Thành tựu trong công tác cải cách phát triển hiện đại hóa Hải quan
12/12/2022 - 11:16

TĐKT - Công cuộc cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan Việt Nam được bắt đầu thực hiện từ năm 1987, trải nhiều giai đoạn phát triển, toàn ngành Hải quan đã nỗ lực, tập trung và tranh thủ các nguồn lực, trên cơ sở bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về Hải quan phù hợp với từng giai đoạn phát triển và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; quyết liệt trong công tác triển khai… nhằm xây dựng và Hải quan Việt Nam phát triển, hiện đại, hội nhập cùng Hải quan thế giới; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Hiện đại hóa Hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh

Kết quả nổi bật

Mặc dù trong quá trình thực hiện, ngành Hải quan phải đối diện với không ít những thách thức, khó khăn, nhưng đến nay, ngành Hải quan có thể tự hào khẳng định công cuộc cải cách, phát triển và hiện hóa Hải quan Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo ra bước phát triển đột phá cho Hải quan Việt Nam, đưa cơ quan Hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, trở thành một trong những đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý, từ đó giúp giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời giúp cho ngành Hải quan theo kịp sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh lực lượng ngành không tăng thêm mà còn phải thực hiện tinh giản theo chính sách tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước.

Cải cách hiện đại hóa hải quan đã đáp ứng các yêu cầu của quản lý hải quan hiện đại, tạo nền tảng cho Hải quan Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, theo kịp sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam (Từ 2011 - 2019, số lượng tờ khai XNK tăng gấp 287,7% (từ 4,63 triệu tờ khai lên 13,32 triệu tờ khai); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gấp 254% (203,7 tỷ USD lên 517,7 tỷ USD); số thu ngân sách của Hải quan tăng gấp 160% (từ 217.014,76 tỷ đồng lên 347.280,7 tỷ đồng), trong khi đó, số lượng biên chế không tăng thêm mà còn phải thực hiện tinh giản theo chính sách tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước).

Bên cạnh đó, hệ thống thể chế quản lý nhà nước về Hải quan đã tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế, hoàn thành các mục tiêu cải cách phát triển hiện đại hóa Hải quan. Thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử. Tăng cường áp dụng các phương thức quản lý hải quan hiện đại, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương quốc tế, trong đó, quản lý rủi ro đã được áp dụng toàn diện trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan đã được triển khai mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến nhảy vọt, ngành Hải quan đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cốt lõi là hệ thống thông quan điện tử tự động VNASSC/VCIS và các hệ thống e-Manifest (trao đổi thông tin trước khi hàng đến), e-Payments (thanh toán thuế điện tử), e-C/O, e-Permits (thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ

Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 - 3 giây.

Đơn cử, từ năm 2012, Cơ quan hải quan đã kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại và kho bạc nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment).

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Việc triển khai hệ thống VASSCM góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp. Đến nay, việc thực hiện giám sát hải quan tự động được thực hiện tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đã có bước đột phá. Tính đến ngày 15/6/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của hơn 54.8 nghìn doanh nghiệp. Về Cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 9 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Phillipine. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.

Việc thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát bằng hệ thống trang thiết bị hiện đại như hệ thống camera giám sát, seal định vị, máy soi container, hệ thống tàu, thuyền công suất lớn, hiện đại... cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã làm thay đổi căn bản phương thức giám sát từ thủ công sang điện tử, tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Phương pháp quản lý nguồn nhân lực hiện đại từng bước được tăng cường áp dụng, góp phần thúc đẩy trình độ, năng lực của cán bộ công chức hải quan ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Chuyển dần mối quan hệ giữa hải quan và doanh nghiệp từ quan hệ giữa cơ quan quản lý và đối tượng quản lý sang quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp, góp phần giám sát thực thi pháp luật và hợp tác nâng cao hiệu quả quản lý hải quan.

Công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan đã có những chuyển biến rõ nét với các hoạt động hội nhập và hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần hỗ trợ mạnh mẽ cho tiến trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa của ngành Hải quan.

Tiến trình cải cách hiện đại hóa hải quan đã thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ phối hợp, gắn kết giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành và các lực lượng chống buôn lậu gian lận thương mại, đảm bảo mục tiêu vừa tạo thuận lợi thương mại vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời, tạo tiền đề để thay đổi phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.

Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng hóa thông qua mã vạch

Định hướng xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030

Ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia”.

Thực hiện mục tiêu tổng quát, Chiến lược đã đặt ra 7 mục tiêu chủ yếu, cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Thứ hai, tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của WCO.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan hiện đại với phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan truyền thống nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm.

Thứ tư, xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ năm, đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu tinh gọn hợp lý, giảm đầu mối trung gian. Đẩy mạnh xây dựng và triển khai mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới; phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan. Nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Thứ bảy, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” (sau đây gọi tắt là Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu).

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đã được xác định. Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 xác định và đặt ra 26 chỉ tiêu phấn đấu đạt được trong quá trình triển khai và khi hoàn thành Chiến lược; 8 hệ thống các giải pháp toàn diện, đồng bộ, đầy đủ trong mọi lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Hồng Thiết