TĐKT - Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư tới 2,8 tỷ USD.
Trong tháng 3, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trên thế giới nhưng tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3%.
Các Container chuyển hàng để xuất khẩu
So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 3 tháng đầu năm ước tính đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,69%, trong đó xuất khẩu ước đạt 59,07 tỷ USD, tăng 0,5% và nhập khẩu ước tính đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2020 ước tính thặng dư 1 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư của Việt nam đến hết tháng 3 năm 2020 đạt 2,8 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong 3 tháng đầu năm là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép… đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có mức tăng cao nhất trong nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng đầu năm ước đạt 8,19 tỷ USD, tăng 16,17% so với cùng kỳ năm trước.
Còn điện thoại các loại và linh kiện mang về nhiều ngoại tệ nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu. Ước đến hết tháng 3, trị giá xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về khoảng 12,36 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ có trị giá xuất khẩu trong quý 1 ước đạt 2,47 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép, dệt may và thủy sản lại giảm khi tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1 ước đạt lần lượt 3,85 tỉ USD, 6,49 tỷ USD và 1,58 tỷ USD. Hàng thủy sản có trị giá xuất khẩu giảm mạnh nhất với hơn 11%, sau đó đến dệt may giảm tới gần 9% so cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu giày dép, hàng dệt may và thủy sản giảm cho thấy tác động của dịch COVID-19 khi những thị trường xuất khẩu chính nhóm các mặt hàng này của Việt Nam là Mỹ và một số nước châu Âu đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu nhập khẩu trong quý 1, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chủ yếu là sản phẩm và linh kiện, thiết bị phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Cụ thể, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch nhập khẩu đạt 13,18 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng 7,8 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện 3,17 tỷ USD; vải các loại 2,36 tỷ USD; sắt thép các loại 3,17 triệu tấn với trị giá 1,89 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 1,53 triệu tấn với trị giá trên 2 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 1,13 tỷ USD.
Số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày 1/3 đến ngày 29/3/2020 đạt 24.261 tỷ đồng, lũy kế cả năm đến ngày 29/03/2020 đạt 75.185 tỷ đồng bằng 22,2% dự toán, bằng 21,2% chỉ tiêu phấn đấu.
Trên cơ sở số thu những ngày đầu tháng 3 và ước kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 3/2020 cũng như tình hình kinh tế nói chung hiện nay, ước thu tháng 3/2020 đạt 26.076 tỷ đồng. Tổng thu NSNN 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 77.000 tỷ đồng, bằng 22,78% dự toán, bằng 21,69% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019 (84.336 tỷ đồng).
Hồng Thiết