Kinh tế

Công bố chương trình đào tạo trực tuyến và tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử

TĐKT - Ngày 24/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom) đồng hành với Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương (APISWA) tổ chức “Lễ công bố chương trình đào tạo trực tuyến & Tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử”. Mục tiêu của hoạt động là góp phần hỗ trợ các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý kinh doanh đồ uống có cồn, bao gồm cả hình thức thương mại điện tử và hỗ trợ thương nhân kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử tuân thủ các quy định liên quan. Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA phát biểu tại buổi lễ Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan hữu quan, các tổ chức quốc tế: Vụ Pháp chế, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Tiểu ban Rượu vang & Rượu mạnh (Eurocham), các chuyên gia trong ngành, các hiệp hội ngành nghề liên quan, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn, các sàn thương mại điện tử, cùng các phóng viên báo chí. Chia sẻ về chương trình ý nghĩa này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết: Sự kiện một lần nữa đề cao nỗ lực và trách nhiệm của các doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống có cồn và các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số, thúc đẩy lợi ích chung của các chủ thể trong nền kinh tế bao gồm cộng đồng kinh doanh, các cơ quan hữu quan và người tiêu dùng, vì một xã hội lành mạnh và phát triển.    Quang cảnh buổi lễ Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (“Luật PCTHRB”) được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019; Nghị định 24/2020/ND-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện Luật PCTHRB đã chính thức cho phép kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử. Điều này mở ra cơ hội kinh doanh mới, đồng thời đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành, bởi họ sẽ phải tuân thủ đồng thời những quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn và thương mại điện tử. Kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử có thể là một hình thức mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, thương nhân tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn. Chương trình đào tạo trực tuyến cung cấp đầy đủ những thông tin và hướng dẫn cần thiết cho các doanh nghiệp mong muốn triển khai hoạt động kinh doanh này tại Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương chia sẻ tại buổi lễ Về những cơ hội, thách thức kinh doanh rượu, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho biết: “Hiện nay, các quy định về quản lý kinh doanh đồ uống có cồn và thương mại điện tử cơ bản đã có, tuy nhiên, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan (như quảng cáo, bưu chính,…) để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua thương mại điện tử.”       Đại diện APISWA chia sẻ: Với tư cách là hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty quốc tế hoạt động trong lĩnh vực rượu vang, rượu mạnh tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, APISWA đặc biệt đề cao trách nhiệm tuân thủ cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Hội nghị hôm nay thể hiện nỗ lực của chúng tôi đồng hành với các cơ quan hữu quan quản lý kinh doanh rượu trên nền tảng thương mại điện tử. Chương trình đào tạo trực tuyến tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh rượu theo hình thức thương mại điện tử góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, thương nhân tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, qua đó tận dụng tối đa lợi ích mà nền kinh tế số mang lại, vì sự phát triển của tất cả các bên. Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề liên quan. Sau hội nghị, VBA và VECOM sẽ đăng chương trình tập huấn lên website, để các doanh nghiệp quan tâm có thể dễ dàng khai thác, thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Mai Thảo

Hàng loạt công trình lớn tin dùng Ống nhựa Hoa Sen

TĐKT - Từ đầu năm 2022, thương hiệu Ống nhựa Hoa Sen liên tục ghi dấu ấn khi có mặt ở hầu khắp các công trình quy mô lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, trở thành thương hiệu được tín nhiệm, tin dùng và phủ sóng rộng khắp trên 63 tỉnh thành của cả nước. Dấu ấn trên khắp mọi miền tổ quốc Năm 2022, trước bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nhựa có nhiều khởi sắc nhờ việc Việt Nam ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, RCEP) giúp mở ra cơ hội thu hút đầu tư. Ngành sản xuất nhựa xây dựng Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ, cùng với xu hướng phát triển của ngành nhựa nói chung, Ống nhựa Hoa Sen đang từng bước khẳng định uy tín thương hiệu qua chất lượng sản phẩm, là lựa chọn hàng đầu của các kỹ sư, đơn vị thi công xây dựng nhà ở, dự án, các chủ đầu tư,… Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen cung cấp ống nhựa cho dự án Cao tốc Bắc - Nam (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết ), tỉnh Bình Thuận. Năm 2022, Ống nhựa Hoa Sen tiếp tục là thương hiệu được tin dùng khi được lựa chọn cung cấp sản phẩm cho hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia. Trong đó nổi bật phải kể đến Dự án Cao tốc Bắc - Nam (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết ), tỉnh Bình Thuận; Gói thầu Thi công xây dựng tuyến ống cấp nước số 5 thuộc Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và trạm bơm tăng áp Gò Công; Dự án cấp nước tại các địa phương như: huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, huyện Lục Ngạn – Bắc Giang, huyện Thanh Liêm - Hà Nam; Dự án Mở rộng hệ thống cấp nước sạch khu vực ấp 1,2 xã Trị An, tỉnh Đồng Nai,... Dự án cấp thoát nước khu dân cư nông thôn Xóm 2, Thôn An Hòa, Xã Nhơn Khánh, Tx. An Nhơn, Tỉnh Bình Định; Dự án cấp thoát nước Khu Dân cư Thôn Tân lập, Xã Nhơn Lộc, Tx. An Nhơn, Bình Định - Giai đoạn 1,... Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt các dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp, nhà liền kề, nhà phố, căn hộ, biệt thự cũng sử dụng khối lượng lớn Ống nhựa và Phụ kiện Ống nhựa Hoa Sen. Nổi bật tại miền Bắc phải kể đến Dự án Khu đô thị sinh thái Vinhomes Dream City Hưng Yên; Dự án Trang trại Chăn nuôi heo Công nghiệp Văn Chấn - Yên Bái; Dự án Chăn nuôi Bò sữa Công nghiệp tập trung tại Thanh Hóa; Dự án Shophouse, Biệt thự cao cấp Avenue Garden Tây Thăng Long; Dự án Chung cư Dragon Castle Hạ Long; Dự án Trung tâm Công nghiệp GNP Yên Bình 2 - Thái Nguyên; Dự án KCN Nam Đình Vũ - Hải Phòng; Dự án trang trại heo Tâm Việt; Dự án Trang trại heo Công Nghiệp Huyện Như Xuân - Thanh Hóa,... Dự án Trang trại heo Công Nghiệp Huyện Như Xuân - Thanh Hóa Tại miền Trung, hàng loạt các công trình sử dụng khối lượng lớn Ống nhựa Hoa Sen phải kể đến như Dự án trang trại Chăn nuôi lợn Công nghiệp kết hợp trồng cây công nghiệp, nông nghiệp - Xã Ya Tờ Mốt, Huyện EA Súp, Đắk Lắk; Dự án phát triển các vùng nuôi tập đoàn Việc Úc - Phù Mỹ, Bình Định; Dự án xử lý nước thải trang trại lợn Nghi Lộc - Nghệ An,... Tại miền Nam, Ống nhựa Hoa Sen được lựa chọn sử dụng cho hàng loạt các công trình như: Dự án Diamond City An Giang của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O); Dự án Khu Nghỉ Dưỡng Và Biệt Thự Cao Cấp Ven Biển/ The Fusion Resort And Residences - Nam Phát của chủ đầu tư Fusion; Dự án Novaworld Hồ Tràm Tropicana, Dự án Novaworld Phan Thiết của chủ đầu tư Novaland,... Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen cung cấp Ống nhựa và Phụ kiện Ống nhựa cho Dự án Khu Nghỉ Dưỡng Và Biệt Thự Cao Cấp Ven Biển/ The Fusion Resort And Residences - Nam Phát Khẳng định sự vượt trội bằng công nghệ Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen tiền thân là Công ty TNHH MTV VLXD Hoa Sen - đơn vị thành viên trực thuộc Tập Đoàn Hoa Sen. Chỉ sau gần 14 năm phát triển, Nhựa Hoa Sen đã trở thành top 3 nhà sản xuất và kinh doanh ống nhựa hàng đầu Việt Nam. Sản lượng Ống nhựa Hoa Sen tăng trưởng đáng kể, chất lượng sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng trong nước và quốc tế. Tiên phong trong công nghệ sản xuất, đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại tiêu chuẩn châu Âu. Với hệ thống dây chuyền thiết bị theo công nghệ mới nhất và hiện đại nhất của hãng Battenfeld - Cincinnati (Đức) -  để đảm bảo các thiết bị có công suất cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, với dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động và khép kín, đi kèm theo đó là hệ thống thiết bị định lượng và kiểm soát chất lượng, đảm bảo sản phẩm ống nhựa luôn đồng nhất và 100% đạt chất lượng của Đức, cũng như tiêu chuẩn quốc tế. Ống nhựa Hoa Sen trang bị hệ thống máy móc hiện đại nhập khẩu từ Châu Âu Trần Hoàng Việt - Quản lý đại lý Huy Liên - đơn vị phân phối độc quyền Ống nhựa Hoa Sen chia sẻ: “Ống nhựa Hoa Sen là sản phẩm có chất lượng rất tốt, được sự phản hồi tích cực từ khách hàng, riêng về phần giá cả thì lại rất hợp lý. Các mặt hàng cũng như các mẫu mã thì rất là đa dạng, đủ chủng loại, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về xây dựng, về nông nghiệp, hay các dự án lớn thì đều có thể đáp ứng được và đặc biệt là chế độ chính sách và thời gian giao hàng của nhà máy luôn rất nhanh. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu, với đơn hàng số lượng nhỏ thì có thể giao trong ngày, còn với số hàng lớn thì trong ngày hôm sau là đã có thể giao tới tận nơi cho anh em thi công được rồi.” Nhờ sự vượt trội về kỹ thuật, Ống nhựa Hoa Sen đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Trung tâm Chứng nhận phù hợp – QUACERT cấp chứng nhận phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế trong ngành cấp thoát nước như: TCVN 8491-2:2011/ ISO 1452-2:2009; TCVN 8491-3:2011/ ISO 1452-3:2009; TCVN 7305-2:2008/ISO 4427-2:2007; DIN 8077:2008-09; DIN 8078:2008-09; AS/NZS 1477:2006, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2019/BXD, QCVN 12-1:2011/BYT. Chứng nhận quốc tế về ngành điện - Tiêu chuẩn Châu  BS EN 61386-21:2004+A11:2010; BS EN 61386-22:2004+A11:2010 quy định các chỉ số an toàn cần có trong ngành điện. Ngoài đầu tư về công nghệ, Tập đoàn Hoa Sen còn chú trọng thiết lập quy trình quản lý chất lượng sản phẩm một cách nghiêm ngặt. Tập đoàn Hoa Sen trang bị phòng thí nghiệm đã được chứng nhận Vlat theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada,… Với những nỗ lực nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng chính chất lượng sản phẩm, Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen vinh dự được Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (thuộc viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp sản xuất ống nhựa đầu tiên tại Việt Nam sử dụng hệ thống thiết bị, công nghệ đạt chuẩn tự động hóa và quy trình sản xuất khép kín. Ống nhựa Hoa Sen vinh dự nhiều năm liền đạt Thương hiệu Quốc Gia (theo công bố của Bộ Công Thương), Top 15 Thương hiệu mạnh, Sao Vàng đất Việt và Hàng Việt Nam chất lượng cao. Có thể thấy, với việc đầu tư và cải tiến về công nghệ, các sản phẩm Ống nhựa Hoa Sen luôn đảm bảo chất lượng thành phẩm, trở thành lựa chọn hàng đầu cho những công trình dân dụng và công nghiệp chất lượng cao. CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA HOA SEN THÔNG BÁO RA MẮT WEBSITE MỚI Ngày 15/11/2022, Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen (HSN) chính thức ra mắt website mới tại địa chỉ: https://nhuahoasen.vn/ với nhiều tính năng nổi bật, giao diện thân thiện, đơn giản, tiện ích đa dạng cùng hệ thống thông tin hữu ích, mang lại cho khách hàng nhiều ưu điểm tương tác nổi trội. Website https://nhuahoasen.vn/ là cổng thông tin điện tử chính thống, cập nhật đầy đủ các tin tức về hoạt động cũng như về sản phẩm, dịch vụ của Nhựa Hoa Sen đến khách hàng, đối tác. Việc ra mắt website mới là một trong những cột mốc quan trọng của Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành sản xuất và kinh doanh Ống nhựa, Phụ kiện Ống nhựa cũng như các sản phẩm nhựa khác tại Việt Nam và khu vực. Thời gian tới, Nhựa Hoa Sen sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đầu tư phát triển hệ thống công nghệ hiện đại để tiếp cận và phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Xuân Phúc

Nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn tại Ngày mua sắm trực tuyến 2022

TĐKT - Bước sang năm thứ 9, Ngày mua sắm trực tuyến 2022 với những kế hoạch và đổi mới táo bạo sẽ mang tới cho người dân và doanh nghiệp trải nghiệm nhiều sự lựa chọn, nhiều lợi ích hơn, xứng tầm là sự kiện quy mô toàn quốc về thương mại điện tử lớn nhất trong năm cho đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngày 22/11/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2471/QĐ-BCT về việc tổ chức “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam -  Online Friday 2022”. Theo đó, Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 28/11 đến 04/12/2022. Đây là lễ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ số công bố, giới thiệu các sản phẩm/dịch vụ/giải pháp của doanh nghiệp trong việc phát triển thương mại điện tử Việt Nam. 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2022 sẽ diễn ra từ 0 giờ thứ Sáu ngày 02/12/2022 đến 12 giờ ngày 04/12/2022. Chương trình diễn ra trên môi trường trực tuyến (https://onlinefriday.vn/) với các ưu đãi giảm giá, khuyến mãi sản phẩm, dịch vụ từ các doanh nghiệp sản xuất, phân phối tạo lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng trên cả nước. Điểm nhấn tại Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday năm nay, Bộ Công Thương (Trung tâm Tin học và Công nghệ số) sẽ kết hợp với nền tảng TikTok giới thiệu hashtag #OnlineFriday2022 ngay trên nền tảng với 60 triệu lượt xem, khuyến khích người dùng thực hiện video chia sẻ các kinh nghiệm mua sắm hữu ích, giới thiệu các sản phẩm chất lượng, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn… đến với hàng triệu người tiêu dùng trên khắp cả nước. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp cùng ACCESSTRADE - một trong những nền tảng tiếp thị liên kết quy mô và uy tín nhất Việt Nam để chia sẻ và hỗ trợ  những giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với công nghệ nhằm tăng trưởng doanh thu hiệu quả. Với sự đồng hành của nền tảng TikTok và đơn vị cung cấp các giải pháp tăng trưởng doanh thu hiệu quả cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt - ACCESSTRADE tại “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam -  Online Friday 2022” hứa hẹn sẽ tạo ra sự bùng nổ sức mua trong dịp cuối năm. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, thương nhân, các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai các hoạt động về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cùng các Ngân hàng và các tổ chức thanh toán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; miễn giảm phí sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến; các hội thảo tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt…; tổ chức triển khai các biện pháp, giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng nhái trên môi trường trực tuyến. Thu hút các doanh nghiệp địa phương đưa các sản phẩm chính hãng tiêu biểu được sản xuất tại Việt Nam tham gia các hoạt động của Chương trình… Chương trình Online Friday 2022 sẽ tập trung vào vai trò kết nối, hỗ trợ của cơ quan chính phủ, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hạ tầng, các cơ quan, đơn vị truyền thông, cùng hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số theo định hướng của Chính phủ về phát huy lợi thế công nghệ, đón bắt cơ hội đem lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Chương trình cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng đồng bộ các giải pháp hỗ trợ trong thương mại điện tử như: thanh toán trực tuyến, chuyển phát thông minh, tiếp thị liên kết, các nền tảng mạng xã hội… nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, dịch vụ ứng dụng thương mại điện tử tăng trưởng doanh số và phát triển bền vững. Nhiều nhà sản xuất cho biết, đây là thời điểm khuyến mãi khủng nhất năm, thậm chí trong nhiều năm trở lại đây nhờ quy mô lớn và thời gian áp dụng kéo dài với nhiều ưu đãi hấp dẫn của các doanh nghiệp tham gia, hoạt động này đã kích thích sức mua của khách hàng. Đây là lý do nhiều sàn thương mại điện tử lẫn nhà bán hàng dành nhiều nguồn lực, ý tưởng và sản phẩm mới cho dịp này. Đánh giá về nhu cầu mua sắm vào dịp cuối năm, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết quý IV/2022 sẽ là giai đoạn mua sắm cao điểm nhất trong năm vì có nhiều lễ hội quan trọng diễn ra. Trong đó, nhu cầu mua các mặt hàng thuộc các ngành làm  đẹp, thời trang, nội thất nhà cửa, thực phẩm được dự đoán sẽ có mức tiêu thụ tăng cao. Đặc biệt, hàng điện tử cũng góp mặt trong tốp các ngành hàng ghi nhận lượng mua sắm cao vào dịp này, các sản phẩm giành được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng như: điện thoại, laptop, máy ảnh, tai nghe bluetooth, loa bluetooth… phục vụ cho nhu cầu làm việc, học tập, giải trí hằng ngày. Người dùng Việt đang tiếp tục hướng đến việc chi tiêu hiệu quả, thông minh thông qua việc lựa chọn mua hàng vào các dịp lễ hội mua sắm lớn cuối năm để tận hưởng các ưu đãi về giá. Nắm bắt được điều này, các thương hiệu và nhà bán hàng sẽ tiếp tục xu hướng chuyển đổi số lên thương mại điện tử. “Chính vì vậy, đây chính là thời điểm các doanh nghiệp cần tận dụng và tối ưu hóa các công cụ hỗ trợ, tính năng trên sàn thương mại điện tử để mở rộng tiếp cận khách hàng mục tiêu, từ đó tối ưu tỷ lệ chuyển đổi và tăng trưởng mạnh doanh thu trực tuyến.” ông Lê Đức Anh nhấn mạnh. Nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn được các doanh nghiệp đang lên chiến dịch triển khai sôi động cho Ngày mua sắm trực tuyến 2022, không chỉ các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng thi nhau tung ra hàng loạt ưu đãi khủng. Các ưu đãi có một không hai trong năm của các doanh nghiệp tung ra trong dịp này sẽ góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đông đảo người tiêu dùng, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ... sẽ cùng hợp sức để triển khai các khuyến mãi lớn. Phương Thanh

Hải quan Việt Nam: Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp

TĐKT - Theo Quyết định số 2154/QĐ-BTC ngày 25/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2021 Tổng cục Hải quan tiếp tục giữ vị trí “quán quân” về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) trong khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính. Đây là năm thứ sáu liên tiếp tính từ năm 2016 Tổng cục Hải quan giữ vững vị trí này. Để có được kết quả đó trước hết là do sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, bên cạnh đó có sự nỗ lực không ngừng của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan với mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chi cục Hải quan Bắc Ninh thực hiện công tác cải cách hành chính khi doanh nghiệp thực hiện tờ khai Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật Để đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế hải quan, Tổng cục Hải quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022. Tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; định hướng CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ; tháo gỡ vướng mắc phát sinh; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong thời kỳ phòng chống dịch Covid-19. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Tổng cục đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 16 văn bản QPPL (gồm 01 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 04 Nghị định của Chính phủ, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 09 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính), đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn bản QPPL quan trọng khác. Cơ quan Hải quan thường xuyên công khai TTHC; duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp; giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; thường xuyên đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật, hạn chế vướng mắc, khiếu kiện. Thường xuyên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách TTHC. Trong năm 2020 và 2021, đã nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 5% số quy định và 5% chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ. Đề xuất bãi bỏ bản sao giấy chứng minh nhân dân của 02 TTHC tại Thông tư số 22/2019/TT-BTC ngày 16/4/2019 của Bộ Tài chính theo Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Trình ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 19/29 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 22/52 thành phần hồ sơ của các thủ tục công nhận kho, bãi, cảng, cửa hàng miễn thuế. Thường xuyên thực hiện tốt hoạt động đánh giá tác động của TTHC trong quá trình xây dựng văn bản QPPL góp phần quan trọng bảo đảm sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của quy định về TTHC; công khai TTHC thường xuyên, kịp thời để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin về TTHC của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm soát TTHC trong toàn ngành. Cơ quan Hải quan đã xây dựng và vận hành hiệu quả một số hệ thống CNTT quan trọng để phục vụ thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan tự động. Đến nay, các thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) với 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc thực hiện, hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây. Tổng cục Hải quan đã ký kết với 44 ngân hàng để phối hợp thu thuế điển tử, số thu đạt khoảng 99,8% số thu ngân sách toàn ngành. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 91% tổng số dịch vụ công. Đã tích hợp 98 TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay đã có 259 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối, thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia với hơn 50.000 doanh nghiệp tham gia. Đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN. Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với 495 doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lưu lượng hàng hóa lưu thông giữa các quốc gia ngày càng gia tăng; Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các yêu cầu hội nhập toàn diện; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, từ đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng Hải quan số tiến tới mô hình Hải quan thông minh. Mô hình Hải quan thông minh sẽ có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng hệ thống CNTT mới thông qua hình thức thuê dịch vụ CNTT nhằm khắc phục nhược điểm của các hệ thống CNTT hiện hành. Toàn bộ giao dịch được hệ thống mới xử lý theo cách thức thống nhất, đảm bảo áp dụng nhất quán các quy định pháp luật trong nước và đối xử ngang bằng với tất cả các đối tác thương mại. Dự kiến trong 5 năm tới, 92.000 doanh nghiệp XNK, kinh doanh kho, bãi, cảng khi sử dụng hệ thống CNTT mới của Hải quan sẽ tiết kiệm khoảng 920 tỷ đồng, được khai báo thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi công cụ. Cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019, Tổng cục Hải quan tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Trên cơ sở đó, từ năm 2021, Tổng cục Hải quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, cơ quan Hải quan là đơn vị vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục KTCN; các tổ chức được Bộ, ngành chỉ định thực hiện thủ tục KTCN; cơ quan Hải quan chỉ thực hiện phương thức kiểm tra giảm đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Với vai trò cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ điều phối các hoạt động cải cách KTCN của các kộ, ngành theo kế hoạch của Ủy ban. Thường xuyên chủ động rà soát các quy định pháp luật về KTCN để kiến nghị các bộ, ngành xem xét xử lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Triển khai rà soát chuyển đổi mã số HS đối với danh mục hàng hoá thuộc diện KTCN. Để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2021 - 2030, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa làm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường XNK minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Hải quan xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ. La Giang

Hội nghị triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ sẽ được tổ chức vào ngày 26/11/2022

TĐKT - Ngày 26/11, Hội nghị triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ sẽ được tổ chức tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương chia sẻ thông tin tại buổi họp báo Tại cuộc họp báo chiều ngày 21/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 26/11 tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ chủ trì Hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, 500 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Đông Nam Bộ Đột phá mới - Tầm cao mới” và gian hàng trưng bày các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trong vùng cũng sẽ được tổ chức trong hai ngày 25 - 26/11, nhằm giới thiệu vẻ đẹp hiện đại, năng động, sáng tạo của vùng đất và con người vùng Đông Nam Bộ, khắc họa những thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp, du lịch của tỉnh, thành phố trong vùng, những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào vùng Đông Nam Bộ. Dự kiến, tại Hội nghị, sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ KH&ĐT với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.. Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW sẽ góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 24-NQ/TW. Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước. Hồng Thiết

HanoiTex 20222: Cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may tìm kiếm đối tác, quảng bá thương hiệu

TĐKT - Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May - Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2022 (HanoiTex 2022) được tổ chức từ ngày 23 - 25/11 tại Hà Nội. Triển lãm năm nay quy tụ hơn 146 đơn vị uy tín đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các doanh nghiệp tham gia sẽ giới thiệu thiết bị, nguyên phụ liệu tiên tiến trong ngành. Cùng đó, trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức cũng tổ chức các hội thảo với các diễn giả nổi tiếng chia sẻ những vấn đề nổi cộm, hy vọng sẽ đáp ứng được sự quan tâm của doanh nghiệp. Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Bộ Công Thương luôn coi dệt may là ngành quan trọng không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của cả nước mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội. Ngành dệt may Việt Nam hiện đang sử dụng 2,5 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 3.800 USD/năm. Tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng của ngành thấp, chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực và chỉ ở mức trung bình khá. Vì vậy thời gian tới, ngành cần phát triển theo chiều sâu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung những công đoạn có giá trị cao như thiết kế mẫu mã sản phẩm, từng bước vươn lên bậc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May - Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2022 tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành dệt may trong và ngoài nước gặp gỡ, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Đây là triển lãm ngành dệt may với tiêu chuẩn cao và là sự kiện quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam. Sau một thời gian gián đoạn do dịch, triển lãm trở lại quy tụ nhiều doanh nghiệp uy tín có quy mô lớn từ các nước có ngành dệt may phát triển. “Tôi cho rằng, đây là cơ hội tốt giúp doanh nghiệp dệt may tiếp cận với thiết bị tiên tiến, từ đó xác định hướng đầu tư trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp tìm kiếm và thúc đẩy quan hệ thương mại với đối tác lớn trên toàn thế giới” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kỳ vọng. Lãnh đạo Bộ Công Thương, VCCI, Vinatex, Vitas… tham quan triển lãm Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Mục tiêu phấn đấu của ngành đạt 42 - 43 tỷ USD năm 2022. Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn, rất khó khăn cho mục tiêu năm nay và năm 2023 nhưng với nỗ lực của ngành, cùng thông tin của các nhà cung cấp công nghệ, nguyên phụ liệu sẽ là giải pháp ngắn và dài hạn cho ngành. Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục lắng nghe và tạo mọi điều kiện, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho ngành phát triển. Tạo thuận lợi kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt để ngành tận dụng được các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Các nhà cung cấp thiết bị công nghệ ngành đồng hành cùng doanh nghiệp đưa ra giải pháp mô hình về tự động hoá, kinh tế tuần hoàn, quản trị số, đặc biệt là mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

VIETBUILD Hà Nội 2022: Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, kết nối giao thương

TĐKT - Triển lãm Quốc tế VIETBUILD Hà Nội 2022 lần thứ ba với chủ đề “Bất động sản - trang trí nội ngoại thất - kiến trúc - xây dựng và vật liệu xây dựng” vừa khai mạc sáng 23/11 tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch & Xây dựng Quốc gia. Triển lãm diễn ra từ ngày 23/11/2022 đến ngày 27/11/2022, do Trung tâm Thông tin - Bộ Xây dựng và Công ty Tổ chức Triển lãm Quốc tế Bất động sản VNREBUILD phối hợp tổ chức thực hiện. Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm Triển lãm giới thiệu, trưng bày các sản phẩm đa dạng và phong phú của ngành bất động sản - trang trí nội ngoại thất - kiến trúc - xây dựng và vật liệu xây dựng cùng với nhiều chương trình hoạt động phong phú và thiết thực nhằm phục vụ các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, góp phần hỗ trợ các nhà doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương, kết nối cung cầu, kết nối công nghệ trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số... đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, đảm bảo bình ổn thị trường trong năm 2022 theo chủ trương của Chính phủ. Triển lãm Quốc tế VIETBUILD Hà Nội 2022 lần này thu hút  sự tham gia của gần 1000 gian hàng sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, với những thương hiệu của nhiều quốc gia tham dự. Hầu hết các sản phẩm trưng bày đã được các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư với mẫu mã mới, tính năng và chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, xây dựng và trang trí nội ngoại thất ngày càng phát triển. Trong khuôn khổ Triển lãm sẽ diễn ra Hội thảo: “Ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam với kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” vào chiều  23/11/2022 do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức thực hiện. Phương Thanh

Nestlé chia sẻ giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm Việt ra thế giới

TĐKT - Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm “Made-in-Vietnam” và tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, Nestlé Việt Nam không ngừng đầu tư xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm. Đối với các sản phẩm cà phê, công ty đầu tư từ khâu cây giống chất lượng cao, canh tác theo kỹ thuật bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo tác động tích cực đến môi trường, đến áp dụng các công nghệ chế biến sâu tiên tiến, tạo giá trị gia tăng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tại hội thảo “Xuất khẩu vào các thị trường FTA - Giải bài toán phát triển bền vững” vào ngày 18/11, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) tăng mạnh 14 - 15% trong 2021 - 2022 (cao hơn mức trung bình 7% trước đó) nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức. Ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Nestlé Việt Nam (thứ nhất, từ phải sang) tại hội thảo ngày 18/11 Tuy nhiên, theo đại diện này, hiện có những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt. Trong đó, EU đang siết chặt các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững,… Vì thế, để xuất khẩu bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ tiêu chuẩn cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU. Chia sẻ về mô hình thành công của Nestlé Việt Nam tại hội thảo ngày 18/11, ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Nestlé Việt Nam, cho biết hiện sản phẩm của công ty đang xuất khẩu sang hơn 30 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính tại EU, như Thụy Sĩ, Anh,… Đặc biệt, Nestlé Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị cao, được chế biến bằng công nghệ hiện đại, như các sản phẩm cà phê, gia vị. Để có ưu thế về chất lượng và đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, Nestlé Việt Nam không ngừng đầu tư từ phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho đến công nghệ chế biến. Đơn cử với sản phẩm cà phê, Nestlé Việt Nam thực hiện chương trình NESCAFÉ Plan từ năm 2011 đến nay, nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cà phê từ người nông dân đến người tiêu dùng, giúp kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác, hỗ trợ cải thiện thu nhập cho người nông dân, đảm bảo bền vững về môi trường. Các hộ nông dân tham gia dự án NESCAFÉ Plan được tập huấn và thực hành phương pháp canh tác bền vững Trong đó, Nestlé Việt Nam hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh để hỗ trợ người nông dân trồng cà phê, từ khâu phát triển và lựa chọn hạt giống đến thực hành canh tác tốt theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án đã giúp người nông dân trồng cà phê giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/ thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ sức khỏe và độ phì nhiêu của đất, giúp tăng tỷ lệ hấp thụ khí các-bon và giảm phát thải, cải thiện đa dạng sinh học. Đồng thời, nhằm đưa Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu sản phẩm Nestlé cho toàn thế giới, Nestlé Việt Nam đang tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu, giá trị cao. Năm 2022, công ty bắt đầu sản xuất và xuất khẩu những lô đầu tiên sản phẩm cà phê hòa tan siêu thượng hạng sử dụng công nghệ sấy đông, sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ. Trước đây, sản phẩm này chỉ được sản xuất quy mô nhỏ tại trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Nestlé tại Mỹ. Nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai là nhà máy đầu tiên sản xuất dòng sản phẩm này ở quy mô thương mại trong toàn bộ Tập đoàn Nestlé. Công ty cũng đang liên tục mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê cao cấp mang thương hiệu Starbucks chuyên biệt cho xuất khẩu sang các thị trường châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc. Việc mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê giá trị cao là một phần trong khoản cam kết đầu tư thêm 132 triệu đô la Mỹ được Nestlé Việt Nam công bố vào những tháng cuối năm ngoái, góp phần đưa sản phẩm “Made-in-Vietnam” chất lượng cao ra khu vực và thế giới. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu đô la Mỹ. Trong một phát biểu gần đây khi sang thăm Việt Nam, ông David Rennie, Phó Chủ tịch Điều hành & Giám đốc Các Thương hiệu Cà phê của Tập đoàn Nestlé chia sẻ rằng, mục tiêu kim ngạch đạt 6 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không thành hiện thực chỉ bằng cách tăng số lượng trang trại cà phê. Trong vài năm tới, sự gia tăng này sẽ không đến từ sản lượng mà đến từ việc gia tăng giá trị cho cà phê. Các thị trường sẽ sẵn sàng trả phí cao hơn cho những sản phẩm chất lượng, được canh tác bền vững. Ví dụ như thị trường EU đang ngày càng kiểm soát chặt hơn đối với hàng nhập khẩu. Vì vậy, Nestlé đang tập trung đi theo hướng phát triển nông nghiệp tái sinh thông qua hợp tác với chính phủ, các viện nghiên cứu, các tổ chức và người nông dân để tìm ra cách thức cải thiện chất lượng của cà phê Robusta tại Việt Nam, tạo nên những hạt cà phê Robusta năng suất hơn, sinh lời hơn so với những hạt cà phê Robusta thông thường. Điều cần làm là tạo giá trị gia tăng cho hạt cà phê Việt Nam thông qua việc gia tăng hàm lượng chế biến thay vì chỉ xuất khẩu cà phê xanh, vốn có giá trị hạn chế. Các hộ nông dân tham gia dự án NESCAFÉ Plan được tập huấn và thực hành phương pháp canh tác bền vững Hiện Việt Nam là nước sản xuất cà phê xanh lớn thứ hai trên thế giới và là nhà cung ứng nguyên liệu này lớn nhất cho Nestlé. Nestlé cũng là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất với tổng giá trị thu mua hàng năm khoảng 20 - 25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam, tương đương 700 triệu đô la Mỹ/ năm. Nestlé Việt Nam còn xuất khẩu các sản phẩm khác, như nước tương Maggi, sữa bột Milo, trà vị chanh Nestea, sản phẩm sữa dinh dưỡng cho người lớn Nestlé Health Science thương hiệu Resource, Novasource cho thị trường Nhật Bản, Úc, Saudi Arabia… Dự kiến, năm 2022, xuất khẩu của Nestlé Việt Nam tăng 30% so với năm ngoái. Công ty đã được Bộ Công Thương trao chứng nhận “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020”. Mai Thảo

Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 - Cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới phân phối Thái Lan

 TĐKT - “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022” do Bộ Công Thương Việt Nam và Tập Đoàn Central Retail tại Việt Nam đồng tổ chức và thực hiện, chính thức khai mạc vào ngày 17/11 và kéo dài liên tục đến hết ngày 20/11, tại Central World – một trong những Trung tâm Thương mại lớn nhất thế giới. Sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm nay được tổ chức đúng vào thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao APEC 2022 (tại Thủ đô Bangkok) và đã vinh dự đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và cắt băng khai mạc sự kiện vào ngày 17/11. Khai mạc tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan Đến dự có: Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Sinit Lertkrai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan Phan Chí Thành… Sự có mặt của các vị lãnh đạo trong Chính phủ hai nước một lần nữa thể hiện quan hệ ngoại giao và hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa… Đây là lần thứ 5 sự kiện được tổ chức với chủ đề Taste of Vietnam, Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm nay tiếp nối mục tiêu của Tập đoàn trong 4 kỳ tổ chức trước đó trong việc chung tay cùng Chính phủ Việt Nam quảng bá nét đẹp văn hóa, các điểm đến du lịch hấp dẫn và đặc biệt là giới thiệu các sản phẩm tốt nhất từ Việt Nam đến thị trường Thái Lan và bạn bè quốc tế. Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện: “Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng phát triển, đặc biệt từ khi Việt Nam và Thái Lan nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược năm 2013. Thái Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN (sau Malaysia) năm 2021. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Thái Lan đạt 18,8 tỷ USD (mức cao nhất từ trước tới nay), tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thái Lan đạt 16,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối tại các nước, trong đó có Thái Lan. Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 là sự kiện thường niên quan trọng trong khuôn hoạt động này, được tổ chức từ năm 2016 đến nay. Để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận và xuất khẩu vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Central Group, trong thời gian qua, Central Retail Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nghiên cứu thị trường, lựa chọn những doanh nghiệp có mặt hàng phù hợp với thị trường Thái Lan, tổ chức các khóa tập huấn thiết thực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển sản phẩm riêng cho thị trường Thái Lan”. Bà Jariya Chirathivat, Phó Chủ tịch Điều hành, phát triển kinh doanh Tập đoàn Central Group kiêm Chủ tịch Central Retail tại Việt Nam cho biết: “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan là một trong những hoạt động mà Central Retail tại Việt Nam hàng năm rất chú trọng. Năm nay, ngoài việc giới thiệu các sản phẩm đặc biệt đến từ Việt Nam, Vietnamese Week 2022 được xây dựng với hình ảnh chủ đạo như Trung tâm thương mại GO! – thành viên của Central Retail tại Việt Nam – hiện diện khắp 3 miền đất nước với 39 địa điểm, qua đó giới thiệu về mô hình trung tâm thương mại đang vận hành thành công và ghi dấu ấn tại Việt Nam đến nước bạn. Cho mỗi sự kiện, đội ngũ nhân sự đầy nhiệt huyết của chúng tôi đều cố gắng làm việc trực tiếp, nắm bắt sát sao theo các chỉ đạo và gợi ý từ Bộ Công Thương Việt Nam nhằm thực hiện chương trình với quy mô và chất lượng ngày càng tốt hơn. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thực hiện hóa tầm nhìn của Central Retail Việt Nam là đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt. Chúng tôi hạnh phúc được là một phần của Việt Nam”. Toạ đàm cấp cao giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam trong khuôn khổ sự kiện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trao kỷ niệm chương ngành Công Thương ghi nhận những đóng góp của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam và cá nhân bà Jariya Chirathivat - Phó Chủ tịch Điều hành, phát triển kinh doanh Tập đoàn Central Group kiêm Chủ tịch Central Retail tại Việt Nam trong việc xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam trong và ngoài nước. Tuần hàng Việt Nam 2022 thu hút hơn 70 doanh nghiệp tham gia trưng bày và kết nối giao thương; qua đó, giới thiệu những sản phẩm Việt Nam được xem là “tinh túy” nhất của Việt Nam, được lựa chọn kỹ lưỡng, với những nét đặc trưng, riêng biệt như: Sản phẩm có những yếu tố cải tiến vượt bậc, sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ Blockchain; sản phẩm thuộc chương trình OCOP Elite; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn… Tiêu biểu như các mặt hàng organic hữu cơ “đi trước thời đại” của Vinamit; Công ty Cội Việt từ Lào Cai (tương ớt Mường Khương, trà cam, nấm hương) sử dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để giữ được hương vị của sản phẩm đồng thời đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người tiêu dùng; Dan On Foods với sứ mệnh tạo ra các loại thực phẩm và đồ uống bổ dưỡng nhất có thể bằng cách kết hợp A.I. công nghệ với sự sáng tạo của con người; các sản phẩm sô-cô-la đạt tiêu chuẩn “kinh tế tuần hoàn” của Miss Ede; sản phẩm hạt macca đạt chuẩn OCOP 4 sao của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương… Nhằm nâng cao cơ hội xuất khẩu sang Thái Lan, Ban Tổ chức đã bố trí khu vực trưng bày Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 với quy mô 45 gian hàng, trưng bày giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa bắt mắt, được trải rộng tại 3 khu vực sảnh chính, tổng diện tích trưng bày chiếm đến gần 1.000 m2 trên tổng 800.000 m2 của trung tâm thương mại Central World. Đặc biệt, khách tham quan còn có cơ hội được giới thiệu về sản phẩm của 2 điểm đến đặc biệt của Việt Nam ở hai đầu đất nước là Lào Cai và Cà Mau với nông sản miền cao và hải sản miền biển cũng như quảng bá du lịch và các giá trị văn hóa vùng miền của 2 địa phương. Sự kiện dự kiến sẽ đón tiếp 500.000 lượt khách trong 5 ngày diễn ra sự kiện. Cũng trong khuôn khổ của Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm nay, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Kết nối kinh doanh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các đơn vị thu mua thuộc hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Group Thái Lan và các nhà nhập khẩu Thái Lan. Tại Hội thảo này, các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam không những có cơ hội giới thiệu sản phẩm, mà còn có thêm các cơ hội kết nối giao thương quan trọng. Central Group Thái Lan đồng thời nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Thái thông qua đa dạng các kênh phân phối riêng cùng nhiều sáng kiến kinh doanh. Tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan đã giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công bằng chính thương hiệu của mình sang hệ thống phân phối của Central Group Thái Lan: MR. VIET (cà phê), BIBICA, VIFON, TRUNG NGUYÊN, VINAMIT, HẢI BÌNH (hạt điều), CHINSUFOODS, ĐẠI VIỆT, HỒ TIÊU VIỆT, cho thấy, kết quả tích cực mà Tuần hàng mang lại. Từ đây cũng cho thấy, thị trường Thái Lan cũng không quá “khó tính”. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người Thái Lan. Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 nhận được sự đồng hành của các nhà tài trợ chính Vietjet Air, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á SeABank, Tập đoàn sơn Kova; Công ty CP Hanh Silk và Công ty TNHH Drinkizz. Hồng Thiết

Phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

TĐKT - Ngày 17/11, tại Thái Nguyên đã diễn ra Lễ ký quy chế phối hợp công tác giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên. Ông Trần Đức Hùng, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh cho biết, thời gian qua sự phối hợp giữa Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh và Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã phát huy được vai trò, chức năng của mỗi đơn vị trong việc quản lý và hỗ trợ hiệu quả cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lễ ký quy chế phối hợp công tác giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, hai đơn vị đã cùng xác nhận điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan của các doanh nghiệp chế xuất theo quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Cùng với đó, hai bên cũng đã xác minh, truy tìm đối với tổ chức, cá nhân có dấu hiệu bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính. Hai đơn vị cũng đã phối hợp hiệu quả trong việc hướng dẫn các nhà đầu tư tìm hiểu quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật hải quan, trong quá trình các doanh nghiệp có hoạt động tìm hiểu đầu tư vào địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian tới, khi quy chế được ký kết thì Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác của hai đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư của các tổ chức kinh tế có xuất khẩu, nhập khẩu, hải quan trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Quy chế cũng nêu rõ, hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thủ tục hành chính và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, công bằng và phát triển của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời những nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế trong các khu công nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội. Đặc biệt, ông Trần Đức Hùng cho biết, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh sẽ có những hỗ trợ và tư vấn kịp thời thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp từ khi doanh nghiệp có hoạt động tìm hiểu đầu tư vào địa bàn tỉnh Thái Nguyên tại Ban quản lý các khu công nghiệp. Giúp doanh nghiệp giảm thời gian, giảm đầu mối khi tìm hiều các chính sách quy định về đầu tư, quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tin tưởng sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh sẽ góp phần cải thiện xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tiếp theo, đặc biệt là nâng cao các chỉ số thành phần như chỉ số chi phí thời gian, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh trên địa bàn tỉnh. Để phát huy hiệu qua thực hiện Quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh cần nghiên cứu, triển khai, thực hiện tốt các nội dung trong Quy chế phối hợp để hoàn thành các nhiệm vụ mỗi đơn vị được giao. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trọng việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực của ngành. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh trong triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cũng đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh tăng cường hỗ trợ và tư vấn kịp thời thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư trên địa bàn các khu công nghiệp nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Giúp doanh nghiệp giảm thời gian, giảm đầu mối khi tìm hiểu các chính sách về đầu tư, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh là đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên. Cục Hải quan Bắc Ninh quản lý khoảng 4.100 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan 10 tháng đầu năm 2022; trong đó, các doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên là 450 doanh nghiệp, nổi bật là một số doanh nghiệp có quy mô rất lớn, thuộc hệ thống các tập đoàn đa quốc gia như SamSung; Canon... Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đạt con số 163 tỷ USD và đã trở thành đơn vị Hải quan có kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu cả nước. Tính đến ngày 10/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 152 tỷ USD và vẫn tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong các đơn vị hải quan cả nước; trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 42,8 tỷ USD, bằng 106% cùng kỳ năm 2021. Tính đến ngày 10/11 số thu ngân sách nhà nước trên địa bản Hải quan Bắc Ninh quản lý đạt con số đạt 10.961 tỷ đồng, riêng tỉnh Thái Nguyên đạt 2.734 tỷ đồng, vượt 44% chỉ tiêu thu NSNN được giao. Hồng Thiết

Trang