Kinh tế

Đảm bảo cung ứng hàng hóa, điện trong thời gian cách ly toàn quốc

TĐKT - Ngay sau khi có Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công thương đã triển khai ngay các biện pháp tập trung xử lý vấn đề đảm bảo cung ứng hàng hoá, điện cũng như các vấn đề cấp bách khác. Sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Công thương đã họp, xây dựng các phương án làm việc, trong đó phân công lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên trực tại cơ quan để điều hành, xử lý nhiệm vụ cấp bách; các cán bộ, công chức khác sẽ làm việc tại nhà, chủ động thành lập các nhóm làm việc trên môi trường trực tuyến. Các đơn vị đặc thù liên quan đến quản lý nhà nước về cung ứng hàng hóa, điện, thương mại điện tử, xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến, quản lý thị trường đều đã có phương án làm việc cụ thể, bố trí số lượng hợp lý để duy trì, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cấp bách. Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã gửi phương án cung ứng hàng hoá theo 5 cấp độ, trong đó đặc biệt chú trọng đến 13 mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ quả, nước uống, khẩu trang… Vụ Thị trường trong nước đã xây dựng sơ đồ tổng kho theo vùng về nguồn hàng để có thể điều tiết khi cần thiết. Về cung ứng điện, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cập nhật tình hình liên tục qua hình thức trực tuyến, triển khai các phương án, kịch bản, đảm bảo cấp điện an toàn liên tục cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng như các cơ sở y tế, cơ sở cách ly. Đối với nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo hàng hóa, đặc biệt là 13 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng xăng dầu cho người dân trong thời gian cách ly xã hội,  Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước làm việc ngay với địa phương, các doanh nghiệp đầu mối cung ứng, phân phối hàng hóa xây dựng phương án cung ứng hàng hóa, tình hình lưu trữ, phương án, nhân lực vận chuyển; thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình về cung cầu hàng hoá từ 3 - 4 tiếng/lần. Giữ liên lạc thông suốt với lãnh đạo, cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp cung ứng hàng hoá. Vụ Thị trường trong nước cần thống kê các trung tâm, kho phân phối hàng hóa ở những thành phố lớn và theo khu vực để khi cần có thể điều phối hàng hóa kịp thời phục vụ người dân. Có văn bản phối hợp với các bộ, ngành địa phương; tạo điều kiện tối đa cho người, phương tiện thực hiện nhiệm vụ, vận chuyển, cung ứng hàng hoá thiết yếu. Bộ trưởng chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra đảm bảo hệ thống điện cấp điện an toàn trong mọi tình huống. Minh Phương

Trong tháng 3 năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 39 tỷ USD

TĐKT - Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư tới 2,8 tỷ USD. Trong tháng 3, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trên thế giới nhưng tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3%. Các Container chuyển hàng để xuất khẩu So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 3 tháng đầu năm ước tính đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,69%, trong đó xuất khẩu ước đạt 59,07 tỷ USD, tăng 0,5% và nhập khẩu ước tính đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2020 ước tính thặng dư 1 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư của Việt nam đến hết tháng 3 năm 2020 đạt 2,8 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong 3 tháng đầu năm là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép… đều tăng so với cùng kỳ năm trước. ­Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có mức tăng cao nhất trong nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng đầu năm ước đạt 8,19 tỷ USD, tăng 16,17% so với cùng kỳ năm trước. Còn điện thoại các loại và linh kiện mang về nhiều ngoại tệ nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu. Ước đến hết tháng 3, trị giá xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về khoảng 12,36 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗ có trị giá xuất khẩu trong quý 1 ước đạt 2,47 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép, dệt may và thủy sản lại giảm khi tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1 ước đạt lần lượt 3,85 tỉ USD, 6,49 tỷ USD và 1,58 tỷ USD. Hàng thủy sản có trị giá xuất khẩu giảm mạnh nhất với hơn 11%, sau đó đến dệt may giảm tới gần 9% so cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu giày dép, hàng dệt may và thủy sản giảm cho thấy tác động của dịch COVID-19 khi những thị trường xuất khẩu chính nhóm các mặt hàng này của Việt Nam là Mỹ và một số nước châu Âu đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu nhập khẩu trong quý 1, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chủ yếu là sản phẩm và linh kiện, thiết bị phục vụ sản xuất xuất khẩu. Cụ thể, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch nhập khẩu đạt 13,18 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng 7,8 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện 3,17 tỷ USD; vải các loại 2,36 tỷ USD; sắt thép các loại 3,17 triệu tấn với trị giá 1,89 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 1,53 triệu tấn với trị giá trên 2 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 1,13 tỷ USD. Số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày 1/3 đến ngày 29/3/2020 đạt 24.261 tỷ đồng, lũy kế cả năm đến ngày 29/03/2020 đạt 75.185 tỷ đồng bằng 22,2% dự toán, bằng 21,2% chỉ tiêu phấn đấu. Trên cơ sở số thu những ngày đầu tháng 3 và ước kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 3/2020 cũng như tình hình kinh tế nói chung hiện nay, ước thu tháng 3/2020 đạt 26.076 tỷ đồng. Tổng thu NSNN 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 77.000 tỷ đồng, bằng 22,78% dự toán, bằng 21,69% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019 (84.336 tỷ đồng). Hồng Thiết  

Hỗ trợ 200.000 đô la Mỹ cho startup Việt Nam trong dịch COVID-19

TĐKT - Ngày 30/3, Văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Đề án 844), Bộ Khoa học và Công nghệ và startup ELSA  công bố hợp tác nhằm chia sẻ, đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bà Văn Đinh Hồng Vũ, nhà sáng lập ELSA chia sẻ tại sự kiện dành cho các startup founders Theo đó, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký kết hợp tác cùng startup ELSA để cung cấp gói tài trợ trị giá 200.000 đô la Mỹ nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng ứng dụng học phát âm ELSA Speak. ELSA được thành lập tại Silicon Valley, bởi nhà sáng lập người Việt. Được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng A.I (trí tuệ nhân tạo) thay đổi thế giới và lọt vào top 5 các ứng dụng A.I hàng đầu hiện nay trên toàn cầu, sánh vai cùng Cortana của Microsoft và Google Allo. ELSA cung cấp giải pháp nhận diện giọng nói được đầu tư từ Google. Trên thế giới chỉ có một số tập đoàn công nghệ như Microsoft, Google hay Apple có nguồn lực để sở hữu công nghệ này. Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ quan được Bộ KH&CN giao chức năng quản lý nhà nước về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia nhận định: “Đề án 844 do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN triển khai luôn thúc đẩy việc liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước, thu hút nguồn lực để thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. ELSA là startup đã thành danh trên thế giới bởi trí tuệ Việt. Việc hợp tác với ELSA là hoạt động ý nghĩa với cộng đồng startup Việt Nam, góp phần nâng cao khả năng phát âm tiếng Anh của các doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt. Bản thân ELSA cũng là một startup, ít nhiều cũng sẽ chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động tài trợ của ELSA vào thời điểm này càng cho thấy giá trị tương hỗ trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Cũng thông qua hoạt động hợp tác này, chúng tôi mong muốn tiếp tục thu hút được nhiều hơn nữa những hỗ trợ từ mọi thành phần xã hội tới cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”. Hợp tác với ELSA là hoạt động ý nghĩa đóng góp vào mục tiêu phát triển năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, phát triển những công nghệ có tính đột phá thích ứng với những hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động động hỗ trợ này sẽ được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo thông qua mạng lưới các đơn vị hỗ trợ, truyền thông uy tín từ Đề án 844. Chia sẻ về hợp tác, bà Văn Đinh Hồng Vũ , nhà sáng lập ELSA trình bày: “ELSA là một ý tưởng được ấp ủ từ rất lâu. Động lực của Vũ xuất phát từ chính cuộc sống cá nhân trên đất Mỹ, vốn ngữ pháp, từ vựng, đọc viết tiếng Anh tốt nhưng lúc đầu khó xin việc do không giao tiếp tốt. Nói tiếng Anh không chuẩn sẽ gây cản trở cho bước đường thăng tiến trong công việc đối với những người không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa như mình, đặc biệt đối với cộng đồng startup khi dấn thân ra quốc tế. Chính vì thế, Vũ tạo ra ELSA với kỳ vọng đây sẽ là công cụ luyện tập phát âm tốt nhất và dễ sử dụng nhất cho mọi người. Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang gây ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, dù đây không hề là một quyết định dễ dàng với Vũ và đội ngũ ELSA nhưng với sự đồng hành sát sao của Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN), Vũ hy vọng hành động nhỏ này sẽ truyền cảm hứng đến cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, cùng nhau luyện tập tiếng Anh tốt hơn và chung tay đóng góp giải pháp thiết thực cho đất nước.” Vừa qua, ELSA cũng đã có nhiều hoạt động chia sẻ và đồng hành cùng toàn quốc chống dịch. ELSA đã phát động chương trình hỗ trợ hoàn toàn học phí ELSA Pro 3 tháng cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trong mùa dịch. Song song cùng hợp tác với Văn phòng Đề án 844, Bộ KH&CN, ELSA còn đóng góp khoản tài trợ trị giá 400.000 đô la Mỹ hướng đến toàn dân. Để tham gia chương trình, startup thực hiện theo 2 bước bên dưới. Thời hạn đăng ký từ 30/03/2020 đến hết ngày 07/04/2020: Bước 1: Tải ứng dụng ELSA Speak miễn phí trên App Store hoặc Google Play tại ĐÂY Bước 2: Đại diện doanh nghiệp truy cập vào ĐÂY để đăng ký số lượng lớn cho nhân viên của mình Vui lòng liên hệ email support@elsanow.io với tiêu đề “ELSA PRO 3 tháng cho doanh nghiệp” khi có vấn đề cần hỗ trợ. Minh Phương

Hải đội Kiểm soát trên khu vực miền Bắc phát hiện, kiểm tra và bắt giữ tàu Chung Ching

TĐKT - Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã phá thành công chuyên án buôn lậu thuốc lá điếu trên biển lớn nhất từ trước tới nay, cụ thể: Thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án TL320, vào hồi 3h30 ngày 19/3/2020 tọa độ 20019.838’N; 107029.884’E thuộc vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Hải đội 1 - Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện tàu CHUNG CHING (quốc tịch PaLau) đang thả trôi sang mạn trái phép thuốc lá điếu xuống các xuồng cao tốc không có số hiệu để thẩm lậu vào trong nội địa tiêu thụ. Khi biết bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện, các xuồng cao tốc liền cắt dây neo bỏ chạy, thuyền trưởng tàu CHUNG CHING cũng lập tức cho tàu tăng tốc chạy ra phao số 0 hướng về vùng biển Trung Quốc. Mặc dù tàu tuần tra của Hải quan đã phát tín hiệu dừng tàu để kiểm tra, song các đối tượng vẫn bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh, buộc cán bộ, chiến sĩ trên tàu tuần tra phải nổ súng cảnh cáo. Tại thời điểm kiểm tra, theo khai báo của thuyền trưởng tàu CHUNG CHING, trên tàu có 22 thuyền viên là người nước ngoài, vận chuyển khoảng 8.549 kiện (tương đương 4.274.500 bao thuốc lá điếu) các loại bao gồm thuốc lá ba số 555, ESSI, YUXI, DOUBLE…. Kết quả kiểm tra sơ bộ ban đầu xác định các đối tượng trên tàu đã sang mạn chót lọt xuống 5 xuồng cao tốc khoảng 2000 kiện thuốc lá (tương đương 1.000.000 bao), số lượng thuốc lá còn lại trên tàu khoảng 6.549 kiện (tương đương 3.274.500 bao) thuốc lá điếu các loại. Hiện Hải đội 1- Cục Điều tra chống buôn lậu đang tiến hành dẫn giải tàu CHUNG CHING cùng toàn bộ hàng hóa vi phạm về khu neo đậu an toàn thuộc vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng sử dụng nhiều phương tiện, nhiều thủ đoạn tinh vi, với số lượng hàng hóa vi phạm rất lớn. Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan hiện đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an tiến hành khẩn trương điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Hồng Thiết    

Hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch Covid-19

TĐKT - Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, cụ thể như sau: Giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán Cụ thể, giảm giá (từ 10% - 50%) 9 dịch vụ, trong đó: Giảm 10% đối với 3 dịch vụ bao gồm: Dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán. Giảm từ 15% - 20% đối với 2 dịch vụ bao gồm: Dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh.  Giảm từ 30% - 50% đối với 4 dịch vụ bao gồm: Dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh. Bên cạnh đó, không thu (miễn hoàn toàn) đối với 6 dịch vụ bao gồm: Dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ. Trên cơ sở mức giảm giá dịch vụ quy định tại Thông tư này, các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Điều 2 Thông tư số 128/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 thực hiện ngay việc giảm giá dịch vụ do đơn vị mình cung cấp tương ứng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ, quy định của pháp luật về giá và pháp luật có liên quan. Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ quy định tại Thông tư ít nhất trong vòng hơn 5 tháng (từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020). Trường hợp tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư này trong trường hợp cần thiết. Hồng Thiết  

PVN khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm

TĐKT - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai Chỉ thị số 1151/CT-DKVN về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu sụt giảm. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 và thị trường dầu mỏ, nhằm nâng cao công tác quản trị, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động xây dựng và triển khai kịp thời các gói giải pháp cấp bách ứng phó với tác động kép của dịch bệnh và giá dầu thấp, PVN đã có Chỉ thị yêu cầu toàn bộ Tập đoàn và các đơn vị thành viên chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thị trường về cung cầu, biến động giá của dầu thô, sản phẩm dầu khí, từ đó xây dựng phương án, kịch bản điều hành cụ thể để ứng phó. Mỏ Bạch Hổ: Nơi khai thác dầu khí Đối với việc giảm mạnh, sâu của giá dầu từ ngày 9/3/2020, chuẩn bị phương án cho cú sốc ngắn hạn và cho tình huống giá thấp kéo dài ở các mức giá 30; 35; 40; 45; 50USD/thùng, kể cả các kịch bản cho phương án xấu nhất... để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh linh hoạt, hiệu quả. Khẩn trương báo cáo Tập đoàn các chỉ tiêu tài chính (doanh thu, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế hợp nhất, công ty mẹ; nộp ngân sách nhà nước) tương ứng với mức giá dầu nêu trên, giải pháp ứng phó chi tiết của đơn vị, các kiến nghị gửi Tập đoàn trước ngày 13/3/2020. Tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, cắt giảm hội họp, giao lưu... tăng cường quản trị chi phí tối ưu, triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động (ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sáng kiến, sáng chế, giải pháp cải tiến kỹ thuật ...). Đặc biệt, cần có biện pháp thích hợp, chặt chẽ nhằm giữ gìn và bảo đảm an toàn, tránh tác động lây nhiễm dịch bệnh đến các khu vực hoạt động khai thác, các nhà máy vận hành sản xuất để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, hiệu quả cao. Tích cực phối hợp với các đơn vị trong Tập đoàn để chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả trong cả chuỗi giá trị của Tập đoàn. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp. Cũng tại Chỉ thị trên, PVN cho biết, Tập đoàn đã và đang xây dựng, cập nhật, triển khai gói giải pháp tổng thể để ứng phó với tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu sụt giảm. Đồng thời, để triển khai có hiệu quả công tác này, PVN yêu cầu các đơn vị trong quá trình thực hiện thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, những khó khăn, vướng mắc để Tập đoàn hỗ trợ, xử lý kịp thời. Hồng Thiết

Bộ Tài chính: Bám sát tình hình dịch bệnh Covid -19 tham mưu cho Chính phủ các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

TĐKT - Chiều 11/3, tại Hà Nội, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề cung cấp thông tin liên quan đến dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi cho biết, nhằm đối phó với tình hình dịch Covid - 19, ngay từ ngày 4/2 Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng và ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona gây ra. Tiếp đó, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và tạo động lực cho phát triển. Họp báo chuyên đề Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong đó, giao Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020. Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao và để kịp trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, đánh giá, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, ý kiến của các chuyên gia người dân, từ đó xây dựng Dự thảo Nghị định. Ngày 10/3/2020, Bộ Tài chính đã ký công văn xin ý kiến tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Những đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 như: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống). Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là những doanh nghiệp được hỗ trợ trong dự thảo Nghị định này. Gói hỗ trợ mà Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất là 30.100 tỷ đồng. Thời hạn gia hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 của các doanh nghiệp, tổ chức nêu trên đang thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng phải nộp theo tháng. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức phải nộp theo Quý cũng sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của Quý I và Quý II năm 2020 của các doanh nghiệp, tổ chức nêu trên đang thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng phải nộp theo quý. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải nộp và hồ sơ khai bổ sung gửi đến cơ quan thuế trước thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung. Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế thuộc đối tượng được gia hạn. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này trước ngày 15/12/2020. Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực được gia hạn. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Thời hạn nộp tiền thuê đất được gia hạn chậm nhất là ngày 31/10/2020. Đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh đa ngành kinh tế khác nhau, trong đó có ngành kinh tế thuộc lĩnh vực được gia hạn thì được gia hạn toàn bộ số thuế giá trị gia tăng phải nộp; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình được gia hạn toàn bộ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo hướng dẫn tại Nghị định này. Riêng tiền thuê đất gia hạn được xác định theo từng quyết định, hợp đồng có mục đích sử dụng đất vào sản xuất, kinh doanh các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực được gia hạn. Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, dự kiến Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Nghĩa là Nghị định này sẽ không có thông tư hướng dẫn mà sẽ triển khai thực hiện ngay từ khi ký. Hồng Thiết    

Huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

TĐKT - Ngày 10/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 357/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Kết luận số 97-KL/TW và Kết luận số 54-KL/TW. Cùng với đó, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thực hiện xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp; tiếp tục đầu tư phát triển nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn; đổi mới và nâng cấp chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, sinh thái nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu, theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nguyệt Hà  

VinaPhone tiếp tục là nhà mạng 3G/4G nhanh nhất Việt Nam

TĐKT - Theo kết quả công bố, danh hiệu nhà mạng 3G/4G nhanh nhất Việt Nam do Ookla - đơn vị uy tín về đo kiểm tốc độ internet vừa được trao cho VinaPhone. Đây là năm thứ 2 liên tiếp VinaPhone nhận được danh hiệu này.   Chứng nhận VinaPhone mạng 3G, 4G nhanh nhất Việt Nam Ookla (có trụ sở tại Hoa Kỳ) là một trong những tổ chức đo lường và phân tích tốc độ Internet uy tín nhất thế giới. Tổ chức này đã xây dựng và phát triển công cụ Speedtest để người sử dụng Internet có thể trực tiếp kiểm tra tốc độ mạng trên thiết bị của mình. Thông qua kết quả đo kiểm được thực hiện bởi người dùng, hệ thống Speedtest sẽ tập hợp, chấm điểm và công bố thứ hạng tốc độ của các nhà mạng với chu kỳ 6 tháng/lần. Tại Việt Nam, Speedtest được sử dụng bởi hàng triệu người dùng, trải đều ở các nhà mạng lớn. Theo công bố mới đây của Ookla, VinaPhone được đánh giá là nhà mạng có tốc độ 3G/4G nhanh nhất Việt Nam trong quý 3 – quý 4 năm 2019 với điểm tốc độ đạt 31,30 điểm. Cụ thể, tốc độ download trung bình của VinaPhone đạt 33,06 Mbps, tốc độ upload là 18,75 Mbps. Đáng chú ý, tốc độ dowmload của VinaPhone vượt trội hơn hẳn so với các nhà mạng khác (cao hơn 2,42 và 10,37 Mbps so với nhà mạng xếp thứ 2, thứ 3). Đây được đánh giá là tốc độ ổn định và có thể dùng để thay thế internet cáp quang trong nhiều trường hợp. Tổ chức Ookla cho biết, những dữ liệu trên được chính người dùng đo kiểm ở các khu vực địa lý khác nhau, trên những thiết bị di động và thời điểm khác nhau. Qua đó có thể thấy, mạng 3G/4G của VinaPhone được phủ trên phạm vi rộng với tốc độ ổn định và tương đối đồng đều giữa các khu vực. Phát biểu về giải thưởng này, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc VinaPhone chia sẻ: "Trong thời đại 4.0 hiện nay, nhu cầu sử dụng mạng di động của khách hàng ngày càng cao. Nhận biết điều này, VinaPhone luôn coi việc mang lại tốc độ truy cập cao cho người dùng là điều kiện cơ bản. Đến nay, mạng 3G/4G của VinaPhone đã phủ sóng 63 tỉnh/thành phố với hơn 60.000 trạm 3G/4G. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp để khách hàng được trải nghiệm dịch vụ trên nền tảng tốc độ cao, hoàn hảo hơn." 2 năm liên tiếp nhận được danh hiệu mạng 3G/4G nhanh nhất Việt Nam, VinaPhone khẳng định về chất lượng dịch vụ 3G/4G ngày càng vượt trội, đáp ứng mọi nhu cầu kết nối Internet của khách hàng. Đây cũng chính là lý do khiến trong năm vừa qua, VinaPhone có thêm hơn hàng triệu khách hàng mới và khách hàng đăng ký chuyển đến mạng VinaPhone giữ nguyên số. Để người dùng có cơ hội trải nghiệm công nghệ 4G vượt trội, hiện VinaPhone đang đồng loạt triển khai chương trình đổi sim 4G miễn phí và tặng thêm 5G data cho khách hàng đổi sim 4G trên toàn quốc đồng thời ra gói cước Đỉnh 60G data chỉ 120.000đ/tháng. Hồng Thiết      

VNPT khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước hiện tượng lừa đảo cước viễn thông quốc tế

TĐKT - Trong thời gian vừa qua, VNPT đã tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng về việc nhận được các cuộc gọi từ các đầu số nước ngoài như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226). Thực chất đây là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài đến thuê bao VinaPhone, bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn. Tổng đài VinaPhone 18001091 tiếp nhận phản ánh từ khách hàng Khi phát hiện ra tình trạng này, VNPT đã chủ động phân loại và chặn các cuộc gọi đến từ các các đầu số quốc tế có dấu hiệu lừa đảo để ngăn chặn các hiện tượng trên, giữ an toàn cho khách hàng. Đồng thời VNPT cũng thông báo rộng rãi tới khách hàng qua các kênh truyền thông như website, tổng đài chăm sóc khách hàng... Để tránh thiệt hại cho khách hàng, VNPT khuyến cáo: Quý khách hàng nên cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ các đầu số lạ quốc tế gọi hoặc nháy máy, nhắn tin vào số điện thoại của mình. Đặc biệt vào các thời điểm buổi tối hoặc trong thời gian nửa đêm về sáng khi khách hàng còn ngái ngủ hoặc tưởng người thân gọi về Việt Nam có chuyện cần gấp. Hầu hết các cuộc gọi được thực hiện với thời lượng vài giây rồi tắt máy. Nếu khách hàng gọi lại cho các số điện thoại lạ và khi cuộc gọi được kết nối thành công, người nghe chỉ nghe thấy những âm thanh được cài đặt sẵn, sau đó tài khoản của họ sẽ lập tức bị trừ những khoản tiền rất lớn. Để bảo vệ quyền lợi và tránh thiệt hại không đáng có, VNPT xin cung cấp cho quý khách một số dấu hiệu nhận biết cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo và biện pháp phòng tránh: Thứ nhất, các cuộc gọi, tin nhắn Quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu. Hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước Việt Nam).  Thứ hai, các cuộc gọi này xuất hiện hiện dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối thời lượng rất ngắn có nội dung thông báo yêu cầu khách hàng gọi lại. Với tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại. Thứ ba, khách hàng không thực hiện gọi lại những số máy xuất hiện ở những cuộc gọi nhỡ, gọi đến, tin nhắn có dấu hiện như trên. Chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài. Thứ tư, các ứng dụng có tính năng thực hiện cuộc gọi thông thường có thông báo mời Khách hàng lựa chọn giữa cuộc gọi có tính phí và cuộc gọi không tính phí. Do vậy khi thực hiện cuộc gọi bằng các ứng dụng này, quý khách hàng lưu ý kiểm tra kỹ hình thức thực hiện cuộc gọi đang sử dụng, tránh phát sinh cước ngoài ý muốn. Khi có hiện tượng như trên, khách hàng vui lòng phản ánh về tổng đài 18001091 của VNPT để kịp thời giải quyết. Hồng Thiết  

Trang