Kinh tế

K-Market hỗ trợ giảm giá vượt qua Covid-19

TĐKT – Từ ngày 24/4 – 3/5/2020, Chương trình giảm giá Hỗ trợ vượt qua Covid-19 được tổ chức tại 4 địa điểm: K-Market Golden Palace, K-Market Keangnam, K-Market Sapphire, K-Market Gardenia (Hà Nội). Chương trình được triển khai tại chuỗi siêu thị K-Market ở Hà Nội Chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại – giao lưu văn hóa, được phối hợp tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Hàn Quốc, kết hợp với Tổng Công ty Nhà nước Thương mại Nông – Thủy sản và Thực phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam (aT Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu (chuỗi hệ thống siêu thị K-Market), nhằm mang tới cho khách hàng những sản phẩm chất lượng cao với giá ưu đãi trong mùa dịch. Nhân dịp này, khoảng 30 sản phẩm được hỗ trợ giảm giá, đều có xuất xứ từ Hàn Quốc, bao gồm các sản phẩm sử dụng thiết yếu hàng ngày và một số sản phẩm bổ sung, tăng cường sức đề kháng. Trong đó có thể kể tới: Mì Shin, mì Japagetti Oliu, lá kim ăn liền truyền thống, sữa đậu nành, nước gạo, nước khoáng, nước samdasu, gạo Anseong, pogi kim chi, nước hồng sâm hanppuri, nước trái cây… Nhiều sản phẩm chất lượng có xuất xứ Hàn Quốc được hỗ trợ giảm giá Tất cả các sản phẩm bày bán đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu tươi ngon, có quy trình đóng gói, sản xuất nghiêm ngặt. Đây là những sản phẩm có chất lượng và độ an toàn cao, đang được người tiêu dùng nhiều nước quan tâm, ưa chuộng. Trước đó, nhằm chung tay chia sẻ trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, K-Market đã triển khai chương trình “K-Market hỗ trợ nông dân Việt Nam”, áp dụng bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm dưa hấu, nhằm kích cầu tiêu thụ. Qua chương trình, 19,5 tấn dưa hấu của bà con nông dân tại Gia Lai, Bình Định đã được tiêu thụ kịp thời trong mùa dịch. Đặc biệt, vừa qua, hệ thống siêu thị K-Market đã ủng hộ 100.000 USD, 50.000 khẩu trang, 500 thùng mì ăn liền, 500 bao gạo và nhiều hàng hóa khác, trị giá tương đương 1,6 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Phương Thanh

Tổng Cục Hải quan gửi văn bản hỏa tốc hướng dẫn xuất khẩu gạo nếp

TĐKT - Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hỏa tốc gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Lương thực Việt Nam; các doanh nghiệp xuất khẩu gạo; Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để hướng dẫn thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo nếp trong tháng 4. Tổng cục Hải quan gửi văn bản hỏa tốc hướng dẫn xuất khẩu gạo nếp Theo đó, Tổng cục Hải quan thiết lập trên Hệ thống VNACCS/VCIS để các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu các lô hàng nếp (bao gồm thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp) từ 0 giờ 00 phút ngày 23/4/2020. Về việc khai hải quan đối với nếp (bao gồm thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp), để hỗ trợ Hệ thống phân biệt, theo dõi lượng hàng xuất khẩu đổi với các mặt hàng gạo khác, Tổng cục Hải quan đề nghị các doanh nghiệp thực hiện khai hải quan như sau: Trường hợp xuất khẩu gạo nếp, người khai hải quan khai rõ mã số hàng hóa là 1006.30.30 tại ô mã số hàng hóa trên tờ khai hải quan. Tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan, người khai hải quan khai rõ tên hàng là gạo nếp. Trường hợp xuất khẩu thóc nếp và tấm nếp, người khai hải quan khai mã số hàng hóa 1006.30.30 tại ô mã số hàng hóa trên tờ khai hải quan. Tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan, người khai hải quan khai rõ tên hàng tương ứng là thóc nếp, mã số hàng hóa là 1006.10 và tấm nếp, mã số hàng hóa là 1006.40. Số lượng thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp xuất khẩu không tính trong hạn ngạch gạo xuất khẩu. Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nhận được văn bản cần thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn để thực hiện. Hướng dẫn trên của Tổng cục Hải quan thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo 163/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 21/4/2020 và công văn số 2824/BCT-XNK ngày 22/4/2020 của Bộ Công thương về việc hướng dẫn xuất khẩu gạo nếp (bao gồm thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp) trong tháng 4/2020 được thực hiện theo nhu cầu thị trường, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ. Hồng Thiết    

Tập đoàn Hoa Sen công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II

TĐKT - Ngày 22/4, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý II niên độ tài chính (NĐTC) 2019 - 2020 từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/3/2020. Theo đó, sản lượng tiêu thụ quý II ước đạt 338.674 nghìn tấn và doanh thu ước đạt 5.780 tỷ đồng, giảm nhẹ lần lượt 8,6% và 16,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II ước đạt 200 tỷ đồng, tăng mạnh 277% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu NĐTC 2019 - 2020 (01/10/2019 - 31/3/2020), HSG ước đạt sản lượng tiêu thụ 738.204 nghìn tấn, doanh thu ước đạt 12.365 tỷ đồng, giảm nhẹ lần lượt 3,8% và 14,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 381 tỷ đồng, tăng mạnh 228% so với cùng kỳ. Lý giải nguyên nhân dẫn đến sản lượng tiêu thụ và doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ, HSG cho biết từ đầu tháng 2/2020 đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới nên sức tiêu thụ của thị trường giảm do ảnh hưởng từ tâm lý kinh doanh của khách hàng trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên HSG đã phát huy tối đa lợi thế bán hàng của hệ thống 536 cửa hàng tại thị trường nội địa và mạng lưới kênh xuất khẩu đến 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để giảm đến mức thấp nhất có thể các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhằm giữ vững thị phần và bảo đảm dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.   Lô hàng 10.000 tấn Tôn Hoa Sen vừa rời cảng Nghi Sơn đi Mexico vào ngày 4/4 vừa qua Lý giải nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng mạnh so với cùng kỳ, HSG cho biết ngay từ đầu NĐTC, HSG đã chủ động thực hiện chủ trương không theo đuổi chính sách cạnh tranh về giá bán mà chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ khách hàng nên đã cải thiện biên lợi nhuận gộp. Đồng thời HSG đã thực hiện hàng loạt biện pháp quản lý để giảm hàng tồn kho, giảm nợ vay ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh để tiết giảm chi phí. Lợi nhuận gộp tăng và chi phí giảm đã làm cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HSG tăng mạnh. Cuối tháng 2/2020, HSG đã chính thức đưa ra thị trường dòng sản phẩm tôn siêu bền Hoa Sen Gold thuộc phân khúc cao cấp được bảo hành lên đến 30 năm với giá bán đồng nhất và giao hàng miễn phí trên toàn quốc. Tháng 3/2020, HSG cũng triển khai chương trình khuyến mại cho nhãn hàng Ống nhựa Hoa Sen với giá trị giải thưởng lên đến 17 tỷ đồng, làm sôi động thị trường vật liệu xây dựng và ngành nhựa nói riêng năm 2020. Ngoài các điểm bán hàng trực tiếp thông qua các cửa hàng trực thuộc và các nhà phân phối, đại lý, HSG là đơn vị tiên phong bán hàng trực tuyến qua website www.hoasengroup.vn được triển khai từ năm 2017 và bán hàng trên trang thương mại điện tử Shopee. Việc này giúp khách hàng có thể giao dịch an toàn, tiện lợi tại nhà và hoạt động bán hàng của HSG vẫn thông suốt kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hiện nay. Trong ngắn hạn, tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Cùng với cả nước, HSG đã chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho cán bộ công nhân viên và lợi ích tốt nhất cho khách hàng và cổ đông. Xuân Phúc  

Giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB

TĐKT - Tổ chức Fitch Ratings (“Fitch”) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng sang Ổn định. Cơ sở Fitch điều chỉnh triển vọng tín nhiệm từ Tích cực sang Ổn định phản ánh đánh giá của tổ chức này về tác động ngày càng lan rộng của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tín dụng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, thông qua các kênh xuất khẩu, du lịch và sự giảm sút của tổng cầu. Trong quá trình Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan làm việc với Fitch để đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia cuối tháng 3/2020, phía Việt Nam đã trao đổi và đưa ra những minh chứng thuyết phục về khả năng thích ứng của nền kinh tế được thể hiện rõ nét trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức như hiện nay. Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam đã nỗ lực thực hiện quyết liệt, hiệu quả và đã bước đầu thành công trong việc ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả này đã được Tổ chức Y tế Thế giới, chính phủ các nước cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần bồi đắp nền tảng thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch được kiểm soát. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức BB phản ánh nhận định các điểm sáng về tín dụng của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm tiềm năng phát triển vững chắc trong trung hạn, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; gánh nặng nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức thấp và khả năng tiếp cận nguồn tài chính đối ngoại thuận lợi hơn so với các quốc gia cùng nhóm xếp hạng. Tổ chức này cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã tận dụng điều kiện kinh tế thuận lợi trong những năm qua để củng cố tình hình tài khóa và tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tăng mức đệm dự phòng trước những rủi ro vĩ mô. Fitch cũng dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước và nước ngoài dần hồi phục theo xu hướng toàn cầu và khu vực. Trong tháng vừa qua, Fitch đã có động thái điều chỉnh đánh giá tín nhiệm tiêu cực đối với 19 nước trên toàn cầu, trong đó 12 quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm và 7 quốc gia bị hạ triển vọng. Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đã và đang phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin cho Fitch về tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn. Qua đó, Bộ Tài chính tin rằng Fitch cũng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác sẽ có thông tin đầy đủ để đưa ra nhìn nhận đúng đắn, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam trong tương lai. Hồng Thiết  

VNPT đồng loạt giảm giá cước viễn thông chung tay chống dịch Covid -19

TĐKT - Chung tay gánh vác trách nhiệm cộng đồng và san sẻ những khó khăn của người dân cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, VNPT đồng loạt giảm giá cước viễn thông, tặng gói cước 0 đồng, nâng tốc độ Internet và tặng 50% dung lượng Data cho thuê bao di động VinaPhone. Nâng tốc độ Internet lên 50Mbps và tặng 50% dung lượng data cho khách hàng cả nước Dành cho tất cả khách hàng trên toàn mạng VinaPhone, VNPT sẽ tặng 50% dung lượng gói data giá không đổi từ ngày 6/4 đến hết 30/6/2020. Ví dụ: với gói cước 60GB/tháng (2GB/ngày) sau khi tăng sẽ lên 90GB/tháng (3GB/ngày). Tất cả thuê bao VinaPhone sẽ nhận được ưu đãi này, theo đó hàng triệu khách hàng sẽ được bổ sung dung lượng đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa, làm việc trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh hiện nay. VNPT nhắn tin tặng DATA cho khách hàng Đối với dịch vụ Internet, kể từ 9/4/2020, VNPT nâng tốc độ Internet các gói có tốc độ dưới 50Mbps lên 50Mbps nhằm gia tăng chất lượng đường truyền đáp ứng nhu cầu cho gia đình sử dụng trong thời gian giãn cách xã hội. Chương trình sẽ được áp dụng trong 3 tháng cho tất cả khách hàng sử dụng gói Internet hoặc gói tích hợp Internet - Truyền hình của VNPT có tốc độ dưới 50Mbps. Như vậy, việc sử dụng Internet của cả gia đình cùng lúc như làm việc, học tập, giải trí sẽ luôn được đảm bảo.  Tặng gói cước 0 đồng cho đội ngũ chống dịch và khu vực cách ly Thay lời khích lệ đến đội ngũ phòng chống dịch đang ngày đêm làm việc tại các tuyến đầu trên cả nước, cũng như động viên tinh thần người dân tại các khu cách ly, VNPT sẽ tặng gói cước di động 0 đồng với hàng ngàn phút gọi và 60GB mỗi tháng cho đội ngũ chống dịch. Chương trình sẽ được áp dụng từ 1/4/2020 đến khi Việt Nam công bố hết dịch. Gói cước hỗ trợ chống dịch sẽ bao gồm mỗi tháng 1.500 phút gọi nội mạng, 50 phút gọi ngoại mạng và 60GB data tốc độ cao (2GB/ngày), đáp ứng khá trọn vẹn việc sử dụng di động của người dùng. Qua đó, đội ngũ phòng, chống dịch hay người dân đang cách ly có thể liên lạc dễ dàng tới gia đình, bạn bè, chia sẻ và vơi bớt những lo âu trong những ngày tại các tuyến đầu chống dịch. Dung lượng data của gói cũng phục vụ người dùng kết nối online thay cho đường truyền wifi thông thường, nhanh chóng cập nhật tin tức hay lướt mạng giải trí. Thành viên của đội ngũ hỗ trợ phòng, chống dịch sẽ nhận được gói cước ưu đãi trong 2 tháng. Với người dân tại khu cách ly, thời gian ưu đãi là 1 tháng. Chương trình miễn cước sẽ đồng hành cùng cuộc chiến chống dịch đến khi tỉnh/thành phố cuối cùng tại Việt Nam công bố hết dịch Covid-19. Để hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế, VNPT trang bị miễn phí đường truyền Internet và tặng 2 gói cước Internet 0 đồng tốc độ 50Mbps và 100Mbps cùng ứng dụng truyền hình MyTV Net cho các nhân viên y tế đang phục vụ công tác chống dịch trong khu vực cách ly. Đối với khu cách ly có quy mô dưới 100 người sẽ tặng gói Covid Home1 tốc độ 50Mbps, các khu cách ly trên 100 người sẽ tặng gói Covid Home2 tốc độ 100Mbps Chương trình có thời hạn 02 tháng, phục vụ nhu cầu sử dụng của đội ngũ y tế khi phải thường xuyên ứng trực với lịch làm việc xa nhà dài ngày. Đại dịch Covid-19 hiện vẫn đang ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới và tại Việt Nam, nỗ lực của cả Chính phủ và người dân đang được đẩy lên cao nhất để chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh. Trong giai đoạn then chốt này, sự hỗ trợ của VNPT nói riêng cũng như các doanh nghiệp nói chung hướng tới những người dân dễ bị ảnh hưởng, đội ngũ phòng chống dịch hy vọng sẽ tiếp thêm nguồn lực, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nỗ lực cùng cả cộng đồng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Hồng Thiết

Ứng phó tác động kép từ dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp: Cần sự điều chỉnh mang tính chiến lược để ngành dầu khí vượt khó

TĐKT - Ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng lớn khi phải đương đầu với tác động kép: Dịch Covid-19 lan rộng tác động nặng nề đến nhiều nền kinh tế và giá dầu lao dốc mạnh. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần phải có những điều chỉnh mang tính chiến lược để hỗ trợ ngành dầu khí Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ứng phó tác động kép từ dịch Covid-19 Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới ngành dầu khí Hoạt động khai thác dầu khí nước ta trong tình trạng giá dầu xuống thấp như hiện nay cho thấy thiệt hại về kinh tế là rõ ràng, những điểm lợi từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp. Trong khi quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Mỹ còn tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ thì Việt Nam càng cần cân nhắc bài toán duy trì sản lượng. Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1/2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và NMLD Nghi Sơn. Hiện tại tồn kho xăng dầu của NMLD Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-85% và có nguy cơ tank-top trong tháng 3/2020, tồn kho của NMLD Dung Quất có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn. Tình hình kinh doanh xăng dầu của PVN dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới. Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù sản lượng sản xuất hầu hết các sản phẩm phân bón của các nhà máy thuộc PVN đều đạt và vượt mức kế hoạch tháng nhưng sản lượng tiêu thụ phân ure và NPK không như kỳ vọng, nguyên nhân do hầu hết các khu vực sản xuất nông nghiệp nhu cầu vẫn còn thấp. Đặc biệt, khu vực miền Tây, tình hình hạn mặn rất cao đã làm thiệt hại các diện tích trồng lúa. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, nông dân cẩn trọng không đầu tư nhiều lúc này, làm giảm diện tích canh tác và dẫn đến nhu cầu phân bón giảm trong ngắn hạn. Các giàn khoan hiện đang cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài, nếu dịch bệnh kéo dài, các cửa khẩu đóng cửa, ngừng các chuyến bay quốc tế… sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng cung cấp dịch vụ và giá cho thuê giàn. Tương tự, với các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật dầu khí thực hiện ở nước ngoài, việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các nước đều hạn chế việc xuất nhập cảnh trong thời gian hiện tại, thủ tục xin visa bị siết chặt bởi cả 2 phía, gây khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và chi phí hơn so với trước đây. Quyết liệt ứng phó Để ứng phó với tác động kép nêu trên, liên tục trong các ngày gần đây, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã chủ trì các cuộc họp đột xuất trực tuyến với một số đơn vị thuộc các lĩnh vực chính trong Tập đoàn về tình hình sản xuất, kinh doanh, các giải pháp ứng phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến. Chính vì vậy, Tập đoàn cùng các đơn vị một mặt phải nỗ lực “chèo lái qua giông bão”, một mặt biết cách chắt lọc cơ hội trong nguy cơ để có thể vực lại tình hình sản xuất, kinh doanh một cách nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Với tinh thần đó, Tổng Giám đốc PVN đề nghị Tập đoàn và các đơn vị khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn Tập đoàn nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19 một cách an toàn, không để gián đoạn; các đơn vị tập trung rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu; các đơn vị trong Tập đoàn cần tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của Tập đoàn; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng cộng sinh vượt qua các khó khăn hiện tại. Về phía các đơn vị của PVN đã tính toán trên cơ sở công suất chứa khả dụng hiện tại, xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại. Cách làm này vừa gia tăng dự trữ dầu thô cho đất nước, củng cố vấn đề an ninh năng lượng khi đây luôn là mặt hàng chiến lược trong các mối tương quan chính trị khu vực và thế giới, vừa giúp ngân sách tiết kiệm một khoản ngoại tệ không nhỏ khi phải nhập khẩu dầu lúc giá dầu lên cao và tránh lãng phí tài nguyên. PVN và các đơn vị đang nỗ lực, chủ động trong việc ứng phó với tác động của dịch Covid-19 cũng như việc giá dầu xuống thấp, đồng thời đề ra các giải pháp quyết liệt ứng phó. Tuy nhiên, để thấy rằng, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh và giá dầu khó lường như hiện nay, bên cạnh sự chủ động nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp của PVN thì cũng rất cần có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời nắm bắt cơ hội phát sinh, từ đó vượt qua thách thức trong thời điểm hiện tại. Đó là cơ chế kiểm soát, quản trị rủi ro, phương châm hành động thật nhanh, nghĩ thật nhanh để có thể đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, điều hành sản xuất, kinh doanh vào giai đoạn đặc biệt khó khăn này. Dưới góc độ vĩ mô, việc giá dầu thế giới giảm sâu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN, qua đó làm giảm mức đóng góp của Tập đoàn với nền kinh tế. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, xu hướng này cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khi giá dịch vụ và giá thuê giàn khoan giảm mạnh; nhiều chủ mỏ sẽ phải đóng mỏ hoặc bán mỏ; chi phí trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí vì thế cũng giảm mạnh… Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, PVN cần có cơ chế để tạo nguồn lực, chủ động trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng... Để hỗ trợ ngành dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính cần phải rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời cho PVN và các đơn vị thành viên, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân Ure, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò – khai thác dầu khí... Trong tiến trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, ngành dầu khí luôn được Đảng, Chính phủ xác định là ngành kinh tế giữ vai trò chủ lực, đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế và cũng là công cụ điều tiết vĩ mô, là cấu phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể những người lao động dầu khí, PVN đã không ngừng lớn mạnh, trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước và đang vươn tầm quốc tế. Hoạt động của PVN trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành đã giữ vị trí, vai trò định hướng, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. PVN là doanh nghiệp Nhà nước chủ lực, những thay đổi về mặt cơ chế, chính sách quản lý mang tính chiến lược đối với PVN sẽ tác động quan trọng đến đóng góp của ngành dầu khí vào ngân sách Nhà nước, cũng như tác động đến việc tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà ngành dầu khí đang phải đối diện trong tình hình hiện nay là vấn đề cấp bách, là đòi hỏi tất yếu trong nền kinh tế thị trường và cũng là sự đảm bảo cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hồng Thiết

MultiSIM VinaPhone: Một thuê bao dùng đồng thời trên nhiều thiết bị

TĐKT - Tiếp nối gói Home với dịch vụ chia sẻ data giữa các điện thoại di động thông minh, VinaPhone cung cấp dịch vụ MultiSIM trên toàn quốc. Với MultiSIM, người dùng có thể đăng ký số thuê bao của mình sử dụng cùng thời điểm trên nhiều thiết bị khác như điện thoại, đồng hồ thông minh, máy tính bảng, laptop.... Một thuê bao Vinaphone có thể dùng đồng thời trên nhiều thiết bị Trong đó, lưu lượng data 3G/4G và thoại của gói cước di động sẽ được dùng chung. Bên cạnh đó, khách hàng có thể gọi điện, truy cập mạng Internet cùng lúc trên các thiết bị khác có hỗ trợ SIM hoặc eSIM. Như vậy, khi dùng MultiSIM của VinaPhone khách hàng không cần lo lắng tài khoản của máy tính bảng, đồng hồ thông minh… bị mất liên lạc giữa chừng hay hết tiền, hết dung lượng. Các thuê bao sử dụng dịch vụ MultiSIM của VinaPhone sẽ được đăng ký tối đa cho 4 SIM (dùng cho 1 thiết bị chính và thêm 3 thiết bị khác). Chất lượng cuộc gọi, truy nhập Internet được duy trì, đảm bảo giống nhau ở cả SIM chính và SIM phụ như thuê bao bình thường. Với MulitSIM, người dùng có thể cùng lúc thực hiện các cuộc gọi đi độc lập từ 4 thiết bị khác nhau mọi lúc, mọi nơi. Dịch vụ MultiSIM cũng góp phần hạn chế việc khách hàng đứng tên đăng ký quá nhiều số thuê bao khác nhau cho các thiết bị. Đồng thời, việc SIM phụ có thể dùng chung tài khoản của SIM chính sẽ giúp khách hàng kiểm soát tốt hơn chi phí sử dụng, sử dụng nhiều thiết bị nhưng chỉ nộp cước một thuê bao chính. Tối ưu việc sử dụng lưu lượng data của gói cước đã mua tránh trường hợp mua gói data cho nhiều thuê bao nhưng hết tháng các thuê bao đều dư lưu lượng data đã mua theo gói. Các thuê bao của VinaPhone (không phân biệt trả trước hay trả sau) đều có thể đăng ký sử dụng MultiSIM. Tuy nhiên, dịch vụ này không áp dụng với thuê bao sử dụng SIM ảo (như VCC, Meg chính, Siptrunking) hoặc thuê bao MyZone, EzCom. Phí khởi tạo dịch vụ là 125.000đ/SIM/lần và phí duy trì dịch vụ hàng tháng là 25.000đ/SIM. Khách hàng có thể đến các điểm giao dịch của VinaPhone để đăng ký MultiSIM hoặc đăng ký online qua app MyVNPT.  Khách hàng chỉ cần tải app MyVNPT điền thông tin và sau đó sẽ được nhận SIM tại địa chỉ mình đã đăng ký. VinaPhone miễn phí cước vận chuyển MultiSIM đến tận địa chỉ khách hàng. Dịch vụ MultiSIM của VinaPhone sẽ giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, góp phần làm tăng sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ cho thị trường viễn thông Việt Nam. Hồng Thiết

Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu 10 nghìn tấn tôn đến Mexico

TĐKT - Vừa qua, tại Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn - Thanh Hóa, Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn Tôn Hoa Sen thành phẩm đi đến Mexico, mặt hàng xuất khẩu này được sản xuất tại nhà máy Hoa Sen Đông Hồi - Nghệ An. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, dịch vụ phải tạm dừng; đồng thời do tác động của cuộc chiến tranh thương mại, giảm giá dầu lửa giữa một số quốc gia trên thế giới, dẫn đến một số doanh nghiệp đang phải chịu tác động kép. Vượt qua khó khăn trong thời điểm này, Tập đoàn Hoa Sen đang tìm mọi phương án, giải pháp để đảm bảo nhân sự luân phiên trực sản xuất, cân đối sản lượng xuất khẩu bất chấp đại dịch Covid-19. Hiện nay, Tập đoàn Hoa Sen đang sở hữu mạng lưới kênh xuất khẩu rộng khắp và khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do song phương đa phương như AFTA, CPTPP, EVFTA,... Trong tháng 4, tháng 5 tới, đơn hàng xuất khẩu duy trì ổn định, các nhà máy Tập đoàn Hoa Sen trên cả nước vẫn sản xuất bình thường để đảm bảo đáp ứng đầy đủ và kịp thời các đơn đặt hàng từ các thị trường Mexico, châu Âu, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, Úc và Đông Nam Á… Trong ngắn hạn, tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã có kiến nghị lên các cơ quan chức năng những giải pháp để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp thép. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoa Sen chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế và bình ổn trước đại dịch, quyết tâm chung tay cùng cả đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo công việc cho cán bộ công nhân viên và cam kết lợi ích cao nhất của nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng.                                                                                     Xuân Phúc

Mở thêm các điểm bán hàng mới để bảo đảm nguồn cung và giãn cách xã hội

TĐKT - Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương vừa có Công văn yêu cầu các Sở Công thương các tỉnh, thành phố khẩn trương mở các điểm bán hàng mới (tạm thời, dã chiến...) để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống, bảo đảm giãn cách xã hội. Nếu có khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, các Sở Công thương kịp thời thông tin về Bộ Công thương để phối hợp xử lý. Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, để bảo đảm cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh thành phố: Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có). ​Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng mới (các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến…) để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì các lý do dịch bệnh (như có trường hợp nhiễm bệnh trong khu vực của điểm bán hàng…) hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm. ​Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19. ​Phương Thanh  

Tổng cục Hải quan trả lời về vấn đề xuất khẩu khẩu trang trong giai đoạn hiện nay

TĐKT - Tổng cục Hải quan cho biết, vừa qua, một số cơ quan báo chí có thông tin: “Bộ Công Thương cho biết vừa qua nhận được các văn bản của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và một số doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong việc xuất khẩu khẩu trang vải. Nguyên nhân là do các cán bộ hải quan tại cửa khẩu khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi...”. Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan cung cấp nội dung như sau: Ngày 28/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó Khoản 1 Nghị quyết 20/NQ-CP quy định: “1. Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước). Không áp dụng quy định trên đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1 tháng 3 năm 2020”. Tại điểm 3 Nghị quyết 20/NQ-CP, Chính phủ giao: “3. Giao Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phối hợp giám sát việc xuất khẩu khẩu trang y tế.” Thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 20/NQ-CP, để đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh, ngày 9/3/2020, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 1431/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai một số giải pháp cụ thể công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó có nội dung về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 như sau: “Chỉ giải quyết thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế theo quy định tại điểm 1 Nghị quyết 20/NQ-CP trong các trường hợp sau: - Doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép xuất khẩu với mục đích viện trợ nhận đạo, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện. - Doanh nghiệp chế xuất có giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp và doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công cho nước ngoài nếu hợp đồng gia công ký trước ngày 1/3/2020 được thực hiện việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Hợp đồng gia công phải được thông báo với cơ quan Hải quan theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 56 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC)”. Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác giám sát, không để xảy ra tình trạng gian lận, xuất khẩu khẩu trang y tế nhưng cố tình khai báo là khẩu trang khác (không phải là khẩu trang y tế) để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, tại công văn 1431/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố: Thực hiện kiểm tra thực tế đối với các lô hàng hóa xuất khẩu khai báo là khẩu trang không dùng trong y tế (có mã HS 63079090); đối chiếu với tiêu chuẩn khẩu trang y tế TCVN8389-2010 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố để xác định thực tế hàng hóa. Qua kiểm tra thực tế, nếu không đủ cơ sở xác định hàng hóa là khẩu trang không dùng trong y tế thì trưng cầu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định để xác định chủng loại hàng hóa xuất khẩu. Ngày 11/3/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 868/QĐ-BYT quy định về việc cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19. Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện đến các Cục Hải quan địa phương. Ngày 26/3, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có văn bản 0309/XNK-CN gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Hiệp hội Dệt May Việt Nam; Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Công ty TNHH May Nhân Hòa, trong văn bản. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu căn cứ Khoản 1 Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ và cho biết: “Các mặt hàng khẩu trang không phải khẩu trang y tế thực hiện theo quy định hiện hành, không cần giấy phép xuất khẩu”. Về điểm này, Tổng cục Hải quan nhất trí với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và cũng đã chỉ đạo các cục, hải quan tỉnh, thành phố tại công văn 1431/TCHQ-GSQL trước đó. Đồng thời, công văn 0309/XNK-CN nêu: Điều 2 Quyết định 868/QĐ-BYT ngày 11/3/2020 của Bộ Y tế quy định: “Khẩu trang y tế phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu TCVN 8389-1:2010, TCVN 8389-2:2020, TCHQ 8389-3:2010 và đã có số lưu hành do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định”. Ngày 27/3, Bộ Y tế có công văn 1657/BYT-TB-CT gửi Bộ Tài chính, trong văn bản, Bộ Y tế cho biết: “Trong thời gian qua có hiện tượng làm giả giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) do Bộ Y tế cấp đối với mặt hàng khẩu trang y tế, Bộ Y tế đã có công văn số 1264/BYT-TB-CT ngày 13/3/2020 gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp kiểm tra, làm rõ thông tin một số công ty có hành vi vi phạm trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, công văn 1417/BYT-TB-CT ngày 19/3/2020 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị rà soát, tăng cường kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế vi phạm trên địa bàn”. Để thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu khẩu trang vải và tăng cường ngăn chặn các hành vi gian lận theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan có công văn 2012/TCHQ-GSQL hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra mặt hàng khẩu trang xuất khẩu. Theo đó, Tổng cục Hải quan giao Cục Quản lý rủi ro, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đánh giá rủi ro chỉ lựa chọn các lô hàng nghi vấn đề kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất. Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan quan sát trực tiếp hàng hóa nếu không đủ các dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế TCVN8389-2010 thì thực hiện thông quan. Trường hợp quan sát thấy có dấu hiệu theo tiêu chuẩn nhưng khai báo là khẩu trang khác (không phải khẩu trang y tế) thì lấy mẫu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh trong nước và nước ngoài, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong và ngoài nước đang tăng cao. Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu khẩu trang qua biên giới và đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ việc buôn lậu mặt hàng khẩu trang qua biên giới. Điển hình như: Ngày 11/03/2020, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Mộc Bài – Cục Hải quan Tây Ninh kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 2 đối tượng có hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Hàng hóa vi phạm gồm: Khẩu trang y tế các loại: 187.950 chiếc khẩu trang y tế Việt Nam, mới 100%, trị giá hàng hóa ước tính 161,455 triệu đồng. Ngày 8/3/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên – Cục Hải quan tỉnh An Giang phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển trái hàng hóa qua biên giới. Hàng hóa vi phạm thu giữ gồm: 164.600 chiếc khẩu trang y tế. Hồng Thiết                                                                                                        

Trang