phương châm phải có những quyết sách đột phá trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, trong đó tập trung ổn định người sử dụng đất tại chỗ có đất sản xuất, bảo vệ đất đai và tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, thời gian tới, Bộ TNMT đề xuất Chính phủ: Rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bảo dân tộc thiểu số và dân di cư, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất… để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đánh giá hiệu quả các mô hình quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp để đề xuất phương án xử lý đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu cho ngân sách tương ứng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương… Chia sẻ tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cũng đã kiến nghị Chính phủ: Xử lý dứt điểm đất đã giao khoán, liên doanh, cho thuê từ trước tới nay có tranh chấp; kiên quyết xử lý minh bạch đối với cán bộ và người dân có vi phạm để giữ lại quỹ đất công; đổi mới quản lý doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa song song với có định hướng chiến lược trong quản lý đất rừng; rà soát, thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích để giao lại cho các địa phương quản lý… Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu: Các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp trong quản lý và bảo vệ đất rừng; tiếp tục phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các công ty còn lại; hoàn thành hồ sơ giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; rà soát, hoàn thành căn bản cắm mốc ranh giới, cấp bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát để xác định những diện tích đất rừng đã giao cho các công ty nhưng không có năng lực quản lý, sử dụng; quan tâm thu hút đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bố trí đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và di cư; xem xét cập nhật nội dung phương án, quỹ đất giao đồng bào dân tộc thiểu số; thanh tra, kiểm tra đất đã giao đối với các tổ chức có biểu hiện vi phạm và những đơn vị đã nhận bàn giao nhưng chưa có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả… Phương Thanh

Quy định mới trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT

TĐKT - Chiều 16/8, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (gọi tắt là Dự án BT). Cục trưởng Cục Quản lý công sản – La Văn Thịnh và Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng đồng chủ trì buổi họp. Tại buổi họp báo, ông La Văn Thịnh đã giới thiệu về một số nội dung mới được quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP (Nghị định 69). Trong đó, điểm đáng chú ý là, so với quy định hiện hành về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT, ngoài cơ chế thanh toán bằng quỹ đất được kế thừa từ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg, Nghị định 69 quy định bổ sung thêm việc sử dụng một số loại tài sản công khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT. Quang cảnh họp báo Cụ thể các tài sản công được sử dụng để thanh toán bao gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cũng theo ông Thịnh có 6 nguyên tắc sử dụng tài sản công thanh toán Dự án BT gồm: Thứ nhất, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải đảm bảo: Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng; việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Thứ hai, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị Dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Theo đó: Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; giá trị Dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu. Thứ ba, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Thứ tư, thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc là thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư; thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư. Thứ năm, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ chấm dứt kể từ thời điểmcơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho nhà đầu tư. Thứ sáu, việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT được thực hiện sau khi Dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng. La Giang

VCCA - 2019: Công bố các kết quả nghiên cứu, công nghệ, sản phẩm mới nhất ngành tự động hóa

TĐKT - Sáng 16/8, tại Hà Nội, Hội Tự động hóa Việt Nam - VAA chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) tổ chức họp báo Hội nghị khoa học và triển lãm quốc tế lần thứ 5 về điều khiển và tự động hóa (VCCA - 2019) với chủ đề “Tự động hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 4/9 - 7/9 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam phát biểu tại họp báo TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết: VCCA được tổ chức 2 năm một lần, là sự kiện quan trọng của lĩnh vực tự động hóa - một lĩnh vực công nghệ cao có vai trò quyết định trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là dịp hội ngộ của các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và quốc tế về tự động hóa, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tự động hóa, để công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất, những công nghệ và sản phẩm mới nhất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. VCCA - 2019 diễn ra với 3 hoạt động chính: Hội nghị khoa học, triển lãm quốc tế và diễn đàn doanh nghiệp nhằm kết nối và khai thác có hiệu quả sự liên kết giữa 3 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp. Hội nghị khoa học là diễn đàn dành cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế, công bố những nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực tự động hóa, đo lường, điều khiển, trí tuệ nhân tạo, điện tử và số hóa… Hiện đã có 145 báo cáo nghiên cứu khoa học của 350 tác giả Việt Nam và các nhà khoa học quốc tế đến từ Nhật Bản, Thụy Sĩ, Hàn Quốc… được trình bày tại 13 tiểu ban chuyên môn. Đặc biệt, có nhiều báo cáo đề cập đến một số lĩnh vực đang được quan tâm: Điều khiển động cơ máy điện, truyền động điện, điện tử công suất, điều khiển hệ thống năng lượng, Robot công nghiệp, xe điện tự hành…. Theo GS.TSKH. Nguyễn Phùng Quang, Trưởng ban Chương trình, Hội nghị khoa học lần này chú trọng đến mặt chất lượng. Các báo cáo được xét duyệt và phản biện bởi Hội đồng khoa học gồm 57 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia đầu ngành thuộc các trường đại học và viện nghiên cứu lớn trong cả nước. Ấn phẩm của Hội nghị gồm Conference Booklet theo mẫu Hội nghị Quốc tế IEEE và USB Proceedings với chỉ số ISBN 978-604-95-0875-2 do Bộ TT-TT cấp. Nhân sự kiện này Tạp chí Tự động hóa ngày nay cũng cho ra mắt bộ sách Tuyển tập các công trình khoa học công bố trên Chuyên san Đo lường, Điều khiển và Tự động hóa giai đoạn 2004 - 2018 gồm 3 tập dày hơn 1000 trang. Hội nghị cũng sẽ trao giải và Giấy chứng nhận cho tác giả công trình nghiên cứu khoa học tốt nhất “Best Paper” của VCCA 2019. Các báo cáo khoa học có chất lượng sẽ được đăng trong Chuyên san Đo lường, Điều khiển và Tự động hóa và được tính điểm công trình. Bên lề Hội thảo, các gian hàng trưng bày triển lãm sẽ tập trung vào các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ cao trong lĩnh vực chiếu sáng thông minh, nông nghiệp thông minh, tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới, ô tô - xe máy điện, tự động hóa trong các ngành công nghiệp phụ trợ… Đến nay đã có gần 200 gian hàng của hàng trăm công ty trong nước và ngoài nước đã đăng ký như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình triển lãm năm nay, Ban tổ chức dành phần diện tích khoảng 45 m2 để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ độc lập, đam mê nghiên cứu khoa học, có sản phẩm ứng dụng thực tiễn tốt và đang mong muốn thương mại hóa sản phẩm, hoặc có mục tiêu khởi nghiệp nhưng hạn chế về tài chính, về kênh kết nối thông tin.  Diễn đàn Doanh nghiệp và ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 diễn ra vào ngày 5 - 6/9 sẽ tập trung vào các nội dung: Chuyển đổi số trong nền kinh tế, tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, giám sát biến đổi khí hậu, logistic và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là nơi giao lưu, trao đổi, liên kết hợp tác giữa các doanh nhân trong nước và quốc tế, mở rộng lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham gia của các vị đại diện của nhiều Đại sứ quán, Tham tán thương mại như Nhật Bản, Hy Lạp, Bulgari, Ukraina… Các tham luận trong Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ được trình bày tại 4 tiểu ban với các nội dung chính: Chuyển đổi kỹ thuật số trong công nghiệp; tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo; thành phố thông minh (kết nối tòa nhà, vận tải và bán lẻ). Phương Thanh  

Công bố hợp tác chiến lược giữa Bộ Công thương và Tập đoàn Google

TĐKT - Ngày 15/8, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Tập đoàn Google chính thức công bố hợp tác chiến lược để mở rộng chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0”. Lãnh đạo Bộ Công thương và Tập đoàn Google cắt băng khai trương Digital Bus (Xe buýt kỹ thuật số) – chuyến xe đào tạo lưu động tại Việt Nam “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0” là một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khoá đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 3 năm. Chương trình được khởi động tại Việt Nam vào tháng 6/2018 và đã tổ chức các khóa đào tạo cho gần 85.000 người hoạt động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) với 24 mô hình đào tạo tại 6 trung tâm đào tạo ở các thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt và Hải Phòng. Chương trình nhận được giải thưởng Vietnam Digital Award năm 2018 và một giải Global CSR Award (Giải thưởng xuất sắc cho việc cung cấp kiến thức và giáo dục) năm 2019. Tại sự kiện, Google đã công bố các chương trình bổ sung để tiếp cận nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, giúp họ truy cập các khóa đào tạo kỹ thuật số một cách dễ dàng và tiện lợi hơn. Digital Bus (Xe buýt kỹ thuật số) là chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đi đến 59 tỉnh của Việt Nam trong vòng 18 tháng (từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2020), để cung cấp khóa đào tạo cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng Primer của Google sẽ giúp người dùng học các kỹ năng mới về tiếp thị kỹ thuật số và kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Primer hoạt động ngay cả khi không có mạng Internet (offline), vì vậy người dùng có thể học cách lập kế hoạch kinh doanh, quản lý, bán hàng, quảng cáo kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội, tiếp thị nội dung, phân tích, xây dựng thương hiệu... bất cứ khi nào bạn có 5 phút rảnh rỗi - mọi lúc, mọi nơi. Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết: Bộ Công thương xác định rõ vai trò của việc xây dựng tầm nhìn chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là vô cùng quan trọng. Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực này không chỉ trong hệ thống đào tạo chính quy, còn dựa vào đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, đa dạng hóa hình thức đào tạo... Nền kinh tế Việt Nam với quy mô trên 700.000 doanh nghiệp, cùng với đó là hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số cho khối này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của nhiều nguồn lực của xã hội. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng hoan nghênh sáng kiến của Google trong việc hợp tác triển khai Chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 và khẳng định chương trình có ý nghĩa góp phần giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số. Với sự đầu tư nghiêm túc của Google và sự vào cuộc của Bộ Công thương, chương trình sẽ mang lại nhiều hiệu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Phương Thanh

Trang