Kinh tế

Nộp ngân sách 205 nghìn tỷ đồng từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

TĐKT - Trong giai đoạn năm 2016 - 2019, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước (thông qua Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp) đã chuyển vào ngân sách nhà nước tổng số tiền là 205.000 tỷ đồng. Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết về chất vấn, liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội: Nghị quyết số 25/2016/QH14 và Nghị quyết số 26/2016/QH14, trong giai đoạn năm 2016 - 2019, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước (thông qua Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp) đã chuyển vào ngân sách nhà nước tổng số tiền là 205.000 tỷ đồng. Trong đó: năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 60.000 tỷ đồng; năm 2018 là 65.000 tỷ đồng và năm 2019 là 50.000 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2020, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp còn phải chuyển về ngân sách tổng số tiền là 45.000 tỷ đồng. Về công tác cổ phần hóa, lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 3/2020, có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 28% kế hoạch, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Nhìn chung, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là: TP Hà Nội phải cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty. Về tình hình thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 3/2020 là 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng. Trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 96 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.783 tỷ đồng, thu về 9.185 tỷ đồng. Cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco) tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.597 tỷ đồng, thu về 52.266 tỷ đồng. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ- TTg còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần); TP Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp). La Giang  

Bộ Tài chính ban hành Thông tư giảm phí trong lĩnh vực hàng không

TĐKT - Ngày 27/5, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2020/TT-BTC nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, giảm phí, lệ phí đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực hàng không. Kể từ ngày 27/5/2020, tổ chức, cá nhân khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và kinh doanh cảng hàng không quy định tại Điều 3 Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 sẽ nộp phí bằng 90% mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư số 247/2016/TT-BTC. Đồng thời, tổ chức, cá nhân khi ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam sẽ nộp phí, lệ phí bằng 90% mức thu quy định tại Điều 4 Thông tư số 194/2016/TT-BTC. Bộ Tài chính ban hành Thông tư giảm phí trong lĩnh vực hàng không Kể từ ngày 27/5/2020, tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay và thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay sẽ nộp phí bằng 80% mức phí tương ứng quy định tại mục VI và mục VIII (trừ nội dung thu tại các số thứ tự: 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 4.5.1, 5, 6 của mục VI và số thứ tự 4 của mục VIII) phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC ngày 8/11/2016. Thông tư trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, các quy định nộp phí trên sẽ trở lại quy định trước ngày 27/5/2020. Tính đến ngày 27/5/2020, Bộ Tài chính đã ban hành 11 Thông tư giảm phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. La Giang  

Sắp diễn ra Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội

TĐKT - Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội  năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 29 - 31/5/2020 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và Thương mại (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Đây là phiên chợ định kỳ hàng tháng, tiếp nối thành công của các Phiên chợ Nông sản, thực phẩm an toàn do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức. Phiên chợ là hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng nhằm: Tăng cường kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm an toàn giữa HTX, doanh nghiệp các địa phương với người tiêu dùng tại Hà Nội; qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Đặc biệt, phiên chợ tháng 5/2020 nhằm khởi động lại các Chương trình Xúc tiến thương mại của năm, đồng thời là hoạt động tiên phong sau thời gian dài thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và phòng, chống dịch Covid-19. Vải thiều Thanh Hà vào vụ thu hoạch Với quy mô gần 100 gian hàng, phiên chợ sẽ tiếp tục trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm sạch an toàn (rau, củ, hoa quả, thịt, cá, trứng, đồ hộp, hải sản chế biến, bánh kẹo, cà phê, chè, nước trái cây, sữa, nước giải khát…). Các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến từ các đơn vị sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông lâm thủy sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn, được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo chuỗi; được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap về trồng trọt và chăn nuôi hoặc các đơn vị sản xuất nông sản, thực phẩm đã có thương hiệu trên thị trường như: Vải thiều Thanh Hà, gạo Séng Cù, gạo Tám Xoan Hải Hậu, thạch đen Cao Bằng, mật ong Bạc Hà Mèo Vạc, chè Tân Cương, rau quả Mộc Châu, ruốc tôm và chả mực Hạ Long, cá Thát Lát Hậu Giang, hạt điều Bình Phước, nước mắm sá sùng Cái Rồng, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cam Vinh Nghệ An..... Với ý nghĩa thiết thực, Phiên chợ tháng 5 – Phiên khởi động của năm 2020 chắc chắn sẽ tiếp tục thỏa mãn nhu cầu mua sắm nông sản sạch, là điểm hẹn lý tưởng để những hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp uy tín có cơ hội đưa nông sản sạch từ các địa phương về với người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận. Phiên chợ sẽ mở cửa đón khách tham quan, mua sắm từ 8h00 đến 20h00 các ngày 29 – 31/5/2020. Hưng Vũ

Bộ Tài chính thông tin về hoạt động kinh doanh đặt cược

TĐKT - Trong thời gian qua, có thông tin về việc doanh nghiệp đang truyền thông và quảng bá là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử được Chính phủ cấp phép để kinh doanh dự đoán kết quả trong thi đấu bóng đá và thể thao có thưởng. Trong phạm vi quản lý nhà nước, Bộ Tài chính thông tin như sau: Thứ nhất, cho đến nay, Bộ Tài chính chưa cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược cho bất kỳ doanh nghiệp nào thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế. Thứ hai, theo quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, đặt cược là trò chơi giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao, giải trí được sử dụng để kinh doanh đặt cược. Theo quy định tại Nghị định này thì Chính phủ chỉ cho phép kinh doanh 3 loại hình đặt cược gồm: Đặt cược đua ngựa; đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Đồng thời Nghị định cũng quy định kinh doanh đặt cược là hoạt động kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích phát triển, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước; chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược mới được kinh doanh đặt cược. Hoạt động kinh doanh đặt cược qua mạng là hành vi bị nghiêm cấm. Thứ ba, đối với hoạt động kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế: Theo quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP, Chính phủ cho phép 1 doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế trong thời gian là 5 năm. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế áp dụng quy định của Luật đấu thầu. Trong quá trình xây dựng phương án lựa chọn doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế có vướng mắc về pháp lý, do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP. Cho đến nay, Bộ Tài chính chưa tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế. Thứ tư, đối với hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó: Theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 và Nghị định số 06/2017/NĐ-CP, việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó được thực hiện theo quy trình gồm 2 bước gồm:  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó gồm: Địa điểm đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đua chó phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi xây dựng trường đua; vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (đối với đặt cược đua ngựa) và 300 tỷ đồng (đối với đặt cược đua chó); có phương án đầu tư, phương án kinh doanh đặt cược khả thi và cam kết về việc hỗ trợ cộng đồng.  Trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược. Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó bao gồm: Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đua chó; đã trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh đặt cược; có phương án kinh doanh đặt cược khả thi, phù hợp quy định của pháp luật. Cho đến nay, Bộ Tài chính đang xem xét hồ sơ của Công ty Cổ phần Thể thao Thi đấu Giải trí đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua chó, là trường hợp đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức kinh doanh đua chó dự thưởng tại Sân vận động Lam Sơn (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trước khi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Bộ Tài chính xin thông tin để các cá nhân và tổ chức được biết. Đề nghị các cá nhân và tổ chức thận trọng, nâng cao ý thức và cảnh giác trước những nội dung truyền thông và quảng bá của những nhà đầu tư trong việc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh dự đoán kết quả trong thi đấu bóng đá và thể thao có thưởng. Hồng Thiết

Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Gia Hưng chính thức khai trương

TĐKT - Ngày 24/5, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Gia Hưng tổ chức Lễ khai trương trụ sở mới và ký kết hợp tác. Đến dự buổi lễ có bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Công ty được khai trương tại trụ sở 697 Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Các đại biểu cắt băng khai trương trụ sở Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Gia Hưng.   Được biết, Công ty Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Gia Hưng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư tài chính và xúc tiến thương mại với đội ngũ nhân sự có nền tảng kiến thức pháp luật và tư duy kinh doanh hiện đại. Tại buổi lễ, Quỹ Acuity tại Việt Nam và châu Á lựa chọn và trao Thỏa thuận đồng hành cho Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Gia Hưng. Ngay sau đó, Quỹ Acuity tại Việt Nam và châu Á đã ký Biên bản ghi vốn cho Dự án Chợ Thổ tang Vĩnh Phúc với số tiền 300 tỷ đồng. Cũng tại chương trình, Tổng công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng và Công ty Cổ phần Thổ Tang Vĩnh Phúc đã trao 300 triệu đồng tặng Quỹ học bổng Vừ A Dính. Hồng Thiết

Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản thi đua làm tốt công tác sản xuất, kinh doanh

TĐKT - Quý I năm 2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn Công  nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) diễn ra trong bối cảnh chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19. Trước những khó khăn và nguy cơ cao do tác động của dịch, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị quyết liệt triển khai các giải pháp để kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh; đồng thời thi đua đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh và chuẩn bị tốt công tác tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở theo tiến độ. Cùng với đó, TKV đã hỗ trợ 15 tỷ đồng cho Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế và các địa phương trong công tác chống dịch. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn còn tích cực chung tay ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế, hỗ trợ tiêu thụ nông ngư sản cho nhân dân địa phương nhằm chia sẻ khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid -19. Sự chung tay kịp thời của TKV với các địa phương đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh đã được ghi nhận và đánh giá cao. Tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh Cụ thể, trong công tác phòng, chống dịch, với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TKV cũng như sự nghiêm túc triển khai của các đơn vị trực thuộc nên tính đến thời điểm hiện tại TKV chưa có bất kì CBCNV- NLĐ nhiễm dịch COVID-19. Về kết quả SXKD, quý I, các chỉ tiêu chính của Tập đoàn hoàn thành từ 22-25% kế hoạch năm. Trong đó, than nguyên khai sản xuất đạt 10,4 triệu tấn, bằng 25,7% kế hoạch năm; than tiêu thụ: 11,63 triệu tấn, bằng 24% kế hoạch. Trong đó, than cấp điện đạt 9,89 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ, tăng tương ứng 1,1 triệu tấn. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 30.215 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động đạt bình quân 12,5 triệu đồng/người/tháng. Đáng chú ý, nộp ngân sách Nhà nước của Tập đoàn trong Quý I đạt 6.600 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ 2019. Tập đoàn tiếp tục nêu cao tinh thần “Người thợ mỏ- Người chiến sỹ” Theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn, TKV luôn nêu cao tinh thần vượt khó, “Kỷ luật và đồng tâm” của CNCB toàn Tập đoàn, nhờ đó trong quý I/2020, Tập đoàn đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch tốt - vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh tốt. Tập đoàn tiếp tục nêu cao tinh thần “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”, tập trung thực hiện tốt 12 nhiệm vụ trọng tâm trong quý II nhằm tiếp tục đảm bảo công tác chống dịch an toàn; vừa chuẩn bị sẵn sàng các phương án để tăng tốc sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.   Trên tinh thần đó, trong quý II/2020, bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, HĐTV, toàn Tập đoàn phấn đấu thực hiện “3 tốt” - “Phòng, chống dịch tốt - Sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tốt - Tổ chức tốt Đại hội của Đảng bộ Tập đoàn và Đảng bộ Than Quảng Ninh”. Tập đoàn cũng sẽ bám sát và phân tích kỹ mức độ tác động của dịch Covid -19 ở từng thời điểm để có những chỉ đạo, giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình và diễn biến của dịch. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu SXKD ở mức cao nhất để ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần nhân văn, “tương thân, tương ái”, tình giai cấp của thợ mỏ, của Tập đoàn, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, các cơ quan trong công tác phòng, chống dịch, cũng như giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong cộng đồng. Các tổ chức trong hệ thống chính trị của Tập đoàn như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên vào cuộc cùng chuyên môn tích cực, nắm bắt tư tưởng cán bộ, công nhân viên và người lao động toàn Tập đoàn, từ đó có những quan tâm thiết thực, nhất là đối với các đơn vị, các gia đình thợ mỏ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; phát động, tổ chức các chương trình thiết thực hưởng ứng cuộc vận động hiến máu tình nguyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Theo kế hoạch, trong Quý II, Tập đoàn TKV sản xuất 10,2 triệu tấn than nguyên khai, than tiêu thụ 12 triệu tấn; trong đó tháng 4 sản xuất 3,8 triệu tấn, tiêu thụ 4,1 triệu tấn, bóc xúc đất đá 48 triệu m3; đào lò 64.800 m. Sản xuất Alumina 345.000 tấn, tinh quặng đồng: 29,1 ngàn tấn, đồng tấm: 3.360 tấn, kẽm thỏi 2.890 tấn, phôi thép 51.000 tấn. Sản xuất điện: 2,76 tỷ Kwh. Sản xuất thuốc nổ 17,5 ngàn tấn; cung ứng thuốc nổ 29 ngàn tấn, sản xuất và tiêu thụ Amon Nitrat: 41 ngàn tấn. TKV sẽ tiếp tục phát huy và thúc đẩy tinh thần vượt khó như trong quý I vừa qua, 6 tháng đầu năm, Tập đoàn sẽ hoàn thành ít nhất 50% kế hoạch năm. Hồng Thiết

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 và khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành

TĐKT - Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, Bộ Tài chính nhận thấy khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 4 tháng đầu năm 2020 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 (bằng 98%). Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 49,1% khối lượng trái phiếu phát hành với lãi suất phát hành bình quân tăng; nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua TPDN. Về đầu tư TPDN của nhà đầu tư cá nhân, tháng 10/2019 Bộ Tài chính đã có khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc kỹ và thận trọng khi mua TPDN phát hành riêng lẻ. Trước tình hình thị trường nêu trên, để hạn chế rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, Bộ Tài chính khuyến nghị: Đối với doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trái phiếu, phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, gắn với nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu. Đồng thời, phải tuân thủ quy định của pháp luật, công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành trái phiếu, điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính cho nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đảm bảo sự công khai, minh bạch của thị trường và việc doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật. Đối với nhà đầu tư, cần phân biệt rõ phương thức phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ. Đối với TPDN phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin cho tất cả công chúng đầu tư, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng. Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu đồng thời công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mà không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Đồng thời, nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý việc mua TPDN khác với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Theo thông lệ thì TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021) cũng đã quy định TPDN riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần lưu ý là lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, mới nên mua TPDN riêng lẻ. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán,…) do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính. Theo đó, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu/tổ chức bảo lãnh, phân phối TPDN cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm: Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; cam kết của doanh nghiệp phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Để tham gia thị trường TPDN, các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, hiểu biết và tuân thủ quy định của pháp luật; trên cơ sở đó, góp phần xây dựng và phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững./. Hồng Thiết  

Nestlé hỗ trợ 22.000 cơ sở kinh doanh nhỏ vượt khó thời COVID-19

TĐKT - Nhằm hỗ trợ các đối tác kinh doanh nhỏ lẻ gồm các cửa hàng nhỏ, quán ăn nhỏ, căng-tin trường học đang gặp khó khăn do cơn bão dịch bệnh Covid-19, Công ty Nestlé Việt Nam và La Vie (thành viên của Tập đoàn Nestlé) vừa triển khai Chương trình “Vượt thách thức, Đón thời cơ”, nhằm khích lệ các đối tác kinh doanh này mở cửa trở lại và tiếp tục các hoạt động kinh doanh. Tổng giá trị của sáng kiến này dự kiến là 22 tỷ đồng dưới hình thức là các sản phẩm của Nestlé. Sau hơn 3 tháng kể từ ngày bùng phát, dịch Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Đối với khu vực kinh tế tư nhân, chịu ảnh hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể… do sức mua giảm sút và thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương. Đại diện Nestlé trao hỗ trợ cho chủ một quán Hủ tiếu bò viên Chú Tư Già, TP Hồ Chí Minh Đối với các cửa hàng kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, đợt dịch bệnh này đã khiến nhiều người đối mặt với sự khó khăn chưa từng thấy và thậm chí một số người đã phải tạm thời đóng cửa các hoạt động kinh doanh của mình. Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, chủ chuỗi quán Hủ tiếu bò viên Chú Tư Già, TP Hồ Chí Minh, cho biết: Trong giai đoạn giãn cách xã hội, việc kinh doanh của gia đình chúng tôi gặp khó khăn nhiều. Nếu như trước đây, một ngày các quán của gia đình tôi bán 500 - 600 tô hủ tiếu, thì hiện nay chỉ bán được một phần ba số đó. Đại diện Nestlé trao hỗ trợ cho một cửa hàng nhỏ Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ: Triển khai Chương trình “Vượt thách thức, Đón thời cơ”, chúng tôi mong muốn chia sẻ những khó khăn mà các đối tác kinh doanh nhỏ đang gặp phải trong thời gian này thông qua sự động viên đến từ trái tim và sự chân thành. Chúng tôi tin rằng cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua những thách thức, đón thời cơ và khởi động lại hoạt động kinh doanh mạnh mẽ hơn. Dự kiến, Nestlé Việt Nam và La Vie sẽ hỗ trợ 22.000 đối tác kinh doanh nhỏ là các cửa hàng nhỏ, quán ăn nhỏ, căng-tin trường học trên toàn quốc với gần 1,8 triệu sản phẩm của các nhãn hiệu được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và yêu mến như MILO, MAGGI, NESCAFÉ, NESTEA, nước khoáng La Vie… Sự hỗ trợ này sẽ được thực hiện trên quy mô toàn quốc từ tuần thứ 2 của tháng 5/2020. Nhiều chủ đơn vị kinh doanh nhỏ như bà Mỹ Hạnh, chủ chuỗi quán Hủ tiếu bò viên Chú Tư Già, khi được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của Công Ty Nestlé Việt Nam, đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến công ty và thể hiện quyết tâm sớm mở cửa trở lại và tiếp tục các hoạt động kinh doanh, vượt qua cơn bão dịch bệnh Covid - 19. Chương trình hỗ trợ là một nỗ lực nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ cộng đồng của Nestlé bao gồm: Chung tay với Chính phủ trong công tác hỗ trợ tuyến đầu chống với tổng trị giá hiện vật và tiền mặt hơn 12 tỷ đồng. Khuyến khích lối sống tích cực và khỏe mạnh trong cộng đồng thông qua hoạt động của các nhãn hàng MILO, MAGGI, NESCAFÉ. Tiếp thêm năng lượng bền bỉ cho trẻ đến trường với hoạt động gửi tặng 2 triệu hộp sữa Nestlé MILO nhân dịp trẻ em trở lại trường học. Hỗ trợ các đối tác kinh doanh nhỏ “Vượt thách thức, Đón thời cơ” với tổng giá trị quà tặng lên tới 22 tỷ đồng. Mai Thảo

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới

TĐKT – Với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, nhằm cung cấp các thông tin, chính sách, tìm kiếm các giải pháp để phát triển, Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Tạp chí Thương Gia tiếp tục phối hợp tổ chức “Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam - lần 2” vào ngày 19/6/2020 tại Trung tâm Hội Nghị Quốc tế - 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương Sự kiện có 3 hoạt động chính: Diễn đàn và Trưng bày trên 1.000 dự án kêu gọi đầu tư có sử dụng đất trên toàn quốc (ngày 19/6); tham quan thực tế địa phương và khu công nghiệp (ngày 20/6). Ngôn ngữ sử dụng trong Diễn đàn: Tiếng Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Diễn đàn kết nối các cơ quan quản lý nhà nước; UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế - Khu công nghiệp và các sở ngành của địa phương trên toàn quốc; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; hiệp hội doanh nghiệp sản xuất trên toàn quốc; công ty đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp; nhà đầu tư bất động sản hàng đầu; ngân hàng và các tổ chức tài chính; nhiều chuyên gia kinh tế uy tín. Diễn đàn là nơi trao đổi, kết nối thông tin, đưa giải pháp giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội vàng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2020 - 2022. Đặc biệt, tham dự Diễn đàn nhà đầu tư có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu thông tin của hơn 1.000 dự án kêu gọi đầu tư có sử dụng đất trên toàn quốc; bàn thông tin xúc tiến đầu tư của các khu công nghiệp và địa phương; các phân tích chuyên sâu và dự báo thị trường của các chuyên gia kinh tế. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Đồng trưởng ban tổ chức nhận định: “Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt.” Đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc có nhiều cửa sáng và đang tỏa sức “nóng”, trở thành lựa chọn mới, đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư. 3 yếu tố chính đem đến cơ hội lớn cho Việt Nam và mở ra cơ hội vàng cho bất động sản công nghiệp, đó là: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong tháng 7/2020, tạo sức hấp dẫn không chỉ với các nhà đầu tư châu Âu mà còn với các nhà đầu tư ở nhiều quốc gia khác. Do dịch Covid-19, kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia triển khai sớm hơn dự kiến, tiêu chí là đảm bảo vẫn giữ được thị trường 1,4 tỷ dân này và với lợi thế gần Trung Quốc về mặt địa lý – Việt Nam dễ dàng được lựa chọn. Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam sau đại dịch. Chính bởi vậy, dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch nhưng nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong những tháng đầu năm tại Việt Nam vẫn ở mức cao.  Đăng ký tham gia và cập nhật thông tin tại www.batdongsancongnghiep.vn. * ĐT: 098 339 5526. Phương Thanh

Giám sát chặt và nâng chế tài trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia

TĐKT - Đúng 10h ngày 12/5/2020, đồng loạt 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực (DTNNKV) thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã tổ chức mở thầu đợt 2 gói thầu mua 182.300 tấn gạo dự trữ quốc gia. Trước đó, ngày 16/4/2020, Tổng cục DTNN đã phát hành công khai hồ sơ mời thầu rộng rãi tới tất cả các nhà thầu trong nước để cung cấp số lượng hàng hóa này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thời – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN về vấn đề trên. Ông Lê Văn Thời – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phóng viên: Xin ông cho biết các căn cứ để quy định giá gói thầu tổ chức đấu thầu mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia? Ông Lê Văn Thời: Theo quy định tại Điều 19, 20, 21 của Luật Giá thì hàng dự trữ quốc gia thuộc danh mục nhà nước định giá. Về nguyên tắc định giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và phải kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Về căn cứ định giá phải đảm bảo giá thành toàn bộ, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá; mức lợi nhuận dự kiến; phù hợp với quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng và giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá. Theo quy định tại Điều 49 Luật Dự trữ quốc gia quy định về giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia: Khi mua, bán hàng dự trữ quốc gia, nếu giá thị trường biến động cao hơn giá mua tối đa, thấp hơn giá bán tối thiểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh giá mua tối đa, giá bán tối thiểu trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng DTQG quyết định mức giá cụ thể theo giá thị trường tại thời điểm và từng địa bàn khi mua, bán hàng DTQG thuộc phạm vi quản lý nhưng không được cao hơn giá mua tối đa và thấp hơn giá bán tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Như vậy, theo quy định hiện hành của Luật Giá và Luật Dự trữ quốc gia thì khi xác định giá để thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia phải căn cứ vào thời điểm định giá. Tại thời điểm định giá, căn cứ vào thị trường cung cầu hàng hóa, chất lượng hàng hóa và giá thị trường tại thời điểm định giá để quy định mức giá. PV: Thưa ông, việc quy định giá gói thầu tổ chức đấu thầu ngày 12/5/2020  được thực hiện như thế nào? Ông Lê Văn Thời: Để mua đủ số lượng gạo nhập kho dự trữ quốc gia theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục DTNN tổ chức đấu thầu lại và mở thầu vào ngày 12/5/2020. Tại thời điểm hiện nay, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhu cầu gạo cho xuất khẩu tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường kể từ ngày 1/5/2020. Do đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh gom hàng phục vụ xuất khẩu trong khi nguồn cung gạo đông xuân đã vào cuối vụ thu hoạch không còn nhiều nên đã kéo giá gạo trên thị trường tăng cao, gạo tẻ 15% tấm ở mức khoảng 10.300 - 10.500 đồng/kg (chưa có bao bì, đóng gói, kiểm định chất lượng, bốc xếp, hao hụt, lãi vay, lợi nhuận doanh nghiệp… và cước vận chuyển tới từng cửa kho DTQG). Theo quy định của Luật Giá, Luật DTQG và gạo mua nhập kho dự trữ là mặt hàng lương thực mang tính thời vụ; giá gạo phụ thuộc nhiều vào tình hình cung cầu trên thị trường và thời vụ thu hoạch. Do đó, để đảm bảo việc quy định giá sát giá thị trường tại thời điểm và đảm bảo phải quy định trước thời điểm mở thầu, trên cơ sở kết quả thẩm định của Cục Quản lý giá về phương án giá của Tổng cục DTNN, ngày 11/5/2020 Bộ Tài chính đã quyết định giá mua tối đa. Cùng ngày 11/5/2020, căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm trên địa bàn cụ thể đã được các Cục DTNN khu vực khảo sát, ý kiến tham gia về giá mua gạo dự trữ quốc gia của các Sở Tài chính địa phương và mức giá các Cục DTNN khu vực đề nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã quyết định giá gói thầu cho từng Cục DTNN khu vực bằng với mức giá mua tối đa được Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định, đồng thời gửi các Cục DTNN khu vực để kịp tổ chức mở thầu vào ngày 12/5/2020 theo đúng quy định. Theo diễn biến của thị trường thì việc định giá và sự biến động của giá trong việc quy định giá đấu thầu là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về giá và về dự trữ quốc gia. PV: Để khắc phục tình trạng nhà thầu tham gia đấu thầu đã trúng thầu rồi lại bỏ thầu như lần trước, Tổng cục DTNN có những biện pháp gì? Ông Lê Văn Thời: Việc giao dịch, tham gia cung ứng gạo cho DTQG được thực hiện theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật DTQG năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013. Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài là thu bảo lãnh dự thầu; nếu đã ký hợp đồng mà không thực hiện hoặc có thực hiện, nhưng không giao đủ số lượng theo hợp đồng đã ký thì bị thu bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc chịu phạt tối đa bằng 8% giá trị không thực hiện và cấm tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm Luật Đấu thầu đã qui định. Căn cứ quy định của pháp luật về Đấu thầu, đợt mở thầu vào ngày 12/5/2020 vừa qua, trong Hồ sơ mời thầu, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia thầu, mức bảo lãnh dự thầu đã được nâng lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu bằng mức tối đa pháp luật quy định. Còn về lâu dài, chúng tôi cũng đã có kiến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng chỉ có mua gạo DTQG, mà cho nhiều mặt hàng và các lĩnh vực khác. PV: Gói thầu cung cấp 182.300 tấn gạo đã được các Cục DTNN khu vực mở thầu ngày 12/5/2020 đến nay kết quả báo cáo về Tổng cục DTNN như thế nào? Ông Lê Văn Thời: Theo báo cáo nhanh của các Cục DTNN khu vực, đến 10 giờ ngày 12/5/2020, 22 Cục DTNN khu vực đã tổ chức mở thầu các gói thầu đã đủ điều kiện để mở thầu theo quy định của pháp luật. Có 44 doanh nghiệp tham gia dự thầu, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã từ chối không ký hợp đồng cung ứng gạo cho DTQG trong thời gian vừa qua cũng tham gia đấu thầu lần này, vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định nào cấm họ không được tham gia dự thầu. Hiện nay, các Cục DTNN khu vực đang khẩn trương tổ chức đánh giá hồ sơ kỹ thuật, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tham dự thầu. Những nhà thầu vượt qua bước đánh giá hồ sơ kỹ thuật, đáp ứng được năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì được mở hồ sơ tài chính để lựa chọn nhà thầu trúng thầu. Nhà thầu nào đáp ứng được hồ sơ kỹ thuật, năng lực, kinh nghiệm và có giá dự thầu thấp nhất được lựa chọn trúng thầu cung ứng cho dự trữ quốc gia. Tổng cục DTNN đã có công điện chỉ đạo các Cục DTNN khu vực khẩn trương tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trúng thầu chậm nhất là ngày 19/5 để ký hợp đồng xong trước ngày 22/5; thời gian thực hiện hợp đồng đến hết ngày 30/6/2020. PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! Trong việc tổ chức đấu thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG năm 2020 trên toàn quốc, đây là lần đầu tiên các bên mời thầu bắt buộc áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về DTNN đối với gạo ban hành kèm theo Thông tư số 78/2019/TT-BTC ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, tiêu chuẩn gạo nhập kho cao hơn cả gạo xuất khẩu với những chỉ tiêu về hạt vàng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong Hồ sơ mời thầu luôn đảm bảo điều kiện thông thoáng, thuận lợi, và tạo ra nhiều cơ hội dự thầu cho các nhà thầu. Hưng Vũ

Trang