Ngành Tài chính hoàn thành vượt kế hoạch nhiệm vụ tài chính ngân sách
08/01/2021 - 15:29

TĐKT - Thực hiện chủ trương của Đảng về khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển đất nước; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, góp phần tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, hoàn thành vượt kế hoạch nhiệm vụ tài chính ngân sách

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị ngành Tài chính tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021

Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán chi NSNN năm 2020, trong đó yêu cầu chặt chẽ về thời gian phân bổ, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, đảm bảo phù hợp với thực tế, triệt để tiết kiệm và phát huy hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách. Trong điều hành đã tăng cường công tác thanh tra tài chính - ngân sách, công tác kiểm soát chi NSNN, qua đó, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cân đối NSNN khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như: yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020; chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với nhà nước và người lao động; yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương, trường hợp hụt thu thì phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác và cắt giảm các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.

Quang cảnh hội nghị

Nhờ chủ động trong điều hành, đến nay có thể khẳng định rằng chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra, với tổng số chi ngân sách ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và số 37/NQ-CP của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Ước tính đến ngày 31/12/2020 chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch); phấn đấu đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31/01/2021) đạt 92 - 93% dự toán. Bên cạnh đó, đã thực hiện giải ngân vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 đạt khoảng 75% kế hoạch.

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, tổng chi NSNN ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 29,5% GDP). Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 29% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).

Bên cạnh đó, để có được kết quả vượt trội, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh được giao. Bộ Tài chính cũng đã thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.

Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, kể cả các đề án, nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch. Qua đó, không chỉ góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính - NSNN, mà còn tích cực hỗ trợ cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh.

Cùng với việc ban hành, hoàn thiện thể chế pháp luật như nêu trên; trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; thường xuyên tổ chức đối thoại, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 6 Luật; trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 23 Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp, chính sách tài chính; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 159 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 799 Thông tư…

Năm 2020 ,mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức lớn, tác động xấu nhiều mặt, ảnh hưởng nặng nề tới đất nước, song nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao, góp phần vào hoàn thành thắng lợi mục tiêu chung của cả nước, đó là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự xã hội.

Bước sang năm 2021, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, dự báo tình hình thế giới và trong nước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động không thuận lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021. Do đó, đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Tài chính nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra.

Hồng Thiết