Kinh tế

Nestlé Việt Nam ra mắt sữa chua Nestlé ACTI-V

TĐKT - Nằm trong những nỗ lực đưa đến cho người tiêu dùng thêm lựa chọn về sản phẩm dinh dưỡng, nhãn hàng Nestlé ACTI-V thuộc Công ty Nestlé Việt Nam chính thức giới thiệu sữa chua sánh quyện Nestlé ACTI-V. Sản phẩm là sự kết hợp giữa sữa chua, sánh quyện với trái cây thật và các hạt nhai dai dai hoặc giòn giòn cho trải nghiệm ngon cuốn hút, phù hợp mỗi giờ nghỉ của người tiêu dùng trẻ. Khách hàng trải nghiệm sản phẩm sữa chua Nestlé ACTI-V tại siêu thị Big C Ông Ali Abbas - Giám đốc ngành hàng sữa, Nestlé Việt Nam cho biết, sữa chua Nestlé ACTI-V là sản phẩm đầu tiên trên thị trường được kết hợp giữa sữa chua ăn sánh quyện thơm ngon và sữa chua uống tiện lợi. Sản phẩm có 3 vị: Việt quất, yến mạch và diêm mạch chà là. Sữa chua sánh quyện thơm ngon được bổ sung thêm hạt Natta de coco dai dai, hoặc hạt diêm mạch giòn giòn (với vị diêm mạch và chà là). Sản phẩm còn có ít béo, ngọt nhẹ và được bổ sung chất xơ & protein. “Nestlé Acti-V là nhãn hàng cao cấp mới mang tính đột phá của công ty Nestlé Việt Nam dành cho người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, để tận hưởng vị ngon và dinh dưỡng của sản phẩm phù hợp với lối sống lành mạnh.” Với định vị khác biệt “Tận hưởng lành mạnh”, sữa chua uống dinh dưỡng Nestlé ACTI-V được thiết kế phục vụ cho nhu cầu sử dụng hằng ngày, với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu, khảo sát được Nestlé Việt Nam thực hiện cho thấy tiềm năng thị trường còn lớn đến từ nhu cầu giới trẻ trong xã hội hiện đại ưa thích sự đột phá và tận hưởng cuộc sống và quan tâm đến sức khỏe và phong cách sống.  Theo báo cáo đánh giá từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar (2020) "Hơn 60% người trẻ từ 22 - 38 tuổi luôn mong muốn có một sản phẩm vừa ngon để tận hưởng, vừa tốt cho sức khỏe để không cảm thấy áy náy khi sử dụng mỗi ngày". Sản phẩm đang được phân phối trong hệ thống toàn quốc của các siêu thị Big C, Circle K, Family Mart và trang thương mại điện tử như Shopee với mức giá hấp dẫn dành cho người tiêu dùng 15.000 đồng/hộp 180ml. Nestlé Việt Nam trực thuộc tập đoàn Nestlé – Tập đoàn hàng đầu thế giới về dinh dưỡng, sức khỏe và sống vui khỏe có trụ sở tại Vevey – Thụy Sỹ, với mục tiêu tối ưu hóa vai trò của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người, hôm nay và những thế hệ mai sau. Nestlé đồng thời là tổ chức đi đầu trong hoạt động cung cấp giải pháp dinh dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau với Viện Dinh dưỡng Nestlé (Nestlé Nutrition Institute) đặt tại Thụy Sỹ cùng mạng lưới trung tâm công nghệ sản phẩm, các cơ sở nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu. MT

Khai và chia sẻ dữ liệu điện tử thông tin phương tiện nhập khẩu, bãi bỏ tờ khai nguồn gốc

TĐKT - Để đảm bảo việc khai báo thông tin phương tiện nhập khẩu được thực hiện thống nhất, đáp ứng yêu cầu của cơ quan đăng ký phương tiện, ngày 29/12/2020, Tổng cục Hải quan tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020 của Chính phủ về việc khai và chia sẻ dữ liệu điện tử thông tin phương tiện nhập khẩu, bãi bỏ tờ khai nguồn gốc. Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) chủ trì cuộc họp Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan cho biết, trước mắt Tổng cục Hải quan sẽ họp với các đại diện: Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải); Cục Xe - Máy (Bộ Quốc phòng), Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) và đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA). Nội dung cuộc họp tập trung vào 4 vấn đề chính:  Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020 của Chính phủ về việc khai và chia sẻ dữ liệu điện tử thông tin phương tiện nhập khẩu để bãi bỏ tờ khai nguồn gốc; lợi ích khi bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc; hướng dẫn cách thức khai báo các chỉ tiêu thông tin phương tiện nhập khẩu theo nội dung công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020; các lỗi thường gặp trong quá trình khai báo và cách khắc phục; thống nhất cách thức chia sẻ dữ liệu điện tử phương tiện giao thông giữa Tổng cục Hải quan và cơ quan đăng ký phương tiện; Giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020 của Chính phủ và công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 của Bộ Tài chính. Trước đó, Bộ Tài chính đã thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải và có Tờ trình số 11098/BTC-TCHQ ngày 14/9/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu. Nội dung đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020 và được Chính phủ thông qua theo Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 hướng dẫn việc khai và chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan sẽ dừng thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc từ ngày 1/12/2020 đối với các phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an; đồng thời, tiếp tục phối hợp với Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nguồn gốc phương tiện nhập khẩu phục vụ việc đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới vào mục đích quốc phòng để có thể thực hiện từ 1/7/2021. Qua gần 1 tháng thực hiện cho thấy việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu đã mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp; nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết đã được bãi bỏ; các dữ liệu nguồn gốc của phương tiện trên hệ thống đảm bảo độ chính xác. Qua đó, đã hạn chế được tình trạng làm giả hồ sơ giấy tờ, phù hợp với bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công quốc gia. Theo tính toán sơ bộ dựa trên kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp và báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, nếu bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, phía cơ quan hải quan sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công mỗi năm; các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí, giảm bớt được nhiều nhân lực. Đây chính là một giải pháp đột phá về cải cách thủ tục hành chính, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu và đăng ký phương tiện mà còn tiết kiệm hàng chục ngàn giờ công mỗi năm cho ngành hải quan. Một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn giải quyết hoặc phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đơn vị vận hành Cổng dịch vụ Công quốc gia (Văn Phòng Chính phủ) kịp thời giải quyết. Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai việc kiết nối, chia sẻ dữ liệu để chính thức dừng thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với các phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 102/2016/TT-BQP ngày 29/6/2016 của Bộ Quốc phòng từ ngày 01/7/2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan Hải quan và Cục Cảnh sát Giao thông qua Hệ thống dịch vụ công quốc gia, phục vụ việc đăng ký phương tiện được thông suốt. Hồng Thiết

Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập

TĐKT - Nhằm cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển thương hiệu hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sáng 29/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức Tọa đàm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Thương hiệu Việt Nam - Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập”. Đây là chương trình đối thoại mở và đa chiều được tổ chức trong bối cảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam đang có nhiều thuận lợi song hành thách thức khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tọa đàm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới, với 29% lên đến 319 tỷ USD. Thứ hạng cũng tăng 9 bậc (từ 42 lên 33) so với năm 2019. Đây là một dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến triển vọng GDP, lạm phát và bất ổn kinh tế của tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam được đánh giá cao nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, kịp thời cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thì chúng ta vẫn còn vô cùng nhiều thách thức cần chinh phục. Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia nói riêng cũng như thương hiệu sản phẩm nói chung để đẩy mạnh hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia đã sớm có tên tuổi trên thị trường quốc tế. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp và khai thác rất mạnh mẽ các giá trị này như Đức, Nhật, Hàn Quốc... Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua 17 năm triển khai chương trình Thương hiệu Quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần chinh phục. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng Ban thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA... đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực kinh tế của mình trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu. Ông Vũ Bá Phú cho rằng, để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kỳ mới, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, chúng ta cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm. Nếu vận dụng hiệu quả, thương hiệu quốc gia sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Phương Thanh  

Xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

TĐKT - Sáng 29/12, tại Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Khai thác Quyền sở hữu trí tuệ (IPTA) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị quốc tế về xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”. Toàn cảnh Hội nghị Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Lê Ninh Giang, Giám đốc IPTA cho biết: Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, trong đó có nhấn mạnh đến khuyến khích nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ tại các doanh nghiệp, đặt mục tiêu tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 - 10% số sáng chế được cấp bằng bảo hộ. Hội nghị được tổ chức là sự kiện quan trọng để lãnh đạo các bộ, ngành, các cán bộ quản lý, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật học lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ về thực tiễn áp dụng các luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, về các lợi ích cũng như thách thức khi áp dụng luật để xây dựng hình ảnh, bảo vệ các sáng kiến, thành quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã chia sẻ về các nội dung: Một số chính sách và định hướng hoàn thiện các quy định pháp luật trong phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ gắn với thương mại; cạnh tranh thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài; phát triển khung pháp lý cho hoạt động sở hữu trí tuệ; mất tài sản sở hữu trí tuệ ở nước ngoài và bài học kinh nghiệm dành cho doanh nghiệp; lưu ý về vấn đề sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam… Phương Linh

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam tiếp và làm việc với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

TĐKT - Sáng 25/12, tại Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã tiếp và làm việc với Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ. Cuộc gặp song phương trước thềm năm mới 2021 góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đánh dấu sự hợp tác nhiều mặt, phát huy tiềm năng, thế mạnh với những bước nhảy vọt mới. Buổi làm việc giữa Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Lê Đức Thọ Phát biểu tại cuộc gặp song phương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio vui mừng khi được đón tiếp Đoàn công tác của VietinBank và Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ. Ông Yamada Takio tin tưởng cuộc gặp gỡ này sẽ là cơ hội tốt để mở rộng hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đi vào triển khai sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa các quốc gia thành viên, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Đại sứ Yamada Takio cho rằng, với môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách cởi mở, thân thiện, nhất là việc Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, duy trì mức tăng trưởng dương, là điều kiện thuận lợi để chính phủ hai nước nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam nói riêng tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị và đầu tư trong thời gian tới. Đại sứ Yamada Takio cũng hoan nghênh việc hợp tác toàn diện và chiến lược giữa VietinBank và MUFG BANK trong những năm vừa qua đã trở thành cầu nối giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát triển quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư nói riêng và trên hết là sự phát triển hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng ghi nhận. Ngài Đại sứ tin tưởng, với nền tảng đã được xây dựng, quan hệ hợp tác giữa VietinBank với các đối tác Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp. Trong cuộc gặp song phương, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cũng khẳng định: VietinBank là ngân hàng hàng đầu Việt Nam tiên phong hỗ trợ và đáp ứng tối đa nhu cầu cho doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư và phát triển thương mại tại thị trường Việt Nam với dịch vụ chất lượng cao, nền tảng tài chính vững mạnh và hệ thống mạng lưới bao phủ toàn quốc. Đồng thời, ông Thọ nhấn mạnh sự hợp tác toàn diện, chiến lược giữa VietinBank và MUFG BANK đang trở thành cầu nối vững chắc giúp quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngài Yamada Takio tin tưởng rằng quan hệ hợp tác giữa VietinBank với các đối tác Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp Song hành cùng các chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như: Tập trung quy hoạch các khu công nghiệp, tạo quỹ đất công nghiệp thu hút các dự án đầu tư mới; quy hoạch phát triển năng lượng sạch để đảm bảo an ninh năng lượng khi sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế sẽ làm nhu cầu điện tăng cao, đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường, VietinBank và MUFG BANK đã tập trung chọn các chủ điểm bao gồm M&A, phát triển cơ sở hạ tầng là các chủ điểm chính, từ đó hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp Nhật Bản và MNCs đầu tư vào Việt Nam. Với tương lai quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ ngày một phát triển hơn nữa, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết: VietinBank sẽ trở thành đại diện hàng đầu cho các định chế tài chính của Việt Nam khi tham gia hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và phát triển thương mại tại thị trường Việt Nam. Phương Thanh

Bộ Tài chính công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2020

TĐKT - Năm 2020 là năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, du lịch quốc tế suy giảm nghiêm trọng. Bám sát tình hình thực tiễn, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các phương án điều hành thu, chi và cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) phù hợp với các kịch bản tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh cùng nhiều kết quả ấn tượng khác. Bộ Tài chính công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2020. Sự kiện thứ nhất, ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. Sự kiện thứ hai, điều hành NSNN chủ động, hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm, góp phần quan trọng thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Tài chính. Sự kiện thứ ba, cải cách và hiện đại hóa tiếp tục giữ vững vị trí tiên phong và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Sự kiện thứ tư, tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN. Sự kiện thứ năm, xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân miền Trung bị lũ lụt và bảo đảm an sinh xã hội. Sự kiện thứ sáu, thị trường chứng khoán Việt Nam đánh dấu 20 năm trưởng thành, duy trì hoạt động ổn định trong bối cảnh đại dịch bệnh Covid-19 và phục hồi mạnh mẽ. Sự kiện thứ bảy, Tổng cục Thuế "về đích" trước 10 tháng trong sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế. Sự kiện thứ tám, bước đột phá cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu. Sự kiện thứ chín, hệ thống Kho bạc Nhà nước hoàn thành 100% đơn vị sử dụng NSNN thuộc đối tượng giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Sự kiện cuối cùng tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V và ghi dấu mốc 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính. Hồng Thiết  

Lần đầu tiên tổ chức không gian hội chợ ảo Lifestyle Vietnam

TĐKT - Chiều 25/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) họp báo về Hội chợ ảo Lifestyle Vietnam 2020. Vietcraft là đơn vị chủ trì tổ chức hội chợ quốc tế hàng trang trí nội thất và quà tặng Việt Nam (Lifestyle Vietnam), được tổ chức thường niên vào tháng 4 hàng năm. Hơn 10 năm qua, Lifestyle Vietnam là điểm đến hàng năm của hơn 2000 khách hàng nhập khẩu để mua hàng thủ công của Việt Nam với hơn 800 gian hàng và là hội chợ xuất khẩu quan trọng nhất của ngành. Ban tổ chức thông tin về hội chợ Tuy nhiên, do sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch tổ chức hội chợ thương mại trên thế giới, trong đó có hội chợ Lifestyle Vietnam. Trước tình hình đó, Vietcraft đã đề xuất và được Bộ Công thương đồng ý phê duyệt cho Vietcraft xây dựng không gian hội chợ ảo Lifestyle Vietnam trên cơ sở không gian 3 chiều kết hợp công nghệ số hóa. Đây là hội chợ lĩnh vực trang trí và quà tặng đầu tiên của Việt Nam và thế giới áp dụng công nghệ video 360, công nghệ thực tế ảo tăng cường và trí tuệ nhân tạo. Khách hàng có thể truy cập vào không gian hội chợ qua đường link http://lifestylevietnam.com. Với quy mô 200 gian hàng và diễn ra từ ngày 26 - 28/12/2020, hội chợ dự kiến thu hút khoảng 5000 lượt khách hàng ở các thị trường truyền thống Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tham gia giao dịch. Hội chợ có 9 nhóm ngành hàng chính: Hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất; hàng phụ kiện sân vườn; hàng dệt gia dụng; hàng trang trí bàn ăn và vật dụng nhà bếp; hàng trang sức và phụ kiện cá nhân; hàng giày da và túi xách; hàng hương thơm và mỹ phẩm tự nhiên; hàng đồ chơi; hàng quà tặng du lịch và sản phẩm của các dân tộc thiểu số. Không gian mỗi nhóm thể hiện yếu tố văn hóa Việt Nam nhưng cũng hòa nhập với xu thế không gian kiến trúc hội chợ hiện đại của thế giới. Khách có thể chọn vào bất cứ khu nào khách quan tâm ngay từ khi truy cập vào không gian hội chợ ảo. Khách cũng được gợi ý tự động nên vào khu nào phù hợp nhất ngay sau khi đăng ký nhóm ngành hàng kinh doanh của mình. Tại mỗi khu sẽ có danh sách các nhà triển lãm tham dự và khách mua hàng có thể tìm thấy dễ dàng các công ty này thông qua bộ lọc nhóm sản phẩm, từ khóa... Ngoài ra, trong không gian hội chợ ảo, Ban tổ chức cũng thiết kế bản đồ điện tử sơ đồ hội chợ, dàn dựng gian hàng cho từng doanh nghiệp, thông tin doanh nghiệp, xây dựng catalogue sản phẩm của doanh nghiệp, số hóa các sản phẩm, sử dụng thực tế ảo tăng cường để tạo góc nhìn cho từng sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xây dựng chức năng chào hàng/ báo giá, thiết kế môi trường liên lạc trực tuyến, xây dựng chatbot, chức năng gửi email thông minh, chức năng truy xuất tính hợp chuẩn của doanh nghiệp... Phương Thanh - Mai Thảo

Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS giúp nâng cao 47% hiệu suất làm việc

TĐKT - Ngày 25/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ giới thiệu nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. Hoạt động nằm trong chương trình giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam nhằm thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. MISA AMIS mang tinh thần sản phẩm Make in Vietnam - được sáng tạo, thiết kế để giải quyết bài toán chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt nói riêng và góp phần thúc đẩy tiến trình đưa Việt Nam thành quốc gia số nói chung. Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA chia sẻ tại buổi lễ MISA AMIS là nền tảng quản trị toàn diện nhất cho doanh nghiệp xoay quanh 4 mảng cốt lõi: Tài chính, kinh doanh, nhân sự và điều hành. Mỗi mảng này được chia thành hàng chục ứng dụng nhỏ tương ứng với các nghiệp vụ trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp quy mô, nhu cầu đến đâu thì chọn sử dụng các ứng dụng tới đó. Việc này không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn đảm bảo sự liên kết chặt chẽ dữ liệu giữa các bộ phận. MISA phát triển nền tảng theo định hướng này dựa trên sự nghiên cứu và thấu hiểu nhu cầu của người dùng qua quá trình 26 năm triển khai giải pháp số cho doanh nghiệp. Bởi vậy, nền tảng được xây dựng để giải quyết ba bài toán lớn mà doanh nghiệp gặp phải khi ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số như: Không đủ chi phí để đầu tư các hệ thống ERP của nước ngoài; các giải pháp trên thị trường không theo suốt được cả quá trình của doanh nghiệp; các giải pháp đang ứng dụng riêng lẻ từng bộ phận thì thiếu sự kết nối trong nội bộ với nhau và với các hệ thống bên ngoài doanh nghiệp để quản trị toàn diện. Ứng dụng những công nghệ 4.0 mới nhất, MISA AMIS mang đến trải nghiệm mới về làm việc và điều hành thông minh cho người dùng. Cụ thể, dựa trên Cloud, MISA AMIS giúp nhân sự làm việc được bất cứ lúc nào và ở đâu với nhiều thiết bị khác nhau, tạo thành mô hình văn phòng di động. Trong bối cảnh giãn cách do Covid-19, doanh nghiệp cũng không gặp sự cố gián đoạn hoạt động vận hành nào. Ngoài ra, nền tảng cũng được ứng dụng các công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa và xử lý thông tin thông minh, giám đốc tài chính số, nhân sự số, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NPL), tự động nhập liệu hồ sơ nhân viên, scan card khách hàng... Nhờ công nghệ, MISA AMIS sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao 47% hiệu suất làm việc của nhân viên. Vì khi sử dụng nền tảng, các phần mềm sẽ tự động ghi nhận dữ liệu thay vì thao tác nhập liệu thủ công trước đây. "Nền tảng sẽ giúp cho doanh nghiệp hội tụ dữ liệu phục vụ cho công tác phân tích ra quyết định điều hành nhanh chóng, kịp thời và chính xác hơn. Đồng thời, việc kết nối với các đối tác bên ngoài sẽ tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng đối tác khi cùng tham gia vào nền tảng" - Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA chia sẻ. MISA AMIS hiện đang được ứng dụng tại hơn 12000 doanh nghiệp trên toàn quốc, với nhiều đơn vị lớn như Savico, Dược phẩm Nhất Nhất, nhà hàng Trống Đồng Palace, Ausdoor, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong... Phương Thanh  

Tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông

TĐKT - Sáng 24/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị được truyền hình trực tuyến, điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội và 62 điểm cầu tại Trụ sở VNPT các tỉnh/thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị Năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2021, Bộ GTVT đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ và giải pháp cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 dự án Luật, cho ý kiến 1 dự án Luật; đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 Nghị định, 11 Quyết định, phê duyệt 15 đề án trong tổng số 22 đề án đã trình; Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 232 thông tư, phê duyệt 29 đề án. Bộ đang triển khai lập 5 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch vào Quý II năm 2021. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định. Về công tác cải cách hành chính, Bộ đã kiện toàn, tinh giảm 130 đầu mối trong tổng số 1.118 tổ chức; phê duyệt phương án cắt giảm 35 thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa 166 TTHC, cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh (đạt tỷ lệ 67,36%). Đã có 254 thủ tục được cung cấp ở mức độ 3, 4; hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao về cung cấp dịch vụ công và tích hợp 114 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đồng thời kiện toàn công tác quản lý đầu tư xây dựng. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Năm 2020, đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án; triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT Công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải, vận tải đường bộ có sự cải thiện vượt bậc, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý kinh doanh vận tải, giảm tai nạn giao thông có chuyển biến mạnh mẽ. Từ năm 2016 trở lại đây, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2011 - 2015, số vụ tại nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người giảm 53,91%. 11 tháng năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 18,26%, số người chết giảm 13,3%, số người bị thương giảm 20,52% so với 11 tháng năm 2019. Trong giai đoạn vừa qua, công tác giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, hầu như không xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại hai thành phố lớn. Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn luôn được Bộ chủ động từ công tác xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầy đủ các nguồn lực, triển khai kịp thời công tác ứng phó, đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; đồng thời bảo đảm giao thông thông suốt trong tất cả các lĩnh vực GTVT. Song song với nhiệm vụ chuyên môn, công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng được đẩy mạnh, hoàn thành sớm. Bộ đã hoàn thành phê duyệt phương án tái cơ cấu 4 doanh nghiệp; trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu 2 doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã thực hiện chuyển giao 5 Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và hiện nay, Bộ đang tích cực phối hợp với Ủy ban thực hiện công tác tái cơ cấu các tổng công ty theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai gây ra cũng như khó khăn riêng của ngành GTVT trong năm 2020. Ngành GTVT có đóng góp đặc biệt quan trọng trong giai đoạn vừa qua của đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý tập thể, lãnh đạo cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong năm 2021 để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề cho nhiệm kỳ mới, đưa ngành GTVT phát triển xứng tầm. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa, đường sắt quốc gia chuẩn bị cho các đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam… kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông liên kết vùng. Bộ GTVT phải nhanh chóng triển khai chương trình hành động, Nghị quyết 01, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, liên quan đến phát triển GTVT toàn diện; khẩn trương rà soát hoàn thành quy hoạch giao thông đảm bảo chất lượng; tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện kế hoạch đầu tư xây dựng trung hạn cũng như tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn cụ thể; đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao tính kết nối, phát triển dịch vụ logicstics; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn… Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dịch Covid-19 vẫn có diễn biến đặc biệt quan trọng gây hậu quả nặng nề, ngành GTVT phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề này, có nhiều kịch bản ứng phó hiệu quả… Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương đồng hành, hỗ trợ cùng ngành GTVT tiếp tục xử lý triệt để vướng mắc về mặt bằng cũng như các vấn đề liên quan để ngành GTVT triển khai các dự án thuận lợi, kịp tiến độ… Phương Thanh

10 sự kiện nổi bật của Tổng cục Hải quan năm 2020

TĐKT – Năm 2020, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành toàn diện về mọi mặt công tác. Tổng cục Hải quan vừa công bố 10 sự kiện nổi bật ngành hải quan năm 2020. Sự kiện 1: Tăng cường triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát hải quan nhằm quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt, tổ chức triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn liên quan đến vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Tổng cục Hải quan tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020 Sự kiện 2: Nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong bối cảnh dịch Covid - 19. Sự kiện 3: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sự kiện 4: Tổ chức thành công Hội nghị đại biểu điển hình tiên tiến ngành Hải quan lần thứ VI nhân kỷ niệm 75 năm thành lập ngành (10/9/1945 – 10/9/2020) Sự kiện 5: Chính thức vận hành Hệ thống một cửa quốc gia và quản lý giám sát hải quan tự động tại sân bay Nội Bài. Sự kiện 6: Tổng cục Hải quan triển khai mở rộng chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ… để phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Sự kiện 7: Tổng cục Hải quan dẫn đầu xếp hạng Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính khối Tổng cục và tương đương trực thuộc Bộ Tài chính. Sự kiện 8: Ngành Hải quan góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19. Sự kiện 9: Phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan. Sự kiện 10: Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hồng Thiết

Trang