Thúc đẩy thị trường khí tại Việt Nam phát triển bền vững
12/09/2019 - 14:39

TĐKT - Sáng 12/9, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức Hội thảo "Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam".

Toàn cảnh Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035"; Nghị định số 87/2018/NQ-CP ngày 15/6/2018 về kinh doanh khí đã cho thấy ngành công nghiệp khí là một trong những nhóm ngành giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những thành tựu nổi bật, ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ. Thị trường khí tại Việt Nam trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới.

Tại Hội thảo, các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí đã cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, những rào cản thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ đó, từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững trong tương lai nhằm phát huy hết tiềm năng phát triển thị trường khí của Việt Nam.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trước nước, Bộ Công thương chia sẻ: Thị trường khí thiên nhiên tại Việt Nam đã được hình thành và phát triển phân theo khu vực tại Tiền Hải, ở miền Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Giai đoạn 2000 - 2010, tốc độ tăng trưởng nhu cầu ở mức cao, bình quân 20%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 10%, quy mô thị trường gần 10 tỷ m3/năm và duy trì đến nay. Phần lớn các phát hiện khí của Việt Nam được tìm thấy ở thềm lục địa phía Nam và sản lượng khí khai thác chiếm hầu như toàn bộ thị trường.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam, cần tập trung xây dựng theo hướng: Thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí; quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí; có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả.

Phương Thanh