Kinh tế

Vinatex nỗ lực cung ứng khẩu trang kháng khuẩn phòng, chống dịch bệnh

TĐKT - Thực hiện lời kêu gọi của Ban chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y Tế về phòng, chống dịch do Covid-19, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã khẩn trương vào cuộc, sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phục vụ nhân dân ngay sau dịp Tết Nguyên đán. Từ ngày 3-16/2/2020, Vinatex đã cung cấp ra thị trường khoảng 750.000 khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn và mỗi ngày sản xuất 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng 1 lần (tương ứng khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang 1 ngày). Với sự chung sức, đồng lòng của các đơn vị thành viên, số lượng khẩu trang được Vinatex cung ứng ra thị trường ngày càng lớn dần lên, đáp ứng được cho nhiều người tiêu dùng hơn với số lượng hạn định 5 chiếc/lần mua, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Công ty Dệt Kim Đông Xuân phấn đấu mỗi ngày cung ứng ra thị trường trên 200.000 khẩu trang kháng khuẩn Sau 1 thời gian nỗ lực nâng cao năng suất, đến nay Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân (Dệt Kim Đông Xuân) phấn đấu mỗi ngày cung ứng ra thị trường trên 200.000 khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn, có thể bảo lưu được tính kháng khuẩn sau nhiều lần giặt. Đây là loại vải kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản, vật liệu mềm mại, tạo sự thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng. Từ khi ra mắt thị trường, Dệt Kim Đông Xuân cam kết bán bằng giá thành (đã bao gồm VAT) là 7.000đ/chiếc, không tăng giá trong mọi hoàn cảnh và giữ nguyên chất lượng. Thực hiện hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y Tế qua các phương tiện thông tin đại chúng, khẩu trang do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất sẽ được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng đến từ các tổ chức lớn các tỉnh, thành trong cả nước và họ có trách nhiệm phân phối đúng đối tượng có nguy cơ cao, ưu tiên sử dụng khẩu trang trước, như y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học… Chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ. Tại 5 điểm bán lẻ của Vinatex trên thị trường Hà Nội, mỗi ngày cung ứng từ 3.000 - 6.000 khẩu trang, chỉ bán cho mỗi khách 5 chiếc, để đảm bảo trung bình mỗi ngày có 600 - 1.200 khách có thể mua được hàng. Trong những ngày tới, lượng hàng tiếp tục được cung ứng nên khách hàng có thể bình tĩnh đợi đến lượt mình mua hàng, không nên tích trữ, để dành cơ hội mua hàng cho những người khác. Thực hiện công tác thiện nguyện, tính đến nay Vinatex và các đơn vị thành viên đã trao tặng 150.000 khẩu trang kháng khuẩn, trong đó: Lực lượng Bộ đội biên phòng 5.000 chiếc; tỉnh Vĩnh Phúc 5.000; tỉnh Thái Nguyên 2.000; May 10 phát miễn phí 50.000 chiếc cho người dân trước cổng Tổng Công ty, Dệt May Huế tặng 70.000 chiếc cho người dân trên địa bàn... Vinatex cũng đã trao tặng khẩu trang đến 1 số trường học, bệnh viện tại Hà Nội. Hiện nay, TCT Đức Giang đang sản xuất 206.000 chiếc (vải do 1 đơn vị tại Thái Bình tặng) và sẽ cung ứng miễn phí cho người dân tại Thái Bình… Ngoài ra, các đơn vị thành viên khác của Tập đoàn cũng đang sản xuất khẩu trang miễn phí để cung ứng tại địa bàn nơi doanh nghiệp trú đóng như Dệt May Hòa Thọ, Tổng công ty Cổ phần (TCT CP) Dệt May Hà Nội, TCT May Hưng Yên – CTCP… Về công tác kiểm tra và công bố kết quả xét nghiệm vải dệt kim kháng khuẩn, Viện nghiên cứu Dệt May Việt Nam cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu vải vừa được Tập đoàn Dệt May đưa vào sử dụng để may khẩu trang đáp ứng được cả tiêu chuẩn khắt khe nhất của các nhà dệt may và dệt nhuộm Mỹ. Như vậy, để đạt kết quả theo tiêu chuẩn của các nhà dệt may và dệt nhuộm Hoa Kỳ, phải mất 4 ngày thực hiện quy trình phun kháng khuẩn, và các loại vải dùng để sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn hiện nay theo kết quả công bố có tính kháng khuẩn gấp 100 lần so với các loại vải thông thường. Trong tuần từ 17 - 24/02/2020, số lượng khẩu trang được sản xuất sẽ được nâng cao do sự tham gia và tăng năng lực sản xuất khẩu trang của các đơn vị như May Nam Định, May Nhà Bè, May Hồ Gươm, Dệt May Huế… và do năng suất may khẩu trang được nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất. Sở dĩ trong hai tuần vừa qua, số lượng khẩu trang hợp chuẩn ở tình trạng cung không đủ cầu vì khẩu trang không phải là mặt hàng Vinatex chuyên sản xuất, do đó khâu chuẩn bị sản xuất phải mất từ 3-5 ngày. Thêm vào đó, trong những ngày đầu sản xuất, Dệt Kim Đông Xuân và các đơn vị thành viên khác chỉ đạt chừng 1/6 công suất và đến ngày 10/02/2020 mới có thể đạt tối đa công suất (mỗi công nhân may được 400 khẩu trang/ngày). Ngoài việc sản xuất khẩu trang, Dệt Kim Đông Xuân cũng khẩn trương sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn với công suất dự kiến là 10 - 12 tấn/ngày. Tuy nhiên, công đoạn xử lý chất kháng khuẩn sẽ tốn thời gian và khó có thể làm nhanh. Vải sau sản xuất và xử lý kháng khuẩn sẽ được chuyển tới các đơn vị miền Bắc và miền Trung trong hệ thống doanh nghiệp may của Vinatex để sản xuất phục vụ nhân dân trong vùng. Đồng thời, Dệt Kim Đông Xuân cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản cho Công ty CP Dệt Kim Đông Phương với công suất 10 tấn/ngày để cung ứng vải cho các đơn vị may phía Nam. Đây là loại vải dệt kim kháng khuẩn sử dụng cho trẻ sơ sinh và trong bệnh viện mà Dệt Kim Đông Xuân đã hợp tác sản xuất cho Nhật Bản 30 năm qua. Như vậy, tổng sản lượng sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn của Dệt Kim Đông Xuân và Dệt Kim Đông Phương tuần qua đã đạt gần 20 - 24 tấn/ngày. Thực tế, các đơn vị may trong Tập đoàn không chuyên may mặt hàng khẩu trang, và cũng đang kín các đơn hàng xuất khẩu, nên với trách nhiệm xã hội, các đơn vị được Tập đoàn Dệt May Việt Nam phân công may khẩu trang phải thương lượng với bạn hàng để giãn tiến độ giao hàng, dành thời gian may khẩu trang phục vụ nhân dân trong đợt dịch Covid-19 này. Trong tình trạng nhu cầu đơn hàng khẩu trang tăng đột biến lên gấp hàng trăm lần, các đơn vị sẽ không thể đáp ứng ngay lập tức được. Trong tuần tới, tình trạng khan hàng ra thị trường cũng chưa thể giải quyết hoàn toàn, tuy nhiên sẽ có cải thiện do những nỗ lực cao nhất của các doanh nghiệp trong Vinatex, sẵn sàng sản xuất cả trong ngày nghỉ cuối tuần để vừa phục vụ nhân dân vừa đảm bảo đơn hàng xuất khẩu. Dự kiến, tính đến hết tháng 2/2020, toàn Tập đoàn sẽ cung ứng ra thị trường 5,5 – 6 triệu sản phẩm khẩu trang sử dụng vải kháng khuẩn, cũng như cung ứng mỗi ngày 10 tấn vải không dệt để các đơn vị may khẩu trang y tế. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do đó công tác sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường vẫn phải được ưu tiên trong các đơn vị của Vinatex. Mỗi đơn vị sẽ tổ chức một vài chuyền sản xuất riêng khẩu trang để tăng năng lực sản xuất hơn nữa. Riêng trong tháng 3/2020, tổng số lượng khẩu trang Vinatex và các đơn vị thành viên cung ứng ra thị trường có thể tăng lên tới gần 12 triệu chiếc. Minh Phương  

Tổng kết và bàn giao Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”

TĐKT - Ngày 14/2, tại Trung tâm Thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc (17 Yết Kiêu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra Lễ tổng kết và bàn giao kết quả Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”, được thực hiện trong 3 năm từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2020.  Dự án được thực hiện với sự hợp tác và tài trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP), Tập đoàn Megazone (doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc), công ty K.O.A hỗ trợ phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu và GCS (tổ chức phi chính phủ) đảm nhận vai trò quản lý hành chính, kết quả Dự án. Lễ ký kết bàn giao tổng thể Dự án Đây là Dự án được triển khai với mục tiêu: Nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ phát triển xuất khẩu thông qua phát triển kênh thương mại điện tử và hỗ trợ tư vấn về thiết kế cho các doanh nghiệp thông qua các hoạt động của Trung tâm Thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc (VKDC). Thông qua Dự án, các đơn vị hưởng lợi gồm doanh nghiệp, các nhà thiết kế, các nhà quản lý, đội ngũ marketing, bán hàng của các doanh nghiệp… đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng trong cải tiến, đổi mới kênh bán hàng thông qua thương mại điện tử và nâng cao năng lực về thiết kế và phát triển sản phẩm, mở rộng xuất khẩu đối với các sản phẩm thủ công nghiệp nói riêng và sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Tại sự kiện, ông Kim Jinoh - Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE) cùng đại diện các bên liên quan của Dự án đã tham dự, phát biểu tổng kết dự án và trao đổi về kế hoạch hoạt động sau khi kết thúc Dự án. Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, ông Kim Jinoh, kỳ vọng rằng với những kết quả đạt được từ Dự án này, ngành thiết kế Việt Nam trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Dự án là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực kinh tế, xúc tiến thương mại. Từ những kết quả mang tính thực tiễn của Dự án, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện các hoạt động tiếp nối, nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời góp phần đẩy mạnh kết nối giao lưu, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Tại Lễ tổng kết và bàn giao, hai kết quả quan trọng của Dự án là Trung tâm Thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc (VKDC) và trang thương mại điện tử hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm thủ công nghiệp Việt Nam “www.suatree.com” đã được chuyển giao cho Cục Xúc tiến thương mại. Sau khi tiếp nhận, Cục Xúc tiến thương mại sẽ có kế hoạch vận hành bền vững nhằm phát triển ngành thiết kế Việt Nam, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm tiêu biểu mang thương hiệu Việt. Mai Thảo  

Ra mắt ứng dụng Mạng xã hội du lịch Astra

TĐKT -  Lễ ra mắt ứng dụng Mạng xã hội du lịch Astra và nền tảng lưu trữ phi tập trung S-Data diễn ra tối 14/2, tại Hà Nội. Giá trị nổi bật nhất giúp phân biệt Astra với vô số các nền tảng công nghệ đang hoạt động hiện nay có thể được tóm tắt trong những tính năng nổi bật: Công cụ Proof of Trust (công cụ giúp đo lường mức độ xác thực của thông tin và hạn chế tối đa các nội dung ảo, giả mạo, sai lệch). Công cụ Proof of Ratings (công cụ đo lường giá trị của các nội dung mà người dùng đăng tải để trả điểm thưởng tương xứng. Số điểm được quy đổi ra voucher, sản phẩm du lịch). Astra tích hợp những app tiện ích trên các tab để người dùng dễ dàng thao tác chọn các dịch vụ và đăng bài trải nghiệm đánh giá về chất lượng dịch vụ cũng như giải quyết cơn khát thông tin chân thực và cơ chế trả thưởng giúp khuyến khích người dùng xây dựng các nội dung review lành mạnh, hấp dẫn. Astra xây dựng một cộng đồng của những người yêu và có mong muốn tìm hiểu về du lịch, nơi các thông tin đã được kiểm chứng, giàu tính tin cậy và các trải nghiệm phong phú được trao đổi, từ đó truyền cảm hứng xê dịch. Ngoài ra, ứng dụng có tính năng tạo lịch trình chuyến đi cho cá nhân hay đội nhóm và tìm kiếm người đồng hành cùng trước và trong hành trình, tính năng tìm kiếm bạn xung quanh, tính năng lưu giữ lịch trình theo thời gian để tạo album mỗi chuyến đi làm thoả mãn người dùng. Astra được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng kết nối công dân toàn cầu thông qua văn hóa đặc trưng của từng quốc gia, ở đó, mỗi thành viên đều là một sứ giả quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá, con người quê hương họ. Lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa diễn viên, doanh nhân Quốc Trường và ứng dụng Mạng xã hội du Lịch Astra – Nền tảng lưu trữ dữ liệu phi tập trung S-Data. Ngay từ khi khởi động, Mạng xã hội Du lịch Astra đã được đánh giá là một trong các dự án rất được kỳ vọng, giúp khai mở mạnh mẽ tiềm năng của ngành du lịch trong nước. Astra định hướng là một mạng xã hội chuyên về du lịch, đi vào khai thác thị trường ngách du lịch thế giới, nơi mà người dùng vừa có thể kết nối, tương tác, vừa thoải mái chia sẻ các trải nghiệm, địa điểm, nhà hàng, ẩm thực… đánh giá xác thực các dịch vụ du lịch để nhận về điểm thưởng có giá trị quy đổi thành nhiều ưu đãi hấp dẫn, vừa tích lũy được các kinh nghiệm du lịch đồng thời phản hồi với nhà cung cấp dịch vụ du lịch để góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ. Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng có thể tận dụng Mạng xã hội du lịch Astra như một kênh media marketing hiệu quả, không chỉ giúp tiếp cận chính xác nhóm đối tượng mục tiêu mà còn giảm thiểu chi phí và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. Mô hình hoạt động của Astra được thiết kế để thích ứng với sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành du lịch trong thời đại công nghệ 4.0. và hứa hẹn mang đến những giá trị to lớn cho cộng đồng. Ngày 6/1/2020 vừa qua, Astra Network đã cho ra mắt ứng dụng Mạng xã hội du lịch Astra phiên bản Closed Beta cho 500 người dùng thử và ra mắt phiên bản Open Beta vào ngày 14/2/2020. Phiên bản lần này sẽ đem đến cho người dùng những trải nghiệm cực kỳ thú vị khi trở thành một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào cộng đồng yêu du lịch và đầy sôi động của Astra, thử nghiệm các tính năng xây dựng nội dung, chia sẻ review, tương tác với những người dùng khác và đặc biệt là tích lũy điểm thưởng. Không chỉ vậy, phiên bản Open Beta của Mạng xã hội du lịch Astra còn đem đến những tính năng nổi bật, độc đáo khác như tính năng theo dõi các điểm đến hiện đang là xu hướng du lịch hấp dẫn, tính năng “vinh danh” những người dùng nổi bật nhất trong cộng đồng Astra. Cùng chung định hướng “vì cộng đồng” với Mạng xã hội du lịch Astra, nền tảng lưu trữ dữ liệu phi tập trung S-Data ra đời, hứa hẹn ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và biến chúng thành các tiện ích tuyệt vời hơn cho cuộc sống. Trong bối cảnh nhu cầu lưu trữ dữ liệu của người dùng toàn cầu đang ngày càng lớn nhưng các nền tảng lưu trữ cloud hiện nay lại đang gặp phải rất nhiều các lỗ hổng như kém bảo mật, bị kiểm soát thông tin, bị phụ thuộc vào máy chủ, chi phí lớn...,  dự án S-Data được triển khai chính là giải pháp giúp tái thiết ngành công nghiệp lưu trữ dữ liệu. Nếu dữ liệu đang được lưu trữ trên cloud chuyển đổi sang lưu trữ trên blockchain với S-Data sẽ an toàn hơn, bảo mật hơn, chi phí lưu trữ rẻ hơn 5-10 lần so với lưu trữ dữ liệu hiện nay. Với các ưu điểm như tính phi tập trung giúp khôi phục dữ liệu khi gặp sự cố, tính khử trùng lặp giúp tiết kiệm không gian lưu trữ, tính bảo mật cao, tốc độ truy cập nhanh và khả năng tương thức tốt với hầu hết các giao thức truyền tải và các dạng dữ liệu; S-Data cung cấp giải pháp về dữ liệu mạnh mẽ và toàn diện, hầu hết tất cả các lĩnh vực đều có thể sử dụng S-Data để lưu trữ dữ liệu, bao gồm thương mại điện tử, giải trí, camera, y tế, tài chính ngân hàng và đặc biệt là du lịch. Mạng xã hội du lịch Astra sẽ là ứng dụng đầu tiên lưu trữ dữ liệu hình ảnh, video, điểm thưởng trên S-Data. Mặc dù sở hữu khả năng vận hành và lưu trữ ấn tượng nhưng giá lưu trữ khởi điểm của S-Data chỉ bằng 60% chi phí bình quân thị trường. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ gần 100 nhân sự và chuyên gia, Astra Network, S-Data kỳ vọng có thể hiện thực hóa lộ trình dự kiến trong tương lai của cả hai dự án Mạng xã hội du lịch Astra và Nền tảng lưu trữ phi tập trung S-Data, biến các trải nghiệm công nghệ của người dùng thành những giá trị thực. Phương Thanh - Mai Thảo

Hiệp định EVFTA: Việt Nam cam kết xóa bỏ 99% số dòng thuế nhập khẩu từ EU trong vòng 10 năm

TĐKT - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, Nghị viện châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế. Tỷ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là: 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng Hiệp định EVFTA và EVIPA đã được ký chính thức ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Hiệp định EVFTA gồm nội dung cắt giảm thuế xuất nhập khẩu nên sau khi Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thì có thể thực thi ngay. Về phía EU, 18h30 ngày 12/2/2020 (giờ Việt Nam),  Nghị viện châu Âu đã hoàn tất việc bỏ phiếu với kết quả là 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu không ủng hộ và 40 phiếu trống. Nghị viện châu Âu sẽ ra văn bản thống báo hoàn tất quá trình phê chuẩn và chuyển hồ sơ phê chuẩn trở lại Hội đồng Liên minh châu Âu để hoàn tất các thủ tục cuối cùng. Về phía Việt Nam, các cơ quan đang triển khai các thủ tục để trình Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp tháng 5/2020. Trường hợp Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2020 và 2 bên thông báo cho nhau đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong tháng 6/2020 thì Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Để thực thi nghĩa vụ cam kết thuế của Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định EVFTA áp dụng từ ngày Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam và có lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo đúng cam kết trong Hiệp định. (Lộ trình cam kết thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Hiệp định có thể tham khảo trong trang web sau: http://evfta.moit.gov.vn/) Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam Về biểu thuế nhập khẩu: Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO. Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như sau: ô tô (sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3000 cc cho động cơ xăng và trên 2500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại); linh kiện, phụ tùng ô tô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt lợn đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3-5 năm); cá và các sản phẩm cá (3-7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm);... Về cam kết thuế xuất khẩu: Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)... Hồng Thiết

Tháng 1: Tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước đạt 36,62 tỷ USD

TĐKT - Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 1 năm 2020 sơ bộ đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4 % so với tháng trước và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với tháng 12/2019 và tổng trị giá nhập khẩu đạt 18,42 tỷ USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2019. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020 có mức thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 1/2019. Tháng 1: Tổng giá trị xuất khẩu cả nước đạt 36,62 tỷ USD Về xuất khẩu, mặt hàng dầu thô có kim ngạch trong tháng 1/2020 ước tính 410 nghìn tấn, tăng 26,4% và trị giá 187 triệu USD, tăng 13,8% so với tháng 12/2019. So với tháng 1/2019, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính trong tháng này giảm 16,4% về lượng và trị giá ước tính giảm 19,7%. Xuất khẩu quặng các loại trong tháng 1/2020 ước tính là 180 nghìn tấn, giảm 37,1% và trị giá là 15 triệu USD giảm 1% so với tháng 12/2019. So với tháng 1/2019, lượng quặng xuất khẩu ước tính trong tháng này tăng 35,8% về lượng và trị giá ước tính tăng 46,2%. Về nhập khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong tháng 1/2020 ước tính là 500 nghìn tấn, giảm 28,4% so với tháng trước và trị giá là 260 triệu USD, giảm mạnh tới 32,3%. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 1/2020 ước tính giảm 56,9% về lượng và giảm 65,4% về trị giá so với tháng 1/2019. Nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 1/2020 đạt 3,65 tỷ USD, giảm 15,3% so với tháng trước và giảm 8,5% so với tháng 1/2019. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trong tháng 1/2020 là 3,2 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng trước và tăng 6,8% so với tháng 1/2019. Hồng Thiết  

VNPT khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước hiện tượng lừa đảo cước viễn thông quốc tế

TĐKT - Trong thời gian vừa qua, VNPT đã tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng về việc nhận được các cuộc gọi từ các đầu số nước ngoài như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226). Thực chất đây là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài đến thuê bao VinaPhone, bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn. Tổng đài VinaPhone 18001091 tiếp nhận phản ánh từ khách hàng Khi phát hiện ra tình trạng này, VNPT đã chủ động phân loại và chặn các cuộc gọi đến từ các các đầu số quốc tế có dấu hiệu lừa đảo để ngăn chặn các hiện tượng trên, giữ an toàn cho khách hàng. Đồng thời VNPT cũng thông báo rộng rãi tới khách hàng qua các kênh truyền thông như website, tổng đài chăm sóc khách hàng... Để tránh thiệt hại cho khách hàng VNPT khuyến cáo: Quý khách hàng nên cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ các đầu số lạ quốc tế gọi hoặc nháy máy, nhắn tin vào số điện thoại của mình. Đặc biệt vào các thời điểm buổi tối hoặc trong thời gian nửa đêm về sáng khi khách hàng còn ngái ngủ hoặc tưởng người thân gọi về Việt Nam có chuyện cần gấp. Hầu hết các cuộc gọi được thực hiện với thời lượng vài giây rồi tắt máy. Nếu khách hàng gọi lại cho các số điện thoại lạ và khi cuộc gọi được kết nối thành công, người nghe chỉ nghe thấy những âm thanh được cài đặt sẵn, sau đó tài khoản của họ sẽ lập tức bị trừ những khoản tiền rất lớn. Để bảo vệ quyền lợi và tránh thiệt hại không đáng có, VNPT xin cung cấp cho quý khách một số dấu hiệu nhận biết cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo và biện pháp phòng tránh:  Thứ nhất, các cuộc gọi, tin nhắn Quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu. Hai số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam). Thứ hai, các cuộc gọi này xuất hiện hiện dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối thời lượng rất ngắn có nội dung thông báo yêu cầu khách hàng gọi lại. Với tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại. Thứ ba, khách hàng không thực hiện gọi lại những số máy xuất hiện ở những cuộc gọi nhỡ, gọi đến, tin nhắn có dấu hiện như trên. Chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài. Thứ tư, các ứng dụng có tính năng thực hiện cuộc gọi thông thường có thông báo mời khách hàng lựa chọn giữa cuộc gọi có tính phí và cuộc gọi không tính phí. Do vậy khi thực hiện cuộc gọi bằng các ứng dụng này, quý khách hàng lưu ý kiểm tra kỹ hình thức thực hiện cuộc gọi đang sử dụng, tránh phát sinh cước ngoài ý muốn. Khi có hiện tượng như trên, khách hàng vui lòng phản ánh về tổng đài 18001091 của VNPT để kịp thời giải quyết. Hồng Thiết  

Xây dựng thương hiệu 4.0 - Câu chuyện từ thương hiệu Việt

TĐKT - Những thương hiệu lớn, lừng lẫy trên thị trường rồi sau đó đi xuống, dần bị lãng quên không phải là câu chuyện hiếm trong thời đại 4.0 ngày nay, mà nguyên nhân chính xoay quanh sự chậm trễ trong thay đổi và thích ứng với thị trường. Đó là những Kodak trong đế chế máy ảnh, Nokia từng độc tôn trong lĩnh vực điện thoại hay "gã khổng lồ" Yahoo giờ đây chỉ còn là miền ký ức. Xây dựng được một thương hiệu uy tín đã khó, nhưng giữ được vị thế trong suốt thời gian dài lại càng khó hơn. Xây dựng thương hiệu Việt trong kỷ nguyên 4.0 Những bước chuyển mình của VNPT Nếu như trước đây, các thương hiệu theo triết lý Brand 1.0, 2.0, 3.0 tập trung truyền thông đến lý tính trải nghiệm, đến cảm xúc và trải nghiệm của người dùng, thì với triết lý Branding 4.0, các thương hiệu trở thành các hạt nhân kết nối, mỗi cá nhân đều là một nhà xuất bản, một thương hiệu cá nhân và kết nối với thương hiệu thông qua trải nghiệm số. Đi lên từ truyền thống ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam, VNPT đang muốn kể một câu chuyện tự hào cho thương hiệu 4.0 của người Việt. Thương hiệu VNPT hẳn vẫn còn in sâu trong ký ức nhiều người. Từ những con tem dán trên bì thư, hàng dài người xếp hàng chờ tại bưu điện để gọi một cuộc điện thoại, VNPT trong thời đại 4.0 ngày nay ngày càng gia tăng vị thế và liên tục nằm top đầu trong các bảng xếp hạng thương hiệu uy tín toàn cầu như Brand Finace, Forbes. Với diện mạo mới của một thương hiệu số, tiên phong trong cuộc cách mạng chuyển đổi số tại Việt Nam, VNPT đã có một hành trình dài để chuyển đổi và thích ứng. Ngay từ đầu năm 2014, nhận thấy thị trường viễn thông trong nước cũng như quốc tế có dấu hiệu bão hòa đối với các dịch vụ cơ bản, cùng với đó, hoạt động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông ngày càng trở nên khốc liệt, VNPT đã ngay lập tức đưa ra các chiến lược chuyển đổi nhằm bước ra khỏi “vòng xoáy” suy thoái. Cũng bắt đầu từ giai đoạn này, VNPT tiến hành tái cơ cấu theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với quyết tâm cao và định hướng đúng đắn, VNPT đã tái cơ cấu thành công và thay đổi toàn diện ở một số mặt quan trọng như mô hình tổ chức - nhân lực, quản trị chiến lược, quản trị kinh doanh, cơ chế kinh tế, cải cách hạ tầng - quản trị mạng lưới và chuyển đổi số. Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long Để hiện thực hóa chiến lược, VNPT đã xây dựng giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng dịch vụ số mà VNPT đang xây dựng như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, Chính phủ điện tử, tích hợp đô thị thông minh, IoT… Kể từ đó, VNPT đã từng bước khẳng định vị thế vững chắc là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ CNTT trọng yếu và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của đất nước, bằng một loạt các sản phẩm có dấu ấn rõ nét, cùng các giải thưởng quốc tế minh chứng cho sự chuyển đổi đúng đắn và kịp thời của Tập đoàn trong 5 năm qua. Tháng 10/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia của VNPT được vinh danh giải Vàng Stevie Awards- giải thương kinh doanh quốc tế uy tín nhất. Giải pháp được đánh giá hiệu quả để giải quyết vấn đề kết nối các phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương, giúp tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng cho Nhà nước và mang lại trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cho người dân. VNPT cũng nhận định Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là nền tảng hình thành Chính phủ điều hành không giấy tờ, hướng tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử, xã hội số và nền kinh tế số. Tháng 12/2019, Thủ tướng chính thức nhấn nút khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, VNPT đóng vai trò đơn vị phát triển và vận hành hệ thống. 8 nhóm thủ tục được đưa lên cổng gồm đổi giấy phép lái xe; cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử với doanh nghiệp; cấp mới điện hạ áp và trung áp; thanh toán tiền điện, giúp tiết kiệm 4.200 tỷ đồng trong năm 2020 (theo số liệu của Văn phòng Chính phủ). Trải nghiệm khách hàng là bảng xếp hạng giá trị nhất Để đánh giá thành công và giá trị của một thương hiệu, có rất nhiều các bảng xếp hạng và giải thưởng được lập ra, ít nhiều trong đó đều mang tính chủ quan từ nhìn nhận của các chuyên gia, tổ chức. Nhưng với VNPT, bảng xếp hạng và đánh giá uy tín nhận đến từ trải nghiệm của người dùng. Trong năm 2019, VNPT lần lượt được công nhận là đơn vị có "Tốc độ internet số một Việt Nam" và "Tốc độ 3G/4G số một Việt Nam". Đánh giá trên được Speedtest (tổ chức đo kiểm hàng đầu thế giới) đưa ra từ trải nghiệm của hơn 5 triệu người dùng internet tại Việt Nam trong năm 2019. Toàn cảnh Việt Nam về đêm với mạng lưới 4.0 "Dữ liệu Speedtest tổng hợp từ hàng triệu thử nghiệm được thực hiện bởi người dùng internet trên nền tảng mobile và web tại Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam đều có mặt trong hệ thống đo lường dữ liệu Speedtest với các mẫu thử được tiến hành trên toàn quốc", ông Doug Suttles, CEO của Ookla (tổ chức đo kiểm hàng đầu thế giới Speedtest) nói. "Chúng tôi có thể khẳng định rằng dữ liệu Speedtest hoàn toàn đủ khách quan và đáng tin cậy cho chứng nhận nhà cung cấp dịch vụ internet nhanh nhất Việt Nam". Theo đại diện VNPT, chất lượng dịch vụ vẫn là yếu tố tiên quyết, đây cũng là cách để VNPT đã chiếm trọn spotlight trong tâm trí người dùng trong suốt quá trình phát triển. Người dùng là trung tâm kết nối của Hệ sinh thái số VNPT 4.0 Với đích ngắm là thương hiệu 4.0, triết lý thương hiệu của VNPT tập trung vào trải nghiệm khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm, thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ. "Công nghệ dù phát triển đến đâu, cái đích cuối cùng vẫn hướng đến là trải nghiệm của người dùng", lãnh đạo VNPT cho biết. "Người dùng thời đại 4.0 có hành vi và tư duy đa dạng, sống dựa trên internet và hành vi đa phần đều trên môi trường online. Thấu hiểu khách hàng trong thời đại số sẽ là chìa khóa mang lại sự gắn kết giữa khách hàng và thương hiệu". Từ triết lý đó, VNPT đã phát triển hệ sinh thái ứng dụng trên môi trường số đa dạng, từ app self-care My VNPT giúp khách hàng có thể tra cứu thông tin, đăng ký sản phẩm tùy biến theo nhu cầu sử dụng nhờ ứng dụng công nghệ AI, đến các ứng dụng chăm sóc khách hàng như VinaPhone Plus giúp mang đến những ưu đãi hấp dẫn trên nền tảng số. Để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm nội dung số của người dùng Việt ngày một gia tăng, tháng 11 vừa qua, VNPT hợp tác với đế chế giải trí lớn nhất thế giới Walt Disney để cung cấp kho nội dung số hấp dẫn như Frozen, Marvel hay Star Wars, bao gồm các trò chơi, truyện điện tử , hình nền. Trong hợp tác này, VNPT đóng vai trò cung cấp nền tảng, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng số. "Tôi rất vui mừng với hợp tác giữa Walt Disney và VNPT. Tại Walt Disney, chúng tôi vinh dự có thể mang đến những câu chuyện và nhân vật được yêu thích nhất từ các thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, Disney, Marvel và Star Wars", ông Je Apilio, Giám đốc kinh doanh Walt Disney khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi nói. Theo VNPT, Tập đoàn đang dần hình thành một hệ sinh thái số, trong đó lấy người dùng làm trung tâm. Sản phẩm và hệ sinh thái của VNPT sẽ xoay quanh trải nghiệm và hành trình số của khách hàng. Đây cũng chính là chiếc chìa khóa để vị trí của VNPT luôn ở trong tâm trí người dùng tại Việt Nam. Hồng Thiết

Điều chỉnh mức giá bán lẻ xe ga điện eSh

TĐKT - Công ty cổ phần xe điện PEGA LIT vừa thông báo điều chỉnh mức giá bán lẻ xe ga điện eSh từ 29.900.000 đ thành 32.900.000 đ. PEGA đã cho ra mắt siêu phẩm xe ga điện PEGA eSh 2020  vào ngày 11/1/2020 Xe ga điện eSh ra mắt ngày 11/1/2020 với mức giá được công bố là 29.900.000 đ và ưu đãi còn 27.900.000 đ khi đặt cọc trước. Vì chi phí sản xuất và linh kiện tăng mạnh, nên sau khoảng thời gian cân đối, Pega quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ xe ga điện eSh từ 29.900.000 đ thành 32.900.000 đ. Tuy nhiên, để giữ lời hứa với khách hàng, Pega chấp nhận chịu lỗ, vẫn sẽ áp dụng mức giá 27.900.000 đ cho khách đặt cọc trước, từ thời điểm hiện tại cho đến hết 29/2/2020 hoặc hết 1000 xe đầu tiên. Đây là ưu đãi lớn dành cho những khách hàng đầu tiên sở hữu xe ga điện eSh, vì sẽ không có mức giá nào tốt hơn khoảng thời gian trên. Giá xe ga điện eSh này được áp dụng tại hệ thống phân phối của Pega trên lãnh thổ Việt Nam; gồm: Hệ thống showroom và chuỗi đại lý, tổng đại lý, nhà phân phối. Phương Thanh

Trang Hồ Điệp – Thương hiệu hoa lan uy tín, chất lượng

TĐKT - Tết càng đến gần, thị trường hoa tươi, cây cảnh ở Thủ đô càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tại chuỗi cửa hàng hoa lan mang thương hiệu Trang Hồ Điệp ở Hà Nội trong những ngày giáp Tết, luôn tấp nập khách ra vào. Cửa hàng lan Hồ điệp tọa lạc ở 1 Hoàng Đạo Thúy khi đã quá trưa, nhưng cả quản lý và nhân viên ở đây vẫn luôn tay, luôn chân đón tiếp và tư vấn cho khách vào thăm gian hàng. Các cơ sở hoa lan Trang Hồ Điệp ở Hà Nội liên tục giao đi những chậu hoa lan chất lượng cho khách hàng Chị Hà Phương, quản lý cửa hàng chia sẻ: Gần chục năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của xã hội, hoa lan - một loại hoa được coi là biểu tượng của sự sang trọng và quân tử - ngày càng được nhiều người dân Thủ đô lựa chọn để trang trí trong ngày Tết. Tính riêng trong những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020, công ty TNHH hoa lan Trang Hồ Điệp đã bán hàng trăm cây hoa cho các công ty, doanh nghiệp ở Thủ đô và các tỉnh thành trên cả nước; trong đó, phần lớn các chậu hoa lan với số lượng cây rất lớn là ở Quảng Ninh, Hà Nam; 60 – 70% lan Trang Hồ Điệp cung cấp cho các gia đình trong khu vực Vinhomes. Anh Hoàng Minh Thông, một trong các nghệ nhân của chuỗi của hàng hoa lan Trang Hồ Điệp vừa cắm hoa, vừa chia sẻ: Vì lượng khách ngày Tết tăng cao so với ngày thường, nên những nghệ nhân như chúng tôi cũng tăng cường độ làm việc lên. Trung bình mỗi ngày, tôi trồng khoảng 15 chậu hoa lớn, nhỏ. Mỗi chậu trung bình mất khoảng 1 giờ đồng hồ để hoàn thiện. Đối với nghệ nhân trồng hoa lan hồ điệp, chủ cửa hàng Trang Hồ Điệp luôn đưa ra yêu cầu cao hơn hẳn. Ngoài đảm bảo tính thẩm mỹ của các chậu hoa lan, thì việc quan trọng hơn là đảm bảo “sức khỏe” của từng cây hoa. Khi trồng, nghệ nhân chỉ được cắm 1,5 que vào mỗi cây để tránh bị đứt rễ khi trồng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hoa; đồng thời phải dùng những miếng xốp mới, sạch sẽ để cắm hoa; những cây hoa không được đặt trực tiếp dưới mặt đất để tránh bị nhiễm khuẩn cho hoa…. Anh Hoàng Minh Thông (bên trái) cùng các đồng nghiệp đang cắm các chậu hoa lan Trang Hồ Điệp ngày Tết Chị Phạm Đoan Trang, chủ nhân của chuỗi cửa hàng hoa lan hồ điệp ở Hà Nội cho biết: “Để có được những gian hàng hoa Tết tươi, đẹp và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, Công ty đã phải chuẩn bị từ rất nhiều tháng trước, từ nhập hoa về, chăm sóc hoa cho đến chuẩn bị nhân công, đến phụ liệu cho hoa… Hầu như vào những Tết này, không ai trong chúng tôi kịp ăn trưa đúng bữa; giấc ngủ cũng trở nên chập chờn; nhiều lúc phải thức trắng đêm ở sân bay để nhận những chuyến hàng hoa gửi từ Đà Lạt ra.” Nhưng chị Phạm Đoan Trang khẳng định: Hoa lan là một loại hoa có sức sống lâu bền nhưng cũng rất dễ tổn thương bởi ngoại cảnh. Tuy vậy, hoa lan Trang Hồ Điệp tự tin về chất lượng bởi tất cả những cây hoa lan mang thương hiệu Trang Hồ Điệp đều được nhập khẩu nguyên cây từ Đài Loan về Việt Nam; sau 6 tháng được chăm sóc theo quy trình nghiêm nghặt, cây ra vòi và ra hoa, rồi mới được công ty cung cấp đến tay người tiêu dùng. Với kinh nghiệm gần chục năm kinh doanh hoa lan hồ điệp, chị Trang chia sẻ: Với điều kiện khí hậu của Hà Nội, trong điều kiện được chăm sóc đúng cách, các loại lan Trang Hồ Điệp có màu trắng, hồng, tím, giữ được sự tươi tắn trong khoảng 1,5 tháng. Còn những cây lan màu vàng thì giữ được độ bền lâu hơn, khoảng 2 tháng, rất phù hợp để trưng bày trong ngày Tết và các sự kiện lớn. Để những bông hoa lan luôn tươi đẹp và khỏe khoắn, mang đến niềm vui, sự may mắn cho mỗi gia đình trong dịp Tết đến, xuân về, đội ngũ nhân viên của Công ty TNHH hoa lan Trang Hồ Điệp luôn quan tâm đến việc tư vấn cẩn thận cho từng khách hàng về cách chăm sóc hoa lan đúng cách. Khách hàng luôn tin tưởng chất lượng hoa lan Trang Hồ Điệp cung cấp Đặc biệt, thấu hiểu tâm lý của khách hàng khi phải bỏ một số tiền giá trị mới có thể trưng bày được loại hoa sang trọng này, Công ty rất chú trọng đến khâu chăm sóc khách hàng. Đối với các trường hợp lan được khách đem về nhưng chất lượng không còn tốt như khi còn ở cửa hàng, sẽ có một bộ phận kỹ thuật đến kiểm tra để đánh giá nguyên nhân. Nếu lan hỏng là do cách chăm bón chưa đúng cách của khách, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn họ để giữ được độ tươi tắn cho hoa. Hoặc lỗi do bên cung cấp sản phẩm và nhân viên chưa tư vấn đúng cách, cửa hàng sẽ nhận đổi trả 100% cho khách hàng. Ngược lại, nếu là do yếu tố khách quan, các bên sẽ cùng nhau chia khắc phục thiệt hại để khách hàng thực sự hài lòng với dịch vụ của cửa hàng. Hơn nữa, sau những dịp Tết, khi khách hàng không có nhu cầu trưng bày tiếp, công ty lại có chính sách nhận mua lại. Đối với những người muốn tiếp tục trồng, công ty cũng sẽ cử kỹ thuật tận tình hỗ trợ cách chăm sóc để cây hoa phát triển. Bởi vậy, tuy giá thành của hoa lan Trang Hồ Điệp luôn có phần nhỉnh hơn những nơi khác và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, nhưng ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Hoa lan Trang Hồ Điệp, trở thành thương hiệu thân thuộc cho giới chơi hoa thượng lưu này.  Trong tương lai, Công ty TNHH Hoa lan Trang Hồ Điệp dự định sẽ mở rộng trồng hoa lan ở Thanh Hóa, để tiếp tục có thêm một nguồn cung cấp sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 10 năm bước chân vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hoa lan hồ điệp cũng là từng ấy năm chị Phạm Đoan Trang thiếu ngủ và mệt nhoài sau những chuyến hàng Tết. Thế nhưng với nữ doanh nhân ấy, được mang đến niềm vui và sự may mắn cho mọi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp chính là sự động lực giúp chị luôn vui vẻ để quyết tâm đem đến những sản phẩm hoa chất lượng, xứng đáng với sự tin yêu của khách hàng. Mai Thảo  

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả các mặt công tác của Tổng cục Hải quan năm 2019

TĐKT - Chiều 18/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đến thăm, làm việc tại Tổng cục Hải quan. Đến dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng; Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế... Tiếp và làm việc với đoàn có Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng đánh giá, năm 2019, Tổng cục Hải quan đã quán triệt, thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; thu ngân sách vượt cao so với dự toán; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả. Trong đó, lực lượng Hải quan tham gia triệt phá nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia ở Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành..., triệt phá nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, vảy tê tê quy mô lớn tại khu vực cảng Hải Phòng, Đà Nẵng... Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao kết quả các mặt công tác của Tổng cục Hải quan năm 2019. Về nhiệm vụ năm 2020, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục có diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, để tạo sự chuyển biến căn bản, vượt bậc trong công tác này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, ngành Hải quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thứ hai, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; kiên quyết đẩy lùi tham nhũng, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng cơ chế kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động công vụ... để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lạm quyền, không để người dân, doanh nghiệp bức xúc, giảm sút niềm tin vào ngành Hải quan. Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức (CBCC) tha hóa, biến chất... Thứ ba, đề cao và gắn trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong công tác quản lý rủi ro, phân luồng tờ khai; làm tốt công tác thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, phân loại để có biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp, tạo sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả chống buôn lậu, chống thất thu thuế... Thứ tư, tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, nhất là lực lượng quản lý thị trường... Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; đẩy mạnh tuyên truyền chấp hành pháp luật về hải quan, xuất nhập khẩu... để người dân khai báo, tính thuế đúng tại thời điểm thông quan... Thứ sáu, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về hải quan nói chung; trong đó có hợp tác về chống buôn lậu nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng hóa nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3... Ngoài ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác tham mưu, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật còn sơ hở, bất cập; quan tâm chăm sóc đời sống CBCC, đặc biệt là CBCC trực tiếp làm nhiệm vụ trong dịp Tết Canh Tý 2020; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Kế hoạch chống buôn lậu trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn bày tỏ quyết tâm Tổng cục Hải quan sẽ quán triệt, thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Phó Thủ tướng và các mục tiêu nhiệm vụ đặt ra đối với toàn ngành trong năm 2020. Bên cạnh kết quả công tác do Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành trình bày, Tổng cục trưởng báo cáo, cập nhật, làm rõ thêm một số vấn đề trọng tâm đã và đang được ngành Hải quan tập trung triển khai trong giai đoạn gần đây, nhất là thực hiện nhiệm vụ trong đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Đối với công tác chống buôn lậu, năm 2019, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết quả, toàn ngành phát hiện, bắt giữ, xử lý 17.321 vụ vi phạm, tăng 4,14% so với năm 2018, tổng trị giá hàng vi phạm hơn 3.035 tỷ đồng, tăng 78,29%. Trong đó, cơ quan Hải quan khởi tố hình sự 51 vụ; chuyển cơ quan chức năng kiến nghị khởi tố 164 vụ. Các lĩnh vực có nhiều vụ việc nổi cộm được cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ, xử lý năm 2019 liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và hàng hóa có hình ảnh vi phạm chủ quyền; tội phạm về ma túy; vận chuyển trái phép động vật quý hiếm xuyên quốc gia quy mô lớn… Hồng Thiết  

Trang