Hội thảo: “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023”
14/12/2022 - 15:49

TĐKT - Sáng 14/12, tại Hà Nội, Báo Xây dựng tổ chức Hội thảo: “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023”.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế. Trong thời gian qua, giá trị sản xuất ngành Xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.

Toàn cảnh Hội thảo

Bộ Xây dựng nỗ lực thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện. Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện.

Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng còn một số vấn đề bất cập, như một số quy hoạch xây dựng còn thiếu tầm nhìn, triển khai chưa đồng bộ giữa các loại và cấp độ quy hoạch dẫn tới việc triển khai chương trình, dự án còn chậm; nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ dự án, công trình trọng điểm quốc gia có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định, thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Với vai trò là cơ quan chỉ đạo tổ chức Hội thảo, Bộ Xây dựng hoan nghênh và ghi nhận sự hoạt động tích cực cũng như sáng kiến của Báo Xây dựng và sự tham gia của đông đảo quý vị ngày hôm nay.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng tin tưởng và kỳ vọng Hội thảo này sẽ là diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan ban, ngành, hiệp hội, các nhà khoa học, giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí – truyền thông, doanh nghiệp... gặp gỡ, trao đổi, phân tích đánh giá về thực trạng, cơ hội, tiềm năng đầu tư và thách thức đối với ngành Xây dựng và ngành kinh tế của đất nước. Hội thảo kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị tốt nhất, Bộ Xây dựng là cầu nối sẽ tổng hợp gửi các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành để xem xét tiếp thu, phục vụ xây dựng chính sách và điều hành, góp phần cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sắp tới.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: Tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Chỉ thị nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Để khép lại năm 2022 với nhiều thông tin biến động, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội các năm tiếp theo, đặc biệt là năm 2023, Báo Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo: “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”. Trong đó, tập trung vào nội dung như: Chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ; sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp; thúc tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm..., tạo động lực phát triển kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định: Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.

Định hướng giải pháp chủ yếu được dự kiến là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm cơ sở thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...

Ông Hồ Sỹ Hùng nhận định: Khả năng chống chịu tốt của kinh tế Việt Nam năm 2022, đặc biệt là những hiệu chỉnh về chính sách và điều hành những tháng cuối năm 2022 về tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, kiểm soát và nới chỉ số lạm phát năm 2023 lên không quá 4,5%… là rất cần thiết và sẽ tạo đà cho sự hồi phục nhanh hơn và phát triển trong thời gian tới của năm 2023.

Theo ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2023 là năm phải thực thi các hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra.

Đối với các nhóm giải pháp đã được đặt ra, cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc. Một trong những vấn đề đó là cơ chế, thể chế. Cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như vấn đề đầu tư công. Giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vướng mắc tránh những giải pháp đột ngột, không dự báo trước được khiến cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng, chuyển hướng. Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cần quan tâm đặc biệt là sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính. Sự tham gia này không chỉ của mỗi Nhà nước mà có trách nhiệm của tất cả các chủ thể. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm, đây là cơ hội, là thời cơ để bứt phá.

Bên cạnh các tham luận, toạ đàm đã bàn về chủ đề: Động lực nền Kinh tế Việt Nam đến từ đâu? Những thảo luận, kiến nghị, đề xuất, về giải pháp được đưa ra nhằm hiến kế để phát triển nền kinh tế Việt Nam ổn định, thịnh vượng trong năm tới.

Phương Thanh