Đại hội Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ VI: “Vượt lên thách thức - Phát triển bền vững”
01/12/2020 - 16:07

TĐKT - Chiều 1/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tổ chức họp báo thông tin về Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 - 2025) và tổng kết năm 2020.

Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 12/12/2020 tại Hà Nội nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động của ngành và của VITAS trong năm 2020 nói riêng và trong nhiệm kỳ V (2016 - 2020) nói chung; chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà doanh nghiệp hội viên và VITAS cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2035.

Họp báo thông tin về Đại hội

Cũng trong khuôn khổ chương trình, ngày 11/12 sẽ diễn ra Hội thảo chuyên đề “Ngành dệt may và da giày Việt Nam 1 năm sau Covid-19 và phát triển bền vững”. Hội thảo tập trung vào nội dung đánh giá những thách thức lớn và các đối sách ứng phó mà ngành dệt may và da giày Việt Nam phải đối mặt do đại dịch Covid-19 gây nên trong năm 2020.

Hội thảo diễn ra cả ngày với nội dung chính buổi sáng là công bố Báo cáo nghiên cứu toàn diện tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may và da giày Việt Nam, thảo luận các nội dung liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong và sau đại dịch, những khuyến nghị chính sách thích hợp từ góc độ quản lý Nhà nước, nhãn hàng và doanh nghiệp. Buổi chiều với nội dung: Xây dựng Khu Công nghiệp Dệt May Xanh trong bối cảnh yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn từ 2016 - 2019. Năm 2016, đạt 28,12 tỷ USD, năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng kép bình quân hàng năm 9,55%. Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương -9,29%, thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.

Kết quả này là một nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương trong phiên họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày ngày 23/11/2020. VITAS đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.

VITAS đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may, kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo và kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu, xây dựng chương trình xanh hóa ngành dệt may hướng dến phát triển bền vững…

Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm; tham gia ý kiến vào các dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, Luật Công đoàn, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn; làm tốt vai trò là thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do…

Mục tiêu đến năm 2020, ngành phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tăng bình quân 9,4%/năm, sử dụng 3 triệu lao động, thặng dư thương mại đạt 33 tỷ USD và giá trị tăng thêm của sản phẩm dệt may xuất khẩu đạt 65%.

Để giúp các doanh nghiệp trong ngành đạt được mục tiêu đề ra và thực hiện khẩu hiệu của Đại hội “Vượt lên thách thức - Phát triển bền vững”, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục đặt mục tiêu vì lợi ích của hội viên làm trọng tâm cho các hoạt động. Cụ thể là làm tốt vai trò kết nối giữa doanh nghiệp hội viên và doanh nghiệp trong ngành nhằm xây dựng chuỗi cung ứng; phối hợp với các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng các nước triển khai hiệu quả các chương trình phát triển bền vững, chương trình đào tạo; chương trình xúc tiến thương mại; chuyển tải kịp thời những thông tin về phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đến doanh nghiệp hội viên. Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035, chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA thế hệ mới; kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phương Thanh